Người Huế
“Anh Tố Hữu”
09:19 | 13/03/2009
NGUYỄN ĐẮC XUÂNTố Hữu không những là một nhà thơ mà còn là một lãnh tụ chính trị được cán bộ và chiến sĩ rất trọng vọng. Nhiều lúc tôi có cảm giác trong tình cảm cán bộ: sau Bác Hồ là đến “Anh Tố Hữu”. Nghe thơ không những người ta tìm cái hay của thơ mà còn tìm ý kiến chỉ đạo cách mạng của ông Tố Hữu trong thơ nữa.
“Anh Tố Hữu”

Tôi là một cậu bé quê nghèo lên tỉnh học, lại thích thơ, và là một trong những sinh viên đầu tiên tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước ở các đô thị miền . Không nhớ từ năm nào trong cuốn sổ chép thơ mới của tôi đã có khá nhiều thơ Tố Hữu bên cạnh thơ Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính... Thơ Tố Hữu, tôi thích nhất hai bài Từ ấyĐi đi em. Lúc đầu thích thơ, sau đó tôi làm thơ. Việc làm thơ của tôi có một ảnh hưởng không tốt đối với việc học của tôi. Có một lần thầy giám thị Đặng Văn Kế xem sổ điểm rồi hỏi tôi: “Ngày xưa Tố Hữu (1) mới học năm ba năm tư(2) vừa đi dạy kèm kiếm sống vừa làm thơ rất nổi tiếng mà học vẫn giỏi nữa, liệu cậu có được như thế không.” Thầy Kế đưa ra cái mẫu Tố Hữu có nghĩa là tôi không được như thế. Tôi trả lời ú ớ sao đó (không nhớ) thì thầy Kế xấn tới xách tai tôi và dạy rằng: “Nhà nghèo lo học để nuôi thân chớ đừng thơ thơ thẩn thẩn mà thi rớt nghe không con!” Bị xách tai đau lắm nhưng tôi không giận thầy Kế. Tự nhiên trong tôi hiện lên một sự liên hệ thú vị: tôi có những điểm giống ông Tố Hữu: cùng nhà nghèo, cùng đi làm précepteur (dạy kèm), cùng làm thơ. Tôi không được như ông Tố Hữu là sức học của tôi bình thường và thơ tôi chưa nổi tiếng gì cả. Tuy nhiên tôi “cùng một trường phái” với ông Tố Hữu. Trong tôi có một chút thơ tình của Xuân Diệu, một chút triết lý về thân phận làm người của Huy Cận và một chút phản kháng đấu tranh của Tố Hữu.

Hằng năm, mỗi lần trường Quốc Học tổ chức kỷ niệm ngày thành lập trường (lúc đó còn lấy ngày 26.12) là một dịp nhắc đến các học sinh cũ của trường, những tên tuổi được nhắc lại một cách thận trọng và quý trọng là Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Đào Duy Anh, Xuân Diệu, Huy Cận.v.v. Cái lần tên tuổi các học sinh cũ được nhắc đến một cách ấn tượng lại diễn ra vào đêm nghe Tổng thống Ngô Đình Diệm nói chuyện với học sinh trong lễ kỷ niệm Đệ lục thập chu niên trường Quốc Học (1896-1956). Ông Diệm hiểu dụ học sinh Quốc Học đại ý rằng:
- “Nhân tài của Việt như... đã theo ông Hồ Chí Minh ra ngoài Bắc hết rồi. Nước Việt Nam Cộng Hoà chỉ còn kỳ vọng vào các thế hệ học sinh Quốc Học đây thôi! Các em phải...”

Lúc đó tôi chưa hiểu miền Bắc ra làm sao cả, nhưng vốn có nhiều cảm tình với những nhân tài đã tập kết ra Bắc nên trong ý nghĩ tôi đứng về phía những người ấy chứ không nhận sự tin tưởng của ông Diệm. Năm 1963, tôi tham gia phong trào đấu tranh Phật giáo (1963) chống Ngô Đình Diệm là một biểu hiện phát triển ý nghĩ không chấp nhận ông Diệm từ năm 1956. Trong những năm tranh đấu tiếp theo (1963-1966), tôi nghe ông Tố Hữu - nhà thơ cựu học sinh Quốc Học, có một vai trò chính trị rất quan trọng ngoài miền Bắc nhưng không biết ông làm gì và quan trọng đến mức nào. Đến hồi tôi thoát ly lên rừng (1966), đêm đêm cùng với cán bộ thức khuya để nghe chương trình Tiếng thơ - những chương trình Tiếng thơ hào hứng nhất là chương trình có nghệ sĩ Châu Loan ngâm thơ Tố Hữu. Tố Hữu không những là một nhà thơ mà còn là một lãnh tụ chính trị được cán bộ và chiến sĩ rất trọng vọng. Nhiều lúc tôi có cảm giác trong tình cảm cán bộ: sau Bác Hồ là đến “Anh Tố Hữu”. Nghe thơ không những người ta tìm cái hay của thơ mà còn tìm ý kiến chỉ đạo cách mạng của ông Tố Hữu trong thơ nữa. Nói đến thơ thì gọi ông là Tố Hữu, nhưng nói đến lĩnh vực lãnh đạo tư tưởng thì gọi là “Anh Lành”. Đối với tôi, lúc ấy cũng như bây giờ, tôi chưa bao giờ gọi “Anh Lành” cả mà chỉ có Tố Hữu thôi. Người Thừa Thiên Huế chung quanh tôi rất tự hào Thừa Thiên Huế có Tố Hữu. Riêng tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường (cùng ở cơ quan Tuyên huấn Thành ủy lúc ấy) còn có niềm vui riêng là cùng làm thơ và cùng là cựu học sinh Quốc Học với ông Tố Hữu. Tuy nhiên tôi vẫn thủ phận mình (lúc đó) là một quần chúng, một tiểu tư sản, nên thấy khoảng cách giữa ông Tố Hữu - Ủy viên Bộ Chính trị và tôi quá cách xa. Tôi tránh nói đến ông Tố Hữu vì sợ thói đời hiểu nhầm “thấy sang bắt quàng làm họ”. Cho đến lúc đó tôi chưa bao giờ có ý nghĩ là sẽ có một ngày nào đó tôi có thể gặp được “Anh Tố Hữu”. Đến năm 1971, 1972 tôi được về công tác vùng hậu địch ở Nước Ngọt (xã Tân Lộc, huyện Phú Lộc). “Mật khu” của tôi đóng trong một cái hang đá bên cạnh một con suối nhỏ trên triền núi Rẫm. Từ chỗ tôi công tác lên hậu cứ Thành ủy phải vượt qua Quốc Lộ 1A, lên dãy núi Răng cưa (ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế) rồi đi thêm ba bốn ngày đường nữa mới đến. Đường đi hết sức nguy hiểm. Ban đêm tổ chức vượt qua đường Quốc Lộ giống như tổ chức một trận đánh. Nhiều đồng chí hy sinh không phải vì đánh nhau mà chính vì qua đường Quốc Lộ. Bỗng một đêm có một tổ giao liên từ trên Thành ủy về vượt qua đường Quốc Lộ để gặp tôi. Tôi không hiểu có việc gì mà quan trọng đến như vậy. Tôi nghĩ dại: “Hay ở đây có ai báo cáo lên Thành ủy một chuyện mất cảnh giác gì đó có liên quan đến tôi nên trên cử một tổ giao liên về “áp tải” tôi lên xanh chăng? ” Gặp tổ giao liên ở làng Phước Hưng, tôi hết sức lo lắng. Không ngờ gặp họ tôi chưa kịp hỏi thì anh tổ trưởng giao liên tên là Học báo ngay: “Anh Tứ (3) có thư của thủ trưởng N.V và quà miền Bắc.” Từ thuở thoát ly (1966) cho đến năm ấy (1972) tôi chưa hề nhận được một lá thư nào của thủ trưởng N.V và quà miền Bắc của ai cả. Ai ở miền Bắc gởi quà cho tôi? Tôi vội bóc thư của anh N.V ra đọc. Tôi còn nhớ nội dung bức thư ngắn như sau: “Tôi vừa ra miền Bắc họp về. Anh Tố Hữu có gởi tặng đồng chí một tập thơ mới và yêu cầu tôi phải tổ chức đường dây đưa cho được tập thơ xuống đồng bằng cho đồng chí. Chúc đồng chí khoẻ mạnh, công tác tốt. N.V.” Trời đất ơi, ở miền Bắc làm sao ông Tố Hữu biết tôi và gởi thơ tặng tôi? Lại còn chỉ thị cho lãnh đạo Thành ủy Huế tổ chức đường dây đưa tập thơ xuống đồng bằng cho tôi nữa? Ôi cảm động, sung sướng làm sao! Tập thơ nhỏ bằng bàn tay mà tôi có cảm giác lớn lao ôm cả ôm không hết. Nhiều người trong cơ quan tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại được vinh dự đến thế. Đến năm 1974 tôi được đi dự Đại hội Sinh viên Quốc tế lần thứ 11 tại Hung-ga-ri. Sau đó về Hà Nội thì người ta phát hiện tôi bị đau gan nên tôi phải qua Trung Quốc chữa. Ngày giải phóng Huế (25.3.1975) tôi còn nằm ở Quế Lâm (Quảng Tây, TQ). Đến cuối tháng tư giải phóng Sài Gòn, dù chữa bệnh chưa dứt tôi cũng xin về. Về đến Hà Nội, chị Tôn Nữ Ngọc Trai tổ chức cho tôi và một số anh chị em sinh viên học sinh miền Nam ra chữa bệnh ở miền Bắc được đến nhà thăm “Anh Tố Hữu”. Gặp ông Tố Hữu tôi mới nói được lời cảm ơn tập thơ Tố Hữu mà ông đã gởi về vùng sâu Nước Ngọt cho tôi hồi năm 1972. Ông Tố Hữu nói giọng thân tình như nói với em út trong nhà:
- “Anh N.V ra công tác, mình không có chi gởi cho Xuân với Tường nên chỉ gởi tặng một tập thơ. Mình nhờ đưa tận tay, nhận được tốt hỉ?”

Lâu quá tôi mới nghe có người gọi tên Xuân và Tường. Không giấu được niềm vui, tôi hỏi:
- “Anh ở xa thế làm sao anh biết có bọn em ở chiến trường?”

Ông Tố Hữu không trả lời câu hỏi của tôi mà lại nói:
- “Xuân với Tường như một đôi câu đối, tính cách rất khác nhau nhưng lại luôn luôn đi với nhau”.

Ông Tố Hữu tài thật. Không những ông biết ở chiến trường Trị Thiên Huế có hai chúng tôi mà còn biết tính cách của hai chúng tôi nữa. Và như thế chưa vừa, ông còn bảo tôi:
- “Đất nước giải phóng rồi, Xuân vào Sài Gòn nói với các anh Phạm Duy, Trịnh Công Sơn hãy cứ ở đó chứ đừng đi đâu cả. Đất nước thống nhất rồi, nói với anh Phạm Duy tiếp tục sáng tác đi. Lấy khúc đầu (kháng chiến) nối với khúc đuôi (hoà bình), để khúc giữa qua một bên!” (4)

Tôi không ngờ một ông Ủy viên Bộ Chính trị mà nắm lý lịch của chúng tôi cặn kẽ đến như thế. May mà cuộc đời như thế nào tôi khai như thế ấy, không thêm bớt, nếu có điều gì giấu đút chắc sẽ bị phanh phui ngay.

Giữa tháng 5.1975 tôi vào Huế rồi đi Đà Lạt thăm mẹ tôi. Nhân thể tôi ghé vào Sài Gòn thì được biết anh Phạm Duy đã đi rồi, còn anh Trịnh Công Sơn thì đã tham gia công tác với “anh em Phong trào” Sài Gòn ngay khi chính quyền Sài Gòn vừa đầu hàng quân đội Giải phóng. Sau đó Trịnh Công Sơn được bạn bè rủ về Huế công tác.

Đến tháng 9 năm 1975, ông Tố Hữu vào thăm Huế, gặp gỡ tay bắt mặt mừng anh em văn nghệ sĩ Huế. Lần đầu tiên ông Tố Hữu gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hoạ sĩ Đinh Cường, hoạ sĩ Bửu Chỉ, hoạ sĩ Vĩnh Phối. Cảm động nhất là ông Tố Hữu gặp lại hoạ sĩ Phạm Đăng Trí, hoạ sĩ Tôn Thất Đào tại trường Mỹ thuật Huế là những người quen cũ hồi trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Về sau tôi có nhiều dịp một mình đến thăm ông Tố Hữu ở nhà riêng tại đường Phan Đình Phùng Hà Nội hoặc tại một khách sạn-nơi ông lưu lại trong thời gian làm khách của tỉnh Thừa Thiên Huế. Một lần gặp ông, tôi thông báo với ông tôi đã tìm được gia đình bà Eugénie và ông Tây bán rượu, nhà ở đường Chợ Cống (nay là đường Nguyễn Công Trứ, gần nhà tôi) - nơi ông Tố Hữu đã từng làm gia sư (précepteur). Ông Tây bán rượu mất từ lâu, bà Eugénie (thường gọi là bà Ni) vẫn còn rất nhớ Tố Hữu. Bà đã chỉ cho tôi chụp ảnh cái bộng trên lưng chừng thân cây dừa nơi thu giấu bản thảo tập thơ cách mạng của Tố Hữu trong những lần nhà bà Eugénie bị mật thám đến lục soát. Tôi cũng đã tìm được cửa hàng sách Thuận Hoá ở “Rue Gia Long” - nơi ông Tố Hữu lần đầu tiên gặp các đồng chí Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Hồ Xuân Lưu... và giác ngộ cách mạng. Nghe chuyện, ông Tố Hữu rất thú vị. Vào một dịp nào đó ông đã trở lại thăm các nơi ông từng sống qua và từng liên hệ với cách mạng. Cũng có lần tôi được thưa chuyện với ông về việc nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa của tôi. Ông Tố Hữu khuyến khích tôi làm cái việc mà trước đây vì chiến tranh ta chưa có thời gian, chưa có tài liệu nên chưa làm được. Ông rất đồng tình với tôi về ý tưởng: “Không hiểu triều Nguyễn và lịch sử Huế thì không thể làm công tác tư tưởng chính trị ở Thừa Thiên Huế tốt được”. Có lần tôi đến thăm ông ở khách sạn Century bên bờ sông Hương - nơi người cháu ông đang làm giám đốc, ông giữ tôi lại hỏi công trình Đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung của tôi. Tôi vui quá ở lại kể chuyện cho ông nghe. Cuối cùng tôi sực nhớ ra là đang để bà vợ tôi đứng chờ tôi mấy tiếng đồng hồ dưới mưa. Tôi xin kiếu để đưa vợ về nhà. Ông tiếc không đủ thời gian để hỏi thêm một vài điều. Ông dặn tôi khi nào đi Hà Nội thì ghé thăm ông và kể chuyện tiếp. Năm ấy, nhân đi Hà Nội họp ở báo Lao Động, trước khi về Huế tôi ghé thăm ông. Lần thăm nầy để lại cho tôi một kỷ niệm không thể nào quên. Tôi mới ngồi yên trên xa-lông, ông từ trong phòng ngủ thong thả bước ra tiếp tôi. Vẻ mặt ông không vui. Ông nhìn tôi với một sự lạnh nhạt khác thường. Bắt tay tôi xong ông ngồi vào xa-lông và bắt đầu nói như mắng tôi. Tôi hết sức ngạc nhiên nhưng vẫn bình tĩnh nghe ông la mắng như người anh dạy dỗ thằng em hư đốn. Nhưng mà thật lạ, những điều ông nói không dính dáng gì đến tôi cả. Ông nói dài, nói nhiều nhưng chung qui lại chỉ có mấy ý kiến là ông trách mấy người bạn tôi như các anh T.; anh Q., anh Đ. ra Hà Nội công tác mà không hề ghé qua thăm ông, lại còn nói năng, viết lách có ý không đồng tình với ông nhiều việc nữa. Thấy tôi ngồi chịu trận “tội nghiệp” bà Thanh - vợ ông, lên tiếng cứu tôi: “Chuyện của mấy người bạn của X. chứ đâu phải X, mà anh la X. dữ vậy!”. Ông Tố Hữu giải thích: “Nói cho cậu ta biết để cậu ta về nói lại với các bạn của cậu ta. Chứ các bạn của cậu ta có đến đây đâu mà nghe tôi nói!”. Xưa nay tôi quen phong cách nói thẳng cho nên tôi không bao giờ lấy làm điều khi có người nói trái ý mình hay phê phán mình. Tôi không hề giận ông Tố Hữu đã đem tôi ra làm “cục kê”, ngược lại tôi có hai ý nghĩ vui vui: Một là qua chuyện nầy ông Tố Hữu bộc lộ rõ tính cách của con người Huế: bình thường thì hiền lành nhã nhặn hết sức nhưng khi giận giữ thì cũng dữ dội như nước sông Hương mùa lũ vậy. Hai là ông rất thương bọn con trai Huế chúng tôi. Vì thương cho nên ông giận. Từ sau ngày về hưu (7.1998), tôi ít có dịp ra Hà Nội và ít lai vãng đến các cơ quan nhà nước nên cũng chẳng mấy khi được gặp lại ông. Lần gặp mới nhất diễn ra vào đầu năm 2001 nhân Hội thảo Bản sắc dân tộc trong văn hoá văn nghệ do Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học tổ chức tại Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Tố Hữu chủ toạ hội thảo cùng với thầy Trần Văn Giàu, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Huy Cận, nhà thơ Viễn Phương, tiến sĩ Thu Trang và nhà văn Mai Quốc Liên. Trong giờ giải lao tôi gặp lại ông Tố Hữu và bà Thanh. Tôi chuẩn bị câu trả lời đề phòng nếu ông Tố Hữu hỏi tôi đã kể chuyện ông Tố Hữu “la” với các bạn T.,Q., Đ. của tôi chưa. Nhưng gặp tôi ông bắt tay rất vui vẻ không hề nhắc lại chuyện cũ. Sau vài câu thăm hỏi sức khoẻ, tôi “báo cáo” với ông:
- “Thưa anh, cách đây hai mươi lăm năm, anh có bảo em vào Sài Gòn nói với nhạc sĩ Phạm Duy ý kiến của anh: đất nước giải phóng rồi, hãy cứ ở lại đó chứ đừng đi đâu cả... cho mãi đến đầu năm 2000 em mới có dịp nhắc lại câu đó với Phạm Duy!”

Ông Tố Hữu hấp háy mắt cười vui vẻ:
- “À hả! Năm ngoái Phạm Duy về Hà Nội có đến thăm mình. Nếu Phạm Duy có về lại thì anh em nên tạo điều kiện cho anh ta thâm nhập thực tế để sáng tác tiếp. Phạm Duy là một người rất có tài. Còn chuyện thời gian anh ta ở miền có làm việc nầy việc nọ thì cũng dễ hiểu thôi, anh ta cũng phải làm để sống và để nuôi vợ con chứ!”

Người ta nói ông Tố Hữu sống hết sức nguyên tắc. Tất cả cái tính nguyên tắc đó tôi đã được lĩnh hội một cách đầy đủ ngay hôm ông “mắng” tôi ở Hà Nội. Nhưng riêng tôi còn thấy ông sống thật và tình cảm thủy chung. Ông sống thật với lòng mình (còn sự thật đó với lịch sử như thế nào là chuyện khác). Ông rất thủy chung. Qua chuyện ông tìm về thăm bà Eugénie - nơi ông đã làm gia sư và chuyện ông đối với nhạc sĩ Phạm Duy trước sau như một như thế làm cho tôi rất tin ông. Kể từ khi lần đầu tôi tìm đọc thơ ông để rèn chí lớn cho đến lúc hưu trí ngồi viết mấy dòng nầy thời gian đã gần năm mươi năm. Trong thời gian ấy, trong ký ức tôi luôn có “Anh Tố Hữu” bên cạnh những người mà tôi yêu quý. Thỉnh thoảng đi làm hướng dẫn viên du lịch, tôi thường ngâm hai câu trong Bài ca quê hương của ông Tố Hữu:
Ai đi qua đó miền Trung,
Xin mời ghé lại thăm cùng Huế tôi.”

Tôi hy vọng các thế hệ con cháu tôi sau nầy cũng sẽ ngâm lại lời mời ấy vì lúc ấy “Huế tôi” không những đã có những gì đã có và còn có Tố Hữu, Trịnh Công Sơn, Phùng Quán nữa.

Một ngày cuối mùa hạ gay gắt, 10.8.2002
                N.Đ.X
-------
(1) Học Quốc Học ông Tố Hữu mang tên Nguyễn Kim Thành nhưng vì ông làm thơ nổi tiếng quá với bút danh Tố Hữu cho nên người ta cứ gọi ông là Tố Hữu chứ không gọi Nguyễn Kim Thành
(2) Tức lớp 8, lớp 9 ngày nay
(3) Từ ngày thoát ly (1966) tôi lấy tên là Thiên Tứ, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường là Thuyết
(4) Sau nầy được anh Chế Lan Viên cho biết: Gặp giáo sư Trần Văn Khê, ông Tố Hữu cũng dặn như thế. (xem Hồi ký
Lá rụng về cội
của Chế Lan Viên, T/c Sông Hương số 21/ tháng 9 và 10/1986, tr. 5)


(167/01-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Sớm ấy, (12/03/2009)