[if gte mso 9]> Hệ thống lăng tẩm của vương triều Nguyễn thường nằm ở vùng thượng nguồn sông Hương, xa nhất là lăng Gia Long, gần nhất là lăng Tự Đức. Nhà Nguyễn có tất cả mười ba vua kế tục nhau, nhưng chỉ để lại cho chúng ta có bảy lăng. Cách xây dựng của bảy lăng này theo chúng tôi, đã chịu nhiều ảnh hưởng của điều kiện đương thời. Mỗi lăng tương ứng với một vua và hình thức giữa các lăng rõ ràng có sự khác nhau. Chính vì thế nên có nhiều người đã có khi nhầm tưởng "lăng là người". Sau khi khảo sát điền dã Huế, tiếp cận trực tiếp với các lăng tẩm, chúng tôi thấy có nhiều vấn đề được đặt ra. Nếu tin giả thiết "lăng là người", thì tại sao trong bảy lăng ta chỉ có thể chia ra bốn dạng? Sao Thiệu Trị cũng là một nhà thơ, như Tự Đức, lại có lăng xây qui phạm như lăng Minh Mạng? Cảnh nên thơ ở lăng Tự Đức xuất phát từ ý muốn nhà vua hay có ảnh hưởng của điều kiện xã hội v.v... Theo chúng tôi, vấn đề trước hết chúng ta nhận thấy là toàn bộ lăng tẩm triều Nguyễn đều nằm ở phía tây kinh thành, đương nhiên khi được chọn như vậy vì nó lệ thuộc vào địa thế. Nhưng sự bố trí này theo chúng tôi còn bắt nguồn từ một ý niệm có tính chất truyền thống. Người Việt cổ cũng như nhiều cư dân khác trên thế giới, đặc biệt là cư dân Đông Nam Á đã quan niệm rằng hướng mặt trời lặn đồng nhất với nơi cư ngụ của các kiếp đời đã qua. Chỉ ở phương đó những linh hồn cá thể mới có thể đồng nhất và nhập vào được với các linh hồn vũ trụ đại đồng, mới có thể giải thoát. Vấn đề thứ hai được đặt ra là toàn bộ các lăng được nằm ở những vị trí cực đẹp, phong quang. Con sông Hương nên thơ, nước bốn mùa trong xanh là con đường dẫn các linh hồn nhà vua về cõi "vĩnh cửu". Một đặc điểm chung của các lăng này là nổi lên ý nghĩa "thoát tục". Người ta đã trồng đầy thông ở xung quanh lăng và các khu mộ (thường không trồng nơi tẩm). Cảnh đẹp của thiên nhiên với sự phối hợp của đồi núi, sông Hương và cây trồng không đơn giản chỉ nói lên sự "nên thơ" mà thực chất ở đó chúng ta còn nhìn thấy vấn đề tư tưởng. Nhà Nguyễn ngay từ ông vua đầu tiên đã đề cao Nho giáo, coi đó như một hệ tư tưởng chính thống. Nhưng Nho giáo cũng chỉ tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nhất định, về sau Nho giáo ngày càng lỗi thời, không đủ tư cách là cứu cánh của triều đình trong việc tổ chức xã hội. Chính điều đó đã khiến cho các nho sĩ đương thời ít nhiều tìm về với tư tưởng Lão Trang, tư tưởng Thiền. Xu hướng này bộc lộ rõ ở Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu v.v... và ngay ở một số nhà vua của triều Nguyễn nữa. Quay trở về với Phật giáo là con đường đã có sẵn từ thời các chúa Nguyễn. Cho nên cảnh quan các lăng ở Huế rõ ràng đã phản ánh một nét chung về tư tưởng Thiền, tư tưởng Lão. Cây thông mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trong sáng ngay thẳng, cho trường thọ, cho sự chịu đựng với phong ba. Nhưng ở đây nó còn mang ý nghĩa thanh tao thoát tục. Đó là vấn đề tư tưởng, là một đối trọng của cuộc đời mà các vua triều Nguyễn như cần phải có. Vấn đề thứ ba là sự phân loại các lăng. Dạng thứ nhất là lăng Gia Long. Lăng Gia Long qui phạm, song thông qua những nét của tạo hình, bố cục chúng ta còn nhận thấy như phảng phất, tương đồng với các miếu mộ miền Bắc. Lăng này còn chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống. Cách xây dựng lăng Minh Mạng và lăng Thiệu Trị quy phạm khá chặt chẽ. Qua lăng ta thấy chúng chịu ảnh hưởng nhiều mặt của cách xây dựng lăng tại quê hương của Nho giáo, song trong quá trình xây dựng người Việt đã giải quyết những kiến trúc này còn bằng những nhận thức truyền thống của mình. Dạng thứ ba là lăng Tự Đức. Nhiều người khen lăng này đẹp như một công viên, là một cung điện thứ hai để rồi qua đó mà nhìn nhận về một đặc điểm của Tự Đức và xã hội. Theo chúng tôi ngoài những vấn đề trên, lăng còn phản ảnh ít nhiều tư tưởng đương thời. Lúc này đất nước đang đứng trước họa xâm lược, của tư bản phương tây, triều đình bạc nhược, Nho giáo khủng hoảng... Các nho sĩ đi tìm cứu cánh ở tư tưởng Lão Trang mà một điển hình là Cao Bá Quát với câu "kho trời chung mà vô tận của mình riêng"... Tư tưởng trên đã ít nhiều chi phối cả tầng lớp thống trị trong đó có cả vua Tự Đức. Cũng vì thế mà kết cấu của lăng Tự Đức chứa đựng những ý nghĩa phản ánh sự "khúc mắc" của xã hội đương thời. Thực ra không phải chỉ có ý muốn riêng của nhà vua. Dạng thứ tư là lăng Khải Định. Những chi tiết tạo hình được phô diễn ra bên ngoài và biểu hiện những nét "ồn ào" bế tắc, sự khủng hoảng của tư tưởng chính thống và cả bước đường đi của nghệ thuật. Đầu thế kỷ hai mươi đạo Nho đã xuống đến chân dốc, tư tưởng phương Tây trước hai cuộc khai thác của thực dân chưa du nhập một cách ào ạt vào nước ta. Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ không có một hệ tư tưởng chính thống, hay đúng hơn lòng người không qui thuận về một hệ tư tưởng chính thống nào, vì thế giai đoạn này đã nổi lên nhiều hình thức mê tín dị đoan. Nghệ thuật tạo hình rõ ràng không có đường hướng. Sự phát triển khá tùy tiện, bao gồm cả cái hay và cái dở để tạo nên nhiều di tích mang tính vá víu. Nó cũng là điều kiện để cho nền mỹ thuật Việt bị gẫy mạch truyền thống sau hai cuộc khai thác của thực dân Pháp (ý kiến của anh Thái Bá Vân). Tình hình ấy đã cho ta nhìn nhận chân xác hơn về lăng Khải Định, một lăng đã để lại cho chúng ta nhiều vấn vương, suy nghĩ. Tuy vậy ở lăng Khải Định đối trọng với những nét "ồn ào", chịu ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây ở bề ngoài, thì ở bên trong những mảng khảm sành sứ, ghép gốm đã đạt đến đỉnh cao của loại hình nghệ thuật này. Thông qua những hình tưởng của các mảng chạm người ta có thể tìm thấy ở đó những biểu tượng cổ truyền trong ý niệm cầu phồn thực, những đề tài bắt nguồn từ nhiều thời gian trước. Vấn đề thứ tư được đặt ra với chúng tôi là các loại tượng hầu của các lăng. Tiếp cận với các lăng tẩm Huế buộc chúng ta phải so sánh với các lăng tẩm của các thời gian trước, nhất là những lăng vua. Thời Lý không để lại cho chúng ta một lăng tẩm cụ thể nào. Thời Trần các lăng tẩm cũng không còn nguyên vẹn, một số tượng người và thú vật được làm khá thực, nhưng lại quá ít ỏi, nên chúng ta khó đưa ra được nhận xét. Thời Lê Sơ còn nhiều hơn cả, đó là các lăng vua tại Lam Sơn, Thanh Hóa. Chúng tôi muốn so sánh từ các lăng vua này. Tượng hầu trong các lăng thời Lê Sơ thường quá nhỏ bé (cao khoảng 0,70cm). Nếu theo quan niệm hiện nay thì các tượng đó không được tương xứng với vai trò của nhà vua! Nhưng thực tế đã cho thấy những tượng đó là sản phẩm của chính thời Lê Sơ, nó gắn liền với những lăng tẩm của thời này. Các tượng đó phản ánh đúng quan niệm của đương thời. Dựa vào những khảo sát dân tộc học ở các cư dân ít người, trên miền Bắc và Tây Nguyên, thì các loại tượng hầu ở các khu mộ đều được gắn cho một linh hồn để trở thành kẻ hầu hoặc vật sở hữu của người chết. Trong quan niệm của nhiều dân tộc cũng như của người Việt thế giới được chia làm ba tầng. Tầng trên là nơi cư ngụ của các thần linh với các thân hình khổng lồ, tầng giữa của con người và muôn loài muôn vật, tầng dưới (âm ty) là nơi tập trung của những người đã từ bỏ cõi đời. Tầng này người và vật đều bé nhỏ (Chuyện cổ tích của người Kinh đã ghi lại, khi đường âm dương còn thông nhau, người âm phủ thường lên trần chơi, họ bé nhỏ đến nỗi leo lên cây ớt mà không gẫy). Cho nên những tượng thờ khi được gán cho linh hồn để hầu hạ người đã qua thì phải có một thân hình tương xứng. Tới thế kỷ XVII, khi nền kinh tế thương mại được phát triển, quan niệm cũ dần được thay đổi, nên trên các miếu mộ của các "quận công", tượng mồ được làm quá lớn, nhiều khi to hơn cả thực tế, hình thức ấy như đã biểu hiện sự sang quý của chủ nhân nấm mồ. Từ đây quan niệm cũ như ở lăng Lam Sơn bị suy lạc và dẫn tới các lăng triều Nguyễn tại Huế đã vượt qua những ý niệm cổ truyền mà tạo dựng nên các tượng mồ tương đối lớn xấp xỉ như thực. Vấn đề thứ năm là những hòn đá được đặt hai bên phía sau các tượng mồ của Huế. Chúng tôi được nghe trong một lời giới thiệu đó là hình tượng của Thanh Long và Bạch Hổ tượng trưng cho phương hướng hoặc là hình ảnh của Long Hổ hội, biểu tượng về sự quần tụ của các trí thức chầu về nhà vua. Nhưng trên thực tế trong một lăng đã có nhiều hòn đá xếp ở hai bên phía sau tượng (lăng Minh Mạng, Thiệu Trị). Những hòn đá này mang hình dáng như hòn non bộ. Nhiều khi bên cạnh nó được trồng một cây "vũ trụ", cây thiêng như cây đại (cây sứ). Như vậy theo chúng tôi ngoài ý nghĩa trên những hòn đá này như còn bắt nguồn từ tục thờ đá của dân tộc ta "... Nói chung những hòn đá đó đã được gắn cho có một linh hồn tự nó có khả năng tác động tới cuộc sống con người, về hình thức thường có dạng như những cây cột hay đá cắm. Ngoài ý nghĩa trên nó còn chứa đựng ý nghĩa là vật chuyên chở sinh lực hay linh hồn. Quan niệm này đã thấy ở một số (nhánh) người Na Ga Miến Điện hay người Mường của ta..." (1). Qua đây ít nhiều chúng ta có thể hiểu những hòn đá gần như tự nhiên ở lăng mộ Huế có lẽ còn giữ lại được những quan niệm cổ truyền sâu xa hơn những ý nghĩa bắt nguồn không trọn vẹn từ Trung Hoa. Huế không những đẹp và thơ, gây nhiều xúc động cho kẻ "hành hương" mà còn là nơi hàm chứa nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực khác nhau, như kiến trúc, nghệ thuật, văn học, lịch sử… Ở đây với "vài suy nghĩ quanh lăng tẩm Huế", chúng tôi mong góp một vài suy nghĩ được nẩy sinh trong một chuyến đi để di tích Huế ngày càng đẹp và có ý nghĩa là một chỉnh thể văn hóa viên mãn. P.H.T (19/6-86) ---------------- (1) Trần Lâm Biền - Cột chùa Giạm - Tư liệu Viện Nghiên cứu Mỹ thuật |