Người Huế
Bờ quê bến đợi bước lang thang
10:05 | 17/04/2009
LTS: Nhà thơ Trần Hữu Tâm Phương, sinh năm 1949 tại Huế, hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, mất ngày 21 tháng 10 năm 2005. Bài viết sau đây của Hạnh Lê sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về nhà thơ Trần Hữu Tâm Phương.


HẠNH LÊ

Huế hẹp và nhỏ, vì vậy mà bạn bè viết lách vẫn thường gặp nhau. Tôi biết Trần Hữu Tâm Phương từ nửa sau những năm 90 của thế kỷ trước, khi anh là cộng tác viên tích cực của Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế. Một người đàn ông nhỏ nhắn, gầy gò, mái tóc bạc sớm và một đôi mắt sáng với nụ cười rất tươi. Gặp Trần Hữu Tâm Phương lần đầu đã thấy một sự tin cậy. Từ con người anh toát lên một niềm trung thực, cẩn trọng. Cái cẩn trọng, trung thực của một người có học, đi ra từ ruộng đồng, sống giữa phố phường mà vẫn giữ được một nề nếp nho phong. Nhỏ nhắn, hiền lành là vậy, nhưng Trần Hữu Tâm Phương làm báo cũng rất kịch liệt. Anh cộng tác với nhiều tờ báo trung ương và địa phương với hàng chục bút danh như: Huy Yên, Nguyên Huy, Trần Bạch Yến, Tố Quyên... Phần lớn các bài viết của anh là ý kiến của một người dân thấy chuyện không đúng thì nói. Những bài viết nhỏ, ngắn, nhưng tác động của nó thì không nhỏ và ngắn chút nào. Nhiều người dân bây giờ vẫn còn nhớ bài viết của anh với cái tựa “Cử tri Thừa Thiên Huế nói gì với Quốc hội”. Một bài viết thẳng và thật đến độ “đụng chạm”. Với bài viết “Nạn nhảy múa đất đai xã Hương Long”, anh còn bị hành hung. Làm báo chuyên nghiệp còn có cơ quan báo chí bảo vệ, làm báo không chuyên thì ai bảo vệ anh? Vậy mà Trần Hữu Tâm Phương vẫn viết, vẫn nói những điều mà anh thấy là sai. Chính trách nhiệm công dân buộc anh lên tiếng. Đọc lại một cách có hệ thống những bài báo của anh in rải rác mười năm qua, mới thấy hết bầu nhiệt huyết, tình yêu nghề nghiệp và niềm đam mê kỳ lạ nghề báo của anh. Cũng ít ai biết rằng từ những năm 70, thế kỷ trước, Trần Hữu Tâm Phương đã có thơ, văn đăng ở tạp chí Đối Diện và Tự Quyết của sinh viên học sinh trong phong trào đấu tranh đô thị miền Nam. Anh cũng là một trong số những học sinh được học và chịu ảnh hưởng tư tưởng của nhà thơ - liệt sĩ Ngô Kha. Với giấy giới thiệu của một số cơ quan báo chí, đoàn thể, Trần Hữu Tâm Phương lặn lội đi và viết. Gầy yếu với chiếc xe đạp cọc cạch, anh ra Hương Trà, anh về Phú Vang... trách nhiệm công dân không thôi đeo bám anh, đeo bám cái nghề báo nhiều khi “ăn cám trả vàng”...

Không chỉ làm báo, Trần Hữu Tâm Phương còn làm thơ, viết tản văn, tiểu phẩm. Từ năm 1969 anh đã cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Nắng trên cao” và 30 năm sau, năm 1999, anh ra mắt tập thơ thứ hai có cái tựa “Trời phố núi”. Thơ Trần Hữu Tâm Phương dung dị, mộc mạc. Đó là cảm xúc về một sợi khói, một giọt trăng khuya, một ký ức tuổi thơ chưa kịp phai mờ. “Em có bao giờ nhỏ lại/ Để cùng anh nắm tay chạy trên bờ đê” hay một kỷ niệm ròng ròng máu đỏ: “Em bên góc hè Diệp Kính / Nay phương trời nào / xót xa”. Dù viết về đề tài nào, thơ Trần Hữu Tâm Phương cũng quay về với ruộng đồng quê mẹ, với vùng Hương Long ngoại thành Huế: “Tháng chạp mẹ ra đồng vãi lúa / Đàn trâu nằm đờ đẫn xa xăm”. Đó là những cảm xúc thật, chân thành, nhen nhóm sau những bài báo mà anh đam mê, những cực nhọc, trách nhiệm công dân mà anh đã tự vận vào mình. Anh - người phu quét đường, sáng sớm dậy quét hết những nỗi phiền muộn. Anh - người đàn ông mặc tưởng “Chắc chi bây giờ em còn nhớ / tối ba mươi”.

Cùng với Trí Đức - đứa con trai đầu của anh, tìm lại di cảo thấy thơ anh viết nhiều, trên những trang giấy vở học trò, nét chữ to cứng với những góc vuông mạnh mẽ. Gần đây, Trần Hữu Tâm Phương còn viết tản văn, tiểu phẩm.Tôi gặp trong tản văn của anh những loài hoa trắng, dư âm tiếng gà, một nhành lão mai... hoài niệm và khắc khoải, mà anh có dự định gom lại làm một tập có cái tên “Người vợ đời mới”. Nhưng dự định ấy đã dang dỡ...

Bây giờ thì Trần Hữu Tâm Phương đã không còn thuộc về thế giới phàm trần này nữa. Lần cuối cùng gặp anh tại Đại hội nhà văn Thừa Thiên Huế lần thứ 10, cũng không biết là lúc ấy anh đã đau nặng. Chỉ thấy anh xanh và gầy - cái xanh gầy như là vẫn vậy bao nhiêu năm tháng. Vẫn nụ cười rất tươi và ánh nhìn cương trực. Hôm viếng anh, đi qua cánh đồng Bàu Đá, chợt nhớ cái hôm chưa lâu dạo hè, hai anh em đi tìm nơi nguyên táng Nguyễn Du, lên Khải Thánh Từ, rồi ghé qua Văn Miếu Huế... Cả một vùng quê cỏ ấy xanh xao đẹp khôn tả. Anh tiếc nuối Khải Thánh Từ tan hoang, tiếc nuối thiếu một tấm bia dựng ở xứ đồng Bàu Đá - để hậu sinh còn nhớ nơi thi hào Nguyễn Du đã nằm xuống... trước khi về hẳn ở quê nhà.

Anh nằm xuống, bạn bè văn hữu nhớ thương anh, một người anh, một người bạn lãnh lẽ và nhân hậu. Và lặng lẽ như cuộc đời anh, những trang viết của anh vẫn còn ở đâu đó trong lòng bạn đọc. Nó sẽ sống tiếp cuộc đời còn dang ở của anh...

H.L
(
201/11-05)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Sớm ấy, (12/03/2009)