Ai ra xứ Huế
Một vài nơi trong Kinh thành Huế (tt)
16:59 | 08/10/2010
NGUYỄN ĐÌNH HÒE VÀ L.CADIÈRE(Tiếp theo SH số 5 – tháng 2 - 1984)
Một vài nơi trong Kinh thành Huế (tt)

II-
LẦU TÀNG THƠ - Tòa nhà nầy ở trước mặt khuôn viên Tịnh Tâm, bên kia là đường Lục bộ. Nó tọa lạc trên một hòn đảo, ngay giữa một cái hồ gọi là hồ Học Hải. Theo Đại Nam Nhất thống chí thời Duy Tân, chính Hoàng đế Minh Mạng đã cho xây dựng nó vào năm thứ sáu của triều đại ông (1825). Nó gồm một nhà trệt 12 gian và một tầng lầu 7 gian hai chái. Ở phía tây, một con đê và một chiếc cầu nối liền với đường Lục bộ, và nó được rào quanh bốn phía. Vào năm Thành Thái thứ 16 (1904) người ta dựng thêm một ngôi nhà nhỏ cho lính gác.

Đây chính là nơi lưu trữ hồ sơ của Lục bộ.

Lầu Tàng Thơ - Ảnh: wikipedia.org


Tòa nhà nầy đã gây cho Đức Chaigneau một cảm tưởng không tốt, đây chớ không phải nơi nào khác. Ông đã để lại cho chúng ta một đoạn văn miêu tả về tòa nhà ấy, nó ghi nhận cái khung cảnh của lầu Tàng Thơ ngày nay: “Ở gần con kênh, nơi phần uốn cong thành góc hình thước thợ, có thư viện Hoàng gia, tòa nhà hai tầng bên trên mặt đất, trông khá kỳ quái, được xây dựng dưới triều Minh Mạng. Tòa nhà nầy không theo một kiểu thức nào cả ; đó là một hỗn hợp kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc châu Âu mà người ta đã tìm ra để mô phỏng lúc bấy giờ”.

Theo Đại Nam Nhất thống chí thời Duy Tân, thư viện nầy được xây dựng từ năm 1825. Đức Chaigneau rời Huế vào ngày 15-11-1824. Chính mắt ông đã nhìn thấy thư viện hay không, điều đó không nói rõ, nhưng lời miêu tả chính xác của ông về di tích này làm cho người ta phân vân. Trong trường hợp nầy, chúng ta phải kết luận rằng đó không phải là năm 1825 mà muộn lắm thì thư viện ấy cũng phải xây dựng vào khoảng năm 1824.

Chúng ta nên lưu ý rằng, trong mọi trường hợp Đức Chaigneau qua bản đồ Kinh thành Huế mà ông đã để lại cho chúng ta đã vẽ thư viện ấy sai chỗ, ở bên bờ trái của kênh Ngự Hà, nghĩa là ở phía Bắc của con kênh. Trong bản đồ ấy, sự nhầm lẫn này bắt nguồn từ toàn bộ phận của Kinh thành bị vẽ sai vì Đức Chaigneau không đặt Mang Cá ở góc đông bắc mà lại đặt ở góc tây bắc của Kinh thành: vì nhầm lẫn như vậy, nên ông cho Ngự Hà thoát ra ở con kênh Đông Ba (phía đông). Nhưng đáng lẽ không phải vì thư viện ở bên phải con kênh. Chúng ta nên thứ lỗi cho ông, vì sau một thời gian 35 năm, những ký ức của ông chắc phải có chút lẫn lộn.

Hình ảnh ở đầu bài khảo cứu này, tác phẩm của ông Tôn Thất Sa, biểu thị lầu Tàng Thơ nổi lên trên hòn đảo của nó, ở giữa Hồ Học phủ đầy sen đang độ nở hoa.

III- KHO THUỐC SÚNG - Trong cái hồ bao quanh lầu Tàng Thơ, người ta thấy còn có một cái đảo khác ngày nay đã trơ trụi. Đó chính là nơi mà trong thời gian gần đây người ta dựng lên kho thuốc súng (hỏa dược diêm tiêu khổ). Đại Nam Nhất thống chí đời Duy Tân, như người ta thấy ở trên, khẳng định rằng hai cái nhà kho xây dựng ở đây, nguyên đã kiến trúc trên hai hòn đảo ở hồ Tịnh Tâm, rồi sau đó, vào năm 1835 thì dời qua vị trí hiện nay. Nhưng một sự kiện chắc chắn là phái bộ Crawurd đã đến thăm hai nhà kho ấy vào năm 1822 như lời thuật lại của Finlayson (1).

“Sau khi đi bộ hơn một dặm dọc theo tường thành, người ta dẫn chúng tôi đến thăm các nhà kho công cộng gồm một số lớn các nhà kho vững chắc và kiến trúc tốt đẹp. Mọi vật đều đáng chú ý cũng đáng quan tâm, những tòa nhà chứa thuốc súng của triều đình dựng lên giữa một cái hồ rộng”.

Nếu người ta cho rằng vào năm 1838, kho thuốc súng ở các đảo trên hồ Tịnh Tâm nói là sự thật thì phải kết luận rằng những tòa nhà mà Finlayson đã thấy có vào năm 1822, như chúng ta đã nói, những nhà cửa ở Tịnh Tâm vẫn còn tại đó; vậy mà khi đi thăm kho thuốc súng, Finlayson lại không nói đến những nhà cửa ấy, hơn nữa, đất đai Tịnh Tâm cũng không đến nỗi rộng lắm để bây giờ có một cái gì ngăn cách giữa các đình tạ nghỉ mát và hai tòa nhà chứa thuốc súng, nếu người ta lưu ý đặc biệt điều Đại Nam Nhất thống chí thời Duy Tân nói rằng hai tòa nhà ấy được dựng ở trên hai hòn đảo của Tịnh Tâm, chính đây cũng là nơi xây cất những đỉnh ta nghỉ mát; vả lại Finlayson nói chắc rằng kho thuốc súng được xây dựng ở giữa “một cái hồ rộng”. Ý nói rất rõ ràng: đó là chỗ hiện nay, chứ không phải là Hồ Tịnh Tâm, bị hạn hẹp hơn.

Do vậy, tôi nghĩ rằng, kho thuốc súng được dời qua chỗ hiện nay không phải là vào năm 1838, mà phải trước năm 1822, khi đang kiến trúc các đỉnh tạ ở Tịnh tâm. Có lẽ Minh Mạng phải cho sửa soạn các tòa nhà cũng như uốn nắn bờ hồ và tu bổ mọi thứ trước khi xây dựng.

Theo Đại Nam Nhất thống chí thời Duy Tân, cái tên Kỷ tế đường như dùng để chỉ hồ Tịnh Tâm khi kho thuốc súng được đặt ở đó, nó chỉ luôn cả phần hồ ở vị trí hiện nay, nghĩa là phần phía Nam, còn phần phía Bắc của hồ nầy, bao quanh lầu Tàng Thơ thì, như người ta đã thấy, mang tên Hải Học.

Đồ bản LXVI cho ta thấy hai bản vẽ kho thuốc súng được vẽ vào năm 1885. Trong bản vẽ thứ nhất, thư viện và kho thuốc súng nằm trong cùng một vòng tường, và cả hai chỉ có một cái đập mở ra ở phía Nam. Hình như không thể cho rằng hai tòa nhà cùng ở trong một vòng tường, và cả hai đều luôn luôn có một con đường đi riêng biệt.

Bản vẽ thứ hai ăn khớp với tình trạng hiện nay hơn: hai tòa nhà xây trên hai hòn đảo riêng rẽ, ở biệt lập nhau, và có đường đi khác nhau, thư viện có đường hướng về phía tây, hay đường Lục bộ, kho thuốc súng hướng về phía nam.

Vào thời nầy, năm 1885 kho thuốc súng gồm hai dãy nhà song song, chỉ dẫn nầy ăn khớp với điều mà Đại Nam Nhất thống chí thời Duy Tân cho chúng ta biết về thời Gia Long: có một kho hỏa dược và một kho diêm tiêu.

IV- VƯỜN THƯỜNG THANH - Vườn Thường Thanh ở sát bờ lầu Tàng Thơ, ngay trước cầu kho (Port de la Concession) phía bên phải. Ở trước mặt, phía bên kia đường Lục bộ, người ta còn thấy những cái cửa vòm của các kho vựa xưa của Hoàng gia. Khu đất nầy thuộc phường Phong Dinh. Chung quanh có xây tường bao bọc và trổ bốn cửa. Trong vườn trồng nhiều loại cây ăn quả. Giữa vườn có dựng Hòa cảm đường.

Minh Mạng đã lập vườn nầy vào năm 1836, năm thứ 17 triều vua nầy. Đây là những gì mà Thiệu Trị, khi còn là Hoàng Thái tử đã kể lại trong ngày khánh thành:

“Về phía đông bắc của vườn Thượng Uyển (2) có vườn Thường Thanh. Nhờ đặc ân của Hoàng Thượng, ngài ban cho các hoàng tử chúng tôi khu vườn nầy để lúc nhàn rỗi, chúng tôi có thể ra đây nói chuyện gia đình sau khi dùng bữa cùng Hoàng đế và hỏi thăm sức khỏe của Ngài. Ngôi nhà được Hoàng đế đặt tên là Hòa cảm. Những tặng vật thông thường này là do hảo tâm của Hoàng thượng, với tình cảm cha con và với thiện ý mà ngài đã dành cho lòng của chúng tôi. Cũng không tìm ra được từ ngữ nào có thể diễn tả được hết hảo tâm của Hoàng thượng.

Lễ khánh thành diễn ra vào ngày mồng 1 tháng nầy giữa niềm hân hoan và đoàn tụ đầy đủ của tất cả các hoàng tử. Nhân dịp nầy, tôi có làm bài thơ sau đây với mục đích kính cẩn ghi lại kỷ niệm về hảo tâm của Hoàng thượng.

Khi đến vườn Thường Thanh, Thượng hoàng chú mục vào các câu thơ khắc trên tường. Ngài khen ngợi ta, và để tưởng thưởng ta, ngài viết một bài thơ và tặng cho ta nhiều tặng phẩm xinh xắn!”

Bài thơ của Thiệu Trị tìm thấy trong Chỉ Thiện Đường Hội tập (Q.X) là tập thơ chứa đựng những bài thơ do vị Hoàng tử nầy soạn khi còn là Hoàng thái tử và ở tại Chỉ Thiện đường (3). Người ta có thể đọc bài thơ của Minh Mạng trong tập thơ của vị Hoàng tử nầy.

Để ghi nhớ ân huệ nầy, Thiệu Trị đã viết một bài để tán tụng vua cha, mà vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838) ông đã cho khắc bằng chữ bạc khảm cẩn trong một tấm biển đồng dài 1,25 mét, cao 0,50 mét. Đó là tấm biển trưng bày ở gian giữa của Tân Thơ Viện, phòng họp của Hội Đô Thành Hiếu Cổ.

V- VƯỜN THƯ QUANG- Vườn Thư Quang nằm ở bờ Nam Ngự Hà, ở gần trường chuyên nghiệp hiện nay, trước mặt cửa sở tạo ngựa giống (Jumenterie). Sở nầy đã cải tạo cái vườn thành ra bãi cỏ để nuôi ngựa. Đặt tên cho nó là vườn Thư Quang, bởi vì nó quay mặt về hướng đông. Vườn được lập vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836).

Cảnh vườn Thư quang - Ảnh: hue.vnn.vn


Ở ngay giữa vườn dựng lầu Thưởng Thắng, chung quanh lầu có bốn tòa nhà; ở phía đông là Phụng Phương Diện, ở phía tây là Tấn Phương Đỉnh, ở phía nam là Trừng Phương Hiên, ở phía bắc là Hiệp Phương Viện. Ở bốn phía, người ta đào hào và xây cửa cống để cho nước Ngự Hà chảy vào đó. Hai bên bờ hào, người ta xây thành từng bậc để trồng hoa và trang hoàng các thứ, và có những chiếc cầu bắc ngang qua những cái hào ấy ở bốn mặt: cầu ở phía đông và phía tây cao hơn, được che mái, cầu ở phía nam và phía bắc thấp, người ta lát ván để khi cần thì thuyền bè có thể qua lại được.

Khi công việc xây dựng hoàn tất Minh Mạng đưa mẹ mình là Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu ra lầu Thưởng Thắng để thưởng thức vẻ đẹp của các kiến trúc mới. Sự ký tái về cuộc tham quan nầy có ở trong Ngự chế thi tập của nhà vua.

Vào năm 1838, các vị tiến sĩ tân khoa đã được mời đến dự một cuộc yến tiệc tại khu vườn nầy và đó là “tiệc thưởng thắng”, sau buổi tiệc, họ được đi ngắm hoa trong vườn. Đó là một biển số đáng ghi nhớ.

Trong “Thánh chế thi Thần Minh nhị thập cảnh” Thiệu Trị có in năm 1834, có một bài thơ nhan đề là “Thư uyển xuân quang” là bài thơ nói về vườn Thư Quang.

Sau đó, chẳng bao lâu, vị hoàng tử này thấy rằng chốn ấy quá gần với cung Khánh Ninh ở trước mặt, bên kia hồ Ngự Hà, nên cho đem tất cả các tòa nhà ấy, cũng như cây cối và bông hoa vào vườn Cơ Hạ bên trong phạm vi Hoàng thành, còn vườn Thư Quang thì bị bỏ phế.

(6/4-84)


-----------------
(1). Voyage du Bengal à Siam et à Cochinchine (1821 - 1822) trong Bibliothèque universelle des voyages, Paris, 1835, tr. 395.
(2). Chỉ thiện đường xây dựng ở vườn Thường Mậu, vườn nầy ở gần Tịch điền, về phía nam của khu đất nầy.
(3). Về tấm biển nầy, xin xem “Une inscription de Thiệu Trị sur un panneau de bronze” của A. Bonhomme và Ưng Trình trong B.A.V.B.1915 tr. 203-209. Trong bài khảo cứu này, người ta thấy có bản dịch của bài tán và hai bài đoản thi, một của Thiệu Trị và một của Minh Mạng.






Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Món ăn Huế (07/07/2010)