Người Huế
Hỏi chuyện Bửu Ý
09:09 | 18/02/2019

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Bạn đọc và những người am hiểu Huế chắc đã không lạ với tên tuổi của những người cháu và chắt của nhà thơ Tuy Lý Vương như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Ưng Quả, Bửu Cầm, Bửu Hội, Bửu Huyền (nhạc sĩ), Bửu Chỉ (họa sĩ) v.v. 

Hỏi chuyện Bửu Ý
Ảnh: internet

và thật là thiếu sót nếu không nhắc đến Bửu Ý - nhà giáo có một quá trình hoạt động văn học nghệ thuật đáng kể. Mở đầu cho đề mục GẶP GỠ - ĐỐI THOẠI trên Sông Hương, chúng tôi đã dành hỏi chuyện anh Bửu Ý.

Nguyễn Đắc Xuân:
Anh vui lòng cho biết anh đã học trường nào, học xong và đi dạy từ năm nào, anh đã dịch được bao nhiêu tác phẩm, tác phẩm nào anh vừa ý nhất?

Bửu Ý:
Tôi đã theo học các trường Institut de la Providence, tiếp theo là Lycée Francais ở Huế, và Lycée Yersin ở Đalat. Tôi tốt nghiệp Đại học Văn Khoa Huế năm 1960 nhưng, trước đó, tôi đã bắt đầu đi dạy năm 1957 tại trường Quốc Học Huế.

Tôi đã dịch trên 15 tác phẩm, trong đó có 10 tác phẩm đã in ra. Trong loạt này, anh hỏi tôi vừa ý cuốn nào nhất? Thật tình mà nói, tôi chẳng vừa ý cuốn nào cả. Lý do như thế này: thứ nhất, dịch thuật đã không gây thích thú cho tôi mà lại bắt tôi đổ công sức và mất thì giờ khá nhiều, vậy mà lắm khi vẫn phải làm; thứ hai, nếu có thích thú chăng, thì thích thú qua nhanh để ta nghĩ đến việc khác và không buồn nghe nhắc nhở đến nữa; thứ ba, bản dịch nào tình cờ đọc lại, tôi đều cảm thấy có thể sữa đổi thêm bớt nơi này nơi kia...

N.Đ.X:
Hiện nay tôi được biết anh phụ trách khoa Pháp văn và dạy Pháp văn, anh cho biết sinh viên của anh học môn ngoại ngữ này như thế nào? Họ có thích học không? Họ nghĩ gì về tương lai nghề nghiệp của họ?

B.Y:
Cái thích thú học tập của sinh viên nói chung, chứ không riêng gì sinh viên khoa Pháp, đi liền với sự kích thích học tập. Nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố: điều kiện học tập, môn học, thầy dạy, nhất là viễn ảnh ra trường, bổ nhiệm và chen sống.

Nay điều kiện học tập (sách giáo khoa, tạp chí, phương tiện nghe nhìn, phim ảnh...) được cải thiện nhiều, triển vọng của tiếng Pháp có phần sáng sủa hơn. Riêng viễn ảnh tốt nghiệp và bổ nhiệm của sinh viên khoa Pháp vẫn bị trắc trở nặng nề: ra trường, sinh viên đứng trước hai ngả đường: hoặc là không có nhiệm sở, thất nghiệp và chờ thời; hoặc là tự thân vận động bằng những thủ thuật không mấy đẹp đẽ. Như vậy là sinh viên có lối vào trường (tuy khá chật vật) mà lại không có lối ra trường.

Tình trạng này ảnh hưởng đến tinh thần học tập, số lượng đội ngũ sinh viên, và cần được giải quyết gấp rút.

N.Đ.X:
Người ta thường quan niệm muốn học giỏi ngôn ngữ của một nước phải am hiểu lịch sử, văn minh, văn hóa của nước đó. Anh cho biết sinh viên Pháp văn của anh có được đào tạo theo hướng đó không?

B.Y:
Hiện nay, trong cả nước, sinh viên khoa Ngoại Ngữ nói chung đều học "ngữ" nặng hơn học "văn" trong suốt học trình 5 năm. Sinh viên học "văn học" và "văn minh" đất nước Pháp trong hai năm cuối, và học các yếu tố "văn hóa xã hội" bàng bạc qua từng bài khóa của các sách giáo khoa dạy tiếng Pháp. Ngoài ra, sinh viên trau dồi thêm tri thức về nước Pháp qua báo chí và phim ảnh của phòng Tư liệu và phòng Thiết bị của khoa Pháp.

N.Đ.X:
Anh cho biết sơ lược về mối quan hệ của khoa PV ĐHSP Huế với các tổ chức của chính phủ và phi chính phủ ở Pháp? Các tổ chức ấy đã giúp gì? Giá trị của sự giúp đỡ ấy?

B.Y:
Chúng tôi có những thảo luận bước đầu hoặc những thỏa ước trong phạm vi hợp tác nghiên cứu khoa học và xây dựng phát triển với Paris, Bordeaux, Besancon.

Đại sứ quán Pháp ở trong nước giúp chúng tôi những trang thiết bị, sách báo, phim ảnh, một hai học bổng hàng năm tu nghiệp tại Pháp.

Ngoài ra, đoàn thể tư nhân CODEV (Coopération et Développement, Hợp tác phát triển) hoạt động rất tích cực không riêng với khoa Pháp hoặc trường Đại học Sư phạm Huế mà còn đối với cả thành phố Huế. Tổ chức này có đại diện thường trực tại Huế, tiến tới sẽ có trụ sở. Họ cấp học bổng (tuy không lớn lắm) cho toàn bộ sinh viên khoa Pháp kèm theo một số sinh viên các khoa khác học tiếng Pháp, giới thiệu người "đỡ đầu". Họ giúp đỡ thiết kế đường điện ở vài địa điểm trong thành phố, đổ vốn ra thúc đẩy sản xuất một số mặt hàng tiểu công nghệ mà họ sẽ làm môi giới tìm thị trường tại Pháp, tự nguyện bảo trợ những công trình nghiên cứu chỉnh trang và phát triển thành phố Huế v.v. Tháng 4.1991, đoàn thể này mở tại Huế một lớp học về "Quản lý kinh tế" (Gestion économique). CODEV là một đoàn thể gồm những thành viên ở nhiều địa hạt hoạt động xã hội khác nhau, vì vậy có tiềm năng phong phú và đa dạng. Điều đáng quý ở họ, là: họ là những người thông hiểu và thông cảm những khó khăn và thiếu tiện nghi của ta, họ là những người ở tư thế "sẵn sàng" và chờ đợi chúng ta "sẵn sàng" để cùng nhau bắt tay vào việc.

N.Đ.X:
Trước kia tôi có nghe sinh viên ngoại ngữ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp xúc với người nước ngoài, hiện nay anh thấy có còn gì khó khăn nữa không? Những khó khăn (nếu có) ấy giải quyết bằng cách nào?

B.Y:
Tình hình, nói chung, khá cởi mở. Ta chỉ nên tránh sự phóng túng, xô bồ mà thôi. Huế phải là một trung tâm du lịch càng ngày càng khẳng định mình và càng ngày càng thu hút du khách. Khách nước ngoài thường khen tặng dân tình ở đây bằng nhận xét: "Đi đâu chúng tôi cũng thấy nụ cười, không thấy ai có cử chỉ ác cảm hay là gây hấn đối với chúng tôi".

Chúng tôi đề nghị Ngoại vụ Tỉnh và các phần hành công an quy kết lại thành một đầu mối để cho trường học liên hệ công tác thuận tiện và mau chóng trong việc đối ngoại.

N.Đ.X:
Tôi cũng được biết anh đã được sang Pháp tu nghiệp 9 tháng, anh cho biết những thu hoạch chính trong chuyến đi đó có ích lợi gì trong việc giảng dạy và dịch thuật Pháp văn của anh?

B.Y:
Tôi thu hoạch được rất nhiều điều đáng quý nhưng chẳng liên quan gì đến việc giảng dạy và dịch thuật của tôi. Tôi xin tâm sự với anh như thế này:

Tôi rất thích nhiều mặt tổ chức xã hội tại Pháp, như: các phương tiện vận chuyển công cộng, vệ sinh đường phố, ý thức làm đẹp sân bãi, tụ điểm giải trí, siêu thị, sự hội nhập của người nước ngoài vào xã hội Pháp, lòng trân trọng yêu quý đối với lịch sử đất nước và tiến hóa loài người (hay là cái "ý thức bảo tàng"), tình yêu thiên nhiên thể hiện qua sự chăm sóc cây trồng, bảo vệ chim, tổ chức thông tin và tiện nghi đến các vùng xa xăm nhằm xóa nhòa mức sống chênh lệch giữa các vùng lớn nhỏ, đề cao nét độc đáo của từng nơi nhỏ, tạo thủ đô thành một nơi lễ lạc suốt ngày và suốt năm... Tạm nêu ra với anh một số khía cạnh trong đời sống ở Pháp mà tôi sực nhớ ra như vậy.

Tôi còn làm quen một số người Việt tại Pháp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Họ tò mò và vui mừng gặp tôi, không phải vì cá nhân tôi, mà vì những gì thuộc về Việt Nam mà tôi đang chuyên chở. Những tình cảm quê hương nung nấu tâm hồn họ, khiến cho họ lăn xả vào cuộc sống, tạo cho họ một đời sống phong phú về nhiều mặt, trong khi họ vẫn thao thức không nguôi về thân phận tha hương của mình.

Tôi sợ anh cho rằng mấy lời dông dài này đi lệch ra ngoài câu hỏi của anh. Nhưng tôi thiết nghĩ rằng những kinh nghiệm run rủi của tôi trên đất người không ngớt âm vang trên những công việc hàng ngày của tôi.

N.Đ.X:
Anh có nhận xét gì về tình hình dịch thuật văn học Pháp ở nước ta hiện nay? Anh có dự định dịch thuật gì không? Nếu có anh cho biết vì sao anh chọn những tác phẩm ấy?

B.Y:
Thú thật tôi không theo dõi tình hình dịch thuật một cách đầy đủ, nên tôi sợ ý kiến của mình có thể sai sót.

Trước hết, tôi có cảm tưởng các nhà xuất bản không có kế hoạch dài hơi và chủ trương rạch ròi về việc này.

Tôi nhận thấy vấn đề dịch thuật hiện nay đang lâm vào một tình trạng khá phức tạp và bất bình thường: có lẽ vì bớt thích truyện sáng tác mà người ta đọc truyện dịch, chứ không hẳn đọc truyện dịch như là truyện nước ngoài với ý thức mở ngỏ đối với những chân trời mới. Một điểm khác: người ta đọc truyện dịch là hòng mong tìm ra một lối thoát cho tưởng tượng, và trong chiều hướng này, người ta bay bổng theo một cảnh lạ hoặc một cốt truyện hấp dẫn: đây là một sự tìm kiếm bù đắp vào những khoảng trống trong đời sống và tâm hồn người đọc. Cho nên thay vì hướng đến truyện, người đọc lại hướng vào chính mình. Hệ quả của hiện tượng này là: người ta vẫn đọc truyện nước ngoài nhưng không bận tâm đến văn học nước ngoài.

Hiện nay tôi không định dịch tác phẩm nào hết. Tôi mất hứng thú đối với công việc này vì vài dịch phẩm của tôi tiếp tục bị mắc kẹt - và có lẽ bị mắc kẹt chung thân - tại vài nhà xuất bản: Nhà xuất bản Quảng Nam Đà Nẵng, Nhà xuất bản Tác phẩm mới ở Hà Nội và... Tủ Sách Sông Hương ở Huế.

N.Đ.X:
Huế là một trung tâm văn hóa Việt Nam, anh nghĩ gì về tình hình trao đổi văn hóa VN và văn hóa Pháp trên đất Huế? Đã đến lúc đề xuất nên hình thành dần dần một trung tâm văn hóa Pháp tại Huế chưa?

B.Y:
Những trao đổi văn hóa giữa Pháp và Việt Nam, và riêng với Huế, đã khởi công bằng những bước dò dẫm đầu tiên.

Đại học Bordeaux III và Khoa Viễn Đông đã soạn thảo thỏa ước hợp tác với Đại Học Sư Phạm Huế nhằm trao đổi sinh viên và giáo viên. Đại Học này cũng sẵn sàng hỗ trợ việc thành lập một Đại Học Pháp Ngữ dạng tư thục tại Huế. Những dự án này chỉ chờ đợi đèn xanh phía ta bật ra là tiến hành.

Nhà xuất bản Syros ở Paris từng có đại diện sang thăm Huế, hiện đang dịch thơ và truyện ngắn của một số tác giả Thừa Thiên Huế ra tiếng Pháp.

Một số nhân vật trong chính quyền Pháp đặc biệt có cảm tình với Huế mà ta có thể tranh thủ được, trong số đó có thị trưởng Paris là Jacques Chirac, Bộ trưởng khối Pháp ngữ Alain Decaux, Bộ trưởng văn hóa Jack Lang. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, ông Jack Lang sẵn sàng yểm trợ cho ta tổ chức một Đại hội thanh niên Pháp - Việt tại Huế nếu như phía ta cũng sẵn sàng.

Ông Michel Fournié, Giáo sư Việt ngữ tại học viện Quốc gia nghiên cứu các ngôn ngữ và văn minh Đông Phương, tháng 3.1991, sang thăm Hà Nội, Huế, Saigon và bàn thảo chương trình hợp tác trao đổi.

Dịp hè 1991, nếu ta đồng ý, sẽ có một đoàn học sinh phổ thông nhiều quốc gia trong khối tiếng Pháp đến Huế.

Huế cũng đã gửi sang Paris, trong ý hướng giới thiệu nghệ thuật của Huế với người Pháp, các họa sĩ Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, và đoàn ca sĩ...

Trong lãnh vực trao đổi văn hóa, ta có nhiều khả năng và tiềm năng.

Riêng Hội Văn Học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Tạp chí Sông Hương nên chuẩn bị tinh thần và sức lực cho việc này. Tôi mong anh em văn nghệ sĩ Huế sẽ có nhiều dịp đi Pháp.

Người Pháp ngày xưa biết nhiều về Huế và để lại nhiều bút tích, trong đó có bộ tạp chí giá trị là BAVH sẽ trở thành sợi chỉ Ariane dẫn dắt người Pháp thế hệ hôm nay đến Huế như là trở về một quê hương văn hóa chung, hay là một trung tâm du lịch cần bảo tồn của mọi người.

Hiện nay Trung tâm văn hóa Pháp chưa hình thành trên danh nghĩa, nhưng đã tượng hình về mặt hoạt động. Trong khuôn khổ Đại Học Sư phạm Huế, đang hoàn thành trang thiết bị cho một Trung Tâm hoạt động tiếng Pháp (Centre d’Animation Francophone). Cũng nên nói thêm rằng đang có một Tùy viên Ngôn ngữ Pháp (Attaché Linguistique) thường trú tại Huế.

N.Đ.X:
Anh cũng là một ủy viên trong BCH Phân hội Văn học của Hội Văn nghệ TTH. Anh có nhận xét gì về tình hình văn nghệ của VN nói chung và của TTH nói riêng hiện nay?

B.Y:
Thấy người ta làm báo ở thành phố Hồ Chí Minh mà thèm thuồng, náo nức. Thừa Thiên Huế làm ăn chậm chạp, rụt rè, "phải đạo", lâu lâu vẫn bị mắng mỏ. Tóm lại: buồn bã và tỉnh lẻ. Chạnh lòng nhớ đến câu: "Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp".

Xin cám ơn anh đã trả lời cuộc phỏng vấn của Tạp chí Sông Hương.

6.2.1991
N.Đ.X
(TCSH45/03-1991)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng