Những khoảnh khắc
Những bức ảnh đời thường
09:52 | 17/03/2017

Với lịch sử gần 200 năm, nhiếp ảnh đã trở thành hoạt động có tác động lớn đối với đời sống, trong đó có những bức ảnh nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng vượt thời đại. Tuy nhiên, có những bức ảnh đời thường, thầm lặng nhưng vẫn đầy “quyền lực”.

Những bức ảnh đời thường
Bức ảnh ghi lại cảnh chăng dây trong đám cưới ở Hà Nội những năm 1950, tục lệ này hiện không còn

Chưa nhận thức hết giá trị

Những bức ảnh đời thường không được công bố trên mặt báo, không do nhiếp ảnh gia, người nổi tiếng chụp hay chụp người nổi tiếng; không liên quan đến sự kiện của một cộng đồng lớn, một dân tộc hay quốc gia, quốc tế. Những bức ảnh này ban đầu chỉ có ý nghĩa với cá nhân, gia đình của chủ nhân bức ảnh, nhưng qua thời gian đã có “quyền lực” riêng. Như bức ảnh của Anne Frank, một cô gái Do Thái, ban đầu không ai biết tới, sau này được coi như biểu tượng khi nói về nạn phân biệt chủng tộc...

Theo nhà nghiên cứu dân tộc học - PGS.TS. Nguyễn Văn Huy: Giá trị của những bức ảnh gia đình thể hiện ở khoảnh khắc chân thực, đời thường; ở những mối quan hệ xã hội, lịch sử toát lên từ tấm ảnh; ở thông tin, các câu chuyện, ký ức đằng sau bức ảnh... qua đó, bộc lộ các khía cạnh đa dạng của cuộc sống, nét văn hóa, ứng xử xã hội một thời, cũng như đổi thay qua từng thời kỳ. Mỗi tấm ảnh thể hiện một câu chuyện mang tính cá nhân, nhưng khi liên kết các bức ảnh của một giai đoạn lại với nhau thành hệ thống, chúng có giá trị đặc biệt về thông tin. Ví dụ, bức ảnh chụp tục chăng dây trước cửa nhà gái trong một đám cưới, lúc chụp chỉ mang ý nghĩa ghi lại kỷ niệm của đám cưới tại Hà Nội những năm 1950, nhưng nay trở thành tư liệu, thể hiện phong tục của một thời”.

Nhiếp ảnh đến Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, gần như đồng hành với thế giới và góp phần làm phong phú đời sống văn hóa. Nhiều bức ảnh đã được lưu giữ và nằm im hàng chục năm trong các album gia đình, chưa được công bố rộng rãi. Gần đây, một số bảo tàng, nghệ sĩ bắt đầu khai thác các bức ảnh này trong nhiều triển lãm như 100 năm đám cưới Việt Nam, Hà Nội thời bao cấp... thu hút sự chú ý của công chúng. Điều đó cho thấy, ảnh gia đình, đời thường bước đầu được quan tâm. Tuy nhiên, bản thân chủ nhân của những bức ảnh này cũng chưa hẳn đã nhận thức hết giá trị của chúng. Không còn nhiều người giữ được những bức ảnh đời thường, nhiều bức bị hỏng, rách; thậm chí có người giữ được ảnh nhưng không nắm được thông tin về nó... Với những bức ảnh còn lưu giữ thì lại chưa được khai thác một cách hệ thống như nguồn tư liệu trong nghiên cứu khoa học xã hội.

Xây dựng ngân hàng dữ liệu

Hiện nay, nhiều người mới chú ý đến những bức ảnh được chụp bởi người nổi tiếng, hoặc chụp người nổi tiếng, nhưng ảnh gia đình là câu chuyện rất khác. Những bức ảnh mộc mạc trong cuộc sống thường ngày thực sự phong phú, lưu giữ bối cảnh, suy nghĩ và những thời điểm quan trọng trong cuộc đời của những con người bình dị. Vì thế, cần nhận thức đúng vai trò của ảnh gia đình như nguồn tư liệu nghiên cứu quý giá, mà không cẩn thận, sẽ mất dần một cách đáng tiếc qua thời gian, dẫn tới “rơi rụng” ký ức, các câu chuyện, bối cảnh, cách suy nghĩ của con người qua mỗi thời kỳ.

Hàng chục năm trước, ảnh chụp phim rất quý, nên được nhiều gia đình trân trọng, lưu giữ trong thời gian dài. Trong khi đó, thời kỳ kỹ thuật số, ảnh đời thường được chụp nhiều, nhưng ít được chú ý giữ gìn trong thời gian dài. PGS.TS. Nguyễn Văn Huy góp ý: “Để có thể khai thác ảnh đời thường rộng rãi hơn, đóng góp cho xã hội hiện nay cũng như tương lai, cần sớm có kế hoạch thu thập, số hóa, xây dựng ngân hàng dữ liệu hay trung tâm nghiên cứu và lưu giữ dữ liệu ảnh gia đình theo các cấp độ khác nhau: Thôn, làng, huyện, tỉnh, thành phố... trước hết có thể làm dữ liệu ảnh gia đình Hà Nội”.

Thế giới đã có Trung tâm Lưu giữ tư liệu về phụ nữ Bắc Mỹ ở Đại học Harvard khi năm 1942, lần đầu tiên một phụ nữ hoạt động xã hội tặng bộ hồ sơ, gồm ảnh, tư liệu, vật kỷ niệm của mình. Cho đến nay, Trung tâm đó có nhiều tòa nhà cao tầng và trở thành nơi lưu giữ lịch sử phụ nữ Bắc Mỹ lớn nhất thế giới. Lúc đầu họ phải đi vận động từng phụ nữ hiến tặng hiện vật, nhưng sau hơn 70 năm, với uy tín của mình, họ chỉ duyệt danh sách tài liệu, hiện vật của những cá nhân có nhu cầu hiến tặng và tiếp nhận, lưu giữ. Hoặc Trung tâm Việt Nam tại Texas, lưu giữ tất cả những gì liên quan đến Việt Nam của người Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam, hoặc từng ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Những bức ảnh, hiện vật được tiếp nhận, thậm chí, những nhân chứng kể chuyện đều được ghi âm, ghi hình... “Làm dữ liệu về ảnh gia đình ban đầu có thể khó khăn, là câu chuyện lâu dài, nhưng không bắt đầu thì không bao giờ có được. Ngân hàng dữ liệu này khi hình thành sẽ đóng góp lớn cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nhân học... và là nguồn tư liệu quý giá cho các bảo tàng” - PGS.TS. Nguyễn Văn Huy khẳng định.

Nguồn: Thảo Nguyên - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng