Nhiều năm nay, có một nhiếp ảnh gia người Pháp đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Anh đi nhiều nơi, đến đâu cũng ghi lại hình ảnh đẹp về con người Việt Nam. Tất cả những gương mặt hiện lên trong ảnh của anh thường lấp lánh niềm vui. Đó là nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle.
Vùng đất của những nụ cười
Trong số những bức ảnh nổi tiếng của Réhahn, có tác phẩm “Hidden Smile” (Nụ cười ẩn giấu). Đây là bức ảnh anh tâm đắc nhất trong hơn 50.000 bức ảnh mà anh đã chụp trong các chuyến đi khắp mảnh đất hình chữ S này. Bức ảnh ấy cũng đã xuất hiện trên bìa cuốn sách ảnh “Vietnam - Mosaic of Contrasts” (Việt Nam - Những mảnh ghép tương phản) của Réhahn, được nhiều hãng thông tấn nước ngoài giới thiệu.
“Nụ cười ẩn giấu” từng được báo Mỹ bình chọn là bức ảnh “Bà cụ đẹp nhất thế giới”, ghi lại khoảnh khắc bà Bùi Thị Xong, người chèo đò chở du khách trên sông Hoài ở Hội An. Bà lấy tay che mặt vì xấu hổ khi nhiếp ảnh gia giơ máy chụp.
Chia sẻ về bức ảnh, Réhahn cho biết: “Nụ cười ẩn giấu này là một nụ cười không có tuổi. Bà Xong tuy đã già, nhưng bà ấy luôn mạnh mẽ, dễ thương. Hai bàn tay vừa nói lên tuổi tác, lại vừa là một khung ảnh rất tự nhiên. Bức ảnh ấy là hình bóng của một người mẹ, người bà Việt Nam, đại diện cho những người phụ nữ tần tảo, dù công việc lao động vất vả nhưng vẫn tràn đầy hạnh phúc mà nụ cười và ánh mắt sáng lên cho chúng ta thấy một vẻ đẹp không tuổi tác”.
Sinh năm 1979, tại Normandy (Pháp), Réhahn đã luôn luôn sống với niềm đam mê du lịch và nhiếp ảnh. Đối với hầu hết mọi người thì đi du lịch để khám phá những cảnh đẹp, Réhahn đi du lịch để gặp gỡ những con người và ghi lại khoảnh khắc tự nhiên nhất của những người mà anh đã gặp.
Bên cạnh bức ảnh “Nụ cười ẩn giấu”, Réhahn còn chụp nhiều hình ảnh những bà, những mẹ, những chị, những em bé lấy tay che miệng khi cười. Những bức ảnh được chụp ở nhiều vùng đất Việt Nam, với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tây Nguyên, Nam Bộ…
Dự án “Hidden smile” là góc nhìn độc đáo của Réhahn về hình ảnh nụ cười Việt Nam. Đằng sau đôi bàn tay nhăn nheo của người già hay mịn màng ngây thơ của con trẻ là những số phận khác nhau nhưng tất cả cùng chung một nụ cười tươi rói và đôi mắt chan chứa niềm tin vào cuộc sống. Nhiếp ảnh gia người Pháp cho biết, trong hành trình xuyên Việt, đi đến đâu anh cũng được niềm nở đón tiếp.
Theo anh, Việt Nam là vùng đất của những nụ cười. Và anh cũng nhận ra, rất nhiều người thường có thói quen che miệng khi cười lúc bắt gặp ống kính máy ảnh. Réhahn cho rằng đấy là vì họ lịch sự, khiêm tốn hoặc e lệ. Chính sự phát hiện tình cờ này đã mang lại nguồn cảm hứng sáng tác và đề tài mới mẻ để Réhahn theo đuổi.
Nhiếp ảnh gia Réhahn với một số nhân vật trong ảnh của mình.
Lưu giữ giá trị văn hóa
Nhiếp ảnh gia Réhahn cho biết, trong 54 dân tộc ở Việt Nam, anh đã tiếp cận được 42 dân tộc, và tất nhiên, tại mỗi nơi, anh đều chụp được nhiều bức ảnh quý giá. Theo Réhahn, sau những chuyến đi, anh nhận thấy nhiều dân tộc thiểu số đang dần đánh mất những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục và ngôn ngữ.
Có những tộc người còn vài trăm nhân khẩu, nhưng chỉ có vài ba bộ trang phục truyền thống và một số ít người già có thể nói được tiếng dân tộc mình. Vì thế, Réhahn đã luôn tự thôi thúc mình phải đi, phải chụp ảnh để lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của mỗi tộc người. Bởi anh quan niệm, nếu không có ai làm việc đó thì chúng ta chỉ có thể đứng nhìn những nét văn hóa đẹp đẽ ấy trôi qua và biến mất…
Đến mỗi vùng đất, anh không chỉ chụp ảnh mà còn tìm mua lại những bộ trang phục của người dân tộc thiểu số. Đây là một cách để Réhahn muốn bảo tồn, giới thiệu những nét đẹp truyền thống của mỗi tộc người cho du khách trên toàn thế giới.
Đầu năm 2017, anh đã mở bảo tàng Không gian nghệ thuật Di sản vô giá (Precious Heritage). Tại đây, hơn 30 bộ trang phục dân tộc truyền thống, nhiều hiện vật, 200 tác phẩm nhiếp ảnh với những câu chuyện được viết bằng 3 ngôn ngữ Pháp, Anh và Việt được trưng bày.
Không gian nghệ thuật Di sản vô giá nằm trên con đường Phan Bội Châu khá yên tĩnh gần phố cổ Hội An (Quảng Nam), rộng 250m2 được thiết kế như một bảo tàng cá nhân mini của Réhahn lưu giữ những “báu vật” anh thu thập được sau những chuyến rong ruổi đi tìm các dân tộc Việt Nam suốt 5 năm qua.
“Không biết tương lai 10 năm hay 20 năm nữa ra sao, nếu ngày mai tôi chết đi hay là không ở Việt Nam nữa, tôi muốn những trang phục này vẫn được bảo tồn tại Hội An, tôi muốn khi đó tặng bộ sưu tập này lại cho Việt Nam”, nhiếp ảnh gia người Pháp chia sẻ.
Những ai đã từng tiếp xúc với nhiếp ảnh gia Réhahn sẽ không cảm thấy lạ về quyết định này. Bởi từ lâu, Réhahn đã thực hiện dự án Trao tặng lại. Với Réhahn, khi cộng đồng cho anh cơ hội được chụp ảnh, được gặp gỡ và trò chuyện, tặng anh những vật quý giá thì anh cũng đền đáp lại bằng những việc làm, hành động, và nhiều khi là vật chất.
Như với cụ bà Bùi Thị Xong, Réhahn đã mua một chiếc thuyền gỗ mới để tặng bà vì thấy chiếc thuyền gắn bó với cụ Xong ở bến sông Hoài đã cũ.
Hay như khi treo bán bức ảnh ghi lại khoảnh khắc độc đáo giữa cô bé người M’Nông tên Kim Luân, sống tại buôn M’Liêng ở Đắk Lắk trò chuyện với chú voi khổng lồ bằng ngôn ngữ cơ thể, anh cũng quyết định dành 10% số tiền thu được chuyển đến quỹ The Christina Noble để hỗ trợ các dự án bền vững tại ngôi làng nơi bức ảnh được chụp…
Với Réhahn, đó là thiện tâm của anh, với mảnh đất của những nụ cười…
Nguồn: Cao Minh Anh - ĐĐK