PHẠM BÁ THỊNH
Bất kỳ một tác phẩm văn học nghệ thuật nào cũng có mối quan hệ hữu cơ giữa hai mặt cốt lõi là hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng. Đó cũng chính là mối quan hệ của cái biểu đạt và cái được biểu đạt.
Hình thức nghệ thuật là cái biểu đạt, là chất liệu, thủ pháp tổ chức nên tác phẩm nghệ thuật. Nội dung tư tưởng chính là cái được biểu đạt tồn tại bên trong hình thức biểu đạt được tổ chức thành chỉnh thể tác phẩm nghệ thuật. Đây là điều cơ bản của lý luận nghệ thuật nói chung. Nếu ai đó không chú ý mối quan hệ này, không khai thác hài hòa logic hai mặt cốt lõi này sẽ không thể tiến xa trên con đường sáng tạo nghệ thuật, không có được tác phẩm đỉnh cao về cả hình thức sáng tạo cũng như tầm tư tưởng của tác phẩm, sẽ không thể hiện bản lĩnh, phong cách, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ trong tác phẩm của mình. Và tất yếu là lặp lại điều người ta đã thể hiện một cách tầm thường qua những hình thức biểu đạt quen thuộc đến nhàm chán.
Trong lĩnh vực sáng tác, lý luận phê bình văn học, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh, mối quan hệ giữa hình thức và nội dung đã được bàn luận nhiều. Nó là một nội dung quan trọng trong quá trình đào tạo của các trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhiều khuynh hướng, phương pháp nghiên cứu phê bình văn nghệ, phương pháp sáng tác khác nhau ra đời xuất phát từ quan niệm khác nhau về mối tương quan này. Cần nói thêm là giới sáng tác văn học, mỹ thuật và sân khấu - điện ảnh đã có sự am hiểu và vận dụng sâu sắc những yếu tố hình thức nghệ thuật đấy sáng tạo và có sức biểu đạt lớn vào việc chuyển tải nội dung thế sự xã hội, tình cảm con người mang tính nhân văn và tư tưởng nhân đạo cao cả. Tác phẩm của họ do vậy có sức lan tỏa rộng lớn, vượt khỏi mọi biên giới hạn hẹp, có giá trị lớn về nhiều mặt và tác động xã hội tích cực. Những tác giả đó thật sự là những đỉnh cao trong sáng tạo nghệ thuật, là người có cá tính, có phong cách, có uy tín trong xã hội.
Những năm qua, khi tiếp xúc với nhiều nhà nhiếp ảnh ở các vùng miền, tôi nhận thấy đa phần giới nhiếp ảnh chưa thật sự quan tâm đúng mức về mối quan hệ giữa hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng. Thậm chí có người cho rằng không cần thiết. Vì vậy họ chưa triệt để khai thác các thành tố này trong quá trình sáng tạo. Nói chính xác hơn là qua các thời kỳ, các bộ phận sáng tác nhiếp ảnh khác nhau chưa có sự đồng bộ trong nhận thức và đánh giá vai trò chức năng của hình thức nghệ tthuật trong việc chuyển tải nội dung, cũng như chưa vận dụng nó một cách tích cực như nhau trong sáng tạo tác phẩm của mình. Chắc chắn có nhiều lý do khác nhau để giải thích thuyết phục cho điều hạn chế trên. Nhưng rõ ràng nhất theo tôi là thiếu một sự hiểu biết đầy đủ, toàn diện về cả hai yếu tố hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng. Mặc dù đây là hai vấn đề cốt lõi liên quan đến sáng tạo tác phẩm nghệ thuật, nó hiển hiện cụ thể ở mỗi một tác phẩm nhiếp ảnh của nhà nhiếp ảnh, chứ chưa nói đến nhiều vấn đề khác cao xa hơn đặt nền tảng cho tư duy sáng tạo, cho quan niệm thẩm mỹ, cả việc xây dựng ý nghĩa xã hội và chuyển tải cảm xúc cá nhân, hoặc về vai trò, trách nhiệm của chủ thể sáng tạo đối với cộng đồng nhân sinh v.v. Chúng ta có một lực lượng sáng tác đông đảo nhưng thiếu đào tạo bài bản, chính quy. Người cầm máy cốt học kỹ thuật, nguyên tắc, thủ pháp sáng tác, hoặc một số kỹ năng bấm máy chứ chưa học lý thuyết tạo hình, lý luận về nghệ thuật, quan niệm thẩm mỹ trong nghệ thuật tạo hình nhiếp ảnh. Nhiều anh em tiếp xúc với máy ảnh, học bấm máy và bấm máy bằng năng khiếu bẩm sinh, bằng niềm đam mê sáng tạo cá nhân trước khi tiếp xúc với những vấn đề cốt lõi của bản chất nghệ thuật nhiếp ảnh và lý luận nhiếp ảnh. Cũng như vậy, có người còn không biết phương pháp sáng tác là gì? Anh ta không biết mình đang sáng tác theo phương pháp nào, đặc trưng và tác động của phương pháp đó đến con đường sáng tạo tác phẩm như thế nào?
Tôi cũng thấy rằng có người thờ ơ với những vấn đề lý thuyết về nghệ thuật nhiếp ảnh, về đặc điểm của hình thức nghệ thuật của một tác phẩm nhiếp ảnh, vấn đề sức chuyển tải nội dung tư tưởng của hình thức nghệ thuật nhiếp ảnh như thế nào? Từ đó dẫn đến chỗ họ không có nhu cầu hoặc không tư duy về sự cần thiết đổi mới hình thức biểu đạt để tác phẩm sâu sắc và đa dạng về nội dung biểu đạt. Hệ quả của những điều hạn chế trên là sự lặp lại đến nhàm chán trong hình thức biểu đạt ở tác phẩm nhiếp ảnh của chúng ta, họ chỉ chạy theo một số môtip hình thức đang được giám khảo ưa chuộng. (Ví dụ: xe cộ tung bụi mù trên các công trường, sương mù, mưa (thường là mưa giả), môtip gặp lại nhau, bà cháu, môtip thiếu nữ ở các di tích,…). Nội dung tư tưởng của ảnh do vậy cũng bị hạn chế về nhiều mặt, sức tác động về nhận thức và tâm lý xã hội có thể bị triệt tiêu. Tác giả mộng du vào ngõ cụt, trở thành kẻ rập khuôn máy móc mà đôi lúc lại mơ tưởng mình ở đỉnh cao của con đường sáng tạo. Những người làm công tác thẩm định, bình chọn tác phẩm ở các cuộc thi cũng không hơn. Việc chọn đi chọn lại những hình ảnh, những môtip, những bố cục quen thuộc, việc không phát hiện ra những nội dung tư tưởng có chiều sâu ẩn chứa trong những cách biểu đạt mới cũng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về quan hệ giữa hình thức và nội dung như đã nói ở trên. Người thẩm định nếu chỉ nhìn thấy bề mặt, nhìn những gì dễ thấy, dễ hiểu, đơn giản, không tư duy về quan hệ giữa cái được biểu đạt và cái biểu đạt mang tính khái quát, tính hình tượng, tính thẩm mỹ nghệ thuật thì làm sao phát hiện ra nội dung sâu sắc ẩn chứa bên trong, chứ chưa nói phát hiện tư tưởng, phát hiện quan niệm nghệ thuật của tác giả về con người và thế giới được chuyển tải trong ảnh.
Trong hoạt động sáng tạo sự quen thuộc trong cách nhìn, cách nắm bắt và thể hiện của nhà nhiếp ảnh trước hiện thực đa dạng, sinh động - ta thường gọi là quen mắt, là “gu” - đã làm hạn chế khả năng biểu đạt của nghệ thuật nhiếp ảnh và làm xơ cứng nội dung vốn sinh động của hiện thực khách quan được phản ánh. Chúng ta đã được nhìn hàng chục, thậm chí gần cả trăm ảnh về một đề tài như: tung chài, kéo lưới, làm ruộng, sương sớm, người già, đồi cát, thiếu nữ với di tích v.v, trong đó có hình thức biểu đạt tương tự nhau về bố cục, về sắc độ, về động tác, về thời gian, không gian, về quan hệ giữa các nhân tố tham gia tổ chức tác phẩm. Do vậy, dù có nhiều ảnh mà không đa dạng về nội dung được biểu đạt. Người xem không thấy có gì mới hơn ngoài một nội dung khái quát chung về đề tài đó. Nói cách khác là ảnh chúng ta chưa dẫn dắt người xem khám phá nhiều ngóc ngách ẩn sâu của nội dung vấn đề được biểu đạt. Muốn làm được điều này cần phải sử dụng nhiều tín hiệu thẩm mỹ nghệ thuật khác nhau và đặc biệt là biết phối hợp chúng một cách sinh động để phân luồng, để định hướng sự chú ý của người xem vào những khía cạnh khác nhau của nội dung vấn đề, của những hoàn cảnh, số phận, tâm trạng hoặc cảm xúc khác nhau của nhân vật - hoặc của các nhân vật trong ảnh. Tổ chức các tín hiệu thẩm mỹ này càng mới lạ, càng phong phú, đa dạng càng làm cho người xem có nhu cầu khám phá, phát hiện - Đó cũng là sức lôi cuốn của ảnh. Và tất yếu đằng sau nó là một nội dung khách quan mới lạ cần được nhận thức. Nội dung đó sẽ không là cái chung chung đơn điệu mà ẩn chứa cái riêng của phong cách, của cá tính sáng tạo và nhận thức cũng như cảm xúc của riêng từng tác giả trước hiện thực mà anh ta đang nắm bắt và thể hiện. Khi tác phẩm ra đời, người xem ảnh sẽ tìm thấy ở các bức ảnh đó những nội dung khác nhau mà các tác giả của nó nhận thức, quan niệm và chuyển tải. Tính tư tưởng của bức ảnh được biểu đạt như thế nào tùy vào nội dung mà tác giả nhận thức, quan niệm và chuyển tải thông qua những tín hiệu thẩm mỹ nghệ thuật được lựa chọn và tổ chức thành chỉnh thể tác phẩm đó. Tôi lấy lại ví dụ về những bức ảnh “tung chài”. Chúng ta chụp nhiều ảnh tung chài trên sông nhưng hình như tất cả đều chỉ cốt mô tả cảnh tung chài, ai cũng tìm cái đẹp của tư thế người quăng chài, của đường nét tấm lưới khi được tung lên với nhiều góc độ khác nhau, điều kiện ánh sáng khác nhau… và rốt cuộc khi đặt những tấm ảnh ấy bên cạnh nhau chúng ta thấy nó chỉ cung cấp cho người xem một nội dung thông tin đơn giản: nghề quăng chài hoặc vẻ đẹp của nghề quăng chài mang tính thơ mộng, lãng mạn - không hơn không kém. Chúng ta sẽ còn chụp, hết lần này đến lần khác, tìm kiếm một bức ảnh hoàn chỉnh hơn, đẹp hơn về bố cục, đường nét, tư thế, và nó cũng chỉ chuyển tải một nội dung nhất định: nghề quăng chài. Không có nội dung gì khác ư? Hay chính chúng ta không tìm cách đưa thêm vào ảnh những nội dung mới hơn, những ngóc ngách ẩn khuất của số phận, của hoàn cảnh, của những khao khát đổi đời của người dân chài trên sông nước ở một vùng quê nào đó. Nếu chúng ta có tư duy đổi mới, đào sâu về mặt nội dung cần được phản ánh hẳn hình thức thể hiện không thể đơn giản là chỉ chụp cảnh quăng chài cho đẹp mà phải tìm những góc cạnh thể hiện khác. Nếu thể hiện cảnh đời khó khăn, thể hiện ước mơ đổi đời, khao khát có một mái nhà, một mảnh vườn để khỏi lênh đênh mùa mưa bão, lũ lụt, hoặc thể hiện sự cạn kiệt nguồn cá tự nhiên để họ phải lao động cật lực hơn, vất vả hơn, tôi nghĩ chúng ta sẽ phải tìm đến những góc chụp khác, thời chụp khác, phải có cách tiếp cận khác. Nói chung là phải tìm kiếm một cách sáng tạo những hình thức biểu đạt khác. Bố cục ảnh sẽ khác, khoảng cách chụp sẽ khác, màu sắc, ánh sáng và các chi tiết tham gia vào ảnh cũng sẽ khác. Sẽ không chỉ là tung chài lên không trung đầy tính tạo hình lãng mạn mà biết đâu sẽ là cảnh lưới rủ bên mui thuyền, không phải là dáng đứng mạnh mẽ lúc tung chài mà là chân dung buồn nhìn bầy con nheo nhóc, mui thuyền dột nát hoặc một vùng nước ô nhiễm không còn cá, v.v. Hình tượng người dân chài lúc bấy giờ sẽ được khám phá cận cảnh, được thể hiện với nhiều cung bậc cảm xúc thật hơn, cụ thể hơn về số phận, về cảnh đời, về tác động của môi trường tự nhiên và thời cuộc. Ảnh về dân chài sẽ đa dạng hơn, sẽ mang tính nhân văn hơn. Tính tư tưởng trong ảnh cũng sẽ sâu sắc và đậm nét hơn. Và như thế bức ảnh sẽ có cá tính rõ nét, có thể có phong cách riêng, đậm dấu ấn tư duy và sáng tạo của tác giả. Nội dung ảnh cho dù chỉ mô tả một cảnh đời đơn giản nhưng hàm chứa tư tưởng, thái độ, tình cảm đầy tính nhân văn của tác giả.
Hình thức biểu hiện nghệ thuật luôn có quan hệ chặt chẽ với nội dung tư tưởng. Sáng tạo nghệ thuật do vậy cũng đồng nghĩa với sáng tạo về cả nội dung, tư duy về nội dung được biểu đạt. Chỉ chú ý một mặt sẽ khó đạt được sự hoàn thiện cho một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Trên con đường sáng tạo nhiếp ảnh nghệ thuật có khi mặt này đến trước hoặc ngược lại tùy vào năng khiếu và sự cảm nhận nhạy bén cũng như tác động của hiện thực xung quanh đến từng nghệ sĩ trong mỗi hoàn cảnh sáng tạo. Có khi chúng ta chuẩn bị, sắp xếp ý tưởng, tư duy về các khía cạnh của chủ đề, rồi liên tưởng đến những thực tế, những nhân vật thích hợp, những yếu tố không gian thời gian điển hình, điều kiện ánh sáng, góc chụp để từ cơ sở đó hình dung diện mạo tác phẩm. Có khi chúng ta tư duy về nội dung rồi lang thang tìm kiếm hình thức nghệ thuật thích hợp để biểu đạt thành tác phẩm. Cũng có khi chỉ là “sự săn tìm” đầy ngẫu hứng và vô định. Lúc này lại cần đến sự nhạy bén trong khả năng phát hiện ở mỗi tác giả mới hy vọng có tác phẩm chất lượng về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Con đường sáng tạo nhiếp ảnh nghệ thuật là con đường thênh thang muôn ngả, muôn cách nhưng yếu tố quyết định vẫn là chủ thể sáng tạo - một chủ thể có ý thức, kiến thức, năng lực và tư duy sáng tạo - một chủ thể biết vận dụng hình thức biểu đạt mới để chuyển tải nội dung tư tưởng thích hợp. Không dễ gì cứ vác máy đi là “có cả hàng trăm tác phẩm mỗi ngày” như ai đó đã phát biểu. Ta có thể bấm ra hằng ngàn bức ảnh mỗi ngày nhưng có khi chẳng có lấy một tác phẩm nghệ thuật ra hồn. Một bức ảnh do tác động ngẫu nhiên vào máy tạo ra và một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật là một khoảng cách vời vợi của tư duy sáng tạo, của độ sâu cảm nhận và tri nhận.
Có người nói đến yếu tố “may mắn”. Tôi nghĩ trong sáng tạo nghệ thuật có “may mắn” nhưng vẫn phải có “tài năng”, vẫn phải có sự nhạy bén trong phát hiện của bản thân nghệ sĩ, bởi đó cũng chính là năng lực tư duy về nội dung để kịp thời nắm bắt hình thức nghệ thuật đến từ một khoảnh khắc may mắn bất chợt nào đó. Sự thành công trong sáng tạo nhiếp ảnh chính là khi có sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức, hài hòa giữa tư duy về nội dung được biểu đạt và tư duy về hình thức biểu đạt. Chúng ta phải luôn nghĩ rằng khi lựa chọn thay đổi một yếu tố hình thức thì đồng nghĩa chúng ta muốn thay đổi một nội dung, một ý nghĩa nào đó của tác phẩm và ngược lại. Muốn tăng mức độ của cảm xúc, muốn thêm thông tin về nội dung thì phải thay đổi hình thức sao cho phù hợp. Sự thay đổi này có thể diễn ra ở một hoặc nhiều yếu tố cấu thành nên hình thức nghệ thuật tác phẩm. Có thể thay đổi ở mức độ biểu đạt: đậm nét hoặc mờ nhạt, tăng cường hoặc rút bớt một yếu tố, một chi tiết nào đó. Thay đổi trước, trong hoặc sau khi bấm máy tùy thuộc vào đặc trưng của từng thể loại ảnh, của từng phương pháp sáng tác khác nhau.
Hình thức nghệ thuật trong tác phẩm nhiếp ảnh là một vấn đề đơn giản nhưng hiểu biết cặn kẽ về hình thức nghệ thuật lại không đơn giản. Bởi hình thức nghệ thuật là tất cả những gì được tác giả lựa chọn từ không gian 3 chiều của hiện thực đưa vào khuôn ngắm để tổ chức nên tác phẩm nhiếp ảnh với không gian 2 chiều trong ảnh truyền thống. Hai không gian hiện thực và không gian trong ảnh truyền thống tạo ra những tri nhận và cảm nhận khác nhau ở người xem. Nhà nhiếp ảnh phải nhận biết sự khác biệt này để lựa chọn góc chụp tạo sự chuyển hóa mang tính nghệ thuật tối ưu trong tác phẩm nhiếp ảnh nhằm đạt được hiệu quả truyền tải nội dung, ý nghĩa của tác phẩm. Điều này thường thể hiện qua sự xông xáo, tìm kiếm góc chụp mới lạ và khoảnh khắc bấm máy để có sự hài hòa của hình thức và nội dung.
Hình thức nghệ thuật của tác phẩm nhiếp ảnh bao gồm nhiều yếu tố: màu sắc, ánh sáng (độ sáng tối, chiều chiếu sáng), các vật chụp (vật thể tự nhiên, nhân tạo), nhân vật, bố cục, đường nét, nhịp điệu,… Ai có qua trường lớp đào tạo nhiếp ảnh - điện ảnh; thậm chí khi học theo lối truyền nghề cũng đều biết đến những yếu tố này.
Tuy vậy vấn đề không chỉ dừng lại ở sự hiểu biết cơ bản mà ở sự vận dụng tính năng của nó trong việc thể hiện chức năng chuyển tải nội dung tư tưởng trong tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật.
Tiếng chổi tre - Ảnh Phạm Bá Thịnh |
Thông thường chúng ta chụp sự vật tự nhiên thì rất ít khi khai thác ý nghĩa của màu sắc hoặc của các chi tiết có màu sắc. Chúng ta xem nó như là màu vốn có và phải có mang ý nghĩa và sắc thái của tự nhiên, tất yếu. Theo tôi nếu biết khai thác màu sắc tự nhiên để nhấn mạnh ý nghĩa xã hội nhân sinh, nhấn mạnh cảm xúc và tâm trạng nhân vật hoặc cảm nhận của tác giả thì giá trị nghệ thuật và giá trị nội dung sẽ được nâng cao, tính sáng tạo nghệ thuật sẽ rõ nét. Trong thơ ca dân gian có câu ca: “Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay…”, tác giả dân gian mô tả một màu hoa không có thực là “xanh biếc” chỉ để diễn tả nỗi lòng tiếc nuối, tâm trạng xót xa khi tình yêu không thành. Không ai bắt bẻ về màu sắc tâm trạng này cả. Trong ảnh cũng vậy, khi đã là sáng tạo nghệ thuật, nghệ sĩ nhiếp ảnh có thể tạo ra một màu không thực để biểu đạt một cảm xúc, tâm trạng hoặc quan niệm nào đó. Ta có thể làm sẫm lại màu mây để cơn giông sậm đen phủ kín bầu trời hoặc đẩy bầu trời chiều đỏ ối lên qua đó thể hiện một dự báo về một thảm họa thiên nhiên dành cho con người - một sự trừng phạt, một sự hủy diệt… Nội dung ảnh sẽ hiện lên rõ nét qua hình thức màu sắc, tác động mạnh đến người xem, làm cho người xem suy nghĩ nhiều hơn về điều ta muốn diễn đạt.
Các bạn chụp cô gái Huế với sen - nếu chọn màu sen đỏ ý nghĩa sẽ có phần khác với khi chụp màu sen trắng. Bởi sen trắng là sen tiêu biểu của Huế mang ý nghĩ trắng trong, thuần khiết, gợi về phẩm hạnh thiếu nữ Huế luôn được gìn giữ, trân trọng. Sen đỏ hồng đặc trưng phương Nam - sôi nổi, mạnh mẽ sống động. Chụp nhà rường cổ, cung điện, lăng miếu cổ ở Huế mà đẩy màu gỗ đỏ rực lên sẽ không nói được điều gì cả, phải là màu nâu sậm mang ý nghĩa của thời gian, của hồi ức dĩ vãng, của truyền thống lịch sử, của cõi tâm linh u thẳm huyền diệu. Có thế mới bắt mắt người xem am hiểu nghệ thuật hay nói đúng hơn đó là sự hợp lý, là quan hệ tất yếu của hình thức và nội dung tư tưởng trong một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật. Màu sắc trong ảnh có khi được sử dụng mang tính tương phản, có khi mang tính hỗ tương, hài hòa, có khi rực rỡ, có khi dịu lại, đằm địa. Màu sắc đó như thế nào đều góp phần tạo nên nét riêng của không gian, thời gian, tâm trạng của nhân vật và đằng sau nó là quan niệm nghệ thuật, là thái độ, cảm xúc riêng của tác giả. Do vậy nếu cứ lạm dụng công cụ Hue/Saturation của phần mềm photoshop để đẩy các màu đều rực lên, tươi tắn thì còn đâu sự đa dạng trong nội dung hiện thực cũng như sắc thái biểu cảm tâm trạng mà nghệ sĩ muốn gửi gắm. Ngược lại khi xem ảnh chúng ta hay vội chê ảnh này phủ đỏ, ảnh kia phủ tím mà chưa hiểu ý đồ người chụp thì cũng phạm sai lầm không kém. Nhiều bức ảnh tuy có độ nét cao, màu sắc rực rỡ, tươi tắn, nhưng nhìn vào chính màu sắc đó chẳng gây một chút xúc cảm nào về sự vật, sự việc được miêu tả bởi yếu tố hình thức (màu sắc) không tương ứng với nội dung cần biểu đạt. Đó là một trong nhiều nguyên nhân tạo sự đơn điệu, giả tạo trong ảnh nghệ thuật của chúng ta hiện nay, nhất là ở những người non tay về xử lý cũng như thẩm định về màu sắc.
Khai thác bố cục, đường nét hoặc các chi tiết cụ thể, hợp lý trong ảnh cũng giúp chúng ta chuyển tải một cách sinh động, sâu sắc một nội dung nhất định nào đó đến người xem. Không sử dụng tốt các yếu tố hình thức nghệ thuật này nội dung thông điệp của tác giả sẽ không rõ ràng, giá trị xã hội có thể mờ nhạt, có khi vô nghĩa. Nhiều nhà nhiếp ảnh đã chú ý sắp xếp một bố cục cân đối, hài hòa trong ảnh theo nguyên tắc 1/3 phổ biến. Gần đây một số nhà nhiếp ảnh đương đại phương Tây muốn thể hiện cái riêng của mình đã đưa ra nguyên tắc phá cách. Theo họ mỗi bức ảnh tự nó là một bố cục hay nói rằng bố cục nhiếp ảnh là không có bố cục. Thật ra đó cũng chỉ là những cách diễn đạt khác nhau về bố cục. Những cách thể hiện mới rồi sẽ định hình thành một nguyên tắc nào đó có thể lặp lại ở những bức ảnh sáng tạo sau và đến một lúc nó lại thành một nguyên tắc phổ biến. Nói tác phẩm ảnh không cần có bố cục là không hoàn toàn chính xác. Bố cục chính là sự tổ chức, sắp xếp các chi tiết, các hình tượng nhân vật, đường nét, các mảng màu, các mảng đậm nhạt của ánh sáng trong một chỉnh thể tác phẩm ảnh, qua đó biểu đạt một nội dung tư tưởng nhất định theo quan niệm hoặc sự lựa chọn của tác giả. Muốn diễn tả sự rộng lớn tác giả thường bố cục theo diện, góc chụp từ cao chếch xuống; muốn diễn tả tầng lớp, nhịp điệu, thứ bậc tác giả lại chọn bố cục mặt đứng, góc chụp ngang, luật viễn cận sẽ tạo ra các thứ bậc trước sau, to nhỏ, mờ nét để chuyển tải nội dung thích hợp. Tài năng của nhà nhiếp ảnh chính là biết lựa chọn hài hòa giữa hình thức bố cục và nội dung cần chuyển tải.
Theo tôi, chúng ta không câu nệ một nguyên tắc bố cục nào. Nhưng lựa chọn bố cục nào phải phù hợp với nội dung chúng ta cần chuyển tải. Bố cục ảnh do vậy cũng là khía cạnh thể hiện rõ mối quan hệ giữa hình thức nghệ thuật với nội dung tư tưởng trong nhiếp ảnh nghệ thuật. Xin đơn cử một vấn đề: khung ảnh rộng hoặc khung ảnh hẹp chắc chắn nó liên quan đến nội dung thể hiện rộng, bao quát hoặc hẹp, chi tiết, đặc tả. Đây là điều mà gần như ai cũng biết nhưng đa phần đều chọn cách miêu tả trọn vẹn một đối tượng, đặt đối tượng trong thế cân bằng hài hòa với tổng thể bức ảnh. Ít người dám mạnh dạn cắt tỉa một chi tiết, một bộ phận đắc địa để gợi cho người xem suy tưởng. Khi ta miêu tả nhiều thì điều ta nói trở nên rõ ràng, cụ thể, thiếu sức gợi, khi ta miêu tả ít và lựa chọn chi tiết đặc trưng thì nội dung ta nói có sức khái quát, có sức gợi và nhiều ẩn ý làm người xem thú vị khi tham gia khám phá. Vì vậy ta có thể nói được nhiều hơn, ảnh sẽ ẩn chứa chiều sâu suy tưởng hơn. Ảnh miêu tả rộng thường thiên về tính thông tin, cụ thể (gần với đặc trưng mô tả chi tiết, cụ thể của ảnh báo chí); ảnh đặc tả có phần lại thiên về khái quát điển hình nghệ thuật. Một bức ảnh bố cục rộng hoặc hẹp ít nhiều còn liên quan đến phương tiện máy ảnh - đó là ống kính với tiêu cự khác nhau. Hiệu quả của hình thức nghệ thuật này - nhất là hiệu ứng mờ nhòe trước và sau chủ điểm hoặc ảnh có ảnh trường sâu đã có ảnh hưởng nhiều và rõ đến nội dung biểu đạt, đến cảm xúc người xem ảnh.
Người sử dụng bố cục linh hoạt thường là người biết mình đang thể hiện điều gì, muốn thể hiện điều gì với người xem ảnh. Không tư duy về nội dung, hoặc chưa ý thức về nội dung biểu đạt sẽ không chủ động trong lựa chọn bố cục, lựa chọn các chi tiết cần thiết cho bức ảnh.
Ngoài ra cũng cần nói thêm, nhiều người do không chú ý mối quan hệ giữa nội dung và hình thức nên đã xử lý thêm thắt cho bức ảnh nhiều chi tiết không phù hợp với nội dung chung của ảnh, tạo ra hiệu ứng phản cảm. Tác phẩm “Huyền thoại Truông Bồn” của tác giả QH là một ví dụ. Tấm ảnh có chi tiết phông nền của hai nhân vật được xử lý kéo vệt không hợp logic bố cục và nội dung thể hiện. Khi hai nhân vật ôm nhau trong vòng tay xiết chặt thể hiện tình thân và niềm vui thì phông nền lại diễn tả một sự vận động dịch chuyển nhanh. Ai sẽ dịch chuyển trong tấm ảnh này? Vì sao phải dịch chuyển? Không lý giải được. Tác giả xử lý hiệu ứng filter mà không ý thức về nội dung biểu đạt của nó. Không có liên hệ rõ ràng giữa chi tiết nghệ thuật kéo vệt với nội dung gặp mặt. Phông nền của ảnh chỉ cần mờ nhòe đủ để làm tôn lên hình tượng nhân vật và đủ để nói về sự hội ngộ đầy phấn khích của những đồng đội cũ trong ngày gặp lại. Bức ảnh “Sóng khô” của HĐC - cũng thể hiện sự thiếu hiểu biết về quan hệ giữa hình thức nghệ thuật với nội dung tư tưởng của tác giả khi sáng tạo và phía ban giám khảo khi đánh giá. Đưa hình ảnh chiếc xe máy đảo cà phê trên các sân phơi cà phê vào ảnh cũng có thể phản ánh một nét hiện thực ở Tây Nguyên, nhất là ở các công ty có quy mô kinh doanh lớn. Tuy vậy chủ điểm chiếc xe máy đang xóc xới cà phê ấy lại có một tỷ lệ không thích hợp với toàn cảnh và với hạt cà phê đã làm cho người xem có hiểu biết thực tế thấy khó chịu. Tự hình thức bức ảnh đã tạo ra sự phản cảm cho người cảm thụ nội dung bởi giữa nội dung và hình thức không nhất quán. Chỉ những người không biết sân đang phơi gì và không cần biết xe đang xóc xới cái gì thì thấy bức ảnh đẹp. Cái đẹp của thuần túy hình thức có khi lại che giấu cái giả, cái vô hồn, vô nghĩa của nội dung.
Cái được biểu đạt trong hình thức của mọi tác phẩm nghệ thuật là nội dung. Quan hệ hình thức - nội dung là quan hệ hữu cơ và tất yếu. Có cái này tất có cái kia. Có hình thức được tổ chức thành bức ảnh tất sẽ có nội dung nhất định nào đó được chuyển tải. Nội dung do vậy là một khái niệm rộng. Nội dung ảnh bao hàm tất cả mọi vấn đề của hiện thực cuộc sống khách quan mà ống kính hướng đến. Tuy vậy ở mỗi bức ảnh với khuôn hình rộng hẹp khác nhau, do góc chụp cao thấp, gần xa khác nhau và ý đồ thể hiện khác nhau của chủ thể sáng tạo mà nó có những nội dung không hoàn toàn giống nhau. Có nội dung thuộc về thiên nhiên, tự nhiên, có nội dung thuộc về lịch sử - xã hội, có nội dung thuộc về cá nhân con người, có nội dung đạo đức, nhân sinh, tâm tư, tình cảm; có nội dung chung liên quan đến nhiều người, đến cộng đồng, có nội dung liên quan đến cảm xúc cá nhân riêng tư trong một không gian thời gian hạn hẹp, khoảnh khắc, v.v. Mỗi cú bấm máy dù có ý thức của người chụp hay không thì bức ảnh vẫn chứa đựng một nội dung thông tin nhất định. Ai đó bảo rằng ảnh này hay ảnh kia không có nội dung là không chính xác. Vấn đề chúng ta cần nói đến là nội dung nhiếp ảnh nghệ thuật phải như thế nào, cần như thế nào để qua đó thể hiện vai trò, trách nhiệm và ý thức của người nghệ sĩ đối với cuộc sống con người và xã hội trong quá trình sáng tạo của mình.
Nội dung phản ánh trong ảnh có thể đơn giản như miêu tả một sự vật, một hiện tượng thiên nhiên, chúng cũng có giá trị giúp cho con người nhận thức rõ hơn về thiên nhiên và giáo dục về tình yêu thiên nhiên ở người xem ảnh. Nhưng tôi muốn lưu ý các nghệ sĩ nhiếp ảnh cần hướng ống kính của mình vào các nội dung hiện thực sinh động đa dạng của cuộc sống con người và xã hội, đến những góc khuất của mỗi số phận, mỗi cảnh đời còn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống để sẻ chia và đồng cảm với họ - với nhân dân lao động. Ảnh “Lam lũ” của chị Đ.H.N, “Chất độc da cam” của N.T.T, “Nụ cười mới” của VTT; chùm ảnh “Họ đã sống như thế” của N.Á… đều là những bức ảnh có nội dung mang tư tưởng nhân văn, nhân ái cao cả. Hãy chụp với tất cả niềm rung động chân thật của tâm hồn mình trước mỗi cảnh đời, mỗi số phận của người lao động, của nhân dân, chúng ta sẽ biết cần phải thể hiện bằng những hình thức nào. Đó sẽ là những hình thức giản đơn nhất, không màu mè, không cầu kỳ trau chuốt, giả tạo. Những hình thức tự nhiên mang hơi thở cuộc sống trong khoảnh khắc cảm nhận và bấm máy của nhà nhiếp ảnh bao giờ cũng là hình thức đẹp nhất của bức ảnh nghệ thuật. Tôi nghĩ: hình thức và nội dung tự nó đã gắn kết và tồn tại trong hiện thực cuộc sống một cách hài hòa, vấn đề còn lại chính là sự phát hiện, nắm bắt, cảm nhận nhạy bén của nhà nhiếp ảnh. Hãy rèn luyện năng lực phát hiện để chuyển hiện thực vào ảnh với tất cả cảm xúc thăng hoa và mãnh liệt của tâm hồn mình.
Có những nội dung bình thường, ai cũng nhận biết nghệ sĩ nhiếp ảnh không cần phải tốn công sức tái hiện - tác phẩm như thế sẽ quá đơn giản, không giúp ích gì cho công chúng. Có những nội dung ẩn chứa nhiều vấn đề liên quan đến bao số phận, đời người, đến đời sống vật chất, tình cảm của nhân dân, cộng đồng các dân tộc cần được khắc họa, chuyển tải để chiêm nghiệm, để phấn đấu cho cuộc sống mọi người tốt hơn. Có những nội dung thể hiện ý nghĩa nhân văn cao cả, tinh thần nhân đạo sâu sắc, thể hiện triết lý sống vị tha nhân ái của cả dân tộc cần được giới thiệu ra cộng đồng quốc tế. Có cả những nội dung chuyển tải được lý tưởng thời đại, lý tưởng cách mạng. Tầm tư tưởng của nội dung biểu đạt không nằm ở đề tài thể hiện mà ở cách lựa chọn phương thức thể hiện đề tài, ở liên kết các yếu tố hình thức biểu đạt đề tài một cách phong phú và nghệ thuật mang tính đặc trưng của loại hình nhiếp ảnh. Nhận thức về vấn đề này không đơn giản bởi bản thân vấn đề không phải thuộc phạm trù vật chất cụ thể, hiển hiện. Nội dung là điều mà ta tri nhận qua quá trình tư duy duy lý logic kết hợp với tư duy hình tượng thẩm mỹ. Nghệ sĩ phải là người luôn biết tự làm mới mình ở góc độ tri nhận và cảm nhận về con người và thế giới khách quan để sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Nhiếp ảnh nghệ thuật và nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Sáng tạo nhiếp ảnh nghệ thuật cũng chính là tìm kiếm và thể hiện sự hài hòa sinh động của cuộc sống con người bằng sự hài hòa của hình thức và nội dung nhiếp ảnh. Nó là cơ sở để nhà sáng tạo nhiếp ảnh nghệ thuật chuyển tải được quan niệm, nhận thức, tình cảm và cả tư tưởng của mình đến người xem ảnh. Nó cũng là cơ sở để người làm công tác thẩm định hiểu đúng được điều tác giả gửi gắm trong tác phẩm đó. Mối quan hệ giữa hình thức và nội dung, giữa nghệ thuật và tư tưởng mãi là điều mà mỗi chúng ta cần phải chăm chút thể hiện bằng cách riêng của mình, trong ảnh của mình. Đó mới là sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh đích thực.
P.B.T
(SH315/05-15)