Người Huế
Một nữ tu đất cố đô
10:40 | 06/06/2011
NGUYỄN CƯƠNG Trong giới tu hành và phật tử ở miền Nam từ trước đến nay không mấy ai không biết đến thiện danh và công lao đóng góp cho đạo, cho đời của Sư Bà Thích Nữ Diệu Không.
Một nữ tu đất cố đô
Sư bà Diệu Không - Ảnh: tư liệu
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Sư Bà Thích Nữ Diệu Không (tục danh Hồ Thị Hạnh) sinh năm 1905, viên tịch năm 1997, hưởng thọ 93 tuổi đời với 53 hạ lạp, bảo tháp ở tại phường Thủy Xuân - TP Huế, trong khu đồi thông thuộc lăng mộ gia tộc Hồ Đắc, gần ni tự Hồng Ân là ngôi chùa do Sư Bà sáng lập từ năm 1949 và trú trì tại đó cho đến khi rời trần thế về nơi cõi Phật.

Sư Bà Diệu Không sinh ra trong một gia đình trí thức lớn vào hàng danh gia vọng tộc thời bấy giờ ở kinh đô triều Nguyễn tại Huế. Sư Bà quê ở làng An Truyền, Phú Vang, thân sinh là cụ Hồ Đắc Trung (1861- 1941), tước Quận công, Thượng thư Bộ Học kiêm Bộ Hộ, rồi Bộ Lễ kiêm Bộ Công. Thân mẫu của Quận công Hồ Đắc Trung là Quận chúa Công Nữ Thức Huấn (con gái của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm - Hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng). Bà Thức Huấn đã bị quân Pháp giết vào ngày Thất thủ Kinh đô Huế 23/5 Ất Dậu (1885). Cụ Hồ Đắc Trung có tước phong là Quận công cho nên Sư Bà là Quận chúa Hồ Thị Hạnh (khi chưa xuất gia tu hành), thuộc vào loại “cành vàng lá ngọc” của đất cố đô, được cho là một “kỳ nữ”.

Sư Bà Diệu Không có tất cả 10 anh chị em (6 nam, 4 nữ). Sư Bà là con út, trong số các anh chị em của sư Bà có một số vị giàu lòng yêu nước, tâm huyết đi theo cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp và đã có nhiều đóng góp. Ông Hồ Đắc Điềm (1899- 1986) là tiến sĩ luật khoa Paris vào những năm 20 của thế kỷ trước. Nghe theo lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ, với tấm lòng yêu nước của một trí thức thuộc hàng quan phẩm (Tổng đốc Hà Đông), ông Hồ Đắc Điềm từ bỏ tất cả để tham gia cách mạng sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Hoà bình lập lại, trở về tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), ông đã giữ nhiều cương vị trọng trách: Phó Chủ tịch UBHC TP Hà Nội, Chánh án Toà án TP Hà Nội…

Một người anh khác là Giáo sư, Bác Sĩ Hồ Đắc Di (1900-1984) tốt nghiệp Y khoa Paris từ những năm 20 của thế kỷ trước, là Hiệu trưởng trường Đại học y khoa đầu tiên của nước ta cho mãi đến những năm 80 của thế kỷ XX. Ông Hồ Đắc Liên (1904-1958) tốt nghiệp ngành địa chất mỏ Paris, là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất đầu tiên của nước ta. Ông Hồ Đắc Ân (1950-1984) tiến sĩ tốt nghiệp Dược khoa Paris, đã có nhiều đóng góp trong bào chế thuốc phục vụ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…

Còn 4 chị em của Sư Bà mỗi người có một nét riêng của con gái xứ Huế. Bà Hồ Thị Huyên (1896-1965), mẹ của nhà bác học Bửu Hội là một phật tử đã tình nguyện tự thiêu nhưng không thành để phản đối chính quyền Mỹ - Diệm đàn áp phong trào Phật giáo miền Nam vào những năm 60 của thế kỷ trước. Bà Hồ Thị Phương (1897-1980) là con dâu của Thượng thư Lê Trinh (1850-1909) - người đã tôn vua Duy Tân và cứu Phan Chu Trinh thoát khỏi án chém(1). Bà Hồ Thị Chỉ (1902-1985) là Ân phi của vua Khải Định, xung quanh việc này cũng đã có nhiều giai thoại để lại. Bà Hồ Thị Chỉ trước đó đã được vua Duy Tân định chọn để trở thành hoàng hậu, nhưng sau một thời gian đã bất thành để tránh liên lụy cho gia đình cụ Hồ Đắc Trung (do cụ bị Pháp nghi ngờ đã tìm cách cứu Trần Cao Vân và Thái Phiên thoát tội chết)(2). Cho nên về sau, bà Hồ Thị Chỉ lại trở thành ân phi của vua Khải Định. Khi Bảo Đại lên ngôi, phong cho mẹ tức bà Từ Cung làm Hoàng thái hậu, thì bà Hồ Thị Chỉ sau đó bị bệnh thần kinh, đi theo công giáo ở Dòng Chúa Cứu Thế tự sinh sống bằng đi bán bánh bèo, nậm, lọc ở chợ An Cựu và qua đời vào năm 1985 tại nhà riêng của một người cháu ở đường Phan Chu Trinh - TP Huế. Đám tang của bà theo cả nghi thức Phật giáo và Công giáo. Lúc sinh thời, bà Hồ Thị Hạnh rất quan tâm chăm sóc bà Hồ Thị Chỉ vì cảm thương số phận không may mắn trong cuộc đời của chị mình và cả 4 chị em gái đều rất gắn bó với nhau trong việc đạo, việc đời.

Sư Bà Diệu Không (Hồ Thị Hạnh) sinh trưởng trong một gia đình như vậy. Một tiểu thư quận chúa, một kỳ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời cũng lắm trắc ẩn gian truân trước khi xuất gia thành đạo. Về chuyện tình duyên, thời còn con gái đã có nhiều công tử con nhà gia thế, môn đăng hộ đối mong muốn được kết tóc xe duyên. Lúc ở độ tuổi trăng tròn, tiểu thư quận chúa được theo hầu thân phụ sang Cao Miên (Campuchia), đã được hoàng tử Cao Miên để ý. Trải qua bao thăng trầm duyên số, cuối cùng Hồ Thị Hạnh đã quyết định nghe lời thân phụ làm vợ kế người con trai của cụ Cao Xuân Dục (Thượng thư Bộ Học) đang nuôi sáu con nhỏ mồ côi mẹ là ông Cao Xuân Xang và hai người chỉ sinh hạ được một người con trai (sau này định cư ở Pháp cho đến lúc qua đời). Ông Cao Xuân Xang bị bệnh phổi nặng, giã từ bà khi người con mới sinh chỉ mấy tháng tuổi. Bà để lại bài thơ “Đám cưới” như sau: “Đám cưới hay là một đám tang?/ Cả nhà, lớn, nhỏ, thảy đều than/ Chồng chung, bệnh hoạn tình phai nhạt/ Vợ kế, kề vai gánh đoạn tràng/ Kẻ nói là ngu, người nói dại/ Người cho là dở kẻ cho gan/ Biết chăng chỉ có người trong cuộc/ Gậy mái thuyền từ phải quyết sang”. Duyên phận của một tiểu thư, quận chúa, một kỳ nữ là như vậy!


Trở lại thời kỳ từ năm 1920 - 1935 là giai đoạn Hồ Thị Hạnh tham gia hoạt động xã hội, xác lập chí hướng “hành đạo cứu đời”. Chuẩn bị hành trang để bước vào đời, Hồ Thị Hạnh cùng với người chị là Hồ Thị Chỉ đã chăm chỉ miệt mài học hành. Hai bà đều thành thạo chữ Hán, chữ Pháp. Mới 15 tuổi, Hồ Thị Hạnh đã thôi học trường nữ sinh Đồng Khánh, ở nhà tiếp tục tự học, giúp việc nhà, bắt đầu tìm hiểu và tham gia công tác xã hội, mặc dù thân phụ Hồ Đắc Trung muốn cho bà đi du học Pháp theo sau các anh Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di, Hồ Đắc Ân, Hồ Đắc Liên. Qua đọc sách báo tìm hiểu về cách mạng một số nước, nhất là tài liệu sách báo của các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu và hết sức ngưỡng mộ ý chí việc làm của hai cụ, bà sớm có ý thức góp phần duy trì, nêu cao thuần phong mỹ tục, đấu tranh cho nữ quyền để nâng cao vị thế người phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ. Hồ Thị Hạnh đã tham gia Hội từ thiện do bà Nữ sử Đạm Phương (thân mẫu của nhà văn Hải Triều Nguyễn Khoa Văn) làm Hội chủ và làm thủ quỹ tài chính của Hội. Năm 1926, với sự đồng ý và giúp đỡ của bà Đạm Phương, bà Trần Như Mân, bà Hồ Thị Hạnh đứng ra thành lập Hội Nữ công, lúc đầu ở tỉnh Thừa Thiên sau đó lan ra nhiều tỉnh khác ở Miền Trung. Hội Nữ công với uy tín của bà đã quyên góp được rất nhiều tiền trong các tầng lớp dân cư kể cả tầng lớp quan lại và phu nhân quan chức Pháp. Hội Nữ công còn có nhiều hoạt động ích lợi khác do đó mật thám Pháp đã để ý. Để tránh mật thám Pháp theo dõi quấy rầy, bà đã thành lập Hội Cứu tế lấy tên là Lạc Thiện. Hội Lạc Thiện không ngừng làm việc nhân đạo mà còn giúp đỡ cả các nạn nhân trong các cuộc nổi dậy Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 bị Pháp đàn áp. Bà và những thành viên của Hội đã ra tận Nghệ An cứu trợ.

Xuất thân trong gia đình quan lại phong kiến theo đạo Phật, lại chịu ảnh hưởng của bà cô ruột là Sư Bà Diên Trường (thế danh Hồ Thị Nhàn), bà Hồ Thị Hạnh đã phát tâm tu hành. Bà đã gửi con cho bà chị ruột Hồ Thị Huyên (bà Ưng Úy), giải quyết ổn thỏa cho sáu người con riêng của ông Cao Xuân Xang để làm phật sự và từ thiện. Năm 1932 bà được hòa thượng Giác Tiên trú trì tổ đình Trúc Lâm thu nhận làm Sadini với pháp danh Diệu Không. Không lâu sau đó bà cùng hòa thượng Giác Tiên đứng ra tổ chức An Nam Phật học hội ở Huế và phát triển ra các tỉnh miền Trung và miền Nam. Bà tự bỏ tiền và vận động quyên tiền để xây cất các ni viện ở Huế cho các nữ tu tu học như ni viện Diệu Đức, Diệu Viên, Hồng Ân (sau này Sư Bà đã trú trì), Đông Thuyền, Khải Ân (đã có thời gian bà Hồ Thị Chỉ tu ở các chùa này)… cùng các ni viện ở một số địa phương khác ở miền Nam. Bà cùng với các hòa thượng Thích Trí Thủ, Minh Châu, Nhất Hạnh… góp công sức xây dựng Viện Đại học đầu tiên của Phật giáo Việt Nam là Đại học Vạn Hạnh. Bà còn đắc lực khai sáng nhiều cô nhi viện, ký nhi viện trên khắp các tỉnh, thành miền Trung, góp phần đắc lực trong việc sáng lập nhà in Liên Hoa do hòa thượng Thích Đôn Hậu làm chủ nhiệm để in kinh sách Phật và nguyệt san Liên Hoa là tờ báo tồn tại khá lâu ở miền Trung và một số tỉnh khác ở miền Nam thời bấy giờ. Ngoài việc sử dụng thành thạo chữ Hán, tiếng Pháp, bà còn giỏi tiếng Pali và đã biên dịch nhiều bộ kinh Phật. Riêng có bộ Đại Trì Độ Luận gồm 100 cuốn, bà dịch trong những năm ở tuổi đã trên tám mươi tuổi và hoàn thành tập cuối vào thời gian trước khi viên tịch (1997) tại ni tự Hồng Ân (Huế).

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, dưới chính quyền độc tài gia đình trị họ Ngô do Mỹ dựng lên, Phật giáo miền Nam bị phân biệt đối xử, bị đàn áp khốc liệt. Phật tử nhiều nơi đứng lên đấu tranh nhưng đều bị chính quyền Mỹ - Diệm đàn áp dã man. Giáo hội Phật giáo miền Nam chủ trương kêu gọi phật tử “Vị pháp vong thân” dưới hình thức tự thiêu để đánh động lương tri nhân dân và đạo hữu trong nước và quốc tế. Để hưởng ứng, Sư Bà Diệu Không cùng người chị ruột là Sư Bà Diệu Huệ (Hồ Thị Huyên) đã viết đơn tình nguyện tự thiêu. Hai Sư Bà đã cùng đại diện Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên vào Sài Gòn nộp đơn xin tự thiêu, song lúc này, Giáo hội Phật giáo Miền Nam đã chọn Hoà Thượng Thích Quảng Đức được tự thiêu đầu tiên. Nhiều nhân chứng, nhiều bài báo đã kể lại chi tiết sự việc này và hết lời thán phục ngợi ca. Sau khi chứng kiến lễ tự thiêu, Sư Bà Diệu Không đã làm bài thơ “Khóc ngài Quảng Đức” hết sức cảm động: “Lửa dậy lưng trời thân chẳng động/ Dầu loang khắp đất ý không lay/ Tiêu diêu cõi Tịnh, Thầy theo Phật/ Lận đận trần lao, con nhớ Thầy”.

Những năm tiếp theo, Sư Bà vẫn có nhiều đóng góp cho đạo, cho đời đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau năm 1975, với cương vị đứng đầu giới nữ tu miền Nam, Sư Bà Diệu Không đã góp phần tích cực vào quá trình thống nhất tổ chức Phật giáo toàn quốc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gắn với sự phát triển của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới. Sư Bà được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và là Ủy viên thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế. Vào năm 1977, có một cuộc hội ngộ thật cảm động, bốn anh em ruột Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di (Hà Nội), Hồ Đắc Ân (TPHCM), Sư Bà Diệu Không (Huế) đã vinh dự là đại biểu dự Đại hội MTTQVN đầu tiên của đất nước thống nhất. Đúng là một cuộc trùng phùng đẹp đẽ, có ý nghĩa lịch sử!

Là một người tu hành và hoạt động từ thiện xã hội, Sư Bà Diệu Không còn để lại khoảng trên 110 bài thơ (phần sưu tập được) sáng tác từ thập niên 20 cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Năm 2007, Nhà xuất bản Thuận Hoá (Huế) đã xuất bản quyển “Diệu Không thi tập”. Nhà nghiên cứu văn hoá, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân (Huế) đã tiếp cận vấn an Sư Bà tại chùa Hồng Ân và sưu tập được một số bài thơ qua bài viết “Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong tâm trí Sư Bà Thích nữ Diệu Không”. Đặc biệt có bài “Thăm Lăng Hồ Chủ Tịch” vào cuối năm 1976.

Dù Người còn mất chẳng hề chi.
Thống nhất non sông mới lạ kỳ.
Bất diệt muôn đời đều nhớ rõ.
Những lời di chúc lúc ra đi.

Có thể nói Sư Bà là bậc chân tu hàng đầu của giới nữ tu Việt Nam, danh và đức của Sư Bà gắn liền với phong trào Phật giáo miền Nam từ những năm 1930 đến 1975, và cả khi đất nước hoàn toàn thống nhất đi lên CNXH. Từ trước đến nay, đã có khá nhiều bài viết của nhiều tác giả tên tuổi viết về Sư Bà phản ánh các khía cạnh khác nhau. Trong đó đáng lưu ý quyển “Đường thiền sen nở” do Nhà xuất bản Lao Động, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành tháng 6/2009 do hai tác giả Lê Ngân - Hồ Đắc Hoài biên soạn để giới thiệu cuốn hồi ký của Sư Bà do bà Cao Nữ Xuân Oanh chép lại chân thực lời của Sư Bà từ tháng 3/1992. Tác giả đã giữ nguyên, tôn trọng lời kể của người trong cuộc, chỉ thêm một số tư liệu lịch sử có liên quan đến gia tộc Hồ Đắc. Phần thi lục do giới nữ tu của Chùa Hồng Ân biên tập. Sư bà Diệu Không là một tượng đài của nữ tu đất cố đô.

Huế, Xuân Tân Mão 2011
N.C
(267/5-11)

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4
----------
(1) Phan Chu Trinh qua những tài liệu mới - Nhà xuất bản Đà Nẵng - 2001.
(2) Bích Phong Di Thảo - Nhà xuất bản Thuận Hoá - 2006.








Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngọc trong cát (29/04/2010)