Ai ra xứ Huế
Ngày Tết nói chuyện chơi ở Huế
15:44 | 01/08/2008
TRẦN ĐỨC ANH SƠNSau hơn 1,5 thế kỷ được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ của Đàng Trong, đến cuối thế kỷ XVIII, Huế trở thành kinh đô vương triều Tây Sơn (1788 - 1801) và sau đó là kinh đô của vương triều Nguyễn (1802 - 1945).
Ngày Tết nói chuyện chơi ở Huế

 một nơi từng được tán tụng “mặt đất thì non sông tươi đẹp, biển cả thì sóng nước mênh mông..., đàn ông khá cương cường, đàn bà hơi mềm mại, trai thì trọng đức dũng cảm tài lương, gái thì quý nết đoan trang cần kiệm...”, lại được tiếp nhận những tinh hoa của đất nước tụ hội về bởi vị thế của một kinh đô, xứ Huế, trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XVI đến đầu XX, xứng đáng là chốn đô hội của cả nước. Việc nhà Nguyễn chọn Huế để định đô trong gần 1,5 thế kỷ đã làm nảy sinh nơi đây lớp người thượng kinh và theo đó là một lối sống kinh kỳ. Điều này góp phần tạo nên những nét đặc sắc trong lối sống, cách ứng xử, cũng như trong việc thưởng ngoạn và tiêu khiển của người dân xứ Huế.
 Sự tồn tại và phát triển các trò tiêu khiển ở xứ Huế bắt nguồn từ sự du nhập các trò giải trí và thú tiêu khiển truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc Bộ rồi cải biên cho phù hợp với điều kiện địa lý, môi trường và hoàn cảnh lịch sử ở vùng đất mới. Nhiều trò chơi dân gian của người dân Đại Việt xưa, đã theo bước chân của những lớp dân tiến, có mặt ở Thừa Thiên Huế ngay từ khi mảnh đất này còn là “Ô châu ác địa”. Trong giai đoạn đầu, những trò tiêu khiển ấy vẫn mang đậm dấu ấn từ những trò vui của cư dân châu thổ sông Hồng. Đó là những trò chơi gắn với các lễ hội dân gian, được nhà nước đứng ra tổ chức để mua vui cho thiên hạ trong các dịp lễ lượt như đua ghe, đấu vật, đu tiên... Điều này thể hiện khá rõ qua một đoạn ghi chép của Nguyễn Khoa Chiêm trong sách Nam triều công nghiệp diễn chí: “Lại kể năm Cảnh Trị thứ 10, Nhâm tý, tháng 2 (đúng ra là năm Dương Đức thứ nhất, 1672) chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) nhàn hạ, triệu trai gái xã Hạ Lan tới trước gác Quyển Bồng, bày cuộc chơi đùa làm vui: đánh cờ người, đá cầu, xích đu. Có thể nói là một thắng hội. Khi ấy các quan liêu, dân bách tính trai già gái trẻ, dắt con ôm cháu, cùng tới xem chơi, không thể đếm xiết”.
 Về sau, nhiều thú vui xuất xứ từ nơi thôn dã, được tầng lớp trên trong xã hội mới tiếp nhận và cải biên cho phù hợp với lối sống quyền quý của họ. Từ đó tạo nên những trò giải trí và tiêu khiển theo lối Huế, được đánh giá là phong phú, độc đáo và mang sắc thái riêng, khi so sánh với những trò giải trí và thú tiêu khiển ở các vùng khác của Việt . Mặt khác, tầng lớp trên trong xã hội cũng là những người khởi xướng các trò giải trí và thú tiêu khiển mới như: trò chơi đầu hồ, thưởng thức ca nhạc cung đình, thả thơ, uống trà... Giới quý tộc và quan lại ở cố đô xưa đã học hỏi, bắt chước những trò chơi có trong sách vở viết về ở đời sống cung đình Trung Hoa, để phục vụ cho nhu cầu giải trí của giai cấp mình. Theo thời gian, những trò này đã vượt khỏi chốn cung cấm, lan ra phố phường và thôn xóm ngoại thành, được tầng lớp bình dân tiếp nhận, rồi cải biên hoặc bổ sung một vài chi tiết cho phù hợp với địa vị và lối sống của họ. Cũng có những thú vui không rõ do ai khởi xướng nhưng lại được người Huế, từ sang đến hèn, chấp nhận thưởng thức. Có trò phổ biến công khai như chơi hoa kiểng, non bộ, nuôi chim...; nhưng cũng có trò sôi động trong sự lặng lẽ như thú ngủ đò hay các trò cờ bạc đỏ đen...
 Đến thời thuộc Pháp, nhiều trò giải trí có nguồn gốc châu Âu, được du nhập vào Thừa Thiên Huế như: domino, billard, bài tây..., cùng tồn tại với những trò chơi có từ trước. Bên cạnh đó, vài trò chơi truyền thống cũng có những thay đổi cho phù hợp xu thế của thời đại. Ví dụ trò thả thơ, thay vì dùng thơ chữ Hán đời Đường, Tống, Minh, người ta chuyển sang dùng thơ chữ Nôm của Trần Tế Xương, Tản Đà... để thả thơ; hay như trò tài bàn, mạt chược, vốn du nhập từ Trung Quốc, nguyên thuỷ chỉ có 136 quân cờ, về sau phát sinh thêm các quân bài mai-lan-cúc-trúc-xuân-hạ-thu-đông-tổng-đồng-vạn-sách-hoa-nguyên-hỷ-hạp, nâng số quân cờ lên 152 quân.
 Thú tiêu khiển ở Thừa Thiên Huế luôn có tính hai mặt: bình dân và bác học, dân dã và cung đình. Chẳng hạn trong trò thả diều, con diều vốn xuất phát từ trò chơi giản đơn của đám con nít nơi thôn quê, được người lớn phát triển thành con diều có hình dáng phức tạp hơn. Cuối cùng, nó được lớp người thượng kinh biến thành những nhân vật của bộ môn "múa rối trên không", dựa trên trong các tích tuồng xưa, lộng lẫy màu sắc. Hay như trong bộ môn ca Huế, có khi ca từ bắt nguồn từ những bài ca dao, những bài vè trong dân gian, nhưng cũng có những làn điệu, những khúc ca có ca từ là những bài thơ do các thi sĩ chuyên nghiệp, hay các bậc thức giả sáng tác như bài Phẩm tiết, do công chúa Mai Am sáng tác, bài Tứ đại cảnh, do vua Tự Đức đặt ra. Có nơi, có lúc mặt này trội hơn mặt kia, nhưng rất khó tách bạch rõ ràng. Ngược lại, các mặt này thường đan xen, bổ sung cho nhau, tạo nên những nét đặc thù trong các trò giải trí ở Huế.
 Những thú vui ở Huế, ngoài mục đích tiêu khiển, giải trí, còn nhằm để khoa trương tài nghệ, óc thẩm mỹ tinh tế, sự tinh xảo, khéo léo và cả tri thức, học vấn của người dự cuộc. Để thỏa mãn thú đỏ đen hay thử vận hên xui, ngoài những trò cờ bạc diễn ra trong các sòng tổ tôm, tứ sắc..., người Huế còn tìm đến các trò thả thơ, đố chữ trên lồng đèn, nơi mà sự uyên bác trong học vấn quyết định sự thắng thua chứ không phải là tính sát phạt. Tương tự, người ta tìm đến các hội bài chòi, bài thai là để được thưởng thức những câu hò, giọng hát, để đắm mình trong không khí rộn ràng của cuộc vui hơn là để thử vận may rủi. Ngay như cái thú ngủ đò, vốn có nhiều điều tiếng, nhưng không phải ai xuống đò cũng chỉ để "chơi hoa thưởng nguyệt". Một dịp xuống đò đi dọc dòng Hương là một dịp tìm hiểu lịch sử và những giai thoại của dòng sông, của những vùng đất ven đôi bờ sông, cũng là một dịp biết thêm những khoảng sáng tối trong cuộc đời của người kỹ nữ qua những chuyện canh trường của nàng, thứ đến mới là chuyện nếm trải hương tình trong một khung cảnh ngập tràn kỳ thú của trăng nước Hương Giang.
 Một đặc điểm khác trong các trò tiêu khiển ở Thừa Thiên Huế là dường như có một sự phân định vô hình trong việc tổ chức và thưởng ngoạn, giữa những lớp người có địa vị khác nhau trong xã hội: Đầu hồ là một trò chơi phổ biến trong cung vua, phủ chúa, nhưng không thấy lan truyền trong dân gian. Người ta cũng chỉ thấy trò thả thơ, đố thơ xảy ra nơi các vương phủ và thành phần tham dự đều là những bậc phong lưu, có học vấn chứ không phải là những tay trọc phú lắm tiền ít chữ. Cũng chưa bao giờ có một quan chức nào, dù là võ quan, so tài trong các sới vật đầu năm ở các hội làng, cho dù họ là người đã từng tỉ thí trong các kỳ thi võ do triều đình tổ chức. Điều này là hệ quả của sự khác biệt địa vị, học vấn và tình hình kinh tế của từng bộ phận dân cư trong xã hội.
 Xứ Huế có những thú vui dành cho đám đông như trò đua ghe, thả diều, đấu vật; song cũng có nhiều thú giải khuây chỉ dành cho một nhóm người, thậm chí một người, như thú uống trà, đánh cờ hay sưu tầm cổ ngoạn. Có những thú vui nhằm để phô diễn sức mạnh cơ bắp như đua ghe, đấu vật; có thú vui dùng trí như đánh cờ, hay khoe tài học vấn như thả thơ, đố thơ; có thú vui thể hiện sự khéo léo như chơi đầu hồ, hay khoe sự sáng tạo như làm diều và thả diều; nhưng có thú vui lại thể hiện một ước mơ về học vấn cho bản thân và gia đình như trò đổ xăm hường, hay thể hiện một khát vọng liên lạc giữa cõi dương với cõi âm, giữa hư với thực như trò cầu tiên.
 
Thú vui xứ Huế không chỉ phong phú về dạng thức, loại hình mà còn hợp thời, hợp cảnh. Dương Văn An trong Ô châu cận lục từng viết: "Xuân sang thì mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch, hạ đến thì bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa nơi ca". Không ai thả diều hay du thuyền trên sông Hương trong vào những ngày mưa dầm gió bấc, cũng như các cuộc trà chỉ thực sự mang đến cho ẩm khách cảm giác khinh khoái trong những ngày đông giá rét, chứ không phải trong những trưa hè oi bức. Thiên nhiên và thời tiết vừa giúp vào việc sản sinh ra các loại hình giải trí ở Huế, đồng thời, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến thời điểm diễn ra các cuộc vui ấy.
 Có một cảm nhận khác khi tìm hiểu về thú tiêu khiển ở Thừa Thiên Huế là có nhiều trò giải trí gắn liền với những dòng sông. Đó là dòng Hương Giang ở Huế; là sông Bồ Điền ở Quảng Điền, là dòng Ô Lâu ở Phong Điền, là vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai, Lăng Cô...ở vùng duyên hải phía đông. Những trò đua ghe, đua trãi, các cuộc vui trong các cuộc lễ cầu ngư, thú đi câu, ca Huế trên sông, ngủ đò..., đều gắn liền với sông nước và cả những trò vui, tuy trên cạn, nhưng lại có gốc gác gắn bó với sông nước như hát tập chèo, hò bả trạo... Ngay như thú thả diều cũng thế. Đừng tưởng cánh diều bay lượn trên bầu trời kia là không có quan hệ gì với sóng nước của những dòng sông xứ Huế. Vị trí được các tay chơi diều ưa thích là những bãi đất ven sông, vì ở những nơi này mới có một khoảng không thoáng đãng để nâng bổng cánh diều. Dòng sông xanh, bầu trời xanh và cánh diều đủ màu sắc đang vi vu giữa hai tấm phông xanh tự nhiên kia sẽ trở nên lộng lẫy hơn, quyến rũ hơn. Vì thế mà trong những trưa hè cháy bỏng, ngang qua cầu Trường Tiền hay cầu Phú Xuân, người ta thường thấy những cánh diều chao lượn trên bầu trời, in bóng xuống dòng Hương trong xanh. Sông Hương đã đọng lại trong tâm thức người dân Huế một tình cảm dịu dàng, quyến rũ, thì cũng in dấu lên những trò tiêu khiển xứ Huế như nguồn cội của niềm hứng khởi và lạc thú, mà thiếu nó, hẳn những thú vui của miền đất này sẽ không trọn vẹn và phong phú đến vậy.
 Các trò tiêu khiển ở Thừa Thiên Huế có thể tạm phân thành ba nhóm nhỏ, dựa trên quy mô tổ chức và số người dự cuộc:
 - Những trò giải trí mang tính cộng đồng như các trò đua ghe, vật võ, đu tiên...
 
- Những trò giải trí và tiêu khiển mang tính hội nhóm như thú ngâm vịnh, đối họa thi văn, thưởng thức ca nhạc Huế, thú uống trà, các trò chơi thả thơ, đề thơ trên lồng đèn, đổ xăm hường, đầu hồ, hay các trò cờ bạc khác như tứ sắc, bài xẹp; tổ tôm, kiệu, tài bàn, mạt chược...
 
- Những trò giải trí và tiêu khiển mang tính cá nhân như thú chơi non bộ, vườn đá: chơi hoa và cây kiểng, thú ngủ đò...
Tuy nhiên, sự phân định trên chỉ có tính tương đối vì có những thú
vui xếp vào nhóm này hay nhóm kia đều được. Ví dụ uống trà có thể là thú tiêu khiển cá nhân nhưng khi có một nhóm người thường xuyên tụ họp để thưởng trà, bình thơ thì thú vui này đã mang tính tập thể, hội nhóm. Hay như khi chơi đầu hồ, ngoài mục đích thư giản, đây còn là dịp để người chơi tập luyện tính kiên trì, khéo léo, nhưng khi có hai hay ba người cùng tham gia thì trò này đã mang tính hội nhóm và cần phải có luật chơi để phân định thắng thua.
 Tiêu khiển và sáng tạo ra các trò tiêu khiển là chuyện phổ biến đối với các cộng đồng cư dân trên thế giới. Mỗi vùng đất, mỗi cộng đồng cư dân có một lối tiêu khiển riêng và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thú tiêu khiển ở Huế cũng thế. Và đó chính là một trong những bộ phận tổ thành di sản văn hóa Huế. 
T.Đ.A.S

(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Về A Lưới (22/05/2008)