LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Một người Huế là ông tổ của nền nhiếp ảnh Việt Nam
Ngày 14/3/1869 là dấu mốc vàng đáng nhớ của lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam khi cụ Đặng Huy Trứ khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà (Hà Nội).
Cụ Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) quê ở làng Bác Vọng, sau chuyển sang ở làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Với Cảm Hiếu Đường, lần đầu tiên người Việt ta có một hiệu ảnh phục vụ cho nhu cầu chụp ảnh rất mới mẻ của mình ngay chính trên bản quán quê hương. Sau này, theo quyết định của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, ngày 14/3 hằng năm được chọn làm Ngày Nhiếp ảnh Việt Nam. Hằng năm, vào ngày này, Hội Nhiếp ảnh cả nước và địa phương Thừa Thiên Huế đều tổ chức lễ dâng hương tại nhà thờ họ Đặng ở Hương Trà.
Cụ Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) được mệnh danh là “người trồng mầm khai hóa” cho nước nhà, được chí sĩ Phan Bội Châu hoan nghênh. “Mầm khai hóa” đó không gì hơn là bộ môn nhiếp ảnh, thời bấy giờ rất đỗi lạ lẫm với người Việt ta. Trên thế giới trước đó đã có những mốc phát triển quan trọng của nhiếp ảnh. Vào năm 1829, kỹ thuật nhiếp ảnh do nhà vật lý người Pháp Nicéphore Niépce (1765 - 1833) cùng với người em là Claude phát minh. Năm 1835, Wiliam Henry Fox Talbot, một nhà khoa học của nước Anh đã có được bức ảnh đầu tiên. Năm 1839, Louis Daguerre, người Pháp cũng cho ra kỹ thuật chụp hình ảnh được ghi lại trên một miếng gỗ phẳng có thoa chất i ốt bạc. Cùng năm, Chính phủ Pháp tuyên bố phát minh này là “món quà tặng miễn phí cho toàn thế giới”. Hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường của cụ Đặng Huy Trứ là một xu hướng tiếp cận thời đại, chỉ sau 30 năm máy ảnh đầu tiên được chụp theo công nghệ ưu việt nhất của Louis Daguerre được phát triển rộng trên thế giới. Từ đây, người Việt ta có thể sở hữu những bức ảnh như ý muốn, tạo dựng một hệ hình văn hóa cho cộng đồng. Chính nhờ việc cụ Đặng Huy Trứ đi nhiều, tiếp xúc nhiều và có tầm tư duy quảng bác. Trong hai lần đi sứ vào năm 1865 và 1867, cụ đã quan sát nghề ảnh, rồi mua máy ảnh, phụ tùng và mở hiệu ảnh không phải để kinh doanh kiếm lời mà là nhằm quảng cáo kỹ thuật mới giúp con cháu có ảnh cha mẹ, ông bà làm trọn chữ hiếu. Sự nghiệp của ông đều nhằm mục đích canh tân đất nước, phải theo kịp phương Tây để khỏi thua thiệt, dẫn đến mất nước. Chụp ảnh là một sinh hoạt trong hàng loạt công cuộc truyền bá theo cách Đặng Huy Trứ. Để quảng cáo cho Cảm Hiếu Đường, cụ Đặng Huy Trứ đã tự viết bảng quảng cáo rất gợi: “Xưa nay không ai tái sinh được xương thịt. Tuy ứng theo lòng, chụp ảnh tái hiện được tinh thần”. Chụp ảnh đã lưu lại những bức ảnh của con người theo từng thời điểm, “tái hiện được tinh thần” như mong muốn, là thứ “kỷ niệm vật chất” của con người. Lí giải vì sao nhiếp ảnh quan trọng với cuộc sống của người Việt ta, cụ viết: “Nay muốn sớm tối vui như trẻ được mặc áo hoa, ngoài nghìn dặm mà dường như dưới gối, luôn luôn thấy mặt, trăm năm sau mà vẫn in như trước mắt, khiến mọi người đều tỏ được tấm lòng thành hiếu thì chỉ có cách chụp ảnh là hay nhất”. Cái sự “trăm năm sau mà vẫn in như trước mắt” từ công nghệ của Cảm Hiếu Đường thu hút người dân. Sản phẩm ảnh chụp của Cảm Hiếu Đường lập tức gây tiếng vang khắp gần xa, được người dân Hà thành và các vùng lân cận hưởng ứng. Chỉ cần đến Cảm Hiếu Đường chụp ảnh, 4 ngày sau sẽ có ảnh giao lại cho khách hàng. Đáng tiếc là những bức ảnh của Cảm Hiếu Đường ngày nay không lưu giữ được bản nào, có chăng vì lí do, ảnh chụp cá nhân nên người dùng dịch vụ đã giữ ảnh cả.
Tháng 6/1996, tên cụ Đặng Huy Trứ đã được thành phố Huế đặt cho con đường dài hơn 1km chạy từ ngã ba Thánh Giá tới ngã ba đường Ngự Bình. Cũng trong năm này, ngày 18/10/1996, trường cấp 2 - 3 Hương Trà được đổi tên thành trường Đặng Huy Trứ.
Văn Sán - hiệu ảnh đầu tiên ở Huế
9 năm sau hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ra đời ở Hà Nội, hiệu ảnh Văn Sán sáng lập năm 1878 là hiệu ảnh thứ hai ở Việt Nam và là hiệu ảnh đầu tiên ở Cố đô Huế. Trước đó, hầu như thông tin về “tiểu phép chụp ảnh” rất xa lạ với triều đình Huế. Sự kiện các quan trong đoàn sứ giả Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản qua Paris năm 1863 do vua Tự Đức cử đi thương thuyết, cứu vãn tình hình ở Nam Kỳ. Trong lần này, vô tình sứ đoàn được người Pháp chụp ảnh và lần đầu tiên người Việt Nam biết đến bộ môn nhiếp ảnh. Tất cả điều này được cụ Phạm Phú Thứ ghi lại trong “Như Tây Sứ Trình Nhật Ký”. Năm 1864, Phan Thanh Giản đem những bức hình chụp tại Paris năm 1863 nhân dịp ông dẫn đầu sứ bộ sang Pháp để xin chuộc đất về Huế gây sự ngạc nhiên cho triều đình đến dân chúng. Một điều thú vị trong “cuộc gặp gỡ nhiếp ảnh” này là việc một người Huế được chụp ảnh đầu tiên. Theo tư liệu nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, trong phái đoàn có một vị quan võ tòng ngũ phẩm, tên là Nguyễn Hữu Thận lúc đó 30 tuổi đã được người Pháp chụp ảnh lại. Ông Thận là ông sơ của bà Nguyễn Thị Cúc (vợ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), ảnh chụp nay vẫn còn.
Đoàn sứ thần nhà Nguyễn ở Pháp. Ảnh tư liệu, chụp tại Paris năm 1863 |
Những tấm ảnh như thật ấy dẫn đến việc triều đình liền nghĩ đến việc cho người đi học cái nghề rất lạ lẫm này để về phục vụ cho người trong nước. Việc vua Tự Đức cho Trương Văn Sán sang châu Âu học nghề chụp ảnh phải chăng là một động thái “ưa học hỏi” của một triều đình vốn được cho là khá bảo thủ với thời đại. Trương Văn Sán sau đó đã được cho qua học nghề chụp ảnh và mất một thời gian khá dài ông mới về nước năm 1878, so với Cảm Hiếu Đường đã thua mất 9 năm. Có người nói, tại sao triều đình lại không sử dụng Cảm Hiếu Đường của cụ Đặng Huy Trứ? Có thể công việc của cụ Đặng đi lại nhiều, nhưng toàn ở đất Bắc, việc của Cảm Hiếu Đường có thể không đến tai triều đình Huế. Sau khi đi công cán ở Trung Quốc về ông mở hiệu ảnh và từng giữ chức Bang biện quân vụ Lạng-Bằng-Ninh-Thái. Năm 1873, thành Hà Nội thất thủ dưới tay quân Pháp, rồi việc cụ Đặng mất năm 1874 thì Cảm Hiếu Đường cũng hết kinh doanh. Có lẽ vì thế mà hiệu ảnh Văn Sán mới được triều đình Huế coi trọng và thích thú.
“Tiểu phép chụp ảnh” của Trương Văn Sán được xem là mới mẻ, được triều đình hoan nghênh. Vua Tự Đức hài lòng, cho bộ Công giúp ông Sán mở một hiệu ảnh lấy tên là Văn Sán bên phải sở Thương Bạc (nằm trên đường Trần Hưng Đạo, gần cửa Thượng Tứ hiện nay) để chụp ảnh. Hiệu ảnh Văn Sán có những đồ nghề như sau: Một máy ảnh hình hòm kèm theo ống kính, hai trụ sắt, một khuôn chặn giấy, một giá đặt máy ảnh (chân máy ảnh). Phòng chụp là một căn nhà có lắp kính để hứng ánh sáng. Xem ra khá hiện đại vào thời ấy. Hiệu ảnh Văn Sán chuyên chụp ảnh cho vua, hoàng tộc, quan lại trong triều, sau được cho chụp cho tất cả những ai có nhu cầu bên ngoài. Khác với Cảm Hiếu Đường, hiệu ảnh Văn Sán ngày nay còn lưu lại chân dung một số vị đại thần nhà Nguyễn khi ấy được hiệu ảnh này chụp như Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết…
Người Huế rất thích nhiếp ảnh
Ở Huế, vào thập niên 1960 - 1970 xuất hiện rất nhiều hiệu ảnh. Khu vực đông nhất vẫn là đường Thượng Tứ, nơi có rất nhiều hiệu ảnh hoạt động náo nhiệt. Thời đó, các hiệu ảnh gọi là tiệm chụp hình hay tiệm chụp ảnh đặt trước tên hiệu mình. Các hiệu ảnh đó là: tiệm chụp hình Tăng Vinh, tiệm chụp ảnh Ngọc Châu, tiệm chụp hình Phi Phước, tiệm chụp hình Phi Long (bao gồm vẽ chân dung), tiệm chụp hình Tôn Thất Dung, nữ họa sĩ và chụp hình Maria Mộng Hoa, và hiệu ảnh Đông Nam. Trong số đó, đặc biệt có ba hiệu ảnh của ba 3 anh em ruột là Phi Hổ, Phi Long và Mộng Hoa đều có có mặt trên đường này. Hiệu ảnh Tôn Thất Dung nổi bật với việc chuyên khai thác chân dung các em bé đủ kiểu: khóc, cười, mếu, bò, lật, đứng, ngồi... rất ngộ nghĩnh.
Tác giả Quế Chi Hồ Đăng Định trong Thượng Tứ ngày xưa, nhớ nhớ quên quên đã hồi tưởng rất dí dỏm: “Vị chi là 7 tiệm cùng hành nghề trên một đoạn đường ngắn… như cái lỗ mũi. Rứa mà ai cũng sống, ai cũng có khách, thậm chí có tiệm dẹp rồi thì người khác đến cũng lại mở tiệm chụp hình”. Sự kế thừa kiểu phường hội nhiếp ảnh được duy trì khi có hiệu ảnh khác đóng cửa thì người nối tiếp cũng mở lại hiệu ảnh. Chẳng hạn như hiệu ảnh Tôn Thất Dung đóng cửa thì hiệu ảnh Ái Mỹ thay thế, hiệu ảnh Phi Long về Trần Hưng Đạo thì hiệu ảnh Gi Na thế chỗ. Các hiệu ảnh làm ăn rất phát đạt, nhiều chủ hiệu trở nên giàu có nhờ nghề. Điển hình như vợ chồng ông Thảo, vốn là học trò của chủ hiệu Tôn Thất Dung, sau mở hiệu Gi Na, “hốt bạc” nhiều đến nỗi “Tết Mậu Thân (1968) phải dồn vô mấy bao bố gạo 100 kí, rồi thuê người gánh chạy qua cầu Trường Tiền, tới trường Kiểu Mẫu”. (Theo Quế Chi Hồ Đăng Định).
Muộn hơn đường Thượng Tứ là các hiệu ảnh ở đường Trần Hưng Đạo. Đầu tiên là chủ hiệu Phi Long về mua nhà ở gần cầu Trường Tiền mở lại tiệm chụp hình và vẽ chân dung trên đường này. Sau có nhiều nhà chụp hình nổi tiếng như Lê Quang, Tuyết Anh, La Cảnh Lưu, MiLy... tiếp tục khai trương và làm ăn rất bền vững. Trong đó, hiệu ảnh Lê Quang ở đường Trần Hưng Đạo được biết đến là hiệu ảnh nổi tiếng vào bậc nhất tại Huế những năm 70. Ở chợ Bến Ngự có hiệu ảnh Mỹ Vân, chủ hiệu là ông Tin, thuộc hàng bậc nhất về ảnh bên bờ nam.
Sau Hiệp định Genève, một đôi vợ chồng người Huế là ông Lâm Bình và bà Trần Thị Hiền được sự phân công của tổ chức hoạt động bí mật nhằm đối phó với tình hình lúc bấy giờ. Họ đã bám trụ ở vùng giới tuyến ác liệt gần 20 năm dưới vỏ bọc chủ hiệu ảnh mang tên Thanh Bình. Hai vợ chồng dựng nhà tranh, vách đất để mở hiệu ảnh, dùng máy Rolay, Pentak. “Hiệu ảnh điệp báo” này đã cung cấp thông tin cho lực lượng an ninh bên ta về tình hình giới tuyến. Về sau, hiệu ảnh này còn là nơi nhiều chiến sĩ nhờ gửi ảnh chân dung về cho gia đình trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Sau năm 1975, một hiệu ảnh của nhà nước được mở trên đường Trần Hưng Đạo, góp mặt với hàng chục hiệu ảnh đang hoạt động trên thành phố Huế. Với công nghệ thời này, ảnh muốn in phải làm trong buồng tối, pha thuốc, rồi nhúng từng cái phim vào. Chờ ảnh hiện lên, tráng qua tráng về, khi rõ nét mới đưa ra sấy dưới ngọn đèn điện 500w.
Ngày nay, các hiệu ảnh mọc lên như nấm ở các trục đường chính như Hùng Vương, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo... Công việc làm ảnh ngày càng hiện đại, có máy kỹ thuật số tha hồ bấm, lại có phần mềm photoshop chỉnh sửa ảnh theo nhu cầu người chụp. Người dân Huế cũng tự mua máy ảnh chụp ở nhà, không cần phải ra tiệm. Ngoài Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế, còn có hàng chục câu lạc bộ nhiếp ảnh của những người Huế yêu bộ môn nghệ thuật này. Những tay máy tỏa khắp tỉnh thành, ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống ở vùng đất Cố đô.
S.K
(SH323/01-16)
----------------------------
Bài viết có tham khảo một số nguồn tư liệu:
- Trần Phong Nguyên, “Điều chưa biết về Cảm Hiếu Đường, ông Tổ “nghề nhiếp ảnh Việt Nam”, 2012.
- Nguyễn Đắc Xuân, “Nhiếp ảnh triều Nguyễn và những ông vua đầu tiên được chụp ảnh”, 2014.
- Nguyễn Đức Hiệp, “Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam: Con đường nhiếp ảnh vào Việt Nam (P.1)”, 2013.
- Phanxipăng, “Người trồng mầm nhiếp ảnh ở Việt Nam”, 2001.