Người Huế
Sự nghiệp quan trường và tư tưởng tiến bộ của danh nhân Đặng Huy Trứ
14:26 | 04/11/2024

NGUYỄN THẾ

Danh nhân Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) sống cách chúng ta gần 200 năm, nhưng cuộc đời và hành trạng của ông chứa đựng tấm gương nhân cách của một nhà nho, một sĩ phu yêu nước thế kỷ XIX.

Sự nghiệp quan trường và tư tưởng tiến bộ của danh nhân Đặng Huy Trứ
Chân dung danh nhân Đặng Huy Trứ - Ảnh: wikipedia

Sinh ra trong một gia đình “Thế gia Nho nghiệp” tại làng Thanh Lương, ngôi làng nằm bên con sông Bồ thơ mộng ở phía bắc Kinh thành Huế, nay thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Cách đây hơn 30 năm, nhóm Trà Lĩnh cùng con cháu hậu duệ đã làm sống lại chân dung cuộc đời của ông qua tập sách “Đặng Huy Trứ con người và tác phẩm” do Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1990. Từ nội dung thơ văn trong tác phẩm này, chúng ta mới thấy được cuộc đời và hành trạng của một nhà nho yêu nước thế kỷ XIX. Với tấm lòng yêu nước thương dân. Trong suốt thời gian làm quan, ông luôn tự coi mình là “người con của thứ dân” với tư tưởng thân dân ái dân.

Đặng Huy Trứ - tư tưởng tiến bộ về giáo dục

Đặng Huy Trứ mở đầu sự nghiệp bằng nghề dạy học. Thời gian đầu dạy học cùng cha ở Thanh Lương, đến năm 1848, khi vào Quảng Nam chờ bổ nhiệm, ông dạy học ở nhà Lý Mậu Thụy, người Minh Hương (ở Hội An); năm 1949 dạy học ở An Xuyên, An Nông rồi mở trường Thanh Hương ở Hội An, Quảng Nam. Năm 1851 - 1852, ông dạy học ở Mỹ Xuyên và Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế; mở trường tư thục Phong Mỹ ở Mỹ Xuyên.

Đặng Huy Trứ dạy học hơn 10 năm, di cảo trong thời kỳ dạy học ở các nơi vẫn còn như: Cáo thị mở trường tư thục Thanh Hương, Quảng Nam (1849); cáo thị mở trường Mỹ Xuyên, Phong Điền, Thừa Thiên Huế (1854) và một số bài thơ làm khi đang dạy học. Đặng Huy Trứ là người thầy rất mực khiêm tốn, ông đã viết trong bản cáo thị mở trường Thanh Hương: “Ta tài quê học kém, lạm dự khoa danh, lần đẫy mở hòm, nhiều sách chưa đọc. Lấy ống nhòm trời, có gì gọi là kiến thức; dùng ngao đong biển có gì là uyên thâm? Năm nay du học tới đây, kẻ sĩ lầm tôn làm thầy. Ôi! “ôn cố tri tân” là có thể làm thầy rồi, nhưng ta thì chưa thể. Đâu dám lên mặt của ông thầy mà tự phụ? Chỉ lo đêm ngày dốc sức “sư đệ tương trưởng” (thầy và trò cùngnhau trưởng thành), thế là có đất vui trong chốn danh giáo, đâu có đối xử với nhau như khách qua đường, giữ kín điều mình biết, ghìm chặt những điều mình hay1.

Trong cáo thị mở trường Mỹ Xuyên, Đặng Huy Trứ đã nhắc nhở học trò: “Tuy trường tư ở làng đâu phải là chỗ cao sâu, thầy giáo làng đâu phải là bậc mô phạm, bài tập ở nhà đâu phải là khuôn mẫu, họ tên trên bảng trường tư có gì là vinh hiển, nhưng nghĩ rằng: Kẻ sĩ học tập, tu dưỡng nên được danh tiếng lớn, thành sự nghiệp lớn thì không ai không bắt đầu từ quê hương2. Hai tiếng quê hương luôn gắn bó mãi với cuộc đời của mỗi con người. Quê hương, nơi ta sinh ra, nơi ta lớn lên, nơi có tổ tiên, họ hàng, gia đình, bạn bè, bà con làng xóm… Đặng Huy Trứ không bao giờ quên quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Đặng Huy Trứ mở trường dạy học trong xã Minh Hương của Hội An nhưng lại đặt tên trường là Thanh Hương. Phải chăng ông muốn nói rằng tên trường Thanh Hương là từ ghép để gợi nhớ ngôi trường tư thục Thanh Lương ở quê nhà và Minh Hương, nơi gia đình ông đang sinh sống và dạy học. Một thầy giáo người Việt mở trường dạy “Tứ thư, ngũ kinh, bách gia chư tử…” bằng chữ Hán ngay trong cộng đồng người Hoa như Đặng Huy Trứ là một trường hợp khá đặc biệt. Mặc dù lời lẽ ông viết trong cáo thị mở trường Thanh Hương rất khiêm tốn khi nói về mình, nhưng cũng không ngần ngại nêu những trường hợp môn sinh có ý coi thường: “Nhưng từ ngày mở trường đến nay, kẻ sĩ tới cửa có tới một nửa là người học vờ, thậm chí có người nhảy lên tự đắc, ngất nghểu như một cự nho. Lối văn tam trường thì thổi sáo dựa theo người, đến khi hỏi tới quy cách hành văn thì bụng rỗng như không. Vậy mà trong lòng vẫn tự cho rằng một ngày kia ắt đỗ cử nhân, ắt là tiến sĩ”. Ông đã khuyến khích môn sinh: “các sĩ tử cần phải dốc chí làm cho được, nếu có ý nghĩ trên thì cần phải sửa đổi, không có thì phải cố gắng hơn nữa, đọc khắp kinh sách mở rộng học vấn, mong đối mặt được với người xưa3.

Trong lúc dạy học, Đặng Huy Trứ thường khuyên học trò đào sâu suy nghĩ, cố gắng tìm hiểu những điều khó, những cái mới để được tiến bộ. Trong thời gian dạy học ở Ưu Điềm (Phong Điền, Thừa Thiên Huế), một lần ông bị bệnh nặng, học trò đến thăm hỏi thầy, ông đã làm bài thơ: “Bệnh trung thị môn đệ” (Trong cơn bệnh bảo học trò), có đoạn:

Đệ tử đa vấn an,
Tiên sinh bất vi hỷ.
Đệ tử đa vấn nan,
Tiên sinh tham tự ủy…

“Trò nhiều lần vấn an,
Thầy chẳng vui thích lắm.
Trò nhiều lần vấn nan,
Thầy thấy thêm tình cảm…”4

Quan niệm “sư đệ tương trưởng” (thầy và trò cùng nhau trưởng thành) là một tư tưởng giáo dục dân chủ và tiến bộ. Tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Trong quá trình dạy học, Đặng Huy Trứ hết lòng thương yêu và quan tâm đến sự tiến bộ của học trò, ông luôn động viên học trò nêu những câu hỏi khó (vấn nan) để cùng nhau đào sâu sự suy nghĩ, hiểu biết. Vì vậy, tình nghĩa giữa thầy trò ngày càng thêm gần gũi, bền chặt. Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, những thế hệ học trò lúc bấy giờ luôn tôn kính và vị nể Đặng Huy Trứ, một nhà nho lỗi lạc, một người thầy đầy tài năng và đức độ.

Năm 1848, Đặng Huy Trứ vào Quảng Nam chờ bổ nhiệm và dạy học. Ngày 5 tháng Chạp năm Canh Tuất (1850), thân phụ là Đặng Văn Trọng từ trần, ông về Huế thọ tang và mở trường dạy học ở Ưu Đàm, Mỹ Xuyên… Năm 1854, ông trở lại Quảng Nam, làm việc ở lỵ sở để chờ bổ nhiệm chính thức.

Hai lần đi công cán ở nước ngoài của Đặng Huy Trứ

Năm 1857, Đặng Huy Trứ được cử ra làm Thông phán ở Ty Bố chánh Thanh Hóa dưới quyền Hoàng Kế Viêm rồi làm nhiếp biên ấn vụ ở phủ Hà Trung; nhiếp biên ấn vụ phủ Quảng Hóa; Tri huyện Quảng Xương; nhận chức Tri phủ Thiên Trường (1861), rồi về làm Hàn lâm trước tác ở triều đình Huế. Năm 1863, Đặng Huy Trứ được cử làm Ngự sử lĩnh chưởng ấn khoa binh.

Sách Đại Nam thựclục[tháng 10 năm Quý Hợi, Tự Đức thứ 16 (1863)] chép: “Lang trung bộ Công là Trần Như Sơn đi công cán Quảng Đông. Vua sai các thần truyền chỉ bảo rằng: Lần đi này không chuyên về việc mua bán, nên để lòng hỏi kỹ công việc nước Thanh và tình hình các nước Phú Lãng Sa (Pháp), Xích Mao (Anh) mở cửa hàng buôn ở Quảng Đông và trước đây người Tây dương đến nước ta gây chuyện, các nước khác từng có nghe biết, hay bàn bạc chỉ trích ra sao? Cốt được tinh tường xác đáng, lại có cơ hội nào có thể giúp ích cho công việc được thì đều nên nghĩ kỹ, ghi rõ, khi trở về tâu lại5. Không rõ trong chuyến đi ấy, Trần Như Sơn có thực hiện được yêu cầu của triều đình hay không mà nhà vua tiếp tục cử Đặng Huy Trứ đi Quảng Đông? Lần đi này, nhà vua yêu cầu Đặng Huy Trứ phải cải trang như người Thanh. Có lẽ phải giả làm người Thanh thì mới điều nghiên được tình hình như nhà vua đã từng yêu cầu với Trần Như Sơn.

Người giới thiệu Đặng Huy Trứ đi công cán ở Quảng Đông với mục đích “thám phỏng Dương tình” (dò xét tình hình các nước phương Tây) ngay trên đất nước Trung Hoa là Phạm Phú Thứ, Thượng thư Bộ Hộ kiêm Cơ Mật viện đại thần. Ông nói: “Việc này không ai làm hơn Đặng Huy Trứ được”. Sở dĩ Đặng Huy Trứ được Phạm Phú Thứ tiến cử đi Quảng Đông lần này là vì ông là người có đầu óc canh tân, ủng hộ đường lối “chủ chiến”, luôn mong muốn đất nước tự cường tự trị để chống giặc ngoại xâm. Đặng Huy Trứ được triều đình chọn đi công cán ở Quảng Đông năm 1865, trước hết là do ông là người thông thạo tiếng Hoa (Quảng Đông, Phúc Kiến…), đã từng dạy học ở Minh Hương và sống cùng gia đình Lý Mậu Thụy, bang trưởng bang Quảng Đông từ năm 1848. Ngoài việc dạy học, ông thường giao du với các bang trưởng và người dân Minh Hương, vì vậy, ông rất am hiểu phong tục tập quán của cộng đồng người Hoa ở nơi đây.

Chấp hành lệnh vua, Đặng Huy Trứ phải cải trang thành người Thanh trước khi sang đất nước Trung Hoa. Dưới bài thơ: “Nghệ Phước Lâm tự bái Phật thế phát” (Đến chùa Phước Lâm bái Phật, xin cạo đầu), Đặng Huy Trứ đã ghi chú: “Đi sang Quảng Đông chuyến này tôi phải dóc tóc, tết đuôi sam theo tục nhà Thanh. Đáng lẽ, đợi sau khi ra biển, sẽ nhờ người nhà Thanh quen tay làm cho, nhưng tôi không chịu như thế6. Các bậc nho gia xưa đều quan niệm: “Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương” (thân thể tóc da đều do cha mẹ cho ta, không được hủy hoại), nhưng đây là lệnh của vua, bầy tôi phải chấp hành “dóc tóc, cạo đầu”, cải trang thành người nước ngoài để đi làm “công vụ”. Đặng Huy Trứ không muốn lưỡi dao trần tục đụng vào tóc của mình mà phải nhờ vào pháp khí Tam bảo của nhà Phật (dao cạo đầu của nhà chùa). Có thể chính sư trụ trì chùa Phước Lâm bấy giờ là người “chứng minh” cho lễ “dóc tóc, cạo đầu” của Đặng Huy Trứ. Theo các đời truyền thừa chùa Phước Lâm thì trụ trì đời thứ tư của chùa Phước Lâm lúc bấy giờ là Hòa thượng Toàn Nhâm Quán Thông. Trong bài viết: “Đạo tình giữa Tĩnh Trai Đặng Huy Trứ và Hòa thượng Toàn Nhâm - Quán Thông”, tác giả Phan Đăng đã cho chúng ta biết rõ hơn về mối quan hệ giữa Đặng Huy Trứ và Hòa thượng Toàn Nhâm Quán Thông qua “bức thư” khá dài mà ông đã gửi cho Hòa thượng Quán Thông vào ngày mồng Một tháng Giêng, năm Tự Đức thứ 27 (1874). Nội dung đoạn cuối như sau:

“Phật tử từ thuở nhỏ vốn khó nuôi nên cha mẹ đã cho quy y Tam bảo. Sau được đi học xa, khi đến đất Quảng Nam lại thường được gặp Thượng nhân (sư Quán Thông), lâu ngày thành thân. Rồi ra tham chính, trong công vụ lại cùng Thượng nhân sớm chiều bên cạnh nên Phật tử được cảm hóa tự lúc nào không hay! Vẫn biết Thượng nhân là người Chân mà Phật tử là người Tục, nhưng Chân Chân Tục Tục thảy vốn đều là Không cả!

Rồi chừng chỉ tròn năm thì phải chia xa, Phật tử nhọc nhằn trên bước đường gió bụi, bao phen tưởng không giữ nổi được mình mà Thượng nhân vẫn nghiễm nhiên là bậc tự tại trên cõi Thiền đăng. Nhân việc nước gặp chút rảnh rang, kính ghi lại đôi lời dâng tặng Thượng nhân.

Mùng Một tháng Giêng, niên hiệu Tự Đức thứ 27 (1874).

Nam mô Phật Hoan Hỷ nhật.

Ngun là Bố chánh sứ Quảng Nam, cải phái Bình chuẩn, nay sung làm Tam tuyên Quân thứ Thương biện quân vụ, Giải nguyên khoa Đinh Mùi (1847), quy y dòng Lâm Tế chánh tông, đệ tử Đặng Huy Trứ, pháp danh Hải Đức.

Kính rửa tay viết ở Am Kim Giác, Hà Nội7.

Trong thư gửi ngài Quán Thông, Đặng Huy Trứ có viết câu: “Phật tử từ thuở nhỏ vốn khó nuôi nên cha mẹ đã cho quy y Tam bảo”. Khi còn nhỏ, Đặng Huy Trứ và em gái là Muội Dao đều được cha đưa vào An Dưỡng am (nay là chùa Từ Hiếu) quy y với Đại đức Tánh Thiên (nguyên là Tăng cang Giác Hoàng Quốc Tự; sau xin từ chức, lập am An Dưỡng để nuôi mẹ). Cậu Trứ được ban Pháp danh Hải Đức, cô em Muội Dao được ban Pháp danh Hải Trạch8. Theo pháp kệ truyền thừa của tổ Liễu Quán đời thứ 35, dòng thiền Lâm Tế chánh tông:

Thật Tế Đại Đạo,
Tánh Hải Thanh Trừng,
Tâm Nguyên Quảng Nhuận,
Đức Bổn Từ Phong…
”.

Đặng Huy Trứ, pháp danh Hải Đức, được xem là “đệ tử tại gia” kế truyền của ngài Tánh Thiên (theo lời kệ, chữ Hải nằm sau chữ Tánh). Vì vậy, ông được liệt thờ ở chùa Từ Hiếu.

Bức thư Đặng Huy Trứ gửi cho Hòa thượng Toàn Nhâm Quán Thông hiện còn lưu giữ là một tài liệu quý. Đây chính là bút tích của ông cách đây hơn 150 năm. Từ bức thư này, ta thấy rằng Đặng Huy Trứ là một người mộ đạo, trong quá trình làm Bố chánh Quảng Nam, ông thường xuyên đến chùa Phước Lâm để đàm đạo với Hòa thượng Toàn Nhâm Quán Thông.

Năm 1867, Đặng Huy Trứ lại được triều đình tiếp tục cử đi công vụ ở Hương Cảng, Ma Cao, Quảng Châu cũng để “thám phỏng Dương tình” và tìm mua vũ khí cho triều đình. Người tiến cử ông đi lần này vẫn là Phạm Phú Thứ. Hai lần đi công cán ở nước ngoài, Đặng Huy Trứ luôn được người dân Minh Hương ở Hội An giúp đỡ. Họ không chỉ giúp ông khi ở Hội An mà còn cả trong thời gian “làm nhiệm vụ” ở đất khách. Việc mua, vận chuyển hàng hóa, súng đạn… phần lớn đều do những thuyền buôn của Hội An đảm nhiệm. Chính nhờ những chuyến đi này mà Đặng Huy Trứ đã nhập khẩu được công nghệ chụp ảnh để mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường (hiệu ảnh đầu tiên ở Việt Nam) và trở thành ông tổ nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam.

Đặng Huy Trứ - “thứ dân chi tử”

Đặng Huy Trứ luôn xem Hội An là quê hương thứ hai của mình. Đối với người dân, ông luôn xem họ là bà con thân thích. Trong tập gia phả “Đặng gia thế mỹ” do ông tổng hợp và biên soạn từ tài liệu, gia phả của tổ tiên để lại, có chép về việc mua nhà làm hương hỏa cho nhà thờ chi quý (chi thứ 3 của Đặng Huy Trứ) như sau:

Tháng 6 năm ngoái, nhân việc đi sứ, qua phố Minh Hương, mới đem tiền lúc làm Bố chánh còn thừa, và tiền dè xẻn để dành lại, chọn mua một khoảnh đất ở tỉnh Quảng Nam, phủ Điện Bàn, huyện Diên Phước, tổng Phú Triêm hạ, xã Hội An, cả đất phố của ông Tòng cửu phẩm bá hộ Hồ Đức Phương. Diện tích 01 sào, 01 thước, 09 tấc, nhà ngói ba gian, nhà gác một gian, nhà bếp một gian, tọa lạc ở địa phận ấp Hương Định, làng Minh Hương, giá tiền 4.100 quan, đặt làm hương hỏa cho con cháu. Nhà đất trao cho lý trưởng sở tại và các ông Trần Khắc Doãn, Dương Ngọc Đinh, Trương Thừa Thiên luân chuyển giữ đất ấy. Mỗi năm cho người khách buôn hay người sở tại thuê ở lấy tiền 490 quan, trích lấy 340 quan, chia ra các lễ tế táo.

(…).

Bắt đầu năm Đinh Mão, Tự Đức thứ 20 (1867) trở đi, mỗi năm và khoảng tháng Hai tháng Ba, tiếp được thư của làng Minh Hương đưa đến, thì con cháu đến trụ sở khách buôn phố Thanh Hà nhận tiền đem về, lưu giữ tại nhà thờ. Cứ đến kỳ, trao tiền biện lễ.

Còn 150 quan trao cho làng Minh Hương cúng tiến đền Quan thánh, đền Thiên hậu thánh mẫu, mỗi chỗ 20 quan; Tín thiện tộc nghĩa từ dầu hương 10 quan; Quảng Nam âm hồn từ 50 quan. Mong rằng thần minh phù hộ, đời đời chẳng mất. Lại trích ra 50 quan để sửa chữa, trao cho Lý trưởng chi dùng, hết bao nhiêu, phải kê khai; thừa thiếu thế nào sẽ cùng người thuê liệu lý.

Hai tiết Nguyên Đán và Đoan Ngọ trao cho Lý trưởng chiếu thu. Như năm nào cho thuê giá cao thì do làng Minh Hương báo cho con cháu tùy tiện chi dùng, nếu ai trái lệ ấy thời mang tội bất hiếu. Tất cả đều làm bằng khoán, trao cho làng Minh Hương và con cháu mỗi nơi giữ một quyển, gọi là “Đặng quý tiểu tôn hương hỏa đệ nhất khoán9.

Đặng Huy Trứ còn cho biết, bằng khoán này dài 870 chữ, khi qua Quảng Đông, ông đã nhờ thợ khắc chữ Ngũ Vân Lâu Lương Dật Đường khắc in bằng giấy trắng tốt, bìa bằng gấm quy văn. Tết Nguyên Đán năm đó, bản khắc gỗ được dâng tiến quý từ đường (từ đường chi 3 ở Thanh Lương) làm thế khoán. Dịp này ông đã viết bài thơ:

Mua nhà phố lớn cho thuê,
Để ngày tế lễ kiệm xa tùy thời,
Xuân thu theo bổng của mày,
Rượu xôi thêm bớt xứng bài nhà ta,
Ngày Nguyên Đán dâng khoán mà,
Bản in lê táo từ xa ngàn trùng,
Cháu con ta những ước mong,
Năm thêm vẻ mới, gấm cùng thêu hoa
”.10

Từ khi mua nhà lập hương hỏa đến nay đã trải qua hơn 150 năm, không rõ việc thực hiện theo nội dung bằng khoán ấy kéo dài bao lâu.

Những di cảo của Đặng Huy Trứ được tìm thấy ở các di tích, đền thờ ở Hội An đã cho chúng ta thấy được tấm lòng của Đặng Huy Trứ đối với Hội An và tấm lòng của người dân Hội An đối với Đặng Huy Trứ. Văn bia ở di tích Văn chỉ Minh Hương có dấu ấn khá đặc biệt. Khi đại trùng tu (xây dựng kiên cố) di tích này, ông đang giữ chức Bang Biện Quân Vụ Lạng, Bình, Ninh, Thái, ở cách xa Hội An hơn cả nghìn cây số, nhưng người dân làng Minh Hương vẫn cử người ra Bắc gặp ông để xin viết văn bia. Ông không chỉ là người nổi tiếng “văn tài” mà còn là người luôn đề cao đạo học, rất mực tôn thờ các bậc thánh hiền, tiên nho, từng có đóng góp lớn trong việc đào tạo một thế hệ môn sinh nho học nổi tiếng ở Hội An. Ngay cả nguồn lợi thu được từ việc cho thuê ngôi nhà ông mua ở ấp Hương Định, làng Minh Hương (ngôi nhà này được xem là “Đặng quý tiểu tôn hương hỏa”), Đặng Huy Trứ dùng tiền này để lo việc cúng giỗ ở từ đường chi quý (chi 3) ở quê nhà Thanh Lương; đồng thời hàng năm cũng trích một phần nguồn thu này để góp thêm trong việc lo dầu hương và cúng tế ở đền Quan thánh; đền Thiên hậu thánh mẫu; Tín thiện tộc nghĩa từ; Quảng Nam âm hồn từ tại Hội An.

Đặng Huy Trứ là nhà cải cách, gieo mầm canh tân và khai hóa vào thế kỷ XIX, dưới thời Nguyễn, với tư tưởng phát triển kinh tế (khai mỏ, mở mang thủ công nghiệp và thương nghiệp, phát triển giao thông vận tải…); phát triển khoa học quân sự (đưa ra tư tưởng chiến tranh nhân dân cho mọi chiến lược và chiến thuật, cử người đi học hỏi những kỹ nghệ phương Tây như đóng thuyền, chế tác vũ khí…); giao thương thương điếm (như Lạc Sinh Điếm, Lạc Thanh Điếm và Ty Bình Chuẩn để giao thương với phương Tây), tạo dựng nền tảng tài chính và quân sự cho triều đình nhà Nguyễn trong những 1850 - 1870. Đặng Huy Trứ là người có tâm chí lớn đối với vận mệnh và sự an nguy của đất nước trước thế lực của thực dân Pháp và các nước lớn. Hai lần được triều đình cử đi công cán ở nước ngoài với nhiệm vụ “thám phỏng Dương tình”, ông đã chứng tỏ là một trong những người có tài bang giao.

Tư tưởng Đặng Huy Trứ đối với các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, kinh tế, quân sự… đến nay vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi. Đặc biệt là tư tưởng tự cường tự chủ, lấy dân làm gốc, xem trọng nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Là vị quan một lòng yêu nước thương dân, khi giữ chức Bố chánh, ông luôn được người dân ở nơi đây yêu mến vì ông luôn chăm lo cho dân không những việc trước mắt mà cả việc lâu dài. Ông không chỉ lo cho người sống mà còn lo việc tinh tảo mộ phần, cúng tế cho người chết. Người dân thường gọi ông là “quan Bố”, nghĩa là quan Bố chánh nhưng cũng ngầm xem ông là “người cha” luôn lo cho con dân.

Cho đến nay, tên tuổi của danh nhân Đặng Huy Trứ không chỉ gắn liền với hoành phi, văn bia ở các di tích lịch sử văn hóa mà còn có những tác phẩm thơ văn ông viết trước, trong và sau thời kỳ làm quan ở đây. Từng nét chữ, lời thơ, câu văn của ông luôn thấm đẫm tình người. Hiện nay ở Hội An, từ đường thờ Đặng Huy Trứ còn bức chân dung truyền thần. Đây là bức chân dung thứ ba của ông còn lưu giữ được. Thế hệ hôm nay và cả thế hệ con cháu của chúng ta mai sau luôn nhớ đến danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ, một vị “lương sư”, một vị quan thanh liêm đức độ, đầy tình nhân ái, luôn một lòng lo cho nước cho dân.

N.T
(TCSH54SDB/09-2024)

----------------------------
1 Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ con người và tác phẩm, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr. 121.
2 Kỷ yếu hội thảo khoa học Đặng Huy Trứ, Huế, 1993, Đặng Huy Trứ “lương sư hưng quốc”, tr. 81.
3 Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ con người và tác phẩm, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr. 121.
4 Sách đã dẫn, tr. 127.
5 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb. Giáo dục, 2007, tr. 822.
6 Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ con người và tác phẩm, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr. 316.
7 https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/19507.
8 Đặng Huy Trứ, Đặng Dịch Trai ngôn hành lục (Lời nói, việc làm của cha tôi), Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội, 1993, tr. 63-64.
9, 10 Đặng Hưng Doanh “Đặng gia thế phả” (tập hợp và biên soạn), Phnom - Penh, 1973, tr. 5-6.

 

 

Các bài đã đăng