Ở lễ cưới của họ có rất nhiều lễ tục: lễ trao kiếm, lễ lại mặt, lễ đạp bếp... mỗi một lễ tục đều có những quy định riêng của nó. Nhưng nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất trong lễ cưới là hình thức diễn xướng dân ca, loại hình này nó vượt trội hơn hẳn hai hình thức khác là dân nhạc và dân vũ.
Dân ca Tà Ôi, cho đến nay được các nhà nghiên cứu chia làm 6 loại(1). Mỗi loại đều có quy định về đối tượng hát, tính chất, thời gian và không gian biểu hiện khác nhau (2).
Trong đó, người ta thường sưu tầm, nhắc đến nhiều những bài dân ca thuộc các đề tài về lao động, tình yêu nam nữ, khóc đám ma... Riêng về dân ca dùng trong đám cưới lại không hoặc ít nhắc đến nhiều.
Trong đám cưới của người Tà Ôi, hiện tại họ dùng 2 thể loại hát đó là Cà lơi và Ân tói.
Cà lơi là “…thể loại hát đối đáp giàu tính triết lý, dành cho các vị già làng, trưởng bản, trưởng gia tộc, trưởng dòng họ và các cụ ông lớn tuổi trong thôn bản. Đa số những người này thường có kinh nghiệm sống lâu đời, đủ khả năng diễn cảm những suy nghĩ của mình nghiêng về mặt lý trí để tỏ ý khuyên răn thế hệ trẻ hãy chăm lo cuộc sống, siêng năng làm việc. Hát Cà lơi là tăng thêm sự thắt chặt mối quan hệ cộng đồng, để mọi người dễ gần gũi và mang tính thân thiện dễ thuyết phục và giáo dục hơn”(3).
Ví như: “Buổi tối thức khuya như chim Avang/ Buổi sáng mọi người ra rẫy nó vẫn còn nằm”(4).
Còn thể loại Ân tói là “…điệu hát đặc biệt của người Tà Ôi, chỉ dùng trong đám cưới và cũng chỉ ở giai đoạn kết thúc. Đường nét giai điệu không uyển chuyển như điệu hát Cà lơi mà gần với lối “hát nói”, nhịp điệu tự do tùy hứng. Nội dung của điệu hát Ân tói là sự cam kết giữa hai gia đình: Vợ chồng không được bỏ nhau, phải yêu thương nhau và gắn bó với gia đình chồng suốt đời. Nếu bỏ nhau phải bồi thường theo lệ làng”(5).
Như vậy giữa hai làn điệu dân ca này đều có những quy định riêng của nó về chức năng hát, thời gian hát, nội dung hát, đối tượng hát... Nhưng chung quy lại, những người diễn xướng cố gắng hết sức mình để lựa chọn những lời hay lẽ phải giàu ý nghĩa để giáo dục con cái khi đã thành vợ thành chồng. Ước muốn của người gả con cũng như ước muốn của người nhận con dâu mong sao đôi vợ chồng trẻ yên bề gia thất, hòa thuận sum vầy không những để gia tộc vui vẻ mà còn để cộng đồng phải kính nể.
Ở trong đám cưới, theo phong tục được chia làm 2 bước:
- Bước 1, được tổ chức tại nhà gái, tiến hành làm lễ cho của, tức nhà gái đón nhận các lễ vật của nhà trai mang đến, gồm 3 con bò, 13 con lợn (không yêu cầu về kích thước và cân nặng), 50 chiếc chiếu Ân chá, 50 chiếc thau nhôm, mâm đồng, nồi đồng, thanh la, cồng chiêng, 50 bộ áo, váy Dzèng, 50 hạt mã não xưa(6)... Trong lễ này, với sự chứng kiến của gia tộc nhà gái, của cải đã được đồng ý nhận và cô dâu được phép theo họ nhà trai về ở luôn bên nhà chồng, ở bước 1 này nhà gái đã bắt đầu tiến hành hát những bài hát về con cái và nhận của.
- Bước 2, trong giai đoạn này là sau khi cô dâu về nhà chồng, sẽ diễn ra một cuộc lễ tại nhà trai để đón gia đình nhà gái. Tại đây, ngoài các lễ tục bắt buộc thì phần diễn xướng mới bắt đầu thực hiện. Nhà trai mời nhà gái cùng nhảy múa, hát chúc mừng hai bên với hai làn điệu dân ca đã nêu trên.
Khi hát trong đám cưới, cô dâu và chú rể chỉ được phép đứng nghe chứ không tham gia hát. Về phía nhà gái sẽ cử ra từ 1 đến 3 người là đàn ông lớn tuổi, có kinh nghiệm sống, giàu lý lẽ, giỏi ứng xử để sẵn sàng đối đáp với nhà trai.
Về phía nhà trai vì là chủ nhà nên họ có thái độ rất tự cao, đề cao vai trò của người chủ lễ, họ ăn nhiều, uống nhiều và nói chuyện nhiều và thậm chí còn chê trách nhiều về phần nhà gái khi sơ suất việc này việc nọ. Nhưng họ làm vậy để nhằm mục đích tăng thêm lý lẽ cho những lời hát sắp diễn ra, để gián tiếp giáo dục con cái rằng: trong cuộc sống chúng ta cần sự siêng năng, cần mẫn và chịu đựng, chịu khó mới có thể vượt qua khó khăn. Và trong cuộc sống nếu con cái không biết nói lý thì sẽ bị kẻ khác bắt nạt.
Diễn xướng dân ca trong giai đoạn này cũng được xem là một bộ phận của lễ thức trong đám cưới. Cho dù là hát ở bước 1 hay bước 2 của lễ cưới thì trong lúc mọi người ăn uống vui vẻ trong tiếng khèn và tiếng thanh la thì nhà trai bắt đầu có gợi ý xin hát và phía nhà gái sẽ sẵn sàng đồng ý. Mọi người trở nên yên lặng hơn và chỉ còn nghe được tiếng khèn, tiếng thanh la cùng hòa nhịp với lời hát từ phía nhà trai cất lên. Buổi sinh hoạt diễn xướng dân ca trong đám cưới bắt đầu diễn ra.
Hát trong đám cưới hầu hết các dân tộc thiểu số ở Việt đều có, mỗi dân tộc đều có những nét riêng. Ở người Tà Ôi cũng vậy, hát trong đám cưới là thước đo giá trị kiến thức của người hát, là uy tín của dòng họ và hãnh diện của cộng đồng, là ý thức tự ti với các dân tộc cận cư.
Tiếng hát Cà lơi đầu tiên trong đám cưới là ở bước 1 của lễ cưới khi nhà trai đến cho của và đón dâu về:
Nhà trai hát: “Bên nhà tôi thiếu giống ngô, giống lúa/ Nghe nói bên nhà anh có giống ngô giống lúa rất tốt/ vậy cho chúng tôi xin về”.
Nhà gái hát: “Cảm ơn các anh đã sang xin giống ngô, giống lúa của chúng tôi/ Nhưng giống ngô, giống lúa của nhà tôi cây thì nhỏ,/ hạt thì lép chúng tôi sợ các anh chê/ Nếu các anh không chê thì xin mời vào nhà”.
Qua lời hát thứ nhất, cho chúng ta thấy rằng, phía nhà trai trình bày hoàn cảnh thiếu người đỡ đần công việc trong gia đình nên đến xin được cưới dâu về. Lời xin của họ không nói trực tiếp mà lại lấy những hình ảnh thường ngày gần gũi với con người để nói; giống ngô, giống lúa để chỉ cô dâu tương lai cho mình.
Thế nhưng phía nhà gái tuy biết được việc đó nên tỏ ý khiêm tốn mang tính tôn trọng; giống ngô, giống lúa... cây thì nhỏ, hạt thì lép, sợ nhà trai chê. Cái sợ ở đây là sợ con gái mính về làm dâu nhà chồng sẽ vụng về trong ứng xử và trong công việc, sợ nhà trai chê cha mẹ đẻ của cô gái không biết dạy con.
Nhà gái hát: “Đường sá xa xôi/ Thời tiết thì gay gắt/ Anh chị đến nhà tôi/ Là chúng tôi rất vui, rất phấn khởi/ Nhưng tiếc rằng chúng tôi không có gì cả/ Mong anh chị vui lòng/ Tôi chỉ có con gái thôi/ Mặc dù tôi sinh ra/ Nhưng thực sự đã là con của anh chị”.
Nhà trai hát: “Cảm ơn anh chị/ Con dâu là như con đẻ của tôi/ Mặc dù không có trâu bò, vàng bạc để đưa cho anh chị/ Nhưng mà con trai, con dâu chủ yếu trách nhiệm thuộc về tôi/ từ nay trở đi/ Bên cạnh đó anh chị phải luôn có trách nhiệm/ đối với con rể và con gái mình”.
Cả nhà trai và nhà gái lúc này đều nhấn mạnh vai trò của việc sinh nở và chăm sóc con cái cho đến khi trưởng thành rồi dựng vợ gả chồng. Cho nên nhà gái mong nhà trai săn sóc con dâu sao cho chu đáo, giáo dục con dâu có lối ứng xử tốt với gia tộc bên chồng. Một lần nữa nhà trai lại thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của mình: Xem con dâu như là con đẻ, con trai con dâu chủ yếu thuộc trách nhiệm của gia đình từ khi cô dâu bước chân về nhà chồng và ngược lại nhà trai cũng mong nhà gái như thế: phải luôn có trách nhiệm đối với con rể và con gái mình sau khi đã làm xong tục Tăp Aboh(8).
Khi mọi người đã bày lễ vật ra cho nhà gái xem thì cũng chính là lúc các bên tham gia hát đối đáp chuẩn bị đi vào nội dung chính của đoạn đầu đám cưới.
Nhà gái hát: “Mừng vui vì nhà trai đã tới/ Dù bữa tiệc không to nhưng đây là tấm lòng của nhà gái/ Mong nhà trai vui lòng cho/ Nhà gái cũng rất cảm ơn nhà trai thật lòng/ Nếu có nhiều thứ thì nhà gái cũng không tiếc/ Mà muốn cho mọi người biết tiếng thôi/ Biết về của nhà gái đối với con rể, đối với nhà trai”.
Nhà trai hát: “Mong nhà gái thông cảm cho nhà trai/ Vì không có đủ của cho nhà gái như đã hứa ban đầu/ Nếu nhà gái đòi thì xin khất khi khác/ Chứ nhà trai không muốn để cho con trai đi ở rể”.
Trong lời hát là vậy, nhưng thật ra nhà trai đã đủ lễ vật cho nhà gái, thông thường trong đám cưới của người Tà Ôi trước đây tài sản chi phối mạnh mẽ đến quan hệ hôn nhân cho nên nhiều chàng trai giàu không những lấy được vợ đẹp mà còn được nhiều vợ, còn đối với các chàng trai nghèo thì chuyện đó lại càng khó khăn hơn.
Nhà gái hát: “Ơn nhà trai dù không đủ của/ Nhưng những đồ lễ trong hủ tục cơ bản đã có đủ/ Những gì chưa có thì đưa sau cũng được/ Nhà gái không đòi hỏi phải có cùng một lúc”.
Ở người Tà Ôi có quy định như sau: “…số của cải đã thỏa thuận sẽ được xem xét, tính toán còn lại bao nhiêu mà nhà trai phải tiếp tục trả sau này”(9). Qua lời lẽ của bài hát này thể hiện việc người Tà Ôi có một lối sống khá thiện tình, biết thông cảm cho nhau trong cảnh nghèo nàn. Nhưng những chàng trai Tà Ôi cũng rất biết việc đó song không vì thế mà họ lại chây lười trong lao động.
Khi điệu Cà lơi hát vừa xong thì tùy theo hoàn cảnh của từng đám cưới, nhà gái còn hát thêm điệu Ân tói (đây là điệu hát xin của), lời hát này hát ra ở giai đoạn cuối của bước 1, ngầm ý nghĩa ngoài việc chính nhà trai đã cho của thì còn những người thân khác trong gia tộc nhà trai sẽ cho theo.
Nhà gái hát: “Dù đói nghèo nhưng nhà trai không chê/ Xin phép nhà trai giao cho (những gì có) cho nhà gái”
Khi bài hát này được hát lên báo hiệu kết thúc bước 1 của đám cưới, nhà trai xin được đón rước cô dâu về nhà mình. Những bài hát ở bước 2 được gọi là hát giữa đám cưới, người hát vẫn là những người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm.
Nhà trai hát: “Hai bác đã có tấm lòng/ Gả con gái cho nhà tôi làm dâu/ Hiện nay con hai bác trở thành con dâu nhà tôi/ Tôi không có củ sắn, củ khoai gì cả/ Mà chỉ có nước trong, mong hai bác uống trong sự vui lòng”.
Nhà gái hát: “Anh chị đừng nói nữa/ Con trai nhà anh yêu con gái nhà tôi/ Không phải tôi gả mà do hai người tự chọn/ Hôm nay đây chủ yếu đến thăm gia đình/ Nhưng anh đã mời tất cả những gì anh bày ra/ Đó là tấm lòng của anh/ Chúng tôi rất cảm ơn”.
Đây là bài hát mở đầu cho bước 2 của đám cưới, khi kết thúc bước 1 nhà trai lấy lý do để rước con dâu về nhà mình, với lời lẽ tự nhiên không bị ràng buộc bởi lễ tục thể hiện mối tình của chàng trai, cô gái là hoàn toàn tự nguyện, cha mẹ chỉ đến với nhau và hát chỉ có tấm lòng chân thật.
Nhà trai hát: “Ơn nhà gái đã thương tình gả con gái/ Nay nhà trai đáp nghĩa làm bữa tiệc nhỏ gọi là/ cảm ơn tấm lòng nhà gái”.
Nhà gái hát: “Đã thật lòng gả con/ Nay mang đủ đồ cho con rể, con gái/ Và nhà trai không còn gì mắc mớ nữa”.
Bữa tiệc nhỏ của nhà trai là chỉ sự khiêm tốn, chứ thật ra đám cưới ở nhà trai được diễn ra một cách rầm rộ, toàn thôn bản đều cử người đến giúp việc và tham gia. Lúc này đây nhà gái theo về dự lễ và lễ vật mang theo cho nhà trai là: “1 ống tre thịt gà, 1 ống tre cá, 50 chiếc bánh Aquát, trên miệng quấn tấm vải Dzèng. Nhà trai sẽ đưa ra lễ vật gồm 1 đầu heo, bộ quần áo Dzèng, 1 tấm ânsáp và lấy lá chuối bày thức ăn ra trước chỗ thờ để báo với Yang Đung (thần nhà), từ nay người con gái sẽ làm ma nhà chồng”(10).
Nhà trai hát: “Nhà trai xin cảm ơn nhà gái/ Xin lượng thứ vì những gì không đầy đủ/ Và nguyện làm thông gia thật lòng”.
Nhà gái hát: “Nếu nhà trai là nghèo không đủ của/ Thì nhà gái vẫn vui lòng ra về không bắt buộc phải có đủ”
Những vấn đề của cải mà nhà gái nhắc đến sau này chỉ mang tính thủ tục, nhắc đến của là nhắc đến công nuôi con, họ như muốn được đền bù xứng đáng vì đứa con gái của họ sinh ra, chưa nhờ cậy được bao nhiêu nay lại về làm dâu cho nhà trai thì tất nhiên họ mất đi một nguồn lao động. Và về phía nhà trai thì ngược lại, lấy được vợ tức là có một nguồn lao động mới, là thứ làm ra “của cải” cho gia đình sau này, và như thế từ của cải ở đây lại mang một nghĩa mới, đó là cô dâu:
Nhà trai hát: “Nhà trai giao của cho nhà gái/ Và còn những gì thiếu thì đến khi tới nhà gái sẽ đưa đủ”.
Nhà gái hát: “Nếu nhà trai là nghèo không có đủ của/ Thì nhà gái vẫn vui lòng ra về không bắt buộc phải có đủ”.
Nhà trai hát: “Dù nghèo nhưng vẫn cố gắng đưa cho đủ/ Và hứa là mình sẽ cho dần”
Trong lời hát có một sự nhắn nhủ, sau này mặc dù làm dâu nhà chồng nhưng cô dâu cũng có thể quay về lại thăm và giúp cha mẹ đẻ ở một số việc, như lễ Ariêu ping (lễ dời mả), lễ cưới, giúp bố mẹ khi ốm đau, mùa màng... và chàng rể sẽ làm tròn nhiệm vụ với cha mẹ vợ như thế.
Nhà trai hát: “Chúng tôi xin tạm biệt nhà gái/ Và giao toàn bộ của cải để chúng tôi mang về”.
Nhà gái hát: “Cảm ơn nhà trai của cải đã cho đủ/ Không có điều gì buồn nữa, xin nhà trai cứ thoải mái ra về”.
Nhà trai hát: “Có bao nhiêu của, nhà trai không tiếc/ Từ to đến nhỏ nhà trai không giấu diếm/ Còn những gì nhà gái yêu cầu thì nhà trai sẽ hứa tìm và cho sau”.
Sự phóng túng trong cuộc sống đôi khi đã ảnh hưởng đến nếp sống của người Tà Ôi, họ hào phóng xem các mối quan hệ là chân thành cởi mở mang đặc tính “không tiếc” của, “không giấu diếm” sự giàu có hoặc nghèo hèn, có gì họ đã nói ra hết rồi. Cưới vợ gả chồng cho con là trách nhiệm không phải của gia đình, gia tộc mà còn là của toàn thể cộng đồng. Vì thế dù muốn dù không họ vẫn không có tính chây lười, thiếu nợ trong đám cưới, đoạn hát Ân tói dưới đây sẽ nói rõ điều đó:
Nhà trai hát: “Xin nhà gái đừng buồn những gì nhà trai đã hứa/ Dù chưa có thì mai sau nhà trai cũng tìm cho có/ Để đưa cho nhà gái, trước mắt xin nhà gái thông cảm”.
Nhà gái hát: “Nhà trai đừng xấu hổ dù đã hứa có của/ Nhưng mang không đủ cứ tự nhiên vui dự lễ cho đến tàn cuộc”.
Nhà trai hát: “Nhà trai đã hứa thì không thể sai lời hứa/ Sau này nếu có thì tự giác mang cho/ chứ nhà gái không xin lần thứ hai nữa”.
Nhưng đi sâu vào nội hàm ý nghĩa của nó, sự thiếu nợ ở đây là sự ngầm hiểu giữa những người lớn tuổi, giữa những người có trách nhiệm với đôi vợ chồng trẻ, hát như thế để đôi vợ chồng trẻ biết rằng, đám cưới có được như ngày hôm nay phải tốn rất nhiều của và sẽ còn tốn nhiều hơn thế nữa sau khi đám cưới xong. Vậy, đó là động lực để đôi vợ chồng trẻ phải lo làm ăn tích lũy của cải, phải tự giác tổ chức cuộc sống nuôi dạy con cái và thứ của cải đó sẽ không bao giờ trả nữa vì họ đã là người của gia đình, gia tộc, thứ của cải đó nhằm để dành dụm nuôi con cái sau này. Đây là lời dạy tốt, không phải là gánh nặng đè lên vai mà là vốn của cải tinh thần mà bậc làm cha làm mẹ Tà Ôi cho con cái trước sự chứng kiến của nhiều người, đó là lời động viên hăng say lao động.
Trong quá trình diễn ra đám cưới, mọi người đang hò hát vui vẻ thì có đám Radoóc(11) tham gia nhảy múa ở ngoài sân bỗng cất lên lời hát:
“Người đến mừng cưới xin ăn ở chủ nhà/ Để cùng vui với gia đình/ Họ nể gia đình nhưng gia đình thì lại không để ý tới/ Họ nói chê chủ nhà vì làm lễ mà ăn uống không đủ/ Nay họ ra về cũng như lúc ra đi”.
Lời hát này có ý nghĩa báo hiệu đám cưới sắp xong, lời trách móc nhẹ nhàng mang nội dung tiệc tàn, thức ăn, thức uống vơi đi dần, mọi người nên về được rồi vì đám Radoóc này nhảy múa cũng đã mệt.
Biết phần lễ cưới sắp kết thúc “chủ của hai họ lại làm thủ tục quàng áo cho nhau. Chủ nhà gái quàng cả tấm Dzèng thổ cẩm lên người chủ nhà trai và trao cho chủ nhà trai một con gà còn sống, đồng thời ôm nhau trong một cử chỉ thân thiện, mãn nguyện”(12).
Nhà gái hát cảm ơn nhà trai đã bỏ của cải để cưới con gái mình:
“Tiệc đã xong rồi, nhà trai cứ thoải mái xin đừng buồn bực/ Dù nhà gái trao của không đủ thì nhà gái xấu hổ với hàng xóm/ chứ không phải nhà trai”.
Nhà trai lại hát về việc của cải cho con không được nhiều... mong nhà gái thông cảm và đừng đòi con lại, hai gia đình sẽ mãi mãi giữ tình cảm qua lại thắm thiết và thân thiện nhau:
“Cảm ơn nhà gái đã cho nhà trai một bữa tiệc no đủ/ Mặc dù nhà trai giao của không đầy đủ/ Nhà trai không còn gì để trách cứ nữa”
Nhà gái đáp lại câu cuối cùng để mọi người ra về, đám cưới kết thúc:
“Ra về, mong nhà trai thông cảm và đừng trách móc/ Hãy ra về thoải mái, đừng chê bai sau lưng”(13).
Sinh hoạt dân ca là một bộ phận nhỏ trong lễ cưới của người Tà Ôi, để cho loại hình này tồn tại và phát triển là điều không phải dễ vì những lý do sau:
1. Đây là thể loại hát dành cho những người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong mối quan hệ ứng xử với cộng đồng, có mối quan hệ gia đình tốt và tất nhiên là phải có nhiều con, kinh tế thuộc loại nhiều của, thừa ăn.
2. Hát trong đám cưới không theo một khuôn mẫu nhất định mà do tư duy của mỗi người, tùy thuộc vào tình cảm của mình mà cất lên những làn điệu Cà lơi để đối đáp lại tấm thịnh tình của gia đình thông gia.
3. Tham gia trong lễ cưới này thanh niên nam nữ không hát những bài hát này mà chỉ để nghe và thấu hiểu những lời khuyên răn mà thôi.
4. Nội dung hát chủ yếu là kể lể về vấn đề nhà gái đã nuôi nấng, dạy dỗ con cái nên người, lời hứa của nhà trai sau khi nhận cô gái về làm dâu. Tuy nhiên nội dung ấy ít được nhắc đến mà chỉ nói nhiều về vấn đề lễ tục và của cải, không nhằm ngoài mục đích giáo dục đôi vợ chồng trẻ cố gắng làm ăn để bù đắp lại vốn của cải to lớn mà cả hai gia đình đã dốc hết sức cho đám cưới.
5. Trong giai đoạn hiện nay mặc dù đã có nhiều yếu tố hiện đại đã tham gia vào đám cưới truyền thống của người Tà Ôi, như dàn nhạc điện tử, loa đài, đàn trống, ti vi, quay phim chụp ảnh... song các cụ già vẫn còn giữ được nét truyền thống hát trong đám cưới này.
6. Vậy thế nhưng chẳng thấy mấy ai quan tâm ghi âm, ghi hình để lưu giữ lại những bài hát đầy ý nghĩa và tính lý lẽ có thừa, hình ảnh những nghệ nhân diễn xướng, những đám Radoóc... mà sau này lớp trẻ kế cận muốn học theo, tìm hiểu thì phải mất nhiều năm cất công sưu tầm và ghi nhớ.
7. Tuy là một đề tài không mới trong các loại hình dân ca của người Tà Ôi nhưng các nhà nghiên cứu, sưu tầm, các nhà quản lý văn hóa lại thờ ơ mà họ chỉ chuyên về loại hình hát trong tình yêu nam nữ hoặc những bài dân ca mới mà thôi.
Hát trong đám cưới của người Tà Ôi không phải đám nào hát giống đám nào mà tùy thuộc vào trình độ người diễn xướng, đề tài hát, có đám hát kể công nuôi, nhưng có đám hát kể của, lại có đám hát kể quá khứ của tộc người. Trong trường hợp hôn nhân khác tộc thì việc hát và nội dung hát trong đám cưới lại càng thú vị hơn nữa.
T.N.K.P (251/01-2010)
--------- (1), (2): Xem thêm: a. Nguyễn Quốc Lộc (Chủ biên): Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên. NXB Thuận Hóa, Huế, 1984. b. Minh Phương: Dư âm tình rừng. NXB Thuận Hóa, Huế, 2000. c. Trần Nguyễn Khánh Phong: “Vài nét về dân ca, dân nhạc, dân vũ của người Tà Ôi”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 2 (45), 2004. d. Hoàng Sơn (Chủ biên): Người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế. NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2007. e. Trần Hoàng, Nguyễn Thị Sửu: Góp phần tìm hiểu văn hóa dân gian dân tộc Tà Ôi, A Lưới, Thừa Thiên Huế. NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003. f. Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, Nguyễn Đình Sáng (Chủ nhiệm đề tài): Sưu tầm dân ca – dân nhạc – dân vũ của các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế. Huế, 3. 2005. g.
Chu
Thái Sơn (Chủ biên), Trần Nguyễn Khánh Phong: Người Tà Ôi. Tài liệu chưa xuất bản, khổ A4 bản vi tính. Huế, 2005. (3): Trần Nguyễn Khánh Phong: “Vài nét về dân ca, dân nhạc, dân vũ của người Tà Ôi”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 2 (45), 2004, trang 21, 22. (4): Nguyễn Quốc Lộc (Chủ biên): Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên. NXB Thuận Hóa, Huế, 1984, trang 178. (5): Vĩnh Phúc: “Vài nét về sinh hoạt âm nhạc trong trình thức đám cưới của người Tà Ôi”. Tập Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, tháng 12.2000, trang 92. (6): Ngày nay, mặc dầu lễ vật thách cưới của nhà gái do nhà trai mang đến đã giảm song họ vẫn còn mang nặng lễ tục xưa (dẫu rằng ít ai còn bắt buộc nữa). Ví như trong đám cưới của anh Lê Viết Chung, sinh năm 1980 ở thôn Ka Vin, xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vào năm 2006, lễ vật nhà trai đã đi cho nhà gái gồm: 3 con bò to, 13 con heo thịt, 50 chiếc chiếu nhựa Trung Quốc, 50 chiếc thau nhôm to, 50 bộ quần áo đẹp dành cho người lớn mặc, 50 hạt mã não quý (loại này được gia đình tích lũy từ lâu nay), 100 hạt mã não mới. Tất cả các lễ vật này đều được mua ở chợ A Lưới. Kinh phí lo xong một đám cưới thì gia đình anh Chung còn nợ ở các quán và ngân hàng đến 30 triệu đồng. (Tư liệu điền dã ngày 15/03/2007). (8): Trần Nguyễn Khánh Phong: “Tục Tăp Aboh của người Tà Ôi”. Tạp chí Dân tộc và Thời đại, số 84, 2005, trang 3, 4 và 15. (9): Vĩnh Phúc: “Vài nét về sinh hoạt âm nhạc trong trình thức đám cưới của người Tà Ôi”. Tập Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, tháng 12.2000, trang 90. (10): Hoàng Sơn (Chủ biên): Người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế. NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2007, trang 150, 151. (11): Trong đám cưới cũng như trong đám tang của người Tà Ôi bao giờ cũng có đám Radoóc này tham gia, đám này đa phần là những thanh niên trẻ, khỏe, đẹp ở trong làng, có độ tuổi từ 15 – 25, chưa lập gia đình. Đám Radoóc tham gia các lễ này với nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong thời gian diễn ra lễ hội, hòa giải các vụ lộn xộn do thanh niên nơi khác đến gây sự, tham gia sinh hoạt dân ca, dân vũ. Gia chủ có thể niềm nở đón khách này hoặc không cũng được, vì đám Radoóc thực hiện công việc theo ý thức tự nguyện của họ và khi xong lễ ra về cũng thế, họ không nề hà trong việc ăn uống hoặc tiền công, miễn sao đem lại niềm vui và an toàn cho đám cưới cũng như trong đám tang là được rồi. (Tư liệu điền dã ngày 12/12/2004). (12): Vĩnh Phúc: “Vài nét về sinh hoạt âm nhạc trong trình thức đám cưới của người Tà Ôi”. Tập Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, tháng 12.2000, trang 92. (13): Tất cả những bài hát sử dụng trong bài được lấy từ nguồn bản thảo: Trần Nguyễn Khánh Phong (Sưu tầm và biên soạn) với sự cộng tác của Thành Phiên, Kraay Alúc Sức và Mai Hoa Sen: Dân ca Tà Ôi (song ngữ Tà Ôi - Việt). Tài liệu chưa công bố. Khổ A4, bản vi tính.
|