Ai ra xứ Huế
Cảm nhận Huế
10:03 | 10/05/2010
NGUYỄN TRỌNG HUẤN(Nhân xem “Huế - đất mẹ của tôi” sách ảnh của Đào Hoa Nữ. Nhớ Huế, suy ngẫm và…. cảm nhận)
Cảm nhận Huế
Ảnh: Đào Hoa Nữ - vietnamcayda.com
Trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, Đào Hoa Nữ như một tín hiệu lặp lại nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, và trong đời sống nghệ thuật ở thành phố Hồ Chí Minh.

Cái tên ấy gợi tò mò. Chí ít cũng từ góc độ ngữ nghĩa. Trong tiết tấu tất bật ngày hôm nay, nó gợi nhắc, đánh thức trong ta những hồi ức xa xăm về một thời xưa cũ, một thế giới của hoa đào, nước suối”... chừng như đã chìm sâu trong quên lãng.

Ảnh: donghuongtth.com

Thứ nữa, sự năng nổ của một ống kính nhiếp ảnh nghệ thuật dường như không biết đến mệt mỏi, thoắt biến, thoắt hiện, lặn lội, xông pha, khi góc biển, lúc chân trời. Với Đào Hoa Nữ, nắm bắt CÁI ĐẸP là một thôi thúc nội tâm, là tiếng vẫy gọi khó bề cưỡng lại. Gót chân chị in khắp biên thùy, hải đảo để săn lùng. Và đã được đền bù.

Một trong những đề tài bị cày xới đến nhẵn mòn, rất dễ gây nhàm chán về lăng tẩm Huế, Đào Hoa Nữ… đã chọn cho riêng mình một góc nhìn khác, lạ, trong bố cục cận cảnh sân lăng Khải Định (1). Vẻ non tơ trên má hồng thiếu nữ, tương phản với ánh trầm sâu trên rêu phong tượng cũ, như muốn gửi đến chúng ta một thông điệp, gợi trong chúng ta - người xem - chút suy tư, khắc khoải về THỜI GIAN, như muốn nhắc nhở chúng ta về khoảnh khắc và vĩnh hằng, về nhất thời và trường cửu, về hữu hạn và vô cùng… Người chụp, như muốn nói với chúng ta rằng, thời gian rồi phôi pha, đã, sẽ, và chỉ giữ lại những gì là đích thực.

Chị cũng là người phát hiện giúp chúng ta chất gấm vóc của một vỉa hè hồ gươm cổ kính, quen thuộc, nơi hoa văn rực rỡ được dệt bằng xác thắm những đoá hoa tàn (2), như đâu đây, hàng ngày, cái đẹp vẫn bị dày xéo dưới những gót chân hờ hững.

Ong kính Đào Hoa Nữ hướng về những vật tầm thường, những người bình thường, những góc khuất quanh ta, gần, xa, sau lưng, trước mặt. Một thế giới những cái đẹp đơn sơ, vẫn lọt khỏi tầm nhìn của những cặp mắt vô tình. Với chị, nơi vật tầm thường nhất cũng ẩn dấu những giá trị thẩm mỹ, đẹp đến nao lòng.

Mấy phiến lá thu khô lững lờ trên mặt ao thu - qua ống kính Đào Hoa Nữ - đang dát vàng mặt nước (3). Đời lá ngắn ngủi, chìm trong lãng quên - như biết bao cuộc đời trong chốn nhân sinh hữu hạn - lặng lẽ phô diễn lần cuối cùng sự hiện hữu của bản thân, trước khi về với hư vô thăm thẳm ; vẻ như muốn nhắc nhở chúng ta về những giá trị mà tạo hoá bao dung vẫn rộng lòng ban phát. Như Paustốpsky: “vẻ đẹp của ánh sao rơi trong vũng nước đêm”. Mà, để cảm nhận, trước hết cần một chữ”TÂM” hướng thiện, và cặp mắt của người đang yêu. Như Trịnh Công Sơn:”Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...“.

Qua vựng tập nhiếp ảnh “Việt nam - Quê hương tôi” xuất bản năm 1993 (4) chị giãi bày với chúng ta những tìm kiếm, những phát hiện, thổ lộ cùng chúng ta một - tình - yêu - non - sông - Đất - nước đằm thắm, nhẹ nhàng.

Huế là một đề tài gặp lại nhiều lần trong hoạt động nhiếp ảnh của Đào Hoa Nữ.

Đấy là chiếc nôi mềm, nơi chị đã sinh ra, lớn lên, bên mảnh vườn xanh bóng rợp, bên dốc thoải triền đồi; nơi ngân nga tiếng chuông nhà thờ mỗi sáng, cộng hưởng với âm vang chuông chùa trầm ấm điểm nhịp vào hoàng hôn; nơi làn gió nhẹ dạy chị dáng nghiêng nón lúc qua cầu, và hương vị nồng nàn chiếc hôn đầu đời mối tình thiếu nữ. Với chị, Huế là tình yêu, là tiếng chim líu lo trong giấc ngủ, tiếng dế rả rích trong thảm cỏ bờ sông, tiếng ve râm ran trên cành phượng trước sân trường, là nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi. Tình yêu ấy, theo chị suốt cuộc đời, lặn vào tâm tưởng, trở thành một ám ảnh, một nhu cầu trao gửi, đối thoại, giao lưu.

Và như để giải toả, lần này, chị lại gửi đến chúng ta, kết quả một cố gắng mới, đầy tâm huyết:

 “HUẾ - ĐẤT MẸ CUẢ TÔI”(5)

H uế là một trường hợp hy hữu. Đất không rộng, người không đông, thành quách nhỏ bé, cung khuyết đơn sơ... quá trình xây dựng chưa tròn hai thế kỷ.

Người Huế tự nói về mình:

   “Vầng trăng núi Ngự nước sông Hương
   Ai chưa đến đó hận muôn đường
   Khi đã đến rồi không chi lạ
   Vầng trăng núi Ngự nước sông Hương “(
6)

Chỉ có vậy! Huế không phải là một thành phố gây sửng sốt, choáng ngợp! Không có những kích thước thái quá mang tính phô trương,”Núi không cần cao, sông không cần sâu”(7). Cuộc sống trôi đi giữa hai bờ thiên nhiên thân mật, trong yên bình lặng lẽ.

Nhưng Huế không chỉ là một địa danh. Trên một bình diện rộng hơn, “xứ Huế” mở ra trong kích thước một “vùng”, “miền”; cao hơn, Huế là một khái niệm, một tính cách. Trong nhiều trường hợp, Huế là một tính từ. Nên, hiểu theo một ý nghĩa nào đó, bài thơ trên mang tính tự trào, đặc Huế.

Tác giả bài thơ là một cao tăng, người sáng lập chùa Trà Am, một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng dưới chân núi Ngự Bình. Một áng thiền thi, bởi, hiểu theo nghĩa biến dịch thì vầng trăng, và làn nước, trong hai câu thơ đầu và cuối, là hai vầng trăng, hai làn nước khác nhau. Chí ít, cũng cho một khoảnh khắc, đủ để đọc xong bài thơ trên. Rộng hơn, cho một lần gặp gỡ rồi chia xa với Huế. Là thành phố, nhưng Huế giàu chất làng quê, nhiều gió, nhiều trăng hơn tiện nghi đô thị. Huế giấu mình trong thiên nhiên, nép bên núi đồi, lặng lẽ trôi chảy giữa hai bờ tâm tưởng, thâm trầm, ít bộc lộ. Như thơ Thu Bồn:

 “Con sông dùng dằng, con sông không chảy
 Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu...”

Vâng! Huế là vậy: “Vầng trăng núi Ngự nước sông Hương!”

Sông Hương là dòng sông mẹ, đã sinh ra và nuôi dưỡng Huế, hình thành tâm hồn và tính cách Huế. Không thể hiểu Huế nếu không nhận thức đầy đủ vai trò và vị trí sông Hương trong cuộc sống thường hằng cả vật chất lẫn tinh thần.

Cầu Trường Tiền sẽ ra sao nếu in bóng trên một dòng sông khác? Lăng tẩm, chùa chiền, lâu đài, điện các, sẽ ra sao nếu không có sông Hương? Còn “tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ cương” sẽ âm vang trong không gian nào nếu sông Hương chỉ còn là một con lạch nhỏ, hoặc ngay cả khi phải luồn lách giữa hai bờ cao ốc hiện đại?

Không! Chính dòng sông thơ mộng này, với tiết tấu chậm, buồn, cả trong nhịp chảy, và quần thể thiên nhiên như chiếc nôi sinh tồn xanh biếc, đã quyết định mọi biểu hiện tinh tế nhất, xác lập một sắc thái văn hoá đặc sắc được gọi là văn hoá Phú Xuân, một sắc thái văn hoá thiên về những suy tư giàu chất tâm linh.

Khó mà thấy hết vẻ đổi thay của sông Hương nếu không quan tâm đầy đủ đến môi trường địa lý đã sinh ra nó. Dường như người Huế tỏ ra hiểu biết khá tường tận tương quan này.

 Một không gian rộng lớn, từ thượng nguồn, được dành riêng cho sông Hương yên tâm trôi chảy giữa hai bờ suy tưởng, tinh khôi như thuở đất trời mới lập. Và để điểm xuyết, người Huế chỉ nhấn nhá nơi đây những công trình khiêm tốn riêng dành cho nhu cầu nghiền ngẫm, suy tư.

 Một ngôi chùa cùng ngọn tháp lặng lẽ ngả bóng trong lòng con nước, để khi chiều xuống, trăng lên, thả vào mênh mông âm vang chao lượn tiếng chuông chùa. Một điện thờ xinh xắn, cheo leo nơi ghềnh đá, đêm lễ hội, thả đèn hoa cho dòng sông thêm chênh vênh, chậm rãi xuôi về giữa hai bờ hư, thực. Chỉ thế thôi. Còn lại là giang san của lăng tẩm trầm mặc dưới thông xanh, chốn yên nghỉ ngàn đời của các vì vua chúa. Và, như nàng Tôn nữ tắm đêm, sông Hương trang nghiêm, vẫn lặng lẽ, tiếp tục phô bày vẻ đẹp liêu trai trong quầng sáng hư ảo, nhạt mờ của vầng trăng thu mọc muộn. Thượng nguồn sông Hương là một không gian tĩnh lặng, giàu tính “ĐẠO”. Từ Huế xuôi về, giữa hai bờ phù sa châu thổ, sông Hương dâng hiến cho “ĐỜI”, cho cuộc sống áo cơm thường nhật của cư dân.

Với riêng Đào Hoa Nữ, đấy là dòng sông sáng xanh, trưa đỏ, chiều tím, đêm vàng.

Trăng trên sông Hương, qua ống kính của chị, thiên nhiên dát vàng, trở thành một kiệt tác sơn mài lộng lẫy.

Mà không chỉ sông Hương! Những dòng sông Huế trong ảnh Đào Hoa Nữ, đều huyền hoặc, đượm buồn. Sông Bến Ngự, lặng lẽ phượng hồng hiu hắt! Dòng sông xanh, con đò nhỏ dưới chân động Truồi như muốn gợi về một lối rẽ Thiên Thai? Sông An Cựu, sông Bạch Yến là những dòng sông quê trôi khoan thai giữa lòng đô thị. Phải chăng vì vậy mà ở Huế nhiều người làm thơ?

Núi là một trong hai thành tố thiên nhiên hợp dựng vẻ đẹp cân bằng cho Huế.

Không biết những vận động tạo sơn từ kỷ địa chất nào đã tạo lập nên miền sông núi ấy? Nhưng chắc chắn là những rặng núi xa mờ, bí ẩn, trong vẻ trầm mặc, sâu thẳm ở cuối chân trời kia đã khai sinh ra sông Hương.

Đứng giữa lòng thành phố nhìn lên tít tắp thượng nguồn, nơi dòng sông mất hút trong sắc xanh huyền bí của Trường sơn, người ta bỗng hốt nhiên tự hỏi, từ những đỉnh cao chon von nào, những thung sâu thăm thẳm nào, những suối khe bí ẩn nào đang róc rách giữa đại ngàn, đã góp từng giọt nhỏ, trong vắt, để hợp thành dòng sông êm ả, tự bao đời trôi chảy giữa hai bờ lịch sử, nhân sinh? Chỉ biết rằng, với Huế, những cặp phạm trù đối xứng: “núi - sông”,

“Mặt trăng - mặt trời”, “giống đực - giống cái”vv... là hằng hữu, hoà trộn và nhất quán trong suy tư của người Huế.

Có thể thấy rất rõ điều này trong tư duy kiến trúc, từ ngôi nhà vườn yên ả, nép mình dưới bóng cây đến nghệ thuật cung đình, kiến tạo đô thị. Người Huế say đắm thiên nhiên, tham gia vào thiên nhiên như một thành tố cơ hữu, tương hợp. Vua Gia Long chọn cho mình một chỗ nằm dưới chân núi Thiên Thọ, ngọn chủ sơn định vị trục “chính Nam” như để khẳng định nguyên lý “Thánh nhân Nam diện”! Hoàng đế Minh Mạng - vị vua có công lớn trong việc kiến tạo kinh thành, mở mang bờ cõi - mất mười bốn năm tìm kiếm để chọn cho mình một mảnh đất yên nghỉ dưới bóng thông xanh. Cồn Dã viên là tên vua Minh Mạng chọn đặt. Ông vua hùng cường nhất triều Nguyễn ấy, ngay khi còn ở ngôi cao, đã có lúc mơ về “Ngô dữ Điểm dã”(8)

Sự khổ công còn có mục đích: sáng tạo những giá trị thẩm mỹ dung hợp được “Kiền - Khôn”, kiến lập tương quan thiên thời - địa lợi - nhân hoà. Đấy chính là một trong những căn nguyên làm cho cái đẹp của Huế có một chiều rộng, và sâu, khó thể đo lường, để hôm nay, nhiều người đến Huế cảm nhận cái đẹp ấy là tự nhiên, như do chính Đất - Trời sinh ra vậy.

Có thể vì thế mà lần này Đào Hoa Nữ dành cho “núi” một cái nhìn chăm chú.

Từ Ngự bình quen thuộc như chiếc bình phong án ngữ kinh thành, đến những danh sơn trong vùng như Kim Phụng, Ngọc Trản vv.. Rừng thông Thiên An hư ảo nắng vàng, quần sơn Bạch Mã ẩn hiện chập chờn trong tiềm thức Huế, lúc mơ màng như Tống họa, như Đường thi, khi khoác chiếc áo thu vàng lộng lẫy.

Huế từng trải thời kinh đô một triều đại phong kiến lấy đạo Nho làm nền tảng.

Huế còn là một trung tâm đạo Phật lâu đời. Nhưng trong đời sống hàng ngày, người Huế vẻ như thiên về Trang - Lão? Sự hoà hợp với vũ trụ, đắm mình trong thiên nhiên, mang đến cho cuộc sống sự yên bình, an lạc.

Hãy nghe Hoàng Phủ Ngọc tường:

 “... Có lẽ thiên nhiên đã giữ một vai trò thực sự quan trọng trong sự tổng hợp mà người ta có thể gọi là “bản sắc Huế”. Bởi vì thiên nhiên bao giờ cũng biểu hiện một cách nhất quán giữa cái hằng cửu và cái biến dịch, giữa cái biến động và cái tĩnh tại. Hình như khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế không muốn bộc lộ cái ham muốn chế ngự thiên nhiên theo cách của người Hy Lạp, La Mã, mà chỉ muốn   tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hoá để có thể tham dự một cách hài hoà vào cuộc sống của con người, cả bên ngoài và bên trong ….”

Cũng may, Huế là thành phố bị bỏ quên trong cơn sốt kiến trúc thời thượng vào những thập niên trước, sau năm 1975. Nhờ vậy, như mọi kiểu thời trang - những “cao ốc hiện đại!?”, những “biệt thự hãnh tiến!” vụng về bắt chước kiểu dáng phương Tây - đã nhanh chóng bị thời gian loại bỏ. Vẫn còn đây đó những ngôi nhà vườn êm ả giữa thiên nhiên thơ thới, xanh tươi. Và như một câu châm ngôn của người Ả Rập: “Khi đoàn lạc đà lạc đường trong sa mạc, lúc quay lại, con đi cuối sẽ dẫn đầu”.

Nói đến Huế, không thể không nhắc đến chùa chiền, một mảng diện mạo Huế, một sắc thái đáng kể trong cuộc sống tinh thần Huế. Không một nơi nào trên đất nước này nhiều chùa như ở đây:

 “... Ở miền Trung, đặc biệt là kinh đô nhà Nguyễn, hàng loạt chùa tháp được xây dựng khang trang vừa mang sắc thái của văn hoá Việt cổ, vừa đượm sắc thái của văn hoá Chàm, tạo nên những phong cách kiến trúc mới mẻ...” (9)

 Chùa Huế, dù lớn, nhỏ cũng ẩn tàng một triết lý vũ trụ, nhân sinh, qua việc lựa chọn cảnh quan và cách thức xây dựng. Thường thì chùa Huế tìm cách đắm mình trong một thế giới u tịch, để được bầu bạn với non nước, cỏ cây, để chiêm nghiệm về lẽ đời nhân - quả. Vườn chùa là một không gian được chăm chút kỹ lưỡng. Vườn của nhiều chùa là những công trình kiến trúc cảnh quan mẫu mực. Không gian thư thái ấy không chỉ dành riêng cho các bậc tu hành. Vào một ngày mệt mỏi, người ta có thể đến thăm bất cứ cảnh chùa nào mình thích.

Trong thế giới biệt lập của vườn chùa, người ta có thể nghỉ ngơi, di dưỡng tinh thần trong tiếng chim gù tịch mịch; đắm mình vào kinh kệ cho tâm hồn bay tới cõi hư vô; thưởng thức bút lực thư pháp thượng thừa của sư thầy bên gốc đào xưa đang mãn khai rực rỡ. Cũng có thể thưởng thức một ấm trà ngon ngan ngát hương ngâu, để được đàm đạo cùng các cao tăng về nhân sinh, Phật pháp. Hoặc giản đơn, chỉ để tần ngần lặng ngắm một giò lan quý mới đơm hoa, đang toả hương lặng lẽ.

Mỗi chùa Huế đều do một vị cao tăng trụ trì. Các cao tăng thường có quan hệ mật thiết với gia đình phật tử. Và các gia đình phật tử cũng thường chọn cho mình một cảnh chùa để thờ cúng gia tiên, ký thác việc đời, việc đạo. Quan hệ tôn giáo mang tính tín ngưỡng dần trở thành quan hệ xã hội, gia tộc, gia đình... nối tiếp nhiều đời.

Đến nay, người Huế vẫn giữ trong tập tục của mình lệ cúng cô hồn trận vong ngày “thất thủ kinh đô”, một cái tang chung đối với mọi gia đình trong thành phố. Ngày ấy, người Huế bày đèn nhang, bánh trái trước cửa nhà, cầu nguyện cho vong linh mọi âm hồn cô đơn đều được siêu thoát.

 Khó có thể kể hết những lễ hội hàng năm diễn ra trên đất Huế. Từ lễ hội rước Bà điện Hòn Chén, đến lễ hội của cư dân đầm phá như lễ hội Cầu ngư, lễ hội làng Chuồn vv... Từ những ngày lễ thánh trong cộng đồng Thiên chúa, đến hội hoa đăng rực rỡ đèn hoa đêm Phật đản trên sông Hương.

Lễ hội các chùa lớn trong thành phố là việc chung của phật tử. Thiện nam, tín nữ tự nguyện gánh vác việc chùa. Cơm chay nhà chùa đãi khách thập phương. Thôi thì”thời trân thức thức sẵn bày” là dịp thi thố, phô diễn tài năng của các bà nội trợ tự nguyện mang của nhà đến đóng góp.

Phật giáo tạo nên một tâm thế chung cho cộng đồng.

... cứ đến ngày sóc, ngày vọng, bất kể trong Nam hay ngoài Bắc, miền xuôi hay miền ngược, gốc Lâm Tế hay gốc Tào Động, người ta đều rủ nhau lũ lượt đi chùa...” (10)

 “... ngoài ra Phật giáo triều Nguyễn còn ảnh hưởng sâu sắc đến thi ca, đến các nhà văn, nhà thơ có tâm huyết với nhân sinh, thời cuộc...” (11)

Huế nghèo, không sẵn sơn hào hải vị. Phần lớn sản phẩm hầu như thủ công, với trí tưởng tượng dồi dào và hai bàn tay khéo. Những món ăn nổi tiếng được chế biến bằng nguyên liệu địa phương: gạo De đồng An Cựu, hạt sen hồ Tịnh Tâm, quýt Hương Cần, thanh trà Nguyệt Biều, cá tôm đầm phá vv... thậm chí, trái mít non, trái vả xanh đang ửng chín sau vườn nhà. Nghệ thuật ẩm thực Huế ra đi từ dân dã, thâm nhập cung đình, rồi trở về với đại chúng.

Trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của người Huế đáng làm ta thú vị, ngạc nhiên. Những chiếc bánh nậm vớt ra từ nồi hấp bốc hơi nồng nàn. Lá chuối qua gia công sáng màu xanh nâu, ánh lên như lụa, lãnh, với những chiếc dao tre xếp hình nan quạt, bày lên đĩa sứ như một tác phẩm nghệ thuật. Để tăng thêm hương vị món nem rán, một trái thơm gọt hình nậm rượu, trên nền men lam nội phủ, sáng lên chất ngọc trắng mờ. Thố cơm sen trắng bọc lá sen xanh toả hương ngào ngạt như càng tôn vinh một phẩm vật của đất, trời.Món chả tôm vàng ươm màu trái chín xum xuê trĩu cành một chậu quất trổ hoa ngạt ngào hương bưởi, hương chanh.

Phương cách thưởng thức món ăn gần như thống nhất, từ phố thị đến chợ quê. Giao diện giữa người bán, kẻ mua, người nấu và người ăn là trực tiếp. Người ăn có thể yêu cầu người bán gia giảm, thêm bớt cho hợp khẩu vị của mình. Người bán nhận ở người ăn đôi lời bình phẩm, khen chê, rút kinh nghiệm, để lúc chia tay, tiễn khách bằng một lời mời. Cuộc giao lưu là thẳng thắn và thân thiện.

Món ăn Huế giảm khá nhiều phong vị trong phòng ăn máy lạnh, khăn bàn trắng muốt, đội ngũ phục vụ chỉnh tề, nghiêm trang đứng đợi. Cũng như công nghiệp chế biến thực phẩm hiện nay hoàn toàn có đủ khả năng đóng hộp bánh khoái, bánh bèo vv... chỉ có điều, đấy là cách phủ nhận văn minh nhất dành cho một nền văn hoá ẩm thực đã hình thành tính cách trong mối liên hệ với hoàn cảnh và môi trường nó đã được sinh ra. Cũng như chỉ có thể cảm nhận hết cái da diết của một giọng hò mái nhì cao vút trăng khuya “nước non ngàn dặm ra đi...” khi cuộc chơi diễn ra trên một con đò nhỏ mơ màng, cùng bạn tri âm lúc trăng tàn, bóng xế, nơi một khúc sông Hương vắng vẻ, không có máy nổ, tiếng ồn.

Tôi không được biết đến kinh đô của một quốc gia nào như Huế, vua chúa và thứ dân cùng

 Ăn tôm chua, thịt phay ; cùng xuýt xoa, mãn nguyện, lau mồ hôi sau khi dùng xong một tô cơm hến hay một tô bún bò giò heo “cay xé lưỡi!”. Phương tiện, cung cách dùng bữa có thể khác nhau, nhưng nguyên vật liệu và quy trình chế biến là một. Phải chăng đấy là nét dân chủ hiếm hoi trong văn hoá ẩm thực chốn kinh đô của một vương triều?

Bị ngăn cách bởi hai đèo lớn, còn lại, một bên là là biển thẳm, bên kia là Trường sơn chon von. Đã bao đời nay, Huế gần như một không gian biệt lập, với một khoảng trời riêng. Ở đó, con người muốn tồn tại, không thể rời bầu vú ngọt ngào của truyền thống, truyền thuyết, nhưng để phát triển, cũng không thể chối bỏ những cái mới, cái khác dẫu chưa quen. Và chính những cái mới, cái khác đó là nguyên liệu không thể thiếu, đặng sàng lọc để sáng tạo những giá trị mới, làm giàu có thêm gia tài văn hoá truyền lại từ cha, ông, như những chiếc bánh nậm, bánh bèo vv... phải chăng là một cách kế thừa phát triển và nâng cao những bánh đúc, bánh giò quen thuộc, vốn liếng mang theo trong hành trang từ châu thổ sông Mã, sông Hồng?

Huế là vậy! “khi đã tới rồi không chi lạ”

Vâng! Có gì mới đâu!

Tất cả dường như đã từng bắt gặp ở đâu đó, nơi bất cứ làng thôn, quê kiểng Việt nam nào. Cũng bến nước, gốc đa, luống cày, thửa ruộng. Cũng người nông dân một nắng hai sương, chắt chiu hạt thóc nuôi đời. Những mẹ quê lặn lội cuối bãi, đầu mom, những bé quê chăn trâu, cắt cỏ. Chợ cá đêm hư ảo ánh đèn dầu. Chính chiếc nón, để chuyên chở một bài thơ, cũng từng trải một quá trình lầm lũi.

Vâng! Huế không chỉ có cảnh quan, kiến trúc... và thi ca. Huế còn có một đời sống cần lao, lam lũ.

 Những dòng sông Huế như bà mẹ nghèo thiếu sữa, nạo vét lòng mình nuôi sống dân cư. Những vạn chài xuôi ngược, bòn mót chút cát sạn nơi thượng nguồn, đắp đổi miếng cơm, manh áo. Không mấy du khách biết rằng, có lẽ đã hàng trăm năm qua, khúc sông Hương chảy qua thôn Vỹ khói sương, vốn là địa chỉ của một nghề cơ cực, cha truyền con nối: nghề cào hến.Hến là một thứ nguyên liệu rẻ tiền của các bà nội trợ nghèo, nấu tô canh rau để chồng con ăn cho mát ruột, trước khi trở thành nổi tiếng dưới hình thức một món ăn vương giả chốn cung đình. Và cũng không ai khác, dòng sông quanh năm tưởng như chỉ biết đắm mình trong tiếng phách, tiếng sênh, câu hò, điệu hát cũng chính là dòng sông những sáng mờ sương đưa tiễn những đứa con đứt ruột của mình về cõi vĩnh hằng trên những “chuyến đò vĩnh biệt”.

 Có một cái gì đó làm cho nét lam lũ của Huế dường như nhẹ nhõm? Người Huế có hơi phù phiếm chăng? Nhưng lý giải thế nào về chiếc tơi lá trên lưng người thợ cấy - để chống lại nắng hè gay gắt - được chế tạo như một món hàng mỹ nghệ? Người đàn bà bán bánh dạo đêm đêm tề chỉnh trong chiếc áo dài, dù chỉ là một chiếc áo cũ đổi vai? Chiếc máng xối đầu nhà phải tô rồng, vẽ phượng, lý ngư hoá long bên công năng thoát nước mưa đơn giản? Còn con diều giấy đang thả những mơ ước vào không gian trong tiếng sáo gỗ trầm bổng, du dương cũng chở theo một ý tưởng, một khát vọng nơi cánh bướm muôn màu. Tuổi thơ xứ Huế biết đến chàng đốn củi Thạch Sanh không chỉ từ sách vở hay từ kho chuyện kể bất tận của mẹ, của bà những đêm đông mưa dầm lạnh lẽo, mà là chuyện có thực, lúc thơ thẩn bên dòng sông quê hương, nhìn lên vòm trời cổ tích, tận mắt chứng kiến cảnh nàng công chúa trong cung đang bị thần ưng cắp về nơi núi thẳm!

Thế đấy! Nụ cười rạng rỡ trong ánh mắt người đàn bà bán trứng vịt lộn canh khuya, đánh thức trong ta sự tò mò bí ẩn về một niềm an lạc sâu xa nào mà hình như chúng ta từng sở hữu, từng thất lạc để ngày nay phải nhọc công gắng gỏi vươn tới, kiếm tìm? Niềm an lạc sâu xa ấy hầu như chỉ có thể đốn ngộ trong cõi Thiền!

Tôi bỗng gần như phát hiện ra rằng hình như người Huế có biệt tài trong việc điểm tô cuộc sống! Bất cứ hoàn cảnh nào cũng gắng làm vơi đi nỗi nhọc nhằn bằng cách nhấn nhá cho cuộc đời này thêm những nét vui tươi. Mà như vậy có lẽ tốt hơn là bi lụy, trước cái vốn đã rất dễ bi lụy rồi. Có phải vì thế không mà cuộc sống làng quê xứ Huế lộng lẫy sắc màu cổ tích? Gánh hoa giấy rực rỡ ngày phiên chợ tết; hàng bánh in gói giấy ngũ sắc trên sạp bánh bên đường; chiếc kẹo cau dân dã bày trên chiếc lá trầu không; quả cau nhỏ, lá trầu xanh, quyệt vôi màu hồng phóng túng như nét bút người nghệ sỹ! vv và vv...

Tất cả những cái đó được tích tụ lại để rồi... thăng hoa trong câu hò, điệu hát, thả vào trăng khuya niềm hoan lạc được hiện hữu... trong một kiếp người.

 Huế là vậy! “Vầng trăng núi Ngự nước sông Hương”

Thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Canh Thìn

N.T.H
(138/08-00)


-----------------------------------------------------
(1) “NHỚ CỐ NHÂN” Ảnh Đào hoa nữ - Vựng tập “VIỆT NAM - QUÊ HƯƠNG TÔI” Nhà xuất bản Thuận Hoá - 1993                    
(2) “MÙA THU HÀ NỘI” //   //
(3) “TRÔI DẠT”  //   //
(4) “VIỆT NAM - QUÊ HƯƠNG TÔI”   //
(5) “HUẾ - ĐẤT MẸ QUÊ TÔI” Vựng tập nhiếp ảnh - NXB Thuận Hoá - 2000
(6) Dẫn theo Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Tính cách Huế” (Huế di tích và con người) Nhà xuất bản Thuận Hoá - 1995.
(7) “Sơn bất cầu cao, hữu tiên tắc danh
      Thủy bất cầu thâm, hữu long tắc linh”
: Văn bia chùa Từ Hiếu - Nguyễn Đăng Giai.
(8) LUẬN NGỮ - Nguyễn Hiến Lê, chú dịch và giới thiệu - Nhà xuất bản Văn học - 1995: THIÊN XI - TIÊN TIẾN (trang 191 - 195)
Tử Lộ, Nhiễm Hữu và Công Tây Hoa, Tăng Tích (còn có tên là Điểm) hầu chuyện Khổng tử.
 Sau khi nghe ba người trên trình bày chí hướng mình. Khổng tử hỏi Tăng Tích:
 “Điểm, còn anh thế nào?” Lúc đó Tăng Tích gẩy đàn sắt vừa ngớt, đặt đàn xuống - keng! mà đứng dậy đáp: “Chí của tôi khác hẳn ba anh đó”. Khổng tử bảo: “Hại gì? Cũng là ai nấy bày tỏ chí mình mà thôi”.
 Thưa: “Như bây giờ là tháng cuối xuân, y phục mùa xuân đã may xong, năm sáu người vừa tuổi đôi mươi, với sáu bảy đồng tử dắt nhau đi tắm ở sông Nghi rồi lên hứng mát ở nền Vũ Vu, vừa đi vừa hát, kéo nhau về nhà.”
 Khổng tử trầm ngâm một chút rồi than: “ta cũng muốn như Điểm vậy!” - (Ngô dữ Điểm dã).
 
Chữ “Dã” trong cồn “Dã viên” lấy từ tích này.
(9)(10) (11): LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM - Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam Viện Triết học - Nhà xuất bản Khoa học Xã hội - 1998 (các trang 360 - 363 - 365)



Các bài mới
Các bài đã đăng