Lễ hội được tổ chức từ xa xưa tới nay, không chỉ là pho sử ngàn đời được mở ra mỗi năm một lần để trao truyền cho các thế hệ, cố kết cộng đồng... mà còn là dịp bán sản phẩm nhà nông, trao đổi sản vật địa phương... Nhiều tiềm năng, giá trị của lễ hội đã được chú ý khai thác, đặc biệt là gắn lễ hội với phát triển du lịch, nhưng hiệu quả chưa cao.
Nguồn lực phát triển
Thực tế, đã có nhiều địa phương thu hút khách du lịch đến lễ hội, biến lễ hội gắn với các di tích trở thành nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế. TS. Trần Hữu Sơn - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, Lào Cai đã có đề án xây dựng các di tích trở thành điểm du lịch chứ không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, trong đó lễ hội là dịp thu hút đông đảo du khách. Ví dụ, đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên) sau khi xây dựng theo mô hình ấy, một năm công đức thu hơn 20 tỷ đồng, riêng dịp lễ hội đền Bảo Hà thu hút tới 3 vạn người, trong 3 ngày, công đức lên đến 4 tỷ đồng, trong khi cả huyện thu được 44 tỷ đồng/năm. Hoặc đền Thượng (TP Lào Cai), 1 năm thu 10 tỷ đồng từ tiền công đức... Gắn lễ hội tại các di tích, danh thắng với du lịch, sẽ mang lại những lợi ích kinh tế, từ đó có thể trùng tu, tôn tạo di tích, đóng góp cho các hoạt động xã hội tại địa phương. Thậm chí, lễ hội Gầu tào của người Mông ở Lào Cai, dù không thu từ tiền công đức, nhưng hệ thống dịch vụ từ nhân dân, như chủ nhà trọ, xe ôm, người bán đồ đặc sản địa phương... đều được hưởng lợi.
Không chỉ tại Lào Cai, nhiều lễ hội đã và đang được nhiều tỉnh, thành phố chú ý khai thác. Không chỉ lễ hội cổ truyền, mà cả những lễ hội dựa trên di sản văn hóa được tổ chức quy mô, uy tín, cũng tác động lớn tới thu hút khách du lịch. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế Phan Tiến Dũng cho biết: Festival Huế được tổ chức định kỳ vào các năm chẵn từ năm 2000, đến nay đã tạo sức hút khách du lịch tới tỉnh, và cùng với các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam đã hình thành sản phẩm chủ lực của du lịch miền Trung. Nhiều đường bay trong nước và quốc tế đã được nối kết, đồng thời nguồn lực cơ sở hạ tầng tại Huế được đầu tư nhiều hơn. Hiện nay, khách quốc tế tới Thừa Thiên - Huế chiếm hơn 40%...
Nghiên cứu nghiêm túc
“Để phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là lễ hội, các địa phương phải ưu tiên đầu tư bảo tồn. Đây là điều kiện cần thiết để bảo vệ các giá trị chân xác, đồng thời quảng bá du lịch và khắc phục một số điểm yếu như lễ hội lớn diễn ra giống nhau, chất văn hóa trong lễ hội không cao. Bên cạnh đó, nên đưa một số lễ hội tiêu biểu của các địa phương vào nội dung quảng bá quốc gia, vừa nâng cao vị thế văn hóa, tạo ra sự hấp dẫn cho khách du lịch”. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên - Huế Phan Tiến Dũng |
Tuy nhiên, việc gắn lễ hội với du lịch cũng nảy sinh nhiều bất cập. PGS.TS. Lương Hồng Quang, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhận định: Một số lễ hội truyền thống đã có sự thay đổi về mục đích tổ chức cũng như chủ thể. Một sự kiện làng xã trở thành sự kiện vùng, quốc gia, thậm chí mang tính quốc tế. Trong bối cảnh mới, lễ hội đang gặp thách thức: Xử lý không gian trước các sức ép về số lượng người tham dự gồm địa điểm cúng tế, nghi thức và trình diễn văn hóa nghệ thuật, thể thao; địa điểm như gửi xe, nơi ăn uống, nghỉ ngơi... chưa được tổ chức tốt, trong khi đa phần người xem hội còn là người tiêu dùng sản phẩm hay dịch vụ.
Không phải cứ có lễ hội là có thể làm du lịch tốt. GS.TS. Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho rằng: Để lễ hội mang lại lợi ích kinh tế phải dựa trên bản thân lễ hội đó có những gì có thể thu lợi. Thứ nhất, qua lễ hội có thể bán sản phẩm địa phương, đồ lưu niệm. Chẳng hạn, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) đang có đề tài nghiên cứu các sản phẩm du lịch liên quan đến Hùng Vương, nếu có sẽ là sản phẩm văn hóa rất tốt... Thứ hai là tổ chức bán hàng, dịch vụ cho người đến lễ hội một cách văn minh, đàng hoàng, không chặt chém. Có thể biến di sản phi vật thể thành nguồn lợi kinh tế, nhưng phải bằng cách làm văn hóa, không phải cứ khai thác quá đà, “thương mại hóa” lễ hội tùy tiện như nhiều nơi hiện nay.
Còn theo TS. Trần Hữu Sơn, lễ hội chỉ có thể làm kinh tế du lịch khi đáp ứng được nhu cầu của du khách. “Khách mong muốn được sống trong không khí của lễ hội, với màu sắc văn hóa đặc trưng của mỗi di tích, mỗi địa phương, vùng miền. Nhưng nếu các lễ hội được tổ chức na ná nhau, sẽ mất đi sức hấp dẫn. Muốn giữ được nét riêng ấy, người dân phải là chủ thể của lễ hội, cộng đồng phải được hưởng lợi từ đó. Trong du lịch có 4 thành tố: Chính quyền - cơ quan quản lý nhà nước; người dân - chủ thể, doanh nghiệp và du khách. 4 thành tố này phải đan xen nhau, và vai trò của người dân cực kỳ quan trọng trong tổ chức, thực hành nghi lễ và trình diễn”. Tuy nhiên, quản lý nhà nước cần thể hiện rõ đối với phần dịch vụ tại lễ hội, vốn đang có nhiều lộn xộn, bát nháo, được nhắc đến vào mỗi mùa lễ hội. GS.TS. Lê Hồng Lý nhấn mạnh: “Lễ hội muốn ra tiền phải qua bàn tay của những người biết làm về di sản, biết tổ chức du lịch, dựa trên những nghiên cứu khoa học nghiêm túc”.
Nguồn: Thảo Nguyên - ĐBND