Ai ra xứ Huế
Từ nghề nghiệp một số nghề cổ truyền ở Huế
10:51 | 07/05/2010
TRƯƠNG THỊ THUYẾT1. Huế không chỉ nổi tiếng là một thành phố đẹp, nên thơ với những danh lam thắng cảnh như sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ và những lăng tẩm cổ kính...mà còn được du khách biết đến bởi những nghề truyền thống của mình.
Từ nghề nghiệp một số nghề cổ truyền ở Huế
Nghề nón lá - Ảnh: vietbao.vn

 Nghiên cứu về Huế, ngoài việc nghiên cứu lịch sử, địa lý và những lĩnh vực khoa học khác, chúng ta cần nghiên cứu về những đặc trưng ngôn ngữ. Việc tìm hiểu từ ngữ nghề nghiệp một số nghề cổ truyền chính là phục vụ cho mục đích đó

Để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã phải tiến hành làm việc theo phương pháp trực tiếp điều tra bằng cách hỏi các nghệ nhân về tên gọi, chức năng, đặc trưng... của từng sự việc, từng dụng cụ, từng thao tác, từng thành phẩm. Sau đó, chúng tôi làm công việc đối chiếu, so sánh các tư liệu có được tại các địa bàn khác nhau của Huế. Điều đó đảm bảo độ tin cậy trong khi xử lý những từ ngữ thu thập được về các mặt sau:

- Tìm hiểu tên gọi và cách gọi tên một số nghề cổ truyền ở Huế.

 - Tìm hiểu về cấu tạo cũng như đi tìm những nét tương đồng và dị biệt giữa từ nghề nghiệp với từ địa phương, từ cổ...

 Do khuôn khổ bài viết nên ở đây chúng tôi chỉ dừng lại khảo sát về tên gọi và cách gọi tên của ba nghề: nón lá, thêu, và điêu khắc trên gỗ.

 Như chúng ta đã biết cách gọi tên của từ nghề nghiệp nằm trong xu thế đặt tên cho sự vật, hiện tượng hay quá trình lao động. Việc gọi tên này chủ yếu có thể dựa trên các cơ sở sau:

 + Dựa vào chức năng, đặc trưng về nguồn gốc của từ nghề nghiệp.

 + Dựa vào các công đoạn để đặt tên.

Ảnh: simplevietnam.com

2. Có thể bắt đầu bằng một số từ ngữ nghề nón lá. Ai đã một lần đến Huế hẳn không thể quên bóng dáng cô gái Huế duyên dáng trong tà áo dài màu tím với chiếc nón bài thơ che nghiêng. Nón lá Huế đã có mặt ở khắp nơi, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Huế nổi tiếng là xứ sở của nón lá. Chằm nón là một nghề cổ truyền xuất hiện từ lâu ở đất này.

 Qua khảo sát, chúng tôi thu được 97 từ ngữ chỉ tên gọi của nghề và các hiện tượng liên quan đến nghề này. Ở đây, tên gọi của từng sự vật hầu như đều có chức năng riêng trong từng công đoạn. “Gấc chằm vành chân” chỉ có một chức năng dùng để chằm vành cuối cùng. Nó khác với “gấc vấn” là loại gấc dùng để vấn vành. “Vành giằng” chỉ dùng vào việc giữ lá khi chằm nên vị trí luôn nằm ngoài “lá nón”.

 Người ta còn gọi tên các sự vật dựa vào đặc trưng tính chất, hình dáng... của nó. Loại khuôn có độ dốc hơi đứng được gọi là “khuôn đứng”. Khuôn hơi bành ra được gọi là “khuôn trảng”. Khuôn tạo mái nón hơi bầu lại có tên “khuôn bầu”. Trong phân loại lá nón người ta chia ra “lá đực”, “lá cái”, “la gia”, “lá non”... như sự phân loại sự vật hữu sinh vậy. Còn kết quả sản phẩm thì lại được gọi tên theo số lớp lá, theo sắc màu của bài thơ: “nón hai lớp”, “nón ba lớp”, “nón bài thơ đỏ”, “nón bài thơ tím”...

Từng dụng cụ, từng bộ phận của dụng cụ được người thợ “làng nón” gọi bằng những tên gọi thích hợp. “Khuôn” nói chung là một cái gì đó có giới hạn nhất định. “Khuôn nón” được làm bằng gỗ, có 12 “kèo dọc” xếp theo hình chóp. Khuôn có 17 “nấc”. Khoảng cách từ nấc sau ngắn hơn nấc trước 1 mm tính từ dưới lên. “Vành” cũng có nhiều loại mang ý nghĩa loại biệt rõ nét.”Vành cương” là loại vành dưới cùng của khuôn. “Vành giằng” dùng để giữ lá nón khi chằm đúng như tên gọi của nó.

 Do tính chất công việc của nghề nón lá cần nhẹ nhàng nên các thao tác trong nghề cũng tỷ mỷ, nhẹ nhàng và hàm chứa cả thủ thuật nhà nghề. Cũng là “sắp” nhưng lá khi cho lên nón phải “sắp xéo” sau khi đã “ủ lá”, "ủi lá". Trong nghề nón, “lựa lá” là khâu quan trọng nhất. Người làm nghề khai thác lá nón phải biết chọn lá “đứng tuổi”. Nếu chọn lá già quá sẽ làm cho nón thô, nặng. Lá non khi “xây” nón không đẹp. Một chiếc nón nếu chọn được lá “vừa tuổi” chỉ cần tám, chín lá là đủ. Người thợ khi “chằm một tay” khi “chằm hai tay”. Người ta có thể “chằm thưa”, “chằm dày”, “chằm thô” hay “chằm mảnh” tùy theo yêu cầu của từng loại sản phẩm. Tùy theo mức độ diễn biến công việc và tính chất của nó mà người ta đặt ra tên gọi cho các hoạt động, động tác.

Sản phẩm làm ra người ta không dựa vào chức năng mà chủ yếu dựa vào chất liệu, màu sắc, mục đích tiêu thụ... để gọi tên. Nón được người tiêu thụ đặt hàng trước khi làm gọi là “nón đặt”. Làm bán sỉ cho bạn hàng ở chợ gọi là “nón chợ”. Nón lợp bằng lá gì được gọi tên ấy: “nón lá dừa”, “nón lá kè”... Nón có cài hoa giữa hai lớp lá được gọi “nón bông”, cài bài thơ gọi “nón bài thơ”. Đến lượt mình “nón bài thơ” lại được gọi tên loại biệt theo màu sắc: “nón bài thơ đỏ”, “nón bài thơ tím”. Nói chung nón bài thơ thuộc “nón hai lớp”. Giữa hai lớp lá có lót hình ảnh chùa Thiên Mụ đối diện với cầu Trường Tiền. Một phía khác là hình đôi nam nữ, đôi chim én hay một bông hồng đối diện với bài thơ. Tất cả đều lồng trong khung giấy hoa có sẵn và nhuộm màu đỏ, tím... Tên gọi “nón bài thơ đỏ”, “ nón bài thơ tím”... là dựa vào màu sắc ở khung này.

3. Thêu là một nghề thủ công truyền thống ở Huế. Sản phẩm của nó là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao. Khảo sát nghề thêu ở các cơ sở thêu xuất khẩu trong thành phố, chúng tôi thu nhập được149 đơn vị chỉ tên gọi của nghề. Người ta gọi tên có thể dựa vào chức năng của nó. Khung để thêu được gọi là “khung thêu”. Trong “khung thêu” lại có các tên gọi loại biệt, chẳng hạn khung thêu gối thì gọi là “khung gối”, thêu khăn gọi là “khung khăn”... Phần lớn từ ngữ dựa vào tính chất của màu sắc để phân biệt vì nghề thêu là một nghề thủ công đòi hỏi một số lượng màu sắc rất lớn để tạo hình. Người thợ thêu Huế sử dụng những sắc chỉ mang đặc trưng rất riêng: “chỉ tím”, “chỉ cổ đồng”, “chỉ hoa hiên”, “chỉ hoa hồng”, “chỉ lục nguyệt bạch”, “chỉ dạ lang”, “chỉ cổ đồng phai”... Có lúc dựa vào tính chất công việc hay quá trình làm việc, người thợ có các tên gọi: “thêu chăng chặn”, “thêu sa hạt thẳng”, “thêu đâm xô ngang”, “thêu đâm xô lượn”, “thêu đâm xô xoay”,thêu lướt vặn cong”, “thêu bó bạt lượn cong”...

Hoa tình yêu - tranh thêu - Ảnh: thethaovanhoa.vn


 Trong quá trình sản xuất có những hiện tượng liên quan đến kỹ thuật như: để mũi chỉ thêu sau không đúng vào đầu mũi thêu trước tạo nên mối hở gọi là “hở khe”. Thêu đẹp là khi “chân chỉ đều” thêu xấu là khi “chân chỉ mẻ”. Nếu chỉ khi thêu bị chồng lên nhau gọi là “thêu bị vác” hay “vác chỉ”.Vác” biểu thị hành động mang trên vai cái gì đó.

Khi sản phẩm ra đời, để gọi tên, người thợ có thể dựa vào chức năng của sản phẩm. Chẳng hạn, tấm dùng trải giường được gọi là “ra trải giường”, gối cho một người goi là “gối lẻ”, cho hai người gọi là “gối đôi”. Mỗi sản phẩm phẩm là một bức tranh hài hòa. Ở bốn góc của tấm “ra trải giường” thường thêu “bốn cành trôi”, ở giữa thêu “giàn hồng”. Trên mỗi sản phẩm là hình ảnh của thế giới tự nhiên như hoa lá, chim chóc, cỏ cây... Vì phải tỉ mỉ, khéo léo và làm nổi bật hình thêu trên nền vải nên người thợ đã phân biệt sự vật bằng các tên gọi mang tính biệt loại đến từng chi tiết. Chẳng hạn, cũng là bông hồng nhưng trên sản phẩm này thì “bông hồng bạch”, sản phẩm kia lại là “bông hồng quế”. Có những tên gọi các loài hoa trên sản phẩm được đặt theo quá trình phát triển của sự vật từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc: “hoa sơ khai”, “hoa hàm tiếu”, “hoa thịnh khai”, “hoa mãn khai”, “hoa tạ khai”. Trên áo cưới, gối cưới... được người thợ thêu Huế thêu những mẫu hình mang tính cách điệu. Tên gọi các hình thêu trên sản phẩm thường có một yếu tố chỉ động vật, một yếu tố chỉ thực vật: “mai-trĩ”, “trà-trĩ”, “chim-hoa”, “tùng-hạc”, “sen-phượng”...

Phương thức tạo hình của nghề thêu rất quan trọng. Ở đây, người ta làm công việc tái tạo lại thế giới tự nhiên bằng đường kim mũi chỉ. Vì vậy, người thợ thêu phải sử dụng linh hoạt và chính xác các màu. Làm thế nào để sản phẩm làm ra phải phản ánh đúng sự vật như trong thực tế. Người thợ giỏi không chỉ đơn thuần về nghệ thuật mà còn cả việc pha 123 màu chỉ cho hài hòa. Cố gắng “màu xanh lá cam” phải khác “ màu xanh lá sen”, phải không giống “màu xanh lá cúc”, “xanh lá mạ”... Những từ ngữ này đã nói lên sự quan sát và phân biệt chi li các sắc màu của sự vật trong thiên nhiên của người thợ thêu Huế.

Cụ Phan Thế Huề ở làng Phò An, xã Phú Dương (Huế) là người thợ chạm khắc trong hoàng cung xưa - Ảnh: baovietnam.vn

4. Ở Huế, chúng ta thường thấy những bức chạm trỗ trên các đồ cổ, những đường nét hoa văn khắc trên gỗ trong chùa chiền, lăng tẩm và trong rất nhiều biệt thự ẩn hiện dưới những vườn cây... Các công trình điêu khắc trên gỗ đó hấp dẫn với mọi người vì nó mang những nét dáng riêng, hòa hợp với cảnh thiên nhiên thơ mộng để tạo nên cái bản sắc đậm đặc Huế. Chỉ riêng điêu khắc trên gỗ chúng tôi thu được 96 đơn vị.

Dụng cụ chủ yếu dùng cho việc điêu khắc trên gỗ gồm: “đục thẳng”, “đục lưỡi cong”, “đục vũm”, “đục tách”, “đục bạt”... Mỗi loại dụng cụ được gọi tên theo hình dáng và chức năng riêng. Từ mỗi loại trên lại được chia ra theo kích cỡ khác nhau: “đục cong năm phân”, “đục cong sáu phân”, “đục bạt một ly”,... Cũng là gọi tên theo chức năng nhưng các chức năng đó lại tiếp tục được phân loại tỉ mỉ hơn ngay trong tên gọi: “đục tách thô”, “đục tách thanh”...

 Là một nghề đòi hỏi kỹ thuật của đôi tay tinh xảo để tạo những nét trang nhã, thanh thoát trong tác phẩm nên các tên goi hoạt động cũng nhẹ nhàng: “chuốt”, “tạc”, “trỗ”, “chạm”, “khảm”, “khắc”, “cạo”... bằng những mũi dao nhọn hay các loại “đục”, “chàng”, “thảng”... Chính nhờ những thao tác, những hoạt động nhẹ nhàng bằng những dụng cụ được phân loại đến chi tiết này mà nhìn vào từng nét khắc, ta thấy nó vừa “ngọt nét”, vừa “bén thớ gỗ”, và mỗi nét khắc như “chân đê” hay “bờ thành” thoai thoải.

Sau những ngày nghiêm túc làm việc, người nghệ nhân đã tạo nên được những sản phẩm thấm mồ hôi với các đề tài là từ Hán Việt: “tượng long cuốn thủy”, “tượng ông già Xích Bích”, “tranh khắc lan điệp”, “tranh khắc tùng cúc”, “tùng lộc”

Tất cả đều từ những “súc”, “tấm”, “mảnh” gỗ khác nhau, qua bàn tay nghệ nhân, nó đã trở thành những tác phẩm sống động đến kỳ diệu. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của người nghệ nhân Huế phải kể đến “tượng thuyền rồng”. Hình ảnh hai chiếc thuyền rồng kéo nhau bằng một sợi dây xích từ một khúc gỗ nguyên làm ra. Thoạt trông người ta vẫn tưởng các mắt xích gỗ kia được làm riêng từng nửa vòng rồi ghép lại. Sự thật cả ba phần được nối liền nhau giống một hình vẽ công phu nhiều đường nét nhưng chỉ bằng một nét vẽ.

5. Sẽ thiếu sót nếu tìm hiểu về tên gọi và cách gọi tên mà không nói đôi điều về nghĩa rộng nghĩa hẹp của các tên gọi. Chính nó và những “lời nhắn gởi sâu xa” thể hiện trong các tầng nghĩa được biểu hiện rõ nét trong những từ ngữ gọi tên sản phẩm. Những bức tranh khắc gỗ, những bức thiêu với những bông hoa, nhánh hoa mai-lan-cúc-trúc, trà mi, hải đường... không chỉ đơn thuần thông báo về cái đẹp mà qua đó muớn nhắn gởi về cả một truyền thống văn hóa của một vùng đất bằng những ý nghĩa biểu trưng mà nó mang. Bức chạm cành mai là tượng trưng cho cốt cách. Bức thêu bông lan là tượng trưng cho sự vương giả. Trên những tà áo dài trắng của các bạn gái Huế tuổi 20,21 ta thường thoáng gặp những bông trà mi đượm vẻ quyền thế nhưng trong sáng. Ta cũng chỉ gặp những chiếc áo dài thêu những bông quỳnh với dáng sơ khai, thịnh khai.. trong những đêm trăng bên sông Hương hay trên cầu Trường Tiền. Bông cẩm chướng, bông bất tử,... chỉ thấy trên áo dài các bạn gái hay phụ nữ có người yêu, có chồng đang ở xa... Bông cúc vàng thường chỉ dùng cho những bức thêu, bức chạm.. tượng trưng cho sự phú quý.

Nghĩa gián tếp trong tên gọi những bức cham, những sản phẩm thêu.. này chính là kết quả của quá trình sử dụng tên gọi các từ ngữ nghề nghiệp bằng một số biện pháp chuyển di ngữ nghĩa như ẩn dụ hóa, biểu trưng hóa.

Tóm lại, đã từ lâu chúng tôi cùng các đồng nghiệp của mình ở Huế vẫn đã và đang sưu tầm, giới thiệu và muốn làm một cuốn từ điển về các nghề cổ truyền của vùng đất này. Với những đặc điểm lịch sử riêng, các nghệ nhân thuộc các nghề truyền thống của Huế đã giữ gìn và sáng tạo nên nhiều thuật ngữ, từ ngữ nghề nghiệp gắn liền với kỹ thuật chế tác ra các loại đồ gỗ, đồ thêu, đồ tre... Các nghề trên được phát triển theo các công trình từ thô mộc đến hoàn thiện qua từng giai đoạn. Những sáng tạo kỹ thuật ấy được phản ánh trong các nhóm từ ngữ nghề nghiệp ngày một thay đổi theo năm tháng và nghề nghiệp. Do đó các từ ngữ chuyên môn trong nghề cũng thật đa dạng. Nếu mỗi người nghiên cứu chịu khó sưu tầm trong kho từ ngữ của các nghệ nhân Huế chắc rằng ta sẽ có một cuốn từ ngữ nghề nghiệp những nghề cổ truyền của mảnh đất này.

 Việc thuật lại sơ lược các tên gọi và cách gọi tên một số công đoạn của ba nghề trên cũng chỉ nhằm mục đích bước đầu ghi lại một số từ ngữ nghề nghiệp xưa và nay của các nghề này.

T.T.T
(138/08-00)


--------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1.Tạp chí ngôn ngữ, các số 1-2/1977; 1-4/1978; 1/1980; 1-3/1984; 2/1985; 4/1989
2.Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Nxb KHXH, Hà Nội, 1977
3.Lê Văn Hảo. Huế giữa chúng ta. Nxb Thuận Hóa, Huế, 1984
4.Một số luận văn, khóa luận của sinh viên Ngữ Văn, ĐHTH Huế.



 

Các bài mới
Các bài đã đăng