Có đúng như vậy không? Nếu đúng thì tại sao lại có những bài Cung oán thi, một Cung oán ngâm khúc? Sự thật thì số phận của các phi tần, may hay rủi, sướng hay khổ, vui hay buồn, đều tùy thuộc vào một người: Ông vua:
Nếu được vua yêu thì:
Nệm hồng thúy thơm tho mùi xạ Bóng bột hoàn lấp ló trong trăng… … Sanh ca mấy khúc vang lừng, Cái thân Tây Tử lên chừng điện Tô.
Nếu chẳng may bị vua ruồng bỏ hoặc không đoán hoài đến thì:
Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền. Lạnh lùng thay giấc cô miên, Mùi thương tịch mịch, bóng đèn thâm u.
Hồ Xuân Hương đã từng than phiền về cảnh làm lẽ, vậy sống với một ông vua có hàng trăm bà vợ trở lên thì cảnh làm lẽ ấy cũng phải nhân lên đến trăm lần.
Ta thử xem dưới triều Nguyễn, thân phận và nếp sống của các bà trong nội cung như thế nào.
Dưới chế độ nhà Nguyễn, cũng như các quan có cửu phẩm, thì các bà cũng có cửu giai: nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tân, tứ giai tân, ngũ giai tiếp dư, lục giai tiếp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân, cửu giai tài nhân. Từ tiếp dư trở lên thì được gọi bằng bà, từ quý nhân trở xuống thì chỉ gọi bằng chị. Dưới tài nhân là tài nhân vị nhập giai, nghĩa là những người đang chờ đợi được tuyển làm tài nhân, xuống dưới nữa là cung nga thế nữ, tức là kẻ hầu người hạ, được gọi chung một tiếng là cung nhân.
Người đứng đầu các bà phi là Hoàng quí phi, tức là vợ chính của vua.
Theo lệ thường, chỉ có các quan đại thần mới được đưa con gái tiến cung. Tùy theo phẩm trật của người cha mà cô con được tuyển vào cấp bậc cao hay thấp. Con của một ông Thống chế có hàm chánh nhị phẩm chỉ được sơ tuyển làm tài nhân thôi. Nhưng con các quan nhất phẩm và có nhiều công trạng với triều đại thì được tuyển ngay làm tiếp dư và thăng cấp cũng rất mau. Trái lại, có những người đã được tuyển lâu ngày, đã từng sinh hoàng nam hoàng nữ, cũng chỉ ở cấp bậc mỹ nhân hoặc quí nhân là cùng.
[if gte mso 9]>Normal0falsefalsefalseMicrosoftInternetExplorer4Các bà vợ vua Tự Đức sống cho đến đầu thế kỷ 20 (nguồn: BAVH) - Ảnh: nguyenphuoctoc.info
Ta thử lấy ví dụ các bà Từ Dũ (Nghi thiên Chương hoàng hậu vợ vua Thiệu Trị) và Trang Ý (Lệ thiên anh hoàng hậu, vợ vua Tự Đức) thì rõ. Vì cả hai đều là con quan đại thần, có danh vọng lớn, nên bà Từ Dũ mới vào cung đã được làm Tân, năm Thiệu Trị thứ ba được sắc phong làm Thành phi, năm thứ sáu được tấn phong làm Hoàng quí phi.
Bà Trang Ý năm đầu Tự Đức được làm Tân, năm thứ ba được phong làm Cần phi, năm thứ 13 được tấn phong làm Thuần phi rồi Hoàng quí phi. Nhưng oái oăm thay, đến năm Tự Đức thứ 35 (1882) năm chúng ta có nhiều việc rắc rối ở Bắc Hà vì sự tấn công của Henri Rivière, triều đình phải họp suốt ngày, vua Tự Đức bấy giờ hay đau ốm và tật bệnh, phải phục thuốc luôn, sự phục dịch ở nội cung có khi bê trễ nên vua giận, tước mất chức vị Hoàng quí phi của bà mà cho xuống làm Trung phi. Nhưng trước khi mất, nhà vua có vẻ hối hận và di ngôn lại là phải phong bà làm hoàng hậu. Sau khi vua mất, Dục Đức là con nuôi của bà lên nối ngôi, nhưng liền bị truất phế ngay, Hiệp Hòa lên cũng định theo lời trối của Hoàng huynh, phong bà làm Hoàng hậu. Bà không nhận, lấy cớ đang có việc tang buồn, lại thêm Dục Đức bị tội thì bà cũng có một phần trách nhiệm, nên chỉ đòi lên ở Khiêm Cung để lo việc hương khói cho cựu hoàng thôi. Hiệp Hòa bèn ra lệnh cho đình thần phải nghiên cứu cựu sử, tìm ra một tiền lệ để sắc phong cho bà. Các quan tra cứu sử cũ Trung Quốc và tìm thấy hai tiền lệ. Đời Đường, Bửu Lịch hoàng hậu ở điện Nghĩa An thì được phong làm Nghĩa An Hoàng hậu; đời Tống, Hiển Tích thái hậu ở cung Ninh Đức thì được phong Ninh Đức Hoàng hậu, như vậy là lấy tên điện, tên cung mà phong, nay bà Trang Ý bỏ lên ở Khiêm Cung thì cứ sắc phong bà làm Khiêm hoàng hậu. Bản sắc phong được long trọng để lên tận Khiêm Cung tuyên đọc và mọi việc đều xong xuôi êm đẹp.
Ta thường nghe câu nói: đưa con vào nội, câu ấy có nghĩa là vĩnh viễn không còn bao giờ trở về thăm nhà nữa. Ta thấy rằng như vậy chế độ của triều Nguyễn còn khắc nghiệt hơn cả Trung Quốc, vì ta thấy trong Hồng Lâu Mộng Nguyễn Xuân, con của Giả Chính, cũng được làm cung phi, nhưng đã có lần được về thăm nhà ở Đại quan viên. Song nhà Nguyễn lại hơn Trung Quốc ở chỗ không có những lãnh cung để giam lỏng các bà bị thất sủng. Ta còn nhớ bà Trần hoàng hậu, vợ vua Hán Vũ Đế, đã từng bị đuổi ra ở Trường môn cung, đến nỗi phải nhờ Tư mã Tương Như làm hộ cho bài Trường môn phú, nhờ vậy mà được vua thương và hồi tâm lại.
Các quan đại thần ta đưa con vào nội là với hy vọng rằng nếu may ra con được làm hoàng quí phi thì mình được làm quận công, có khi đến quốc công nữa, như trường hợp Phước quốc công Hồ Văn Bôi, Đức quốc công Phạm Đăng Hưng, Lệ quốc công Võ Xuân Cẩn chẳng hạn.
Các bà mẹ có nhớ con lắm thì lâu lâu cũng được phép vào thăm, còn ông cha thì dẫu có xin được phép cũng chỉ đứng ở ngoài sân mà nói chuyện vào với người con đứng trong rèm mà nói chuyện ra, con có thể thấy cha nhưng cha thì chỉ nghe tiếng con, vì vậy, trong thực tế không mấy người cha muốn xin vào thăm con làm gì.
Bà Hoàng quí phi được ở điện Khôn Thái, nằm sau lưng điện Càn Thành là chỗ vua ở. Các bà phi khác ở điện Trinh Minh, bên hữu và lùi về phía sau một chút của điện Cần Chánh. Các bà Tân thì ở viện Đoan Huy, các bà Tiếp dư ở viện Thuận Huy, ngoài ra các bà khác chia nhau ở các viện Đoan Trang, Đoan Hòa, Đoan Thuận, Đoan Huy, Đoan Tường, mấy viện này đều ở phía sau điện Trinh Minh. Trong lục viện thì viện Thuận Huy dài rộng nhất. Đó là vào buổi thịnh thời. Đầu triều Duy Tân thì chỉ còn ba viện Thuận Huy, Đoan Huy và Đoan Trang nữa thôi.
Nay ta thử xét từ triều Gia Long trở xuống. Nhà vua này có 31 con, 13 trai, 18 gái, so với hai vua Minh Mạng và Thiệu Trị sau này thì vua ít con hơn cả, và có lẽ số vợ cũng ít thua hai vua sau.
Thế nhưng có ai ngờ một ông vua đánh đông dẹp bắc như vậy lại thường bị các bà vợ làm khổ như có lần nhà vua đã phải than thở với một ông quan người Pháp về nỗi khổ riêng chính mình. Điều này, trong Souvenirs de Huế (trang 109 - 111) có thuật một câu chuyện lý thú như sau:
“Trong những buổi nói chuyện thân mật với J.B.Chai-gneau, Gia Long thường nói rằng nhà vua trị nước dễ dàng và không khó nhọc bằng trị chốn nội cung của mình. Trong một cuộc tiếp xúc riêng, nhà vua nói: ông tưởng rằng sau khi bãi triều và thanh toán xong mọi việc chính trị và hành chính trong ngày là công việc tôi đã xong và tôi có thể nghỉ ngơi trong hậu cung sao? Ông lầm rồi. Ông không thể ngờ cái gì đang chờ tôi ở đó (vua chỉ về phía hậu cung), sau khi tôi ra khỏi đây. Ở đây, tôi thích thú vì được nói chuyện với những người hiểu biết, biết nghe tôi, hiểu tôi và nếu cần, vâng lời tôi. Vào trong ấy, tôi gặp phải những con quỷ dữ. Chúng gây lộn với nhau, đánh đập nhau, cấu xé nhau và sau cùng kéo nhau tất cả đến đòi tôi phân xử. Nếu muốn làm đúng thì tôi phải làm tội tất cả, vì tôi không biết trong cả bọn đó có đứa nào không độc ác bằng mấy đứa kia không!”
“Sau một hồi im lặng, Gia Long lại nói tiếp: Đây này, một chốc nữa, tôi sẽ phải đứng giữa một đoàn quỷ cái, chúng nó sẽ gào thét làm cho tôi điếc cả tai” (rồi nhà vua giả giọng một người đàn bà đang cơn giận dữ: xin Ngài xét cho, xin Ngài xét cho, con ấy hắn chửi tui, họ xài xể tui, xin Ngài xét cho!). Một tá khác lát nữa sẽ đến rỉ vào tai tôi: Hoàng đế bỏ tui, con kia được lòng Hoàng đế, tui đòi xin phần tui”.
Nhà vua bỗng cười ha hả, rồi nhìn vào kẻ đối thoại của mình như để hỏi một ý kiến. Ông quan người Pháp, trước đó đã cười lăn lóc, nhất là về cái bộ điệu đóng trò của vua và những tiếng hét của vua để bắt chước sự lồng lộn của các bà vợ, mới nói:
“Hoàng đế không phải khó nhọc để dễ bớt sự phiền hà của mình bằng cách hạn chế số cung phi”.
“Xuỵt! vua ngắt lời ngay. Ông hãy nói nho nhỏ, ông hãy nói nho nhỏ”.
“Vua truyền cho bọn lính sai phái, một loại lính cận vệ luôn luôn theo hầu vua, lui ra rồi nói tiếp:
“À, ông C…, ơi, nếu các quan đồng triều mà nghe được những lời ông vừa nói đó, thì họ sẽ trở thành những kẻ tử thù của ông đó. Thì ra ông không biết, vua nói tiếp, rằng các phi tần hầu hết đều là con gái các quan sao? Đây này, cách đây không lâu, một ông đòi dâng con gái cho tôi, mặc dầu tuổi tác của tôi, tôi đã không thể từ chối, vì nếu làm như vậy thì tôi sẽ làm cho ông ta tức giận vô cùng. Ở đây, đó là một vinh dự cho một ông quan được có một cô con gái vào nội cung, và đối với tôi, đó là một bảo đảm về lòng trung thành của ông ta. Tôi muốn có sự êm thấm với mọi người, nhất là với đàn bà, vì họ đáng sợ hơn đàn ông. Nếu tôi bỏ bê một nàng, cô ta sẽ lập tức phàn nàn với cha mình, và ông này, nếu không nguyền rủa sự già yếu của tôi, cũng sẽ cố gieo rắc một cách khéo léo giữa các bạn đồng liêu của mình những tiếng xì xào làm cho tôi trở thành một trò cười trước mắt dân chúng”.
Vua Gia Long ngoài hai bà hậu là Thừa Thiên (mẹ của Hoàng tử Cảnh) và Thuận Thiên (mẹ của vua Minh Mạng), còn sắc phong cho bà Lê Thị Ngọc Bình (con của vua Lê Hiển Tông và em của Ngọc Hân công chúa) làm Đệ tam cung. Bà này sinh hạ được hai hoàng tử là Quảng oai công và Thường tín quận vương.
Từ đời Minh Mạng trở xuống, các bà vợ vua phần lớn là người Nam, vì các công thần hầu hết là người Nam cho nên đã dâng con lên cho vua. Bà Hồ Thị Hoa (Tá thiên nhân hoàng hậu) vợ vua Minh Mạng và con của Phước quốc công Hồ Văn Bôi, người Biên Hòa), Phạm Thị Hằng tức là bà Từ Dũ (con của Lễ bộ Thượng thư, tặng Cần Chánh điện đại học sĩ, phong Đức quốc công Phạm Đăng Hưng, người Gò Công), bà Đinh Thị Hạnh (mẹ của Hồng Bảo, cũng người Gò Công), bà Lệnh phi, con của Kinh môn quận công Nguyễn Văn Nhân, bà Học phi Nguyễn Văn Thị Hương, người Vĩnh Long v.v… đều là người Nam. Sau này họ lập ra ở Thừa Thiên một làng lấy tên là làng Nam Trung.
Về miền Trung thì các bà vợ vua thấy tuyển phần nhiều từ Quảng Bình đến Bình Định.
Vua Minh Mạng chỉ thọ có 50 tuổi, nhưng có đến 142 người con, 78 trai, 64 gái. Vua Thiệu Trị cũng chỉ sống được 40 tuổi mà cũng có đến 64 con, 29 trai, 35 gái. Chúng ta không được rõ số phi tần của hai vua này là bao nhiêu, nhưng chắc là không ít.
Vua Tự Đức vì lên đậu mùa, sinh tật ở chỗ kín, nên không thể đi lại với đàn bà được. Vua rất buồn rầu vì không có con, nên người ta đã phải đem một bà vợ của một hoàng đệ, đã sinh đẻ nhiều lần để cho vua dễ kiếm chút con, nhưng rồi cũng không có kết quả. Vậy mà sau ngày vua mất, cứ theo Cosselin trong L’Empire d’Annam, thì có đến 103 bà phải lên ở Khiêm lăng để tiếp tục phụng thờ vua. Cố nhiên trong số này có nhiều bà chỉ mới 17, 18 tuổi đầu… Đó là căn bệnh của chế độ phong kiến, vua thì có quá nhiều con, vua lại không có con nào, để cho việc kế thừa phải trải qua bao nhiêu cơn sóng gió.
[if gte mso 9]>Normal0falsefalsefalseMicrosoftInternetExplorer4Bà Ân phi Hồ Thị Chỉ, vợ vua Khải Định - Ảnh: nhohue.org
Dưới triều Khải Định, vì vua không thích gần gũi đàn bà, nên nội cung chỉ có sáu người: hai bà phi là Ân phi và Huệ phi (tức là bà Từ Cung, Đoan Huy hoàng thái hậu), ba bà Tân là Diệm tân, Diễm tân, và Du tân và một bà Tiếp dư.
Theo thường lệ, vua Minh Mạng mỗi đêm chấm cho thái giám gọi năm bà vào hầu, mỗi canh một bà. Trong năm bà ấy thì có khi đã có ba bà thụ thai (Nhất dạ ngũ giao tam hữu tử). Thái giám phải chuyển danh sách năm bà ấy cho Tôn nhơn phủ, phủ này lại chuyển một danh sách khác cho Quốc sử quán, làm như vậy để sau này có một bà nào mãn nguyệt khai hoa, xem thử từ ngày vua đòi đến kỳ sinh nở có đúng ngày đúng tháng không.
Ban ngày, khi vua ngự ngơi, cũng thường có năm bà hầu hạ; một bà phe phẩy chiếc quạt, một bà đấm bóp cho vua, một bà hát nhè nhẹ cho vua yên giấc, một bà vấn thuốc têm trầu sẵn để đó, một bà chực khi vua thức dậy, cần dùng cái gì thì phải sẵn sàng làm ngay.
Khi vua ngự thiện (tức là ăn cơm) thì chỉ có thị vệ đứng quạt hầu bằng những cây quạt lông. Bao giờ vua cũng chỉ ngự thiện một mình chứ không có bà vợ nào, ngay cả Hoàng quí phi cũng không được ngồi cùng mâm với vua. Chỉ có bà Mai Thị Vàng vợ vua Duy Tân, là được ngồi ăn chung một mâm với vua. Bà này là con của Tuần vũ Quảng Trị Mai Khắc Đôn, ông thầy Dực Thiện của vua. Bấy giờ vua Duy Tân còn nhỏ nên chỉ ở lầu Du cửu (lầu này sau phá đi để làm điện Kiến Trung) chứ không ở điện Càn Thành vì quá rộng.
Tuy vua có nhiều phi tần, nhưng không phải bà nào cũng đẹp, có bà lại còn kém về nhan sắc là khác, phần nhiều là con các ông quan võ. Bà nào nhờ có sắc đẹp hoặc khéo chiều chuộng vua thì được đòi hầu nhiều lần hơn các bà khác.