Lễ hội
Tục lệ ngày Tết ở Huế
15:07 | 18/11/2008
NGUYỄN THỊ NGUYÊN HƯƠNGTết là một sự kiện đặc biệt trong đời sống của người Việt . Tục lệ về Tết cũng là chuyện “đất lề quê thói”, mỗi nơi có một cách riêng để đón Tết dù Tết mọi nơi cũng tương tự như nhau. Riêng với Huế, tục lệ đón Tết cũng mang những nét đặc trưng của vùng đất từng là kinh kỳ.

Trước tiết Đông Chí - từ mồng 10 đến 15 tháng chạp - khi những người thợ làng Chuồn đã hoàn thành xong những công đoạn cuối cùng của các bức trướng liễn, đường phố lúc ấy nhan nhản những đứa bé cầm những sào hoa giấy Thanh Tiên lộng lẫy đi bán, thì hơi thở mùa xuân gần như đã tràn ngập đất trời. Lúc ấy một số làng bắt đầu triệu tập trai đinh đến Đình để bàn sọan nói chuyện Tết. Các làng như Thế Chí Tây (Điền Hoà- Phong Điền) thảo luận việc trưng bày hội hoa, hội đu tiên. Làng Lại Ân (Phú Mậu- Phú Vang) thì bình xét công việc tuyển chọn đô vật cho hội Làng vào ngày mười tháng giêng.. Mỗi làng mỗi chuyện, nhưng lần tập trung này cũng là lần sửa sang, chu tất cho ngôi đình vào dịp cuối năm. Đa số các làng đều theo nghề nông, lần họp này cũng để quyết định việc phân bổ ruộng tế tự, phần hào soạn của năm mới. Giai đoạn này một số nhà đã đem các đồ khí tự đến thợ đánh bóng cho sáng đẹp. Ai cũng tranh thủ làm sớm vì thợ  xuy quá nhiều khách khó giao hàng sớm được. Tựu trung đã thấy một không khí Tết trong từng gia đình. Thời điểm này các bà nội trợ đi chợ bắt đầu mua dần các thứ như hoa giấy Thanh Tiên, ông Táo, trướng liễn làng Chuồn, con ảnh Lại Ân. Một loại hàng bày bán rất khiêm tốn mà chợ nào cũng có hoặc đôi người quảy gánh đi bán trên hè phố đó là cát trắng, nhà nào cũng mua. Loại cát này trắng mịn được người dân vùng biển xúc đầy các thúng mang lên phố chợ để bán. Người mua về còn cẩn thận hơn nữa bằng cách đem vút sạch, phơi khô rồi cất vào bao. Tháng chạp ở Huế trời vừa lạnh, vừa mưa nên phải tranh thủ lúc nào có nắng để phơi phóng đồ đạc. Trong đó có cả chuyện phơi cát, phơi dưa món, dưa kiệu.

Khi mang đồ khí tự đi lau chùi, đa số các bàn thờ trong gia đình đều buông rèm để che .Sau khi đồ khí tự được lau chùi xong, không đuợc đặt lên bàn thờ ngay mà đợi lúc thuận tiện, có nhà còn xem cho được ngày tốt nữa, tiến hành chùi rửa các vật thờ hoặc thay mới. Riêng các bát nhang được thay mới bằng cách đổ hết cát đi để thay cát khác, các chân hương không còn một que nào trong bát. Thông thường khi bát nhang đầy, đổ chân hương đi người ta phải chừa lại ba cây, còn thay nhang tháng chạp thì không còn lại chân nào. Xong xuôi tất cả , đồ khí tự mới được đặt lên vị trí cũ.

Hoa giấy Thanh Tiên tuyệt đối không được cắm ở bàn thờ Phật hay ở gian thờ ông bà.Loại hoa này chỉ được cột hay cắm  trước trang bà, trang ông chứ không cắm vào lọ vì đây là loại hoa giấy để trang hoàng nơi thờ cúng chứ không có chức năng cúng tế.Theo các bậc cao niên, lễ cúng phải có hoa- quả, có hoa thì có quả. Nếu không cúng đủ lễ thì cứ để lọ  không, can cớ chi phải lừa dối ông bà... Dịp này ông Táo mới cũng được đặt bên cạnh ông Táo cũ, chờ ngày để đưa ông Táo cũ đi. Nhiều nhà nấu bếp ga nhưng cũng để tượng trưng ba ông kiềng trong bếp với ước mong “đỏ lửa quanh năm”. Lần trang hoàng soạn sửa nơi thờ cúng này là lần cuối cùng trong năm, nên khi đã yên vị mọi thứ rồi thì không đuợc cúng nữa. Do đó việc chưng dọn bàn thờ này phải xét theo điều kiện từng nhà để làm, tránh các ngày cúng giỗ còn lại trong năm.

Ngày 23 tháng chạp, trừ các nhà Công giáo, nhà nào cũng làm một cái lễ nhỏ tại bếp để tiễn ông Táo về trời. Người Huế không cúng cá chép vì đây là vật kiêng của cư dân đất Cố đô. Điều kiêng kỵ này bắt nguồn từ tích cá chép hoá rồng - mà rồng là biểu tuợng của vua chúa- nên kiêng cữ các con vật có liên quan đã thành nếp. Sau lễ cúng, ông Táo được đưa đến đặt ở một góc Đình, góc miếu hoặc một gốc cây đầu làng. Đây là những nơi mà người dân xem là thiêng liêng, không ai dám xâm phạm.

Ngày 30 Tết thực chất đã là một ngày Tết. Ngày này có ai nợ nần gì cũng lo trả hết hoặc phải khất nợ cho rõ ràng, nếu không chủ nợ để bụng đòi lúc kiêng cữ thì xui mất cả năm. Làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ- Phú Lộc) có một tục lệ khá độc đáo, đó là cả làng ra biển gánh cát. Họ đem cát về chất thành đống rồi sau đó ban ra trước sân, trước ngõ và cả đường làng. Nhà nào neo đơn, hàng xóm cũng đổ cát giúp cho. Hầu như việc này kéo dài suốt cả ngày 30, đến đêm cả làng còn thắp đèn để làm rất sôi động. Trong ngày 30 này nhà nào cũng có lễ cúng Tất niên, hay còn gọi là lễ cúng hạ bàn. Lễ này thường có một mâm ở bàn thờ gia tiên, một mâm ở giữa nhà và mâm thị thực đặt ở trước cổng. Mâm thị thực bao giờ cũng có xôi đậu đen, theo cách cúng lễ ảnh hưởng của cư dân Chàm trước đây và phần nào cũng ảnh hưởng bởi đạo Thiên Tiên thánh giáo. Sau lễ cúng này xem như nhà gia chủ đã lên nêu và sẵn sàng đón mừng năm mới. Vì thế khi đã lên nêu rồi người ta rất kiêng cữ đến nhà nhau, cấm tuyệt không mượn gì của nhau nữa. Người biết thì kiêng cữ đã đành. Người không biết thì ý tứ để xử sự theo kiểu “nhập gia tuỳ tục”. Hầu hết nhà nào cũng đều căn dặn con cái không được đến nhà người khác khi đã cúng lên nêu. Thời khắc của đêm giao thừa có lễ cúng mừng năm mới, thuộc giờ Tý của ngày mồng một. Đa phần người Huế đều theo đạo Phật nên chỉ cúng ngọt, cúng chay. Mâm cỗ cúng này thường là vật thực cho suốt ngày mồng một bởi người ta quan niệm đầu năm nên đón nhận điều thanh sạch ngọt ngào. Vì thế rất phổ biến tục cúng xôi chè, bánh mứt đầu năm Ngày mồng một, nhiều nhà dành phần đặt chân xuống đất đầu tiên  cho bậc cao niên. Nhưng nếu nhỡ có đứa trẻ nào mau mắn dậy trước thì xem vía hay tuổi tác mà đoán vận hên xui của gia đình cả năm. Ngày này lũ trẻ có tiền thì chỉ chạy chơi ngoài đường, vô duyên vô cớ xông đất nhà ai thì gia chủ rất kiêng dè. Thường họ hay nhờ người có vai vế, uy tín đến thăm nhà. Trẻ con cũng được nhưng phải là đứa mau mắn, ngộ ngĩnh, tuổi phải hạp với con giáp năm đó và với chủ nhà, gọi là tam hạp. Do đó ngày đầu xuân bà con trong gia tộc thường đến chúc Tết nhau là chủ yếu. Về màu sắc người ta kiêng ngày tết mặc thuần một màu trắng hoặc màu đen. Đối với phụ nữ dù đang ở tình trạng nào cũng không được mặc áo dài với quần đen...

Hiện nay tục xin chữ vẫn còn phổ biến ở một số gia đình. Ngày đầu năm họ đến nhà hoặc chùa có người hay chữ để xin các chữ như Thọ Phúc, Đức Lưu Quang với ước mong đem lại niềm vui và điều may mắn cho gia đình. Tục này hiện nay phát triển thành việc xin chữ thư pháp đầu năm.
Người Huế thường dành trọn sáng mồng một để đi thăm mộ, hơn nữa các nghĩa trang đều lân cận thành phố. Họ cũng duy trì tục đi  chùa lễ Phật đầu năm với mục đích cầu gia đình may mắn làm ăn thịnh vượng. Hầu như ngày đầu năm này bao giờ cũng dành cho niềm tin vào thiêng liêng và gia tộc.Thông thường các nhà đều làm lễ cúng đưa vào ngày mồng 4 Tết nhưng có nhà đến mồng 7 mới xem như xong Tết. Hết Tết có nghĩa là đã hạ nêu.
N.T.N.H

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng