Dấu ấn nghệ thuật đương đại đã xuất hiện ở đây, đem lại một nét đẹp mới lạ cho Sông Hương nói riêng và thành phố Huế nói chung. Đó là sự đan xen giữa tính đột phá của nghệ thuật đương đại và màu rêu phong của một vùng đất văn hóa trầm tích. Những tác phẩm này luôn là điểm dừng chân thưởng ngoạn của du khách thập phương
Chắc chắn mỗi du khách sẽ có những kiến giải riêng khi đứng trước những nghệ phẩm này. Hẳn không ít người trong số họ sẽ hoài nghi đâu là giá trị nghệ thuật của chúng và liệu rằng, đây có phải là những tác phẩm đích thực. Rốt cuộc ai là người dẫn đạo đưa người xem đi vào khai phá giá trị thẩm mỹ của chúng. Bị chế ngự bởi những xúc cảm trái chiều là điều có thể nói đối với tâm lý của người thưởng lãm. Cảm nhận đầu tiên có thể là sự vô nghĩa lý. Đây là trò chơi, sự tạo tác của những nghệ sĩ ngông cuồng? Bởi xét theo tiêu chí của sự tri giác thì trông chúng hoàn toàn đơn điệu, gây cho người xem một cảm giác khô cứng. Hay là thế giới rộng lớn của những giá trị biểu đạt khác nhau do chức năng thẩm mỹ của chúng mang lại? Thực tế đâu là căn nguyên của giá trị nghệ thuật đích thực ở những công trình này?
Tường giải ý niệm của chúng không phải là một điều bất khả. Tuy nhiên để tránh khỏi những diễn giải hàm hồ chúng ta cần viện dẫn các đặc trưng của nghệ thuật đương đại. Hầu hết những tác phẩm này đều lệch pha đến tận gốc rễ đối với hiện thực khách quan, vượt xa sự mô phỏng. Phải chăng đến nghệ thuật đương đại, sự mô phỏng lâm vào một trạng huống đầy bi kịch khi người nghệ sĩ luôn tìm mọi cách để biến tác phẩm của mình có những lệch pha so với hiện thực. Không ít trường phái nghệ thuật đã khước từ sự mô phỏng, tìm đến một hiện thực phì đại để khai triển tác phẩm của mình. Giờ đây người nghệ sĩ muốn thách thức tri nhận của người thưởng thức về mối quan hệ giữa nghệ thuật mô phỏng và thực tại. Sự mô phỏng thực tại đã bị khúc xạ không còn hình dạng khởi nguyên của nó. Đối với Plato và Aristotle, nghệ thuật là sự mô phỏng, mô phỏng là điều cần và đủ cho những kiểu dạng thực hành nào đó được gọi là nghệ thuật. Theo sự biện giải của các tiên triết này thì X là một nghệ phẩm khi và chỉ khi nó là sự mô phỏng. Nay đứng trước những công trình nghệ thuật này quan niệm nghệ thuật là sự mô phỏng liệu có đi vào mùa hoàn kết của nó? Bởi nếu thưởng lãm chúng theo sự chi phối của lý tính thuần túy thì việc khai mở giá trị tự thân của chúng là một điều bất khả. Và liệu có phải chấp nhận quyền năng siêu nghiệm trong việc tường giải nghệ thuật đương đại. Để cảm nhận được những tác phẩm này cần tránh việc đặt chúng thông qua cách nhìn duy lý; đó là cái nhìn gò ép, chủ quan và khô cứng. Tác phẩm không còn là bản sao của sự mô phỏng mà là những bí ẩn nằm trong cõi nội giới người. Đó là thế giới của tưởng tượng, thế giới bất thường nằm ngoài mọi quy luật, một thế giới bất tín nhận thức. Ở đó chúng ta không thể nhìn thấy sự thật trần trụi một cách hiển nhiên trong không gian và thời gian mà phải đi tìm cái không hiện hữu, cái nghiệm sinh của mỗi chúng ta. Nghệ thuật đương đại không vẽ lại nguyên xi hiện thực mà giành quyền tối thượng cho cảm xúc và siêu nghiệm. Nghệ thuật đương đại khai phá những vùng hỗn độn trong chiều sâu nội cảm để kiến giải những bề khuất lấp, những hoang tưởng, mơ tưởng, những ảo giác không thực và kể cả những ngoại cảm. Nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại muốn đặt dấu chấm lửng hơn là đưa ra một kết luận. Thông qua những tác phẩm kiểu như vậy nghệ thuật đương đại muốn loan báo về một trật tự mới, trật tự siêu nghiệm trong vũ trụ nội cảm. Việc từ chối những hình tượng đã đông cứng trong tầng bao quát của lý tính đã tạo nên những dạng thức siêu hình tượng nằm sâu trong con mắt của tâm thức. Như vậy, ở đây, sự mô phỏng đã lùi bước trước trí tưởng tượng trong chiều sâu của tiềm thức. Có thể giá trị thẩm mỹ của những nghệ phẩm này là được soi rọi từ trong cõi nội giới rồi dội ngược trở lại thách đố lý tính tạo ra những góc độ mới trong cách kiến giải về thế giới hiện thực thậm phồn trong nghệ thuật hiện nay.
Phải chăng chúng là sự thách đố đối với diễn giải. Liệu rằng có phải đã đến lúc việc chấp nhận quyền năng siêu nghiệm của nghệ thuật đã thay chỗ của những diễn giải tường minh? Và có phải thực sự rằng sau những tác phẩm này người sáng tạo đã bài trừ quan niệm mô phỏng để vươn tới tính siêu nghiệm và những giá trị ẩn tàng trong nghệ thuật? Nếu nghệ thuật khước từ mô phỏng vậy thì yếu tố nào xác định chân giá trị của chúng. Khi đã vượt qua sự sao chép hiện thực một cách nguyên xi thì nghệ thuật có cần phải tìm đến sự định hướng của những diễn giải để biện minh và phác thảo chân giá trị của mình hay không? Nói như triết gia Danto thì “Không có gì trở thành một nghệ phẩm nếu thiếu đi một diễn giải giúp nó trở thành như thế”. Nhưng làm thế nào để diễn giải có thể tường giải ý nghĩa của chúng. Phải chăng đang có một khoảng trống giữa cảm quan của nghệ sĩ kiến tạo và khả năng tìm đến cái đẹp tiềm ẩn của người thưởng thức nghệ thuật. Cái gì sẽ lấp đầy khoảng trống đó. Thiết nghĩ sự dịch chuyển quan niệm thẩm mỹ trong nghệ thuật không phải là phút chốc, nó cần một quá trình hoài thai và vận động của tư tưởng trong quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ và người thưởng thức nghệ thuật. Cái đẹp ở những tác phẩm kiểu như thế này sẽ xuất hiện khi người thưởng thức có một cảm quan và bề dày về lý thuyết nghệ thuật. Khi đạt tới đỉnh điểm của sự chiêm nghiệm và liên tưởng thì khoái cảm thẩm mỹ sẽ tuôn trào như những dòng nham thạch cuộn chảy. Cái đẹp của tác phẩm sẽ được người thưởng thức lĩnh hội và người nghệ sĩ cũng từ đó thoát khỏi sự cáo buộc là những “kẻ chơi khăm” hay là những “nhà cuồng tưởng”. Và thiết nghĩ khi có những diễn giải tân thời phù hợp với tác phẩm và tâm lý đám đông thì giá trị thẩm mỹ của chúng cũng được thăng hoa. Nhưng liệu đâu là những diễn giải kiểu như thế khi người nghệ sĩ không tự đem ra một cách diễn giải riêng cho nghệ phẩm của mình. Nói tóm lại cái đẹp luôn nằm trong dạng thức kết cấu vẫy gọi của nghệ phẩm, ở quyền năng khai phá của người thưởng thức cũng như ở sự thẩm định của các chuyên gia. Cũng cần phải xét đến không gian “sống” của những tác phẩm này. Vì sao người nghệ sĩ lại lựa chọn công viên để trưng bày tác phẩm của họ? Phải chăng muôn đời người làm nghệ thuật vẫn phải bám víu vào đám đông, và sự nhận định của đám đông vẫn mãi là chân lý? Đám đông vẫn là những người ấn định cho những chuẩn mực thẩm mỹ mang tính phổ quát, hướng nghệ thuật đương đại đi đến một sự thấu thị hoàn mỹ? Không gian trưng bày này đem lại những hiệu ứng khác nhau. Nhiều người cho rằng nghệ sĩ đang cố tình chơi khăm, thách thức khả năng vượt thoát lý tính thuần túy của những ai mang cảm quan nghệ thuật cổ điển. Lại có người xem đó là bước đột phá trong nghệ thuật đương đại và đó mới chỉ là sự mở màn để tiên báo về một sự bùng nổ của những kiểu dạng nghệ thuật tương tự sẽ xuất hiện trên thành phố Huế trong tương lai không xa. Đây là một tác phẩm hết sức độc đáo được trưng bày tại công viên 3-2: Mỗi tác phẩm luôn có một cái tên, đó là hành động định danh của người nghệ sĩ cho đứa con tinh thần của mình. Thông qua việc định danh đó người nghệ sĩ vạch ra một chiều hướng nào đó cho người xem trong việc truy tìm ý niệm của tác phẩm. Hiện nay trên tác phẩm không có một ghi chép nào về xuất xứ, tên tác giả và tên tác phẩm. Nhưng đôi khi chính vì thế mà nghệ phẩm dung chứa một biên độ vô hạn trong nội tại ý niệm của nó. Phải chăng qua tác phẩm người sáng tạo muốn cảnh báo về tấn bi kịch khủng hoảng năng lượng trong thời hiện tại, và đã đến lúc con người cần được cảnh tỉnh bởi những tham vọng muốn chế ngự thiên nhiên để tồn sinh. Qua tác phẩm người xem có thể liên tưởng đến một thế giới đã bị xô lệch đến tận gốc rễ và con người đang dần bước vào mùa hủy diệt nếu không được đánh thức. Trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại, tác phẩm sau đây độc đáo bởi khả năng khơi gợi suy niệm của nó: Tác phẩm được trưng bày tại công viên Quốc Học với sự tẩy trắng hoàn toàn về lịch sử và tên gọi, mở ra cho người xem nhiều nhận định đa chiều. Thoạt nhìn, nó hầu như không thể gợi lên một cái gì đó gọi là khoái cảm thẩm mỹ cho người thưởng thức nghệ thuật. Nhìn vào nó những người thô kệch nhất cũng có thể tự vỗ ngực và tuyên cáo rằng mình cũng sẽ kiến tạo được những nghệ phẩm tương tự. Những sợi thép tạo thành hai tòa nhà cao tầng vươn lên trời xanh, kẹt giữa hai tòa nhà vô tận đó là một hình nhân, cũng được tạo thành từ những sợi thép nhưng nhỏ hơn. Người nghệ sĩ muốn nói gì thông qua tác phẩm khi chính anh ta cũng không định danh cho tạo tác của mình? Phải chăng con người hiện đại đã bị đông cứng và lâm vào một quái trạng bất khả tri nhận về thực tại xung quanh. Ở đấy chúng ta có quyền biện giải rằng con người đã bị tẩy trắng và trở nên đông cứng trong sự vươn lên không ngừng của khoa học hiện đại. Con người cũng trở thành một thứ chất liệu như bao dạng chất liệu xây dựng khác. Rõ ràng những tác phẩm kiểu như thế này sẽ là những thách thức đối với diễn giải. Nhưng mỗi khi đã bóc được những lớp ý niệm dồn nén trong chúng thì chức năng phản ánh thực tại của chúng trở nên vô cùng tận. Các công trình nghệ thuật nói trên luôn tiềm ẩn sự vẫy gọi đối với những kiến giải khác nhau, và dù có dựa bao nhiêu lần vào sự ngông cuồng của ngôn ngữ cũng không thể tường giải hết các ý niệm tiềm ẩn trong chúng. Trên thực tế người nghệ sĩ luôn là kẻ tiên tri thấu thị gánh vác sứ mệnh dẫn đạo trên con đường theo đuổi những giá trị khai minh, và một khi chưa có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với những người tạo ra tác phẩm thì mọi diễn giải chỉ là những nhận định không thoát khỏi sự quy thúc chủ quan. Những tác phẩm này luôn chờ đợi những kiến giải sâu sắc hơn, hoàn bị và nhiệt tâm hơn để cho chúng xứng tầm hơn trong sứ mệnh tôn vinh và nối kết văn hóa Huế với dòng văn hóa đương đại đang cuộn chảy trên thế giới. Huế, 31 -12 -2010 L.M.P (265/3-11) |