Người Huế
Dật sĩ Thuận Hóa - Nguyễn Đăng Đàn
08:28 | 17/11/2016

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Thời loạn xã hội đảo điên, phong hóa suy đồi, quan tham dân đói,… thường có những người thầy giỏi và đức độ, chăm lo giáo dục nhằm tạo những người học trò tài đức để chuyển loạn thành trị, cứu nước cứu dân… ấy là công lệ của lịch sử.

Dật sĩ Thuận Hóa - Nguyễn Đăng Đàn
Lớp học của thầy đồ ngày xưa

Thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, kế đến là thời Duệ vương Nguyễn Phúc Thuần, Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ (tức Đàng Trong) bắt đầu suy tàn, nhà chúa ăn chơi xa xỉ, quyền thần đa phần tham nhũng hối lộ, chỉ lo tư túi để sống xa hoa, binh tướng thì hèn yếu chây lười, khi có lệnh đi dẹp loạn thì đùn đẩy, tránh né bằng tiền của phi nghĩa… thì ắt có những thầy giáo ẩn dật, quyết giữ đạo của thánh hiền như Ngô Kim Bằng (hiệu Thế Lân) (làng Thế Lại), Thân Văn Quyền (làng Nguyệt Biều), Lê Cao Kỷ (làng Đồng Di), Trương Văn Hiến (Huế, Phù Cát - Quy Nhơn)… Trong những người thầy như thế, có thầy Nguyễn Đăng Đàn ở Thuận Hóa, sống đời dật sĩ, rất nổi tiếng tài giỏi và đức độ, đã đào tạo những học trò giỏi, góp phần chuyển loạn thành trị, chuyển đất nước từ qua phân thành nhất thống.

Thầy Nguyễn Đăng Đàn - một dật sĩ
 

Một đình làng ở Hương Thủy

Thầy Nguyễn Đăng Đàn người huyện Hương Trà, Hóa Châu (nay thuộc huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), từng ngụ ở chân núi Thanh Thủy (đồi Châu Sơn (?)). Nguyễn Đăng Đàn còn có tên là Nguyễn Đăng Tường, tự là Thuần Nhất, hiệu Bất Nhị, thuở bé nổi tiếng thần đồng, khi đọc sách một lượt đã thuộc lòng. Vào tuổi 13, cậu bé Đàn đã làu thông kinh sử. Thời thanh niên, thầy dốc chí học đạo thánh hiền, giỏi lý học, thạo binh pháp, tài có thể kinh bang tế thế nhưng không thích bon chen chốn trường thi, chẳng ưa vinh hoa phú quí chốn quan trường. Thầy Nguyễn Đăng Đàn được người đời tôn xưng thầy là Siêu Quần tiên sinh. Nhà ở của thầy là tường đất, lợp tranh nhưng thầy ung dung tự tại, khiêm tốn, thích làm việc thiện và đặc biệt là say mê dạy học.

Do ưu thời mẫn thế, không thể khoanh tay nhìn cảnh dân chúng lầm than, thầy Nguyễn Đăng Đàn đã từng đứng về phía dân nghèo, viết thỉnh nguyện (tầm cỡ quốc sách) bằng chữ Nôm, vào tận phủ chúa để dâng lên Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Đại lược trong thỉnh nguyện, thầy nói người làm vua phải coi trọng việc cầu hiền, nghe lời can của bề tôi trung trực, xa lánh tôi nịnh,… Những tưởng việc làm của thầy có khả năng mang trọng tội, nhưng không ngờ những góp ý của thầy quá đúng đắn, thiết thực, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát rất đẹp lòng, hết lời khen ngợi, muốn mời thầy giúp rập nhà chúa, muốn bổ dụng thầy làm trọng quan nhưng thầy Nguyễn Đăng Đàn nhất mực từ chối. Thầy lui về chân núi Thanh Thủy ẩn dật, dựng nhà tranh vách đất để ở và dạy học. Học trò thầy đến vài trăm người, phần nhiều thành đạt.

Cây ngọt sinh trái ngọt

Người cháu nội, học trò của thầy là Nguyễn Đăng Trường, một bề tôi giỏi thời Duệ vương Nguyễn Phúc Thuần. Nguyễn Đăng Trường là người có học thức cao, khảng khái, có chí khí và nổi tiếng trung nghĩa. Năm Giáp Ngọ [1774], quân đội Lê - Trịnh tiến đánh Phú Xuân, Duệ vương sai tiết chế Tôn Thất Chất, tham tán Nguyễn Đăng Trường đem quân thủy bộ chống đánh, bị thua ở sông Phú Lễ, ông rước mẹ là Hoàng thị theo hầu xa giá vào Quảng Nam. Khi Duệ vương lên thuyền vào nam, ông rước mẹ là Hoàng Thị theo hầu chúa Duệ Tôn, gửi vợ con nương nhờ họ ngoại, gặp gió ngược, chúa sai ông lên bộ cầu đảo, gió thuận, thuyền chúa lên đường quá gấp, ông lỡ thuyền, phải ở lại Quảng Nam, cùng vợ là Từ thị phụng dưỡng mẹ già. Năm Bính Thân [1776], ông rước mẹ lên thuyền vào Gia Định, gặp gió mạnh thuyền giạt vào cửa Thị Nại, ông bị quân Tây Sơn bắt. Nguyễn Huệ biết Nguyễn Đăng Trường là bậc hiền sĩ, trọng đãi ông như bạn mà cũng coi ông như thầy nhưng ông nhất mực không nhận lễ. Lúc bấy giờ Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương đang bị Tây Sơn quản thúc. Dưới chiêu bài tôn phò dòng chánh hệ của chúa Nguyễn nên hoàng tôn Dương sớm thành nghĩa tế của Tây Sơn trại trưởng Nguyễn Nhạc. Nguyễn Đăng Trường mật mưu với hoàng tôn để vị này trốn vào Gia Định trước. Một hôm, Nguyễn Đăng Trường nói thực với Nguyễn Huệ về ý định của ông là muốn theo chủ cũ để trọn nghĩa vua tôi. Nguyễn Huệ khuyên: “Tiên sinh đi chuyến này, ý muốn xoay lại trời đất, được chăng? Tôi e rằng ngày sau ăn năn cũng muộn mất”. Nguyễn Đăng Trường khảng khái: “Đại trượng phu ở đời lấy trung hiếu làm đầu. Tôi nay mang mẹ đi theo vua, nghĩa ấy thật đã rõ ràng; còn việc cùng hay thông, được hay hỏng là ở số mệnh, đâu có ăn năn!”. Nguyễn Huệ cảm phục lòng trung nghĩa của Nguyễn Đăng Trường cho ông đi Gia Định, tặng ông vàng lụa nhưng ông từ chối… Vào Gia Định, Nguyễn Đăng Trường tận tụy với vai trò tham mưu dưới trướng của Tân Chính vương (Hoàng Tôn Dương)… Năm Đinh Dậu [1777] Nguyễn Huệ vào đánh Gia Định, Nguyễn Đăng Trường đang chống giữ Sài Gòn, bị thua và bị quân Tây Sơn bắt. Nguyễn Huệ hỏi: “Tiên sinh, ngày nay tính sao?” Nguyễn Đăng Trường đáp: “Việc ngày nay chỉ giữ nghĩa, không mong sống. Vua nhục, tôi chết đó là phận sự. Còn hỏi làm chi!. Nguyễn Huệ không thu phục được Nguyễn Đăng Trường đành phải sai thuộc hạ giết ông…

Thay lời kết

Trung với vua sao cho “trí trung” chứ đừng “ngu trung” là bài toán làm đau đầu của trí thức ngày xưa. Xuất xử hai đường làm giày vò biết bao kẻ sĩ. Có một con đường đúng đắn mà nhiều kẻ sĩ đã đi, không bao giờ sai, đó là con đường mà thầy Chu Văn An đã từng chọn. Thời thịnh, vua sáng tôi hiền thì phải vào chốn quan trường, đem sở học để kinh bang tế thế. Thời loạn vua tối, quan tham thì ẩn dật, giữ tiết, không yếm thế, không bức xúc dễ thành cuồng sĩ, mà phải phải đem sở học giúp dân nghèo, làm thầy giáo ở hương thôn, bền bĩ đào tạo những học trò giỏi giang và đức độ để đợi ngày chuyển loạn thành trị vậy. Con đường trí trung rốt cục là trung với dân với nước mà thôi! Hai ông cháu Nguyễn Đăng Đàn và Nguyễn Đăng Trường với hành trạng hoàn toàn khác nhau, ông thì xử mà cháu thì xuất vào thời mạt Nguyễn ở Đàng Trong. Cháu chết rất oanh liệt, về sau được thờ ở miếu Trung tiết công thần. Còn ông khi chết, được người đời tôn xưng là Siêu Quần tiên sinh, vì ông đã đào tạo rất nhiều học trò tài giỏi và đức độ để góp phần trung hưng đất nước. Thiển nghĩ, ở thị xã Hương Thủy nên có trường học mang tên Nguyễn Đăng Đàn, Nguyễn Đăng Trường để góp phần giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo vậy.

T.V.Đ
(SHSDB22/09-2016)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng