Làng Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) vốn nổi danh với nghề làm tranh dân gian, nhưng nay do nhu cầu đời sống mà hầu hết người dân chuyển sang làm vàng mã.
Gần đây, tôi có dịp đến xã Song Hồ để dự lễ hội làng Đông Hồ. Tới sân đình làng, thấy những người phụ nữ mặc áo dài đang thực hiện một nghi thức của lễ hội. Tiến vào phía trong, một số du khách trầm trồ khi thấy những đồ mã có kích cỡ “khủng” là con ngựa và chiếc thuyền được đặt ở vị trí dễ quan sát. Trong đình, có khá nhiều đồ vàng mã, từ những vật phẩm được làm rất tinh xảo như cây vàng, cây bạc đến các đồ vàng mã thông dụng để cúng lễ.
Từ đầu tháng 3, người dân làng Đông Hồ bắt đầu làm những sản phẩm vàng mã để trưng bày tại lễ hội. Lễ hội của làng thường được tổ chức trong ba ngày 14, 15 và 16 tháng Ba âm lịch. Chuẩn bị cho lễ hội, mỗi dòng họ được phân công làm một vật phẩm. Quá trình làm vật phẩm là dịp để các dòng họ quây quần bên nhau, chia sẻ với nhau những điều thường nhật trong cuộc sống đến công việc làm ăn, buôn bán.
Trong nhà của những người dân của làng tranh dân gian bây giờ đầy đủ các nguyên liệu làm mã, từ giấy bìa, giấy màu, phẩm, hồ đến các khung hình bằng tre, nứa để làm ra các loại vàng mã theo yêu cầu. Họ quan niệm, quanh năm làm vàng mã cho khách, vậy những ngày lễ hội của làng càng cần làm những vật phẩm đẹp để tạo sự may mắn. Nhờ sự đầu tư công sức lẫn tinh thần của người dân làng tranh, những vật phẩm được đem trưng bày tại lễ hội luôn hài hòa, đẹp mắt.
Tuy nhiên, tại lễ hội lần này không thấy trưng bày tranh Đông Hồ. Khi được hỏi điều này, một người dân chỉ vào căn nhà cạnh đình làng cho biết đó là nơi trước đây treo tranh Đông Hồ vào dịp lễ hội. Nhưng khoảng chục năm gần đây, tranh Đông Hồ ít được trưng bày nên căn nhà kia chủ yếu sử dụng vào việc khác. Lễ hội bây giờ tập trung vào đồ mã. Khi mãn hội vào 16/3 âm lịch, những đồ mã trưng bày được hóa với lời cầu ước một năm thuận hòa, no đủ.
Trước đây, tại làng tranh Đông Hồ, nghề làm tranh và vàng mã thường đồng hành cùng nhau. Hằng năm, từ tháng 3 đến tháng 7 người dân làm đồ vàng mã, còn từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch làm tranh. Nhưng nay do nhu cầu đời sống, hơn 90% hộ dân làng Hồ chuyển sang làm đồ vàng mã, còn nghề làm tranh dân gian cứ ít dần. Hiện trong làng chỉ còn vài gia đình theo đuổi nghề tranh như nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh để phục vụ chủ yếu khách tham quan và người nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Oanh, nữ nghệ nhân đầu tiên của làng tranh Đông Hồ cho biết: Trước đây, vào dịp lễ hội người dân thường mang một số bức tranh truyền thống như: Đàn gà, Đàn lợn, vinh hoa phú quý… để treo tại đình. Tuy nhiên, những năm gần đây lễ hội phát triển nên đình làng trở nên chật chội hơn, trong khi người dân đến đây chủ yếu làm lễ nên không treo tranh nữa.
“Những ngày lễ hội, du khách tới đây muốn xem tranh Đông Hồ thì có thể đến nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nhà tôi hoặc một số gia đình khác nữa để tham quan”- nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh cho biết. Rồi bà chia sẻ thêm: “Tôi được biết, hiện nay cấp có trách nhiệm đang có kế hoạch mở rộng đình làng, qua đó sẽ có nơi để trưng bày tranh. Khi đó, tranh dân gian sẽ trở lại trong mỗi dịp lễ hội”.
Tuy bị yếm thế so với đồ vàng mã trong đời sống thường ngày, nhưng trong tiềm thức của người dân làng Hồ, tranh dân gian là một giá trị không thể thiếu. Gần đây, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã phối hợp với UBND huyện Thuận Thành xây dựng Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tại xã Song Hồ.
Cùng với việc xây dựng Trung tâm, nghệ nhân cũng là người sở hữu nhiều bản khắc cổ quý giá, sưu tầm nhiều tài liệu để biên soạn sách, xuất bản song ngữ Anh -Việt nhằm giới thiệu những giá trị đặc sắc của dòng tranh dân gian Đông Hồ tới công chúng trong và ngoài nước.
Theo Kiến Nghĩa - TP