Ai ra xứ Huế
Huế- không gian xanh
15:34 | 17/05/2010
HỒ VĨNHTôi đứng trên sân thượng Sài Gòn- Morin Huế, nhìn lên phía Tây thành phố trong buổi chiều tà le lói vài tia nắng trên các tán lá rất cao. Nhìn về phía Bắc sông Hương, Thành nội cổ kính chìm trong cây xanh.
Huế- không gian xanh
Ảnh: Internet
Còn về phía Nam, những con đường trải dài nối góc có bố cục như hình tam giác, trong đó gồm các công sở và biệt thự du lịch mang dáng dấp kiến trúc phong cảnh. Cách khách sạn Sài Gòn- Morin khoảng 100 m, cây bồ đề già nua đứng nhón chân với những cây khác xòa tán khoe sắc màu lục diệp. Sự “no đủ” về mảng xanh, Huế như một bức tranh cuốn lần lượt trải ra một “xã hội” cây cỏ, sông nước sống chung với nhau.

Cây xanh thành phố:

Hệ thống cây xanh tạo bóng bao gồm nhiều chủng loại trong đó có 87 sắc mộc thuộc 33 họ thực vật khác nhau. Ở công viên Thương Bạc - Phu Văn Lâu nay chỉ còn rải rác những cây thốt nốt, mảnh khảnh duyên dáng, ngọn cây điểm những tàu lá hoặc quả màu gụ. Đây là loài cây thuộc lớp Hành (Liliopsida), tức là một loại cây cọ có đường. Ngoài bóng mát cây thốt nốt đã được các nhà tạo cảnh người Pháp sắp xếp có bố cục, màu sắc tới từng chi tiết nhằm làm tăng vẻ đẹp của cảnh quan kinh thành. Nhưng hiện nay ở công viên này có 2 - 4 loài cây trồng xen vào dẫn đến không đồng đều về màu sắc, chiều cao, mật độ và hình dáng tán, làm mất dấu luyến láy của cây xanh vốn đã có trước đây.

Anh Đỗ Xuân Cẩm, giảng viên khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Lâm Huế cho biết: “Do hoàn cảnh và điều kiện cụ thể chi phối khiến cho việc phân bố, phối trí cây bóng mát trên các hè phố, công viên thật lộn xộn. Một số con đường đã bị nhiều loài chen chân: lim sét, long não, sau sau, sung, nhội, bồ hòn... Cần có kế hoạch thay thế một số cây xanh để đưa chúng trở lại nguyên dạng cũ, vốn đã ăn sâu về tiềm thức con người và trở thành những địa danh quen thuộc của Huế: Bến Me, đường Mù U, đường Cây Muối, đường Cây Nhãn (Đinh Tiên Hoàng), đường Hàng Me (Phạm Ngũ Lão)...”

Leila Toussaint, kiến trúc sư cảnh quan làm việc trong vùng Nord Pas de Calais (Pháp) khi đến Huế, nhận xét: Thực vật ở đây rất phong phú và nhiều chủng loại, nó rất có giá trị đối với tinh khiết cho đô thị, trong số đó có 4 loại đã được dùng ưu tiên: phượng vàng, phượng đỏ, bàng, muối.

Lâm viên Tây Nam- Huế là những khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị. Cố kỹ sư Nguyễn Hữu Đính đã viết, diện tích rừng du ngoạn Huế trước đây ước tính 1. 650 ha, không phải gồm một khối liên diện mà gồm có 5 phần cách nhau vì những khóm nhà, hay những thôn xóm: Ngự Bình, Thiên Thai, Xuân Sơn, Trường Cù (954 ha), Ngũ Tây, Bằng Lẵng, Nguyệt Biều, Dương Phẩm (312 ha), Cư Chánh, Kim Sơn, Thiên An (176 ha), Hồng Khê, Từ Hiếu (135 ha), Vạn Niên, đồi Vọng Cảnh (72 ha). Rừng du ngoạn này ngày trước đã được trồng thông hai lá và một số một loại khác. Toàn bộ chùa chiền lăng tẩm và di tích lịch sử nằm trong một khung cảnh đồi núi, với những quần thụ tùng thông cổ kính, với một kiến trúc trang nhã và trầm lặng, có khả năng truyền cảm rất cao.

Tôi đi vào Thành nội, dừng chân ở Ba Viên (vườn hoa, nay là công viên Nguyễn Văn Trỗi). Đây là lá phổi của cư dân nội thành có diện tích 8. 400 m2. Để bảo vệ môi trường và tôn vẻ đẹp cảnh quan, Công ty Công viên cây xanh đã quản lý, chăm sóc và trồng thêm các loại cây nhất định trong khuôn viên của di tích, vì công viên này là một vườn hoa được tạo lập dưới thời vua Thành Thái.

Khi khảo sát mặt bằng kinh thành Huế (diện tích 520 ha), tôi được biết tỷ lệ cân bằng trong sử dụng đất, người xưa đã khai thác rất có hiệu quả ba chức năng: sông, hồ, công trình kiến trúc, công viên và cây xanh. Tuy nhiên Huế là vùng đất bị nhiều bão lụt, cụ thể qua các năm: 1904, 1953, 1985, 1999, đã làm gãy đổ hàng ngàn gốc cây, trong đó có hàng trăm cây “trưởng lão”. Do vậy trong hai năm 1998- 1999, Công ty Công viên cây xanh đã trồng hơn 17. 000 cây gồm nhiều chủng loại: phượng, bằng lăng, muồng, nhạc ngựa, lim sét... những loại cây này được trồng trên các công viên và đường phố. Anh Phan Đình Ngôn, giám đốc Công ty Công viên cây xanh cho biết: “Năm nay Công ty Công viên cây xanh có kế hoạch trồng khoảng 4.000 cây các loại, đồng thời tu chỉnh lại các công viên, trồng thêm cây hoa và những cây lá màu”.

Việc trồng cây là cần thiết nhưng chăm sóc, bảo vệ cây trồng lại càng cần thiết hơn. Không chỉ là bổn phận của những cơ quan chuyên trách, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân thành phố. Ở trục đường Trương Định, một cây bằng lăng đứng trước Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm- Mỹ phẩm (TTKNDP- MP) bị khô héo dần. Anh Thái Văn Trân, giám đốc TTKNDP- MP, nói: “Tôi thấy cây bằng lăng nó rụng lá và có nguy cơ cây sẽ chết. Tôi nghĩ: cứu lấy cây xanh như cứu lấy con người, nên tôi cử nhân viên trong cơ quan thường xuyên tưới nước. Một tháng sau cây bằng lăng đã đâm chồi trở lại”.

Giáo sư Ngô Gia Hy cho rằng: Nhịp sinh thái của cây cỏ cũng phụ thuộc vào các giờ trong ngày. Vào giờ Mão (5- 7h sáng) trời hừng sáng, cây cối chỉ mới hấp thụ CO
2 nên CO2 tương đối còn nhiều trong không khí. Vào giờ Ngọ (11h sáng- 1h trưa), cây cối hấp thụ CO2 mạnh và O2 với nồng độ cao. Vào giờ Dậu (5h chiều- 7h tối), cây cối bắt đầu giảm hấp thụ CO2 nên CO2 trong không khí bắt đầu tăng nhưng O2 còn nhiều. Vào giờ Tý (11h đêm- 1h sáng), cây cối thải nhiều CO2 nên nồng độ CO2 cao nhất trong ngày. Với hoạt động quang hợp hút khí CO2 độc hại, mỗi cây xanh trung bình hằng năm hút 22 kg carbonoxyt.

Để tránh tai nạn do cây xanh vào mùa mưa bão, Công ty Công viên cây xanh đã tiến hành điều tra và làm “phiếu lý lịch” cho từng loại cây, trong đó chú trọng những cây già cỗi, rỗng ruột, mục gốc... nằm rải rác trên các trục đường và công viên thành phố. Hiện nay tỷ lệ diện tích cây xanh trên đầu người ở Huế là 2, 5 m2/ người. Riêng ở Đà Nẵng diện tích cây xanh chỉ xấp xỉ 0,32 m2/ người. Hiện toàn vùng nội thành Đà Nẵng, với 500. 000 dân nhưng chỉ còn hơn 500 cây xanh. Nghĩa là cứ 5. 000 người mới có 1 cây xanh (Lao động, 23/ 5/ 2000). Như vậy số cây xanh ở thành phố Đà Nẵng còn thấp hơn ở vườn lăng Tự Đức (diện tích 12 ha) có tới 800 cây thông.

Di tích xanh.

Tôi đi vào Đại Nội nơi có nhiều cây xanh cổ thụ cao vút ngả bóng với thời gian. Anh Hà Văn Vu, đội trưởng Đội tôn tạo cảnh quan thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Đội tôn tạo cảnh quan gồm có 34 người và được phân thành 6 tổ: tổ Hoa, tổ Kiểng, tổ Cây xanh, tổ Tôn tạo bảo dưỡng sân vườn, tổ Sinh vật cảnh, tổ Vườn ươm. Riêng tổ Vườn ươm đặt tại vườn Thiệu Phương (bên trong Tử Cấm Thành) chuyên ươm các loại cây kiểng và cây mai). Anh Vu hướng dẫn tôi đi xem một số cây cổ thụ nằm rải rác trong khu Đại Nội, có diện tích 37 ha. Đứng trước sân vườn Thế Tổ Miếu. Anh Vu giới thiệu cây tùng trồng dưới thời vua Minh Mạng, nay đã có trên 150 tuổi. Tôi nhìn từ góc nào Đại Nội cũng đều thoáng và đẹp. Kiến trúc và cây xanh cùng phô diễn. Ở trước sân vườn Thái Bình Lâu, tôi thấy một nhân viên (Đội Tôn tạo cảnh quan) đang làm vệ sinh và cắt cỏ định kỳ. “Di tích Huế không chỉ dừng lại đơn thuần là làm theo những cảm tác cho cảnh quan xanh sạch đẹp như một công viên mà nó phải gắn với ý nghĩa của các chức năng công trình mang từng chủ đề tư tưởng, xung quanh cuộc sống của người xưa như khu thờ tự, sân chầu, vườn Thượng uyển, sông hồ, rừng cây... Trong đó lại có từng kiến trúc không gian nhỏ về phong cảnh như lối dạo, bồn hoa, thảm cỏ, non bộ, chậu kiểng, hàng cây hòa lẫn đan xen, phải có những cây trồng đặc chủng như “vải trạng Phụng Tiên, đào nguyên Thế Miếu”- anh Vu nói tiếp.

Theo bảng tổng hợp số lượng cây xanh trong khu Đại Nội có 1. 443 cây, gồm 158 chủng loại như xoài, nhãn, thông, sứ, ngô đồng, sấu, gội, long não, da, xanh, lộc vừng (mưng), vông đồng... Theo kế hoạch hai bên khuôn viên điện Thái Hòa sẽ trồng mai lớn, chỉnh trang các cụm đá và trồng các loại cây hoa thảo.

Rời Đại Nội, tôi đến thăm ngôi nhà vườn của anh Hoàng Văn Thừa ở phường Thuận Thành, Anh Thừa giới thiệu: “Khu vườn này của cha mẹ tôi để lại có diện tích 1000 m2. Trước đây chỉ trồng thuần một chủng loại: cây chuối (cây dược liệu). Nhưng do hoàn cảnh kinh tế nên tôi đã chuyển nhượng một phần đất vườn, nay chỉ còn 475 m2. Anh Thừa cho tôi xem tờ văn khế nhà vườn đề ngày 18 tháng 8 năm Duy Tân thứ hai (1908) có ấn ký của Bộ Hộ và Bộ Công: “Tôi tên là Hoàng Văn Bồi, nguyên là đội trưởng đội 1 thuộc vệ Cẩm Y, nguyên quán xã Phủ Điền, tổng Phú Ninh, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên. Kính trình một việc như sau: Nguyên năm trước tôi có tạo dựng một sở nhà tranh một ngôi, hai vài một gian tại phường Trung Hậu, Thành nội (nay thuộc phường Thuận Thành), trong vườn đã trồng các loại cây chuối, qua nhiều năm đã vào nề nếp (Sở vườn đã được phân vào sở thứ 22 khuôn thứ 5). Kính xin được xác nhận sở vườn gia cư này để tiện việc làm ăn và đóng thuế. Vì vậy dám xin các vị đại nhân đại thần ở Bộ Hộ và các vị quan lớn Nha Hộ Thành phê chuẩn xác thưc để làm bằng chứng”.

Trong một báo cáo khoa học: “Nghiên cứu xây dựng một số kiểu vườn phục vụ du lịch ở khu vực Huế và phụ cận” cho biết: Qua khảo sát sơ bộ các vườn của 28 phường, xã thuộc thành phố Huế và phụ cận thì số vườn được bình chọn là 72 vườn (trong số đó vườn có diện tích lớn nhất là 5.000 m2 và nhỏ nhất là 500 m2). Các vườn này có trên 80 chủng loại cây cảnh được trồng: sung, bồ đề, me, sanh, si, khế, tùng la hán, thiết mộc lan, vạn tuế, thiên tuế, nguyện quế, tre vàng... Trong dịp Festival Huế- 2000 đã có 4 ngôi nhà vườn được chọn đưa vào tour du lịch: Lạc Tịnh Viên, vườn An Hiên, vườn Ý Thảo và từ đường “Ngọc Sơn công chúa”. Ông Michel Cuenord, quốc tịch Thụy Sĩ khi thăm từ đường “Ngọc Sơn công chúa”, nói: “Trải qua bao biến cố nhưng chủ nhân vẫn giữ được ngôi nhà vườn truyền thống. Ở đây thật êm đềm và còn phảng phất đời sống đượm vẻ nông thôn hơn là thành thị”.

Tôi lang thang trên các con đường thành phố, không những được ngắm mà còn được sống trong lòng “tác phẩm” do thiên nhiên ban tặng. Qua cầu Trường Tiền, tôi nhìn về phía chân cầu, cây phượng vĩ nở hoa khoe sắc màu đỏ thắm, gợi cho tôi những hoài niệm thân thương mà một thời tuổi học trò đã trôi qua.

Cố đô Huế, tháng 6 năm 2000
H.V
(139/09-00)



Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Hồn Huế (11/05/2010)
Cảm nhận Huế (10/05/2010)