Những khoảnh khắc
Khoảnh khắc còn mãi
14:54 | 30/04/2017

Nghệ sĩ nhanh nhẹn trao tận tay chúng tôi những bức hình đen trắng, khuôn mặt sáng lên như khoe báu vật đời mình. Đối với nhiếp ảnh gia Minh Lộc, khoảnh khắc của ngày 30.4 năm ấy luôn sống động. Ống kính dường như ghi lại những gì chỉ mới hôm qua, vào giây phút hạnh phúc vỡ òa, người người thỏa nguyện hòa bình, thống nhất…

Khoảnh khắc còn mãi
Những cái bắt tay vui mừng vào ngày 30.4.1975 - Ảnh: Minh Lộc

Trên căn gác nhỏ một khu tập thể ở trung tâm TP Hồ Chí Minh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc chậm rãi kể về những ngày tháng lịch sử được ông tái hiện qua ống kính cách đây 42 năm. “Sau khi chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ ở Dinh Độc lập, trong buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Lê Duẩn hỏi: Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có chụp được gì về quần chúng không? Bấy giờ đồng chí Đỗ Phượng (lúc đó là Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) cho soát lại tư liệu, trong ấy có những tấm hình tôi chụp ở Bờ Hôm (nay ở khu quận 7, TP Hồ Chí Minh) cách trung tâm Sài Gòn 12 cây số...”.

Từ ngày 4.4.1975, Minh Lộc cùng một nhóm phóng viên được lệnh nhập với đoàn quân di chuyển từ Tây Ninh về Sài Gòn (theo tuyến đường qua Campuchia). Mỗi người được phân mang trên vai tối thiểu một trái đạn pháo, cứ đêm đi, ngày nghỉ, bảo đảm hết sức bí mật. Lúc đó, Minh Lộc được ưu tiên “đi tay không”, nhờ vậy mà từ sau lưng, ông chớp được cảnh bộ đội trong tư thế khoác súng, đeo ba lô, vác đạn pháo tiến về Sài Gòn với khí thế hùng dũng, khẩn trương. Ròng rã như thế suốt hai mấy ngày đêm, mãi đến 30.4, đoàn về tới Bờ Hôm. Càng sát khu hành chính của chính quyền Ngụy, tâm trạng ai nấy càng hồi hộp, ẩn mình dưới bờ ruộng, căng thẳng nắm bắt tình hình Sài Gòn từ chiếc đài bán dẫn dắt bên sườn. “Nhận lệnh hành quân nhưng không một ai biết trước điều gì sẽ đến. Ngay sáng hôm ấy còn thấy 3 chiếc máy bay hướng về phía sân bay Tân Sơn Nhất. Thầm nhủ phải vững tinh thần, những ngày đạn lửa sẽ còn kéo dài, ít cũng phải 2 - 3 năm nữa”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc nhớ lại.

Đúng 11h30 phút, trên đài phát lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. “Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam”. “Nghe câu đấy mà nín thở, tim tôi cứ đập thình thịch. Rồi tất thảy mọi người đồng loạt ùa lên, súng ống trước đó nắm chắc trong tay cũng đặt xuống. Dân làng biết tin liền kéo ra, Bờ Hôm trưa ấy như mở hội. Chẳng ai biết ai, cứ siết chặt lấy tay, ôm nhau mà khóc, mà cười, mừng mừng tủi tủi”. Với nhiếp ảnh gia Minh Lộc, đó cũng là thời khắc hạnh phúc nhất cuộc đời, khi cảm xúc của cả người cầm máy lẫn người được chụp như hòa làm một. Ông bảo, xúc động nhưng không quên nhiệm vụ, trái tim lúc ấy dường như cũng biến thành chiếc máy ảnh, tay cầm ống kính mà như múa, reo lên chớp lấy giây phút hoan ca khi đất nước thống nhất, hòa bình…

42 năm trôi qua, lật giở lại khoảnh khắc ấy, nhiếp ảnh gia Minh Lộc càng muốn san sẻ cho mọi người. Cuộc triển lãm ảnh “Những khoảnh khắc lịch sử” gần đây tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh của ông thu hút hàng trăm người tham dự. Bên cạnh những tác phẩm nói về sự ác liệt của chiến tranh, loạt ảnh “Tiến về Sài Gòn ngày 30.4” đem đến cho công chúng một góc nhìn khác về công cuộc giải phóng, thống nhất đất nước. Bức hình đen trắng mà thấy như rực rỡ sắc màu, ảnh tĩnh mà như động. Những nụ cười rạng rỡ, những bàn tay nắm chặt, đôi mắt ánh lên hạnh phúc, từng đôi chân nhảy nhót trên cánh đồng… Ở đó, ý nghĩa của độc lập, thống nhất được kết tụ trọn vẹn, ánh lên hy vọng về một đất nước chuyển mình…

“Bờ Hôm khi ấy giờ đã khác, không còn bờ ruộng, ô thửa cánh đồng mà thay bằng nhà cửa, đường sá, dân cư đông đúc, nhộn nhịp. Đất nước ta sau chiến tranh đã phát triển như thế. Nhưng những khoảnh khắc, những câu chuyện của ngày hôm đó thì luôn sống mãi trong tôi và trong trái tim nhiều người. Mỗi bức ảnh như một dấu ấn lịch sử, cũng là lời nhắc nhớ thế hệ sau về giá trị của hòa bình”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc chia sẻ.

Nguồn: Lê Thư - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng