Hàng trăm người đã sững sờ, xúc động khi vào gian trưng bày Các ấn phẩm âm nhạc của NXB Tinh Hoa - Huế, do 5 nhà sưu tập đến từ TP Hồ Chí Minh, Huế cùng góp tay để công chúng được tận mắt nhìn thấy bản in gốc ấn phẩm âm nhạc có tuổi đời dài ba phần tư thế kỷ.
Từ trước đó, công chúng Huế đã nghe và nhắc nhở nhau đến với Gala này và khấp khởi chờ đợi, với lòng tự hào, với nỗi khát khao được nhận diện lại âm vọng ngày xưa, vén bức màn phủ bụi mờ cho một danh xưng tưởng như sẽ bị lãng quên mãi mãi...
Và giây phút đó đã đến. Ca khúc Đoàn giải phóng quân, một sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua sự thể hiện của các ca sĩ Quang Phúc, Đình Phương, Nguyễn Duy đã cuốn hút mọi người bắt đầu vào không gian tri ân đầy xúc động. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó TBT Phụ trách Tạp chí Sông Hương đọc diễn văn nói rõ lý do có cuộc Gala này: “Huế với hơn 700 năm hình thành và phát triển đã trầm tích trong mình một trữ lượng văn hóa cực lớn khiến thế giới phải sửng sốt, và làm cho các thế hệ chủ nhân của Huế, yêu Huế lấy làm tự hào. Để có được điều đó, các thế hệ tiền nhân đã không tiếc công sức dành bao tâm huyết và trí tuệ làm nên; không chỉ là mồ hôi, mà còn cả máu và nhiều khi đánh đổi bằng cả cuộc đời. Cái bước chân xuống thuyền của Công chúa Huyền Trân là một bước chân lịch sử để lại cho hậu thế bao mối cảm hoài và suy tưởng. Cùng trong dòng chảy xuyên thế kỷ ấy, lịch sử cận đại của văn hóa Huế được tiếp tục hun đúc bởi những người con xứ Huế và những người yêu Huế. Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta phải thừa nhận là khoảng thời gian cách đây chừng 60-70 năm, sách vở và các nhà nghiên cứu Huế hôm nay vẫn còn để ngỏ, chưa đề cập đến nhiều. Một trong những “dấu lặng” đó là sự xuất hiện của Nhà xuất bản Tinh Hoa - Huế. Chúng ta ít nhiều đều nghe đến NXB Tinh Hoa - Huế. Nhiều người trong chúng ta vẫn còn giữ trong ký ức hình ảnh những ấn phẩm âm nhạc của NXB Tinh Hoa - Huế được in trên giấy cứng, với bìa trước được vẽ những nét minh họa đơn sơ mà gợi cảm, với những nốt nhạc tài hoa được viết nên bởi những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, gần như đa số chúng ta đều biết rất ít về NXB này. Chúng tôi là những kẻ hậu thế băn khoăn và quyết đi tìm lại lịch sử của một NXB mà tên tuổi của nó đã vượt cả không gian và thời gian. Người chịu trách nhiệm: nhà thơ, nhà báo Trần Bá Đại Dương đã làm rất tốt công việc được nhiều người kỳ vọng. Bài viết của anh in trên Số đặc biệt Tạp chí Sông Hương tháng 5.2010, đã hé mở cho chúng ta sáng rõ nhiều điều về NXB Tinh Hoa - Huế. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta có thể khẳng định một điều rằng, từ những năm 1940 của thế kỷ trước, NXB Tinh Hoa - Huế là nhà xuất bản âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, đã tổ chức ấn hành các tác phẩm của nền tân nhạc Việt Nam buổi sơ khai, tạo điều kiện cho các tác phẩm đó nhanh chóng đến được với công chúng yêu âm nhạc trên toàn Đông Dương lúc bấy giờ, khiến cho nền tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu được chắp cánh bay lên, để lại những ca khúc bất hủ mà đến tận bây giờ, sau 60 - 70 năm, chúng ta vẫn đang còn nghe và hát với một sự đồng cảm và yêu mến sâu sắc. Sự xuất hiện và những đóng góp của NXB Tinh Hoa - Huế thêm lần nữa chứng tỏ rằng, một thời chưa xa, Huế đã từng là trung tâm văn hóa lớn trên nhiều lĩnh vực. Công lao của NXB Tinh Hoa - Huế đối với nền âm nhạc Việt Nam là vô cùng to lớn. Ghi nhận điều đó, hôm nay Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế, Tạp chí Sông Hương, Nhà Văn hóa Huế, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế cùng phối hợp tổ chức Gala TINH HOA - SÔNG HƯƠNG nhằm tôn vinh Nhà xuất bản Tinh Hoa - Huế. Đây là cuộc Gala đầy xúc động của thế hệ sau tri ân thế hệ trước, của những người yêu mến NXB Tinh Hoa - Huế nói riêng và văn hóa Huế nói chung. Đây cũng là chương trình hưởng ứng Festival Huế 2010. Trong buổi Ga la TINH HOA - SÔNG HƯƠNG, chúng ta sẽ cùng nghe lại những nhạc phẩm bất hủ do NXB Tinh Hoa - Huế ấn hành. Đây không phải là một chương trình ca nhạc chuyên nghiệp với những ca sỹ chuyên nghiệp trình diễn. Những người hát cho chúng ta nghe hôm nay, là những người hát vì sự tri ân và kính trọng NXB. Vì vậy, chương trình văn nghệ hôm nay chính là chương trình văn nghệ của lòng tri ân NXB Tinh Hoa và những tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu. Để tổ chức được buổi Gala này, chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận và tham gia của gia đình ông Tăng Duyệt (chủ nhân NXB Tinh Hoa - Huế), nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, gia đình cố nhạc sỹ Châu Kỳ. Chúng tôi cũng nhận được sự hưởng ứng của các nhà sưu tập: Danh Toại, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Đình Niêm, Hà Thị Lựu, Ngô Tuệ đã tin tưởng trao cho chúng tôi những ấn phẩm vô giá mà họ và gia đình đã giữ gìn suốt 70 năm qua để chúng tôi có thể tổ chức cuộc trưng bày. Chúng tôi nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Công ty Cổ phần Du lịch Huế, của Công ty cổ phần Tổ chức sự kiện Thế kỷ ở Đà Nẵng đã nghiêng vai gánh giúp một phần trong việc tổ chức Gala đầy xúc động này. Xin cảm ơn nhạc sỹ Lê Phùng là thành viên trong Ban Tổ chức đã không tiếc công sức để tổ chức chương trình văn nghệ cho buổi Gala hôm nay. Xin cảm ơn các ca sỹ, nhạc công đã tham gia cuộc trình diễn tại Gala, gợi nhắc chúng ta về một thời vang bóng của nền tân nhạc Việt Nam...”
Sau diễn văn tôn vinh, Ban tổ chức đã tặng bó hoa lớn cho Cụ bà Huỳnh Thị Cam, vợ của ông Tăng Duyệt, cố giám đốc NXB Tinh Hoa - Huế. Năm nay Cụ bà đã 88 tuổi. Vợ chồng nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan cũng trân trọng dành lẵng hoa lớn để tri ân gia đình Tinh Hoa. Chương trình cũng nhận được nhiều lẵng hoa chúc mừng từ lãnh đạo thành phố Huế, từ các khán giả yêu âm nhạc... Đúng như những gì bài diễn văn đã nói. Chương trình văn nghệ với những ca sỹ hát bằng tấm lòng của mình đã khiến khán phòng ngập tràn không khí xúc động. Anh Châu Tài, con trai trưởng của cố nhạc sỹ Châu Kỳ không kìm được nước mắt khi nghe Ngọc Lan trình bày nhạc phẩm Thương về miền Trung của cha mình. Chị Tăng Bảo Thiều, ái nữ của ông Tăng Duyệt cũng đã hát một nhạc phẩm ngày xưa do cha mình xuất bản: Em đến thăm anh một chiều mưa của nhạc sỹ Tô Vũ. Nhiều người lúc ấy lặng lẽ đến bên gian trưng bày để lặng ngắm bản in bìa trước nhạc phẩm này. Trên đó, họa sỹ đã vẽ hình bóng người con gái xăn quần vén áo đi dưới mưa trên con đường ngập nước. Chương trình lần lượt thể hiện các ca khúc khác. Và khán phòng chợt lặng đi, khi bất ngờ nghe một giọng ca cao vút lần đầu được phát hiện trên sân khấu Huế: Nguyễn Thị Huệ với bài hát Bóng chiều xưa của Dương Thiệu Tước...
Giữa chương trình âm nhạc, có những cuộc giao lưu cảm động và ý nghĩa. Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu sau khi tặng hoa cho cụ bà Huỳnh Thị Cam, cho biết sau 65 năm, bây giờ ông mới được gặp lại cụ bà Tăng Duyệt. Ông kể ngày xưa, bài Đoàn giải phóng quân của ông được trả nhuận bút rất lớn, 800 đồng. Số tiền đó nếu để ăn cơm, ông sẽ ăn được suốt 5 năm liền, với những suất cơm tươm tất. Với số tiền đó, ông đã mua được cây đàn ghi ta cổ, được cho là của người Pháp tặng vua Bảo Đại. Ông đã sáng tác một thời gian dài với cây đàn đó, nó chỉ thất lạc khi ông lên chiến khu, để nó lại đô thành. Ông nói nếu không có NXB Tinh Hoa - Huế hà hơi tiếp sức, thì ông và các nhạc sỹ tân nhạc Việt Nam đương thời khó lòng sáng tác được những nhạc phẩm bất hủ mà hiện nay vẫn đang lưu truyền.
Nhà văn Bửu Ý đã kể lại cho công chúng dự khán nhiều câu chuyện xưa nay chưa ai biết liên quan đến NXB Tinh Hoa - Huế. Nhà văn nói: Bây giờ nói chuyện xuất bản nghe có vẻ bình thường, nhưng những năm 1940, quan niệm in từng bản nhạc rời là một quan niệm tiên phong. Điều này không chỉ độc đáo với thời đó, mà ngay cả bây giờ, khắp cả nước vẫn chưa có NXB nào làm được. Tinh Hoa - Huế đã quy tụ được nhiều tài năng âm nhạc trong cả nước thời đó: Phía Bắc vào có Phạm Duy với nhiều tình ca, Lê Thương với Hòn Vọng Phu, Dương Thiệu Tước với hai tuyệt tác Tiếng xưa và Đêm tàn Bến Ngự, Văn Cao với Thiên Thai... Từ Đà Nẵng trở vào Nam có Phan Huỳnh Điểu, Lê Trọng Nguyễn, Phạm Thế Mỹ, Phạm Trọng Cầu... Ở Huế có Ưng Lang, Nguyễn Văn Thương, Lê Hữu Mục, Đỗ Kim Bảng, Thu Hồ, Minh Kỳ, Hoàng Nguyên Cao Cự Phúc, Châu Kỳ, Văn Giảng (còn ký tên Nguyên Thông, Thông Đạt), Nguyễn Hữu Ba, Lê Cao Phan, Lê Quang Nhạc, Ngô Ganh, Lâm Tuyền, Hồ Đình Phương, Lê Mộng Nguyên... Hồi đó Tinh Hoa - Huế cũng góp phần khích lệ tinh thần và vật chất cho sự ra đời của một số ban nhạc và ban kịch của thành phố như ban nhạc “Thiếu nhi Tinh Hoa”, “Gió Mới”, “Ban nhạc Jazz”, “Ban kịch Vũ Đức Huy”... Với sự xuất hiện của NXB Tinh Hoa - Huế, một lực lượng ca sỹ hùng hậu cũng thành danh. Phía nữ có Minh Trang (vợ Dương Thiệu Tước), Mộc Lan (vợ Châu Kỳ), Hà Thanh, Kim Tước, Tâm Vấn, Thanh Cầm, Hương Thủy. Nam ca sỹ có Tôn Thất Niệm (được xem là giọng nam ca hay nhất mọi thời), Dạ Chung, Lê Mộng Hoàng, Duy Khánh, Thiện Nhân... Các hoạ sỹ trình bày cho các ấn phẩm âm nhạc Tinh Hoa hồi đó là Phi Hùng và Duy Liêm. Phi Hùng vẽ theo phong cách cổ điển pha ấn tượng. Duy Liêm vẽ theo lối lập thể. Tiếp theo Tinh Hoa, người dân Huế chào đón sự ra đời của vài cửa tiệm bán sách nhạc và nhạc cụ. Như cửa tiệm của nhạc sỹ Lâm Tuyền tại tầng trệt khách sạn Morin, tiệm Uyên Bác của thân sinh ca sỹ Hà Thanh... Tinh Hoa còn có sáng kiến tổ chức những đêm nhạc gây quỹ được quần chúng hưởng ứng nhiệt tình. Chẳng hạn 3 đêm nhạc kịch (ngày 2,3,4 tháng 4 năm 1955) tổ chức tại rạp Gia Hội Hí Viện nhằm lấy tiền trùng tu đền thờ Phan Bội Châu... Cuộc Gala cứ thế diễn ra trong không khí tri ân, hồi tưởng, xúc động. Cho đến khi kết thúc, nhiều người vẫn chưa muốn về, ngồi lại đó để lắng nghe những ngày xưa đang còn vọng lại... P.V (257/7-10) tin bài liên quan |