Mấy năm lại đây, những sự việc và con người ở Pháo đài Láng mới xác định đúng với sự kiện lịch sử đã diễn ra cách đây hơn 50 năm. Trên Đài Truyền hình Việt Nam hiện lên một cụ già 80 tuổi nói giọng Huế đang trình bày về Pháo đài Láng nổ súng lệnh kháng chiến, và Đài giới thiệu, bình luận về ông Ưng Gia chỉ huy trưởng Pháo đài Láng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Theo dõi truyền hình, bà con quê hương vinh dự, tự hào về “mệ Gia” thuộc dòng dõi hoàng tộc, người con của Huế đã chỉ huy Pháo đài Láng thực hiện nhiệm vụ lịch sử trọng đại của đất nước.
Ông Nguyễn Ưng Gia, sinh năm 1912 tại Huế là cháu nội của Miên Trinh – Tuy Lý Vương (con thứ 11 của vua Minh Mạng) nhà thơ lớn Việt Nam cuối thế kỷ 19, là con trai của Hường Thiết từng làm quan to thời vua Thành Thái và vua Khải Định. Sau khi học xong Tiểu học và Trung học ở Huế, ông đi lính Khố đỏ thuộc đội pháo thủ. Năm 1940, ông giữ chức Đội Khố đỏ, chỉ huy Pháo đài Láng dưới quyền của quan hai Pháp Đét-xru-mô. Ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Năm và trở thành con rể của làng Láng. Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, chúng đánh vào Pháo đài Láng, ông xé hàng rào chạy về nhà vợ. Sau đó, Nhật mộ lái xe, ông vào làm lái xe đại đội vận tải pháo.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 ít ngày, ông vào Sài Gòn làm ăn. Ông tìm đến thăm bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một trong những người tham gia lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn. Mẹ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – bà Chân Tín là con gái cụ Hường Thiết, chị ruột của ông Ưng Gia. Bác sĩ Thạch bàn với cậu ruột Ưng Gia là nên tham gia vào hàng ngũ cách mạng và đã giới thiệu ông với đồng chí Phạm Văn Đồng ở Hà Nội, yêu cầu bố trí công tác. Ra Hà Nội, ông Ưng Gia được vào làm lái xe và bảo vệ ở Bộ Tài Chính do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Bộ trưởng. Bộ Quốc phòng biết ông Gia có thời gian chỉ huy Pháo đài Láng dưới chế độ cũ đã quyết định điều ông vào quân đội cách mạng làm trung đội trưởng Pháo đài Láng.
Pháo đài Láng có 44 đội viên, chia làm 3 Khẩu đội do Nguyễn Ưng Gia làm trung đội trưởng, Nguyễn Văn Khoát làm chính trị viên Trung đội. Bốn khẩu pháo thời kỳ Pháp thuộc đã bị mất nhiều bộ phận nhưng được sửa chữa lắp ráp thành 2 khẩu hoàn chỉnh. Pháo thủ đa số là bộ binh và thanh niên mới nhập ngũ chưa biết đến pháo được Nguyễn Ưng Gia tổ chức huấn luyện nên đã nhanh chóng thực hiện được các thao tác chính xác theo lệnh chỉ huy. Pháo đài Láng được giao nhiệm vụ nổ súng lệnh mở đầu kháng chiến toàn quốc, Trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia đã chỉ huy Pháo đài Láng dội những loạt đại bác đầu tiên vào dinh lũy thực dân Pháp ở Hà Nội đêm 19-12-1946 lịch sử. Ông Ưng Gia xứng đáng là chiến sĩ thuộc lớp đầu tiên binh chủng pháo binh của Quân đội nhân dân Việt
.
Cụ Ưng Gia sinh trưởng trong một gia đình hoàng tộc, quan lại nhưng sau Cách mạng tháng Tám cùng với anh em trong gia đình đã đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc và Hồ Chủ tịch. Cụ Ưng Uý, Thượng thư Bộ Lễ thời Bảo Đại đã tham gia kháng chiến năm 1948 theo bức thư ngắn của Bác Hồ: “Kính gửi cụ Ưng Uý tại Huế Trước hết tôi xin gửi lời thăm sức khoẻ của Cụ và quý quyến, xin chúc cụ được nhiều sức khoẻ. Sau đây mời Cụ tham gia kháng chiến để chúng ta tiếp tục sự nghiệp bỏ dở của các vị tiền bối Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, là để đánh đuổi thực dân Pháp để giành độc lập cho dân tộc, cho Tổ quốc. Việt Bắc ngày 25-1-1948 HỒ CHÍ MINH" *
Cụ Ưng Bình Thúc Giạ, anh ruột cụ Gia là Thượng thư về hưu, là nhà thơ yêu nước giữa thành phố tạm chiếm. Cụ Ưng Trí, em ruột cụ Gia, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính thành phố Huế những ngày đầu chống Pháp, là thương binh cụt một tay. Thời chống Mỹ, năm 1964 đã gần 50 tuổi, Cụ vào chiến trường khó khăn, gian khổ, làm Phó trưởng ban Tuyên huấn Thành uỷ Huế. Cụ Ưng Tôn, anh ruột cụ Ưng Gia có 6 người con (4 trai, 2 gái) đều tham gia cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến cho đến tuổi về hưu, trong có sĩ quan quân đội, đảng viên Cộng sản.
Nguyễn Ưng Gia – người con của Huế, đóng góp cho Tổ quốc giờ phút trọng đại, làm vẻ vang cho quê hương. Đóng góp của anh em trong gia đình là rất đáng trân trọng, góp phần tiếp nối sự nghiệp các vị vua yêu nước như Bác Hồ mong muốn, đồng thời và truyền lại cho con cháu những giá trị truyền thống yêu nước, văn hoá của dòng tộc. N.K
(nguồn: TCSH số 238 - 12 - 2008)
----------- * Bác Hồ trong lòng dân Huế - Thành uỷ Huế 1990 tr.129
|