Trong những năm đầu của thế kỷ XX, khi phong trào kháng Pháp bùng lên mạnh mẽ ở Huế, có một người phụ nữ nổi tiếng thông minh, hiếu học và đảm đang đã tham gia hoạt động trong phong trào Đông Du, từng được cụ Phan Bội Châu viết đôi câu đối để tưởng nhớ: “Tâm khả huyền ư thiên nhật nguyệt Thân tàng giá dữ Việt giang sơn”
(Lòng trong sáng có thể treo cùng mặt trời mặt trăng Tấm thân kiên trinh đã gả cho non sông đất Việt) (1).
Người phụ nữ ấy là Lê Thị Đàn. Bà người xóm Chỉ, làng Thế Lại, tỉnh Thừa Thiên Huế, xuất thân trong một gia đình khá giả, có tinh thần yêu nước. Thuở nhỏ bà nổi tiếng về văn thơ, hiếu học nhưng do hoàn cảnh bị tù đày của cha vì liên quan đến phong trào Cần Vương, mẹ lại mất sớm, có nhiều mối lo toan vất vả, bà phải chấp nhận làm vợ viên thông ngôn của toà Khâm sứ Trung kỳ. Khi chồng đổi vào làm việc, bà không chịu đi theo, quyết ở lại chăm sóc cha và lo hương khói cho mẹ. Năm 1903, cụ Phan Bội Châu vào Huế tìm đầu mối liên lạc với các nhân vật có tiếng ở kinh thành để chuẩn bị thành lập Duy Tân hội. Cụ đã được Võ Bá Hạp (1876- 1948) (2) tiến cử Lê Thị Đàn, vận động bà vào hội Duy Tân. Đây là nữ đồng chí đầu tiên mà cụ Phan kết nạp vào hội. Trong suốt 7 năm hoạt động, bà đã cáng đáng nhiều công việc hệ trọng, là người làm cầu nối đảm nhiệm việc vận chuyển tiền bạc, thư từ, tài liệu từ Quảng Nam- Quảng Ngãi qua Huế rồi ra Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng để đưa ra nước ngoài cho những học sinh đang du học tại Nhật Bản. Có thời kỳ bà khoác áo cà sa để làm nhiệm vụ liên lạc giữa các cơ sở bí mật khắp Bắc-Trung-Nam. Bà được các đồng chí trong Duy Tân hội hết sức khen ngợi bởi tính cương nghị, trung tín, giỏi tài ứng xử trước quân thù. Bên cạnh hoạt động ở hội Duy Tân, bà còn tham gia các cuộc đấu tranh chống lại sự chèn ép của nhà nước phong kiến và của thực dân Pháp. Năm 1908 Lê Thị Đàn cùng một số nhân vật trọng yếu ở Thừa Thiên - Huế như các ông Khoá Mãnh, Khoá Mộng (3) kêu gọi nhân dân tham gia phong trào kháng thuế; cùng nhân sĩ Nguyễn Đình Tiến cổ vũ học sinh bỏ trường thi trong kỳ thi khoá sinh ở huyện Hương Trà để phản đối chính quyền thống trị. Năm 1910 bà bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn dã man nhưng vẫn không khai báo điều bí mật nào của hội Duy Tân. Bà đã tự kết liễu đời mình bằng một dải lụa trắng ở trong nhà lao, để lại một bài thơ tuyệt mệnh được viết bằng máu thấm đẫm tinh thần yêu nước, kiên trung bất khuất của mình: I Huyết khô lệ kiệt hận nan tiêu Trường đoạn Hương giang nhật dạ trào Ngô đảng tảo thanh cứu lỗ nhật Phần tiền nhất chỉ vị nùng thiêu. II Trùng tuyền yểm lệ kiến Trưng Vương Đề huyết thư quyên chỉ tự thương Bằng tạ phật linh như tái thế Nguyện thân thiên tý tý thiên sang. III Thê lương ngục thất mệnh chung thi Hải khoát sa không khốc tự tri Tử quốc đáo nùng thiên hữu phận Thương tâm quan lũ kỷ nam nhi.
Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai dịch: I Huyết lệ dầu khan, giận chửa sờn Chiều hôm tê tái nước sông Hương Đảng ta khi quét xong quân giặc Trước nấm mồ em đốt bó nhang. II Suối vàng gạt lệ gặp Bà Trưng Máu thắm hồn quyên khóc thảm thương Lạy Phật, thân này còn hoá kiếp
Tay
xin nghìn cánh, cánh nghìn thương. III Lạnh lùng cảnh ngục lúc quyên sinh Biển rộng đồng không mình biết mình Chết với nước non em tốt số Chạnh lòng tủi hổ lũ trâm anh. (4) Bài thơ chỉ có ba khổ, được viết bằng chữ Hán, mang đậm tình yêu non sông đất nước, là bài ca về tấm lòng của người phụ nữ đã biết hy sinh thân mình cho dân tộc. Chính vì lẽ đó mà cụ Phan Bội Châu đã đặt tên cho bà là Ấu Triệu ( Bà Triệu nhỏ) để tỏ lòng kính trọng một tấm gương nhi nữ kiên cường. Cụ Phan Bội Châu đã viết về Ấu Triệu: “ Lọ là các cậu, lọ là ông Ai bảo rằng thư, chẳng phải hùng Miệng có chào lòng, quen sấm sét Gan đành bỏ mạng, tiếc non sông Dây lưng một giải bền hơn sắt Nét máu ngàn thu đậm vơí hồng Ai hỡi biết chăng thời chớ hỏi Hỏi hòn đá nọ biết hay không” (5)
Am thờ bà Ấu Triệu Lê Thị Đàn được cụ Phan cho xây dựng nằm ở vị trí trang trọng trong khuôn viên của khu lưu niệm nhà thờ cụ Phan Bội Châu ở Huế. T.N.K.P (nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002)
---------------------------- (1) Lê Thị Nhâm Tuyết, Phụ nữ Việt qua các thời đại. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975, trang 183 (2) Võ Bá Hạp (1876-1948) hiệu là Trúc Khê, tự Nguyên Bích, quê ở Bao Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên- Huế. Ông đỗ cử nhân, không ra làm quan, có lòng yêu nước thương dân, kết giao với các chí sĩ đương thời. (3) Khoá Mộng: tên thật là Lê Đình Mộng, người làng Giạ Lê, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Vốn là học sinh trường Pellerin (Huế). Ông học giỏi, thích nghiên cứu Tân thư, hoạt động trong Duy Tân hội của Phan Bội Châu. (4) & (5) Được lấy từ sách Danh nhân Bình Trị Thiên (tập 1) NXB Thuận Hoá, Huế, 1986
|