LÊ TRUNG VŨ
Hôm nay, nghĩ tới một làng quê Việt Nam, với cảnh quan được chỉ định, phổ biến, chẳng hạn như, lũy tre cùng với cổng làng, mái đình cùng giếng nước, cây đa, ngôi chùa và cảnh bụt... là nghĩ tới một hình ảnh hiếm hoi, một kỷ niệm của người già, như đã chìm vào quá khứ. Song không phải là nỗi niềm hoài vọng, mà là định hướng cho sự suy tư về cái tồn tại và cái không tồn tại.
Lũy tre, cây đa, giếng nước... là một cảnh quan văn hóa, song cái đáng quan tâm hơn, trước hết phải là mái đình, ngôi chùa, cùng những đền, miếu, phủ, điện, tháp, bia... Những công trình kiến trúc lớn nhỏ tạo dáng và xác định cho giá trị của làng quê thuở xưa ấy đã một thời dài trôi theo dòng lịch sử - tính bằng ngàn năm - với những âm vang quen thuộc cùng những hoạt động đặc thù của con người, cộng đồng người Việt, những công trình này, sau khi được con người tạo tác bằng tất cả tấm lòng và lương tri, cũng đòi hỏi một sinh mệnh tự thân; để rồi cũng muốn "đền đáp ân nhân" của mình, hướng sinh mệnh con người tới cõi bất tử, bằng những sinh hoạt của mình: LỄ HỘI và HỘI LÀNG...
Theo khái niệm thông thường, lễ hội là sinh hoạt văn hóa cộng đồng lễ và hội. Lễ, gồm hộ thống lễ, trang nghiêm và linh thiêng. Hội, gồm hệ thống hội, vui tươi và trần thế, nếu chỉ dừng lại ở đây thì dễ bị hút hẫng khi tiếp cận với lễ hội, hội làng. Và lễ hội phải quan tâm nhiều nhất là hội làng, lễ hội tiêu biểu cho một đơn vị cộng đồng, cũng là hình ảnh thăng hoa của cộng đồng, thuở xưa, nhất là hội làng đồng bằng Bắc bộ.
Người xưa đến hội với niềm tin, hy vọng và niềm vui. Tất cả người làng, hoặc cả người tứ xứ về hội, làm thành quần thể lớn, hướng về hội với niềm tin chân thành, niềm vui dào dạt và niềm hy vọng sâu sắc về sự thịnh đạt cho bản thân cũng như cho làng xóm. Sự việc diễn ra thoải mái mà vẫn tuân theo lệ làng. Tinh thần bình đẳng, dân chủ còn tỏ rõ trong việc hưởng thụ lễ vật. Sau khi trình Thần, vật phẩm được chia đều theo nhân xuất từ cụ già thượng thọ tới bé sơ sinh có tên trong danh bạ hàng giáp. Nó biểu hiện sự công bằng trong ứng xử của cộng đồng. Ở đây "lộc thánh" tuy ít, nhưng bằng “gánh lộc trần". Từ đó, vì quyền lợi của cộng đồng, mà thành viên ấy có thể làm tất cả để phụng sự. Từ các quần thể đông đúc ấy, với một sự phối hợp đồng bộ trên nhiều bình diện và các sự kiện đồng thời diễn ra ở diễn trường trung tâm và ở đám rước sẽ tạo nên tính hoành tráng cho ngày hội. Ngày hội là dịp biểu thị tình cảm cộng đồng, cho nên sẽ là dịp bộc lộ mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp cả ba chiều: cá nhân - cá nhân; cá nhân - cộng đồng; cộng đồng - cá nhân. Với cộng đồng, đây là cơ hội thuận tiện tập hợp mọi thành viên có chung khát vọng sống, gắn bó thành một khối, để biểu dương và minh chứng cho uy lực của mình, với mỗi cá nhân, đây là dịp cái "tôi vô danh" hòa nhập vào cái "ta chung". Mỗi thành viên đều bày tỏ tình cảm, trách nhiệm với cộng đồng mình hằng sống, hằng yêu.
Chính thời điểm này và chỉ thời điểm này, thiêng liêng, định kỳ, trước sự chứng kiến và ban phúc của thần hộ mệnh cộng đồng - thần làng - cộng đồng cần đạt được sự thống nhất ý chí, tiền đề cho thống nhất hành động, cho sức mạnh vật chất của cả cộng đồng, vốn là điều kiện rất cần thiết cho cuộc sống sau đó, trong phong cách làm ăn chung. Nếp sống được thừa nhận là chân lý, là đạo đức truyền thống, giao lưu rộng rãi trong xã hội, rồi đúc kết vào ngôn từ "lá lành đùm lá rách", "tối lửa tắt đèn có nhau", "bầu ơi thương lấy bí cùng"... Đó là tinh thần cộng cảm.
Người làng coi hội làng là của mình. Đến hội, người ta thấy “hiển hiện” lên những nỗi niềm băn khoăn, những nguyện vọng về đời sống trước mắt và lâu dài; cùng những sinh hoạt thường nhật, được thể hiện sinh động dưới dạng biểu tượng hay cụ thể, nghệ thuật hay nghi lễ, trang nghiêm hay trần tục; trong các nghi thức, trò chơi, trò diễn, cuộc đua tài... những lễ rước nước, trò đúc tượng, rước mẹ lúa, trình gà béo, lọn to, cướp nõ nương... Những hoạt động ấy đều bày tỏ nguyện vọng về một vụ mùa phong đăng hòa cốc, về một cuộc sống chung viên mãn.
Cho nên, những "nhân vật của hội" (chủ lễ, ông hiệu...) phải được tuyển lựa theo các chuẩn mực về đức độ cá nhân, thế lực, hoàn cảnh gia đình. Thanh niên nam nữ tham gia trò chơi phải là trai tài, gái đảm, vì hiệu quả của trò chơi lại là điềm báo hiệu may rủi cho cuộc sống năm ấy của giáp hay của làng. Như vậy phản ánh hiện thực và bảo lưu truyền thống - là chức năng quan trọng của hội. Đất nước dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đời sau vẫn nhận biết được các tín hiệu - do những biểu tượng cung cấp - của những sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo để lại trong diễn trình của hội làng. Bằng nội dung của mình, hội làng bao giờ cũng hàm ý chuyển giao cho các thế hệ tiếp theo những bài học lịch sử và đạo đức; lao động sản xuất và lao động kỹ thuật; tinh thần thượng võ và nếp sống tài hoa, ý thức tổ chức và tinh thần đồng đội. Là chủ nhân của những lễ vật thơm ngon, tinh khiết trong ngày hội, sau khi dâng trình thần, thánh, người ta phải được hưởng thụ vật phẩm ấy, như một hệ quả tất yếu. Cuối cùng là phải được vui chơi giải trí, sống hết mình (cũng là một dạng hưởng thụ).
Đúng ra, hội làng đã được quan niệm - dù vô thức hay hữu thức - như một công đoạn trong quá trình sống và lao động của một vòng quay thời gian niên lịch (được coi tương ứng nông lịch). Sinh hoạt hội làng được hiểu là đã góp phần tích cực vào việc hoàn thiện dây chuyền sản xuất (thúc đẩy sản xuất bằng nghi thức cầu cúng và trình diễn các trò). Hội làng là cơ hội giải tỏa con người về tâm - sinh học. Đồng thời đó là sự nghỉ ngơi đúng lúc, cần thiết sau một chu kỳ hoạt động:
Hội làng mở vào mùa xuân (sau mùa trồng cấy)
Hội làng mở vào mùa thu (sau mùa hái quả)
Xuân - Thu nhị kỳ hội mở, như thường nói, là như vậy.
Mở hội là sự lập lại sự cân bằng trong mối quan hệ nhiều chiều của con người: người với người, người - vạn vật (động thực vật); người - thần linh; người - vũ trụ. Hay nói cách khác, một quan niệm nhuốm màu triết lý phương Đông là: Thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Mọi việc sẽ được điều chỉnh, ổn định, tiến triển theo ý muốn của cộng đồng, của từng gia đình, từng thành viên; bằng thế đối ứng giữa các đôi phạm trù, so sánh giữa ngày thường (quanh năm lao động) và ngày hội (khoảnh khắc khác thường): Vận động (lao động) / Ngừng nghỉ; Lam lũ / Thăng hoa; Bất công, áp bức / Bình đẳng, dân chủ; Trần tục / thiêng liêng; Cá thể (trầm lặng, thô thiển) / Quần thể (náo động, lộng lẫy)...
Ý nghĩa của việc nghiên cứu là nhận thức được bộ mặt đích thực, cả phần mạnh và phần yếu của hội làng. Hội làng đã bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống, nền văn minh thôn dã, biểu hiện ở nếp sống - đã trở thành bản sắc dân tộc - với những ý thức cơ bản như: ý thức về cội nguồn, về đồng loại, về mỹ tục, về tài năng văn hóa, nghệ thuật, thể thao...
Như vậy là, trong đời sống tinh thần của nhân dân ta từ lâu đã hiện diện một loại sinh hoạt văn hóa đặc trưng, có thể gọi là VĂN HÓA HỘI LÀNG.
Hội làng nào cũng hướng về một hoặc nhiều đối tượng thiêng liêng (nhân thần, thiên thần), nhìn chung, được xác định - thông qua truyền thuyết, thần phả - là những danh nhân - anh hùng có công với làng với nước, được dân làng tưởng niệm. Hội, được gắn với một không gian thiêng, sẽ là diễn trường chính để cử hành nghi lễ và hội hè. Hội làng cần được quan sát trong mối quan hệ nhiều chiều. Và chỉ khi hội làng vận hành thì mối quan hệ nhiều chiều mới phát huy hết ý nghĩa và giá trị tổng thể của nó. Chẳng hạn: Hội làng với đối tượng được thờ và lịch sử; với loại hình tôn giáo và phong tục; với (công trình) kiến trúc và xây dựng hòa vào một cảnh quan có chọn lựa (theo quan điểm địa lý, phong thủy, được coi như danh thắng của địa phương hoặc cả nước); với nghệ thuật tạo hình và điêu khắc cùng thủ công - mỹ nghệ (đồ thờ, tượng, lễ phục...), với nghệ thuật biểu diễn, và đặc biệt đối với con người "Lễ hội" (trang phục, thái độ, động tác, ngôn từ...) vốn là chủ thể hành động, được hiểu là động cơ của sự vận hành hội làng. Nhiều mỹ tục hình thành trong quá trình tiến triển hội làng: Kết chạ, trọng lão, thi đọc văn, thi thơ, chém chữ, đua tài thượng võ, biểu diễn nghệ thuật, đấu tài, thi tài chế biến sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi..., thi tài nội trợ, đã tạo nên giá trị nhân văn cho con người Việt Nam truyền thống.
Hội làng là sinh hoạt văn hóa - tôn giáo - nghệ thuật của cộng đồng làng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống; từ sự tồn tại và hưng thịnh cho cả làng; sự bình yên cho từng cá nhân; niềm hạnh phúc cho từng gia đình; sự vững mạnh cho từng dòng họ; sự sinh sôi của gia súc; sự bội thu của mùa màng; tất cả từ bao đời, đã quy tụ niềm mơ ước chung vào 4 chữ "Nhân Khang vật thịnh". Hội làng và văn hóa hội làng là tài sản văn hóa của dân tộc, được gìn giữ, trao truyền giữa các thế hệ, trải nhiều thế kỷ, qua nhiều thời đại, là một đầu mối của công cuộc giao lưu văn hóa giữa các miền, các dân tộc trên đất nước Việt Nam và giữa Việt Nam với thế giới.
Cuối cùng, vốn là sản phẩm của lịch sử, hội làng không tránh khỏi những nhược điểm, trước yêu cầu của xã hội mới. Nên có thái độ thế nào với hội làng hôm nay, đề tài hấp dẫn này xin đề nghị là của một công trình khác.
L.T.V.
(TCSH54/03&4-1993)