Lễ hội
Cái chết và vòng đời khép kín trong lễ tang Ê-Đê
09:59 | 27/03/2024

LÊ TRUNG VŨ

Con người luôn suy tư về bản thân. Tồn tại hay không tồn tại. Ý nghĩa của sự sống. Khái niệm cái chết. Thế giới thực tại đang tiến triển; và có hay không, thế giới vĩnh hằng? Mối quan hệ giữa chúng. Con người sinh học và con người văn hóa trong mối quan hệ với vũ trụ...

Cái chết và vòng đời khép kín trong lễ tang Ê-Đê
Nhà mồ người Ê Đê trong tục bỏ mả - Ảnh: wikipedia

Nhưng, mặc cho bao câu hỏi vần xoay, niềm vui lớn nhất mà ANH TA - con người - hướng tới vẫn là TÌNH YÊU. Tình yêu cuộc sống, tình yêu đồng loại, và, say đắm nhất là tình yêu đôi lứa. Rồi tình yêu đôi lứa sẽ nhân danh "cuộc sống” và "đồng loại" để tồn tại trong biểu hiện của phong tục các tộc người, cũng như trở thành đề tài bất tử trong nền văn hoá nhân loại. Vì tình yêu đôi lứa hàm chứa trong nó sự vận động và sự sinh sôi, nghĩa là sự bất diệt.

Cũng vậy, nỗi băn khoăn không kém của ANH TA là cái CHẾT, sự chết. Khi tìm ra quy luật y sinh học của cái chết, sự chết thì vấn đề nguyên nhân không còn nữa, mà niềm suy tư được hướng tới là, sau khi chết ANH TA đi đâu? Có tiếp tục tồn tại hay không? Nếu có, thì như thế nào? Nếu không thì sao lại không?

Niềm vui - tình yêu - là sự vận động quen thuộc, thường xuyên trong thế giới thực tại.

Chỉ có nỗi băn khoăn - cái chết - mới là sự tồn đọng, như chưa bao giờ giải quyết xong, như bao giờ cũng là câu chuyện của đương thời, không thể làm ngơ.

Vì vậy, mỗi con người cá thể đều ít nhiều suy nghĩ, để mà suy nghĩ.

Còn mỗi triết gia thì tự vấn lao lung và đưa ra những luận đề lý thuyết.

Tín ngưỡng hay tôn giáo nào cũng đưa ra kiến giải riêng về thế giới bên này, thế giới bên kia cùng những biểu tượng thiêng, huyền bí, và hầu như đòi hỏi tín đồ coi những kiến giải đó là công lý (axiome), không chứng minh, chỉ thừa nhận.

Mỗi tộc người đều đã trải qua vấn đề không thể lẩn tránh được đó và đã tìm cách giải thích, đưa ra những giải quyết thích hợp với điều kiện lịch sử và hoàn cảnh sinh sống có lợi cho sự tồn tại và phát triển tộc người.

Người Êđê (1) là tộc người đã hành động như vậy, đặt cái chết cá thể trong mối quan hệ tồn vong của dòng họ và chung cả cộng đồng.

L bỏ mả.

Mặc dầu hằng nhớ và nói về tổ tiên, quý trọng già làng, sống bằng truyền thống, luật tục, coi trọng kinh nghiệm, người Êđê vẫn không có tín ngưỡng thờ tổ tiên, không có kỵ, giỗ người qua đời. Chắc vì vậy mà có lễ bỏ mả (Lui M' sat), lễ vĩnh biệt hồn người quá cố lần cuối, để không bao giờ nhắc tới nữa.

Người Êđê phân biệt hai loại chết: chết lành (bình thường) và chết dữ (bất thường). Chết lành là già, ốm rồi chết tại nhà. Như vậy là còn xác, chết dữ là chết do các loại tai nạn gây ra. Chết dữ có thể còn hay mất xác. Chết còn xác mới được làm lễ bỏ mả. Nhưng nếu là chết dữ thì đầu phải để hướng tây (khác đường đi với người chết lành).

Lễ bỏ mả có thể tiến hành sớm nhất là một năm, muộn là bảy năm sau lễ tang. Phong tục không ràng buộc thời gian mà là số lượng lễ vật phải đủ mới tổ chức được. Dù nghèo cũng phải tổ chức hai ngày. Nhà phong lưu thường là ba ngày hai đêm và mổ trâu. Sau khi đã báo họ hàng và buôn plây, tang chủ mời người đi chặt cây, đẽo, khắc, chạm, làm nhà mồ và các cột Kút, cột Kơ-lao(2). Tất cả đều làm ở rừng, chuyển thẳng về khu mộ. Rồi mời cả buôn ra mộ dự lễ.

Ngày thứ nhất.

Làm thịt một con heo và cúng ba ché rượu. Cả buôn tới đây làm giúp, vui chơi. Dựng xong toàn bộ thì thầy cúng, trang phục nghiêm chỉnh, ngồi bên ché rượu, mặt hướng phương Đông, đọc lời cầu khấn!

"Ơ! hồn người chết!

Người đã chết như lúa hư nát. Mọi chuyện đều đã xong.

Nhà (mồ) bằng gỗ Blang đã rồi. Cột Kut, cột Kơlao đã dựng lên. Rượu đã thoa, máu heo đã thấm!

Hỡi hồn người chết! Người đã chết thật rồi, người là chim ở trong rừng rậm, là chim T’lang Hêa sống ở phương Nam. Đất đỏ ở dưới, đất đen ở trên, người ở trong áo quan, trong mồ.. Nhà của hồn ở giữa rừng tranh, ở trong rừng sậy. Hồn ở miền đất khác, uống dòng nước khác rồi...

Bây giờ, bỏ nấm mồ này, vĩnh biệt. Ngọn lửa đã đốt lên.

Ché rượu cúng đã bày sẵn. Cây chuối đã trồng, con gà đã thả bay đi rồi… Bố mẹ đã cúng hồn lần cuối.

Xin vĩnh biệt...!”

Chiêng, trống nổi lên rộn rã. Trên nấm mộ đốt một bếp lửa. Lửa tinh khiết cháy suốt ngày đêm, hết cuộc lễ. Người nhà cũng trồng hai cây chuối ở đầu và chân mộ. Lại thả một con gà nhỏ, cho chạy đi, thành gà rừng. (Còn nói: đây là tượng trưng linh hồn thứ ba (?) của người chết. Nếu gà này trở về nhà cũng phải đuổi đi, vì nó là của người chết, sẽ gây dịch bệnh cho gà nhà).

Thầy cúng xong, mọi nghi thức đều xong, cả buôn ngồi ăn uống trên bãi. Đêm ấy là đêm vui hoàn toàn với tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi. Lễ này thường làm vào mùa khô, nhằm dịp trăng sáng. Chiêng trống âm vang, thanh niên nhảy múa. Và đặc biệt, nam nữ đêm nay được tự do hát Ay-rây - loại dân ca trữ tình, giao duyên đối đáp nhau (ngày thường bị cấm). Người già khề khà uống rượu, trò chuyện tới khuya.

Ngày thứ hai.

Ngay từ sớm đã làm thịt heo (nhà giàu thì mổ trâu). Hôm nay cúng to. Rượu bày la liệt từ mười tới hai mươi ché, hoặc hơn. Tất cả cần rượu đều quay về hướng đông. Xương hàm dưới trâu treo ở cột Kơ-lao, như chứng tích của sự phong lưu. Thịt, cơm ngồn ngộn bên các ché rượu. Thầy cúng ngồi cúng nghiêm trang. Sau khi cúng, cả buôn lại tề tựu đông đủ, dự tiệc vui vẻ như hôm trước. Cuộc vui tiếp theo cũng đúng như vậy và không khí tưng bừng, náo nhiệt không kém.

Vòng đời khép kín và ý nghĩa nhân văn của lễ bỏ mả.

Như vậy, lễ bỏ mả là lễ để “quên người thân”, vĩnh viễn quên.

Nhưng hệ quả tâm lý và đạo đức lại không như lẽ thường, nghĩa là: không buồn, không tổ chức âm thầm, mà ngược lại, thực sự náo nhiệt. Vĩnh biệt mà lại tạo dựng không khí "vui bất tận" tới hai đêm liền! Cả buôn tọa hưởng cuộc tiệc (vật chất) cũng thực sự thoải mái.

Thông qua nghi lễ và bài cúng, chỉ có một cái mấu có thế bám lấy để suy xét. Đó là Hồn người chết, Hồn này như đang tồn tại, nên đã được người sống trò chuyện, dặn dò. Nhưng Hồn đã từng thời gắn với xác, tồn tại với xác. Nay xác mất, hồn còn. Thử tìm mối quan hệ giữa chúng lúc người đang sống, cũng như sau khi người đã chết.

Hồn (m-ngắt) và xác (Tâo) được hiểu như sau:

Người chết tức là hồn lìa xác. Xác chết thành vật tĩnh, nằm đó. Hồn thoát khỏi xác, hồn động, hồn bay đi và biến hóa...

Nhưng Hồn là gì? Diện mạo? Nơi trú ngụ? Người ta ốm là do hồn bỏ xác "đi chơi" hoặc "bị lạc” đâu đó. Vậy phải làm lễ rước hồn (Tui m-ngắt) người ốm về. Hồn nhập vào xác, người ốm sẽ khỏi bệnh.

Hồn nhập vào cơ thể ở thóp (Đung). Có thể hiểu hồn là thần kinh, là vật chất cụ thể, vì hồn ở trong đầu. Nếu lại hỏi, hồn nhập vào cơ thể đã vậy. Khi người chết, hồn thoát khỏi xác bằng cách nào? đường nào? Người già Eđê sẽ bắt mạch ở cổ tay và cho biết là hồn đang hoạt động. Khi người chết, mạch không đập. Đường mạch máu chuyển động là đường của hồn vận động trong cơ thể. Hồn theo mạch tay lên bàn tay và cứ thế, hồn lìa khỏi xác ở đầu ngón tay.

Vậy hồn được quan niệm là thực thể sống. Ở đầu, hồn là thần kinh. Ở tay, hồn là mạch máu. (Có thể đây là quan niệm duy vật thô sơ, là cách tư duy cụ thể của người cổ). Mạch máu đập, đó là hồn vận động. (Có thể đây là quan niệm biện chứng sơ khai của người xưa). Tóm lại, hồn là "hiện hữu" nhưng không trông thấy được, mà ở chừng mực nào đó, có thể cảm nhận, quan niệm được. Hồn là một tồn tại khách quan.

Hồn là động, là sự sống đang vận động.

Xác là tĩnh, là sự chết, hết vận động.

Sau lễ tang, hồn người chết bơ vơ, không nơi nương tựa rõ ràng. Hồn không thể lai vãng nơi buôn người sống với họ hàng, nhưng cũng không về được với buôn của tổ tiên. (Buôn A-tâo, do vợ chồng Băng Bơ Đung, Băng Bơ Đai cai quản). Hồn vẫn bị ràng buộc quanh vùng mộ địa. Vì người sống vẫn giữ mồ (đ-gia m-sat) tức là vẫn đem cơm cúng hồn tại mồ hàng tháng (Lễ tang Exây). Như vậy hồn vẫn có thể bị hồn của Mơ Tao xấc (Quỷ dữ, ma lai) hành hạ.

Chỉ khi làm lễ bỏ mả hồn mới được tự do, về sống ở buôn A-tao (tầng dưới) mặt đất, buôn của tổ tiên (hồn người chết). Ở đây và từ lúc này, hồn là thành viên bình đẳng với tất cả, hồn không bị hành hạ, không ốm đau. Tuy vậy, về đây hồn phải "chết" - biến hóa -, và qua bảy lần biến hóa (?) hồn sẽ hóa thành giọt sương (Ea Nguồn) của đất. Giọt sương trở lên mặt đất, nhập vào (xác-cơ thể) ở trẻ sơ sinh - vốn là con cháu của hồn - trong lễ đặt tên (Bi Anăn), nhập hồn (Prăp Yun) cho đứa bé. Đứa bé sẽ về nhận tên của hồn làm tên của nó, tức cũng là trùng lặp với tên tổ tiên nó.

Với "Vòng đời khép khín", hồn tổ tiên - tức hồn người chết ở thời đoạn nào đó - lại hiện diện trên mặt đất, lại trở về cõi sống dưới dạng một thành viên mới của cộng đồng Eđê. Vậy là giòng họ người Eđê vẫn còn (về lý thuyết cũng như hiện thực được quan niệm) vì có một "VÒNG ĐỜI CỦA HỒN ĐƯỢC KHÉP KÍN BẰNG KHÔNG GIAN BA ĐIỂM":

Với một thời gian chưa có định lượng (Vì chưa xác định được bảy lần hóa thân của hồn là bao lâu).

Như vậy là Hồn - hiện điện bằng tên gọi - chỉ thay đổi xác (Từ tổ tiên chuyển sang con cháu cùng dòng dõi). Chúng ta nhớ đoạn kết thúc của Trường ca Đam San cũng là như vậy: Đam San cậu - Đam San cháu.

Vậy là buôn hồn người chết - Thế giới thứ ba là có thực trong ý niệm - chỉ là một "trạm tạm trú dưới đất" để hồn - sự sống - trở lại với cộng đồng thực tại của xã hội trên mặt đất. Xã hội mặt đất trở thành thế giới lý tưởng của buôn hồn người chết.

Đến đây, có thể hiểu được ý nghĩa tinh thần lạc quan như một nhu cầu sâu sắc trong lễ bỏ mả. Rằng:

- Bỏ Mả, hồn người chết sẽ hết đau khổ, được về nơi sống an toàn - là buôn hồn người chết - của mình. Hồn về nơi tụ hội hằng mong đợi để sửa soạn trở về mặt đất, như được "Sống trở lại". Dòng họ như "không mất người" tăng sức mạnh cho cộng đồng dân tộc. Làm lễ vĩnh biệt (bỏ mả) lại chính là để "ngày gặp gỡ" mau tới hơn - Phải chăng đây cũng lại là hai mặt đối lập thống nhất trong tư duy truyền thống của người Êđê?

- BỎ MẢ, người sống - cả nhà, cả cộng đồng - làm tròn nghĩa với người qua đời.

- BỎ MẢ, người góa bụa được tái giá, tục huyền.

Cả ba lý do, chủ yếu là hai lý do trên làm cho lễ bỏ mả mang tinh thần nhân đạo cao cả, tinh thần cộng đồng sâu sắc. Như vậy lễ bỏ mả thỏa mãn người sống (thân nhân) thỏa mãn hồn người qua đời, thỏa mãn cộng đồng, nên phải vui, phải tổ chức tưng bừng, náo nhiệt.

Ở đây, NGỌN LỬA - ánh sáng vĩnh cửu của sự sống - được đốt lên trên nấm mồ, cháy sáng suốt đêm ngày như ngọn lửa thiêng sưởi ấm lòng người, giao hòa các thế giới. Lửa tinh khiết (vì không được đun nấu trên lửa này) không chết, xua đuổi quỷ dữ, thắp sáng trường lễ hội.

Hồn đã nhờ lễ hội để vận động. Ngày nối đêm, đêm nối ngày, thời gian là một mạch liền như dòng đời chảy trôi mải miết - bất tận; cuộc sống con người - giống loài - là liên tục ở những dạng biến đổi, nhưng cuối cùng vẫn là để trở lại nguyên hình con người mặt đất.

Tới đây, càng hiểu rõ hơn mối tương quan sâu sắc giữa hai hiện tượng tưởng như đối lập: - Sinh đẻ: đón chào cái MỚI, cái SỐNG.

- Bỏ mả: giã từ cái cỗi, cái CHẾT.

Vậy mà, hai sự việc vẫn giống nhau ở nội dung "Đón chào cái mới".

Một bên, sinh đẻ là đón chào cái mới đã thành hiện thực. Một bên, giã từ cái chết lại là để đẩy nhanh thời gian tiếp cận cái mới trong tương lai nhất định sẽ đến và đang đến gần (do đã có tiền đề).

Vĩnh biệt và Đón chào gặp nhau - quy tụ - ở GIỌT SƯƠNG tượng trưng. Giọt sương kết tinh từ đất, báo hiệu sự hồi tụ, hồi sinh, tiếp nối sự sống của tộc người, của nòi giống, bắt đầu.

Lễ bỏ mả chính là mùa xuân chuyển kiếp người, đổi mới và tăng cường sinh lực cho giòng họ, cộng đồng, y như mùa xuân vũ trụ là sự chuyển mới sau vòng quay thời gian luân chuyển đều đặn bốn mùa, đem lại màu xanh cho bầu trời; chồi non lộc mới cho vạn vật.

Ý nghĩa xã hội và triết lý nhân sinh của hành động này là, con người Êđê, bằng phương pháp tư duy duy lý, bằng sức mạnh của trí tưởng tượng, bằng nguyện vọng sâu sắc của ý thức cộng đồng thường trực, đã muốn khẳng định sự tồn tại vĩnh cửu của dòng họ, cũng là của cộng đồng.

12-1992
L.T.V.
(TCSH57/09&10-1993)

-------------------
(1) Cột Kút (Gơng Kut). Cột trồng ở nhà mồ. Cần 4 cột 8 li góc mộ. Đây là những thân cây nguyên, đẽo sạch vỏ, cao khoảng 2m50 đường kính 15 - 20cm. Trên thân chạm trổ các hình hình học và các khối hình khác một chồng nồi đồng, mặt trăng lưỡi liềm. Tất cả đều tô màu đen, trắng hoặc đỏ. Ngọn cột treo các dải vải bay, có khi có các tượng tròn, chim Grứ, con khỉ hoặc tượng người (nam, nữ, ngồi, đứng...)

(2) Cột Kơ Lao (Gưng Kâo). Cao hơn cột Kut. Trồng hai cột ở hai đầu mộ.
Nhà giàu, lễ bỏ mả có mổ trâu mới được trồng cột Kơ Lao.. Hàm xương dưới trâu treo ở cột này (phía đầu thi hài).

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đổ xăm hường (02/03/2020)