HÀ SÂM
L.T.S. "ÂM NHẠC VIỆT NAM VỚI TÍNH TRUYỀN THỐNG VÀ TÍNH DÂN TỘC" (qua vận động bộ gõ và một số tiết tấu cổ truyền trong sáng tác mới) là nhan đề công trình nghiên cứu mà nhạc sĩ Hà Sâm đã bảo vệ thành công trong đợt 2 Nhà nước xét phong tặng hàm học vị cuối 1991 vừa qua. Đề tài tác giả trình bày trước Hội đồng xét duyệt là một Tập hợp công trình gồm nhiều công trình về nghệ thuật âm nhạc. Bài này là một số đoạn trích trong phần II của công trình "ÂM NHẠC VÀ TRỐNG VÕ TÂY SƠN" của Giáo sư Phó Tiến sĩ Hà Sâm. Đầu đề do chúng tôi đặt.
SÔNG HƯƠNG
Năm 1787, dưới ngọn cờ Tây Sơn, đất nước ta thống nhất toàn vẹn. Phú Xuân (Huế) là kinh đô đầu tiên của Nước Việt Nam thống nhất. Quang Trung, nhà quân sự thiên tài, người anh hùng dân tộc, một tài năng đặc biệt trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa xã hội.
Đường lối chính trị, quân sự có những điểm đáng chú ý, đó là việc Quang Trung đã nhìn thấy được sức mạnh của quần chúng lao động, nhìn thấy được khả năng cách mạng của các dân tộc và nhìn thấy được vai trò, vị trí của trí thức yêu nước đương thời.
Chính vì có đường lối chính trị đúng, nên Quang Trung đã vận dụng được sức mạnh tổng hợp của đương thời để có được những phương pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao rất tế nhị, biết tập hợp lực lượng, tạo nên chiến thắng toàn diện mà ít hao người tốn của.
Nói đến quân sự thiên tài, cần chú ý sự ra đời của võ Tây Sơn, một bước phát triển mới của nền võ thuật Bình Định truyền thống.
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền.
... Cương lĩnh võ Tây Sơn có 10 điều. Đáng chú ý là môn "điểm huyệt". Trong võ phái Tây Sơn chia ra ba phái hộ gia truyền. Đó là Hồ (giòng chính của Tây Sơn), Trần (giòng Trần Quang Diệu), và Bùi (giòng Bùi Thị Xuân). Cách điểm huyệt, giải huyệt khác nhau tùy mỗi hệ phái. Muốn thông hiểu điểm huyệt phải hiểu qua y lý, biết sự tương phản của lục phủ ngũ tạng cùng tứ chi. Biết rõ thời khắc nào điểm vào thì địch thủ bị chết, bị thương nặng. Môn này không dám truyền bừa bãi, sợ có hại cho đạo đức, bởi không phải ai giỏi võ cũng có đạo đức cả...
Cùng với võ thuật Tây Sơn, còn có nhạc võ Tây Sơn, chủ yếu trống võ, một đóng góp đặc sắc của triều đại Tây Sơn vào lịch sử âm nhạc Việt Nam và truyền thống thượng võ Việt Nam.
Nghĩa quân Tây Sơn dùng nhạc võ để nâng thêm khí thế luyện tập và chiến đấu không những cho quân sĩ mà còn làm quen cho voi, ngựa thành thục hiệu lệnh để khi ra trận nghe lệnh thống nhất, sở dĩ voi trận của Tây Sơn có sức mạnh đè bẹp kẻ thù và theo Nguyễn Thế Triết thì Bùi Thị Xuân đã học được của những người quản tượng Chiêm Thành. Bùi Thị Xuân sai Chế A-Na lên rừng tìm lá cây về làm thuốc cho voi. Đem voi ra diễn võ trường luyện nghe tiếng pháo, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng reo hò của quân sĩ, khi lâm trận nghe pháo nổ voi không hoảng sợ, tiếng quân reo voi không lồng. Tiếng trống nổi lên voi xông lên, tiếng chiêng đánh voi lùi về, thành thói quen rồi, sau đó voi tập tiến, lui, thành một đội ngũ theo hiệu lệnh của nhạc võ Tây Sơn. Cái trống, cái chiêng là những nhạc cụ của nhạc võ Tây Sơn, đóng góp có ý nghĩa vào sự thắng lợi huy hoàng, đại phá 29 vạn quân Thanh lúc bấy giờ.
Nhạc võ Tây Sơn gồm bốn bài: bài luyện quân, bài xuất quân, bài công thành và bài khải hoàn. Bốn bài này trình diễn liên tiếp, không ngắt quãng từng bài. Cũng có nơi dùng lệnh quân và xuất quân thành một đoạn, rồi tiếp nối công thành và khải hoàn đoạn kết thúc.
Đó là các bài nhạc võ đánh theo bộ trống gồm 12 chiếc, gọi là Trống võ Tây Sơn hay còn gọi là Trống trận Quang Trung, tượng trưng cho 12 giáp và 12 tháng trong một năm.
Ngoài trống là chính ra, nhạc võ Tây Sơn còn kèm theo kèn, mõ, đàn nhị, chũm chọe thanh la (còn gọi là não bạt hay xụp xỏa) để phụ họa phối họp với giàn trống. Cũng có nơi, có chỗ dùng đến 17, 18 chiếc trống, khi diễn tấu người biểu diễn sử dụng đôi tay rất điêu luyện, nhanh nhẹn, từ đầu tay, cổ tay, cùi tay và thậm chí đôi chân cũng phối hợp để diễn tấu khi trống võ Tây Sơn chuyển sang bài "Công thành" thể hiện cuộc chiến đấu đã trở nên gay go quyết liệt.
Nhạc võ Tây Sơn vừa là một phương pháp luyện quân vừa là một nghi thức âm nhạc dùng trong các cuộc hành quân và các nghi lễ lớn dưới triều Tây Sơn.
***
Nhạc võ Tây Sơn có quan hệ đến các điệu trống chiến trong hát bội (tuồng).
Trống chiến trong bộ môn hát bội là một loại trống thuộc loại trung, đường kính khoảng 30 cm hoặc hơn, chiều cao 40 cm, được đặt trên một giá có 3 chân. Trong dàn nhạc tuồng, trống chiến xem như người chỉ huy dàn nhạc. Miền Nam gọi trống chiến là trống nhạc trong dàn nhạc lễ, gồm hai cái, gọi là một cặp: đực và cái (toong - tang), còn trong tuồng thì gọi là trống chiến, vì được sử dụng để diễn tả những cảnh chiến trận đánh nhau và chỉ sử dụng một chiếc... Một truyền thuyết dân gian khá thú vị, năm 1771, hai nghệ sĩ tuồng Nhưn Huy và Tư Thịnh là hai tướng tiên phong của nghĩa quân Tây Sơn, trong trận đánh chiếm thành Quy Nhơn, hai tướng lĩnh đã biến tiếng trống tuồng trong các đêm diễn thành nhạc võ Tây Sơn cổ vũ nghĩa quân xông lên...
Dàn trống trong biên chế dàn nhạc tuồng gồm có:
- Trống chiến: là loại trống trung, tiêu biểu của trống tuồng.
- Trống bản: (trống bộc) thường để bên trống chiến được sử dụng khi nói xây (xây thượng, xây hạ, xây tá,...) khi hát Nam bình, Nam ai.
- Trống cơm: dùng khi hát Nam bình, Nam ai, khi nói lối xây, khi lên nam xuống đảo.
- Trống chầu: tức trống cái, dùng trong nghi lễ nghênh tiếp vua quan, khi tống quân, khi tả sấm sét, gió bão (không gian), tả canh 2, canh 3... (thời gian).
- Trống quân: lớn hơn trống bộc một ít, âm cao, dùng báo hiệu một sự kiện gì xẩy ra. Nó đánh trước trống cái (trống chầu).
- Trống bồng: hai đầu loe, giữa co lại, thường dùng trong đám ma, vỗ bằng hai tay. Âm thanh nghe đục và đều đều, buồn thảm, sâu lắng...
... Quang Trung rất chú ý phát triển vốn nghệ thuật dân gian cổ truyền và rất có ý thức bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, như cho dựng lại bia Văn Miếu ở Thăng Long và khuyến khích sự phổ biến của nghệ thuật hát bội. Ở thế kỷ 17 hát bội đã hình thành và đến thế kỷ 18 thì loại hình nghệ thuật sân khấu đặc sắc này phát triển rực rỡ tại Đàng Trong, chủ yếu tại Phú Xuân và Bình Định. Tương truyền rằng đầu thế kỷ 17, Đào Duy Từ đã khởi thảo vở tuồng Sơn Hậu nổi tiếng và đã dạy cho nhân dân Bình Định biết hát bội. Các vở tuồng thầy nổi tiếng khác như "Tam nữ đồ vương", "Giác oan", "Đào Phi Phụng"... đều ra đời trong các thế kỷ 17,18 tại Phú Xuân là nơi hát bội đặc biệt phát triển.
Lãnh tụ Tây Sơn Nguyễn Huệ rất thích nghệ thuật hát bội, ông đã cùng các tướng lĩnh của mình biểu diễn tuồng, làm phương tiện giáo dục và giải trí cho nghĩa quân.
J. Barrow, một nhà du lịch người Anh đến thăm nước ta vào thời Quang Trung, đã vẽ lại trong một cuốn "Một cuộc du hành ở Đàng Trong trong những năm 1792-1793", bức tranh màu về một cảnh hát bội. Qua bức tranh này, chúng ta thấy rõ là trình độ diễn bấy giờ khá cao, nhân vật, tổ chức sân khấu, phục trang, đạo cụ, v.v... tương đối hoàn bị (*).
Phú Xuân - Huế là cái nôi của ca nhạc Huế. Ca nhạc Huế đã hình thành và phát triển ở các thế kỷ 17, 18. Cuối thế kỷ 18 ngoài nghệ thuật tuồng (một số làn điệu bài bản trong tuồng), phần ca nhạc Huế cũng đóng góp to lớn vào vốn nghệ thuật dưới triều đại Tây Sơn. Các bài bản nổi tiếng như Lưu thủy, Kim tiền, Phú lục, Cổ bản, Nam ai, Nam bình đều được sáng tác vào thời kỳ này.
Mùa xuân Canh Tuất 1790, Quang Trung sai một ban nhạc công vũ nữ theo sứ thần sang chầu vua Càn Long (Mãn Thanh), với 10 bài tứ khúc chúc thọ nhà vua do Phan Huy Ích soạn. Mười bài đó là: Mãn đình phương, Pháp giá dẫn, Thiên thu tuế, Lâm giáng tiên, Thu ba tế, Bốc dưỡng tế, Yết kim môn, Hộ thành triều, Lạc xuân phong, Phượng hoàng các... Trong dịp lễ thượng thọ 80 tuổi của Càn Long, Quang Trung lại cử sang một đoàn nghệ thuật gồm 6 nhạc công, 6 ca công tấu diễn 10 bài ca nhạc Huế gọi là Nhạc phủ từ khúc thập điệu. Có thể đây là 10 bài tấu hay tổ khúc liên hoàn gồm 10 bài nổi tiếng trong ca nhạc Huế: Phẩm tiết, Nguyên tiêu, Bình bán, Tây mai, Liên hòa, Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tấu mã. Cũng trong thời Tây Sơn, khi đón sứ giả Trung Quốc, có sự tham gia biểu diễn những bài kèn và điệu trống của ty nhã nhạc. Một số ả đào cũng tham gia biểu diễn các điệu múa và bài hát ả đào. Các tướng lĩnh Tây Sơn có mặt ở Đàng Ngoài cũng rất thích nghe hát ả đào. Như vậy là hát bội, hát ả đào và ca nhạc Huế là những loại hình nghệ thuật âm nhạc và sân khấu thịnh hành thời Tây Sơn và đã góp phần làm cho đời sống văn hóa nghệ thuật thời ấy thêm đa dạng và phong phú...
H.S.
(TCSH51/09&10-1992)
-------------------------
[*] J.Barrow - A voyage to Cochinchine in the year 1792 and 1793 (London 1906).