Người Huế
Sự thật của mối tình Kim Cúc - Hàn Mạc Tử
10:36 | 03/01/2013

NGUYỄN ĐÌNH NIÊN
       100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử

Theo những tài liệu hiện có và theo sự dò hỏi của chúng tôi, từ các thân hữu còn sống của thi sĩ, những người đàn bà thi sĩ đã kinh qua cuộc đời Hàn Mạc Tử, đó là: Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình và Thương Thương.

Sự thật của mối tình Kim Cúc - Hàn Mạc Tử
Hoàng Thị Kim Cúc thời trẻ - Ảnh: internet

Hoàng Cúc tức Hoàng Thị Kim Cúc là một thiếu nữ ở cùng đường - đường Khải Định, Qui Nhơn - được Hàn Mạc Tử yêu, khi thi sĩ còn là “một chàng trai khí huyết” chưa mắc bệnh nan y. Mai Đình, người đàn bà trôi nổi xấu số, chỉ chiếm được tình cảm thương, chứ không từng được yêu(1). Rốt cuộc, có thể nói trong khoảng đời bệnh hoạn của Hàn Mạc Tử, thi sĩ có hai mối tình lớn, hai mối tình gây thất vọng cho người thơ: đó là tình Mộng Cầm và tình Thương Thương. Tình ái là phạm vi bí mật nhất, u ẩn nhất của một đời người. Bởi vì, đó là Tuyệt Đối. Bởi vì trước nhan Người Yêu, cũng như trước nhan Thiên Chúa, người tình chỉ có một mình đối diện - bằng tất cả sâu thẳm của một hiện hữu im lặng và bí mật. Tình ái là một cuộc yêu dấu, trong đó chỉ có tay đôi, không có và không thể là tay ba. Cho nên, thiết tưởng ta chỉ nên xem những lời chứng của các chứng nhân - tức là những người thứ ba - đối với cuộc tình người, cuộc tình thi sĩ, như là những giai thoại, những mẩu chuyện nên thơ, những huyền thoại ở cái mặt ngoài sáng sủa nhất, rõ ràng nhất của chúng. Bởi vì, tình yêu không phải được phô bày ra bên ngoài ở mặt sáng sủa rõ ràng nhất của nó, mà tình yêu bao giờ cũng được nhìn từ nỗi niềm u ẩn bên trong, bởi tất cả những gì con tim đã âm thầm chịu đựng(2).
 

Thủ bút Hoàng Thị Kim Cúc trong thư đề ngày 16/10/1987 gởi Nguyễn Bá Tín - Ảnh: internet


Trong các tác phẩm đề cập đến khía cạnh tình ái của Hàn Mạc Tử, có một khuôn mặt đàn bà - một khuôn mặt thiếu nữ thì đúng hơn - được nhắc đến dưới mỹ danh là Hoàng Cúc(3) hay cô Cúc(4) hay K.C(5). Người thiếu nữ xuất hiện trong thơ Hàn Mạc Tử ấy chính là một thiếu nữ có thực ngoài đời, tên thật là Hoàng Thị Kim Cúc(6) sinh trưởng ở một thôn xóm xinh đẹp vào bậc nhất của Đế Đô Huế, hiện vẫn còn sống độc thân cho đến ngày nay (1970).

Chúng tôi đã tìm đến Cô Hoàng Thị Kim Cúc, để xin được tiếp xúc hỏi chuyện với người chứng trong cuộc tình Hàn Mạc Tử. Với muôn vàn ngại ngùng, và bằng những nghi lễ trang trọng nhất được dành cho một cuộc công bố chuyện tâm tình của hơn ba mươi năm về trước, Cô Hoàng Thị Kim Cúc đã trả lời chúng tôi. Trước khi vào hẳn câu chuyện, Cô Hoàng Thị Kim Cúc đã trình bày ba lý do chính khiến cô im lặng, từ chối những cuộc phỏng vấn của nhiều người từ trước đến nay(7). Lý do thứ nhất, lời Cô Kim Cúc, vì đây là một chuyện tâm tình riêng tư, đương sự muốn giữ lấy cho mình, không muốn một ai được biết. Lý do thứ hai, bây giờ Hàn Mạc Tử đã khuất, Hoàng Tùng Ngâm đã xa(8), đương sự có nói sự thực cũng chẳng có ai chứng minh cho. Lý do thứ ba đương sự có ngại ngùng rằng: công bố trên mặt báo chương, nhiều người sẽ không hiểu, sẽ cho rằng mình bám víu vào cái hào quang của một thi sĩ, để tự đề cao mình. Nhưng - vẫn theo lời Cô Kim Cúc - bây giờ chính là lúc đương sự không thể im lặng, bởi vì người ta đã căn cứ vào những giòng chữ ngắn ngủi, ít ỏi, bằng chữ in, để rồi từ đó, người ta xuyên tạc, làm sai với sự thực quá nhiều(9).

Từ trước tới nay, trong các sách báo biên khảo về Hàn Mạc Tử, các tác giả gặp nhau ở một điểm là đều nhìn nhận rằng mối tình HOÀNG CÚC là mối tình đầu của thi sĩ GÁI QUÊ. Thi sĩ hầu như không còn có một mối liên lạc nào nữa đối với Hoàng Cúc sau khi gặp gỡ và thất vọng vì Mộng Cầm, trong khi bệnh phung bộc phát, rồi gặp Mai Đình, rồi say mơ hình bóng mộng Thương Thương…

Quách Tấn, trong bài Đôi nét về Hàn Mạc Tử, đã viết về Hoàng Cúc như sau:

“Chắc cũng có bạn muốn biết:

- Mối tình Mộng Cầm có phải mối tình đầu của Tử?

- Thưa không.

Khi Tử làm sở Đạc điền Quy Nhơn, Tử có yêu một thiếu nữ ở cùng một con đường - đường Khải Định - biệt hiệu là Hoàng Cúc.

Mối tình giữa một anh chàng đôi mươi và một cô nàng mười lăm mười bảy, lẽ tất nhiên là trong đẹp, nên thơ.

Nhưng thường được gần gũi người yêu, thì tâm trạng của Kim lang đêm trăng nơi vườn Thúy, không còn là tâm trạng của chàng trai đời Gia Tĩnh triều Thanh, mà là tâm trạng chung của nòi tình muôn thuở. Cho nên đối với Hoàng Cúc đã có lần Tử muốn gác lễ nghĩa một bên.

Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường
Không dám sờ tay sợ lấm hương
Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn Cúc ở trong sương.


Chân tướng của Tử đã hiển hiện rõ rệt trong bài thơ này. Tình của Tử đối với Hoàng Cúc đâu phải không đượm đà, đâu phải không bồng bột. Tử chỉ giữ gìn đó thôi, dè dặt đó thôi.

Tử gìn giữ cho tình yêu trong trắng.
Tử dè dặt vì nền nếp Nho gia.

Và dè dặt gìn giữ để được thấy dưới bóng đuốc hoa cái gì cao quý nhất của người thục nữ: Tử muốn đưa tình yêu vụng lén đến cuộc hôn nhân.

Nhưng hôn sự bất thành!

Bất thành không phải vì Tử gặp cảnh rủi ro của chàng Kim Trọng. Bất thành vì vấp phải trường hợp của Tản Đà khi nhờ người giạm hỏi Đỗ thị. Nghĩa là thân sinh của Hoàng Cúc - lúc bấy giờ làm tham tá sở Đạc điền mà Tử là tùy thuộc - chê Tử không xứng mặt đông sàng!

Tử thôi làm việc ở sở Đạc điền Qui Nhơn để vào Sài Gòn làm báo - chính vì bị chê không có địa vị cao sang. Ghé vào Nha Trang thăm tôi, khi đi Sài Gòn, Tử nói:

- “Đi chuyến này, tôi quyết xây sự nghiệp văn chương cho thật vững vàng, thử xem người ta có còn dám khi dễ”.

Nhưng theo lời Cô Hoàng Thị Kim Cúc trình bày với chúng tôi, thì câu chuyện không có xảy ra đến như thế.

Không phải “hôn sự bất thành” bởi vì Hàn Mạc Tử gặp phải tình cảnh “của Tản Đà khi nhờ người giạm hỏi Đỗ thị. Nghĩa là thân sinh của Hoàng Cúc - lúc bấy giờ làm tham tá sở Đạc điền mà Tử là tùy thuộc - chê Tử không xứng mặt đông sàng”(10) như Quách Tấn đã viết. Mà “hôn sự bất thành” vì một lý do đơn giản hơn: mối tình Kim Cúc - Hàn Mạc Tử chỉ là một mối tình im lặng. Hàn Mạc Tử không hề ngỏ một lời nào với Kim Cúc. Thi sĩ cũng không hề nhờ băng nhân đến nhà giạm hỏi. Gia đình Kim Cúc lại là một gia đình lễ giáo: thân phụ của Kim Cúc là cụ Hoàng Phùng, đỗ Tú Tài Hán học kiêm cả Tây học, làm Thương Tá Sở Địa Chính tại Qui Nhơn (chứ không phải là tham tá sở Đc điền như thi sĩ Quách Tấn viết). Hàn Mạc Tử, lúc bấy giờ làm ở Sở Đạc Điền - và thi sĩ không phải là thuộc viên của thân sinh Kim Cúc. Tất cả mối tình Hàn Mạc Tử - Kim Cúc thủy chung xoay quanh “con chim xanh” là Hoàng Tùng Ngâm, vừa là bạn thơ vừa là bạn - chơi của Hàn Mạc Tử.

Từ 1932 - 1936, gia đình Kim Cúc ở tại Qui Nhơn. Hoàng Tùng Ngâm là em chú bác ruột với Kim Cúc và ở chung một nhà với nàng. Một dạo, nhà Kim Cúc ở đường Khải Định, chỉ cách nhà thi sĩ 3-4 căn nhà(11). Tất cả các chuyến đi chơi xa gần ngoạn cảnh, làm thơ giữa Thi Sĩ và Hoàng Tùng Ngâm - ở tận khuê phòng, cô Kim Cúc đều biết rõ, bởi vì đã có Hoàng Tùng Ngâm về tường thuật rõ ràng.

Năm 1936, khi xuất bản GÁI QUÊ, Hàn Mạc Tử có ngỏ ý với Hoàng Tùng Ngâm rằng sẽ cho in lời ĐỀ TẶNG KIM CÚC ở trang đầu tập thơ. Hoàng Tùng Ngâm thuật lại ý định ấy cho chị nghe. Kim Cúc tỏ thái độ không bằng lòng sự đề tặng lộ liễu ấy, nên thi sĩ đã hủy bỏ ý định.

Sau khi in tập GÁI QUÊ xong, tháng 10/1936, ở Huế có mở Hội Chợ - lúc bấy giờ Hàn Mạc Tử đã thôi làm Sở Đạc Điền - thi sĩ có về Huế thăm Huế cùng dự hội chợ. Thi sĩ mang theo những tập GÁI QUÊ, nhưng thi sĩ không tặng cho Kim Cúc tập thơ nào hết(12), trong khi đó các anh em ruột của Kim Cúc - vốn có biết làm thơ, vừa là bạn của thi sĩ - đều được thi sĩ tặng mỗi người một tập thơ vừa mới ráo mực nhà in. Thi sĩ có biết rõ ngôi nhà xinh xắn trong khu vườn yên tĩnh ở thôn Vĩ Dạ của Kim Cúc, nhưng thi sĩ lại giữ ý:

Anh thương em không dám vô nhà
Đi quanh cửa ngõ

như một chàng trai chất phác trong ca dao theo dõi cô “gái quê” xinh đẹp của lòng mình.

Trong lần về Huế này, thi sĩ có xin phép được diện kiến Kim Cúc, nhưng cô thiếu nữ của kinh đô Huế ấy đã từ chối, không cho thi sĩ gặp mặt. Từ sự kiện đó - vẫn theo lời Cô Hoàng Thị Kim Cúc - thi nhân đã viết những dòng thơ sau:

Trăng dầu sáng, còn thua đôi mắt ngọc
Trời tuy xa, lòng thiếu nữ xa hơn
Ái ân là hơi thở của van lơn,
Và thú thiệt cũng chưa thích bằng khóc
(13)

Sau lần ở Huế trở lại Qui Nhơn, thi sĩ mắc phải khổ hình bệnh phung. Kim Cúc không hề hay biết tai họa ấy đã giáng xuống đời một nhà thơ. Bởi vì, suốt trong đời sống, Hàn Mạc Tử không hề gởi thư, không từng viết một dòng chữ nào trực tiếp gởi cho Kim Cúc.

Tháng 7/1939, tập thơ Đường luật MỘT TẤM LÒNG của Quách Tấn ra đời. Hàn Mạc Tử đã đề BẠT cho tập này (từ trang 89 - 93). Kim Cúc (ở Huế) không từng quen biết Thi sĩ QUÁCH TẤN ở Nha Trang(14) thế mà, Hàn Mạc Tử đã yêu cầu Quách Tấn gởi ra tặng Kim Cúc một tập MỘT TẤM LÒNG, với dòng chữ “Kính tặng Cô Hoàng Thị Kim Cúc”, Quách Tấn viết và ký tặng.

Tháng 12/1939, tập TINH HUYẾT của Bích Khê ra đời, Hàn Mạc Tử đề TỰA (từ trang V - XIX). Kim Cúc cũng không hề quen biết Thi sĩ Bích Khê, lúc bấy giờ đương nằm bệnh ở Thu Xá, Quảng Ngãi, Hàn Mạc Tử đã yêu cầu Bích Khê gởi ra Huế tặng Kim Cúc một tập TINH HUYẾT với lời đề tặng đáng lưu ý hơn:

Tăng Ch Hoàng th Kim Cúc, người bn của Anh Hàn Mc Tử - Bích Khê”. Khi nhận được tập này, Kim Cúc đã nhắn Hoàng Tùng Ngâm gởi lại thi sĩ một lời phiền trách.

Cũng năm 1939 - lúc bấy giờ Kim Cúc đương làm giám thị, xem sóc học sinh nội trú ở trường Đồng Khánh Huế - Kim Cúc mới hay biết thi sĩ bị mắc bệnh phung. Mãi đến năm này, Hoàng Tùng Ngâm mới chịu cho Kim Cúc rõ điều đó. Hoàng Tùng Ngâm không quên kể lể với Kim Cúc, đại ý: “TRÍ vẫn không quên chị. Trong khi người ta bệnh hoạn, quá chừng đau khổ, chị cũng nên an ủi”(15).

Cái gì đã gợi ra trong con tim thâm nghiêm của một thiếu nữ khi đột ngột hay tin cái - người - yêu - mình trong bao năm đang bị mắc chứng phung hủi? Người ta có thể - theo ý chủ quan của chúng tôi - tha thứ với bệnh lao vốn là dấu ấn của người trí thức (!). Người ta có thể tha thứ với bệnh đau tim là thứ bệnh của một kiếp phù dung rực rỡ hồng đào trong khoảng khắc để rồi chóng vánh rủ xuống. Nhưng, có ai trên đời này chịu tha thứ cho bệnh phung, một thứ hiện hình ghê tởm gớm ghiếc lu lù ở ngay bề mặt?!

Theo lời khuyên của Hoàng Tùng Ngâm, Kim Cúc đã gởi cho thi sĩ một tấm ảnh. Ít lâu sau, Kim Cúc nhận được - do Hoàng Tùng Ngâm trao lại - bài:

Ở ĐÂY THÔN VỸ DẠ (16)

Chính khởi lên từ bài thơ “Ở đây thôn Vỹ dạ” này, bao nhiêu độc giả và bình giả đã say sưa đặt ra vô số giả thuyết xoay chung quanh “tấm ảnh” của một giai nhân gởi cho một thi sĩ. Nào là người trong ảnh mặc áo trắng. Nào là người trong ảnh là một “cô gái Huế” đứng thơ thẩn trong vườn trúc, đợi chờ. Nào là người đẹp thôn Vỹ mời thi nhân “ra chơi Vỹ dạ”, ra viếng núi Ngự sông Hương.

Kỳ thực, trong cảnh sống riêng chiếc, bệnh hoạn, “nằm trong xanh biếc của trời buồn” Qui Nhơn, Bình định, thi sĩ của chúng ta, có ít diễm phúc hơn nhiều.

Không có hình một thiếu nữ nào hết ở trong tấm ảnh Hàn Mạc Tử đã nhận được. Cũng không có một lời mời “ra chơi Vỹ dạ”(17). Bởi vì, theo lời Cô Hoàng Thị Kim Cúc vừa mới trình bày với chúng tôi - sau bao nhiêu năm trời im lặng, giấu kín - là tấm ảnh của Kim Cúc gởi vào Qui Nhơn cho Hàn Mạc Tử chỉ là một tấm hình phong cảnh cỡ 4 x 6. Đó là một tấm ảnh không người - hoặc nếu nhìn theo con mắt thi nhân thì là một tấm ảnh có người, nhưng người đi vắng cũng thế! “Trong tấm ảnh có một chiếc đò, với một khóm tre, và một cái bóng chiếu xuống nước không biết đó là mặt trăng hay mặt trời. Phía sau tấm ảnh là một câu thăm hỏi, chúc mau bình phục, không đề ngày, và không cả ký tên nữa”(18). Tấm ảnh ấy, Kim Cúc gởi Hoàng Tùng Ngâm, lúc bấy giờ vẫn còn làm ở sở Địa Chính Qui Nhơn, nhờ Hoàng Tùng Ngâm trao lại cho thi sĩ (1939). Sau đó Cô Kim Cúc nhận được bài “Ở ĐÂY THÔN VỸ DẠ” do Hoàng Tùng Ngâm chuyển lại.

Nói như Joubert “Hãy nhắm mắt lại, bạn sẽ thấy”(19). Đối với người thường, phải có mắt mới nhìn thấy. Thi sĩ không thế. Thi sĩ không nhìn bằng mắt, mà nhìn bằng tim. Thi sĩ nhìn bằng cái nhìn chí tình của mình, đối với mỗi đối tượng ở trong cuộc đời. Từ cái nhìn thẳm thẳm của tình - lang, từ cái nhìn mộng mơ của thi nhân, từ tiềm lực sáng tạo của nhà nghệ sĩ, Hàn Mạc Tử đã viết cho đời một bài thơ đẹp. Chúng tôi xin được phép chép toàn bài thơ ấy ở đây, để ghi lại như một giai thoại của khách tình chủng thi nhân, để làm chứng tích cho những động cơ vốn tiềm mặc u ẩn trong cõi tâm tư thao thức của mỗi con người sáng tạo:

Ở ĐÂY THÔN VỸ DẠ

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?


Dầu sao, chúng ta và cuộc đời, cũng nên cảm ơn cái hảo ý của giai nhân. Giai nhân từ nghìn xưa cho đến giờ vẫn là những kẻ - vô tình hay hữu ý - hằng ban tặng một chút “bóng ảnh” - và rất nhiều ảo ảnh - cho thi nhân, để gợi ý thi nhân là những kẻ cầm chiếc đũa thần kỳ diệu, vạn năng của chữ nghĩa trong giờ phút linh hiển sáng tạo.

Mối tình Kim Cúc - Hàn Mạc Tử không hẳn là mối tình đầu, như thi sĩ Quách Tấn đã bảo, cũng không hẳn là mối tình có kết thúc - Đó không phải là mối tình bị tan rã do bởi hoàn cảnh gia đình nên “hôn ước bất thành” hay bởi sự ngộ nhận giữa đôi người trong cuộc. Thi sĩ có ước hẹn gì cùng giai nhân đâu. Nhưng, đó cũng không phải là mối tình câm bởi vì, giữa giai nhân và thi sĩ vẫn có một sợi dây hồng quấn quít: Hoàng Tùng Ngâm. Theo thiển ý của chúng tôi, đó chính là một mối tình - một đóa hoa mơn mởn nở ra dưới bóng mát bao dung của sự yên lặng. Đó không phải là một mối tình câm, mà chính là mối duyên nở dần ra trong im lặng như lời thơ:

Lâu rồi không nhớ bao nhiêu năm
Từ độ trông nhau hết lạ lùng
Kín tiếng nhưng lòng riêng xôn xao
Ai thấy phong ba nơi bể hồn!
Một bên thi sĩ bên đa tình
Đôi tim dóng then mà hớ hênh
Chập chờn bến Thực hay nguồn Mơ
Hay chính bâng khuâng là ái tình
(20)

Phải chăng là một điều quá đáng, khi chúng tôi dám mạo muội mượn lời thơ Vũ Hoàng Chương để kết thúc ở đây mối tình Kim Cúc - Hàn Mạc Tử?

N.Đ.N
(Bài viết rút ra từ cuốn "Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử")
(SĐB 7/12-12)


----------------------
(1) Nói theo thói thường. Chứ thực ra, trong lòng người đàn ông, nhất là khi người đó lại là thi nhân, lấy cái gì để làm ranh giới giữa thương - thương hại, thương mến - với yêu - yêu dấu -? Con tim thi sĩ có những ngoắt nghéo, gần giống con tim đàn bà, khó mà các chứng nhân ở bên ngoài có thể hiểu thấu được.
(2) Paul Van Tieghem: “non pas l’amour dépeint de l’extérieur comme par un témoin lucide, mais l’amour vu du dedans, tel que le coeur le subit.”
(Le Romantisme Francais - P.U.F., coll. Que Sais Je?.-số 123 tr.29.
(3) Quách Tấn, Đôi nét về Hàn Mạc Tử, Văn số 73 và 74 tr.91.
(4) Đinh Hùng, Ngày đó có em,- Giao Điểm xuất bản, 1967 tr. 7 và tr. 64.
(5) Trần Thanh Mại, HÀN MẠC TỬ, Tân Việt, tr. 102.
(6) Cô Hoàng Thị Kim Cúc, sinh tháng 12 - 1913 (nhỏ thua Hàn Mạc Tử một tuổi), đỗ Tiểu học năm 1928, ở Qui Nhơn từ 1932 đến 1936, và ở Huế từ 1936 cho đến nay (1971). Từ 1938, Cô Hoàng Thị Kim Cúc làm giám thị trường Đồng Khánh Huế. Hiện nay (1971) Cô là giáo sư nữ công của Trường này.
(7) Trước chúng tôi, đã có nhiều giáo sư, học giả của thành phố Huế đến phỏng vấn Cô Hoàng Thị Kim Cúc.
(8) Ở ngoài Bác. Theo Cô Kim Cúc, năm 1943, Hoàng Tùng Ngâm có định viết sách về Hàn Mạc Tử.
(9) Trên vô tuyến truyền hình, trong các rạp tuồng Cải lương, người ta đã diễn trước mắt khán giả những hình ảnh lố lăng, bội bạc, không có thực, về Hoàng Cúc và song thân của Hoàng Cúc.
(10) Quách Tấn,- bài đã dẫn, tr. 92-93.
(11) Do đó, Hàn Mạc Tử mới viết:
Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường
Không dám sờ tay sợ lâm hương
Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn Cúc ở trong sương

Theo lời Cô Kim Cúc, 2 - 3 lần gia đình Kim Cúc đổi chỗ ở, thi sĩ cũng đổi nhà theo. Năm 1936, Cụ Hoàng Phùng hồi hưu, Cô Kim Cúc theo song thân và gia đình về Huế, ở tại Vỹ Dạ. Hoàng Tùng Ngâm ở lại Qui Nhơn và vẫn làm sở Địa Chính.
(12) Theo lời Cô Kim Cúc, Hàn Mạc Tử muốn tặng sách, nhưng Cô không muốn, nên thi sĩ không tặng.
(13) Trong bài DẤU TÍCH, tập Mật Đắng (Thơ Điên ĐAU THƯƠNG).
(14) Cho mãi đến nay (1971) Cô Hoàng Thị Kim Cúc và Thi sĩ Quách Tấn vẫn chưa có dịp nói chuyện với nhau. Theo địa chỉ của chúng tôi cho biết, mới đây (12-1970) Cô Hoàng Thị Kim Cúc có viết thư vào Nha Trang cho thi sĩ Quách Tấn và yêu cầu Thi sĩ đính chính ít điểm trong bài “ĐÔI NÉT VỀ HÀN MẠC TỬ” (Báo Văn số 73 và 74 ngày 7-1-1967. Bài này sắp sửa được Quách Tấn cho in thành sách). Chúng tôi không được rõ Thi sĩ Quách Tấn sẽ có phản ứng, thái độ nào, trước lời yêu cầu này.
(15) Thuật theo lời cô Kim Cúc nói với chúng tôi.
(16) Bài thơ Cô Kim Cúc nhận được, thi sĩ ghi là “Ở đây thôn Vỹ Dạ” chứ không phải là “Đây thôn Vỹ Dạ” như chúng ta thấy trong các sách đã xuất bản.
(17) Quách Tấn, bài đã dẫn, tr.94.
(18) Chúng tôi chép lại nguyên văn lời Cô Kim Cúc nói với chúng tôi.
(19) “Fermez les yeux, et vous verrez”.- Les Carnets de Joubert.- Gallimard. Paris, 1938.
(20) Vũ Hoàng Chương.- Yêu mà chẳng biết. Trong “Thơ Say” (1940),- Ta đợi Em từ ba mươi năm,- Tr. 11,- An Tiêm, Saigon, 1970.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng