Người Huế
Kỷ niệm 140 năm sinh của nhà thơ xứ Huế Ưng Bình Thúc Giạ Thị (9/3/1877 - 9/3/2017)
09:13 | 09/03/2017

LTS: Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) là nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn xứ Huế nửa đầu thế kỷ XX. Ông được các văn nhân thi sĩ đương thời suy tôn là chủ soái “Vỹ Hương thi xã” (1933 - 1945) và “Hương Bình thi xã” (1951 - 1961).

Kỷ niệm 140 năm sinh của nhà thơ xứ Huế Ưng Bình Thúc Giạ Thị (9/3/1877 - 9/3/2017)
Thi sĩ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) - Ảnh: internet

Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã để lại trong kho tàng văn học nước nhà một sự nghiệp sáng tác đồ sộ: hơn 1.000 bài thơ tiếng Việt, tập thơ chữ Hán Lộc Minh Đình Thi thảo (hơn 200 bài), vở tuồng Lộ Địch nổi tiếng và nhiều bài thơ có giá trị được dân gian hóa... Thơ văn ông phong phú về nội dung tư tưởng và rất đa dạng về nghệ thuật biểu hiện. Sống trong giai đoạn giao thời văn hóa Đông - Tây, Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một nhà thơ quý tộc, uyên thâm Nho - Phật học và thông thạo Tây học. Nhưng ông sống rất bình dị và cận dân, vì thế tác phẩm của ông vừa mang đậm dấu ấn phong cách bác học vừa mang sắc thái bình dân của văn hóa dân gian.
Nhiều bài thơ, câu ca, điệu hò, hát nói... của ông đã đi vào lòng người xứ Huế một cách nhẹ nhàng, êm ái. Thơ ca của ông viết về quê hương, đất nước và con người Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu đậm, làm rung động lòng người qua nhiều thế hệ. Qua thơ ca Ưng Bình Thúc Giạ Thị, người đọc có thể khám phá được chân dung đích thực của ông - một thi sĩ triết gia và một thế giới nghệ thuật thơ độc đáo. Đặc biệt là thế giới “Minh triết phương Đông” trong thơ ca của ông.



MINH TRIẾT ĐẠO PHẬT TRONG THƠ CA ƯNG BÌNH THÚC GIẠ THỊ  


NGUYỄN XUÂN TÙNG  

Ưng Bình Thúc Giạ Thị không chỉ uyên thâm Nho học mà còn tinh thông Phật học và am tường Tây học. Ông quy y ngũ giới với Hòa thượng Thích Trí Thủ là một trong những bậc cao tăng lỗi lạc của Phật Giáo Việt Nam thời hiện đại. Hòa thượng ban cho ông pháp danh Nguyên An. Là một Phật tử trí thức thuần thành và thấm nhuần chánh pháp, ông được nhiều vị thiền sư thi sĩ nổi tiếng xứ Huế đương thời mến mộ và kết bạn thơ văn.

Tính cách nhà Nho - Phật tử đã được Ưng Bình Thúc Giạ Thị trình bày như là một đặc trưng phẩm chất của con người ông.

Gặp khách nhà Nho nơi cửa Phật
Khuyên mình hãy phát nguyện quy y
Thưởng thức nhà Nho chung rượu lạt
Vui lòng cửa Phật bát cơm chay

                        (Ngày xuân gặp bạn)

Con người Nho sĩ và Phật tử tuy hai mà một - tuy một mà hai. Người Nho sĩ nhập thế giúp đời và người Phật tử đối diện với hiện thực Ta bà, thấy được nỗi khổ của hiện thực để tìm cách chuyển hóa khổ đau của kiếp người không mâu thuẫn về hành động song khác nhau về phương thức sống. Một khi đã phát nguyện quy y Phật - Pháp - Tăng thì người Phật tử phải hành trì giới luật để tinh tấn trên đường tu tập. Trong mấy câu thơ trên, ta thấy nhà Nho - Phật tử Ưng Bình đã bắt đầu thực hành giữ “giới sát” và “giới tửu” là hai trong năm giới mà bất cứ người nào tự nhận mình là đệ tử của Như Lai cũng thành tâm trì hành. Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã xác tín niềm tin vững chãi của mình vào chánh pháp Phật đà. Từ chỗ nhà nho - thi sĩ: “Rượu có mùi hương nên uống mãi” nhưng khi đã trở thành Phật tử rồi thì nhà thơ chỉ còn: “Thưởng thức nhà Nho chung rượu lạt/ Vui lòng cửa Phật bát cơm chay”. “ Rượu lạt” nghĩa là không uống nhiều rượu nữa để giữ gìn “giới tửu” và “cơm chay” là để giữ “giới sát”. Trong tài liệu Phật pháp “Bước đầu học đạo”, biên soạn để truyền giảng cho tín đồ Phật tử trước lúc làm lễ quy y, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã viết: “Không sát sanh là không manh tâm hoặc không giết hại sinh mạng, dù cho sinh mạng ấy là loài vật, vì chúng cũng biết đau khổ như ta. Trái lại, còn phải luôn luôn tôn trọng và cứu sống sinh mạng của muôn loài. Công đức lớn nhất không gì bằng cứu sống sinh mạng người và vật”. Và ăn chay là một trong những hạnh nguyện từ bi góp phần vào việc tôn trọng sinh mạng của loài hữu tình và bảo vệ môi trường sống của thế giới. Và không uống rượu bởi vì: “Rượu là thức uống làm loạn động tinh thần, làm mất quân bình trí tuệ. Trong hiện tại, rượu là nguyên nhân của mờ tối… Mục đích của người Phật tử là tu tập trí tuệ, phát huy tuệ giác để nhận chân được lẽ vô thường cuộc đời thì không nên uống rượu. Ngoài ra người Phật tử còn không uống các chất ma túy và kích thích khác”. Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã thấm nhuần lời truyền đạo của bổn sư mình nên ông đã chuyển hóa thân tâm nhà Nho - Phật tử rất hòa điệu để sống một cuộc đời thảnh thơi, an lạc.

Cửa Phật đành vui duyên tế ngộ
Nhà Nho lại ngỏ ý hoan nghênh

 
Hoa thơm nước lã đều thi vị
Chả món gì pha lợi với danh


Cảm nhận sâu sắc được triết lý từ bi của Phật giáo, nhà thơ đã thấu hiểu được nỗi đau khổ của kiếp người trong cuộc đời và kêu gọi cộng đồng thực hiện hạnh nguyện bố thí của người Phật tử:

Thấy bạn ăn mày quá tả tơi
Câu ca Thân - Dậu hẳn như lời
Khó tìm bảy cắc mua lon gạo
May được mười xu có củ khoai
Cuối chợ đầu đình thương mấy kẻ
Trên mền dưới nệm ngỏ cùng ai
Rủ lòng bố thí cơn tai nạn
Hơn nén hương dâng giữa Phật đài

            (Cám cảnh người hành khất)

Bố thí là hạnh nguyện đầu tiên trong mười hạnh nguyện để thành tựu đạo nghiệp trên hành trình tu chứng của người Phật tử. Trong kinh Phật đã dạy: “Hành trì hạnh bố thí/ Thu hoạch nhiều phước đức/ Hiến tặng niềm an vui/ Mình sẽ được an vui.” Người Phật tử không thể dửng dưng vui hưởng lạc thú hạnh phúc trong khi đồng bào, đồng loại của mình còn sống trong cảnh thiếu thốn khổ đau. Từ lời dạy minh triết của đức Phật: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, Ưng Bình đã chuyển hóa thành câu thơ có ý nghĩa triết luận lớn, thức tỉnh được lương tâm người đọc mọi thời:

Rủ lòng bố thí cơn tai nạn
Hơn nén hương dâng giữa Phật đài


Là người tinh thông Phật học, Ưng Bình Thúc Giạ Thị quán triệt sâu sắc triết lý Duyên khởi - tinh hoa và cốt tủy của đạo Phật đã được đức Phật khai thị: “Cái này có mặt nên cái kia có mặt - Cái này không có mặt nên cái kia diệt”. (Kinh Phật tự thuyết; Tiểu bộ I; tr.291). Dựa trên triết lý Duyên khởi, Phật giáo trình bày sự thật về bản chất con người và vũ trụ là Vô thường, Vô ngã. Đối với cuộc đời, đạo Phật quan niệm đời sống của con người vốn bất định và không hoàn hảo, luôn luôn thay đổi và đầy ắp khổ đau. Vì thế nỗ lực chân chính và có ý nghĩa lớn nhất đối với người Phật tử là phải tinh tấn tu học để chuyển hóa khổ đau bất hạnh thành cuộc sống an lành hạnh phúc ngay trong đời này.

Hiểu được minh triết “vô thường”, “vô ngã” của Phật giáo, Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã quán tưởng cuộc đời là một tấn tuồng ảo hóa mà mỗi con người sống ở đời không ai thoát khỏi vai tuồng của mình với tất cả niềm vui mong manh và nỗi khổ triền miên cứ diễn ra trên biển đời mênh mông:

Đường danh nẻo lợi ngó đông đông
Chen chúc nhau chi đám bụi hồng
Kìa bóng bạch câu qua chẳng lại
Nọ tranh thương cẩu có rồi không
Dở khóc, dở cười trên sân khấu
Khi nở, khi tàn mấy cụm bông
Sao kiếp phù sinh cho khỏi lụy
Quyển kinh câu kệ chớ nài công

                        (Khuyên học Phật)

Khuyên học Phật là một bài thơ hay rất minh triết của một Phật tử thuần thành, mang hoài vọng thức tỉnh cộng đồng sớm nhận ra chân tướng giả huyễn của những hư danh phù phiếm trong cuộc đời để đừng mải mê bon chen trên đường danh lợi mà hãy sớm quay về với chân tâm của mình, sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại với “quyển kinh câu kệ chớ nài công” để “sao kiếp phù sinh cho khỏi lụy”. Hẳn là khi viết bài thơ này, Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã nhấm nhuần kinh điển nhà Phật: “Ngay trong đời này bạn phải tự nắm lấy vận mệnh của bạn, đừng giao phó vận mệnh của mình cho ai hết. Hãy học chấm dứt tà ý, an định tâm tư, đừng chạy theo trần cảnh. Tâm ta vốn tự tại, đối tượng đích thực của chân tâm là Niết bàn, chỉ vì lâu ngày bế tắc cho nên ta không rõ được đó thôi.” (Quy Sơn cảnh sách).

Bài thơ không trực tiếp dùng một danh từ Phật học nào cả nhưng mang tín hiệu thẩm mỹ như một bài kệ truyền đăng của một vị thiền sư với môn đồ tứ chúng, có sức cảnh tỉnh lớn đối với người đọc. Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: “Thơ thiền, xét như một loại thơ, nó phải có ba tính chất: một là truyền đạt được cách cảm nhận thế giới của thiền học, sự thức nhận về huyền ảo và chân như, có thế nó mới là thiền. Hai là bộc lộ được vẻ đẹp của thế giới và tâm hồn, như thế nó mới là thơ. Những tác phẩm nặng về tính chất một thì ít chất thơ. Những tác phẩm nặng về tính chất thứ hai làm nên nét độc đáo của thơ thiền. Ba là: thơ thiền là thơ của tầng lớp tăng lữ cấp cao, tầng lớp trí thức đặc biệt không giống với tình cảm Phật giáo dân gian”.

Nếu xét theo tính chất trên thì bài “Khuyên học Phật” của Ưng Bình Thúc Giạ Thị cũng là một bài thơ thiền của một trí thức vương tôn thấm nhuần lẽ đạo và thấu hiểu tình đời.

Sau bao năm “chen chúc nhau chi đám bụi hồng” trên hành trình hoạn lộ qua các triều vua Thành Thái, Duy Tân, Đồng Khánh, Khải Định và Bảo Đại với các chức vụ Tri huyện, Tri phủ, Bố chánh, Án sát, Thượng thư, Thừa Thiên Phủ doãn, Chủ tịch Hội truyền bá Quốc ngữ Trung Kỳ, Viện trưởng viện Dân biểu Trung Kỳ, Hiệp lý Tôn Nhơn phủ triều Nguyễn… Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã từ giã chốn quan trường với tất cả niềm thanh thản và tự hào:

Thuở ra sân khấu không làm rộn
Khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi
Giở tấm gương vàng soi tóc bạc
Sương pha tuyết điểm lại càng tươi

            (Khai bút năm Bính Tuất - 1946)

Từ đây, nhà thơ được tự do sống trọn vẹn cuộc đời mình theo sở nguyện: “Cảnh tiên chùa Phật năng lui tới/ Nẻo lợi đường danh ít lại qua” trên quê hương Vỹ Dạ - Tây Thượng thân yêu của mình:

Trên thôn Vỹ Dạ dưới làng Tây
Tu Phật tu tiên ở chốn này

 
Đường Thượng thôn thẳng tới
Đò Bến Cạn đưa sang
Đây đây cửa ngõ tre vàng
Ghé thăm Thúc Giạ nghe chàng tụng kinh


Và ông đã có dịp chiêm nghiệm, quán chiếu cuộc đời mình:

Cứ loanh quanh mãi cuộc phiền ba
Tuổi tám mươi tư cũng đã già
Chưa mến quyển kinh cùng câu kệ
Vì ham câu lý lẫn câu ca
Nếu trò ổi lỗi không xem lại
Thời chuyện luân hồi khó vượt qua
Chữ Phật trong lòng tôi có sẵn
Rồi đây tôi cũng áo cà sa

                        (Nguyện tu)

Nguyện tu là một bài thơ tỉnh thức của một tâm hồn Phật tử trong sáng luôn luôn tự vấn lương tâm mình trên hành trình giải thoát. Trong “Kinh Pháp cú” - “Phẩm tâm”, đức Phật đã dạy: “Tâm kẻ phàm phu thường dao động hốt hoảng, khó chế phục. Nhưng người hiền trí chế phục được tâm, làm cho chính trực dễ dàng, như người thợ lành nghề khéo uốn nắn mũi tên” (P.C33) Trong lần thức tỉnh ở “tuổi tám mươi tư cũng đã già” này, Ưng Bình Thúc Giạ Thị ngộ được “tâm mình đã thanh tịnh, không còn các loạn động, vượt lên trên thiện ác nên không còn sợ hãi nữa” (P.C 39) mặc dù trong quá khứ ông đã “cứ loanh quanh mãi cuộc phiền ba”. Tâm thức tỉnh của Ưng Bình Thúc Giạ Thị là tâm của người hiền trí nên ông đã không ngần ngại hiển lộ giác tính của mình:

“Chữ Phật trong lòng tôi có sẵn
Rồi đây tôi cũng áo cà sa”


Ưng Bình Thúc Giạ Thị là người liễu tri được minh triết thậm thâm vi diệu của nhà Phật: “Phật tại tâm. Chân tâm thị Phật” - “Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành” - “Các người hãy tự mình cố gắng. Như Lai chỉ là người chỉ đường” - “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi! Hãy tinh tấn lên để giải thoát!” Và ông đã chuyển hóa những tư tưởng này thành những câu thơ rất minh triết:

“Soi gương trí tuệ đỡ cho mình
Là quyển Liên Hoa gợi tánh linh
Triêu mộ thường nghe chuông bát nhã
Phong ba khỏi lụy kiếp phù sinh
Sẵn lòng bác ái, sưa danh lợi
Hơn dáng tu hành giỏi kệ kinh
Không sắc - Sắc không qua trước mắt
Ai không cám cảnh lại thương tình”

                        (Đọc báo Liên Hoa)

Đây là bài thơ cảm tác sau khi nhà thơ đọc báo Liên Hoa - một trong những tờ tạp chí truyền bá chánh pháp có uy tín của Phật Giáo vào thập niên 50, 60 ở Cố đô Huế. Nhưng ở đây nhà thơ không chỉ đơn thuần là đọc báo mà ông đã đối thoại trực diện với tinh hoa giáo lý của nhà Phật. Bởi vì “Liên Hoa” (hoa sen) là biểu tượng cao quý của đạo Phật: “Như từ trong ao bùn nhơ, sinh ra hoa sen tỏa hương thơm tinh khiết ngọt ngào làm tươi đẹp ý đời; cũng thế, chỉ từ nơi chốn phàm phu ngu muội mới sản sinh ra bậc Chánh giác soi sáng thế gian”. (PC.58-59).

Và điều mà Ưng Bình Thúc Giạ gọi là: “Không sắc - Sắc không qua trước mắt” cũng chính là điều Kinh Bát Nhã đã dạy: “Không tức thị sắc sắc tức thị không”. Hiểu như vậy thì bài thơ Đọc báo Liên Hoa của Thúc Giạ là một thông điệp nhắc nhở chúng ta phải: “Triêu mộ thường nghe chuông bát nhã” để “Phong ba khỏi lụy kiếp phù sinh”.

Ưng Bình Thúc Giạ Thị từ lâu đã ngộ được điều này nên mặc dầu không xuất gia tu hành nhưng ông vẫn sống đời an lạc thảnh thơi với tất cả tấm lòng “Bi hỉ tương quan tình bạn hữu” và luôn luôn tỉnh thức:

Tiếng chuông lòng dội buổi tan sương
Đảnh lễ quy y trước Phật đường
Soi tỏ tâm linh nhờ đuốc tuệ
Rưới tan tục lụy sẵn cành dương
Giữ niềm bác ái không sai chạy
Thời bệnh sân si khỏi vấn vương
Tôi cũng như ai phường đạo hữu
Mong vào cửa Phật đến Tây phương

                        (Tiếng chuông lòng)

Tiếng chuông lòng là bài thơ tuyệt bút cuối đời của tác giả. Dòng lạc khoản cuối bài ghi: “Đầu mùa thu Canh Tý - 1960, 84 tuổi”. Tiếng chuông trong đạo Phật có ý nghĩa rất minh triết. Ở chốn thiền môn người ta không nói đánh chuông mà là thỉnh chuông. Thỉnh là mời. Thỉnh chuông là mời chuông lên tiếng. Như vậy chuông không còn là một thể tính của khối đồng rỗng ruột mà đã được Đức Phật hóa thành một vị Bồ Tát hóa thân để thức tỉnh chúng sinh trong cõi ta bà:

Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gởi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn

            (Nhất Hạnh - Thỉnh chuông)

Ba nghiệp lắng thanh tịnh” là “ thân - khẩu - ý” phải thanh tịnh và hòa hợp mỗi khi nghe tiếng chuông vang lên để “vượt thoát đau buồn” của sinh tử, luân hồi. Phật giáo vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên, sau khi được bản địa hóa đã trở thành người bạn đồng hành rất đỗi thân thương của dân tộc ta trên hành trình giữ nước và làm đẹp nước. Xuất phát từ tư tưởng phá chấp, thực tiễn hành động và khai phóng của mình, triết lý và đạo đức Phật giáo đã đến, đi vào và ở lại trong lòng mỗi người Việt Nam. Ai cũng có thể nghĩ được rằng “Phật ở trong lòng”, vì thế phải không ngừng nỗ lực tu tâm dưỡng tánh để hoàn thiện Phật tính trong con người mình.

Trong những năm tháng cuối đời, Ưng Bình Thúc Giạ Thị không những đã thỉnh chuông khi “đảnh lễ quy y trước Phật đường” mà còn thức tỉnh được “tiếng chuông lòng” của mình. Và ông cảm thấy tâm tư mình thật bình yên, vô ngại bởi vì đã vững niềm tin vào Chánh pháp:

Soi tỏ tâm linh nhờ đuốc tuệ
Rưới tan tục lụy sẵn cành dương
Giữ niềm bác ái không sai chạy
Thời bệnh sân si khỏi vấn vương


Với tâm cảnh đó, nhà thơ Phật tử Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã an nhiên tự tại trong “cõi đi về” của mình:

Tôi cũng như ai phường đạo hữu
Mong vào của Phật đến Tây phương


Những “Kệ chuông” mà từ xưa đến nay, các thiền sinh thường tụng niệm trong nhà chùa Việt Nam hàng ngày có bài:

Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai
Tĩnh tọa lòng an miệng cười
Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức
Mặt trời trí tuệ rạng muôn nơi

            (Nhất Hạnh - Thiền môn nhật tụng năm 2000)

Tiếng chuông lòng dội buổi tan sương” của Thúc Giạ cũng đã truyền đi thông điệp “từ bi - trí tuệ” này của chốn Thiền môn. Với nội lực Phật học và chân tâm luôn an trú trong chánh niệm, Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã viết được những bài thơ rất minh triết. Nếu thẩm định thơ thiền theo cách bình giá của GS. Trần Đình Sử trên đây thì rất nhiều bài thơ của Ưng Bình Thúc Giạ Thị như: Khuyên học Phật, Đọc báo Viên Ẩm, Đọc báo Liên Hoa, Nguyện tu, Tiếng chuông lòng… đều là những bài thơ thiền có giá trị đặc sắc trong rừng thơ thiền Việt Nam và trong kho tàng văn hóa, văn học dân tộc.

Cảm nhận về phẩm chất cao thượng và “thiền vị” trong cuộc đời và thơ ca của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, lúc sinh thời nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã viết:

Ôi, ngát mùi hương vương giả ấy
Ngoài vòng mưa gió hận chi đâu
Vẻ Tiên, lòng Phật đời viên mãn
Sân quế hòe không nhuốm biển dâu.


N.X.T  
(TCSH337/03-2017)
 

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và phụ thân trước cửa ngõ Châu Hương Viên năm 1958

Về đâu “Châu Hương Viên”?   

Ưng Bình Thúc Giạ Thị sinh thời sống ở Châu Hương Viên, nơi dệt mộng cho những tác phẩm thi ca bất hủ của thi sĩ. Ngôi nhà tọa lạc tại phường Tây Thượng, làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, nay địa chỉ là 353 đường Nguyễn Sinh Cung, Vỹ Dạ, Huế.

Năm 1961, cụ Ưng Bình mất, từ đó Châu Hương Viên cũng chìm vào dĩ vãng và nhất là khi con cái đi làm ăn xa, ngôi nhà một thời của chủ soái “Hương Bình thi xã” trở nên điêu tàn.

Năm 1985, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, người con gái út của cụ Ưng Bình được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế hứa sẽ lấy ngôi nhà làm nhà lưu niệm Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Bà Tôn Nữ Hỷ Khương đã viết đơn tặng ngôi nhà cho Nhà nước quản lý nhưng không được hồi âm.

Sự việc chìm lắng cho đến năm 1997, kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cụ Ưng Bình, con đường nối từ đường Nguyễn Sinh Cung qua Cồn Hến đã được chính quyền thành phố Huế đặt tên ông. Cũng tại buổi lễ long trọng này, bà Hỷ Khương có ý trao tặng ngôi nhà cho thành phố Huế để làm nhà lưu niệm Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Chính quyền thành phố Huế không nhận, với lý do khi đó nhà thuộc về địa phận huyện Phú Vang. Khi bà Hỷ Khương gặp lãnh đạo huyện Phú Vang và xã Phú Thượng với ý định trên, thì bên huyện Phú Vang nói Huế làm thì hay và ý nghĩa hơn, vì cụ là thi nhân nổi tiếng thuộc triều Nguyễn, và thôn Vỹ xưa vốn là thuộc Huế.

Sau năm 2000, Nhà nước đòi phải làm giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất. Những người con của cụ Ưng Bình không về Huế được, nên lúc này đã giao luôn giấy tờ bản chính vườn nhà để một người quen sử dụng cho được dễ dàng rồi lâm vào những tình huống bi đát khác. Đến nay, Châu Hương Viên đã hoang tàn, đổ nát, ban thờ cụ Ưng Bình không còn nguyên vẹn, vườn nhà bị nhiều hộ dân lấn chiếm.
Dấu thời gian trên ngôi nhà của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị - Ảnh: Đồng Văn - baothuathienhue

Về những di vật ngôi nhà Châu Hương Viên, hiện về phía bà Tôn Nữ Hỷ Khương chỉ còn giữ bức hoành phi có hai chữ “Lạc Thiện” còn sót lại treo chính giữa nhà như gia bảo độc nhất mà người cha cụ Ưng Bình đã để lại. Di tích về cụ Ưng Bình hiện cũng chỉ còn lại ngôi mộ được xây năm 1974 trong khuôn viên phần đất mộ gia đình gần chùa Thiên Hòa (Huế).

Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một trong những Danh nhân của Huế, một thi nhân của Việt Nam và Châu Hương Viên là một địa chỉ văn hóa đặc biệt, thiết nghĩ các cơ quan chức trách cần có biện pháp bảo tồn, khôi phục lại di tích Châu Hương Viên để tránh tình trạng biến mất một công trình chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử gắn bó với sự nghiệp danh nhân. Nhân kỷ niệm 140 năm ngày sinh của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (9/3/1877 - 9/3/2017), chúng tôi thiết mong có những động thái tri ân thiết thực về di sản của một thi sĩ tài hoa đất Cố đô hầu đáp lại sự thương mến của những người cảm tài Ưng Bình và sự bất lực từ phía gia đình.

Sông Hương


 



 

Các bài mới
Các bài đã đăng