Người Huế
Ngọc trong cát
11:02 | 29/04/2010
TRẦN MINH TÍCHBên bờ phá Tam Giang mênh mông sóng nước, cách thành phố Huế khoảng chừng hai mươi cây số về phía đông nam có vùng đất bạt ngàn cát trắng, nơi đây trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược là cái nôi của cách mạng, hàng bao nhiêu hạt giống đỏ được ươm mầm để nhân rộng ra các vùng đất khác, tên gọi của xã vùng cát anh hùng đó là Phú Thạnh bây giờ là Phú Đa.
Ngọc trong cát
Bình minh trên phá Tam Giang - Ảnh: Internet
Đất lành sinh trái ngọt, mỗi tên đất tên người của Phú Đa đều gắn với những sự tích anh hùng mà đôi lúc tưởng như huyền thoại. Ngọc đã sinh ra trong cát và sáng rực lên ở các thời kỳ rực lửa cách mạng như gia đình của mẹ Trần Thị Đỉnh, một gia đình có 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 24 liệt sĩ một anh hùng lực lượng vũ trang, thật tình khó có gia đình nào ở nước ta có được!.

Chồng của mẹ Trần Thị Đỉnh là ông Vương Hưng Phán (còn gọi là Vương Hoán), ông là trưởng của dòng họ Vương Hưng ở Phú Đa. Trước năm 1945 khi phong trào cách mạng như ngọn lửa mới nhen, một số người có đôi chút chữ nghĩa ra làm việc cho chính quyền đương thời thì ông Phán là người theo nho học, rất có uy tín trong làng lại một lòng theo kháng chiến, không những vây ông còn đưa cả vợ, con cùng tham gia hoạt động, ông được kết nạp vào Đảng năm 1949. Phải nói rằng từ gia đình mẹ, như hạt giống tốt, lửa cách mạng đã bùng cháy và lan nhanh khắp vùng cát trắng bên bờ phá Tam Giang. Chồng cùng 6 người con cả trai lẫn gái đều theo kháng chiến và trở thành đảng viên cộng sản còn mẹ cũng chẳng chịu thua tham gia nuôi quân, bảo vệ cho cán bộ. Nhà mẹ từ năm 1945 đã trở thành trụ sở đóng quân của lực lượng công an tỉnh, trong kháng chiến 9 năm là nơi làm việc của Công đoàn 19 (tên gọi của cơ quan tỉnh ủy TT- Huế lúc ấy), rồi trở thành xưởng dệt cung cấp vải cho lực lượng kháng chiến. Xưởng dệt này kéo dài cho đến năm 1953 khi quân đội Pháp tiến hành càn quét mới được chuyển vào sâu. Thời kì chống Mỹ cứu nước, ngôi nhà này lại trở thành điểm quen thuộc của cán bộ hoạt động đi về chỉ đạo phong trào hết sức tin cậy. Sau cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nhà mẹ lại trở thành trạm phẫu tiền phương tuyến phía nam thành phố Huế, nơi đây trong suốt hơn 3 năm (1968- 1970) hàng trăm chiến sĩ giải phóng, du kích và nhân dân được cứu chữa, nuôi dưỡng, bồ sung cho mặt trận hay chuyển vào tuyến sau. Cuối năm 1972 khi bọn địch tăng cường lùng sục, nống ra trạm phẫu mới dời vào sâu.

Lật lại những trang sử vàng của thời kì chống Mỹ ở xá Phú Đa người ta thấy nhà mẹ là một diểm son tỏa sáng thể hiện tấm lòng trung kiên với cách mạng. Chống Pháp thắng lợi, đất nước chia làm hai miền gia đình mẹ với 15 đảng viên không một ai tập kết ra Bắc, cha con, vợ chồng, anh em... đều rút vào hoạt động bí mật hoặc công khai. Sáu người con của mẹ Trần Thị Đỉnh là Vương Hưng Kháng, Vương Thị Lành, Vương Hưng Hạc, Vương Hưng Mâu, Vương Hưng Tích, Vương Hưng Hà trong đó chỉ có bác Vương Hưng Mâu là còn sống, bác là trung tá công an về hưu năm 1981 còn lại năm người con của mẹ đều là đảng viên, liệt sĩ.

Chiến tranh chấm dứt, trong lúc xung quanh mọi người vui với niềm vui hội ngộ thì gia đình VƯƠNG HƯNG này lại thít chặt trên đầu 24 dải khăn sô trắng để tang cho chồng, cha, con, cháu, anh em... đã hi sinh trong kháng chiến. Với ba đời liên tiếp là liệt sĩ, ngôi nhà chung của ông Vương Hưng Phán đã tạo nên một tập thể 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đó là các mẹ Trần Thị Đỉnh (vợ), Vương Thị Lành (con gái) Phạm Thị Thể (con dâu), Phan Thị Vũ (con dâu), Vương Thị Phi (em gái) và Trần Thị Lùn (cháu ngoại) ngoài ra mẹ Vương Thị Phi còn tự hào đã sinh ra anh hùng lực lượng vũ trang Trần Phong, người chiến sĩ an ninh gan dạ đứa con yêu dấu của quê hương Thừa Thiên- Huế.

Về Phú Đa, tôi được nghe kể về sự mưu trí, gan dạ của mẹ Vương Thị Lành- mẹ hi sinh cách đây đã 24 năm nhưng đối với người dân vùng cát vẫn còn như mới. Sau năm 1954 mẹ được cắm ở lại hoạt động công khai, xung quanh mẹ lúc này bao nhiêu người thân đều ra đi, nhiều tổ chức đảng do sự khủng bố của địch lần lượt tan rã. Mẹ không sợ, luôn tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Mất liên lạc với Đảng, mẹ hoạt động đơn tuyến, không dừng lại đó, khi địch ra tay đàn áp căng thẳng mẹ đã tích cực vận động những người kháng chiến cũ thành lập tổ Đảng để hướng dẫn người dân đấu tranh chính trị đúng hướng. Tổ đảng lúc đó gồm bốn người (Vương Hưng Hạc, Vương Thị Lành, Nguyễn Đặng, Nguyễn Di). Mẹ cũng thường xuyên bố trí người lên chiến khu Dương Hòa để bứt tranh nhưng thực chất tìm cách bắt liên lạc với Đảng. Sự kiên trì của tổ Đảng đã thành công, địch thấy động cấm tiệt dân đi rừng, tách cá ra khỏi nước nhưng Ban cán sự Đảng ở chiến khu lúc ấy đã nhận định; Các đồng chí ở Phú Vang mất liên lạc nhưng vẫn hướng về Đảng, hoạt động cho Đảng và Đảng đã trở về lại Phú Đa. Nơi đầu tiên những người cán bộ của Đảng đặt chân đến là căn hầm được đào vội trong nhà mẹ Vương Thị Lành. Chỉ một thời gian ngắn từ ngọn lửa nhỏ được nhen lên từ ngôi nhà của mẹ, nhiều cơ sở Đảng khác được thành lập khắp vùng. Không sợ nguy hiểm mẹ đưa cả ba người con của mẹ vào hoạt động, hai người con trai học may ở thành phố Huế nhưng thực chất là biệt động thành, còn người con gái Châu Thị Xoa làm cán bộ phụ nữ xã. Biết được vai trò rất quan trọng của chị Xoa trong công tác nuôi giấu cán bộ nằm vùng, chúng tìm cách bắt được chị. Tra khảo mãi không xong, chúng làm nhục chị. Cả bọn như bầy quỹ dữ xông vào xâu xé tấm thân cô gái vừa tròn 20 tuổi. Không chịu để cho ô uế chị cương quyết chống trả đến cùng. Thực hiện hành vi đê tiện không được chúng bèn đem chị chôn sống. Khi mọi người mang được chị về bên ngoài áo quần không còn nguyên vẹn nhưng thân thể còn ấm nóng với đôi mắt vẫn rực lửa căm hờn. Chồng và cả ba đứa con đều hi sinh, mẹ Vương Thị Lành dồn hết tâm sức cho cách mạng. Năm 1967 do những tên phản bội khai báo mẹ bị địch bắt, năm 1972 bị đày ra Côn Đảo, một năm sau được trao trả, trở về nhưng không chịu nổi những trận đòn thù như mưa trên cơ thể, mấy tháng sau mẹ mất.

Còn mẹ Phạm Thị Thể về làm dâu trong nhà của ông Vương Hưng Phán không bao lâu thì chồng là Vương Hưng Mâu gia nhập trung đoàn Trần Cao Vân đánh Pháp. Theo gương bố mẹ chồng, anh em nhà chồng mẹ tích cực hoạt động trong phong trào Phụ nữ cứu quốc. Khi đứa con gái của mẹ vừa tròn một tuổi (năm 1947) mẹ đã thoát li đi hoạt động liên xã. Năm con lên bốn, mẹ ngậm ngùi gạt nước mắt giao con lại cho ông bà nội rút vào hoạt động bí mật do bị lộ. Từ năm 1954 đến 1956 mẹ được giao nhiệm vụ tìm cách bắt lại liên lạc với cơ sở đang bị địch đánh dạt đi khắp nơi. Trong một chuyến công tác lên vùng cao nguyên Kontum gây dựng cơ sở khi trở về do có kẻ khai báo mẹ bị chúng chận bắt. Thời gian từ 1957 đến 1963 mẹ sống trong nhà lao Thừa Phủ của địch như sống trong địa ngục trần gian. Hàng ngày hết khảo đến tra nhưng chúng không moi được một tin tức gì ở mẹ. Bất lực chúng phải thả tự do cho mẹ. Ra tù mẹ lại tìm cách bắt liên lạc lại với Đảng và được tổ chức Đảng chuyển vùng hoạt động lên vùng núi huyện Phong Điền. Năm 1969 khi trở lại quê hương vùng cát Phú Đa mẹ đau đớn nhận được tin đứa con gái mà mẹ vì nhiệm vụ phải để lại cho mẹ chồng nuôi năm lên 4 tuổi đã hi sinh. Giọt máu duy nhất mà chồng giao cho mẹ năm xưa, đứa con gái mà ông chưa hề một lần gặp mặt, kể cả mẹ cũng 18 năm trời xa cách biền biệt không còn nữa. Cô gái ấy có tên là Vương Thị Sen. Cùng lớn lên trong một mái nhà, khi bước vào tuổi trăng tròn cả hai chị em Châu Thị Xoa (con mẹ Vương Thị Lành) Vương Thị Sen cùng vào du kích. Ngày ngày cả hai cô gái kéo nhau đi phá ấp chiến lược bọn địch rất tức nhưng không làm sao bắt được. Vào du kích được vài năm huyện cho Sen đi đào tạo lớp y tá. Học xong cô quay trở lại phục vụ ở địa bàn. Chiều 30 tết năm 1967 cô gái nhận lệnh xuống đò qua bên kia sông cấp cứu thương binh. Con đò gần cập bến thì bị máy bay trực thăng của địch phát hiện săn đuổi, cô y tá Vương Thị Sen lên bờ chưa kịp ẩn nấp thị bị chúng bắn chết, năm đó cô vừa tròn 20 tuổi.

Giai đoạn từ 1967 đến 1968 ngôi nhà chung của mẹ anh hùng Trần Thị Đỉnh là giai đoạn đầy bi hùng, những tin tức xé ruột xé lòng liên tiếp ập đến. Đầu tiên là sự hi sinh của người con trai trưởng, bí thư xã Phú Thạnh, Vương Hưng Kháng (1967) rồi người con thứ Vương Hưng Hạc một thương binh cụt chân khi bị địch bắt vẫn cương quyết dùng gậy chống trả nên bị bắn chết (1968) tiếp đến là cô cháu nội Vương Thị Sen (1967) Châu Thị Xoa (1968). Người mẹ anh hùng Phan Thị Vũ (con dâu của mẹ Trần Thị Đỉnh) vừa thương khóc người chồng hi sinh năm 1967 thì năm 2 sau ba đứa con trai của mẹ, hai người công tác tại huyện ủy Phú Vang, một người làm việc ở huyện đoàn thanh niên cũng ra đi nốt. Mặc dầu đau đớn xé lòng, trên mái tóc điểm bạc chít bốn vành khăn trắng nhưng người mẹ anh hùng này vẫn không chịu lùi bước hằng ngày tiếp tục nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ một cách cần mẫn, như con ong góp mật cho đời. Mẹ anh hùng Vương Thị Phi với tám liệt sĩ (3 người con, 1 người rể, và 4 cháu) những người con, cháu của mẹ hết sức gan dạ, mưu trí tạo ra nhiều tiếng vang lớn làm cho kẻ địch mới nghe tên đã phải khiếp sợ như người cán bộ Đảng Trần Vương khi bị giặc xăm trúng phải hẩm nhất quyết không chịu đầu hàng ông đã cùng đồng đội tung nắp hầm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng mới chịu ngã xuống hay anh hùng lực lượng vũ trang Trần Phong nổi tiếng với trận tiêu diệt 300 sĩ quan Mỹ ở khách sạn Hương Giang nằm ngay giữa lòng thành phố Huế làm lũ giặc kinh hoàng... Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Lùn (con gái của mẹ Vương Thị Phi) một đời tần tảo, chịu thương chịu khó chăm việc nhà, nuôi giấu cán bộ để cho chồng và hai đứa con duy nhất tham gia kháng chiến. Niềm vui hội ngộ không bao giờ có được, khi ba cái tin hi sinh của chồng, con liên tiếp đến với mẹ. Cô con gái xinh xắn mà mẹ thường mắng yêu "gan cho lắm vào!" trong một trận chống càn ở Đông Lộc (Quảng Điền) hết sức dũng cảm ngăn chận con đường tiến quân của giặc trên bộ lẫn khống chế máy bay trực thăng ở trên trời. Hết đạn, máy bay giặc hạ cánh xuống tại chỗ để bắt chị, cô du kích không chấp nhận thua một cách dễ dàng, chị chống cự đến cùng. Tức giận, bọn giặc xả súng bắn chết, xong chưa hả cơn tức chúng còn dùng lưỡi lê cắt đôi vú của chị mang đi...

Cứ như vậy, từng cái tên, mỗi chuyện chiến đấu của các thành viên trong "tập thể gia đình anh hùng "này nếu ai nghe kể tưởng chừng như huyền thoại. Trong ngày tôi đến thăm gia đình bác Vương Hưng Mậu người con trai duy nhất của ông Vương Hưng Phán còn sót lại và người mẹ anh hùng Phạm Thị Thể - hai vợ chồng sống trong cảnh cô đơn. Xung quanh là những tấm huân huy chương, bảng vàng danh dự... giăng đầy và trang trọng nhất là di ảnh của ông bà Vương Hưng Phán và Trần Thị Đỉnh những người đã hình thành nên ngôi nhà anh hùng này. Còn mẹ anh hùng Phạm Thị Thể tâm sự: Bố mẹ, anh, chị, em, con... của vợ chồng chúng tôi đều hi sinh cả nhưng chúng tôi không hề cô đơn, xung quanh gia đình tôi còn có bà con, còn đồng đội, Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm. Nghe mẹ nói rồi nhìn những di ảnh của bao người thân trong gia đình mẹ, tôi càng thấy cảm phục gấp bội lần những gì mà gia đình này đã đóng góp cho đất nước. Những hạt ngọc trong vùng cát Phú Đa đã được mài dũa, tạo nên trong chiến tranh vẫn luôn rực sáng, sống mãi trong lòng mọi người của cả hôm nay và mai sau.

T.M.T
(137-07-00)



Các bài mới
Các bài đã đăng