Ai ra xứ Huế
Các thái giám trong Tử Cấm Thành
10:03 | 02/03/2012

PHAN THUẬN AN

Thái giám hay hoạn quan là những người đàn ông không có sinh thực khí, chuyên ở hầu hạ trong hậu cung của vua.
 

Các thái giám trong Tử Cấm Thành
Thái giám trong cung vua triều Nguyễn - Ảnh: TL

Dưới thời quân chủ, phần lớn các vua đều có rất nhiều vợ. Trong hoàng cung thường có đến hàng chục, hàng trăm bà để phục vụ cho hoàng đế. Đám cung phi mỹ nữ đông đảo ấy phải được tổ chức và quản lý chặt chẽ. Triều đình tuyển các thái giám vào nội cung để làm công việc ấy và một số việc khác, ví dụ: sắp xếp việc "gặp gỡ" giữa vua với bà nào đó khi vua muốn, hoặc lo ghi chép ngày giờ vua "ngự dâm" cho đúng để tránh sự "lộn sòng" tai hại về sau.

Dưới triều Nguyễn cũng vậy, trong tam cung lục viện ở Đại Nội, thường có đến một vài chục quan hoạn để làm những công việc đó.

Ngay từ khi Nguyễn Ánh mới xưng vương ở Gia Định (1780), Lê Văn Duyệt (1763-1832) là người có tật "ẩn cung" như trên, cho nên đã từng được chọn làm thái giám ở nội đình.

Đến thời Minh Mạng (1820 - 1840), một phần vì ghét Lê Văn Duyệt trong một số vấn đề chính trị, một phần vì thấy trong lịch sử các triều đại trước đã có những thái giám lợi dụng địa vị ở trong hoàng cung và quyền năng ăn nói kiểu ton hót trong nội đình, từng gây ra nhiều chuyện không hay trong chính sự, cho nên, vào năm 1836, nhà vua đã ban hành một tờ dụ để hạn chế đến mức tối đa những tệ tập như thế. Theo tờ dụ này thì tất cả các thái giám bấy giờ được chia ra làm 5 hạng (ngũ đẳng), và mỗi hạng được hưởng tiền gạo hàng tháng khác nhau. Nhưng, họ chỉ được dùng để phục dịch trong hậu cung thôi, chứ tuyệt đối không cho dự vào quan chức gì của triều đình cả. "Tất cả triều chính và việc ngoài đều không được tham dự tí nào, nếu kẻ nào vi phạm, quyết phải trừng trị nặng, không chút khoan tha. Trẫm đã ân cần tha thiết dặn dò, hết sức mưu tính sâu xa cho đời sau. Về dụ nầy, chuẩn cho Quốc tử giám khắc vào đá"... (1)

Tấm bia đá khắc toàn văn bài dụ nghiêm khắc này, hiện nay vẫn còn nguyên vẹn trong một bi đình tại Văn Thánh (Văn Miếu - Huế).

Tuy nhiên, cách đãi ngộ và các qui điều đối với thái giám như vậy, về sau có tu chính, bổ sung đôi chút qua các tờ dụ ban hành vào những năm 1887 (Thời Đồng Khánh), 1890 (thời Thành Thái) và 1912 (thời Duy Tân).

Theo nguyên tắc ấn định của triều đình, các thái giám ăn mặc một loại y phục riêng, trong đó, có chiếc áo dài bằng lụa màu xanh dệt cái hoa ở mảng trước ngực, và loại mũ họ đội cũng khác với các quan để dễ phân biệt (2).

Họ thường ăn ở, phục dịch trong Đại Nội, nhất là trong Tử Cấm Thành, nhưng cũng có một số lên phục vụ cho các bà cung phi góa bụa trên các lăng tẩm. Ngày trước, trong một lần lên thăm lăng Minh Mạng, cụ Vân Bình Tôn Thất Lương có tả cảnh sinh hoạt của các bà và các thái giám ở đó như sau:

Dâng hương đầu bạc bốn năm cô,
Quét lá áo xanh ba bn chú

Khi ốm đau hoặc già yếu thì các thái giám phải cư trú tại một tòa nhà ở ngoài góc phía Bắc của Hoàng Thành. Tòa nhà này gọi là Cung Giám viện (3). Họ phải ở đó để chữa bệnh hoặc chờ chết, chứ họ không bao giờ được chết trong Đại Nội hoặc trên các lăng tẩm, những nơi thiêng liêng chỉ dành cho hoàng gia.

Cũng cần phân biệt ra hai loại thái giám: "giám sanh" và "giám lặt". Giám sanh là những người khi mới sinh ra thì phi nam phi nữ, không có bộ phận sinh dục của đàn ông hoặc đàn bà; còn giám lặt là những người đàn ông tự nguyện thiến của quí của mình đi để được tuyển vào sống trong thế giới người đẹp bên cạnh vua.

Thời xưa, tại làng nào có "giám sanh" ra đời, thì cha mẹ phải đi trình làng để các cơ quan hữu trách trình lên Bộ.

Bộ sẽ cho nuôi nấng và dạy dỗ đứa trẻ theo nghi lễ trong cung, để khi nó lớn lên, thì đưa vào Nội làm thái giám.

Người ta gọi đứa trẻ ấy là ông "Bộ" thì được coi như là có phước, vì khi ông "Bộ" được cung tiến, thì làng đó được vua cho miễn thuế trong ba năm. Do đó, các bà nội trợ lúc bấy giờ, khi đi chợ gặp phải thực phẩm bán giá quá cao, thì hay nói: "Ăn mà đẻ ông Bộ cho làng nhờ"(4)…

Về mặt tâm sinh lý, nói chung, các thái giám đều có vóc dáng, bộ điệu, nét mặt, giọng nói và tính tình hơi khác với người bình thường.

Đã có một số trường hợp hai thái giám kết hôn với nhau làm vợ chồng. Làm như vậy, mặc dù không giải quyết được gì về mặt sinh lý, nhưng họ muốn có một người bạn trăm năm để chuyện trò, tâm sự, an ủi nhau, hầu xoa dịu phần nào cho nỗi cô đơn của đời mình, cũng có khi họ nuôi trẻ nít làm con nuôi để tạo cho họ niềm vui lúc sống, và để thờ phụng họ lúc chết.
 

Một góc khu nghĩa trang thái giám tại chùa Từ Hiếu - Ảnh: internet


Ngoài ra, ở Huế hiện nay còn tồn tại một ngôi chùa mà các nhà nghiên cứu Pháp trước đây gọi là "chùa Thái Giám" (Pagode des Eunuques). Nguyên xưa kia đó là ngôi chùa do nhà sư Nhật Định lập ra và đặt tên là chùa Từ Hiếu. Vào năm 1843, dưới thời Thiệu Trị, chùa đã được một thái giám tên là Châu Phước Năng đứng ra quyên góp tiền của để trùng tu (5). Đến năm 1893, một số thái giám của triều Thành Thái đã cùng nhau đóng góp tiền của để tu sửa lại một lần nữa (6). Các thái giám ấy đều biết rằng mình không có con cháu để thờ phụng hương khói khi đã nhắm mắt xuôi tay. Cho nên, họ cố gắng đóng góp "công đức" vào việc mở mang ngôi chùa, để sau khi chết, họ được mai táng và phục tự, cúng giỗ tại đây. Hiện nay, trong vườn chùa Từ Hiếu có gần 20 ngôi mộ của các thái giám triều Nguyễn. Ở mỗi lăng mộ như thế đều có một tấm bia đá ghi rõ tên họ và chức tước của từng người.

Chùa Từ Hiếu vừa là một danh lam vừa là một thắng cảnh của đất thần kinh. Khi đi thăm quan danh lam thắng cảnh này, du khách nên bước qua khu nghĩa địa bên phải vườn chùa để xem cho biết lăng mộ của các quan thái giám, một hạng người đặc biệt trong lịch sử thời quân chủ, lúc sống thì hết mình phục vụ quân vương, nhưng lúc chết thì lại nương thân nơi cửa Phật.

P.T.A.
(SH20/8-86)



------------------------
1. Đại Nam Thực Lục, bản dịch đã dẫn, Tập XVIII, Hà Nội, 1967, trang 38 - 39.
2. A. Laborde, Les Eunuques à la Cour de Huế, B.A.V.H. 1918, trang 110 - 111.
3. L. Cadière, La Citadelle de Huế: Onomastique, B.A.V H, 1983, trang 106.
4. Hoàng Trọng Thược, Tinh thần trào phúng trong thi ca xứ Huế, Sài Gòn, 1973, trang 120- 121.
5. Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên phủ bản dịch của Nguyễn Tạo, Tập thượng. Sài Gòn, 1961, trang 89.
6. A. Laborde, bài đã dẫn, trang 123.









 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Viết về Huế (13/10/2011)