Ai ra xứ Huế
Huế hiện tại trong quá khứ
08:22 | 10/05/2011
Bà Francoise Corrèze - đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, là một chiến sĩ chống phát xít, một người bạn của Việt Nam từ nhiều năm nay. Sau những chuyến đi thăm nước ta trong chiến tranh cũng như từ ngày đất nước thống nhất, bà đã viết nhiều tác phẩm về Việt Nam. Lần đầu tiên đến Huế đầu năm 1985, bà đã ghi lại những cảm nghĩ của mình. Chúng tôi xin giới thiệu một số đoạn sẽ được in trong cuốn sách viết về thanh niên Việt Nam bằng tiếng Pháp.
Huế hiện tại trong quá khứ
Kỳ đài - Ngọ môn - Ảnh: Sỹ Sô



FRANCOISE CORRÈZE



Huế hiện tại trong quá khứ


MỘT THÀNH PHỐ VƯỜN

Khi chiếc xe đến Huế sau hai ngày rong ruổi trên con đường đầy ổ gà, tôi không có cảm giác đây là một thành phố xa lạ.

Tôi đặt chân lên đất này đây là lần đầu tiên, nhưng trong óc đã chứa đầy những câu chuyện về các chúa Nguyễn, nhất là mang theo trong lòng những điều mà Nguyễn Khắc Viện đã nói với tôi hay đã viết ra.

Huế không có vẻ gì là một thành phố theo đúng nghĩa hiện tại của nó, mà là một tập hợp những vườn cây, nổi lên giữa đó là những mái nhà. Ngoài những kiến trúc chính thức ra, như các cơ quan hành chính thương nghiệp và văn hoá, dọc bờ sông với những hàng quán và khu chợ nhấp nháy ánh đèn con thắp đến tận khuya, còn lại là sự ngự trị của cây và bãi cỏ. Nếu Hà Nội là thành thị với những mãnh nông thôn xâm nhập vào, thì Huế là đồng quê nhưng chấp nhận sự tồn tại của những ngôi nhà đô thị và bị những ngôi nhà này điều chỉnh lại cảnh quan. Những bức tường kinh thành và các cung điện hòa vào cảnh trí chung mà không làm gián đoạn.

Một thành phố bé tí so với các đô thị phương Tây, ấy thế mà tôi cứ bị lạc, vì nó trải ra và đan xen vào nhau một cách vui mắt, với một nghệ thuật sống không tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Tuy nhiên, tôi đã tìm ở các vườn mà chịu, không thấy những hòn non bộ với những cây thông, cây si tí hon, cành lá uốn khẳng khiu như trong tranh thủy mặc, với những nhịp cầu, mái đền nhỏ xinh, đã được Nguyễn Khắc Viện mô tả tỉ mỉ và đầy thương yêu (1). Nếu những ao hồ còn đó thì trước hết đấy là nơi cung cấp cái ăn tự nhiên, và người ta trồng rau nhiều hơn là trồng hoa. Đấy là dấu hiệu của thời đại sau một cuộc chiến tranh hủy hoại.

Tôi cũng tìm không thấy những tà áo dài màu tím của các cô gái, duyên dáng, nhưng bất tiện trong lao động và khi phải ngồi xe đạp hàng ngày. Chỉ có các bà già là còn trung thành với truyền thống, thong thả đi từng bước rón rén dọc bờ sông.

Con sông Hương này, nổi tiếng vì những giọng hò chèo đò, vẫn chảy qua suốt thành phố Huế. Tôi nghĩ đến những cuộc dạo chơi dưới đêm trăng đầy thơ mộng và hoài cổ. Nhưng liền đấy, những dòng chữ của Nguyễn Khắc Viện lại choán lấy tôi:

“Nếu như các quan lại xưa có thói quen dạo chơi thuyền những đêm trăng trên sông Hương, nhấm nháp ly rượu nhỏ và nghe những người chèo đò cất tiếng hò… thì những kẻ hãnh tiến của chế độ thuộc địa cũ đã làm suy thoái cái tập quán đó thành một thứ trò mãi dâm thuần túy”.

Nạn mãi dâm, chỉ có tăng lên với sự có mặt của Mỹ. Nạn mãi dâm và những hậu quả nghiêm trọng mà nó kéo theo. Là một thầy thuốc, Nguyễn Khắc Viện nói thêm:

“Không biết còn phải tốn bao nhiêu thời gian, bao nhiêu công phu chữa chạy, bao nhiêu công việc cải tạo và tổ chức lại sản xuất, mới có thể đưa những nạn nhân đáng thương đó của chế độ Mỹ, trở về với cuộc sống bình thường”.

Ngay ngày hôm sau, tôi đề cập đến vấn đề mãi dâm và ma túy trong thanh niên, với một người có trách nhiệm của thành phố. Không phải nói trong hội nghị, mà trên xe ô tô đưa chúng tôi về khách sạn.

Người Việt Nam và nhất là người Huế rất sợ loại câu hỏi đó, và những câu trả lời của họ nói chung thường là mơ hồ. Khi nói chuyện riêng, chỉ có người phiên dịch, thì đồng chí phụ trách đó mới dám trả lời:

- Mãi dâm, và ma túy là một hậu quả nghiêm trọng mà người Mỹ đã để lại. Những năm đầu sau giải phóng, chúng tôi phải không ngừng đấu tranh và giải thích…

- Cả chạy chữa nữa…

Tôi xin lỗi là đã ngắt lời, nhưng đồng chí đó hình như không lấy làm phật ý.

- Tất nhiên là chữa chạy. Đấy là việc chúng tôi phải làm ngay để ngăn chặn những hậu quả của tai họa đó.

- Các đồng chí có làm được không?

Đồng chí đó cười một cách sung sướng:

- Được, trên đại bộ phận.

Tôi tin rằng đồng chí đó nói đúng sự thật.

Và câu thơ của Tố Hữu vang lên trong tôi:

… Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài

Thơm như hương nhụy hoa lài

Sạch như nước suối ban mai giữa rừng

Ngày mai gió mới ngàn phương

Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân

Ngày mai trong giá trắng ngần

Cô thôi sống kiếp đầy thân giang hồ…

(Trích theo bản dịch của Mireille Gansel)


BÊN LĂNG CÁC VUA NHÀ NGUYỄN

Muốn đến những đồi thông ở ngoại vi, nơi các vua triều Nguyễn xây lăng tẩm, người ta chuyển lúc nào không hay từ thành phố vườn sang những khu rừng nằm giữa những rặng tre ngày càng ken dày, lác đác vài cây bàng xòe tán lá rộng nửa vàng nửa đỏ dọc đường đi.

Qua khỏi bức tường gạch xiêu vẹo và dãi dầm mưa nắng, một đoạn lịch sử Việt Nam mở ra trước mắt chúng tôi. Tự Đức nằm đây, ông vua độc tài bất lực, cô đơn, hoài cổ với văn chương và thơ phú.

Lăng Tự Đức - sơn dầu Phạm Đăng Trí


Trong khi chúng tôi cố hình dung ông ta đang nằm mơ màng trên ngôi nhà thủy tạ này, thì cô gái cùng đi tiếp tục câu chuyện bằng cái giọng đều đều của mọi nhân viên hướng dẫn du lịch, nhưng với nụ cười kín đáo của xứ Huế hé trên môi.

“Xây dựng lăng và các kiến trúc khác ở đây là công trình của 3.000 binh lính và phu phen, kéo dài từ năm 1864 đến 1867”.

Người ta thoáng nghĩ đến các Kim tự tháp, trong khi đó cô gái đọc lại một câu hát dân gian thời đó, nét mặt vẫn không thay đổi, giọng nói vẫn cứ kín đáo… “Thành xây xương lính, hào đào máu dân”.

Chúng tôi đi băng qua những đám cỏ mọc quanh các dãy nhà, để đến một nơi nổi lên tiếng nhạc hơi bất ngờ đối với chốn này.

Cuối chiếc sân lát gạch nổi lên một tấm bia lớn dựng trong ngôi nhà bia có chạm trổ, trên đó Tự Đức đã ca ngợi đời mình bằng một bài văn 2.700 chữ. Và phía trước, ngay dưới chân bài thuyết giáo nhàm chán đó một nhóm thanh niên đang vung vẩy tay chân. Một người chơi đàn ghi ta giữ nhịp cho điệu nhảy chẳng có gì là truyền thống cả.

Người ta đã rơi tõm từ thế kỷ này sang thế kỷ một cách tự nhiên. Có thể nghĩ rằng đó là “sự trả thù của lịch sử”.

Và câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu.

Họ gồm khoảng 20 học sinh trường Mỹ thuật, đến đây nghiên cứu điêu khắc đá, nhưng cũng là để giải trí, ăn và cười với nhau.

Thầy giáo độ 30 tuổi, dạy cho họ nghệ thuật đồ họa ở năm thứ hai, là một người biết thông cảm.

Kết hôn chưa? Họ không nhảy nữa, mà cười và nhìn nhau, con trai và con gái, với vẽ ranh mãnh thường thấy trong dân ca: họ còn có thời gian. Tất cả chỉ từ 18 đến 22 tuổi.

Nếu Lê Thị Thảo chọn môn khắc gỗ và chạm đá, thì Thuận Sơn lại thích sơn dầu. Trần Minh, 22 tuổi, đẹp với đôi mắt mê hồn, hình dung cô đang vẽ lên lụa những bóng dáng phụ nữ mềm mại và mảnh mai thì thật là hợp. Dũng, cái tên có nghĩa là “dũng cảm”, theo lời các bạn thì đúng là như vậy, vì anh ta đã có “vị hôn thê”. Mà đúng là anh chàng chỉ mới 22 tuổi! Anh ta muốn vẽ những người nông dân và cả những người công nhân.

- Những bức tranh về hòa bình ư?

Ánh mắt của mọi người đều tán đồng, chỉ trừ Thắng, với nét mặt bình thản một cách lạ kỳ, tuyên bố rằng anh muốn vẽ “sự hy sinh của thế hệ trẻ”. Anh ta mới 18 tuổi, là con một quân nhân.

Nam, người gẩy đàn đến ngồi trên bậc cấp. Anh mới 18 tuổi và đi vào sơn mài. Một cuộc tranh luận nổ ra về sơn mài cổ và sơn mài hiện đại.

- Như vậy là chưa có vấn đề tương lai và chưa phải lo đến chuyện tìm việc làm chứ gì?

“Chúng tôi còn có thời gian để xem sao”, đấy là ý nghĩ toát lên từ những câu trả lời của họ.

Và liền đấy, họ tiếp tục nhảy, tiếng đàn lại vang lên át hết tất cả.

Vừa rời khỏi các họa sĩ đang nhảy, chúng tôi gặp một cây sứ kỳ lạ.

Thứ cây có hoa dùng để cúng, vào mùa này trụi hết lá và vươn những cành trơ trọi lên trời, như những bàn tay xòe ra cúng dâng.

Nhưng cây sứ này lại có người ở… Trên các cành cây, thành tầng lớp, những chàng trai trẻ đang đứng như những con chim khổng lồ ồn ào. Lần này không phải là các nghệ sĩ, mà là các thầy thuốc, cũng tươi cười như vậy, họ đến đây với bạn bè, để đi chơi và ăn uống ngay trên thảm cỏ của Tự Đức…

Ở đây lại vẫn là những làn sóng của lớp người trẻ tuổi, con trai và con gái của phố phường Huế, đến chơi quanh lăng, một khu lăng đặc biệt giản dị, mà người ta nói rằng nhà vua không dám chôn mình ở đấy, sợ hài cốt bị đào bới.

Lăng Khải Định, người cha của Bảo Đại, ngược lại thiếu sự khiêm tốn.

Những bậc cấp lớn với những con rồng chạy dài trên thềm bậc, mắt thủy tinh lấp lánh.

Những tượng quan văn và quan võ, những tượng lính đi chân đất, những người nô lệ đồ sộ đứng đằng sau.

Một tòa nhà chứa nặng những điêu khắc và gốm.

“Tất cả bát đĩa đều cho vào đây hết”, một người trong chúng tôi nói đùa.

Và tôi nghĩ đến Nguyễn Khắc Viện, khi nhắc lại những kỷ niệm thời trẻ:

“Bố tôi từng đưa tôi đến ăn cơm tại nhà ông quan lo việc xây lăng Khải Định.

Cuối bữa cơm, ông quan đó lấy bát đĩa, toàn là đồ sứ Trung Hoa rất đẹp, liệng ra ngoài sân vỡ tan tành. Những mảnh vỡ đó dùng để trang trí tường và cột của lăng”.

Bên trong những vòng hoa tang gửi từ Pháp sang, mà người ta cấm sờ mó, nhắc lại một quá khứ thuộc địa không xa lắm.

Trên sân chầu, người ta hình dung những ông quan đang chờ đợi “sự định đoạt của vua”, biểu hiện bằng một pho tượng thiếp vàng ngự trên bệ trung tâm… cạnh một cái “giá mắc áo” kiểu Âu đặt trong lồng kính.

Một sự pha trộn lai tạp giữa phương Đông và phương Tây!


TRONG HOÀNG THÀNH

Buổi chiều, sau khi qua hai lần tường thành, chúng tôi bước vào sân hoàng cung. Trước sân là cửa Ngọ Môn, nơi Bảo Đại đã thoái vị ngày 30 tháng tám năm 1945, trước 150.000 người dân thành phố và các làng phụ cận, đã nộp cho chính quyền cách mạng chiếc ấn vàng khối nặng mười cân và một thanh kiếm vỏ nạm ngọc, dấu hiệu của vương quyền.

Phía sau, trong Cấm thành, những đứa trẻ chơi đùa, xô đẩy, chạy và la hét. Xa hơn, những luống khoai lang xếp hàng thẳng tắp chạy dài hàng trăm thước.

Chúng tôi vừa đến thăm Thế Miếu thì một người phụ nữ cũng từ trong cửa ngách đi ra. Chị trạc 30 tuổi, mặc quần áo rách dính vôi vữa. Đầu đòn gánh là hai chiếc xô nặng đựng đầy vôi. Người thiếu phụ đó làm việc cho một người đốc công chịu trách nhiệm gia cố một vài bộ phận có nguy cơ sụp đổ.

Nguy cơ có ở khắp nơi, trên những bức tường, trên những sườn nhà, trên những chiếc cột sơn son nặng nề, ở đây những con mọt đang tiếp tục công việc gậm khoét.

Khi chúng tôi từ cửa chính đi ra, thì chín chiếc đỉnh đồng vẫn canh giữ phía trước. Người ta nói rằng mỗi chiếc nặng gần hai tấn.

Trên thân đỉnh, ngoài tên hiệu các vua, còn chạm trổ hoa, quả, động vật trong vùng và ở các vùng địa lý khác, biểu tượng của sự thống nhất đất nước dưới triều Nguyễn.

Chín vương đỉnh!

Và … vắt vẻo trên một chiếc đỉnh đặt gần nhà nhất, nghĩa là bước lên đây dễ dàng nhất, người thiếu phụ hồi nãy ngồi rửa mặt, rửa chân một cách rất tự nhiên, vào ngay trong cái đỉnh chứa nước mưa đó!

Rời hoàng thành, chúng tôi gặp ba chàng trai vừa đi làm về, đẩy một thứ xe cút kít chứa dụng cụ làm việc của họ.

Chúng tôi chào hỏi, cười nói, ba anh chàng ngồi lên càng xe và bắt đầu nói chuyện.

Ba người tuổi từ 22, 25 và 28. Người lớn tuổi nhất có mái tóc xoăn, điều hiếm thấy ở Việt Nam, giải thích:

- Chúng tôi được một trường chuyên nghiệp ở Hà Nội cử vào đây để làm nghề mộc.

- Các anh có nhiều việc lắm không?

- Nhiều, vì sườn nhà bị mọt ăn rất nhiều nơi.

- Các anh lập gia đình chưa?

Cả ba đều cười và nói rằng có.

- Thế vợ các anh ở đâu?

- Các cô ấy ở Hà Nội.

- Vậy thì các anh ăn ở tại đâu?

- Trong các nhà còn lại của hoàng cung.

Và cả ba phá lên cười.

Những chàng trai đó xác nhận với chúng tôi những hiểm họa đang đe dọa các kiến trúc, ngoài những mảng gốm bị bong rời và những bức tường thủng, mảnh rơi vung vãi trên mặt đất.

Một khối lượng công việc khổng lồ. Và chỉ có vài nhóm thanh niên làm mà thôi. Trong khi đó UNESCO vẫn im lặng và để cho thời gian tiến hành công việc hủy hoại từ từ, sau những tàn phá của chiến tranh.

Trước khi rời hoàng thành, chúng tôi nhìn lại lần cuối cùng những con bò đang ăn cỏ trong sân với những chú bé chăn bò, và những người đang cuốc những vạt đất rộng sát chân tường để trồng rau.

- Có lẽ là những đội sản xuất của hợp tác xã.

- Hay chỉ là những người đang tìm cách cải thiện đời sống với số lương ít ỏi.

CA NHẠC TRUYỀN THỐNG, KHÔNG CÓ SÔNG, CÓ ĐÒ

Chiều này chúng ta không đi sông Hương nghe các cô lái đò hát.

Trời có thể mưa… và mặt trăng không ưa.

Phải chăng là lý do?

Dù sao các người lãnh đạo ở Huế đã quyết định như vậy…

Vậy thì chúng tôi phải nghe các nghệ sĩ của Câu lạc bộ không chuyên, dẫn vào con đường của ca nhạc truyền thống, ngay trong tòa nhà của Ủy ban thành phố, với những đồ đạc trang trí còn mang chút dấu vết của thời thực dân mới.

“Khi thì ngọt ngào như hương thơm quyến rũ của một đóa hóa khi thì thổn thức như tiếng ai than khóc, khi thì đa cảm như mắt liếc nhìn của người thiếu phụ những buổi chiều hè nồng nực” (2)

Ở đây có một cô gái rất trẻ vừa tham gia câu lạc bộ. Cha cô làm nghề thợ rèn, cô gảy đàn nguyệt vang lên những tiếng dịu dàng vô tận.

Một ca sĩ là nhân viên ngân hàng, mềm mại trong tà áo dài đỏ thẫm, có khuôn mặt giống như cô tố nữ trong tranh khắc gỗ Trung Hoa.

Người gõ cặp sênh gỗ thu hút chúng tôi bằng tài nghệ vừa nhanh, chính xác và tinh tế. Một đôi thanh niên, giã gạo đối đáp nhau qua một điệu hò giao duyên, có cả câu đố, cả hài hước, và lối nói cầu kỳ theo kiểu Huế. Bài ca của các chiến sĩ nhắc lại một thời kỳ anh hùng của thành phố đã giành lại cuộc sống tự do bằng đấu tranh kiên cường.

Rất giản dị và cao quý, một người phụ nữ lớn tuổi hơn các người khác, nhưng còn rất đẹp trong chiếc áo màu cẩm thạch, ngâm bài thơ của Tố Hữu viết về bà mẹ Suốt chèo thuyền chở các chiến sĩ qua sông dưới bom đạn. Trong cách diễn tả của chị có một vẻ kín đáo và giữ điệu chính xác với những cử chỉ cảm động.

Cô gái rất đẹp gẩy đàn thập lục, đưa những ngón tay lướt nhẹ trên dây, điểm nhịp cho tiếng ca của người chèo đò cất tiếng ngân dài trên ngọn sóng và kéo dài trong không gian thăm thẳm, đã khiến chúng tôi ngây ngất như quên hết gian nhà khách và những chiếc ghế bành, để đi với những con đò…

Từ hợp tác xã thủ công…

Huế, thành phố của quan lại xưa kia, kinh đô cũ của vương triều, nay là một tỉnh lỵ, là nơi mà những người trẻ tuổi được cứu thoát khỏi nạn thất nghiệp và sa đọa, đang trồng trọt lại những mảnh đất lâu nay bị bỏ hóa vì chiến tranh, và làm việc trong các hợp tác xã thủ công.

Chúng tôi không nói Huế là một thành phố công nghiệp, mà là một thành phố thủ công nghiệp đang ngày càng hướng tới công nghiệp hóa.

Phục hồi những nghề truyền thống, trong đó có nghề thêu, là một trong những nhiệm vụ đầu tiên của thành phố.

Nhờ đó đã tạo được công ăn việc làm cho những người thất nghiệp, và cho phép tuyển dụng những học sinh bị rớt qua các kỳ thi. Phần lớn họ là thanh niên từ 18 đến 30 tuổi, có 80 phần trăm là phụ nữ, lao động trong mọi ngành nghề, và là nguồn nhân công chủ yếu của nghề thêu.

Sau ngày giải phóng, những cô gái trẻ không có nghề nghiệp được theo những lớp học nghề từ ba đến sáu tháng. Thoạt đầu chỉ có một trường, rồi với sự phát triển của thành phố, mỗi phường đều có một trường riêng.

Từ 120 thợ thêu buổi đầu, nay đã vượt con số 860.

Sản phẩm làm ra theo đơn đặt hàng của Nhà nước, phục vụ cho xuất khẩu, trong đó có Liên Xô.

Năm 1982, khi nhu cầu đặt hàng của Nhà nước giảm đi, người ta phát triển các ngành nghề khác: mành trúc, chổi đót, bật bông, xe sợi và dệt len.

Tiền lương cũng tăng dần lên, nhưng cũng không có nghĩa là đã đầy đủ:

Từ 500 đồng năm 1980, lên 650 đồng năm 1981, 750 đồng năm 1982, 800 đồng năm 1983 và 1.000 đồng năm 1984.

Cộng thêm quyền lợi được mua 18 cân gạo với giá 5 đồng một cân và 6 cân cho mỗi đứa con trong gia đình.

Ông chủ nhiệm hợp tác xã ở Tây Linh, một phường của Huế, cai quản một đám thanh niên, ai cũng gọi ông là “ba”. Quả thật ông ta am hiểu công việc và có cái nhìn cảm thông đáng tin cậy.

Trong phân xưởng dệt, một chục cái máy dệt bằng gỗ cấu tạo cực kỳ đơn giản, chuyển động bằng bàn đạp với một cái thoi di động giữa các hàng chỉ canh.

So với những máy dệt cải hoa quay tay đầu thế kỷ, thì những khung cửi này thật là cổ lỗ sĩ.

- Một số khung cửi được đưa từ Nam Định về, nhưng chúng tôi cũng tự đóng lấy.

Ông chủ nhiệm nói điều đó với chúng tôi một cách tự hào chính đáng, khiến chúng tôi phải xúc động…

***

Gian bên cạnh dành cho việc sản xuất mành trúc. Bốn người thợ từ 16 đến 18 tuổi, ngồi cắt trúc thành từng đoạn dài 5 phân một. Động tác của họ chính xác đã đem lại hiệu quả cao nhất cho những cái máy rất thô sơ.

Khoảng một chục cô gái làm công việc ghép mành. Những người khác lo việc nhuộm trúc, có thứ thuốc nhuộm làm bằng cây cỏ, có thứ làm bằng hóa chất.

Những tấm mành làm xong được treo lên, một nhóm thợ cuối cùng tô màu lại theo một mẫu đính trên tường… Ở đấy có mặt trời chiếu sáng một dòng sông với con thuyền lướt sóng.

Khi chúng tôi rời phân xưởng, những cánh tay và bàn tay đột nhiên dừng lại, tiếng máy cắt trúc dòn giã ngừng bặt trong giây lát như gửi theo lời chào thân ái.

“Ông bố” dẫn chúng tôi sang một khu vực khác của hợp tác xã…

Chẳng phải ông linh mục của địa phạm - vì khu này gồm phần lớn là giáo dân - cũng theo một kiểu như “ông bố”, một hôm đã nói rằng: “Ông hãy lo việc nuôi dưỡng phần xác, còn tôi thì chỉ có thể lo phần hồn…”

ĐẾN NHÀ MÁY

Hợp tác xã mộc không còn mang tính chất gia đình như những phân xưởng chúng tôi vừa thăm xong. Nó đang trên con đường đi tới công nghiệp.

Nhà Máy và dòng sông - sơn dầu Bửu Chỉ


Mùi gỗ nồng lên khắp sân, nơi chất đóng những súc gỗ sẵn sàng để xẻ thành tấm. Cũng như súc gỗ phơi bày các khoanh có đường kính khác nhau, với những đường vân và màu sắc thay đổi.

- Đây có gỗ gõ, thứ gỗ được ưa chuộng nhất, và các loại gỗ khác - ông giám đốc giải thích.

Một loại gỗ màu đỏ thẩm còn tôi nghĩ đến gỗ xà cừ. Gỗ lim nổi tiếng vì bền rắn và vì những truyền thuyết gắn liền với nó trong toàn cõi Đông Nam Á.

Xí nghiệp này là của một nhà tư sản yêu nước, nay làm trong ban giám đốc cùng với ông giám đốc hiện tại, vốn là một đội trưởng biệt động trong thời gian kháng chiến.

- Năm 1979 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm, và hợp tác xã được nâng lên thành xí nghiệp quốc doanh - ông giám đốc nói lại với chúng tôi.

Nghe giọng nói của ông ta khi nhắc đến tướng Giáp, ta thấy rõ sự kính phục của ông đối với vị tướng đã chiến thắng ở Điện Biên Phủ là như thế nào.

- Từ mười người thợ năm 1979, nay chúng tôi đã có một trăm, không kể những thanh niên học nghề. Gần hai trăm người được đào tạo, cả nam lẫn nữ, được đưa về các hợp tác xã trong khắp thành phố.

- Tuổi trung bình của công nhân là bao nhiêu?

- Từ 70 đến 80 phần trăm ở tuổi 18 đến 25. Thợ chuyên môn thường ở tuổi 40, và những thợ lành nghề có khi tuổi cao hơn.

- Các ông tuyển thợ từ mấy tuổi?

- Từ 16 tuổi. Họ phải học việc ba năm.

- Có thể biết được lương của họ chứ?

- Từ bốn đến năm trăm đồng, với những quyền lợi như cán bộ Nhà nước, và làm việc 8 tiếng một ngày.

Trong văn phòng hầu hết là phụ nữ. Tất cả có 18 nhân viên hành chính, một số cô đã có chồng, và có người đã có con hiện đang ở nhà.

Trong phân xưởng, phụ nữ chỉ làm công việc chạm gỗ. Trong đó có cô Chi, 12 tuổi, đang còn học nghề. Trong gian xưởng hẹp, năm công nhân đẽo phác sản phẩm theo một hình mẫu, tiếp đấy bốn người khác đẽo gọt lại. Trong số đó có Quang chỉ mới 15 tuổi. Chú ta là con thứ tư trong bảy người con của một nông dân hợp tác, đã không chịu theo lời hướng dẫn về hạn chế sinh đẻ! Những ngón tay tỉ mỉ của Quang gọt bộ râu của một ông già, nửa giống như một nhà nho, nửa giống như Bác Hồ…

Ba người bạn của chú ta tuổi từ 20 đến 21. Cùng với Quang họ tạo các tượng trâu, voi, cả những nhân vật huyền thoại.

Trong gian bên cạnh, cả một đàn ngựa bập bênh bằng gỗ sơn đủ màu sắc rực rỡ cho trẻ con.

Phía bên kia sân, gian nhà lớn lắp kính trông giống như một nhà máy thực sự.

Một số đông công nhân (khoảng 60 người hay hơn thế) làm việc trong tiếng búa, tiếng máy. Người thì quai búa, người bào, người đóng đinh. Trừ một vài người “già” ra, còn đều là trẻ.

Họ làm việc thoải mái, nhìn người đi qua, dừng lại hút một điếu thuốc, rồi tiếp tục làm việc một cách thông thạo.

Đồ gỗ đã làm xong, những đồ gỗ tương đối thô sơ bằng gỗ gõ, thứ đồ mà ở phương Tây người ta sẽ gọi là đồ gỗ trắng.

Những đồ khác được làm công phu hơn, tỉ mỉ hơn, và bằng thứ gỗ tốt hơn.

Một vài người thợ làm gỗ ván sàn, hay cưa những tấm ván chất đống bên ngoài, cạnh những chiếc xe đạp đang sốt ruột chờ đến giờ tan tầm… cũng giống như những chủ nhân của chúng!

Huế, tháng 2 - 1985.
F.C.
(14/8-85)


---------------------
1. Những đoạn của Nguyễn Khắc Viện được nói tới trong bài này, dẫn từ cuốn Vietnam, Patrie retrouvée, NXB Xã hội, Paris, 1977.
2. Phạm Quỳnh, tạp chí Nam Phong, 1930. dẫn lại theo Essais sur la musicue vietnamtenne, NXB Ngoại Văn, Hà Nội, 1979, tr. 143.



Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng