Người Huế
Tầm nhìn chiến lược ngoại giao của Nguyễn Văn Thành đối với Xiêm La và Mãn Thanh dưới thời Nguyễn
14:42 | 13/12/2018


ĐẶNG THỊ THANH LOAN

Tầm nhìn chiến lược ngoại giao của Nguyễn Văn Thành đối với Xiêm La và Mãn Thanh dưới thời Nguyễn
Tượng Tiền Quân Nguyễn Văn Thành được tôn trí thờ vào tháng 5 năm Gia Long thứ 16 (1817) tại Đại Nội Huế - Ảnh: wiki

1. Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của khai quốc công thần Nguyễn Văn Thành

Nguyễn Văn Thành là một vị “quân sư” cho Nguyễn Ánh trong quan hệ ngoại giao với các nước lân bang. Với tầm nhìn sâu sắc của một nhà quân sự, chính trị tài ba, Nguyễn Văn Thành đã giúp Nguyễn Ánh duy trì được mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, vừa bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời thể hiện được uy thế của mình.

Nguyễn Văn Thành sinh ngày 13 tháng 11 năm Mậu Dần (1758), mất ngày 11 tháng 5 năm Đinh Sửu (1817), người xã Bác Vọng, huyện Triệu Phong (nay là thôn Bác Vọng Tây, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông được miêu tả là người có “trạng mạo đẹp đẽ, tính trầm nghi, thích đọc sách, tài võ nghệ1. Thuở nhỏ, Nguyễn Văn Thành được gia đình cho ăn học chu tất nên trong số các tướng thời Nguyễn Ánh, ông là người “thông sách vở và hiểu phép chính trị2, “nhiều mưu lược3.

Năm 1802, sau khi lấy được Bắc Hà, vua Gia Long đã tin cậy cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành - một vùng đất rộng lớn tương ứng với Bắc Bộ ngày nay. Với quyền hành như một Phó vương, ông được “ban cho sắc ấn, 11 trấn nội, ngoại đều lệ thuộc. Phàm những việc cắt bãi quan lại, xử quyết kiện tụng, đều được tùy mà làm rồi sau mới tâu4. Trên cương vị Tổng trấn Bắc Thành (1802 - 1810), Nguyễn Văn Thành đã có nhiều hoạt động giúp ổn định tình hình một nửa đất nước sau nhiều thế kỷ loạn ly. Trước hết, ông đã tập hợp nhân sĩ Bắc Hà, cựu thần, Nho sĩ nhà Lê đưa vào bộ máy nhà nước, bổ dụng các chức quan phù hợp. Ông cũng quan tâm đến vấn đề giáo dục và thi cử, đặt học điều để tuyển bổ quan lại, khuyến khích việc học. Chính vì vậy, ông được xem là vị kiến trúc sư tài ba trong việc kiến thiết nền Nho học vào đầu triều Nguyễn. Ngoài ra, Nguyễn Văn Thành cũng thực hiện nhiều biện pháp vỗ về an dân, khai khẩn đất đai, chia lại ruộng đất, chăm lo đê điều để ổn định đời sống. Năm 1806, ông đã dâng lên vua Gia Long địa đồ nội, ngoại trấn và dâng sớ đề nghị vua định lại biên giới các tỉnh phía Bắc với Trung Quốc. Ông tỏ ra là người hết sức linh hoạt, có tầm nhìn và đưa ra những chính sách phù hợp khiến ai nấy đều tâm phục khẩu phục. Ông cũng chính là người cho xây dựng những công trình góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp của vùng đất ngàn năm văn hiến như: xây dựng lại thành Thăng Long (1803 - 1805), xây Khuê Văn Các trong tổng thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám (1805), xây dựng Cột cờ Hà Nội (1805), xây chợ Đồng Xuân… Nhân dân Bắc Hà đã rất ngưỡng mộ vị Tổng trấn “tài đức song toàn” và gọi ông là “Chúa trấn”.

Năm 1810, Nguyễn Văn Thành được vua Gia Long triệu về kinh đô Phú Xuân giữ chức Trung quân. Tháng Giêng năm Tân Mùi (1811), ông được vua giao chủ trì soạn thảo bộ Hoàng Việt luật lệ (thường được gọi là bộ luật Gia Long). Tháng 12 năm đó (1811), khi Vũ Trinh dâng bản Phàm lệ soạn sử. Vua Gia Long đã cử Nguyễn Văn Thành sung chức Tổng tài, Phạm Như Đăng làm phó soạn Quốc triều thực lục. Ông là người duy nhất trong lịch sử Việt Nam giữ hai chức Tổng tài cùng một lúc, vừa phụ trách soạn luật, vừa viết quốc sử. Trong số các quan thời Gia Long, hiếm có người nào văn võ tài toàn như Nguyễn Văn Thành.

2. Đối sách của Nguyễn Văn Thành trong quan hệ ngoại giao với Xiêm La

Bên cạnh việc ra sức xây dựng chính quyền, lực lượng ở Gia Định vững mạnh, Nguyễn Ánh phải tìm cách thiết lập mối quan hệ đối ngoại với bên ngoài để tăng cường sức mạnh của mình. Đáng kể nhất là đối với hai nước lớn trong khu vực là Xiêm La với Mãn Thanh. Với vai trò là cận thần bậc nhất của Nguyễn Ánh, Nguyễn Văn Thành đã giúp Nguyễn Ánh đưa ra những sách lược đối ngoại cụ thể với từng quốc gia hết sức sắc sảo. Những quan điểm trong quan hệ với Xiêm La và Mãn Thanh đã chứng tỏ tầm nhìn ngoại giao của Nguyễn Văn Thành.

Quan hệ ngoại giao giữa Đàng Trong và Xiêm La bắt đầu khá muộn, mãi đến năm 1750 chúa Nguyễn Phúc Khoát (Võ Vương) cử phái bộ ngoại giao mang thư sang trách cứ triều đình Xiêm La (Thái Lan) nhúng tay can thiệp vào nội bộ Chân Lạp. Đây là lần đầu tiên có sự bang giao chính thức giữa Đại Việt và Xiêm La5. Đến cuối thế kỷ XVIII, năm 1778, khi Nguyễn Ánh chiếm được Gia Định, ông đã phái cai cơ Lưu Phúc Trung cầm đầu sứ bộ sang Xiêm La để giao hảo. Năm 1780, khi Nguyễn Ánh mới xưng vương ở Gia Định chưa lâu, Xiêm La đưa quân chiếm Chân Lạp. Nguyễn Ánh đã cử Nguyễn Hữu Thụy và Hồ Văn Lân đem binh vào ứng cứu. Lúc này hai viên tướng của Xiêm là Chất Tri và Sô Si đã thương lượng với Nguyễn Hữu Thụy, hai bên dàn hòa chiến trận, cam kết giao hiếu với nhau. Sau đó, Chất Tri và Sô Si về nước lật đổ Trịnh Quốc Anh để lên ngôi vua. Từ đó, mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh và Xiêm La càng thêm khăng khít. Trong thời gian giao tranh với Tây Sơn, có những lần thất thế Nguyễn Ánh đã chạy sang Xiêm La để trú ngụ. Lần đầu là vào năm 1780 và lần hai vào năm 1785. Những lần Nguyễn Ánh đến Xiêm La, vua Xiêm đón rước rất trọng thị và hai bên đã giao ước hoạn nạn phải giúp nhau. Có thể nói, giữa Nguyễn Ánh và vua Xiêm La (Chất Tri và Sô Si), hai bên khá thân thiết.

Năm 1784, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi phải chạy sang Xiêm. Sau khi Nguyễn Ánh thổ lộ nỗi niềm và tình hình của mình, vua Xiêm đã đồng ý giúp sức và hai bên đã định ngày cử binh. Tháng 6 năm Giáp Thìn (1784), vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 2 vạn thủy binh và 300 chiến thuyền đến Nam Bộ. Tuy nhiên, liên quân Xiêm La - Nguyễn Ánh đã bị thất bại nặng nề trước thiên tài quân sự Nguyễn Huệ tại trận Rạch Gầm - Xoài Mút, phải rút quân về.

Đến năm 1786, khi quân “Miến Điện do ba đường tiến binh xâm lấn đất Sài Nặc nước Xiêm... vua Xiêm xin vua [Nguyễn Ánh] giúp kế hoạch6. Nguyễn Ánh đã “sai Lê Văn Quân và Nguyễn Văn Thành đi trước, dùng ống phun lửa để đánh. Quân Miến Điện sợ chạy, chết không kể xiết, bị bắt 500 người. Vua Xiêm thán phục, trở về mang vàng lụa đến tạ, muốn lại giúp quân chi vua [Nguyễn Ánh] thu phục Gia Định7. Lúc đó, Nguyễn Ánh đã triệu các tướng đến bàn, Nguyễn Văn Thành tâu rằng: “Vua Thiếu Khang chỉ có một lữ còn dựng được cơ nghiệp nhà Hạ. Ta nuôi sức mạnh mà thừa chỗ sơ hở thì việc còn có thể làm được, chứ nếu mượn người ngoài giúp, đưa Di Địch vào trong tâm phúc thì sợ để lo về sau. Không bằng cứ yên tĩnh để chờ cơ hội là hơn. Vua khen phải, việc ấy bèn thôi8.

Qua lời tâu đó cho thấy, Nguyễn Văn Thành là người có tầm nhìn xa trông rộng, biết nhìn trước nhìn sau, tính toán kỹ lưỡng chứ không vội vàng, nhìn thấy cái lợi trước mắt mà quên đi sự nghiệp lâu dài. Ông sớm rút ra bài học lịch sử từ sự kiện quân Xiêm đã từng “giúp” Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn vào năm 1784. Nguyễn Văn Thành đã thấy được bản chất của quân Xiêm, đây là đội quân “tàn bạo, đến đâu là cướp bóc đến đấy, nhân dân ta oán rất nhiều9, nên đã không vì quyền lợi của một nhóm người mà để nhân dân phải chịu cảnh lầm than, cơ cực. Mặc khác, nếu nhờ quân Xiêm sang đánh Tây Sơn thêm một lần nữa, người dân Nam Bộ sẽ càng oán hận Nguyễn Ánh nhiều hơn và khi đó sự nghiệp khôi phục vương quyền của họ Nguyễn lại càng khó khăn. Đây chính là nhãn quan của một vị tướng tài ba và dày dặn kinh nghiệm, biết nhìn xa trông rộng và vì đại cuộc. Đồng thời, cũng thể hiện tấm lòng thương dân, “trọng dân”, vì lợi ích của nhân dân. Sau này, khi làm quan Tổng trấn Bắc Thành, ông đã có những việc làm thể hiện rất rõ tư tưởng trọng dân, yêu dân.

Không chỉ vậy, Nguyễn Văn Thành còn “nhìn thấy” mưu đồ của quân Xiêm là muốn “thôn tính” cả nước ta thông qua “thiện chí giúp đỡ”. Trong thời gian này, Xiêm La đang thực hiện đường lối đối ngoại bành trướng xâm lược. Từ năm 1782 dưới sự trị vì của Ra Ma I, ông đã tiến hành hàng loạt các cuộc chiến tranh xâm lấn những quốc gia nhỏ lân cận như: Chiềng Xen, Chiềng Rai, Viêng Chăn, các quốc gia nhỏ bán đảo Malacca... phong kiến Xiêm La cũng chờ có cơ hội là nhòm ngó lãnh thổ Đại Việt. Cho nên, từ chối “thiện chí” của Xiêm La không chỉ tránh được nỗi khổ cho dân chúng mà còn tránh được “sự lo về sau”. Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quan hệ ngoại giao với Xiêm La mà Nguyễn Văn Thành đã sớm nhìn ra. Nhờ vậy, đã tránh được mối họa “đem giặc vào trong nước” Quan điểm ngoại giao này trở thành “kim chỉ nam” cho triều thần nhà Nguyễn trong quan hệ với Xiêm La từ đó trở về sau. Từ sau lời tâu của Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Ánh cũng đã nhận ra được dụng ý của quân Xiêm nên luôn giữ thái độ hòa hiếu, mềm mỏng với Xiêm La nhưng nhất quyết không nhận sự giúp đỡ của Xiêm về quân sự. Điều này được sử triều Nguyễn ghi lại như sau: “Tháng 3 (năm Nhâm Tý 1792), nước Xiêm La đưa thư đến nói xin giúp quân đi theo miền thượng đạo đánh giặc Tây Sơn... và yêu cầu ta đem Long Xuyên, Kiên Giang cho Mạc Công Bính, và đem Ba Xắc cho Chân Lạp. Vua [Nguyễn Ánh] viết thư trả lời rằng: Mạc Công Bính còn nhỏ, chưa có thể đương việc quân, nên sai giữ đó chứ không phải là tiếc gì đâu? Còn đất Ba Xắc không cho Chân Lạp là vì cớ phụ chính Chiêu Chủy Biện. Nếu được người khác của Xiêm đến thì quả nhân nào có tiếc gì? Những việc nhỏ nhặt ấy vương [vua Xiêm] bất tất phải quan tâm, cũng không phải đi lại nói nhiều làm gì”10.

Với tầm nhìn sâu sắc về vấn đề ngoại giao, Nguyễn Văn Thành đã giúp Nguyễn Ánh tránh được mối họa “cõng rắn cắn gà nhà” thêm một lần nữa. Ông đã vượt qua những tiền nhân bằng việc sớm nhận ra bài học của lịch sử từ sự kiện năm 1784 và đã không “dẫm lên vết xe đổ” đó. Nhờ vậy, đã giúp Nguyễn Ánh bảo vệ được lãnh thổ quốc gia, đồng thời cũng giữ được mối hòa hiếu với Xiêm La từ đó cho đến giai đoạn triều Nguyễn sau này.

3. Chiến lược đối ngoại với triều đình Mãn Thanh

Năm 1798, trong lúc quân Nguyễn và quân Tây Sơn đang tranh nhau làm chủ vùng Quy Nhơn - Quảng Nam, Nguyễn Văn Thành cùng Đặng Trần Thường dâng sớ lên Nguyễn Ánh nói rằng: “…ta cùng Tây Sơn chính là lấy nước nọ địch với nước kia, thế phải phạt giao cầu cứu, khiến thế giặc này cô lập, thế mới là kế vẹn toàn”11. Như vậy, chính Nguyễn Văn Thành là người đã tham mưu cho Nguyễn Ánh chủ động thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trước đó, Nguyễn Ánh đã từng cho người sang Trung Quốc, nhưng chỉ “để mua sách vở và hàng hóa12. Cho nên, quan hệ chính thức về mặt ngoại giao giữa hai bên vẫn chưa có. Tiếp đó, Nguyễn Ánh sau khi chiếm được Gia Định, năm 1788 đã phái ngay một sứ bộ do Phan Chính Trọng đem quốc thư sang Lưỡng Quảng. Tuy nhiên, lúc này nhà Lê vẫn còn “chính vị” và đang là phiên thần của Trung Quốc. Vì vậy Nguyễn Ánh vẫn chưa thiết lập được quan hệ với nhà Thanh. Ngay cả vua Quang Trung, sau khi đánh bại 20 vạn quân Thanh, chiến thắng lẫy lừng nhưng sau đó vẫn “dâng biểu tạ tội, xin giảng hòa với nhà Thanh13. Từ bài học của lịch sử cho thấy, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà Thanh là rất cần thiết đối với Nguyễn Ánh lúc này. Mối quan hệ đó sẽ tăng thêm “đồng minh” cho Nguyễn Ánh ở phía Bắc, cùng với đồng minh Xiêm La ở phía Nam. Cho nên, khi thuyền của quân Nguyễn được Trung Quốc giúp đỡ, Nguyễn Văn Thành đã lạc quan về khả năng nối lại quan hệ với nhà Thanh.

Nguyễn Văn Thành đã phân tích kỹ tình hình, đặc biệt là mâu thuẫn giữa Tây Sơn và nhà Thanh sau sự kiện năm Kỷ Dậu (1789) để làm cơ sở cho việc bang giao của Nguyễn Ánh: “...và người Thanh tự lúc có việc ở Bắc Hà bị Tây Sơn tỏa triết, sao khỏi đau lòng rức óc vừa giận vừa thẹn, tạm tha để đợi cơ hội. Nay nhà Thanh Gia Khánh đế mới nối ngôi, bắt đầu chấn chỉnh tưởng không như khí tượng năm Càn Long, người Thanh lo bọn giặc biển khống chế chưa được, đã hịch cho Tây Sơn tìm bắt giặc biển; Tây Sơn cũng bỏ quên đây, thì người Thanh giận chưa trừ được giặc biển cũng giận Tây Sơn đấy... Họ [nhà Thanh] nghĩ Tây Sơn lấy được cả Nam Việt không ai địch nổi, về hư thực mạnh yếu chỉ nghe lời nói của lái buôn chưa đủ tin lắm... Nay quân ta tự thắng trận ở Đà Nẵng về sau lũ đen giặc biển ta bắt được cũng nhiều... đem vài chiếc thuyền giặc làm đồ kiến khoản, vua nhà Thanh tất khen mà nhận, không nỡ coi thường ta14.

Việc thông sứ sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho thế lực của Nguyễn Ánh: “nếu được đến nơi vào chầu tùy nghi mở đóng, biện bạch phải trái. Một là nói rõ Tây Sơn xưng thần ở Trung Quốc mà xưng đế ở ngoài, đạp vào chỗ kỵ của họ để gây sự hiềm khích. Hai là ta hỏi thăm vua Lê, ngầm thông tin tức... Nếu họ còn giữ được... lễ nghĩa liêm sĩ thì sao nỡ bỏ đó mà không hỏi. Làm thế thì lợi nhỏ đâu? Ví họ lại lần chần, lấy nghĩa lý nói khích mà không đồng lòng thì cũng rõ danh nghĩa của ta... làm cho người ta kính sợ, việc cũng không hại gì”15. Sau khi phân tích kỹ tình hình, bên lợi, bên hại, Nguyễn Văn Thành đã tuyển cử Đông cung Thị học Ngô Nhân Tĩnh và Vĩnh trấn Ký lục Phạm Thuận đi sứ sang Thanh. Bởi vì theo ông “...việc đi sứ là việc quan trọng, thực nhờ một lời nói mà thành nước giỏi. Nếu không có người học rộng hiểu lý thì không làm nổi việc ấy16. Nguyễn Ánh cho lời sớ ấy là phải nên đã gấp rút thực hiện. Đến tháng 6 năm đó (1798), đã “cho Ngô Nhân Tĩnh làm Binh bộ Tham tri, đem quốc thư sang Quảng Đông17. Khi đến Quảng Đông, Ngô Nhân Tĩnh biết tin vua Lê Chiêu Thống đã chết nên “đã trở về ngay báo tin cho Nguyễn Ánh biết18. Mặc dù vẫn chưa thiết lập được quan hệ ngoại giao chính thức với triều đình nhà Thanh, nhưng việc chủ động cử sứ giả sang nhà Thanh để giao hảo là một chủ trương hết sức đúng đắn trong bối cảnh lúc bấy giờ, khiến nhà Thanh “không dám coi thường ta” và “tỏ danh nghĩa của ta”. Phương hướng ngoại giao của Nguyễn Ánh còn nhằm duy trì sự không can thiệp của nhà Thanh vào nội tình nước ta, ngăn chặn các hoạt động quân sự của quân Thanh núp dưới chiêu bài “phò Lê”. Cho nên, đến khi làm chủ Phú Xuân, Nguyễn Ánh đã bàn với đình thần việc viết thư sang Trung Quốc hỏi việc bang giao. Sau khi vào Thăng Long, Nguyễn Ánh đưa thư cho Lưỡng Quảng Tổng đốc hỏi việc bang giao đồng thời sai Thiêm sự Lê Chánh Lược, Trần Minh Nghĩa qua ải Nam Quan chờ Trung Quốc trả lời. Những hành động này đã đặt nền móng cho quan hệ ngoại giao giữa nhà Thanh và Gia Long sau này.

Lăng mộ Tiền quân Nguyễn Văn Thành - Ảnh: wiki


4. Lời kết

Nguyễn Văn Thành không chỉ là một vị thân tướng tài ba của Nguyễn Ánh trên lĩnh vực quân sự, ông còn là một vị quân sư có tầm nhìn sâu sắc trong việc hoạch định đường lối ngoại giao cho Nguyễn Ánh. Trong giai đoạn chưa làm chủ hoàn toàn cả nước, quân Nguyễn đang tìm mọi cách để xây dựng lực lượng và thanh thế cả trong và ngoài nước, trong đó có việc tìm kiếm đồng minh. Đây là việc làm nhằm tăng cường sức mạnh cho mình, đồng thời “thêm kẻ thù” cho đối phương. Là một cận thần của Nguyễn Ánh, Nguyễn Văn Thành luôn tìm mọi cách để giúp chủ tướng của mình đạt được mục đích. Đặc biệt, trong việc tìm kiếm đồng minh, Nguyễn Văn Thành luôn nhìn trước nhìn sau, phân tích kỹ tình hình, bên lợi, bên hại để giúp Nguyễn Ánh đưa ra những quyết định phù hợp.

Trên thực tế, Xiêm La là quốc gia vốn có quan hệ thân thiết với Nguyễn Ánh, và đã từng giúp Nguyễn Ánh. Có thể xem đây là “liên minh lâu dài” của Nguyễn Ánh. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Thành đã nhìn nhận một cách sâu sắc về bản chất của quân Xiêm nên đã khuyên Nguyễn Ánh không nên nhờ vào sự giúp đỡ của họ, nhờ vậy đã tránh được mối họa “đưa giặc vào trong nước”. Ngoài ra, với sách lược ngoại giao đó, Nguyễn Văn Thành đã tránh được vết xe đỗ “cõng rắn cắn gà nhà” mà trước đây Nguyễn Ánh đã mắc phải.

Ngược lại, đối với nhà Thanh, lực lượng của Nguyễn Ánh chưa được xem là chính thống. Vì vậy, để Nguyễn Ánh được “chính danh” và có thêm đồng minh, Nguyễn Văn Thành đã đề nghị Nguyễn Ánh chủ động cử sứ giả sang giao hảo với nhà Thanh. Đặc biệt, Nguyễn Văn Thành nhanh chóng xúc tiến các hoạt động liên hệ với nhà Thanh để khôi phục kịp thời quan hệ Việt - Trung sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ.

Những việc làm của Nguyễn Văn Thành chứng tỏ ông là người có tầm nhìn rất sâu sắc trên lĩnh vực quan hệ ngoại giao. Nhờ vậy, đã giúp cho Nguyễn Ánh giữ được mối quan hệ hòa hiếu với Xiêm La, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho quan hệ giữa vua Gia Long và nhà Thanh sau này. Đây là một thành công lớn trong chiến lược ngoại giao của Nguyễn Ánh - Gia Long, trong đó có công lao và đóng góp rất lớn của Nguyễn Văn Thành.

Đ.T.T.L  
(TCSH357/11-2018)

-------------
1. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam chính biên liệt truyện, tập 2, Nxb. Thuận Hóa, Huế,  tr.368.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Quốc triều chính biên toát yếu, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.66.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Quốc triều chính biên toát yếu, tlđd, tr.25.
4. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - Viện sử học (2013), Sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Văn Thành  với lịch sử dân tộc Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX (kỷ yếu Hội thảo khoa học).
5. Đinh Thị Dung (2001), Quan hệ ngoại giao của triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX, Luận án Tiến sĩ  chuyên ngành lịch sử Việt Nam, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, tr. 101.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, tlđd, tr. 225.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, tlđd, tr. 225.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, tlđd, tr. 225.
9. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, tlđd, tr. 222.
10. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, tlđd, tr. 284.
11. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam chính biên liệt truyện, tlđd, tr.375-376.
12. Nguyễn Lương Bích (1996), Lược sử ngoại giao Việt Nam qua các thời, Nxb. Quân đội Nhân dân,  HN, tr. 212.
13. Đinh Thị Dung, tlđd, tr. 29.
14. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam chính biên liệt truyện, tlđd, tr. 376.
15. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, tlđd, tr. 368.
16. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam chính biên liệt truyện, tlđd, tr. 376
17. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Quốc triều chính biên toát yếu, tlđd, tr. 45.
18. Nguyễn Lương Bích (1996), tlđd, tr. 212. 




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng