ĐÀI LÂN
Kỷ niệm 32 năm ngày mất của giáo sư Tôn Thất Chiêm Tế
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến hào hùng và thiêng liêng của chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 đã thúc giục, lôi cuốn nhiều lớp người đặc biệt là thanh niên, trí thức trong toàn quốc, thoát ly tham gia cách mạng.
Bấy giờ Tôn Thất Chiêm Tế mặc dù đang giảng dạy ở trường Quốc học Khải Định, Huế - một trường rất danh tiếng dành cho nam sinh, đã quyết tâm “xếp bút nghiên” hăng hái đi theo kháng chiến. Chiêm Tế và người anh cả là Tôn Thất Chiêm Sử cùng một số thanh niên yêu nước khác ở Huế đã nhanh chóng thoát ly, lên đường ra chiến khu IV tham gia kháng chiến chống Pháp cứu nước.
Đây là một bước ngoặt trọng đại có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc đời và sự nghiệp của Chiêm Tế. Ra tới chiến khu IV, anh được biên chế làm cán bộ thanh tra, thuộc Sở Lao động Liên khu IV (Thanh Chương, Nghệ An). Còn người anh, Chiêm Sử, được trao trọng trách làm thẩm phán Tòa án cách mạng Liên khu IV. Bữa ăn những khoai cùng sắn, thỉnh thoảng mới có bát cơm trắng không độn, đi bộ đường trường; ban ngày thường lo giúp dân, tối về các anh cùng chung cây đèn dầu bàn bạc công việc; gian khổ nhưng vui, vất vả nhưng hạnh phúc vì được sống và làm việc cùng anh em, đồng chí trong không khí tự do, được cống hiến, hy sinh vì dân vì nước.
Tôn Thất Chiêm Tế (Nguyễn Chiêm Tế) sinh năm 1920 trong một gia đình nho học, dòng dõi Hoàng tộc tại thôn Vỹ Dạ, ngoại ô kinh thành Huế. Đây là một thôn làng thơ mộng với những “vườn ai mướt quá xanh như ngọc” duyên dáng, soi bóng bên bờ tả Hương giang êm đềm, trong vắt. Vỹ Dạ nổi tiếng là mảnh đất khoa bảng, địa linh nhân kiệt. Đây là cái nôi đã sinh ra nhiều cậu ấm, cô chiêu, nhiều cô tú, cậu tú từng theo học những trường Quốc học danh giá như Khải Định và Đồng Khánh về sau đã đỗ đạt cao. Vào nửa sau những năm 20 của thế kỷ trước, nhiều người trong số họ đã cùng cha ông tích cực tham gia các phong trào yêu nước như ở thời kỳ đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, đám tang cụ Phan Chu Trinh. Đặc biệt là ở giai đoạn tiền Cách mạng tháng Tám, thanh niên trí thức Huế đã có nhiều đóng góp cho sự thành công trong việc giành chính quyền ở Huế.
Cụ đồ nho Công Tôn Hoài Tính (mà vua Bảo Đại gọi bằng ông họ) chính là thân phụ của Tôn Thất Chiêm Tế. Cụ là người tiết tháo và giàu lòng yêu nước, rất nhiệt tâm ủng hộ các phong trào đấu tranh của nhân dân Huế, đặc biệt là đối với sự kiện Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ chính cụ là người đã động viên anh em Chiêm Sử và Chiêm Tế thoát ly ra chiến khu. Thừa hưởng truyền thống hiếu học của dòng tộc, với tư chất thông minh, tài hoa nên học xong tiểu học ở trường làng, Chiêm Tế được vào thẳng học ban Thành chung trường Quốc học Khải Định. Với kết quả xuất sắc, sau ba năm anh lại được chuyển thẳng lên học bậc tú tài. Và chỉ hai năm sau (1940) Chiêm Tế đã lấy bằng tú tài toàn phần Văn khoa. Năm sau, cậu tú thi đậu vào khoa Luật, trường Đại học Đông Dương Hà Nội (một phân hiệu của trường Đại học Paris). Việc sinh sống và học hành xa nhà rất tốn kém, nhưng may bấy giờ, người anh cả Chiêm Sử đang giữ chức Thừa phái trong Bộ Nội vụ của triều đình Huế, đã chu cấp cho Chiêm Tế ăn học. Năm 1943, anh tốt nghiệp loại ưu, lấy được bằng cử nhân Luật khoa. Cậu cử nhân Luật mới 23 tuổi đầy năng lực, lại xuất thân Hoàng tộc nên vừa trở về Huế, Chiêm Tế đã được chính phủ bảo hộ bổ nhiệm ngay làm Kiểm sát viên, Sở Lao động Trung kỳ. Nhưng sớm chán cảnh vào luồn ra cúi chốn quan trường, cảm nhận nỗi tủi nhục của một công chức mà đất nước bị đô hộ, nên cuối năm 1944 anh xin chuyển về dạy tại trường Quốc học Khải Định, nơi anh đã từng theo học trước đây.
Ở môi trường mới, với vai trò là một người thầy, anh được thả hồn trong những áng văn thơ yêu nước, trong những trang sử vàng của dân tộc, Chiêm Tế đã học hỏi được nhiều điều từ đồng nghiệp và học trò. Phần đông trong số họ là những trí thức nhiệt thành yêu nước. Nhiều trang sử đẹp về truyền thống yêu nước đã được viết nên từ mái trường này. Đặng Thai Mai, một thầy giáo của trường, đã trở thành một tấm gương sáng về lòng yêu nước. Năm 1926, khi đang đứng trên bục giảng, thầy đã bị mật thám Pháp xông vào bắt và giam giữ hơn một năm trong nhà lao Phủ Doãn của kinh thành, với tội danh là người cầm đầu phong trào học sinh trong vụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.
Chiêm Tế rất cảm phục tấm gương của bậc tiền bối. Từ sau Nhật đảo chính Pháp, phong trào kháng Nhật cứu nước được Việt Minh phát động sâu rộng trong quần chúng. Nhiều thầy trò trường Quốc học (Khải Định) được cán bộ Việt Minh bí mật tuyên truyền, giác ngộ trong đó có Chiêm Tế. Những ngày giữa tháng 8/1945, không khí cách mạng ở Huế lại càng sôi sục. Bất chấp hiểm nguy, Chiêm Tế đã hăng hái cùng nhiều trí thức xuống đường hòa trong dòng người tham gia lấy chữ ký ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cách mạng, yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 23/8/1945, Chiêm Tế đã có mặt trong đội ngũ thanh niên tự vệ tại buổi mít tinh trọng thể của nhân dân Huế chứng kiến sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị, trao ấn kiếm cho cách mạng, kết thúc lịch sử của chế độ phong kiến Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, thầy và trò trường Quốc học lại háo hức bước vào năm học đầu tiên trong không khí tự do, độc lập. Nhưng chỉ một năm sau, vận nước lại lâm nguy. Cả dân tộc lại bước vào giai đoạn đầy cam go, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp. Và hai anh em Chiêm Tế, Chiêm Sử lên đường theo cách mạng từ đấy.
Sau một năm công tác ở Sở Lao động liên khu IV, Chiêm Tế được một cán bộ Việt Minh giới thiệu vào Đảng Xã hội. Đây là chính đảng của trí thức yêu nước do Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức nhằm tập hợp, lôi kéo tầng lớp trí thức trong và ngoài nước ủng hộ cách mạng. Việc ông gia nhập Đảng Xã hội thật có ý nghĩa đối với giới trí thức bấy giờ. Vì ông xuất thân dòng dõi hoàng tộc, một trí thức tài năng dạy ở một trường nổi tiếng giữa kinh thành đã dám rời bỏ gia đình, cha già, vợ trẻ, con thơ với cuộc sống êm ấm, an nhàn mà thoát ly theo kháng chiến. Năm 1949, cấp trên điều ông từ Liên khu IV về chiến khu Việt Bắc với cương vị phó Trưởng phòng Pháp chế, Bộ Tư pháp. Giàu năng lực, lại cần mẫn và giỏi tiếng Pháp nên công việc hiệu quả, ông được anh em, đồng chí rất quý trọng.
Đầu năm 1951, ông cùng một số cán bộ trong ngành được trên cử về công tác ở Liên khu IV để thanh tra nhân sự. Thời điểm này Bộ Giáo dục đang chuẩn bị thành lập bộ khung cho trường Sư phạm Cao cấp ở vùng Thanh - Nghệ. Biết ông vốn là một nhà giáo tài năng nên cấp trên lại điều ông từ Bộ Tư pháp về giảng dạy ở trường này. Đội ngũ những nhà giáo đầu tiên đặt nền móng xây dựng trường Sư phạm Cao cấp (sau đổi là trường Dự bị Đại học) toàn là những trí thức lỗi lạc, danh tiếng như Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Đào Duy Anh, Trần Đình Gián v.v. Được làm việc với những bậc tiền bối trong học thuật, ông rất vui mừng, phấn khởi và tự hào. Là cán bộ trẻ nhất mới 31 tuổi, với ông, họ thực sự là những bậc thầy.
Vùng Hậu Hiền thuộc Nông Cống, Thanh Hóa chính là cái nôi đã nuôi dưỡng trường Sư phạm Cao cấp trong suốt 3 năm đầu (1951-1954) từ khi thành lập, hòa bình lập lại, trường chuyển về thủ đô Hà Nội.
Nghị lực, yêu nghề lại chịu khó học hỏi và được các bậc đàn anh dìu dắt, giúp đỡ, ông đã trưởng thành nhanh chóng trong chuyên môn; đồng nghiệp và học trò yêu mến, tin cậy. Hòa bình lập lại, trường chuyển về Lê Thánh Tông, Hà Nội, ông lại sát cánh cùng đồng nghiệp từ chiến khu IV trở về. Từ năm thứ 2 và thứ 3 khóa II (1954-1956) học sinh của trường bắt đầu được đào tạo ở Hà Nội. Miền Bắc được giải phóng, gia đình ông được đoàn tụ, chấm dứt những tháng năm ly tán, vợ Nam chồng Bắc. Đây là nguồn động viên lớn để ông yên tâm công tác. Chỉ vương vấn một điều, năm 1951, cụ thân sinh qua đời nhưng ông không được gặp mặt cha lúc lâm chung.
Điều kiện sinh sống và làm việc của thầy trò ở Hà Nội được cải thiện rất nhiều. Khóa II của trường và cũng là khóa đầu tiên được đào tạo ở Hà Nội đã sản sinh ra rất nhiều những “cây đa, cây đề” mà về sau, họ là những trụ cột, chuyên gia đầu ngành có đóng góp to lớn cho công tác nghiên cứu và giảng dạy ở các khoa Ngữ văn, Lịch sử của các trường ĐH Sư phạm và ĐH Tổng hợp Hà Nội. Giáo sư Đặng Thanh Lê, GS. Đặng Đức An, GS. Phan Huy Lê, GS. Trần Quốc Vượng, GS. Đinh Xuân Lâm v.v… là những bậc tài danh của khóa II. Năm 1957, trường ĐHSP và ĐHTH tách riêng. Nhưng mãi đến năm 1959, khoa Lịch sử của hai trường này mới chính thức phân đôi. Ông bắt đầu được giữ trọng trách là Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử thế giới của khoa Lịch sử từ đấy. Gần 40 tuổi đời và gần 10 năm tuổi nghề, ông trở thành một cán bộ giảng dạy đầy uy tín và năng lực, một chuyên gia sáng giá nhất trong việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Cổ trung đại thế giới của khoa Lịch sử trường ĐHSP Hà Nội. Ông tận tụy xây dựng, vun đắp cho sự trưởng thành, vững mạnh của bộ môn. Nhiều học trò được ông đào tạo, bồi dưỡng sau đã trở thành những cán bộ tài năng của khoa, của nhiều trường đại học và các viện nghiên cứu. Nghiêm Đình Vỳ, Trần Bá Đệ, Đặng Quang Minh, Trần Thị Vinh, Lại Bích Ngọc, Đặng Thanh Toán, Lương Thị Thoa v.v… là những cán bộ giảng dạy đã được ông trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng. Và họ đang là những thế hệ hậu bối xứng đáng kế nghiệp thầy. Vừa chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ, ông vừa say mê nghiên cứu. Rồi những năm tháng chống Mỹ khốc liệt đầy khó khăn thầy và trò đều phải đi sơ tán; khi lên Thái Nguyên, khi về Hưng Yên, rồi lại xuống Hà Tây…, cơm không đủ no, học trong bom rơi, đạn lạc. Vợ con ông phải sơ tán theo cơ quan, mỗi người một ngả. Vóc dáng thư sinh mảnh mai, ông lại chớm mắc bệnh tiểu đường nhưng nét mặt luôn rạng ngời khi đứng trên bục giảng. Giọng Huế nhẹ nhàng, cuốn hút, ấm áp, kiến thức uyên thâm cho nên những giờ giảng dạy của ông bao giờ cũng đầy hấp dẫn đối với học trò. Thời chiến, điều kiện nghiên cứu, in ấn và công bố công trình vô cùng khó khăn; ăn ở thiếu thốn, đi lại vất vả và không an toàn, thế nhưng trong vòng 25 năm, từ khi trường về Hà Nội, ông đã cho công bố gần 30 công trình có giá trị. Ông để lại cho hậu thế nhiều tài liệu quý giá, trong đó Bộ Lịch sử thế giới cổ đại (phương Đông và phương Tây) xuất bản năm 1970 được coi là bộ giáo trình hoàn thiện đầu tiên về lĩnh vực này. Ông là một người đi tiên phong khai phá việc nghiên cứu về vấn đề Phương thức sản xuất châu Á. Vấn đề này hiện nay đang được các thế hệ học trò tiếp tục nghiên cứu. Ông rất chú trọng đến phương pháp nhận thức của đồng nghiệp và học trò, của các nhà nghiên cứu và nhà giáo về vai trò, chức năng của bộ môn Lịch sử trong đời sống xã hội và trong nhà trường. Có lẽ, các công trình “Lênin bàn về vai trò của các dân tộc phương Đông” (1977) và “Nguồn gốc nền văn minh cổ ở Đông nam Á” (1977) là những công trình cuối cùng mà ông để lại cho đồng nghiệp và cho học trò.
Năm 1972, sức khỏe của ông lại có vấn đề. Ông được Nhà nước cho sang Quế Lâm, Trung Quốc chữa trị 6 tháng theo đông y. Hai năm sau bệnh lại tái phát, ông lại được sang Ba Lan 3 tháng chữa trị theo tây y.
Từ sau năm 1975, công việc đào tạo của khoa và của trường ngày càng phát triển, mở rộng. Bộ môn lịch sử thế giới Cổ trung đại lúc này mới có 5 người trong đó có 2 cán bộ trẻ. Vì thế phần việc mà ông phải đảm nhiệm rất lớn. Mà căn bệnh tiểu đường lại là bệnh nan y không có thuốc đặc trị cho nên vào những năm 1979 - 1980 sức khỏe ông yếu dần, phải thường xuyên nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Xô. Đầu năm 1980, Nhà nước có quyết định phong học hàm Giáo sư cho nhiều cán bộ giảng dạy ở các trường đại học trong đó có ông. Bộ trưởng Bộ Giáo dục bấy giờ là bà Nguyễn Thị Bình cùng một số đại biểu khác đã trực tiếp đến bệnh viện thăm hỏi và trân trọng trao bằng chứng nhận học hàm Giáo sư cho ông. Nhưng chỉ vài tháng sau, ngày 08/07/1980, Giáo sư trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 60 tuổi. Các thầy thuốc và gia đình đã tận tâm cứu chữa nhưng bệnh trọng, Giáo sư vĩnh viễn ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng nghiệp và học trò. Giáo sư đã về cõi vĩnh hằng nhưng hình ảnh một người thầy tận tụy, uyên thâm và tài hoa, một trong những người đặt nền móng xây dựng khoa Lịch sử và trường ĐHSP Hà Nội thì sống mãi trong tâm tưởng và sự nghiệp của lớp lớp học trò hậu bối. Đã sắp tới ngày giỗ thứ 32 của Giáo sư. Nơi suối vàng, chắc ông thanh thản vì không những đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò giỏi mà con cháu của mình trong hơn 30 năm qua cũng rất thành đạt. Anh Nguyễn Viễn Thọ, con trai ông, một Giáo sư, Tiến sĩ KH, Nhà giáo Nhân dân, nguyên là Giám đốc ĐH Huế. Còn cháu đích tôn Nguyễn Phúc Dương mới ngoài 30 tuổi đã là một PGS. TS, Phó Viện trưởng Viện Vật liệu điện tử của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Xa xôi, xin gửi về làng Vỹ Dạ, nơi quê hương và cũng gần nơi an nghỉ của Giáo sư một nén nhang thơm tri ân tình sâu nghĩa nặng.
Hà Nội, ngày 03/06/2012
Đ.L
(SH281/7-12)