Người Huế
Ảnh hưởng của căn bệnh vô sinh trên tâm lý của vua Tự Đức
09:57 | 25/04/2012

BÙI MINH ĐỨC

I. Dẫn nhập
Trong số các ông vua triều Nguyễn, vua Tự Đức là người giữ vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử cận đại của đất nước Việt Nam chúng ta.

Ảnh hưởng của căn bệnh vô sinh trên tâm lý của vua Tự Đức
Vua Tự Đức - Ảnh: TL

Thời gian trị vì của ông kéo dài tất cả là 36 năm nhưng đó cũng là thời kỳ nhiễu nhương loạn lạc nhất so với các triều vua nhà Nguyễn trước. Trong nước thì có loạn Tam Đường (1851), loạn Châu Chấu (1854), loạn Tạ Văn Phụng (1861). Ngay tại kinh thành thì có loạn Giặc Chày Vôi (1866). Giặc từ ngoài vào là giặc Pháp kiếm cớ xâm chiếm nước ta, chính thức tấn công cửa biển Đà Nẵng vào năm 1858, chiếm Gia Định năm 1859, chiếm ba tỉnh Miền Đông Nam Kỳ năm 1861 buộc triều đình phải ký Hòa Ước Nhâm Tuất 1862. Năm 1867, quân Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, rồi lại đem quân tiến đánh miền Bắc khiến triều đình mất hết chủ quyền tại Bắc Kỳ và Nam Kỳ và cuối cùng phải ký Hòa ước năm Giáp Tuất 1873.

Lịch sử cũng đã ghi vua Tự Đức là người “suốt đời sống trong tinh thần Nho giáo, xem trọng việc kính trời, trung hiếu, lấy đức Khiêm làm đạo để noi theo”. Trong bia lăng Tự Đức có ghi bài “Khiêm Cung Ký” mà ngày nay chúng ta còn đọc được, có chép lại đôi lời than thở của nhà vua như để biện minh: “Trong lúc vận nước khó khăn, quan lại lười biếng cầu an, lại ở trong một thế giới hám lợi, công khanh sĩ tử tham tàn dối trá, phô trương đôi chút công nhỏ để che những lỗi lầm lớn, hám lợi nhỏ để mang lấy họa to, ai cho thế là không phải thì xúm nhau mà chê bai ngu muội…”.

Theo Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả (do Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc biên soạn tại Huế năm 1994, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1995), khi nói về Ngài cũng đã phải viết: “Người ta chê ngài nhu nhược, thiếu tài lãnh đạo trong lúc trị vì mà còn để di hại về sau, nhưng thử nghĩ trong hoàn cảnh đó khó có ai xoay xở được”.

Sự thật thì vua Tự Đức là một ông vua ngay từ thuở nhỏ đã ốm yếu và nhiều bệnh tật nhất trong số các ông vua triều Nguyễn. Các chứng bệnh của vua Tự Đức đã được chúng tôi nghiên cứu kỹ càng và trình bày cặn kẽ trong bài “Hồ sơ bệnh lý của vua Tự Đức”.

II. Tóm tắt các bệnh tật của vua Tự Đức

A. Thời kỳ sơ sinh

“Bệnh Khó nuôi” (ốm yếu òi ọp) do suy yếu hệ miễn nhiễm.

B. Thời kỳ trưởng thành

1. Bệnh Tổng quát (General Medicine):

1/ Bệnh Gầy yếu (Abnormal Body Development).

2/ Bệnh Xanh xao (Fascies Anemic).

3/ Bệnh Mỏi xương chắc (Chronia Muskeloskeletal Pain).

4/ Bệnh Đau đầu hoa mắt (Chronic Headache and Dizziness).

5/ Bệnh Táo bón (Chronic Constipation).

6/ Bệnh Ăn khó tiêu (Chronic Dyspepsia).

7/ Bệnh Mờ mắt (Trouble of Vision).

8/ Bệnh Khó thở (Chronic Dyspnea).

9/ Bệnh Yếu sức (General Weakness).

10/ Bệnh Nói không ra hơi (Voice Weakness).

11/ Bệnh Đậu mùa (Variola).

2. Bệnh Chuyên khoa (Medical Specialties):

12/ Bệnh Vô sinh (Infertility) do giảm thiểu tinh trùng (Azoospermia/Oligospemia).

13/ Bệnh Thiểu năng tuyến sinh dục tiên phát (Primary Hypogonadism).

14/ Bệnh Tâm lý nữ hóa do giảm thiểu kích thích tố sinh dục Testostérone của bệnh Thiểu năng tuyến sinh dục tiên phát.

2. Tánh khí vua Tự Đức qua các tư liệu

1/ Đại Nam thực lục chính biên (Tập XXXI, Đệ Tứ Kỷ): có ghi rõ bài Khiêm Cung Ký do nhà vua viết ra và cho khắc vào văn bia đặt ở Khiêm Lăng, trong đó có đoạn nhà vua viết về mình như sau: “...Tính lại ít nói hay thẹn, phàm không phải là người rất thân cố, dầu là than phiên di thần, vào chầu gặp nhau cũng ít giao thiệp, Trẫm cũng vui yên về nhạt nhẽo vụng về… Lại vời vào nội điện, cho vào yết kiến Thái hậu, cho vuốt râu vua, không ngờ nước mắt chảy xuống…”.

Từ đoạn Khiêm Cung Ký của nhà vua nêu trên, chúng ta để ý đến những câu then chốt: “tính lại ít nói hay thẹn”, “vào chầu gặp nhau cũng ít giao thiệp”, “cho vuốt râu vua không ngờ nước mắt chảy xuống”.

Theo các tư liệu trên, ta thấy rõ ràng tánh tình của vua Tự Đức là tánh tình của một con người ủy mị, hay cả thẹn, ít nói và thường nói nhỏ như không ra hơi, rụt rè không muốn làm quen, ít giao thiệp, dễ xúc động đến nỗi chảy cả nước mắt cho dầu là chỉ mới được đưa tay lên vuốt râu vua cha.Tánh khí nầy không phải là tánh khí của một con người đầy rẫy tính cách của nam giới. Nói rõ ra thì đó có thể là tánh khí của một nữ nhi đa cảm và rụt rè hơn là tánh khí của một con người Nam giới bình thường, thích xông xáo và hay đột phá. Đây cũng không phải là lối “cư xử khiêm nhường” như nhà vua đã cố ý rêu rao lên qua nhan đề “Khiêm Cung” Ký của Vua. Nói tóm lại, đây chỉ có thể là triệu chứng của một con người nam yếu đuối, thiếu hẳn yếu tố nam nhi vì thiếu chất kích thích tố Testosterone trong cơ thể.

2/ Nguyễn Phúc Tộc thế phả khi nói đến vua Tự Đức cũng đã viết như sau: “Ngài lấy đức Khiêm làm đạo để noi theo. Khiêm là kính là nhường, có địa vị mà không ở, tự uốn nắn để hạ mình, vì thế nên ngài sống thanh đạm, nhưng cũng làm ngài trở nên mềm yếu”. “Người ta chê ngài nhu nhược, thiếu tài lãnh đạo trong lúc trị vì mà còn để lại di hại về sau…”.

III. Ảnh hưởng của căn bệnh “Thiểu năng tuyến sinh dục” trên tâm lý vua Tự đức

Nếu chúng ta đi ngược dòng lịch sử để phân tách các hoạt động của vua Tự Đức, chúng ta sẽ thấy vua Tự Đức đã có những hành động “không mấy đàn ông tính”, từ việc nhỏ cho đến việc lớn, từ việc riêng cho đến việc công.

A. Vua Tự Đức: con người tánh khí đàn bà

1/ Than thở về chuyện của mình qua các Chỉ Dụ: Vua Tự Đức thường xuống nhiều Chỉ Dụ để than van kể lể với thần dân về tình hình đất nước và về bệnh tật của mình. Cách kể lể nầy, chữ Anh Mỹ gọi là “Whining” (than van) hay “Crying on the shoulders” (khóc trên vai người khác) thường là cách thức bày tỏ sự bất lực của mình, một hành động phần lớn là của giới nữ nhân. Nhà vua để lộ ra một tâm lý yếu đuối, thiếu tự tin, luôn luôn xin lỗi: “Trẫm tài hèn sức mọn v.v”. Do sự suy yếu tinh thần, nhà vua đã để lộ nhiều cảm xúc của mình qua các lời lẽ trong các bài Dụ. Chẳng hạn trong Dụ ngày 23 tháng 3 năm Tự Đức thứ 29, nhà vua đã trách móc các quan sống không có tình nghĩa với vua và thờ ơ với vua: “Vua tôi là một thể, đau ốm quan hệ tới nhau, vậy có thể nào coi nhau như kẻ Tần người Việt được chăng?. Thế mà không ai tiến cử một thầy thuốc giỏi vậy là hạng bầy tôi ưu ái thành thực có đâu lại nên như thế?”.

2/ Giáng cấp bà Lệ Thiên Anh Quý phi

Bà vợ đầu của nhà vua là Lê Thiên Anh Quý phi (Vũ Thị Duyên) là con gái của quan Ngự Tiền đại thần Vũ Xuân Cẩn, nhập cung năm Thiệu Trị thứ 3 (1843). Theo Nguyễn Phúc Tộc thế phả, bà là người đức hạnh, lại chịu khó hầu hạ Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu (Từ Dụ Thái Hậu về sau), được Hậu ngợi khen nên vua rất thương mến. Tuy nhiên sau 39 năm lấy vua mà không có con, vào năm Tự Đức thứ 35 (trước khi vua mất (19.7.1883) đúng một năm), chỉ vì công việc bề bộn, “bà sai cung nhân dâng bữa cơm chiều hơi muộn” nên đã bị vua giáng từ Hoàng Quý phi xuống làm Trung phi. Bà đã được tấn phong chức Hoàng Quý phi từ năm 1870, tức 12 năm về trước. Sự giáng chức vì một lỗi nhẹ như vậy khó lòng có thể xảy ra ở một người chồng đầy lòng vị tha, đầy “đàn ông tính”. Cũng không thể đó là cách để nhà vua bày tỏ sự tức giận của mình trên người vợ vô tội vì bà ta đã không cho vua có một người con nối dõi, ngay trong thời kỳ vua đang còn trẻ và đang còn sung sức. Nếu đúng là vậy thì đó là “tâm lý trả thù vặt” của một ông chồng không mấy độ lượng, không mấy “đàn ông tính”. Vua ra đạo dụ như sau để chứng minh việc nầy: “Từ khi Trẫm bị bệnh nặng tới nay, đáng lẽ phải chăm chỉ lo lắng gấp bội, luôn luôn đứng ngồi hầu hạ bên giường và cho Trẫm ăn uống đầy đủ thích nghi, mới xứng với địa vị cao cả và đạo vợ chồng. Cớ sao một niềm trể nải, lại không thấy chút tình ưu ái. Đến nỗi việc dâng cơm nước thường ngày cũng cố ý trì trệ, no đói thất thường, vậy thì sự phụng dưỡng ở đâu và thuốc thang nào còn bổ ích?”

B. Vua Tự Đức: Con người thích thơ văn ủy mị

Vua Tự Đức là một ông vua thích thơ văn. Nguyễn Phúc Tộc thế phả cũng có ghi về nhà vua như sau: “Việc làm thơ ngâm vịnh ngài vốn có tài, từ lúc còn là Hoàng tử nhiều lúc đang hầu cơm đức Hiến tổ, đang ăn cũng bỏ đũa để ngâm vịnh, được vua Hiến Tổ rất ngợi khen”. Nhà Vua đã trước tác nhiều công trình văn học, dịch thuật, sưu tầm như Luận ngữ thích nghĩa ca, Ngự chế Việt sử tổng vịnh, Tự học giãi nghĩa ca, Ngự chế thi sơ tập, Ngự chế thi nhị tập, Ngự chế thi tam tập, Tự Đức thánh chế văn sơ tập, Tự Đức thánh chế văn nhị tập, Tự Đức thánh chế văn tam tập, Từ huấn lục,... Trong quyển Tùng Thiện Vương của mình, Ưng Trình kể chuyện: “Vua Tự Đức triệu Tùng Thiện Vương vào cung để dạy nhà vua làm thơ. Vương tâu vua xin đừng làm thơ vì nghề trị nước trách nhiệm nặng nề tâm không được nhàn, nên từ xưa các vị chí tôn dẫu làm thơ thì cũng chỉ tiêu khiển nhất thời mà thôi, tuy nhiên vì vua thích nên đành phải dạy”.

Đúng như Tùng Thiện Vương đã nêu lên, tình hình trong nước vào thời đó đầy loạn lạc cướp bóc lại thêm tình hình chính trị phức tạp, rắc rối nhất là sự nhòm ngó đất đai, đánh phá thành quách của ta từ phía quân Pháp. Trong một bối cảnh dầu sôi lửa bỏng như vậy, khó cho bất cứ kẻ lãnh đạo quốc gia nào còn có thời giờ rảnh rỗi để “ngâm thơ vịnh nguyệt” như Vua Tự Đức. Điều này đã nói lên tính cách khá bất thường trong sự suy nghĩ của nhà vua. Nhà vua làm một việc không đúng lúc đúng thì. Tánh thích thơ văn của nhà vua có lẽ cũng đã phát xuất do tính tình ủy mị, tình cảm, đi song đôi với trạng thái tinh thần yếu đuối sẵn có của nhà vua nên có thể vì thế mà nhà vua đã không thể nào tập trung được tất cả tinh thần vào việc triều chính lúc đó.

C. Vua Tự Đức: Con người chịu quá nhiều ảnh hưởng của mẹ

Vua Tự Đức là một người con rất có hiếu với mẹ là bà Từ Dụ Thái hậu. Từ “người con có hiếu với mẹ” đến “người con lệ thuộc mẹ”, khoảng cách không bao xa. Nhà vua tuy đã lớn nhưng vẫn nghe lời mẹ, “ngày chẵn hầu cung Từ Dụ, ngày lẽ ngự triều”. Vua soạn hẳn cả quyển Từ huấn lục để ghi các lời mẹ dạy. Trong sách Từ Dụ Hoàng Thái hậu có nói đến chuyện “vua thường vào hầu mẹ và đọc sử cho mẹ nghe cho đến khi mẹ dạy thôi đọc mới nghỉ, cho dù mỏi cách mấy nhà vua cũng ráng chịu”. Việc nước lúc đó đang rối rắm là thế, trách nhiệm hết sức nặng nề nhưng vua Tự Đức cũng đã để quá nhiều thì giờ săn sóc hầu hạ mẹ, vượt quá đòi hỏi của chữ Hiếu của người thường.

Thời nay, đối với một người con trai còn giữ quá nhiều liên hệ tình cảm với mẹ mình như thế, một người con trai đã trưởng thành khôn lớn mà còn yếu đuối chịu ảnh hưởng của người mẹ hoặc quá nghe lời mẹ, chưa đạt tới tình trạng tự lập của “người đàn ông con trai” thì người đời gọi đó là “người con trai còn nắm gấu áo mẹ”. Y khoa ngày nay gọi người con trai đó là người có “Mặc cảm Oedipe” (Complexe d’Oedipe), theo nhà phân tâm học Freud.

Riêng về Từ Dụ Thái hậu, ông Phan Bội Châu với khẩu khí của một người làm cách mạng, đã viết trong quyển Việt Nam vong quốc sử một đoạn phê bình gay gắt Từ Dụ Thái hậu như sau: “Trong nước có Thái hậu họ Phạm thường can dự vào việc triều chánh. Vua Tự Đức việc gì cũng trình qua Thái hậu rồi mới thi hành. Nguyễn Văn Tường thường lấy những vật quý người Pháp hối lộ, đem hiến cho Thái hậu để kết bè đảng”. Cũng cần nói thêm, bà Từ Dụ là một con người “thích chuyện chính trị” hay tối thiểu, cũng là người “có đầu óc chính trị”, thích việc triều chánh. Trước đó, vào triều Thiệu Trị (1841-1847), bà cũng đã được chồng là vua Thiệu Trị (1807-1847) cho ngồi “buông rèm phía sau ngai vua”, theo dõi việc triều chính để có thể giúp vua các ý kiến khi cần.

Lịch sử cũng có ghi rõ, sau khi vua Tự Đức mất và sau khi Thất thủ Kinh đô năm Ất Dậu 1885, Từ Dụ Thái Hậu theo xa giá của vua Hàm Nghi ra đến Quảng Trị thì trở về lại Huế “để cho yên lòng thiên hạ” và chỉ dụ cho Nguyễn Văn Tường mời vua Hàm Nghi trở về Kinh nhưng vua Hàm Nghi đã không về lại. Đến tháng 8 năm Ất Dậu (1885), vì muốn triều Nguyễn được tiếp nối, bà đã ban Đạo Dụ đưa hoàng tử Ưng Kỳ lên ngôi vua tại Huế, lấy niên hiệu là Đồng Khánh. Ta thấy quả thật con người của Từ Dụ Thái hậu đã “rất quen với các quyết định quan trọng” trong chính trường, đã là tiếng nói quyết định trong thời gian Tự Đức ở ngôi. Vua Tự Đức được tiếng là người con chí hiếu có thể là vì nhà vua đã nhất nhất đều làm theo lời mẹ dạy. Và phải chăng chính bà Từ Dụ đã ngầm chủ trương hòa giải với Pháp và thuyết “Chủ hòa” của bà đã có ảnh hưởng trên những quyết định của vua Tự Đức trong quá khứ?

D. Vua Tự Đức: Con người thiếu tính quyết đoán

Vua Tự Đức đã tỏ ra là người thiếu cương quyết và nhất là thiếu tự tin trong vai trò lãnh đạo của mình.

1/ Vụ truyền ngôi cho Vua Dục Đức.

Theo Nguyễn Phúc Tộc thế phả thì ngoài hai người con nuôi là con của Kiên Thái Vương, vua Tự Đức còn có một người con nuôi khác là Nguyễn Phúc Ưng Chân, con của Thụy Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y và đã được vua giao cho Lệ Thiên Hoàng Hậu trông coi dạy bảo. Vua Tự Đức ban di chiếu chỉ định ông này lên nối ngôi, tức vua Dục Đức sau này. Tuy nhiên, vua Dục Đức chỉ làm vua được ba ngày thì đã bị các Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết hạ bệ, đem giam ở “Dục Đức giảng đường” và đưa Hồng Dật tức vua Hiệp Hòa lên nối ngôi.  

Cũng theo Nguyễn Phúc Tộc thế phả thì sở dĩ có chuyện như vậy là vì trong di chiếu của vua Tự Đức có viết đến các nét xấu của người con nuôi Ưng Chân của mình với dụng ý “để cảnh tỉnh” ông vua tương lai. Vua Tự Đức đã viết trong di chiếu như sau: “…Nhưng vì có tật ở mắt nên hành vi mờ ám sợ sau nầy thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt chưa chắc đã đảm đang được việc lớn. Nước có vua lớn tuổi là điều may cho xã tắc, nếu bỏ đi thì biết làm sao đây”. Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cùng Trần Tiễn Thành dâng sớ xin vua bỏ đoạn trên, lấy cớ di chiếu lập người nối ngôi trời thì những lời trên không hợp, nhưng vua Tự Đức không nghe lời, cho rằng “viết vậy để cảnh tỉnh”. Cũng vì vậy mà về sau, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã lấy cớ đó mà phế bỏ vua Dục Đức, rồi lại đem qua giam tại ngục thất phủ Thừa Thiên và bỏ đói cho chết.

Theo lệ thường, khi vua trước truyền ngôi lại cho vua sau thì tối thiểu, để chứng minh là mình đã không quyết định lầm, sẽ tuyên bố cho toàn dân biết những đức tính của người sắp bước lên ngôi vua thay thế mình hầu làm tăng uy tín cho vua sau trong vấn đề cai trị và lãnh đạo quốc gia nhất là trong trong hoàn cảnh khó khăn đương thời. Ở đây, vua Tự Đức đã làm ngược lại, viết rõ ra trong chiếu là người kế vị sau “chưa chắc đã đảm đang được việc lớn”. Điều nầy có thể đã nói lên tánh thiếu cương quyết của nhà vua và thiếu tự tin, nghi ngờ cả quyết định của mình, hầu như nhà vua muốn tỏ rõ cho mọi người biết là mình thật tình “không muốn truyền ngôi cho người đó chút nào, nhưng chỉ vì thế bí mà thôi”!. “Lời cảnh tỉnh” đó của nhà vua là bản án tử hình cho người con nuôi của mình và cũng từ hành động đó, nhà vua đã đưa nước nhà tới loạn Tứ Nguyệt Tam Vương tức vụ phế lập “ba lần trong bốn tháng” của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sau này.

Quả thật, vua Tự Đức đã phạm một lỗi lầm rất lớn về phương diện chính trị với tư cách một nhà lãnh đạo đất nước trong cảnh dầu sôi lửa bỏng đương thời. Người Pháp, giỏi về ngoại giao và chính trị, cũng đã có chữ dành cho trường hợp nầy, đó là một “Er- reur de jugement monumental” tức một “Sai lầm trầm trọng về nhận xét”.

2/ Nên hòa hay nên chiến.

Trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước vào thời Vua Tự Đức, phải nói đó là một cảnh dầu sôi lửa bỏng. Quân Pháp càng lấn, quân ta càng thua. Hễ đánh là quân ta chạy dài trước súng đạn của người Pháp. Càng thua càng mất đất. Biết là thua mà vẫn đánh. Vua tôi không bình tĩnh ngồi nghĩ chiến lược sắp tới để cản bước tiến của quân Pháp. Vua Tự Đức và triều đình đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để đánh thắng khi cả quân số của Pháp trên đất nước chỉ có vài trăm. Khi Rigault de Genouilly đánh Đà Nẵng hai lần mà không kết quả và binh lính bị bệnh thời khí chết hại nhiều, đưa thư xin giảng hòa với ta mà chỉ đòi xin truyền đạo và tự do thương mãi, triều đình họp bàn mà vẫn không nhất quyết, kẻ chủ hòa người chủ chiến. Vua chỉ dựa vào các quan để đợi quyết định chứ chẳng có quyết định gì trong tư thế làm vua chỉ huy tất cả triều thần. Các vụ bàn cãi tại triều đình phần lớn không đi đến quyết định nào. Các quan bàn qua bàn lại vẫn không ra giải pháp và kết quả thường là bế tắc, vấn đề bị xếp xó hoặc chỉ biết giao lại cho một vài người xử lý, may nhờ rủi chịu. Các đại thần như Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu đã phải lấy cái chết để đền ơn vua nợ nước và để rửa sạch cái nhục riêng cho chính mình. (Chú thích 1).

Các nhà cải cách đi xa thấy rộng như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện... dâng sớ đề nghị cải cách nhưng vua Tự Đức cũng như các quan khư khư bảo thủ, chẳng chịu nghe lời để đem ra áp dụng. Vua Tự Đức và triều thần phần lớn cạn nghĩ, không trông xa thấy rộng và lại bảo thủ nên thường lâm vào thế thụ động, chỉ bàn cãi vu vơ, giải quyết vá víu và đợi nước đến chân mới nhảy nhưng “nhảy bao nhiêu cũng không qua khỏi”. Nước ta mất dần đất đai, từ ba tỉnh miền Tây rồi đến ba tỉnh miền Đông, rồi đến Bắc Kỳ và sau cùng là mấy ngay cả Kinh đô Huế!  

Đúng như khoa Tâm lý học ngày nay đã chứng minh, mặc cảm thiếu “đàn ông tính” đã khiến cho nhiều người bệnh sinh ra thiếu tự tin, hay lưỡng lự, tiến tới rồi thối lui và chẳng bao giờ có thể cương quyết làm được việc gì cho vuông tròn, cho đến nơi đến chốn.

Đến đây, chúng tôi nghĩ là chúng ta đã có đủ tư liệu để chứng minh là, quả thật, vua Tự Đức đã hành xử việc nhà cũng như việc nước với tâm lý của một người thiếu “đàn ông tính” do vốn liếng kích thích tố “Testosterone” bị hụt hẫng trong cơ thể. Tình trạng nầy, theo chúng tôi là vì nhà vua đã bị bệnh “Thiểu năng tuyến sinh dục tiên phát” (Primary Hypogonadism), nguyên nhân chính của căn bệnh Vô sinh của nhà vua như chúng tôi đã trình bày ở phần trên. Tình trạng thiếu kích thích tố sinh dục “Testostérone” của nam giới trong cơ thể đã khiến cho nhà vua thiếu hẳn “Nam tính” mà người Anh Mỹ thường gọi là “Virility” hoặc “Masculinity”, tức là “Đàn ông tính” của giới nam nhi. Người đàn ông “thật đàn ông” (“a real man”) tính khí thường nghênh ngang, ăn nói hùng hồn và thường tự hào về cái đàn ông tính của mình. “Đàn ông” không phải là người thích ăn nói ỉu dỉu nhẹ nhàng hoặc “nói hay hụt hơi” như những người đàn bà con gái khác. (Chú thích 2).

IV. Trị liệu bệnh vô sinh do nguyên nhân thiểu năng tuyến sinh dục của vua Tự Đức theo Y khoa ngày nay

Nếu Vua Tự Đức sinh vào ngày nay thì Y khoa hiện đại sẽ chữa chạy thế nào cho căn bệnh Vô sinh của nhà vua nếu quả thật nhà vua bị bệnh Thiểu năng tuyến sinh dục tiên phát?

Bệnh Thiểu năng tuyến sinh dục tiên phát dẫn đến tình trạng thiếu Testosterone đã đành nhưng đó là nguyên nhân của “Hỗn loạn của sự sinh sản tinh trùng”, đưa đến bệnh “Không có tinh trùng” (Azoospermia) hoặc bệnh “Ít tinh trùng” (Oligospermia).

Trong trường hợp hoàn toàn vắng bóng tinh trùng (Azoospermia) thì rất khó mà chữa chạy gì cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu đó là “bệnh Ít tinh trùng” (Oligospermia) thì Y khoa ngày nay có thể chữa trị được phần nào.

Trong trường hợp bệnh Vô sinh thuộc “loại khá nặng” với số tinh trùng chỉ 10-20 triệu con trong 1 millilitre tinh khí và tinh trùng chuyển động chỉ 20-40% thì Y khoa ngày nay có thể dùng phương pháp “IUI” tức “Intra-Uterine Insemination” bằng cách đưa thẳng tinh trùng vào tử cung của người đàn bà để dễ thụ thai hơn. Kỷ thuật IUI này có thể phối hợp với sự chữa trị của người đàn bà phối ngẫu với thuốc “Clomiphène” hoặc “Gonadotro- pins” hoặc với kỹ thuật “ICSI” tức “Intracytoplasmmic Sperm Injection”.

Trong trường hợp bệnh Vô sinh “loại nặng”, chỉ có 10 triệu tinh trùng trong 1 mil- litre tinh khí và sức chuyển động của tinh trùng chỉ 10% bình thường thì Y khoa ngày nay dùng kỹ thuật “IVF” (In Vitro Fertilization) tức cấy tinh trùng trong ống nghiệm cùng với trứng (ovule) của người đàn bà, phối hợp cùng với kỹ thuật “ICSI” (Intracytoplasmic Sperm Injection).

Trong trường hợp người đàn ông không có tinh trùng (Azoospermia) và nếu muốn cho người vợ có thai thì có thể dùng tinh trùng của người đàn ông khác, nhưng đối với trường hợp của vua Tự Đức thì chắc chắn chẳng thể dùng phương pháp nầy được vì như thế thì đứa con sinh ra sẽ chẳng còn là giòng giống của nhà vua.

Phương pháp “IVF” tức cấy thai trong ống nghiệm thường rât tốn kém, đòi hỏi lấy trứng của người đàn bà đúng giờ đúng ngày và mỗi lần phải hút ra nhiều trứng. Dùng phương pháp này người đàn bà dễ bị sinh đôi (31%), sinh ba (6%) và nhiều hơn nữa (0.2%) (theo “Harrison’s Principles of Internal Medicine”, 16th Edition).

V. Kết luận

Qua hai bài nghiên cứu về vua Tự Đức dưới lăng kính Y khoa của, chúng ta thấy vua Tự Đức là một con người nhiều bệnh tật ngay từ lúc còn nhỏ. Nhà vua suốt đời đã phải uống thuốc để trị các chứng bệnh nhưng “bệnh nào vẫn tật nấy”. Từ lúc mới sinh ra, sức khoẻ nhà vua đã tồi tệ, có lúc tưởng không qua khỏi. Hệ thống đề kháng miễn dịch trong cơ thể của nhà vua yếu kém nên bệnh nầy tật nọ đã hoành hành cho đến cả khi vua đã trưởng thành. Ta có thể đếm cả thảy hơn 14 bệnh: bệnh hụt hơi, bệnh ăn không tiêu, bệnh táo bón, bệnh mắt mờ, bệnh mỏi xương cốt v.v.. nhưng nghiêm trọng hơn hết cả là “bệnh Vô sinh”.

Bệnh Vô sinh của vua Tự Đức đã được chúng tôi bàn đến rất kỹ trong bài “Thử thiết lập Hồ sơ Bệnh lý của vua Tự Đức”. Bệnh Đậu mùa mà vua bị mắc phải hồi 19 tuổi không phải là nguyên nhân của bệnh Vô sinh như sách vở xưa đã viết cũng như nhiều người đã lầm tưởng. Bệnh Vô sinh của vua đã được chúng tôi chứng minh là do bệnh “Thiểu năng tuyến sinh dục tiên phát”, gây nên sự giảm sút tinh trùng (Azoospermia hoặc Oligospermia) và sự giảm sút lượng kích thích tố “Testosterone” của phái nam trong cơ thể. Điều nầy đã gây nên ảnh hưởng trên phương diện tâm lý, khiến cho nhà vua trở nên nhu nhược ủy mị, lưỡng lự không cương quyết, không có tính quyết định mạnh bạo và sự thiếu quyết đoán trong cách sự xử lý công việc đã gây nên nhiều ảnh hưởng tai hại trong việc cai trị đất nước Việt Nam trong thời loạn, giữa lúc mà giặc Pháp đang quyết tâm đem quân qua xâm chiếm cho được nước ta.

Nếu vào hồi đó, chúng ta có một ông vua Tự Đức mạnh khỏe và dồi dào sức khoẻ, đức tính cương nghị, có lẽ tình hình chính trị của đất nước đã khác hẳn. Triều đình đã có thể thoát ra được tránh khỏi nước cờ bí mà vua quan ta ngày ấy tìm mãi mà vẫn không thấy lối ra và đành lòng để mất đất đai của xứ sở, đi từ Nam Kỳ cho đến Bắc Kỳ và mất luôn cả cả Kinh đô Huế khiến cho vua Hàm Nghi phải lưu lạc nơi đất khách quê người. Nghĩ mà buồn thay!

B.M.Đ
(SH278/4-12)







...............................................

Chú Thích 1: Hoàng Diệu khi tuân lệnh vua trên đường ra Bắc để giữ thành Hà Nội cũng đã biết trước kết quả của chuyến công tác của mình nên đã đem theo vài tấc lụa để có thể tự kết liễu đời mình sau khi thành mất và tự biết đời mình đã đến hồi kết cuộc. Và cũng vì thế mà sau khi ông đã tuẩn tiết, viên tướng Ông Ích Khiêm tại triều đã căn cứ vào đấy mà cho là ông đã không cật lực giữ thành và triều đình đã nghe theo lời ông. Tuy nhiên, Tôn Thất Thuyết vì tôn trọng nghĩa khí của Hoàng Diệu nên đã can thiệp để triều đình tôn vinh người đã có công giúp nước.

Chú thích 2: Người Mễ với “máu nóng” của người Y Pha Nho, thường dùng chữ “Macho” để chỉ hình ảnh hào hùng đầy nam tính đó của người đàn ông, của giới nam nhi. Cũng vì để cho có cái vẻ “macho” đó và để phân biệt với giới đàn bà con gái nên người đàn ông Mễ thường để rân mép thật dày trên môi, mặc áo sơ mi hở ngực và xăng tay áo thật cao cho người ta trông thấy hai cánh tay đầy lông lá đàn ông của mình, ăn nói mạnh bạo để cho người ta thấy cái cốt cách hào hùng của một con người thuộc giới “mày râu” của mình ra sao.

Sử liệu chứng minh

Để biên soạn bài nghiên cứu này, chúng tôi đã dựa vào các tư liệu chính sau đây:

1/ Đại Nam thực lục chính biên do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn biên soạn (Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1974).
2/ Nguyễn Phúc Tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc biên soạn năm 1994. Ngoài ra, chúng tôi cũng còn sử dụng những tư liệu khác và tất cả những tư liệu này đểu được chúng tôi ghi vào phần Thư Mục ở cuối bài.









 

Các bài mới
Các bài đã đăng