Người Huế
“Miễn là dám bước qua giới hạn của mình”
16:12 | 31/07/2008
THANH THẢOThơ Nguyễn Khoa Điềm say mê trong điềm tĩnh, khi nói những điều cao lớn, thơ ấy vẫn biết cúi nhìn những vật thấp nhỏ, những điều bình thường.
“Miễn là dám bước qua giới hạn của mình”

Đó là thơ của người tự tin, nhưng chỉ thích giữ nó trong im lặng, không nống lên mức “tuy bạn chưa cao, nhưng ai cũng phải ngước nhìn”. Nghĩa là thơ anh vẫn chấp nhận những giới hạn. Nhưng có một lần, có lẽ là duy nhất trong tập thơ Nguyễn Khoa Điềm chợt nói: “Miễn là dám bước qua giới hạn của mình”. Câu thơ ấy viết về Đà Nẵng, nhưng tôi biết, phàm là thơ dù viết về ai về cái gì cuối cùng cũng chỉ nhằm bộc lộ mình. Khác với nhà tiểu thuyết, nhà thơ không biết tránh đâu khi người ta đọc thơ mà nhận diện mình, và cũng không cần phải trốn đi đâu cả. Tôi đọc bài thơ BÂY GIỜ:
            “Bây giờ mùa mưa đã qua
            Giọt nước đầu hiên đặc quánh
            Bây giờ bạn đã quay lưng
            Chén trà một chân đóng cặn
 
            Mặt em như vầng trăng lặn
            In trong bài thơ cuối mùa
            Ta còn chút vốn rau dưa
            Đặt cọc lên tờ giấy trắng
 
            Tháng năm dông dài im lặng
            Dễ ai đồng hành đón đưa
            Ngước mắt, mắt hoa với nắng
            Thì vuốt mặt mình trong mưa”.
 Tôi đọc và giật mình: ai cũng có những lúc như thế trong đời, với đúng những cảm giác như thế, nhưng rất ít người dám nói ra điều đó, nhất là thú nhận bằng thơ. Nguyễn Khoa Điềm đã “dám bước qua giới hạn của mình” để có được một bài thơ thật lòng, một bài thơ nhỏ bé nhưng ấm áp như một ngọn lửa nhỏ, khiến ta có thể tin anh như một người bạn, và như một nhà thơ. Sông có khúc người có lúc, thơ cũng có thì, nhưng người làm thơ trong mọi khúc và mọi lúc đều phải tuyệt đối chân thành với chính mình, để từ đó, chân thành với cuộc đời:
            “Anh là kẻ phải đánh trận sau cùng
            Người đi chuyến tàu vét
            Kẻ được xé vé cuối cùng trong rạp hát
            Sự may mắn của anh dính dáng ít nhiều với những rễ cây”
            ( TẶNG MỘT NGƯỜI SÁNG TẠO)
 Những câu thơ xa xót ấy dành cho một người bạn thơ lận đận trong đời, nhưng cũng là dành cho chính mình. Đọc những dòng này, có người vặn tôi: “Nhưng Nguyễn Khoa Điềm có chi lận đận? Chẳng phải ông ấy đang là Uỷ viên Bộ Chính trị, là… sao?” Nhưng là nhà thơ, thì “đi mô rồi cũng nhớ về…”… Thơ thôi. Mọi điều rồi sẽ qua, nhưng thơ có thể còn lại. Tôi nói “Có thể” bởi thơ của từng nhà thơ có thể còn, có thể mất, nhưng mãi mãi, nhà thơ không thoát khỏi “vùng phủ sóng” của thơ, cả thơ mình và thơ nói chung. Như trong một bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Khoa Điềm có câu: “Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ”, thơ của một người chỉ là tấm lưng nhỏ bé ấy, địu những bài thơ như địu những đứa con mình, nhưng “lưng mẹ” cùng dáng hình với “lưng núi”, và:
            “ Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
            Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”
            ( KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ LỚN TRÊN LƯNG MẸ)
 Nhiều nhà phê bình đánh giá cao trường ca Nguyễn Khoa Điềm, nhưng theo tôi, anh mạnh ở những bài thơ trữ tình có độ dài trung bình. Ngay MẶT ĐƯỜNG KHÁT VỌNG cũng có thể coi như một liên khúc, được kết nối bởi những bài thơ tự do có độ dài trung bình. Với những bài thơ ấy, bắt đầu từ một điểm nhìn cụ thể, Nguyễn Khoa Điềm được thả sức phát triển theo dòng suy tưởng và liên tưởng, những hình ảnh gắn kết trong mạch xúc cảm như một dòng chảy liên tục. Những bài như ĐẤT NGOẠI Ô, CON CHIM THỜI GIAN, CON GÀ ĐẤT CÂY KÈN VÀ KHẨU SÚNG là những bài khá tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm, khi tứ thơ chỉ là “gợi ý”, chỉ là “điểm nhìn” để từ đó bài thơ phát triển tự do theo cảm xúc, nhiều khi vượt ngoài những “bộ khung” của tứ thơ. Là người đã có ý thức trang bị cho mình một vốn liếng kiến thức trước khi đi chiến trường, nhưng những kiến thức mà Nguyễn Khoa Điềm có được đã lặn sâu vào cảm xúc của anh, và chính đời sống chiến trường đầy hiểm nguy nhưng cũng đầy xúc cảm (kể cả phản cảm) đã làm chấn động tâm hồn một người vốn điềm tĩnh như Nguyễn Khoa Điềm, và những bài thơ trào tuôn như không thể khác. Đó cũng là cách để có được thơ của nhiều nhà thơ thế hệ chống Mỹ, những người biết hoà trộn giữa bản năng và nhận thức, giữa những gì có được từ đời sống sách vở với những gì có được từ đời sống chiến trường.
            “Côộc. Tiếng chim vang vọng
            Thành phố sau màu mây
            Ôi thương nhớ vẫn hôn lên cùng nắng hồng mỗi sáng
            Một thành phố cuối con suối này
            Uống nước đục ngầu mỗi chiều đầy bom đạn”
            ( CON CHIM THỜI GIAN)
 
 Lê Anh Xuân cũng từng kêu lên như vậy khi nhớ về thành phố Sài Gòn:
            “ Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó
            Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về”
 Những người lính - trí thức ấy đã đến với chiến trường và từ chiến trường đến với thơ tuyệt đối trong trẻo, dù họ biết cái “tuyệt đối” ấy nhiều khi là kinh thành Corboda trong thơ Lorca “xa thẳm, đơn độc” mà không biết “bao giờ tới được”. Nhà thơ là con người, không phải thiên thần. Trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, họ cũng biết yêu đất nước như những người khác. Có điều, họ lại biết đồng hoá, hoà nhập, cộng trường tình yêu đất nước, yêu nhân dân ở những người khác thành tình yêu của riêng mình, với những cảm nhận và lý giải của riêng mình:
            “Những người Tà Ôi da màu than rẫy cũ
            Truốt vào lòng bàn tay sần sùi da gỗ bứa
            Từng hạt vàng ẩm ướt mồ hôi”
 ( CON CHIM THỜI GIAN)
 Phải yêu nhân dân thật cụ thể mới viết được những câu thơ ấy.
            “Ta vuốt ve ngàn mái ngói mênh mang
            Tay ta đau với trường thành vỡ rạn
            Và con cầu như tiếng nấc nằm ngang”
            ( CON CHIM THỜI GIAN)
 Phải yêu thành phố tuổi thơ mình bằng một cảm giác da thịt như con yêu mẹ mới viết được những câu thơ ấy.
            “Ôi Tổ quốc ta yêu Người vời vợi
            Khi Người khổ đau không làm ta sợ hãi
            Trong căm hờn ta biết hướng ta lên”
            ( CON CHIM THỜI GIAN)
 Đó là những “nấc thang tình yêu”, những cung bậc tình yêu mà khi tác giả kêu lên “Ôi Tổ quốc ta yêu Người vời vợi” người đọc biết đó không phải là câu thơ khuôn sáo, bởi nó được xây dựng bằng một tình cảm chắc thiệt, bền vững đúng như cấu trúc bài thơ. CON CHIM THỜI GIAN được viết trong thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến đấu, vào mùa hè 1969, là một trong những bài thơ tiêu biểu của thơ chống Mỹ. Đáng ra, các tuyển thơ nên chọn bài thơ này, thay vì cứ trích đi, trích lại chương ĐẤT NƯỚC trong trường ca MẶT ĐƯỜNG KHÁT VỌNG như một thói quen. Có hai giai đoạn tạm coi là “bùng nổ” trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, đó là giai đoạn từ 1969 tới 1971, và sau hoà bình là giai đoạn từ 1982 đến 1984, mỗi giai đoạn chỉ gói tròn trong 3 năm, nhưng đó là ba năm Nguyễn Khoa Điềm “giải phóng” được năng lượng thơ của mình. Có lẽ đó cũng là hai giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của anh. Thực ra, thơ lại hay được “đẻ” ra trong những thời điểm khó khăn như vậy, bởi nó vừa là ngôn chí vừa là cánh cửa giải thoát. Nhưng khi đó, người bạn thân thiết nhất của nhà thơ chính là… thơ của mình. Tôi đọc trong giọng thơ trầm tĩnh của Nguyễn Khoa Điềm có cả phần nén chịu của một người từng trải, có nghị lực:
            “Bốn mươi tuổi rồi, lắm khi
            Cha cũng ngã, đứng dậy, khóc, cười một mình
            Cuộc đời cha dễ đâu toàn vẹn”
            ( BUỔI ĐẦU)
 Và cả biết đau đớn, sống với đau đớn, và vượt qua đau đớn:
            “Tưởng như anh không còn dễ khóc cười
            Anh cố thủ giữa đời anh chật chội
            Biết im lặng phút giây bối rối
            Biết mỉm cười đưa đẩy cái bắt tay
            Anh xài quen mớ ngôn ngữ hàng ngày
            Bay tản mạn xanh xao như khói thuốc
            Ôi trái tim anh, trái tim đau buốt
            Đã đập qua đêm, đã đập qua ngày”
            ( HẰNG NGÀY)
 Nhưng chính trong những thời điểm căng thẳng và mệt mỏi đó, bất chợt thơ Nguyễn Khoa Điềm mở ra được những ô vuông xanh hồn hậu, những ô vuông mở sâu vào sự bình yên thiêng liêng của đời sống và của tâm hồn:
            “Nhưng chiều nay con bò gặm cỏ
            Bên dòng sông như chưa biết chiều tan
            Tôi với nó lặng im bè bạn
            Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang”
            ( CHIỀU HƯƠNG GIANG)
Những bài thơ như CHIỀU HƯƠNG GIANG hay MIỀN QUÊ là những vuông cỏ xanh ít ỏi trong thơ Nguyễn Khoa Điềm mà người đọc có thể tin cậy ngả lưng, hồn nhiên sống trong vài giây phút mà không phải nghĩ ngợi gì:
            “Lại về mảnh trăng đầu tháng
            Mông lung mặt đồng bóng chiều
            Tiếng ếch vùi trong cỏ ấm
            Lúa mềm như vai thân yêu”
            ( MIỀN QUÊ)
 Giá như Nguyễn Khoa Điềm có nhiều hơn những bài thơ như thế, có lẽ anh sẽ cảm thấy thoải mái hơn, và người đọc cũng thoải mái hơn. Người viết bài này, thú thực, nhiều lúc cảm thấy mệt vì những đoạn thơ giải thích, lý giải, tranh luận của Nguyễn Khoa Điềm. Có lẽ, thơ không cần lý giải, mà cần được cảm, được xúc động, được đánh thức một cách như tình cờ. Người viết bài này cũng đã từng tâm niệm: “Những câu thơ cần cho cuộc chiến đấu, phút bình yên, cần cho những khoảng nửa đêm khắc khoải của con người”. Không ai phủ nhận tính chiến đấu của thơ, nhưng cũng không thể phủ nhận những rung cảm đặc biệt, những nỗi xao xuyến kỳ lạ mà thơ mang đến cho con người, kéo con người khỏi trạng thái thoả mãn hay quá tự tin. Thơ phải vừa là mũi tên vừa là giọt sữa là chiếc lá “là cái tổ kết bằng rơm rác cho một cánh chim, là tiếng gọi từ trời xanh cho một tâm hồn đã mỏi mệt, là đường viền mỏng mảnh của giấc mơ” Liệu Nguyễn Khoa Điềm có giai đoạn “bùng nổ thứ ba” của thơ mình hay không? Chắc chắn sẽ rất khó, nhưng người đọc vẫn hy vọng. Vì với những gì có được của thơ mình, Nguyễn Khoa Điềm đã trao cho người đọc bàn tay trầm tĩnh nhưng tin cậy. Bàn tay có những vết chai chứng thực.
 Cuối thu 2001
T.T
(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng