Người Huế
Đôi lời tự sự về gốc… Huế và Hoàng phái của tôi
15:13 | 05/08/2015

NGUYỄN MINH VỸ
                Hồi ký

Thú thật với các bạn Tạp chí Sông Hương và những ai cùng quê là trước Cách mạng Tháng 8-1945 tôi có phần nào "mặc cảm" vì cái gốc Thừa Thiên của mình.

Đôi lời tự sự về gốc… Huế và Hoàng phái của tôi
Nhà báo Nguyễn Minh Vỹ - Ảnh: internet

Tiếng nói của tôi cũng không còn liều lượng Huế lắm nữa, đã phai đi nhiều cái âm điệu khỏe mà êm, êm mà khoẻ của giọng hò giã gạo, chèo đò. Đã vắng đi những "ri tê, răng rứa, mô chừ", không còn cái khoác lác: "đưa củ khoai cho mệ chém". Nhiều bạn thân vẫn hay trêu tôi: "Cậu là Tôn thất… thiệt hay Tôn thất... giả? Huế thiệt hay Huế... lai"?

Xin thưa: Tôi quả thật là quê Thừa Thiên, gốc Huế - Ai không tin, tôi xin trình chứng minh thư, trong đó ghi rõ nguyên quán làng Dương Xuân Hạ, tổng Cư Chánh, huyện Hương Thủy... nay đổi là xã Phong Thủy(1). Thành phố Huế, Bình trị Thiên. Và quả thật tôi là dòng Tôn Thất họ Nguyễn, là "cậu Tôn" chính cống, thuộc hệ nhất, nhà thờ ở Phường Đúc, dù từ lâu, lâu lắm, từ 1931 tôi đã bị án của Nam Triều ở tỉnh Bình Định (nay thuộc Nghĩa Bình) "tước tôn tịch, cải tùng mẫu tánh", theo họ mẹ là họ Trương, về tội "làm cộng sản".

Tôi theo họ mẹ, không được ở trong hàng ngũ "Hoàng tộc", họ nhà vua nữa, đó là một án phụ, kèm theo án tù đối với những người thuộc Hoàng phái, Tôn thất phạm tội hình sự nặng theo luật pháp thông thường của phong kiến từ xưa. Đến triều Nguyễn cũng thế. Chính trên cơ sở đó mà năm ấy, 1931 - tôi bị cái gọi là tòa án Nam Triều ở tỉnh Bình Định - Miền Nam Trung Bộ - tuyên xử bảy năm tù khổ sai và "tước Tôn tịch cải tùng mẫu tánh", không được xưng là Tôn Thất Vỹ nữa mà là Trương Vỹ, theo họ mẹ.

Thực ra thì như thế cũng có mất đi một số đặc quyền đặc lợi của họ hàng nhà vua, không còn được miễn thuế, miễn xâu, không còn được ưu tiên, ưu đãi trong một số lĩnh vực chính trị, xã hội không còn được cấp ruộng "Tôn thất", không còn được gọi là "cậu Tôn" nữa. Nhưng đó là trong thịnh thời của phong kiến và có thể là đối với những ai phạm tội hình sự thường. Còn đối với người bị án chính trị, người cách mạng, lại là người cộng sản nữa thì đâu có gì đáng sợ?

Hơn thế nữa qua lịch sử cách mạng tư sản ở một số nước - phương Tây mà mình được biết, như ở Pháp chẳng hạn cũng không hiếm gì người phong kiến - họ "Đờ" như ta hay gọi đùa - tham gia hoạt động sôi nổi tiếng tăm, mình lại càng hãnh diện! Riêng đối với tôi thuở ấy là một chú thanh niên mới tròn mười bảy tuổi đời, đang trên ghế nhà trường, giác ngộ cách mạng qua tình cảm, qua tiểu thuyết nhiều hơn là qua thực tiễn và lý luận chính thống, thì xử án kiểu ấy lại càng là điều kích động con người.

Vì vậy mà sau khi nghe tuyên án, tôi ứng khẩu một bài thơ nôm "tám câu bảy chữ" như sau:

"Nghe án tuyên xong bỗng nực cười.
Tội gì mà xử bảy năm trời
Công lao cách mạng chưa tròn vẹn
Thân thế hoàng gia đã tả tơi.
Đập đá lâu năm lòng vẫn vững.
Ở tù lắm bạn dạ càng vui.
Cải tùng mẫu tánh thì cho cải.
Tôn thất hay Trương cũng một người"
.

Từ đó tôi ở trong tù và ra tù, trong một thời gian khá dài, lấy họ là Trương Vỹ, không phải là Tôn Thất Vỹ nữa, cũng chẳng có hại gì mà lại còn có điều lợi cho tuyên truyền cách mạng. Mỗi khi giải đáp cho ai đó hỏi "nghe anh là Tôn thất kia mà, sao lại xưng là Trương?" là một dịp để nói lại quá trình tham gia cách mạng và bị án của mình do đế quốc phong kiến xử...

Nhưng đến sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 nhất là sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi năm 1954 thì thế nào? Nên lấy họ là gì? ngỡ là không có chuyện gì, nhưng trớ trêu lại cũng thành câu chuyện!

Cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi rồi tội gì mà cứ tuân theo cái án của phong kiến đã bị đánh đổ? Tuy vậy vấn đề cũng được đặt ra là việc gì trở lại Tôn thất theo kiểu phong kiến nữa? - Có bạn thân nói đùa: "Cậu còn mê cái Tôn thất, Hoàng phái của cậu lắm à?"

Nhưng có đồng chí tới tham khảo ý kiến lại gợi ý là cứ xưng lại Tôn thất mà là người cách mạng theo Đảng từ thuở bé cũng có ý nghĩa riêng của nó chứ! Và nói cho vui, trong thời gian tôi tham dự Hội nghị ở Paris về Việt Nam nhiều bạn quốc tế, nhất là Pháp và bà con Việt kiều yêu nước mỗi khi họp hành gì cứ muốn giới thiệu tôi là Tôn thất lý thú hơn! Có vị gọi đùa như kiểu nói đùa của người Pháp là "một ông Hoàng... cộng sản".

Đoàn Việt Nam DCCH tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Minh Vỹ (ngoài cùng bên phải) - Ảnh: tgvn.com.vn


Cuối cùng tôi quyết định theo cách suy tính riêng của mình, không xưng lại là Tôn thất nữa, vì chính phong kiến đã xóa giúp điều đó cho mình, mà lấy lại họ Nguyễn theo huyết thống tự nhiên đồng thời lấy chữ Minh trong tên Bác làm chữ lót để ngụ ý theo dòng cách mạng của Đảng, của Bác.

Và theo đúng pháp luật của ta, tôi đã xin và được chính quyền địa phương ấy ra Nghị định số 527 MN/TCC của Ủy ban kháng chiến hành chánh Miền Nam Trung Bộ, Điều 1:

"Nay cho ông Tôn Thất Vỹ, Đại biểu Quốc Hội tỉnh Khánh Hòa hiện công tác ở Liên Việt Liên Khu V được đổi họ như sau:

"Tôn Thất Vỹ đổi Nguyễn Minh Vỹ"
Miền Nam, ngày 1 tháng 10 năm 1954


KT. CHỦ TỊCH HÀNH CHÁNH MNTB
ỦY VIÊN
PHẠM NGỌC QUẾ

Câu chuyện tôi muốn nói lần này là vì sao, nhờ đâu một con người thuộc Hoàng phái lại "có phước" được giác ngộ cách mạng sớm, lại giác ngộ cộng sản nữa? Đó là điều lâu nay tôi không suy nghĩ gì lắm, nhưng nay trên bảy mươi tuổi đời rồi thuộc loại "xưa nay hiếm" như Bác Hồ đã nói theo lời Đỗ Phủ.

Tôi nhớ lại ông cụ nhà tôi mà Huế ta thường gọi là Cậu. Cậu tôi tuổi Kỷ Tỵ, sanh năm 1869. Ông là một nhà nho, học giỏi, thi phú cũng thuộc loại khá, nhưng không biết vì sao thi nhiều khoa chẳng được cử nhân tú tài gì mà cũng không được "khóa sinh" nữa. Có lẽ vì phạm "trường quy" như nhiều người thuở ấy chăng? Cuối cùng cũng đeo đuổi "hoạn trường" đây, nhưng chỉ loanh quanh ở mức thông lại, lại mục ở cấp huyện, hết Hà Trung, Quảng Xướng đến Cẩm Thủy, Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa)... Về sau lại bị huyền chức, buộc phải nghỉ hưu trước tuổi, không được hưu bổng. Về hàm phẩm thì cũng chỉ được chút "Bát phẩm vân giai". Bà con thường gọi là "ông Bát Nh...". Trở về quê ở Huế, ông cụ cũng chạy không ra được cái nhà riêng để ở cho "ra hồn" mà nay đây, mai đó, chén rượu, câu thơ, bỏ mặc mẹ con tôi ở nhờ bên ngoại ở Bến Ngự.

Nhưng điều có lẽ thuở ấy đã tác động khá sâu vào đầu óc thơ ngây của tôi là kiểu sống phóng khoáng của ông, chẳng chiều lụy ai mà có hơi "nghênh ngang cứng đầu cứng cổ" và cái "khẩu khí" của một số bài thơ nôm hoặc chữ của ông mà đến nay tôi còn nhớ.

Nếu bạn đọc không "ngán", tôi xin được chép lại đây một bài ông làm để mắng một Tôn thất vốn là "Hiệp tá đại học sĩ, kiêm quản Tôn nhơn phủ đại thần" (thường gọi là "Cụ Thượng"). Tôn nhơn phủ là cơ quan cao nhất quản lý Hoàng tộc. Có lẽ ông cụ tôi vì nghèo túng nên đến xin gặp Cụ Thượng để kêu xin gì đó, chầu chực mãi không được, mới "nổi xung" lên và... có tí rượu vào, ứng khẩu:

"Sung sướng chi mày nữa... ấy ơi!
Còn giơ mặt chó để trêu đời.
Lòn trôn bác Khải chưa bưa sức
Đội đất anh Tây đã hết hơi.
Hiệp tá vênh vang rung mặt chuột
Tôn đài hờ hững hểnh hàm dơi.
Sao không chết quách đi cho rảnh
Còn để trần gian uổng tiếng cười!"


Chưa đi vào phân tích gì cho sâu sắc, vì thực ra có thể chỉ là chuyện tức khí "đá nhau" ba chữ, như thuở ấy thường xẩy ra, nhưng hai câu làm cho tôi mỗi lần nhớ đến hơi lấy làm lạ là dám gọi "đương kim hoàng đế" là "bác Khải" và nhà nước Đại Pháp là "anh Tây". Như thế bài thơ không chỉ có tính "phạm thượng" đến cá nhân Cụ Thượng Tr... mà cả với "triều đình" và "bảo hộ" nữa, làm cho tác giả khả dĩ đi tù được, dù chỉ là xuất khẩu do... ngấm rượu thôi.

Trong thời gian ở Thanh Hóa, ông cụ lại có bài thơ "chữ" về Lâm Sơn, trong đó có hai câu sau đây, nói lên ít nhiều tâm tư của người dân mất nước, tuy chưa thấy được đường ra:

"Bán thiên vận hội hà nan tái
Không sử anh hùng lữ mộng tiêu".


(Tạm dịch: Vận hội nửa ngàn năm trước sao khó trở lại
Làm cho người anh hùng cảm thấy buồn trong mộng.)

Xin nói thêm là cụ thuộc số người trong Hoàng phái Tôn thất lúc bấy giờ, biết coi khinh Khải Định, Bảo Đại do Tây cất nhắc, nịnh bợ Tây. Cụ luyến tiếc quý mến Thành Thái, Duy Tân bị Tây phế truất, lưu đày nên thường cũng ngâm nga bài thơ của vua Thành Thái trong lúc bị thực dân Pháp cầm giữ ở Vũng Tàu trước khi đưa sang đảo Réunion:

Sống thừa nào biết có hôm nay
Nhìn thấy non sông đất nước này
Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ
Ruột tằm đòi đoạn mối sầu tây.


Ông cụ còn đọc hằng bao nhiêu lần cho tôi nghe đến thuộc lòng chùm thơ liên hoàn mười bài của Thượng Tân Thị, nói thay nỗi nhớ chồng thương con của bà Thành Thái mà chắc là người Huế xưa ít ai không biết, lời thơ da diết, mà rất chi là... Huế, ví dụ:

"Con ơi ruột mẹ nẫu như tương
Bẩy nổi ba chìm rất thảm thương
Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương"

                         (Bài thứ 4)

Hoặc

"Mộng tỉnh chưa xong đà chợp mắt
Trống lầu đâu đã đổ tung tung"

                        (Bài thứ 6)



"Lắng mõ làng xa nghe cốc cốc
Tiếng chuông chùa cũ động boong boong
Nỗi niềm ai biết ta thương nhớ
Chồng hỡi chồng, con hỡi con!"

                        (Bài thứ 10)

Những điều thực sự tác động đến tôi lúc bấy giờ, tuy tôi chỉ mới khoảng 11, 12 tuổi, là ông cụ còn kể cho tôi nghe về những nhân sĩ có ý thức chống Pháp bị Pháp đày ải như Đặng, Huỳnh, Ngô,... Lúc hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh về nước, ông cụ cũng nói với tôi là hai cụ "giỏi", dạy cho tôi bài thơ Xuân của cụ Phan Bội Châu, có những câu như:

"Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi,
Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần.
Chẳng thèm ăn, chẳng thèm mặc, chẳng thèm chơi.
Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết dơ nô lệ
Mới thế này, là mới, hỡi chư quân!"


Ông cụ cũng tán thưởng nội dung bài Văn tế cụ Phan Chu Trinh với đoạn kết:

Thương ôi! Biển bạc còn trơ
Trời xanh khó hỏi
Ngàn vàng khôn chuốc lấy anh hào
Tấc dạ dám thề cùng sông núi:
Xưa đã giỏi thì nay càng thêm giỏi,
dấu cộng hòa xin rán sức theo đời,
Thác còn thiêng thì sống phải thiêng hơn,
thang độc lập quyết đều tay xin với
.

Những ý tứ trong các bài thơ văn đó đã thấm vào lòng tôi, đọng lại, khiến tôi có cơ sở để tiếp thu một cách thuận lợi, hầu như tự nhiên những tư tưởng đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp mà những đồng chí cộng sản - những người yêu nước nhất trong những người yêu nước - đã truyền cảm cho tôi trong thời gian tôi học ở trường Cao đẳng Tiểu học Vinh 1929-1930 giữa phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh sôi sục ở Qui Nhơn (Bình Định).

Năm 1931 khi tôi bị bắt và bị án, ngoài án chính còn có án phụ: như trên tôi đã nói.

Lúc tôi bị bắt thì ông cụ lại đi đâu đó mấy tháng sau về nhà mới xin vào thăm, lại cho tôi một bài thơ:

"Bỏ gánh gia đình, gánh nước non,
Thương con mà cũng giận cho con
Biết thời hào kiệt, thời không mấy
Thương nước anh hùng tiếng vẫn còn
Biểu cứ bền rèn lòng sắt đá
Rồi ra sẽ tính cuộc vuông tròn
Sôi gan nóng tiết làm chi vội
Cha mẹ ai cùng miếng ngọt ngon?"


Tôi thương ông cụ muốn khóc, nhưng cố giữ tư thế, cười và tỏ ý "phê":

- Thơ cậu hay nhưng câu kết yếu quá!

Ông trả lời trong nước mắt:

- Cha mi, tau làm rứa, hắn mới cho tao vô thăm!

Còn mẹ tôi, cùng đi với ông cụ, chẳng thi phú, khuyên lơn gì, chỉ vò cái đầu thằng tù trọc lóc của tôi mà dỗ ngọt:

- Thôi, theo họ mạ cũng không can chi mô. Mạ càng thương con vì từ nay mạ con mình cùng họ!

Mạ tôi vốn rất thương tôi bởi tôi là con út, lại sinh tôi ra lúc bà đã ngót 44 tuổi đời.

Nhưng cuộc đời cũng thú vị là chưa đầy 15 năm sau, Cách mạng tháng 8-1945 thành công, tôi tham gia khởi nghĩa ở Nha Trang, được cử vào ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, ông cụ đã 75, 76 tuổi rồi, chắc là cũng chưa biết được thật rõ đầu đuôi xuôi ngược thế nào nhưng thấy cả bè Tây Nhựt và tôi tớ của chúng sụp đổ, cách mạng "lên ngôi" con mình "làm nên" là mừng. Tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn cứ cái kiểu "phiêu lưu" như thời trẻ, ông lặn lội một mình từ Huế vào Nha Trang, tìm đến trụ sở ủy ban tỉnh thăm tôi. Đồng chí thường trực hỏi ông cụ đi đâu. Ông cụ nói tên tôi và nói thêm "Nghe nó làm ông cách mạng chi đó trong tỉnh". Đồng chí thường trực bật cười vì thương quá, đưa ngay ông cụ vào gặp tôi.

Ngồi với thằng con út ở bộ xa lông Tòa Sứ cũ, nay là cơ quan ủy ban tỉnh, ông cụ khác với thói quen trước kia, chẳng nói gì nhiều, chẳng có gì "Xuất khẩu thành thi" mà chỉ bệu bạo vì răng rụng gần hết:

- Thôi, con được như ri, nước mình, cách mạng mình được như ri, cậu nhắm mắt được rồi!

Ông cụ không gọi tôi là "mi" nữa, chắc vì tôi đã lớn lên rồi, không còn bé bỏng nữa, hay vì tôi đã "làm to" rồi chăng?

Đó, câu chuyện... gốc Huế, gốc "cậu Tôn" của tôi là thế đấy. Tôi nhớ Huế lắm - Nhớ từ cậu mạ tôi trở đi... Nhớ từ những bài thơ có ý tứ "thời thế" ít nhiều do ông cụ truyền cho tôi, nhớ những câu mạ tôi nhè nhẹ hát ru cho tôi ngủ thuở xưa:

Ru con, con théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu!
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh...


Tháng 8-1987
N.M.V.
(SH36/03&04-89)

-------------------
(1) Phong Thủy là tên cũ thuộc huyện Hương Thủy nay là xã Thủy Xuân, thuộc thành phố Huế (TS).






 

Các bài mới
Các bài đã đăng