Lễ hội
Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế
14:05 | 06/02/2024

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân về là một nét văn hóa đặc trưng của làng quê xứ Huế.

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế
Dựng nêu ở đình làng An Hòa

Những sinh hoạt văn hóa dân gian đều gắn liền với ngôi đình làng vì đây là thiết chế văn hóa quan trọng và đặc trưng của làng xã xưa và nay. Những nghi lễ diễn xướng dân gian như hát sắc bùa, lễ kỳ yên, các trò vui chơi mang tinh thần thượng võ cùng những hoạt cảnh dân gian về lễ hội đều diễn ra ở đình làng Tết Huế.

1. Nghi lễ dân gian đình làng Tết Huế

Mùa xuân, tháng Giêng âm cực dương sinh mở đầu một năm mới, một vòng quay mới, vạn vật sinh sôi nảy nở. Là dịp để người dân trong làng cùng nhau đến đình làng tạ ơn các vị thần linh trong một năm đã che chở cho mọi người, cảnh vật, quê hương an lành.

Từ khi ngôi đình làng ra đời, thì đây là nơi tôn vinh các vị thần linh quan trọng của dân làng, quanh năm đều có những cuộc cúng tế theo mùa như xuân tự, thu thường, đông chí. Riêng mùa xuân Tết Huế, đình làng xứ Huế là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa dân gian còn lưu truyền cho đến hôm nay. Khi khảo sát về nghi lễ dân gian đình làng Tết Huế, dấu ấn đầu tiên là lễ dựng nêu, tiếp đến là lễ tống cựu nghinh tân vào đêm giao thừa, sau 7 ngày Tết là lễ hạ nêu đến lễ kỳ an, tảo mộ chung.

Ở làng quê xứ Huế hiện nay vẫn còn bảo lưu tục dựng cây nêu tại các đình làng. Các đình làng Cư Chánh, An Hòa, Trạch Phổ, Phù Bài, Thủ Lễ, Thế Chí Đông, Dã Lê Chánh, Dã Lê Thượng, Chiết Bi Hạ, Mỹ Lợi, Huệ An… tục dựng nêu ở sân đình vẫn còn đã góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân gian cho đình làng xứ sở. Trước khi Thướng nêu, làng sẽ sửa soạn bữa cơm cúng tất niên và khấn tế cầu mong quốc thái dân an, sức khỏe, may mắn, một năm mưa thuận gió hòa, có những chuyển biến bình an. Phong tục dựng nêu ngày Tết vô cùng quan trọng bởi nó có ý nghĩa to lớn đối với dân làng. Nếu chúng ta có dịp tham dự lễ Thướng nêu tại đình làng Tết Huế sẽ thấy được sự bài bản trong việc thực hiện lễ nghi cúng tế, thấy được sự kì công trong việc chọn tre, trang trí cây nêu, các bước tế cáo thần linh, cầu mong mưa thuận gió hòa, tạ ơn thần linh năm cũ và cầu xin qua năm mới được an nhàn. Các vị cao niên quây quần bên bàn lễ cúng, tiếng trống, chiêng dóng lên cùng với lời cầu khấn cảm thấy vừa thiêng liêng, vừa ấm lòng trước gió đông lạnh buốt cuối năm.

Hằng năm, các làng cử hành một số lễ cúng tại đình, miếu như lễ tống cựu nghinh tân, lễ kỳ an. Trong đó, lễ tống cựu nghinh tân có nghĩa là tống tiễn những vất vả, lo toan, khó nhọc, qua đi theo năm tháng cũ để đón nhận những cái mới của năm mới. Lễ tống cựu nghinh tân ở đình làng thực hiện trong đêm trừ tịch (Giao thừa) làng đặt lễ cúng để đa tạ các vị thần trong năm đã chở che phù hộ cho dân làng được sức khỏe, an lành, mưa thuận gió hòa và xin các vị thần qua năm mới tiếp tục phù hộ độ trì dân làng có mùa màng tốt tươi, cảnh yên vật thịnh. Cuộc tế lễ chỉ diễn ra trong nội bộ chức sắc của làng, thời khắc giao thừa chuyển giao năm cũ và năm mới tạo không khí thiêng liêng nơi đình làng. Ngày mồng 7 tháng Giêng là ngày khai hạ, hay còn gọi là lễ hạ nêu, báo hiệu là hết Tết. Cây nêu ở đình làng được hạ xuống, làng tổ chức một lễ nhỏ để hạ nêu, hóa phần giấy cúng, sớ điệp, đây là nghi lễ ngày Tết cuối cùng của làng để chuẩn bị cho những lễ tế đình trong mùa xuân.

Sau lễ hạ nêu, làng tổ chức lễ kỳ an hay còn gọi là kỳ yên (cầu sự yên ổn) hay còn gọi là lễ xuân tự. Đây là nghi lễ quan trọng nhất tại đình làng, hay còn gọi là lễ tế xuân. Xuân tự còn gọi là lễ kỳ an/kỳ yên nghĩa là cầu sự yên ổn, được tổ chức vào ngày tốt trung tuần tháng Giêng thường từ ngày mồng 10 đến ngày 20, ý nghĩa của lễ này là cầu cho đất nước thịnh vượng, dân được yên ổn, của cải dồi dào (quốc thái, dân an, vật phụ).

Lễ kỳ an tổ chức theo các bước:

- Khai lễ (chuẩn bị hành lễ);

- Chính lễ có 3 đoạn sơ hiến, á hiến, chung hiến;

- Lễ tất (cuộc lễ chấm dứt, hương ẩm).

Các lễ tế ở đình làng xứ Huế có xuân tế, thu thường và đông chí, trong đó lễ tế thu thường là quan trọng nhất nhưng cũng có làng lấy lễ xuân tế là chính, đơn cử như làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc là một điển hình. Với lễ kỳ an, các làng tổ chức lễ với vật phẩm hương đèn, trầm trà, bông ba quả phẩm, nhiều làng báo hiệu bắt đầu mở hội vui xuân. Không khí tế lễ tại đình làng vào mùa xuân vẫn đang còn trong chu kì hội xuân Tết Huế nên rất thích hợp cho du khách tham quan, trải nghiệm. Cùng với các sinh hoạt lễ nghi dân gian ở đình làng Tết Huế thì ở làng Phò Trạch hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa dân gian truyền thống gồm: hát sắc bùa, hát tập chèo, hát trò. Trong đó, hát sắc bùa là một loại dân ca nghi lễ đặc sắc của làng và cũng là nơi duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế lưu giữ tục hát sắc bùa. Đến ngày 30 Tết thì các đội chuẩn bị trang phục để đến đêm giao thừa bắt đầu thực hiện quy trình các bước của tục hát sắc bùa.

2. Sinh hoạt văn hóa dân gian tôn vinh tinh thần thượng võ

Ngày Tết ở làng quê thường chu đáo và đậm đà hơn ở phố phường, các trò chơi dân gian như đu tiên, vật võ, đua ghe ở làng quê xứ Huế thường tổ chức vào tháng Giêng âm lịch, với sự tham gia của nhiều làng kế cận, như: hội vật làng Sình, hội vật Thủ Lễ, lễ cầu ngư làng Thai Dương, hội đu tiên làng Thế Chí Đông, hội đu tiên làng Gia Viên… là những sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống gắn bó với đình làng Tết Huế bao đời nay.

Tế đầu năm tại đình phường Thủy Dương


Đu tiên là trò chơi dân gian, là cách gọi hình thức đu đôi, tức từng cặp một nam một nữ, thanh niên cùng lên đu so tài trong dịp đầu năm mới. Trong Nam triều công nghiệp diễn chí, Nguyễn Khoa Chiêm cho hay: “Lại nói năm Nhâm Tý, niên hiệu Chính Trị thứ mười (1672), tháng hai, Hiền vương Nguyễn Phúc Tần nhân lúc nhàn hạ cho gọi con trai, con gái xã Hạ Lang đến trước gác Quyển Bồng chia nhau làm trò vui như đánh cờ người, đánh quả cầu, đánh đu tiên, đáng kể là ngày hội lớn. Bấy giờ các quan văn võ, dân chúng già trẻ, gái trai bồng con bế cháu cùng đi, người trẩy hội đông không kể xiết”1. Ở làng xã xứ Huế trò đu tiên thịnh hành giữa thế kỷ XIX như các làng Phước Yên, Thế Chí Đông, Gia Viên, Phú Gia. Làng Phú Gia, làng Phước Yên nay không còn hội đu tiên, riêng làng Thế Chí Đông, làng Gia Viên vẫn còn tổ chức thu hút nhiều người dân đến xem và trải nghiệm. Ngày nay, trò chơi này là một bộ phận của lễ hội dân gian xứ Huế, cần được phục hồi để phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản cộng đồng, nhất là phục hồi lại hội đu tiên làng Phước Yên và làng Phú Gia để những người già còn sức khỏe truyền lại các kỹ năng, kỹ xảo kinh nghiệm dựng dàn đu hoặc bày vẽ những kiêng cữ nên tránh khi tổ chức hội đu.

Hội vật mùa xuân xứ Huế, ngày nay chỉ còn tồn tại hai làng vật võ là làng Lại Ân, xã Phú Mậu, thành phố Huế và làng Thủ Lễ, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền. Làng Lại Ân hay còn gọi là làng Sình, xã Phú Mậu, thành phố Huế, nơi đây hàng năm, cứ vào dịp Tết cổ truyền, ngày mồng 10 tháng Giêng làng tổ chức hội vật võ truyền thống, nhằm tưởng nhớ công ơn các vị thần linh và cầu mong sức khỏe, bình an, khuyến khích thanh niên rèn luyện, lòng dũng cảm và cầu cho mùa màng tươi tốt. Trước đó 1 ngày, từ buổi sáng, Ban điều hành làng Lại Ân phân công người sửa soạn sới vật ngay trước sân đình làng, buổi chiều tổ chức làm lễ túc yết. Mờ sáng ngày mồng 10 tháng Giêng chiêng trống dóng lên, lễ chánh tế được cử hành trang nghiêm nhưng gọn nhẹ. Tiếp đó, từng cặp trai tráng theo lứa tuổi lần lượt cùng nhau đấu vật cho đến khi phân thắng bại, hết đôi này đến đôi khác. Trọng tài là những người đã có kinh nghiệm qua những lần họ thi đấu đạt giải cao. Hội vật làng Thủ Lễ, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, khai hội vào ngày mùng 6 Tết. Không gian của hội vật được tổ chức ngay trên sân đình làng Thủ Lễ, sới vật là một bục hình tròn, đường kính 8.5m được xây bằng xi măng cố định trên sân của đình làng. Mặt sới vật được phủ đầy bằng cát trắng. Phần nghi lễ sẽ được các vị cao niên, tộc trưởng trong làng tiến hành cúng bái tôn nghiêm ở không gian bên trong chính đình. Sau đó hai đô vật cao niên trong làng lên khai sới, mở màn hội vật ngay trên sân đình. Tiếp theo lần lượt các phần thi vật của các đô vật nam, nữ của người dân địa phương.

Hội vật làng Sình, hội vật làng Thủ Lễ đều nêu cao tinh thần thượng võ, mang tính giải trí, tạo ra sân chơi lành mạnh, hấp dẫn trong dịp Tết cổ truyền. Các đô vật không được đưa ra các đòn đánh nguy hiểm mà phải hạ đối thủ bằng cách vật để lưng đối thủ chạm lưng xuống đất, gọi là “lấm lưng trắng bụng” cũng như thể lệ vật võ ở làng Sình. Theo Dương Văn An trong Ô Châu cận lục cho hay, xứ Thuận Hóa thường thì “Xuân sang mở hội đua bơi, lụa là chen chúc”2. Còn ở đền Y Na làng Trạch Phổ, huyện Kim Trà (nay thuộc làng Trạch Phổ, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) có tục “Hằng năm khi xuân thu cầu mưa, tổ chức đua thuyền, quan bản huyện làm lễ thì được mưa ngay”3. Vì thế mà ở các làng xã xứ Huế có hội đua trải vào dịp sau Tết mấy ngày. Bên cạnh đình làng là có nhà để ghe, có bàn thờ cúng ghe, khi một chiếc ghe đã đóng xong, đội đua và dân làng lại chọn ngày lành tháng tốt làm lễ cáo yết thần linh, hạ thủy và bơi lấy ngày, sau đó đưa ghe vào nơi bảo quản, chờ ngày đua.

Hội bơi trải ngày xuân trước đây, đua thuyền ngày nay ở một làng quê xứ Huế là một sinh hoạt vui chơi giải trí cộng đồng, lôi cuốn thu hút rất nhiều người, nhiều thành phần tham gia, vừa gắn kết trò vui thể thao với niềm tin sẽ gặt hái được may mắn trong sản xuất. Qua mỗi tổ chức đua ghe mỗi người dân, thành viên trong làng đều nhiệt tình đóng góp công của, cũng như sự hăng hái cổ vũ đối với đội ghe đua của làng mình. Đối với các đình làng quay mặt hướng ra sông thì bến đình là nơi tụ tập thuyền đua đợi lệnh xuất phát, sân đình là nơi đặt lễ tế các vị thần linh sông nước phù hộ cho các đội đua thuận tay chèo, an toàn.

3. Hoạt cảnh dân gian nơi đình làng Tết Huế

Thành hoàng của làng Thai Dương, phường Thuận An là ngài Trương Quý công (húy Trương Thiều), người gốc Thanh Hóa, đã có công dạy nghề đánh cá và buôn bán cá, bày cách cho người dân biết đan ghe, mành. “Khi ông mất, dân làng ghi nhớ công ơn ấy, nên tổ chức lễ hội để tỏ lòng biết ơn. Lễ hội được tổ chức vào ngày mất của ông, trong lễ hội có diễn lại cảnh sinh hoạt nghề biển như đánh cá, buôn bán cá. Đó là một tập tục để nhớ công ơn người vừa sáng lập làng, lại là vị tổ sư nghề nghiệp, chứng tỏ lòng thành kính của dân làng”4. Gốc tích của lễ hội cầu ngư ở làng Thai Dương, phường Thuận An là như vậy, làm nô nức người xem mỗi khi Tết đến xuân về.

Lễ hội cầu ngư ở làng Thai Dương, phường Thuận An, thành phố Huế, được khai hội vào khoảng 1 đến 3 giờ sáng ngày 12 tháng Giêng. 4 giờ sáng chánh tế chấm dứt, mọi người hưởng lộc thần rồi trình diễn hội cầu ngư với sự tham gia của toàn dân làng. Trống chiêng cùng các hoạt cảnh diễn trò của đám trẻ được hóa trang thành những con tôm, con cá. Tại sân đình, người dân diễn trò bủa lưới, trò quệ, giạ xúc ruốc, bủa lưới, nậu lưới. Đám trẻ trong làng sẽ mặc trang phục hóa trang thành những con cá nhỏ, người lớn thì quây thành vòng tròn tượng trưng cho hình ảnh người ngư dân đánh bắt được cá, giữ và không có cá thoát ra, bắt được cá rồi là hoạt cảnh chị em phụ nữ gánh cá đi bán.

Vào khoảng hơn nửa buổi sáng, lễ hội cầu ngư kết thúc, mọi người trở về lại đình làng hưởng tiếp lộc của thần. Buổi chiều mọi người xem đua ghe ngay vùng phá trước đình. Lễ hội cầu ngư ở làng Thai Dương là một hoạt động lễ hội trong dịp Tết cổ truyền, mang yếu tố tinh thần và tâm linh của dân địa phương, nói lên tính đặc trưng văn hóa và đặc thù nghề cá, đánh bắt thủy, hải sản với nhu cầu, mong ước của ngư dân Thuận An nói riêng và miền duyên hải miền Trung nói chung. Đồng thời còn thể hiện sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên trong làng xã với nhau, nêu cao ý thức “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”. Và mặc dù dân làng đã trải qua bao biến chuyển của thời cuộc nhiều lần diên cách địa lý, địa danh, nhưng họ vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp đó để đến ngày hôm nay lễ hội cầu ngư làng Thai Dương vẫn duy trì và phát triển.

Làng Bác Vọng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền có lễ đua ghe và cầu ngư vào dịp xuân để tưởng nhớ Bà Tơ. Người dân trong làng cử hành lễ ở đình làng và cử hành lễ Minh niên vào ngày 11, 12 tháng Giêng. Theo lệ cứ 6 năm làng mới tổ chức hội đua ghe một lần.

Hội bài chòi thường được tổ chức ở sân đình, sân chợ, sân chùa vào dịp tế tự, lễ Tết. Thường tổ chức từ sáng mồng 1 Tết cho đến ngày hạ nêu. Buổi chiều làng hạ nêu cũng có tổ chức một lễ cúng nhỏ để tạ ơn. Các chòi cũng tháo dỡ trả lại cho sân đình không khí tĩnh mịch của chốn thâm nghiêm. Hiện nay, hội bài chòi được nhiều làng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chơi như làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ; làng Nghi Giang, xã Vinh Giang (nay là xã Giang Hải) huyện Phú Lộc; làng Khuông Phò, thị trấn Sịa; làng Phước Yên, xã Quảng Thọ; làng Thủy Lập, xã Quảng Lợi; làng Phong Lai, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền; làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy. Khi khai hội, người dân cũng đến đình làng dự lễ tế cầu xin thần linh cho cuộc chơi may mắn, hòa thuận.

Qua những dẫn liệu về nghi lễ tín ngưỡng, hoạt cảnh vui chơi, đình làng là nơi trình diễn các sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Đình làng là nơi tế yết, kính cáo thần linh, trời đất chứng giám cho cuộc vui được viên thành cũng như mời các ngài về dự hội. Đây là không gian linh thiêng có tính cố kết cộng đồng làng xã một cách bền vững xưa nay và cũng nhờ một phần vào lễ hội của đình làng.

Bố cục không gian đình làng Thừa Thiên Huế trong sinh hoạt văn hóa dân gian tại đình làng Tết Huế chúng tôi thấy như sau:

Đình làng là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian vô cùng hữu dụng, đồng thời là nơi diễn ra các hoạt động lễ và hội tạo nên sắc thái riêng cho mỗi làng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phổ biến các hoạt động lễ hội dân gian cho dân làng sống trên vùng đất làng đó nói riêng và giá trị di sản văn hóa hệ thống đình làng Thừa Thiên Huế nói chung. Cần bảo tồn và phát triển các lễ hội cũng như không gian sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng tại các đình làng như:

Sinh hoạt văn hóa dân gian đình làng Tết Huế được thực hiện và diễn ra trên các không gian của đình làng. Cần phát huy hơn nữa giá trị di sản kiến trúc kết hợp với các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng sẽ góp phần đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị trên nền tảng đô thị di sản.

Xưa nay mọi sinh hoạt, mọi giá trị văn hóa của một làng đều lấy đình làng làm nơi hội tụ và thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Cho nên, tục lệ và sinh hoạt tín ngưỡng dân gian ở đình làng Tết Huế phần nào đã phản ánh điều kiện sống, hoàn cảnh lịch sử và giá trị nhân văn, nhân bản, nghĩa đồng bào, tình nước non in dấu ấn rất sâu sắc trong tục lệ và nghi lễ này. Chính vì vậy, mà sinh hoạt Tết Huế ở đình làng cho đến nay vẫn được duy trì và thực hiện đầy đủ ở nhiều làng quê, phường phố trên địa bàn tỉnh.

T.N.K.P
(TCSH420/02-2024)

-----------------------
1 Nguyễn Khoa Chiêm: Nam triều công nghiệp diễn chí. Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003, trang 515.
2 Dương Văn An: Ô Châu cận lục, Trần Đại Vinh hiệu đính - dịch chú. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2015, trang 69.
3 Dương Văn An: Ô Châu cận lục, Sđd, trang 95.
4 Tôn Thất Bình: Lễ hội dân gian Thừa Thiên Huế. NXB Dân Trí, Hà Nội, 2010, trang 45, 46, 47, 48, 50, 51.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đổ xăm hường (02/03/2020)