Sầm sập mưa sáng tiễn cụ Tô Hoài. Vậy mà dòng người xếp hàng viếng cứ dài mãi ra. Dài, đông vẫn là cánh văn nghệ sĩ. Quây tụ lại bên sảnh nhà tang, họ đợi giờ truy điệu. Khói thuốc mịt mù trong hơi mưa cùng những câu chuyện không đầu cuối khiến nhà tang mưa bớt u ám.
Sát bên nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam, tôi giật mình khi sờ thấy người ông ướt lủn. Thì ra mắc mưa từ khi ra khỏi nhà. Cơ mầu khéo ốm mất. Tuổi 84 chớ có mà thị thường. Giục đi thay thì ông cười thản nhiên: Chả sao, đợi tý khô.
Từng tòng sự cùng chỗ làm với ông lão này dư ba chục năm nên quá quen với cái tính xuề xòa chả có gì quan trọng. Vậy mà lại quá khắt khe khó tính với cái việc bấm máy với chuyện bảo quản giữ phim. Chuyện mới biết ông đương sắp có cuộc viễn du sang Pháp. Bên ấy họ mời 4 nghệ sĩ bấm máy Việt sang bên đó bầy ảnh. Mà toàn ảnh thời chiến. Khéo khen bên mời cũng tinh. Riêng Mai Nam đoạt mấy giải quốc tế. Toàn những ông thiện chiến về khoản ảnh chiến tranh. Mai Nam, Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Hứa Kiểm. Mỗi vị gửi mấy chục hình. Họ lựa mỗi người đúng 20 tấm.
Không khí nhà tang lễ chợt gợi cái gì như quá vãng. Mang máng nhớ hình như có dạo Mai Nam hay ghé nhà cụ Tô ở Đoàn Nhữ Hài? Mà chưa được ngó tấm hình nào của Mai Nam về nhà văn? Gạn hỏi hóa ra ông đương trữ một loạt. Một loạt ấy tôi hiểu là những cuốn phim ORWO của Đức, mà có thể là Photo-65 của Liên Xô với kích cỡ 3X4, 6X9, 6X6…
Những cuốn phim đen trắng thời bao cấp quý hiếm nhưng mong manh. Sơ sẩy một tẹo việc bảo quản là mốc và đốm là vệt nghĩa là vứt! Vậy mà cái nhà ông lão này không biết trữ bằng kiểu gì mà bây giờ bất kỳ đề tài nào về cái thuở quá vãng ấy cứ hỏi cứ cần là có? Mà những ô phim ấy cứ trong veo đủ chuẩn cho những tấm hình đen trắng.
Gạn thêm, một vệt ấy là Mai Nam ghi lại hình cụ Tô những năm xa lúc chuyện lúc nghỉ ngơi hay viết lách chi đó. Đời hơn nhau có lẽ muôn thuở là bất biến vẫn là cái tài! Một đối tượng viết, một đối tượng để chụp nhiều, nhiều người dúng tay hoặc nhăm nhe. Nhưng thành và ra được chất lẫn hồn của đối tượng được là cả một sự huyền bí nhiêu khê mà phi tài phi khéo ra khó mần được, mần nên lắm?
Lại biết thêm cả cái tình. Mê tài cụ Tô, như Mai Nam bộc bạch là từ năm 1940. Duyên do là thời ấy “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài đã hút hồn lứa trẻ trong đó có Mai Nam. Mê, phục, quý. Hằng bao năm như thế. Mỗi khi hướng ống kính về cụ Tô Hoài lại thường trực lại ám ảnh cảm giác ấy lại cũng chẳng sướng sao? Cả cái người được chụp lẫn người chụp!
Bàn nữa chỉ thêm rậm. Mời bạn đọc thưởng lãm Tô Hoài đen trắng qua con mắt của Mai Nam.
Ngày đưa cụ Tô 17/7/2014
Nguồn: Xuân Ba - TPO