Lễ hội
Hát hầu văn ở Huế
15:07 | 08/03/2024

TÔN THẤT BÌNH

Trong các loại dân ca nghi lễ ở Huế (hò đưa linh, hát bả trạo, hát sắc bùa v.v...) hát hầu văn chiếm một vị trí riêng trong đời sống tâm linh của những người theo Thiên Tiên Thánh Giáo.

Hát hầu văn ở Huế
Bài hát văn luôn phải ăn khớp với người lên đồng - Ảnh: wikipedia

Nó là một chất xúc tác, là chiếc cầu nối giữa cõi thực và cõi huyền của người lên đồng khi thực hiện lễ thức tín ngưỡng. Cùng với sự phụ hoạ của các nhạc cụ (đàn nhị, đàn nguyệt, trống, phách, thanh la), trong không khí ngát hương trầm, lung linh mờ ảo đèn nến, người lên đồng được cung văn dùng lời ca tán tụng sẽ dễ hoá thân nhập bóng. Trong bài này chúng tôi chỉ tìm hiểu, phân tích nội dung và nghệ thuật hát hầu văn, coi đó là một đóng góp để phong phú hóa nền văn nghệ dân gian địa phương, chứ không có ý đi sâu, đánh giá Thiên Tiên Thánh Giáo, vốn là một loại tín ngưỡng phức tạp, cần phải gia công tìm hiểu nhiều mặt mới mong có những đánh giá thỏa đáng.

Hát hầu văn (hay chầu văn, hát bóng) là loại hát nghi lễ có nhạc điệu quyến rũ đầy sức mê hoặc người nghe. Tiến trình hát hầu văn ở Huế cũng tương tự như hát chầu văn ở Bắc :

(....) "Một cuộc lên đồng ở Bắc bao giờ cũng bắt đầu bằng lễ phụng thỉnh chư thánh. Người chủ lễ đọc sớ, đọc chú và nhân danh Ngọc Hoàng Thượng Đế triệu tập thần thánh về trần bằng một lối hát gọi là sai quan tướng. Lối sai quan tưng này do cung văn hát bằng lời thơ lục bát trên giai điệu do, re, fa, sol với một nhịp điệu rất nhanh (…)

Sau khi thỉnh cầu chư thánh về, người sắp lên đồng ngồi vào chiếu trước bàn thờ, cung văn hát chầu văn thờ với lối hát ca tụng các vị thần thánh. Giai điệu của chầu vàn thờ nằm trong ngũ cung bộ do, re, fa, sol, la.

Khi người ngồi đồng chưa nhập bóng nào, cung văn và ban nhạc cử loại hát dọc (hay rập) để thúc đẩy người lên đồng chóng nhập bóng. Loại hát này rất dồn dập, lời văn ca tụng các vị thần thánh" (1)

Khi người lên đồng đã nhập bóng, lập tức cung văn đổi giọng, đổi văn. Nếu người ngồi đồng nhập bóng cô, cung văn hát giọng cờn, nếu người ngồi đồng nhập bóng cậu, bóng ông hoàng, cung văn hát giọng phú... Nhưng cũng phải theo tính tình của bóng mà thay đổi lời và nhạc. Ông hoàng vui thì cung văn hát phú bình, phú dựng, phú chênh, ông hoàng buồn thì cung văn hát phú sầu.

Mannequin mặc phục trang của người hầu đồng Mẫu Thoải - Ảnh: wikipedia


Khi người ngồi đồng nhập bóng bà Mu Thoải, cung văn hát giọng luyện, khi chúa thượng ngàn về trần, cung văn phải hát Quảng (vốn là điệu Quảng Đông) hoặc hát sá. Có khi cung văn phải hát cả điệu Chàm, gọi là hát giàn.

Khi các bóng múa gươm, bơi thuyền, cung văn phải hát nhịp một (chèo) và hò khoan (dân ca).

- Khi người ngồi đồng vui chơi, dàn nhạc cử bài xàng xê liu - Một điệu nhạc của sân khấu cải lương.

Như vậy, người hát chầu văn đã thu dụng rất nhiều thể loại dân ca để phục vụ cho việc lên đồng.

Hầu văn ở Huế đặc biệt phong phú, vì ngoài các làn điệu dân ca cần thiết phải hát như chầu văn miền Bắc, hầu văn Huế còn thu dụng cả những loại yến nhạc (loại nhạc lễ) của cung đình. Khi người lên đồng cầm hoa múa, cung văn đàn bài mã vũ.

Ngoài ra còn có những điệu hát riêng dùng trong những trường hợp khác nhau:

- Đàng : là điệu hát để ca tụng các vị thần thánh về trần làm việc quan.

- Thài : được dùng để cung nghinh các vị thánh mẫu.

- Tấu : được dùng để mừng các vị quan của Thiên đình.

Theo sự nhận định của một nhà dân tộc nhạc học, hầu văn miền trung, cụ thể là Huế, phong phú hơn hát chầu văn miền Bắc. Nhạc điệu chuyển qua nhiều hệ thống ngũ cung. Giọng đàng, hay đài với những bài thỉnh chư thần, dâng hoa, dâng nước, thường được hát theo hơi đảo (cũng như ngũ cung hơi năm giọng ai, nhưng nét nhạc dựa vào tétracorde sol, re). Giọng thài với điệu long lanh thì dùng hơi nam, giọng oán.

Nhịp điệu của hầu văn miền Trung phức tạp hơn chầu văn miền Bắc. Người ta đặt tên cho điệu hát theo nhịp điệu. Điệu nhị tự nghĩa là hát hai chữ một, điệu ba bẩy nghĩa là hát một câu ba nhịp một câu bốn nhịp, cộng chung lại là bảy nhịp. Nhịp rơi (lơi, chậm) nhịp xắp (nhanh) cũng là tên của những bài hát hầu văn miền Trung.

Hầu văn Huế cũng dùng rất nhiều nhịp ngoại (Syncopes) như hát chầu văn miền Bắc, tiết điệu không ẻo lả như trong các loại tình ca.

Do yêu cầu của nghi thức trình diễn, cung văn cần phải biết rất nhiều bài hát để ứng phó kịp thời, không ngừng nghỉ, từ khi bắt đầu cuộc lễ, đến khi con đồng nhập bóng và kết thúc buổi lễ.

Xét các bản văn chầu Thiên Tiên Thánh Giáo ở Huế, ta sẽ gặp, ngoài các bản chầu có tính cách nghi lễ, thực hành trong các lễ tiết như văn chầu minh niên, hoặc trong đám rước, nghinh giá Thánh Mẫu như đăng đàn cung, đa số có nội dung mô tả hình dung, dáng điệu cùng đức tính, hành động và thánh tích cứu nhân độ thế của chủ vị thần linh. Thánh mẫu được tôn trọng nhất là Thiên Y Thánh Mẫu, có tên Thiên Y A Na mà sự tích đã được Phan Thanh Giản chép lại theo truyền thuyết của dân cư Khánh Hòa. Đại khái là Thiên Y A Na vốn ở Thiên đình, giáng sinh tại núi làng Đại An, làm cô bé đêm đêm hái trộm dưa trong vườn một cặp vợ chồng già không có con. Sau khi bắt được cô, thấy dễ thương, đẹp đẽ, họ nhận làm con nuôi. Nhưng một hôm trời lụt, cô bé tàng hình vào một thân cây kỳ nam trôi ra biển, tấp vào bờ Trung Quốc. Một hoàng tử vớt cây gốc đem về cung. Nàng hiện nguyên hình. Hoàng tử xin vua cha cưới về làm vợ. Hai người sinh được một trai một gái. Nhưng nàng lại nhớ quê nhà nên một hôm biến thân vào thân cây ấy, trôi về quê cũ. Khi trở lại làng xưa cha mẹ nuôi đã chết từ lâu, nàng lập đền thờ tại núi Đại an, rồi cùng con bay về tiên cảnh. Sau đó thường xuất hiện nhiều nơi để cứu nhân độ thế, được nhân dân tôn sùng là Thánh mẫu, mẹ cả trần gian :

Nguyện cầu xin mẹ cho thường
Mẹ hiền giải thoát trăm đường gian nguy
Lòng mẹ cả bầu trời bát ngát
Ân đức dày biển rộng vô biên
Oai minh vạn trạng muôn hình
Hộ trì đệ tử khương ninh đời đời.

Đây là điểm lớn nhất của việc thờ Thánh mẫu giữa miền Bắc và miền Trung. Thánh Mẫu được thờ ở miền Bắc là Liễu Hạnh Công Chúa (tức Vân Hương Thánh Mẫu). Nhưng từ năm 1954, tại đền thờ Mẫu của điện Hòn Chén, người ta cũng đưa Liễu Hạnh Công Chúa vào để thờ. Ngoài ra còn thờ Phật, Thánh, Quan Công và một số lớn thần thánh khác thuộc hàng đồ đệ của các thánh nói trên.

Trong số đông đảo các thần thánh ấy, đáng chú ý là các vị sau đây đã được văn chầu Huế ghi lại :

1- Thiên Y Thánh Mẫu. 2- Thủy Cung Thánh Mẫu. 3- Thượng Ngàn Thánh Mẫu. 4- Tam Phủ Công Đồng. 5- Cửu Trùng Thánh Mẫu. 6- Đệ Tam Xích Phân tiên nữ hòa diệu đại vương. 7- Đệ nhất tôn ông Thượng Thiên. 8- Đệ nhị tôn ông Thượng Thiên. 9- Đệ tam giám sát tôn ông. 10- Thượng ngàn công chúa. 11- Ngũ vị Thánh Bà Thượng Tiên. 12- Đức chầu Lê Mại đại vương. 13- Đức chầu Bạch Ba công chúa. 14- Đức chầu Ngoại cảnh Tiên Nương. 15- Đức chầu đệ tứ thủy cung. 16- Đệ ngũ thủy phủ tôn ông. 17- Đệ tam thủy phủ tôn ông. 18- Tôn ông đệ nhị ngoại cảnh tôn thần. 19- Quan đệ thất đào tiên. 20- Ông Chín Thượng Ngàn. 21- Cô Chín Thượng Ngàn (các cõi). 22- Ông Bảy Thượng Ngàn. 23- Ông Quận Nhất Thượng Thiên. 24- Ông Quận Hai. 25- Ông Quận Sáu Sông Cầu. 26- Nhị thập tiên cô Khâm Sai. 27- Đệ Nhất Trung Thiên Thánh Cô. 28- Hằng Nga Đệ Nhất Tiên Cô. 29- Khâm Sai đệ nhị tiên cô. 30- Khâm Sai đệ tam tiên cô. 31- Khâm Sai đệ tứ tiên cô. 32- Khâm sai đệ ngũ tiên cô. 33-Khâm Sai Đốc Binh(2).

Ngoài ra còn có một bản văn chầu cô hồn thập loại.

Như vậy, cứ mỗi vị thánh hoặc một tập thể thần linh lại có một bài văn chầu ca tụng. Thể lục bát và song thất lục bát thường được sử dụng để sáng tác. Tuy số lượng văn chầu khá phong phú, nhưng nhìn tổng thể, ta sẽ thấy một số điểm trùng lặp trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật. Trước khi đi sâu vào mô tả hình dung và hành động của các vị thánh thần, cung văn thường mở ra một khung cảnh thiên nhiên huyền ảo. Có thể nói cung văn đã sử dụng khá nhuần nhuyễn không gian và thời gian nghệ thuật để gây ấn tượng về một cõi thần tiên cách biệt cảnh phàm trần mà ở đó thần linh ngự trị. Từ ngữ được chọn lọc sử dụng là những tính từ mà tính chất lung linh, hư ảo bàng bạc, chập chờn suốt cả mạch văn chầu. Đây là hình tượng Thiên Y Thánh Mẫu :

(....) Ba mươi sáu đng tiên phưc địa;
Cảnh bồng lai gác tía lầu son
Chín tầng đỉnh Giáp chon von
Đèn trăng khuya sm n non chơi bời
V xuân tươi hoa cười ngọc thốt
Trên thiên đình có một không hai
Tóc mây mái phụng trâm cài
Thanh tao cách điệu xấp mười thuyền quyên
Khi chúa dạo sang miền Yến dự
Dưới trăng vầy tiên nữ vui chơi
Có khi mang lãnh đến nơi
Ngàn cây bóng nước thnh thơi thích tình...

Hoặc Thượng ngàn Thánh Mẫu :

Nền linh hiển ngàn xưa chung tú
Riêng một tòa động phủ thiên nhiên
Vốn xưa chúa ở cung tiên,
Giáng trần độ thế về miền non xanh
Mây năm thức long lanh bửu điện
Ngát một màu hương nguyện bao la,
Nguồn đào khuya sớm vào ra,
Hoa tươi dáng áo sen pha bóng hài
Cánh thoa vàng lung lay mái tóc
Vẻ thanh kỳ thốt ngọc chào xuân
Bên lưng sẵn giắt gươm thần
Mấy phen quán Sở lều Tần ai hay

Nội dung quán xuyến các bản văn chầu là tường thuật hành tung nhuốm màu sắc thần thoại kỳ bí của các Thánh mẫu, công chúa, tôn ông, các ông quận, tiên cô. Họ tung hoành trong cõi không gian hư hư thật thật, thoắt biến, thoắt hiện. Cái diệu kỳ đầy màu sắc ảo hóa, hoang đường thuở hồng hoang được vẽ lại, tạo nên một bầu không khí lung linh rất phù hợp với mùi thơm nhang trầm và hoa quả dâng lễ. Trong khung cảnh hư huyền đó, uy lực thần thông của các thánh thần được cung văn chắp thêm đôi cánh :

Dịu dàng lược dắt trâm cài
Dưới suối trên đèo ai kẻ dám đương
Quyền cai ông Quận cô nưng,
Sơn tinh cầm thú hổ lang khấu đầu
Quyền sai tám cõi ngàn châu
Chín tầng đng đảnh một bầu tiêu diêu
Trên vườn quế dưới vườn đào
Khi ra thác mẹ khi vào thác con
Chim kêu vượn hót véo von
Chớp rừng đòi đoạn mưa rừng đòi cơn
Khi nương gió lúc thác rèm
Tay che tàu lá tay vin cành hồng
Vui chơi nước Nhược Non Bồng
Ph Cát Đại Đồng nưc chảy sóng xao ...

Quả thật, trong không khí huyền hoặc đó, lời ca và tiếng nhạc hầu văn có sự tương hỗ làm một trường để đưa con đồng vào một thế giới siêu nhiên. Phải chăng để nhập bóng, hoá thân, tác dụng của các bản văn chầu do cung văn hát chiếm một vị trí không nhỏ ?

Âm nhạc hát hầu văn có tính cách phù phép (incantation), có mục đích thôi miên người lên đồng, đưa con đồng phiêu diêu vào cõi thần tiên của các ông hoàng, bà chúa. Có người cho rằng phụ nữ thời phong kiến chịu thua thiệt đủ điều, do bị áp lực dưới chế độ phụ quyền, ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, lên đồng giúp họ một ảo tưởng ăn chơi như người thoát phàm, lên cõi thần tiên. Chúng tôi không nghĩ đơn giản như vậy. Cần phải ý thức rằng, đồng bóng có nguồn gốc là một tín ngưỡng tối cổ của nhân loại sùng bái Thánh mẫu mà ở Việt Nam, hệ thống Thánh Mẫu chỉ phổ thông trong giới phụ nữ xưa nay thường bị giới nho sĩ miệt thị là mê tín "đồng cốt quàng xiên" nhảm nhí. Đó là một vấn đề cần phải được nghiên cứu kỹ để đưa ra những kiến giải có sức thuyết phục, hầu làm sáng tỏ ý nghĩa thờ Mẫu, mà phạm vi bài này chưa cho phép./.

T.T.B
(TCSH57/09&10-1993)

-------------------
(1) Phạm Duy : Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam, Hiện đại, 1972, trang 123-124.
(2) Theo tài liệu sưu tầm được ở một nghệ nhân hát hầu văn ở Huế. So sánh với 24 bài ca tụng theo tập "Chư vị văn chầu" số AB517 ở thư viện trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội đã được ông Maurice Durant phiên âm tất cả ở sách "Technique et Panthéon des Mediums Vietnamiens" (V.XLV. Paris 1959 E.F.E.O).

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đổ xăm hường (02/03/2020)