Người Huế
Những chân dung nữ với dấu ấn đậm vào “tuổi tên Thuận Hóa”
15:45 | 09/11/2009
LIỄU THƯỢNG VĂNQuả thực đã nổi lên sự phong phú đặc biệt khi đứng ở góc nhìn tập trung, tế nhị, để điểm lại một số ảnh hưởng lớn, khó phai nhòa của họ, những khuôn mặt Nữ lừng danh của vùng đất Thuận Hóa.
Những chân dung nữ với dấu ấn đậm vào “tuổi tên Thuận Hóa”
Minh họa Huyền Trân công chúa - Ảnh: gosanh.vn

Sự xuất hiện của mỗi nhân vật ở đây, dù bằng cách nào: hoặc chính thức của lịch sử hiện thực, hoặc ẩn hiện của truyền thuyết, huyền thoại, hoặc gắn liền với không gian đầy kịch tính, diễm lệ, bi tráng từ sân khấu tình sử, hay có khi đượm nét trầm mặc, khói sương nơi địa linh, miếu mạo, đền đài... Tất cả, đều ít nhiều góp phần làm cho văn hóa lịch sử nơi đây một chiều sâu còn đọng bóng. Từ xứ miền mang nặng văn hóa tính, lịch sử tính, của biến động đa chiều nhân tố, của tác thành giao lưu văn hóa hội về đây... Họ, những khuôn mặt nữ mãi mãi để lại nhiều dấu ấn đạm đà, mãnh liệt...

* Huyền Trân công chúa.


(Tượng thờ Huyền Trân công chúa - Ảnh: Internet)


Mỗi bước đi của vị Công chúa ấy từ kinh đô nhà Trần... về phương Nam, Chiêm quốc, là một bước tới cho “Bình Minh Thuận Hóa” theo sau. Mỗi giọt lệ ngọc ngà của người con gái theo chồng về xứ lạ, rơi xuống là mỗi một trân châu khảm khắc, không thể quên, để khai sinh dòng “tuổi tên Thuận Hóa...” Và, để cho mai sau, hôm nay, nở hoa hương thành thắng tích, đền đài và di sản thế giới chiêm ngưỡng. Hãy trân trọng “lắng nghe” lại từng bước đi “nguyên thủy” ấy... Đã 693 năm trôi qua, và sắp sửa dẫm lên con số 700 “Không- Thời- Gian- Của- Huế”

Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại, năm Bính Ngọ (1306) vua nhà Trần gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chămpa là Chế Mân. Hai châu Ô và Lý (Rí) được thu về lại Đại Việt, sính lễ cho hôn ước lịch sử kia. Năm sau, Đinh Mùi (1307), có sắc chỉ bản quốc, chính thức đổi tên hai châu thành Thuận, Hóa, là địa danh thời bấy giờ để gọi chung đất Thừa Thiên Huế và Quảng Trị ngày nay.

“Nhân sinh bách hạnh, Hiếu vi tiên”... Đạo lý cổ xưa Á Đông, chữ “Hiếu” phải xét để làm đầu trong trăm hạnh kiểm của đời người, khi đi vào thế cuộc... Những giọt lệ Huyền Trân? Là hiếu tử của nhà Trần, là tôi trung cho Tổ quốc, là kẻ “đỡ đầu cho đứa con Thuận Hóa”... Đức hy sinh từ cá nhân và quyền lợi một đời người, đã khiến vạn đời sau cảm xúc.Điều lớn nhất, ý nghĩa nhất vị Công chúa đã tựu thành, còn những tiểu tiết? Không phản chiếu được gì, ngoài tô đậm nét cá nhân quyền lợi”... cái “tiểu thể tầm thường” đầy ung nhọt từ phía những thị phi và ác ý. Nhận lấy sự hy sinh cuộc đời để thành toàn cho đại sự, tiết kiệm bao xương máu. Hôn lễ Công chúa Huyền Trân- Chế Mân Hoàng đế đã hiện thực đem về cho nước ta nói chung và Thuận Hóa nói riêng, sự góp mặt gấm hoa, thêm “Địa Linh nhân kiệt cho mãi mãi sau này... Khởi đi từ đó, 1306, với Tiền đề Huyền Trân”, sự góp phần không nhỏ vào các điều kiện chiến lược sự nghiệp phát triển chung về phương Nam Tổ quốc lại càng được khẳng định. Giá trị của “tiền đề Huyền Trân” vì thế đã có ảnh hưởng sâu dày, lớn lao đến một khoảng cách, một độ dài nhất định, khó thể phủ định, trong toàn cảnh của chiều đi Sử Việt. Giá trị ấy, không hẳn chỉ được đánh giá qua thành tựu của triều đại nhà Trần và giới hạn cục bộ, hạn chế riêng triều đại ấy mà thôi?

Văn hóa lịch sử xứ Huế nói riêng và Thuận Hóa nói chung càng trở nên rực rỡ bội phần, nhất là từ khi được thưởng lãm qua mức độ tối cao, niềm trân trọng từ “cái nhìn Nhân loại”. Việc nghiên cứu, khôi phục, kỷ niệm, chính danh lại với những giá trị “xứng đáng hơn” và “đúng nghĩa hơn” cho danh nhân “đứng đầu dòng” trong văn hóa lịch sử đất Thuận Hóa- Công chúa Huyền Trân, bằng những hình thức tích cực, nghiêm chỉnh, cấp thiết và phổ cập... là điều đáng được ưu tiên lưu ý. Quan tâm tới những gì vừa nói, cũng có nghĩa là ý thức được một cách thực sự “chiều dày văn hóa lịch sử” của vùng đất, hãnh diện về nó và nhất là không nhạt mờ với “ngọn nguồn Thuận Hóa”. Đạo lý cha ông, nhắn nhủ hằng ngày làm sao quên đi được “ăn quả nhớ kẻ trồng cây, vì ai gây dựng cho mầy, mầy ăn?”

* Thiên Mụ (Linh Mụ)

Từ thực sử với nhân vật Huyền Trân... Đất Thuận Hóa, sau đó gần 300 năm, đến đây, rẽ dòng đi vào một Huyền thoại danh tiếng, Thiên Mụ bậc thần nữ từ trời cao hiển hiện. Năm Tân Sửu, 1601. Chúa Nguyễn Hoàng sau khi đã vào trấn thủ đất Thuận Hóa, vào năm ấy, một ngày kia tuần du tới ngọn đồi Hà Khê về phía Tây thành phố Huế ngày nay. Chúa tương đắc với cảnh quan sơn thủy nơi này, có ý nghĩa sâu xa muốn điểm, tìm “Đất lớn” để mưu đồ Đế nghiệp về sau cho hậu duệ. Truyền thuyết rằng, đang lúc tâm nguyện... Một Lão bà quắc thước bỗng hiện ra, phán bảo hãy xuôi dọc dòng Hương giang (hay Lô Dung thuở trước), cho đến khi tàn hết nén nhang, tất sẽ được như nguyện. Nơi đó có Đại địa, xứng đáng để về sau được Kinh đô một nước... Mừng rỡ, chúa Nguyễn y cứ theo lời dạy, từ ngọn đồi Hà Khê xuất phát, để rồi tìm đến nơi vùng đất chính Cố đô Huế bây giờ...

Như đã biết qua lịch sử Nguyễn triều. Ngôi chùa mới đã được xây dựng lên được tu bổ nhiều lần, trên ngọn đồi Hà Khê ấy... chùa Thiên Mụ, để linh khí tụ bền “Long mạch”, đồng thời kỷ niệm vị thần nữ đã đỡ đầu cho dòng họ ấy...

Dấu ấn của huyền thoại mang “Nữ tính” này, mãi mãi còn in đậm vào khung trời xứ Huế... Khá nhiều truyền thuyết đã song hành theo sau, nhằm lý giải những mặt khác, nhiều vấn đề, nằm ẩn sâu hoặc không sâu bên trong Huyền thoại ấy. Phong thủy địa lý về cuộc đất? Hay sự vận dụng, động viên khéo léo từ bản chất một cuộc “chiến tranh tâm lý” để tranh thủ nhân tâm, lập lại thế bình phân ngang ngửa “bàn cờ Trịnh Nguyễn”... Dòng dõi nhà Lê đã suy vi, cần có một niềm tin, một chính nghĩa vào thời bấy giờ để “tranh tiên” thế cuộc? Cái bóng của “Thiên Mụ” thời Nguyễn cát cứ Đàng Trong hay câu thơ do “kiếm ăn mòn trên lá tự nhiên” thời Lê Lợi chưa vỗ yên sự nghiệp... Dù sự thật ra sao? Tác dụng tâm lý của chúng đều có cùng điểm hẹn để đi về, tất nhiên là diệu dụng đối với những không, thời gian đã nói. Với văn hóa, huyền thoại này luôn luôn có chỗ đứng đặc biệt và sâu sắc với Huế. Riêng với con mắt nhìn về “chiến lược Đàng Trong” qua tư thế khảo cứu lịch sử thì, Huyền thoại Thiên Mụ cũng là những vết tích khá thuyết phục để đời sau, thêm một lý giải phong phú cho “Quân cờ” tối cần để chúa Nguyễn đi “đường cờ khai cuộc”... Và sự nghiệp tiến về phương Nam của những thế hệ tiếp theo lần lượt được kế tục. Cho đến ngày Gia Long thống nhất sơn hà, lập ra triều đại mới, thay thế nhà Lê chính thức 1802 huyền thoại Thiên Mụ, vì thế đã làm xong nhiệm vụ của nó, ít nhất là về phương diện chiến lược “chiến tranh tâm lý”. Vị Nữ thần của triều Nguyễn còn để lại biết bao dư vị cho văn hóa của xứ miền Thơ và Mộng...

* Ngọc Hân Công Chúa


(Minh họa Ngọc Hân công chúa - Ảnh: Internet)


Hoàng đế Quang Trung, người anh hùng dân tộc của triều đại Tây Sơn ngắn ngủi. Triều đại xuất hiện để choàng vòng nguyệt quế lên cho Tổ quốc: chiến thắng quân Thanh xâm lược, làm rung động cõi Đông Nam Á một thời. Chiến công đem lại ý nghĩa lớn lao trong khoảng thời gian phân hóa đất nước, thời chung cuộc của triều đại Hậu Lê... Một bản anh hùng ca để lại cho lịch sử. Cái chết đột biến của Quang Trung lưu lại mãi những dở dang và nuối tiếc. Cho đến nay, vẫn tồn tại nhiều nghi án... Trong những nghi án đó lại hiện lên một dung nhan kiều diễm khác - Nữ giới - Lê Ngọc Hân Công chúa. Lại một hôn phối khác, sau hôn phối Huyền Trân, tiếp tục đi vào lịch sử đất Thuận Hóa... Dòng lịch sử có thay đổi được gì? khi cái chết lạ kỳ của bậc võ nghệ siêu quần kia - Quang Trung, đang độ tuổi trung niên, tràn trề sinh lực với uy khí ngút trời, không trở thành hiện thực? Tất cả các dòng chữ của các sử gia đời sau, sau nữa... phải chăng? Có khi cũng đã ngập ngừng đầu ngọn bút, tư duy... cho dù thế nào, cũng chỉ là “giả thuyết”. Và, với “giả thuyết”... không gì là không có thể xảy ra. Lịch sử gần như luôn luôn có cái tiếng vang dội, minh bạch và hùng hồn đủ lý nghĩa để đời sau im lặng và kính cẩn lắng nghe. Chỉ thảng hoặc, đôi khi, với tồn tại nghi án, bấy giờ chính lịch sử, lại đổi chỗ để lắng nghe từng “giả thuyết” người sau.

Ngọc Hân dường như đã dự liệu được? Sự “thất thế của đời mình” trước sự “im lặng của lịch sử” đã nhường chỗ cho biết bao “cáo trạng cuộc đời” về mệnh lý đa đoan của người Hoàng hậu khốn khổ... Phải chăng? vì thế mà “Ai tư vãn”, tác phẩm vừa là thể hiện tài hoa vè nghệ thuật sáng giá, vừa là những dòng tâm tư, từ trái tim xót đau, tiếng kêu cứu của người đàn bà trong thảm nạn và cô độc... Những vần thơ hay? Điều này đã hẳn. Nhưng về nghệ thuật? Không thoát khỏi sự kết án giữa pháp lý thời đại, giữa “cáo trạng cuộc đời”? Nàng. Ngọc Hân Công chúa đã để lại đó, cho đời sau, cho chúng ta cho muôn đời quyền thẩm định tối cao. Vì vậy, nghệ thuật “Ai tư vãn” cũng là nghệ thuật nhằm khước từ pháp lý thời đại, thứ pháp lý đã dành sẵn cho những người như nàng sự hoài nghi và ác cảm... Nàng không còn một lối về nào nữa giữa hoang vắng cuộc đời, ngoài đường đi “vào nghệ thuật”...

            ... “Đền Vị Ương bóng đuốc bừng bừng
            Lòng cần mẫn vừa khi gióng dả
            Miền Cực Lạc, xe mây vùn vụt
            Duyên hảo cầu sao bỗng dở dang?
            Ôi!
            Gió lạnh buồng đào, rơi Cầm, gãy Sắt
            Sương pha Cung đỏ, hoen phấn, mờ gương
            Tiệc vầy vui nhớ hãy rành rành
            Nhịp ca múa bỗng khuây chừng thần Ngự
            Buổi chầu chực tưởng còn phưởng phất
            Chuông điểm hồi sao vắng chốn Cảnh Dương
            Vấn vít mấy... bảy năm kết phát
            Đau đớn thay... trăm nỗi đoạn trường!...

* Nữ thần: Po- na- ga, Thiên Y- a- na Thánh mẫu...

Là người mẹ đỡ đầu của dân tộc Chămpa. Trong khoảng từ năm 137 đến 192 sau Công nguyên, dân tộc chính Chămpa và một số ít sắc tộc Việt thời bấy giờ khai sinh ra Đế quốc Chămpa. Lãnh thổ kéo dài từ đèo Ngang đến Thuận Hải ngày nay. Một trong những địa điểm dân tộc này đã từng thờ phụng vị Nữ thần Po- na- ga, là ngọn núi về phía Tây thành phố Huế bây giờ. Ngọn núi đẹp, soi bóng xuống dòng chảy xanh sâu... Ngọc Trản sơn (hay còn gọi là Hòn Chén).


(Đám rước Thiên Y A Na Thánh Mẫu tại Lễ hội Điện Hòn Chén - Ảnh: timaz.vn)


Sau hôn ước Huyền Trân, các vương triều nước Việt, nhất là triều Nguyễn vẫn tiếp tục phụng thờ, cũng chính tại địa điểm nổi tiếng này, nhiều danh vị những thần nữ khác, gần gũi hơn với lịch sử, văn hóa nước ta. Kiến trúc Huệ Nam điện (Điện Hòn Chén), lưu lại đến ngày nay, để trở thành bộ phận đặc biệt trong toàn cảnh Di sản Văn hóa của trời đất cố đô: Thánh Mẫu Thiên- Y- A- Na có quan điểm đồng hóa với Thần nữ Po- na- ga, qua một danh xưng khác, một hình thái tiếp cận khác, một huyền thoại khác đã dành riêng cho danh xưng ấy, các hình thái Lễ hội địa phương, thủ tục “Cung nghinh” và điệu hát “Chầu Văn” độc đáo... cùng một hình tượng... có thể đấy, để chấp nhận rằng hai thần nữ ấy là do phát âm, lâu ngày “đọc trại” mà thành. Luận điểm kia, đúng hay không, thực ra cũng không quan trọng bằng nhận định tiếp theo sau: Một hình tượng chung, nhưng đã được biến dụng theo “nhu cầu văn hóa sở tại” theo “điều tiết từ thị nhãn văn hóa lịch sử khác xã hội, nhân văn” đến một trình độ đã “tác thành những căn bản rất khác từ cội nguồn”... từ sự tích, lễ nghi, tên tuổi từ ấn tượng phổ cập, từ lời ca điệu hát của tín nhân vọng hướng về hình tượng ấy...

Thì, như một lý luận nghệ thuật mà hiểu, tuy cùng phương tiện và thậm chí đồng rập trong đề tài... Nhưng mỗi một “tác phẩm” ra đời, đều có những chứng cứ hoàn toàn khác biệt nhau, thể hiện, không thể nhẫm lẫn, về trình độ văn hóa về tư chất và bản sắc xã hội, nhân văn của riêng hai “tác giả” đã để tâm linh “rất riêng” của mình vào trong đó... Bởi thế, với văn hóa “riêng của bản sắc Thuận Hóa” mà nhận định, cho dù thế nào? Po- na- ga của Chămpa với Thiên- Y- A- Na (nói riêng ở Thuận Hóa mà thôi) cũng là hai “tác phẩm mang văn hóa tinh không thể nhập làm một”. Nếu chấp nhận, tức là một lúc đồng thời xúc phạm đến một chi tiết của cả hai nền văn hóa, cho dù trong đó không ai phủ nhận mức độ của “gạch nối” sự giao lưu và tiếp cận đa chiều của chúng cả: văn hóa Chămpa, văn hóa Thuận Hóa, để phân biệt... Không cách gì đúng đắn hơn, khi phải cần sự đồng hành chứ không phải là nhập một của hai danh xưng: Po- na- ga và Thiên- Y- A- Na Thánh Mẫu.

Thiên- Y- A- Na Thánh Mẫu được thờ phụng tại nơi này và hơn thế còn được các hoàng đế Nguyễn triều trọng vọng, Minh Mạng, Tự Đức và nhất là Đồng Khánh. Nguồn gốc xuất hiện vị Thánh nữ này, không nằm trong địa danh Thuận Hóa, thế nhưng Huệ Nam vẫn được coi là Thánh Điện được sắc phong để tôn thờ thời Nguyễn triều ngự trị.

Vân Hương Thánh Mẫu, hay có quan điểm đồng hóa với Liễu Hạnh Công chúa là một vị Thần nữ khác, có xuất xứ từ xứ Bắc, theo các di dân vào Thuận Hóa lập nghiệp, tồn tại đến ngày nay. Danh xưng thần nữ ấy cùng được vọng thờ nơi Ngọc Trản sơn, bên cạnh những danh xưng đã nói... Không hẹn mà gặp. Những khuôn mặt Nữ hội diện để đời sau phải lạ lùng và nghiền ngẫm... điều quan trọng hơn cả cho tới nay, về phía những nhà khảo cứu văn hóa lịch sử, Thuận Hóa là nơi được đánh giá cao phương diện làm chứng liệu lịch sử khi tìm về tính giao lưu những dòng nguồn văn hóa khác nhau, cùng góp mặt để tạo nên một bản sắc Thuận Hóa nơi đây...

Trong bích họa Văn hóa lịch sử đất Thuận Hóa, đặc biệt khác hẳn với các nơi... sự góp mặt của giới Nữ, ở đây thực sự có chỗ đứng riêng, quan yếu và mãnh liệt trong tương quan ảnh hưởng lẫn cả hai chiều sâu, rộng. Chân dung những nhân vật ấy vẫn mãi còn giữa Không- Thời- gian xứ Huế. Nét “Đẹp truyền thống” kia, có hẳn những mối giao cảm, liên đới, cơ duyên theo thiên hướng lịch sử đã chứng nhận. Qua gần con số 700 năm ý nghĩa đã tồn tại, truyền thống đặc biệt ấy từng hội diện sớm nhất, ngay giờ phút “Bình minh của tuổi tên Thuận Hóa”. Công chúa Huyền Trân - Dưới những dòng lịch sử nạm vàng của địa danh Thuận Hóa, kết lại đó long lanh từng giọt lệ đẹp với tiếng vọng bước chân đi của một nàng Công nữ... Bước tạ từ cố cung và cũng là bước đi vào lịch sử.

(Thành Nội Huế)
L.T.V
(128/10-99)



 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng