Người Huế
Từ Nguyễn Vịnh đến Nguyễn Chí Thanh
09:37 | 31/12/2013

DƯƠNG PHƯỚC THU

Đồng chí Nguyễn Vịnh sinh ngày 1 tháng 1 năm 1914, theo can chi là ngày mồng 6 tháng Chạp năm Quý Sửu, trong một gia đình trung nông ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ Nguyễn Vịnh đến Nguyễn Chí Thanh
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh (bên phải) và Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Niêm Phò là một ngôi làng cổ của xứ Thuận Hóa được thành lập khá sớm vào năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông vào Nam xếp đặt hành chính. Cuộc đất này xưa kia thuộc tổng Phước Yên, nơi từng được chúa Nguyễn Phúc Nguyên chọn đóng thủ phủ xứ Đàng Trong. Niêm Phò có tên nôm là Kẻ Lừ, người dân nơi đây cần cù chịu khó, chí thú học hành và nổi tiếng với nghề dệt vải thô cùng những mẹo đánh bắt tôm cá dọc sông Bồ. Cứ theo nhân vật chí mà thống kê thì Niêm Phò có rất nhiều người đỗ đạt theo đường khoa cử, con dân của làng nhiều người làm quan đến bậc Thượng thư. Làng Niêm Phò cũng là quê hương của Tham tri Trần Thúc Nhẫn, người quyết tâm chống Pháp tới cùng vào năm 1883, khi biết mình không cầm cự nổi với quân thù ở đồn Trấn Hải cửa biển Thuận An, ông gieo mình xuống sông Hương tuẫn tiết giữ trọn lòng thành với nước non.

Thân phụ của Nguyễn Vịnh là cụ Nguyễn Hán, người rành chữ nghĩa Thánh hiền và lễ nghi truyền thống, cụ mê thi phú và có chân trong hội Tư Văn của làng, lại từng nhiều năm giữ chức Hương bộ Niêm Phò nên người ta thường gọi là ông Bộ Hán. Tuy là gia đình trung nông nhưng vì quá đông con nên cũng không giàu có gì, mọi cố gắng chỉ tạm đủ lo cho năm người con trai có cái ăn cái mặc để theo thầy học chữ. Và nhờ tiện tặn chắt bóp nhiều năm nên gia đình cũng đã dựng được ngôi nhà rường lợp tranh làm nơi thờ tự và tậu mấy sào ruộng hương hỏa để lo việc giỗ chạp tổ tiên; những thửa ruộng ấy mãi đến cuối năm 1975 mới không cày cấy nữa.

Gia đình Nguyễn Vịnh có tất thảy 10 anh chị em: 5 gái 5 trai. Ba người chị đã mất. Hai người em gái hiện còn sống; một trong hai người ấy là bà Nguyễn Thị Hát, tham gia cách mạng ở địa phương được công nhận là cán bộ cách mạng lão thành. Và 5 anh em trai: Người anh cả là Nguyễn Hào, thứ nhì Nguyễn Du, thứ ba Nguyễn Câu, thứ tư Nguyễn Vịnh, sau cùng là Nguyễn Dĩnh. Huynh trưởng Nguyễn Hào một đời lo phận hương khói tổ tiên. Nhị huynh Nguyễn Du say mê chữ nghĩa làm trợ giáo trường làng. Tam huynh Nguyễn Câu tháng ngày cày cấy ruộng nương, tính tình cương trực bị giặc Pháp bắn chết từ năm 1947. Nguyễn Vịnh và Nguyễn Dĩnh sớm giác ngộ cách mạng tham gia kháng chiến cứu nước. Nguyễn Dĩnh (bí danh là Nguyễn Chí Dân) nhiều năm hoạt động cùng Nguyễn Vịnh, Nguyễn Húng, sau thêm Nguyễn Duệ,… đều là anh em chú bác ruột kế tiếp nhau trưởng thành lên từ chi bộ Niêm Phò. Tháng 5 năm 1945, Nguyễn Dĩnh là Thường vụ Việt Minh tỉnh Thừa Thiên, phụ trách công tác tổ chức. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Dĩnh được Trung ương cử vào làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận. Do nhiều năm bị địch bắt giam cầm, sức khỏe giảm sút, đồng chí đã lâm bệnh mất năm 1947.

Còn Nguyễn Húng, người phải gọi Nguyễn Vịnh bằng anh con bác ruột; tuy vai em nhưng lại có cùng ngày, tháng, năm sinh với Nguyễn Vịnh. Nguyễn Húng là một trong sáu đảng viên đầu tiên của chi bộ Niêm Phò. Tháng 7 năm 1951, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, nhiều năm làm Đại sứ Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trung Quốc, rồi Phó Bí thư Khu ủy Trị Thiên, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ông làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên. Kế Nguyễn Húng là đại tá, tiến sĩ Triết học Nguyễn Duệ, người có nhiều năm làm bí thư riêng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Nếu kể ra hết thì gia đình này còn rất nhiều người tài danh yêu nước nổi tiếng khác nữa. Ngẫm lại thấy rằng, dưới phúc ấm của một nóc nhà thờ mà đã có nhiều người con làm nên sự nghiệp rạng danh tổ tông như thế cũng là may mắn cho đất nước này nhiều lắm!

Về Nguyễn Vịnh và làng Niêm Phò.

Những năm 1930 về trước, cả huyện Quảng Điền chỉ có ba trường tiểu học: Trường Hạ Lang, trường Khuôn Phò và trường Niêm Phò. Hạ Lang là trường huyện có đủ 5 lớp bậc tiểu học, Khuôn Phò là trường tổng, Niêm Phò là trường làng thành lập sau cùng. Nguyên trước trường Niêm Phò chỉ dạy đến lớp ba, nhưng do vị trí của ngôi làng vốn có nhiều tướng sĩ, nghệ nhân phục dịch trong cung vua, lại thêm nhiều khoa cử và quan nho của triều đình nhà Nguyễn như cụ Nguyễn Văn Mại về trí sĩ, nên sau năm 1935, Bộ Học mới “đặc ân” cho Niêm Phò có thầy dạy thêm hai lớp nữa đến hết tiểu học. Trước những năm 1930, để theo hết cấp thi lấy bằng Primaire, mấy anh em Nguyễn Vịnh phải cuốc bộ lên trường huyện cách nhà gần sáu cây số.

Nguyễn Vịnh là một học sinh chăm chỉ, học hành nghiêm túc, trí tuệ mẫn tiệp, tiếp thu bài vở rất nhanh. Theo nhiều bậc danh nho cao niên cùng làng thì Nguyễn Vịnh rất sáng dạ, nghe lời thầy giảng một lần là nhớ ngay, nên thường tóm tắt vấn đề mau lẹ, lập luận chắc chắn.

Theo hết tiểu học, Nguyễn Vịnh ở nhà làm việc đồng áng phụ giúp gia đình. Ngoài thời gian cày cấy, Nguyễn Vịnh vẫn tranh thủ học thêm, đặc biệt là môn tiếng Pháp.

Sau những biến động của phong trào yêu nước được khơi dậy từ việc đòi thả cụ Phan Bội Châu, tiếp đến phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã làm sôi động lòng yêu nước trong nhiều thanh niên ở vùng Quảng Điền. Tại Niêm Phò, Nguyễn Vịnh được đồng chí Nguyễn Đãi (sau này là cán bộ cách mạng lão thành), lúc ấy đã là một người hăng hái giúp đỡ phát động lòng yêu nước cho thanh niên trong nhiều năm dạy hè ở nông thôn. Từ những ngày tháng này Nguyễn Vịnh bắt đầu chịu ảnh hưởng tư tưởng của các phong trào yêu nước.

Qua sách vở báo chí, nhất là qua cuốn “Người Mẹ” của nhà văn Goóc - Ky mà Nguyễn Vịnh kiếm được rồi tự dịch qua tiếng Pháp cho nhóm bạn cùng xem, Nguyễn Vịnh luôn đặt ra vấn đề Tổ quốc và tự do để mọi người cùng suy nghĩ.

Năm mới 17 tuổi, Nguyễn Vịnh đã bộc lộ rõ tinh thần yêu nước, ý chí căm thù bọn thực dân, phong kiến; muốn tìm con đường đấu tranh, chống lại cường quyền ác bá. Nguyễn Vịnh đã tự nguyện tham gia nhiều cuộc đình công đòi chủ trả tiền cho người lao động. Để có cơ hội tiếp xúc với những người cùng chí hướng, Nguyễn Vịnh và một số thanh niên làng Niêm Phò rủ nhau lên đồn điền ở vùng Cổ Bi, Hiền Sĩ làm thuê, nói là kiếm sống nhưng cốt để dò la tình hình của các tổ chức cách mạng đang hoạt động nơi đây. Những ngày tháng làm công ở vùng Hiền Sĩ, Nguyễn Vịnh đã gặp nhiều thanh niên yêu nước mà về sau họ đều trở thành đảng viên Cộng sản - những đồng chí như Phạm Oanh, Hoàng Anh, Hoàng Tiến, Phạm Tế, Hoàng Thái… Đặc biệt là bác Phạm Oanh, người đã giác ngộ và kết nạp Nguyễn Vịnh vào Đảng.

Ở làng Niêm Phò có ông Nguyễn Văn Thích, con trai thứ hai của cụ Thượng Nguyễn Văn Mại. Gia đình cụ Thượng Mại nhiều đời theo Phật giáo, nhưng ông Thích lại cải qua đạo Thiên Chúa và sớm trở thành linh mục. Ông Thích có người em ruột là Nguyễn Hy Hiền, tức Lê Tâm, đậu kỹ sư cầu cống tại Pháp, người được Bác Hồ vận động về nước tham gia kháng chiến từ năm 1946 cùng với kỹ sư Trần Đại Nghĩa. Vào thời buổi thực dân Pháp cai trị Việt Nam, người Kitô hữu được nhiều ân huệ, nhưng ông Thích chỉ chăm chăm nghiền ngẫm thần học, lịch sử và sư phạm. Là người dạy Triết ở trường tư thục, thay vì gọi thầy Thích như bao vị thầy dạy học khác nhưng người ta vẫn thường gọi ông là cha Thích. Linh mục Nguyễn Văn Thích tinh thông Pháp văn, Latinh, Hán ngữ, lại say mê nghiên cứu, đồng thời làm chủ bút tờ báo Vì Chúa. Là linh mục Kitô giáo nhưng cha Thích hay quan tâm đến những thanh niên trong làng Niêm Phò có nhiệt huyết đối với quê hương đất nước; ông thường khuyến khích họ tự do theo những chí hướng riêng của mình, miễn là chí hướng ấy có lợi cho dân cho nước. Nhờ có mối quan hệ làng xóm mà vào năm 1935, theo sự giới thiệu của cha Thích, Nguyễn Vịnh bỏ việc ngoài Hiền Sĩ, vào Huế “làm bồi” ở trường tư thục Providence (Thiên Hựu). Cha Thích lúc ấy đang dạy Triết ở trường này, lại là chủ bút báo Vì Chúa, nên “tòa soạn” cũng đóng tại đây. Lúc ấy, Nguyễn Vịnh được cha Thích xếp cho một chân giúp việc ở tòa báo này. Nhờ thế Nguyễn Vịnh mới có nhiều cơ hội tiếp cận với các tài liệu của phương Tây, đặc biệt là báo chí của Pháp để mở mang kiến thức và học làm báo, vừa để kiếm sống vừa để tìm con đường hoạt động cách mạng.

Vào cuối năm 1935, trong một lần Nguyễn Vịnh về Niêm Phò. Qua tìm hiểu biết được tâm tư và hoàn cảnh của người bạn cùng làng là Trần Hiến, Nguyễn Vịnh đã kéo Trần Hiến lên Huế xin cho một chân làm bồi (với dự kiến sẽ thay chỗ của Nguyễn Vịnh) ở trường Thiên Hựu để kiếm sống và có cơ hội học nghề báo. Vì Trần Hiến cũng người Niêm Phò lại có chút chữ nghĩa nên cha Thích đồng ý giúp đỡ. Mục đích của Nguyễn Vịnh là tạo một vỏ bọc cơ sở ở báo Vì Chúa để tiếp cận được nhiều thông tin, mở mang kiến thức và tìm con đường hoạt động yêu nước. Về sau, Trần Hiến trở thành người cộng sản - một cán bộ tình báo cách mạng hoạt động trong lòng địch có nhiều chiến công xuất sắc.

Những năm ấy, qua ảnh hưởng vang dội của phong trào Đông Dương Đại Hội, với tư cách là người làm báo nên có điều kiện đi lại, Nguyễn Vịnh đã nhiều lần tìm đến nhà cụ Phan Bội Châu, tòa soạn báo Nhành Lúa để gặp các đồng chí Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu và những nhà cách mạng khác. Tại trụ sở báo Nhành Lúa, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã giải thích cho Nguyễn Vịnh nhiều điều về Mặt trận dân chủ Trung Kỳ, về nguy cơ chiến tranh phát xít, về tình cảnh của nhân dân Đông Dương dưới ách thực dân Pháp, về cách mạng dân chủ tư sản, về nước Nga Xô Viết và Quốc tế Cộng sản… Những lần tiếp xúc như vậy, Nguyễn Vịnh càng hiểu thêm về cách vận động quần chúng tham gia Mặt trận Dân chủ. Thế là từ đây, như cá gặp nước, Nguyễn Vịnh đã tìm được con đường chân chính để nguyện dấn thân suốt cuộc đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trước những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước đang có nhiều thuận lợi cho cách mạng, các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy và Tỉnh ủy chủ trương phải xây dựng được nhiều cơ sở Đảng, phát động phong trào quần chúng ở các huyện, phối hợp với nguyện vọng của các nhóm yêu nước và cảm tình Đảng ở Phong Điền, Quảng Điền, thành phố Huế được ở trong tổ chức Đảng.

Cuối năm 1936, đầu năm 1937, một số thanh niên cảm tình Đảng ở huyện Phong Điền và Quảng Điền được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương trong đó có Nguyễn Vịnh. Một trong hai người giới thiệu Nguyễn Vịnh vào Đảng là bác Phạm Oanh, người ở làng Hiền Sĩ, một đảng viên cao tuổi trung kiên từ những ngày đầu thành lập Đảng. Sau này, khi đã trở thành Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên, rồi Bí thư Liên khu Bốn, và mặc dù còn khó khăn thiếu thốn, đồng chí Nguyễn Vịnh vẫn đặc biệt quan tâm chăm sóc đến những người cán bộ cách mạng lão thành như bác Phạm Oanh.

Tháng 4 năm 1937, đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Ủy viên Trung ương Đảng thay mặt Xứ ủy Trung Kỳ, triệu tập các đồng chí cán bộ đảng viên chủ chốt trong tỉnh Thừa Thiên đến vườn hoa trước Bệnh viện Huế để bàn bạc công việc và củng cố lại Tỉnh ủy lâm thời. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phan Đăng Lưu, Lê Tự Nhiên, Tô Thuyên, Trần Công Xứng, Bùi San. Tại hội nghị này đồng chí Trần Công Xứng, Xứ ủy viên Trung Kỳ được cử làm Bí thư Tỉnh ủy.

Và chỉ 2 tháng sau đó, vào giữa năm 1937, tại Niêm Phò, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Quảng Điền được thành lập gồm có 6 đảng viên: Nguyễn Vịnh, Trần Bá Song, Nguyễn Húng, Nguyễn Dĩnh, Nguyễn Bật, Đặng Thược do đồng chí Trần Bá Song làm Bí thư.

Từ khi chi bộ ấy ra đời thì được gọi là chi bộ Niêm Phò vì đa số đảng viên là người làng Niêm Phò và lấy Niêm Phò làm nơi đóng trụ sở để liên lạc với Tỉnh ủy. Tuy là hình thức chi bộ nhưng lại mang tính chất một Huyện ủy lâm thời, địa bàn hoạt động không chỉ bó hẹp trong phạm vi một tổng mà lan tỏa rộng ra cả với Huế, Phong Điền, Hương Trà. Về sau chi bộ kết nạp thêm những quần chúng cảm tình trung kiên vào Đảng như đồng chí Lê Thành Hinh…

Để thống nhất phong trào cách mạng trong toàn tỉnh Thừa Thiên, cuối năm 1937, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Diểu và Phan Đăng Lưu, hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời họp trên một chiếc đò neo ở sông Hương phía sau khu hội chợ Huế. Đồng chí Nguyễn Vịnh và Nguyễn Húng, hai đảng viên của chi bộ Niêm Phò được triệu tập tham dự. Tại hội nghị này đồng chí Nguyễn Vịnh được cử vào Tỉnh ủy lâm thời.

Từ sau khi được cử vào Tỉnh ủy lâm thời thì đồng chí Nguyễn Vịnh không còn trực tiếp sinh hoạt với Chi bộ Niêm Phò nữa. Và chỉ một thời gian ngắn, đầu năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Tháng 9 năm 1938, chấp hành chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Thừa Thiên do Nguyễn Vịnh làm Bí thư đã lãnh đạo nhân dân, vận động dân biểu đấu tranh quyết liệt làm thất bại dự án tăng thuế của thực dân Pháp và Chính phủ Nam triều. Đó là một thắng lợi, một đóng góp to lớn của Đảng bộ Thừa Thiên trong cuộc tập dượt lần thứ 2 dẫn đến Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Bị thất bại về dự án tăng thuế, địch lùng bắt giam Nguyễn Vịnh và những cán bộ lãnh đạo phong trào. Đầu năm 1939, hết hạn tù, Nguyễn Vịnh trở về hăng hái hoạt động và lại được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Đồng chí cùng Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo các cuộc mít tinh, biểu tình, đấu tranh ngăn chặn làn sóng khủng bố của địch, chống bắt lính đưa sang châu Âu làm bia đỡ đạn cho thực dân Pháp.

Sau cuộc mít tinh được tổ chức vào ngày 13 tháng 7 năm 1939 tại Huế, nhiều đảng viên và quần chúng cảm tình bị giặc Pháp lùng bắt trong đó có Nguyễn Vịnh. Chúng giam đồng chí ở nhà lao Thừa Phủ. Tại đây, Nguyễn Vịnh đã tổ chức chi bộ Đảng nhà lao và được cử làm Bí thư (nhà thơ Tố Hữu làm Phó Bí thư). Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Chi bộ nhà lao Thừa Phủ tổ chức nhiều cuộc đấu tranh với bọn cai ngục để bảo vệ các đồng chí của mình khỏi bị cực hình tra tấn. Do đấu tranh quyết liệt với bọn cai ngục ở nhà lao ngay giữa lòng kinh đô Huế, thực dân Pháp quyết định tăng án những người “cộng sản cứng đầu” và đày lên nhà tù Lao Bảo chốn rừng thiêng nước độc.

Tháng 9 năm 1940, Nguyễn Vịnh cùng các đồng chí trung kiên của mình như Lê Thế Tiết, Hoàng Anh, Tố Hữu… bị còng tay đưa lên nhà đày Lao Bảo. Tại đây, Nguyễn Vịnh lại tổ chức chi bộ Đảng, lãnh đạo anh em đấu tranh bằng nhiều phương thức, nhất là cách tuyệt thực và cả tuyệt ẩm nữa. Chủ trương này của Chi bộ đưa ra được toàn thể anh em tù nhất trí hành động. Sau 14 ngày kiên quyết khước từ mọi thứ dụ dỗ, cuối cùng bọn cai ngục đành nhượng bộ, thôi đàn áp. Nhưng sau đó chúng lại chuyển Nguyễn Vịnh, Hoàng Anh, Tố Hữu… lên nhà đày Buôn Ma Thuột.

Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, Nguyễn Vịnh gặp các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Chu Văn Biên, Ngô Đức Đệ và nhiều đồng chí cách mạng lớp trước. Được nghe kể lại những tấm gương hy sinh anh dũng của các đồng chí Trung ương như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, đồng chí Nguyễn Vịnh rất đau lòng và càng lo lắng cho vận mệnh của Đảng lúc này. Cũng chính tại đây, Nguyễn Vịnh đã nắm được những chủ trương mới của Đảng.

Một ngày vào cuối năm 1941, thừa lúc bọn địch sắp thả số tù nhân mãn hạn, Nguyễn Vịnh cùng hai người nữa là Lê Tất Đắc và Phan Văn Dứa trong tổ đi lấy củi đã bí mật tổ chức vượt ngục Buôn Ma Thuột nhằm hướng mặt trời về xuôi.

Qua nhiều ngày cải trang bí mật di chuyển, tháng 2 năm 1942, Nguyễn Vịnh về đến Quảng Điền. Sau một thời gian tìm hiểu tình hình, nắm bắt yêu cầu của phong trào cách mạng trong tỉnh, thông qua chi bộ Niêm Phò, tháng 7 năm 1942, Nguyễn Vịnh quyết định triệu tập hội nghị cán bộ Đảng trong tỉnh về họp tại Vĩnh Tu trên phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền.

Cũng cần phải nói thêm rằng, những năm ấy, trong thời gian mất liên lạc với Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Vịnh bị địch bắt giam, nhưng các tổ chức Đảng ở Thừa Thiên vẫn bí mật hoạt động. Từ năm 1941, chi bộ Niêm Phò đã cùng cơ sở Đảng ở tổng Diêm Trường, huyện Phú Lộc, một vài lần bí mật tổ chức họp tại Niêm Phò để thống nhất hành động. Chi bộ Niêm Phò cũng đã liên lạc được với tổ chức Đảng ở huyện Phong Điền. Chính vì thế, khi vượt ngục trở về Quảng Điền, đồng chí Nguyễn Vịnh, với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời trước đó, dựa vào chi bộ Niêm Phò để triệu tập hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh.

Với kinh nghiệm từ hội nghị lần trước được tổ chức vào cuối năm 1937 do Nguyễn Chí Diểu và Phan Đăng Lưu chủ trì họp trên một con đò ở sông Hương, hội nghị lần này được tổ chức tại ngôi nhà chồ giữa một vùng sông nước dày đặc nò sáo của gia đình ông Lê Biên, ông này gốc làng Thạch Bình, lấy bà Đặng Thị Muôn, chị ruột của đồng chí Đặng Thược (đảng viên chi bộ Niêm Phò từ lúc mới thành lập) nên về ở làng Mai Dương, chuyên làm nghề nò sáo; làng Mai Dương nay thuộc xã Quảng Phước cũng khá gần Vĩnh Tu. Khi nắm rõ tình hình, Nguyễn Vịnh dựa vào chi bộ Niêm Phò và cơ sở Đảng ở Mai Dương để có người giúp đỡ mọi thứ, lo bảo vệ an toàn cho cuộc họp Tỉnh ủy. Nhà chồ của ông Lê Biên dựng trên mặt đầm Vĩnh Tu, là chỗ để ở lại mỗi khi ra đánh bắt cá và trông nò sáo. Vùng phá Tam Giang có nhiều đầm, nhưng đầm này gần với Vĩnh Tu nên gọi là Vĩnh Tu. Đầm Vĩnh Tu không quá xa chợ, không xa bến đò nhưng lại rất thuận lợi cho việc rút lui khi có động. Hội nghị diễn ra trên nhà chồ, phía dưới chân nhà chồ neo một con đò nhỏ có hai đồng chí ngồi họp cải trang làm người câu cá để quan sát tình hình.

Tại hội nghị đầm Vĩnh Tu, đồng chí Nguyễn Vịnh đã phân tích tình hình chung, phổ biến tinh thần các nghị quyết 6 và 8 của Trung ương mà đồng chí tiếp thu được trong thời gian ở nhà lao Buôn Ma Thuột, trong đó có chủ trương mới của Trung ương về việc thành lập Mặt trận Việt Minh. Đồng chí trình bày những vấn đề cơ bản về 10 chính sách lớn của Việt Minh. Hội nghị đã thảo luận tình hình và ra nghị quyết về những nhiệm vụ trước mắt của các tổ chức Đảng. Trước hết cần tận dụng những điều kiện hợp pháp để tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ bộ mặt thật của thực dân Pháp và phát xít Nhật đằng sau những chiêu bài mỵ dân xảo trá và bịp bợm, tổ chức và lãnh đạo nhân dân đòi quyền lợi sinh sống hàng ngày, thông qua đấu tranh để tập hợp, giáo dục quần chúng và rèn luyện đảng viên.

Về công tác tổ chức, đồng chí yêu cầu phải nắm số đảng viên còn lại để củng cố cơ sở Đảng, tăng cường phát triển đảng viên mới ở các huyện và thành phố Huế, chuẩn bị nội dung để mở lớp huấn luyện ngắn ngày cho đảng viên, tổ chức đội tự vệ bí mật để bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ.

Sau hội nghị Vĩnh Tu, Đảng bộ tỉnh cho xuất bản tờ báo Vì Nước làm cơ quan ngôn luận. Thông qua báo Vì Nước, tuyên truyền chương trình điều lệ, chính sách của Việt Minh, xúc tiến nhanh việc thành lập Mặt trận Việt Minh các cấp, chấn chỉnh Hội Nông dân, thu hút thêm nhiều hội viên mới, củng cố Đoàn Thanh niên phản đế đổi thành “Thanh niên cứu quốc hội”. Hội nghị đã phân công các đồng chí đảng viên có năng lực tham gia vào các tổ chức xã hội như “Hội Truyền bá quốc ngữ”, “Thành niên Phật tử”… để giáo dục vận động quần chúng hưởng ứng đường lối của Mặt trận Việt Minh. Đồng chí Nguyễn Vịnh trực tiếp viết mấy bài giảng về tình hình, nhiệm vụ của Mặt trận Việt Minh in trên báo Vì Nước làm tài liệu học tập. Báo Vì Nước in lytô tại cơ sở ấn loát bí mật đóng ở nhà đồng chí Lê Tự Thanh (tổng Diêm Trường, Phú Lộc) và phát hành đến giữa năm 1944 mới ngừng.

Hội nghị Vĩnh Tu đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời gồm 5 đồng chí: Nguyễn Vịnh, Lê Hải, Lê Minh, Trần Bá Song, Hoàng Tiến, do đồng chí Nguyễn Vịnh làm Bí thư.

Đồng chí Nguyễn Vịnh và Trần Bá Song người làng Niêm Phò là anh em cô cậu ruột.
Đồng chí Lê Hải và Lê Minh người làng Nghi Giang là anh em ruột.
Đồng chí Hoàng Tiến quê ở làng Hiền Sĩ, huyện Phong Điền.

Trong hoàn cảnh mất liên lạc với Trung ương, các nhóm Cộng sản ở Thừa Thiên đang lúng túng trước sự biến đổi của tình hình từng ngày, hội nghị đầm Vĩnh Tu đã tập hợp lực lượng, hình thành trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh và nhất là hiểu rõ, cụ thể hóa được đường lối của Trung ương Đảng vận dụng vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Thừa Thiên, giải quyết những vấn đề bức thiết đang đặt ra. Đây là một hội nghị rất quan trọng, nổi bật vai trò của đồng chí Nguyễn Vịnh, một nhà lãnh đạo chính trị thông minh giàu bản lĩnh của Đảng.

Sau hội nghị Vĩnh Tu, các cơ sở của Đảng ở Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, thành phố Huế được củng cố, đặc biệt là ở vùng khu Ba huyện Phú Lộc. Tỉnh ủy lâm thời quyết định chuyển địa bàn đứng chân về huyện Phú Lộc, mà cụ thể là về làng Nghi Giang, đóng tại nhà đồng chí Lê Minh.

Để bám sát cơ sở chỉ đạo phong trào, đồng chí Nguyễn Vịnh thường xuyên đi lại giữa vùng Quảng Điền và Phú Lộc. Cả hai vùng này đồng chí đều chọn những cơ sở ở gần đầm phá để bảo đảm được bí mật và an toàn. Giữa một vùng sông nước mênh mông của đầm Cầu Hai, tại cồn Râu Câu, Tỉnh ủy đặt một cơ sở huấn luyện đảng viên. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Vịnh trực tiếp chỉ đạo xây dựng phong trào, mở các lớp huấn luyện cho cán bộ đảng viên trong tỉnh…

Một ngày giữa tháng 7 năm 1943, trên đường công tác qua làng Bàn Môn - làng này là nơi có chi bộ Đảng thành lập khá sớm, nơi phong trào cách mạng phát triển mạnh, quê hương của những người cộng sản như Lê Bá Dị, Lê Trọng Ngạt, Nguyễn Sơn; cũng là nơi thường xuyên bị mật thám Pháp rình rập, theo dõi mọi hoạt động cộng sản; bọn địch tình cờ đã bắt được Nguyễn Vịnh. Biết ông là một chiến sĩ cộng sản kiên cường vượt ngục ra hoạt động trở lại, chúng dùng cực hình tra tấn ông để moi bí mật của Đảng. Không khai thác được gì ở Nguyễn Vịnh, bọn chúng đành đưa ông trở lại nhà đày Buôn Ma Thuột, nơi mà vào cuối năm 1941 đồng chí đã vượt ngục... Tỉnh ủy vừa củng cố đã bị tổn thất. Phong trào cách mạng Thừa Thiên lại phải đương đầu với những khó khăn mới…

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy lâm thời khẩn trương tổ chức họp bàn về kế hoạch hành động, đẩy mạnh phong trào cách mạng, bầu bổ sung Ban Chấp hành, đồng chí Nguyễn Sơn, người làng Bàn Môn, được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Đến giữa năm 1944, trước những chuyển biến mới của tình hình, Tỉnh ủy Thừa Thiên triệu tập hội nghị cán bộ mở rộng tại Ngã Ba Sình (ngã ba hợp lưu của sông Hương và sông Bồ). Sau hội nghị này nhiều cơ sở Đảng trong tỉnh mới được củng cố lại. Huyện ủy Phú Lộc chủ động xây dựng phát triển đội tự vệ Diêm Trường. Thành ủy Huế khôi phục lại cơ sở Đảng ở trường Kỹ nghệ thực hành, nhà máy điện… chuẩn bị kế hoạch hành động khi thời cơ đến.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật bất ngờ làm cuộc đảo chính hất cẳng thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Để xoa dịu tình hình và dùng chính sách mị dân, theo lệnh quan thầy mới do Nội các Trần Trọng Kim đề xuất, vua Bảo Đại ký một đạo dụ về việc đại xá chính trị phạm. Tuy nhiên đạo dụ này hoàn toàn không thể thực thi được, bởi Chính phủ Nam triều vốn không có thực quyền. Hơn nữa, từ sau ngày Nhật đảo chính, các nhà giam ở Đông Dương đã bị họ thò tay vào. Dù vậy nó vẫn có một tác động nhỏ tới các hình thức giam cầm. Tranh thủ sự lỏng lẻo ấy, những người cộng sản tự tổ chức vượt ngục. Từ Buôn Ma Thuột, Nguyễn Vịnh cùng các đồng chí của mình nhanh chóng thoát khỏi nhà giam, theo sự phân công của Đảng, đồng chí bí mật về hoạt động ở vùng Nam Trung Kỳ. Tại đây, đồng chí bắt liên lạc với cơ sở cách mạng của Xứ ủy lâm thời. Rồi từ Nam Trung Kỳ, Nguyễn Vịnh bí mật ra Quảng Ngãi.

Nắm bắt được tình hình trong nước có nhiều chuyển biến, ngày 10 tháng 3 năm 1945, tổ chức Đảng ở Quảng Ngãi đã phát động đồng bào châu miền núi Ba Tơ nổi dậy và lập ra Ủy ban khởi nghĩa để vạch kế hoạch hành động, lãnh đạo quần chúng giành chính quyền. Chiều ngày 11 tháng 3 năm 1945, một cuộc biểu tình lớn tại sân vận động địa phương, rồi biến thành một cuộc biểu tình thị uy kéo đến vây đồn Ba Tơ. Trước khí thế của cuộc biểu tình, bọn chỉ huy đồn bỏ chạy, binh lính trong đồn ra đầu hàng. Ngày 12, Ban chỉ huy khởi nghĩa tổ chức một cuộc mít tinh quần chúng và tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng nhân dân. Ngày 14, Đội du kích Ba Tơ chính thức được thành lập gồm 28 chiến sĩ. Đây là đội vũ trang thoát ly đầu tiên do Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức và chỉ huy ở miền Trung Trung Kỳ.

Cuối tháng 3 năm 1945, Tỉnh ủy Thừa Thiên nhận được thư của Ủy ban khởi nghĩa Ba Tơ gửi ra cho biết: “Ba Tơ đã khởi nghĩa, đã thành lập được khu căn cứ cách mạng và dự định sẽ triệu tập hội nghị liên tịch Thừa Thiên - Quảng Nam - Quảng Ngãi để bàn kế hoạch mở rộng căn cứ cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, tiến tới triệu tập hội nghị toàn xứ Trung Kỳ để thống nhất hành động”. Sau ngày phát xít Nhật đảo chính, tình hình ở Kinh đô Huế vô cùng rối ren và phức tạp. Quân Pháp bị hất cẳng, tuy đã co gọn lại nhưng vẫn còn đó, đám quân Nam triều vẫn là lực lượng vũ trang đủ sức đàn áp phong trào cách mạng, các đảng phái chính trị thân Nhật thi nhau mọc lên như nấm. Để đảm bảo bí mật và an toàn, lúc này Xứ ủy lâm thời dưới danh nghĩa là Ủy ban liên tỉnh tạm đóng tại Quảng Ngãi dựa vào “vùng chiến khu” Ba Tơ để chỉ đạo phong trào.

Cũng trong thời gian này, Thường vụ Việt Minh tỉnh Thừa Thiên cử đồng chí Nguyễn Dĩnh và Nguyễn Kèn ra Hà Nội xin chỉ thị của Trung ương, cử đồng chí Trần Thanh Từ đi Quảng Ngãi báo cáo với Ủy ban liên tỉnh để trao đổi ý kiến phối hợp hành động. Đồng chí Nguyễn Vịnh đã hoạt động tại đây gần hai tháng cho đến khi có chỉ thị của Trung ương triệu tập ra dự hội nghị ở Tân Trào.

Giữa tháng 7 năm 1945, từ Quảng Ngãi đồng chí Nguyễn Vịnh về đến Huế. Đầu tháng 8 năm 1945, từ Huế, Nguyễn Vịnh và Trần Quý Hai, đại diện cho Xứ ủy Trung Kỳ lên đường ra dự hội nghị họp ở xã Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Người phái viên của Trung ương vào triệu tập và cùng đi ra Bắc với Nguyễn Vịnh không ai khác chính là đồng chí Nguyễn Kim Thành, tức nhà thơ Tố Hữu. Ở hội nghị này, lần đầu tiên Nguyễn Vịnh được gặp Bác Hồ.

Tại Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Tân Trào, từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1945, đồng chí Nguyễn Vịnh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công về làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Võ Nguyên Giáp được bầu vào Trung ương, sau đó là Bộ Chính trị. Ngày 16, Đại hội Quốc dân được triệu tập cũng họp ở Tân Trào. Đại hội đã quán triệt đường lối của Hội nghị cán bộ Đảng toàn quốc vừa họp là tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh nhảy vào Đông Dương. Đại hội tán thành chủ trương phát động tổng khởi nghĩa và thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh… Đồng chí Nguyễn Vịnh tham dự cả hai hội nghị quan trọng này.

Sau Cách mạng tháng Tám, Xứ ủy Trung Kỳ chính thức được thành lập và đóng tại Huế, tên công khai bấy giờ là Việt Minh Trung Bộ, do Nguyễn Vịnh làm Chủ nhiệm. Năm ấy đồng chí tròn 31 tuổi.

Trong một hồi ức của đồng chí Lê Đức Thọ, có đoạn kể rằng: “Hồi đó, để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, Bác Hồ bảo phải kiện toàn Trung ương Đảng. Trung ương Đảng lúc đó số lượng vừa ít, lại nhiều người miền Bắc, Bác chỉ thị phải bổ sung thêm các đồng chí Trung Bộ, Nam Bộ nữa. Anh Cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng), anh Hoàng Quốc Việt và mấy anh nữa phát hiện bốn người để lựa chọn: miền Trung hai người, là anh Nguyễn Vịnh và anh Lê Viết Lượng; miền Nam hai người, là anh Hà Huy Giáp và anh Ung Văn Khiêm. Anh Nguyễn Vịnh được tín nhiệm cao và được bổ sung làm Ủy viên Trung ương chính thức luôn”.

Một ngày trước khi diễn ra hội nghị, trong buổi chuyện trò thân tình, vừa trao đổi công việc, vừa nhắc lại những kỷ niệm xưa hồi gia đình Bác Hồ còn ở Huế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét về Nguyễn Vịnh: “Bác biết chú là người chí lớn, trong lao tù vẫn hoạt động có hiệu quả, tin tưởng cách mạng thành công. Nay thời cơ ấy đã đến, chí sắp thành. Bác đặt cho chú tên là Nguyễn Chí Thành”. Nguyễn Vịnh đứng lên từ tốn nói: “Thưa Bác, tên Bác đặt cho cháu hay lắm. Nhưng trong Tỉnh ủy Thừa Thiên có một đồng chí cũng tên Thành. Xin phép Bác cho cháu cất đi dấu huyền và đổi lại là Nguyễn Chí Thanh”. Bác Hồ đồng ý và cười rất tươi. Từ đây Nguyễn Vịnh có tên mới là Nguyễn Chí Thanh. Một cái tên mang đầy ý nghĩa, hàm chứa sự tin tưởng và quyết tâm cách mạng đến cùng; một cái tên thân thiết đối với nhiều đồng chí, đồng bào cả nước. Người mang tên ấy là một học trò xuất sắc của Bác Hồ, một nhà cách mạng vô sản triệt để, nhà chính trị quân sự tài ba, nhà kinh tế nông nghiệp giàu thực tiễn, vị tướng của lòng dân - người con kiệt xuất của quê hương Thừa Thiên Huế và cách mạng Việt Nam - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh!

D.P.T
(SDB11/12-13)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng