Người Huế
Cuộc diện kiến với bà Hoàng hậu
09:52 | 15/08/2011
LTS: Đoạn trích dưới đây nằm trong cuốn sách “Sauvenirs de Hue” (Hồi ký về Huế) do tác giả người Pháp Michel Đức Chaigneau viết vào năm 1867. Ông sinh ở Huế năm 1803 và mất ở Pháp năm 1894, trừ một thời gian trở về nước Pháp, ông đã sống ở Huế 21 năm.
Cuộc diện kiến với bà Hoàng hậu
Vua Gia Long - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Ông là con trai trưởng của Gean Baptiste Chaigneau (tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thắng) và mẹ người Việt tên là Benoite Nguyễn Thị Huế. Cha ông là một sĩ quan người Pháp đã từng sống và làm việc nhiều năm ở miền Nam và triều đình Huế thời các vua Gia Long và Minh Mạng. Hoàn cảnh đó đã giúp ông hiểu biết rất nhiều về Việt Nam, nhất là Huế.

Theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam thì cuốn “Hồi ký về Huế” là một bách khoa thư về Huế vào đầu thế kỷ thứ 19. Tác giả đã có hàng trăm trang mô tả rất sinh động đời sống dân gian và cung đình xứ Huế, các tế lễ lớn trên đất này, các công trình kiến trúc của nhà vua và các quan. Các phong tục tập quán đương thời, tác giả đã viết bằng một sự quan sát cụ thể tỉ mỉ với một tấm lòng yêu mến gắn bó sâu sắc với đất nước Việt Nam và đặc biệt xứ Huế nơi ông đã sinh ra.

Dưới đây là cuộc diện kiến của tác giả với bà Hoàng hậu vợ vua Gia Long tại cung điện trong Kinh thành Huế, qua bản dịch của Lê Trọng Sâm.
SH


Cuộc diện kiến với bà Hoàng hậu


Michel ĐỨc Chaigneau


Vua Gia Long thường xuyên đón cha tôi trong các cuộc hội kiến riêng sau giấc ngủ trưa. Trong một lần, nhà vua nói với cha tôi là bà hoàng hậu muốn gặp tôi, ngài nói thêm: “Đây là một mong muốn rất tự nhiên để biết về con trai một người ngoại quốc đã phục vụ sự nghiệp của chúng ta với biết bao tài năng và tận tụy”. Rõ ràng những lời nói đó có mục đích giấu đi lý do chân chính của lời yêu cầu này là sự tò mò. Do đó, khi từ giã nhà vua trở về, cha tôi có báo ngày hôm sau tôi phải có mặt trong cuộc gặp mặt của bà hoàng hậu. Tôi mới lên tám và mảy may không biết chút gì về thủ tục của triều đình. Người ta bày giúp cho tôi, họ cho tôi biết tôi phải tự giới thiệu bằng cách nào và phải nên thưa bẩm như thế nào với bà hoàng hậu và các bà khác. Mặc dù tôi còn rất bé và từ đó đến nay, nhiều năm tháng đã trôi qua nhưng tôi vẫn trung thành lưu giữ kỷ niệm về cuộc hội kiến này với cảm giác tươi mát, khi lần đầu tiên tôi có mặt trong một cuộc gặp gỡ mà tất cả là các phụ nữ, trong đó có người đàn bà cao sang nhất trong các bà của xứ sở, rất đỗi tinh hoa về nhan sắc cũng như những trang sức của họ.

Với yêu cầu này, đức vua đã gặp cha tôi ở điện Cao Minh có tôi đi theo và đến ngày đó, chúng tôi đã có mặt vào khoảng 6,7 giờ tối. Khi chúng tôi đến phòng đợi, viên quan phục vụ cho biết đã chờ sẵn mấy phút rồi. Vậy là cha tôi nắm lấy tay và dắt tôi đến một gian phòng lớn, nhà vua đã ngồi trên các bệ mạ vàng, hai chiếc chiếu xinh xắn có viền lụa vàng, một số lính hầu cận đứng hai bên xa ra một ít. Vua Gia Long với vóc dáng trên trung bình và một thế chất lành mạnh, có cái đầu nổi lên của một người lớn tuổi rất cân đối với dáng vóc và khuôn mặt rất trang nghiêm đầy biểu tả báo hiệu một tâm hồn nhân hậu sung mãn. Ngài có nhiều cử chỉ vô cùng đẹp đẽ và rất nhã nhặn trong tính cách của mình, nhất là trong những cuộc nói chuyện thân mật. Nhưng tính cách mãnh liệt tự nhiên làm cho ngài chuyển từ sự nhân hậu sang những trận giận dữ liên hồi khi những mệnh lệnh của ngài bị thực hiện sai lệch. Làn da của ngài sáng, đôi mắt lanh lợi và chòm râu bạc trắng có phần rậm hơn phần lớn người trong nước. Một bên má có mụn đen và râu bao quanh nổi lên lộ ra một túm nhỏ hòa vào chùm râu chính mà không bị trộn lẫn hoàn toàn. Vua Gia Long là một người có đầu óc mạnh mẽ và nhiều năng lực tư duy dồi dào. Được thử lửa trong tai ương, nhà vua biết đánh giá con người và sự việc trong giá trị chân chính của họ và ngài hiểu rõ bộ máy cai trị của vương quốc hơn bất cứ vị thượng thư nào. Thế mà nhiều khi ngài cũng bị nhầm. Mà ngoài những lúc bàn thảo nghiêm túc thì ngài là một người vui tính nhất, nhã nhặn nhất trong vương quốc và lắm lúc với sự ham thích của mình, qua sự thân mật ngài cũng dễ bị cuốn theo những biểu hiện phóng túng mà những người nghe ngài cũng phải đỏ mặt.

Ngay lúc ấy, một người bước vào không tiếng động, đầu cúi xuống, một người mà bộ dạng chung hiện ra với tôi như một cục xương người mặc y phục, người ấy rất giống đàn bà nhưng lại bận quần áo đàn ông mà lại không phải là nam hay nữ... Đó là ông trưởng thái giám mà nhà vua cho gọi tới để làm người dẫn tôi đến gặp bà hoàng hậu. Con người đáng buồn ấy vẽ nên một mẫu người vô cùng xấu xí mà tôi thấy: cái khuôn mặt nhỏ tí và không có thịt với màu sắc nhăn nheo trông giống như một quả táo nhỏ bỏ quên trong lậm thóc nhiều tháng rồi. Chúng tôi cùng đi và sau khi đã vượt qua một hành lang dài không bóng người, chúng tôi đến một gian phòng khá lớn mở ra một hành lang khác làm quay lại cái gian đầu tiên vừa đi qua lúc nãy. Một số thái giám khác ngồi xổm trên cái bệ đứng dậy ngay khi chúng tôi đến gần, một người mở cửa và người dẫn đường nhìn tôi như muốn mời tôi vượt qua bậc cửa, tôi đi qua và cánh cửa đóng lại ngay sau lưng.

Gian phòng tôi mới bước vào rõ là rất rộng và những mành sáo che các cửa sổ hạ thấp xuống đem lại vẻ tăm tối và bí mật. Ngàn ý nghĩ xuất hiện trong đầu làm tôi lo lắng; tôi nghĩ chắc là sẽ phạm một điều lầm lẫn to lớn gì đây vì chưa từng quen biết các tục lệ trong cung đình và tất cả các bà ấy sẽ chế nhạo mình; cũng có thể tôi sẽ đến chào một thần tượng. Tôi quyết định không chịu nhún mình dẫu băn khoăn rồi hoàng hậu sẽ tiếp mình như thế nào đây. Đang trong nhiều suy tư như vậy thì có một nhóm mươi đến mười hai bà, tất cả đều khá đẹp với áo quần nhiều màu sắc đi đến gần và tôi nghe khe khẽ lời nói của họ: “Đấy, đấy con trai của ông Pha Lang Sa đó”. Một bà trong số đó nhan sắc kém hơn và hình như lớn tuổi hơn các bà khác, to lớn, có vẻ nghiêm trang trong khi những đồng sự của bà là những người còn trẻ hơn với khuôn mặt tươi cười, với dáng vẻ lanh lợi và thoải mái hơn. Tôi tự nói với mình rằng bà lớn tuổi nhất chắc phải là bà hoàng hậu. Vẻ rụt rè, tôi bước tới gặp và không đợi tới lúc bà cất tiếng nói đầu tiên, vừa nghiêng mình tôi vừa nói: “Tôi xin dám chào hoàng hậu.” Tôi chưa nói xong từ “hoàng hậu” thì một trận cười lớn phá lên từ các bà có mặt. Bà mà tôi vừa cho là hoàng hậu đột ngột ngắt lời tôi: “Chết! Chết! - bà nói - tôi không phải là hoàng hậu, ôi! nếu Hoàng thượng mà biết thì...”. Bị chưng hửng trước sự nhầm lẫn này và rất bực tức trước cái cười kém độ lượng của các bà, quá xấu hổ, tôi không tìm được một từ nào thích hợp để hoàn toàn kéo tôi ra khỏi cảnh gian nan này. Nhưng, sung sướng thay một cánh cửa mở ra và trong lúc các bà khác vẫn cười, bà to lớn ấy vừa chỉ nữ chủ nhân vừa nói với tôi: “Cậu, đây là bà hoàng hậu, vào đi”.

Bộ xa lông của bà hoàng hậu cũng gần bằng kích thước với bộ ở gian trước nhưng tôi lại thấy rất đẹp, có các thứ trang hoàng cũng như đồ đoàn bày biện, tất cả ánh lên sự giàu sang và tinh sạch, thoảng một mùi hương pha lẫn mà ta ngửi giống như mùi hương của trầm, mùa hoa, mùi thuốc lá ướp hoa ngâu. Dù màn đêm bắt đầu hiện ra ta vẫn có thể phân biệt rõ ràng những đồ vật nhỏ nhất trong gian phòng lịch sự này qua mành sáo và một vài cửa sổ vẫn còn đang mở. Bà hoàng hậu với bộ quần áo bằng xa tanh viền vàng đang nhẹ nhàng tì tay lên một gối nệm vuông bọc trong một tấm lụa vàng viền vàng. Xung quanh bà có nhiều người hầu trong tư thế cung kính tạo ra một khung cảnh oai nghiêm.

Bà hoàng hậu không còn xuân thì nhưng lại mỹ miều và cư xử đức hạnh. Vừa thấy tôi vào bà liền ban cho tôi nụ cười đầy nhân từ. Bà nói: “Cậu đến đây, con trai của ông Long. Ta rất sung sướng được gặp cậu vì cậu là con trai của một người cha đã cống hiến nhiều công trạng cho đức vua, khiến ngài và ta quý mến và đánh giá rất cao”. Tôi trả lời: “Tâu hoàng hậu, tôi rất sung sướng và tự hào với những lời cao quý của bà và cha tôi sẽ rất bằng lòng khi được tôi kể lại”. Tôi tranh thủ lúc đang nói này để mở đầu lời ca ngợi cần thiết, vừa cúi chào, tôi vừa tiếp tục: “Xin dám chào hoàng hậu, chúc hoàng hậu vạn tuế, vạn vạn tuế”. Lần cúi chào đầu tiên kết thúc, tôi đang cúi chào lần thứ hai để đi đến lần thứ ba thì nghe đằng sau một giọng nhỏ không thiện cảm lắm mà tôi nhớ lại đó là của bà to lớn có khuôn mặt nghiêm trang đang nói với tôi: “ Cậu không phải chào bà hoàng hậu như vậy mà phải lạy, cậu biết chứ.” Ôi! Định mệnh rồi, tôi tự nói, cái bà này xuất hiện ở đây với nỗi khổ của ta! Nhưng làm sao đây? Ở đây ta không phải là người chủ, ta không muốn làm bà chủ giận dữ chút nào. Thôi cố gắng lên! Cha tôi thế nào cũng sẽ có hành động nhỏ và mọi việc sẽ tốt đẹp. Ở đây xin thú nhận rằng thay vì cúi lạy trước bà hoàng hậu, tôi sẽ không bị kéo tai để phục xuống đôi chân của bà có cái khuôn mặt nặng nề ấy! Nhưng với một số cô gái và các bà còn trẻ, tôi thoáng thấy lúc vào thì họ đã kéo cái nhìn tò mò về tôi qua khuôn mặt dễ thương và phong cách trẻ con của họ. Không thể tránh được cái chào kiểu An Nam của tôi với bà hoàng hậu, cái bà to lớn này với bộ mặt nghiêm khắc, mắt không rời tôi. Tôi phải đặt đầu gối xuống đất, tôi cúi nghiêng, lại đứng dậy rồi lại bắt đầu, khốn khổ thay, khi đang cúi xuống, đầu gối phải của tôi chạm vào một cái gì nhọn từ chiếc chiếu (ít nhất tôi cũng cho là như vậy), vật đó chích vào làm tôi đau, vì muốn tránh đi nên tôi mất thăng bằng, chao đảo và ngã xuống một bên. Thấy tôi như vậy, bà hoàng hậu la lên và cười trong khi các bà khác đang cố kìm lại trận cười. Lần lạy thứ hai đang dang dở, lần lạy thứ nhất lại quá kém, tôi xin lỗi và bẩm với bà hoàng hậu: “Tôi kính xin lỗi Đức bà về sự vụng về của tôi, tôi chưa thực quen với lối chào này.” Bà hoàng hậu đáp lời: “Hãy chào ta như khi cậu chào bà hoàng hậu nước pháp.” Tôi đứng dậy cúi đầu rất thấp năm lần như cha tôi đã làm với vua Gia Long.

- Sao, chỉ có từng ấy thôi à?

- Kính vâng, thưa hoàng hậu ở nước Pháp người ta chỉ cúi đầu một lần thay vì năm lần.

- Ta thích cái cách chào của chúng ta,_ như vậy càng đẹp và càng cung kính. Nhưng thôi, nói ta biết một vài điều khi chào ta.

- Tôi vinh hạnh được chào bà hoàng hậu. (Tôi cúi đầu)

- Lời đó có ý nghĩa gì?

Tôi giải thích từ ấy và bà tiếp tục.

- Các bà bên Pháp có xinh đẹp không?

- Thưa bà hoàng hậu, tôi chưa từng thấy nhưng cha tôi nói là các bà ấy khá xinh đẹp.

- Cậu thấy các bà ở đây có xinh đẹp không? (Bà vừa nhìn các bà xung quanh vừa nói).

- Thưa hoàng hậu, tôi cho là rất khó tìm thấy các bà nào khác xinh đẹp và mỹ miều hơn các bà ở đây.

Trong khi bà hoàng hậu tiếp tục hỏi tôi, những cô thanh nữ đặt hai giỏ trẻ xuống bàn, một giỏ đựng nhiều trái cây ngon mùa này, giỏ khác có mứt, bánh ga tô và trái cây khô, một số thanh nữ khác xếp trên cùng chiếc bàn từng đôi một những chồng vuông vắn với nhiều tấm lụa may áo quần, một cô gái khác để cạnh chồng vải một chiếc hộp vuông bằng gỗ mỏng sơn vàng với một bức tranh chạm vàng bên ngoài có hình rồng năm móng, trong chiếc hộp có một bộ trang phục nam giới, quần dài, thắt lưng, áo dài và khăn đóng. Khi tất cả các đồ vật ấy được đặt ra trên bàn, bà có khuôn mặt nghiêm trang tranh thủ một phút yên lặng đến gần tôi vừa chỉ xuống bàn vừa nói to lên với tôi: “Cậu Đức, đây là một dấu hiệu về lòng nhân từ của hoàng hậu đối với cậu” và với giọng rất nhẹ, bà nói: “Cậu phải cúi lạy hoàng hậu để cảm ơn về món tặng phẩm của bà dành cho cậu.” Tôi thầm bảo: Lại cái bà này, bà có nhiệm vụ luôn quấy rầy ta với những cuộc bái lạy vô cùng tận. Nhưng mà thôi đi, đã lắm trò như vậy rồi, hơn nữa bà hoàng hậu tỏ ra không mấy quan tâm đến chuyện này đâu. Làm như chẳng để ý lắm đến điều mà bà to lớn vừa nói, tôi đột ngột và cũng kính cúi mình trước bà hoàng hậu và nói: “Tôi rất vinh dự tạ ơn Đức bà về món tặng phẩm tuyệt vời mà bà hạ cố tặng tôi.”

Bà trả lời: “Khi cậu mặc bộ trang phục đựng trong hộp này cậu sẽ nhớ tới hoàng hậu”.

- Thưa bà, tôi không cần điều này để nhớ lại cách cư xử đầy lòng tốt và nhân từ mà Đức bà đã rất vui lòng cho tôi được gặp.

- Lát nữa ta sẽ gặp cậu ở nhà hát, chắc cậu có đến phải không?” Đoạn bà vừa cười vừa ngúc đầu nhiều lần cho phép tôi rút lui. Tôi lại cúi đầu và tạm biệt nơi này. Nơi này đã đem lại cho tôi nhiều cảm xúc khác nhau và từ đó tôi không thể nào quên được.

Ở cửa đi ra tôi lại gặp người thái giám già, người dẫn đường đang chờ tôi. Khi vừa thấy tôi, ông lại đón tôi rất lễ phép, rất ân cần và rất khúm núm, điều này không có gì lạ với con trai một đại thần có nhiều đặc ân ở triều đình, người con trai đã có vinh dự được bà hoàng hậu tiếp đón và nhận nhiều tặng phẩm từ tay bà, trước mặt họ là một đối tượng được ca ngợi, vì lẽ đó mà ông ta vừa cúi đầu vừa đưa tay mời tôi đi trước. Ông theo tôi cùng với ba thái giám khác đang mang những thứ mà bà hoàng hậu tặng tôi. Chúng tôi đến trước cửa gian phòng mà tôi đã chia tay nhà vua, ở đây các thái giám trao các tặng phẩm cho những người phục vụ để họ đưa cho những đầy tớ của cha tôi. Tôi xin thú nhận rằng với cách làm việc của con người tử tế này mắt tôi trở nên độ lượng hơn về những gì ông ta thiếu may mắn và tôi bắt đầu có cảm tình với khuôn mặt này hơn trong lần đầu tiên tôi gặp.

Cha tôi đang ở một mình trong gian phòng, Đức vua vừa mới chia tay cha, cha hỏi tôi về những gì tôi đã thấy và có bằng lòng về sự đón tiếp của hoàng hậu không. Tôi trả lời với cha là tôi rất vui lòng và chúng tôi cùng nhau đi đến nhà hát.

LÊ TRỌNG SÂM dịch
(269/07-11)








Các bài mới
Các bài đã đăng