Lễ hội
Đến Lễ hội Lam Kinh hòa mình trong múa dân gian trò Xuân Phả
14:54 | 11/09/2014

“21 Lê Lai, 22 Lê Lợi”, đã thành thông lệ, cứ đến ngày 21, 22/8 Âm lịch hàng năm, lớp lớp cháu con lại tụ hội về Lam Kinh (huyện Thọ Xuân- tỉnh Thanh Hóa) để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lê Lợi và các vua Lê đã có công giành lại độc lập, yên bình cho đất nước.

Đến Lễ hội Lam Kinh hòa mình trong múa dân gian trò Xuân Phả
Biểu diễn trò Xuân Phả. (Nguồn: TTXVN)

Không những thế, đến với Lễ hội Lam Kinh, là được đến với trò Xuân Phả, với điệu múa dân gian được cho là đặc sắc và độc đáo nhất Việt Nam.

Theo cuốn “Khảo sát Trò Xuân Phả” của tác giả Hoàn Anh Nhân, Phạm Minh Khang, Hoàng Hải (Nhà xuất bản Âm nhạc, Hà Nội) thì: “Trò Xuân Phả đã từng vài lần được triều đình nhà Nguyễn vời vào Huế để biểu diễn chốn cung đình cho vua và các quan trong triều xem. Mỗi chuyến “lưu diễn” như vậy có tới cả trăm người.

Năm 1935, chính quyền đô hộ Pháp định đưa đoàn nghệ nhân biểu diễn Trò Xuân Phả sang Paris trình diễn, nhưng năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp nổi lên, việc không thành. Tuy nhiên, đến cuối năm 1936, vua Bảo Đại mời diễn trò Xuân Phả tại Hội chợ Kinh đô Huế.”

Ngày nay, trò Xuân Phả cũng được chọn làm đại diện cho văn hóa dân gian xứ Thanh trình diễn ở các sự kiện lớn của đất nước như sự kiện “Chào Thiên niên kỷ mới” (năm 2000), “Festival Huế,” “1.000 năm Thăng Long-Hà Nội”…

Đặc biệt nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng trò Xuân Phả một đỉnh cao của múa dân gian đất Việt, xem múa Xuân Phả, người ta dễ cảm nhận được vẻ đẹp lung linh của một viên ngọc quý. Thậm chí có người đã ví trò Xuân Phả với điệu Cheoyongmu (Múa mặt nạ) của người Hàn Quốc hay như một “lễ hội hóa trang” của người phương Tây nhưng lại mang đậm yếu tố cung đình và dân gian Việt trong từng điệu múa.

Thế nhưng, cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu chính thống nào về các điệu múa này, nhưng một số nhà văn hóa dân gian khi tìm hiểu về trò Xuân Phả đều khẳng định đây là những điệu múa mang tính liên tục, như một vở diễn có 5 lớp tương đương với 5 trò diễn và đậm chất của người Việt cổ, nói về việc 5 quốc gia hay 5 phương đến chúc mừng vua Lê sau khi thắng giặc trở về.

Trò Xuân Phả phản ánh một thời kỳ hưng thịnh của vương triều Lê Sơ sau cuộc kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, ca khúc khải hoàn. Vì vậy có thể khẳng định trò Xuân Phả chính là thông điệp về sự giao hảo của quốc gia độc lập tự chủ với các nước trong khu vực và vị thế của nước Đại Việt thời bấy giờ là rất lớn, khiến cho các nước láng giềng phải mang lễ vật sang tiến cống.

Truyền thuyết kể lại rằng, vào thời vua Lê, khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhà vua cho sứ giả đi khắp nơi cầu bách linh, bách tính và hiền tài cùng nhau đứng lên đánh giặc cứu nước. Khi quan quân đi đến bờ sông Chu, gần làng Xuân Phả thì gặp giông tố phải trú lại. Đến đêm, thần thành hoàng làng Xuân Phả báo mộng về cách đánh giặc, nhà vua làm theo quả nhiên thắng trận. Đất nước trở lại thanh bình, nhà vua mở hội mừng công.

Trong ngày hội, các nước chư hầu, lân bang đã đến dự hội, vừa tỏ lòng khâm phục vua nước Đại Việt, vừa tỏ mối giao bang hòa hảo. Đặc biệt, các nước chư hầu, các bộ tộc đã mang theo đến hội nhiều điệu múa, hát đặc sắc của dân tộc mình, người dẫn đầu đoàn trò vào múa hát có mang theo một biển gỗ sơn son thiếp vàng giới thiệu về quốc gia, dân tộc mình như Trò Tú Huần mô phỏng hình dáng của một tộc người tới từ hải đảo xa xôi; trò Ai Lao, trò Ngô cũng mang sắc phục của các nước lân bang sang cống tiến vua Đại Việt, trò Hoa Lang (Hà Lan) diễn tả người Hoa Lang sang cống tiến vua Lê... Và đó chính là 5 điệu múa cổ có tên "Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống," gồm các trò Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục hồn Nhung (còn gọi là Tú Huần).

Trong trò Xuân Phả, hầu hết các nhân vật tham gia các điệu múa đều phải đeo mặt nạ và các trò diễn hầu như đều do nam giới đảm nhiệm. Mặt nạ mỗi trò lại mỗi khác nhau, ví như trò Hoa Lang, người diễn phải đeo mặt nạ cũng bằng da bò, đội mũ da bò; trò Tú Huần có mặt nạ gỗ sơn các màu hình bà, mặt nạ mẹ và mặt nạ các con, đội mũ làm từ các sợi tre, nứa; trò Chiêm Thành người múa lại ngậm mặt nạ bằng miệng chứ không đeo như các mặt nạ khác...

Các nhân vật tham gia trò diễn ăn mặc sặc sỡ, với màu chủ đạo là màu đỏ, màu xanh và màu vàng. Nhạc cụ dùng trong các trò múa Xuân Phả là những chiếc trống, thanh la, mõ hoặc xênh tre... tạo thành những âm thanh hết sức vui nhộn cùng với những điệu múa, điệu nhảy của các nhân vật tham gia trong từng trò diễn khiến người xem có một cảm giác hết sức rộn ràng.

Trong năm điệu múa thì chỉ có điệu Tú Huần, Ngô Quốc và Hoa Lang có lời hát họa theo, ví như trò Hoa Lang: ''Trò tôi ở bên Hoa Lang/ Tôi nghe chính đức tôi sang chèo chầu/ Khoan là khoan...", đoàn quân Hoa Lang từ phương Bắc xa xôi phải chèo thuyền sang nước Đại Việt dự hội, trên thuyền lại vang lên lời ca tiếng hát ngợi ca nhà vua Đại Việt: "Chúc mừng tuổi vua vạn niên/ Ngai rồng ngự trị dân yên thái hòa..."

Trò Tú Huần lại biểu hiện niềm sung sướng, phấn khởi của nhân dân khi đất nước không còn bóng quân thù với tiếng trống chiêng hồ hởi, vui tươi "Tú Huần là Tú Huần ta/ Sáng sớm rửa mặt đeo hoa ăn trầu/ Tú Huần kia hỡi Tú Huần/ Mẹ đi đánh trống lấy phần con ăn/ Ăn rồi con lại giữ nhà/ Mẹ đi đánh trống rước cha con về..."

Ngoài những nghệ nhân cao tuổi biết và hiểu sâu về trò Xuân Phả, ở đất Thọ Xuân hôm nay còn một "lớp trò" rất trẻ, yêu và đam mê các điệu múa, trò diễn Xuân Phả. Để rồi mỗi năm, cứ vào ngày 10/2 Âm lịch tại đình làng thờ Thành hoàng làng Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân) và Lễ hội Lam Kinh (22/8 Âm lịch), hội trò Xuân Phả lại long trọng diễn ra với sự tham gia ngày càng nhiều của du khách thập phương và những người đam mê, gắn bó với những điệu múa độc đáo này.

Đây chính là những tín hiệu lạc quan, đảm bảo cho sự tồn tại đầy sinh động của một loại hình di sản văn hóa văn nghệ quý ở xứ Thanh mang tên “Trò Xuân Phả”.

Nguồn: Hoa Mai - TTXVN/Vietnam+

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng