Lễ hội
Đâu là sức sống của lễ hội trong bối cảnh đương đại
15:23 | 01/07/2010
NGUYỄN HỮU THÔNG     (Dẫn liệu từ miền Trung Việt Nam)I. Có lẽ khi những đoàn lưu dân Việt từ đất Bắc trong quá trình mở cõi về Nam, họ buộc phải có những thích ứng khá táo bạo khi tiếp cận với một vùng địa sinh thái mới lạ, cùng với nền văn hóa của cư dân bản địa tiền trú, ít chất tương đồng, cho dù, tất cả đều chịu sự chi phối của không gian đặc thù Đông Nam Á.
Đâu là sức sống của lễ hội trong bối cảnh đương đại
Lễ tế Xã Tắc năm 2010 tại đàn Xã Tắc, phường Thuận Hòa, thành phố Huế
Dù sao, cư dân Việt trong mấy thiên niên kỷ liền, đã định hình văn hóa ứng xử trên nền nông nghiệp lúa nước nội đồng từ vùng trũng phù sa Hồng Hà, Mã Giang, điển hình cho cách nhìn “xa rừng nhạt biển”. Thậm chí, người nông dân Việt đối diện với đại dương cũng chỉ dừng lại ở việc “quai đê ngăn mặn”, giành giật từng mảnh đất cho việc trồng trọt, hay lấn biển bằng phương thức “cây cói đi trước, lúa nước theo sau”.

Đến miền Trung, nhất là khi chọn vùng đất eo thắt ở vùng Bắc và Trung Trung bộ để dừng chân, người nông dân Việt không có con đường nào khác để né tránh biển và núi rừng. Bước chuyển của cuộc sống mới sẽ bắt đầu bằng thế tựa lưng vào Trường Sơn và đối diện với đại dương. Vì thế, họ đã tự xây dựng cho mình một kiểu sinh tồn thích ứng đa diện; từ lĩnh vực kinh tế, vật chất, cho đến đời sống tinh thần, tâm linh..., không mang tính sao chép nguyên bản những gì vốn có trong ký ức mang theo từ cố hương đất Bắc.

Đời sống cộng đồng của người dân miền Trung bởi những lý do trên, thể hiện trong sinh hoạt lễ nghi, hội hè…, đã có nhiều điều chỉnh phù hợp với những gì mình đang đối mặt. Có thể nói rằng, điểm khác biệt dễ nhận diện nhất ở đây là những yếu tố cổ của văn minh làng xã vùng trũng nội đồng đất Bắc: phản ánh ước vọng sinh sôi qua tín ngưỡng phồn thực (tục rước nõ nường, sinh thực khí, các biểu tượng của động thái giao hợp nam-nữ…), hay đám rước thành hoàng…, đã nhạt hơn nhiều trong nghi lễ, phong tục, hội hè..., ở lớp người hậu duệ định cư trên vùng đất mới phương Nam.

Các lễ hội tưởng nhớ đến những vị anh hùng thời tiền Nguyễn, những thần tích buổi khai sơn phá thạch của dân tộc, chỉ đậm dần từ bắc sông Gianh trở ra. Hiện tượng này có thể xuất phát từ tâm lý “ly hương bất ly tổ” của những người Việt đi về Nam. Cho nên, những gì xuất hiện trong đời sống tâm linh thuộc lĩnh vực tinh thần của họ, đơn thuần chỉ là sự cộng hưởng thêm yếu tố mới - tiếp biến để sinh tồn. Và, những gì đã an vị trên bàn thờ tổ, nơi họ ra đi và hướng về - tất cả đều tồn tại trong tâm tưởng của mình như một sự mặc định.

Trên vùng đất mới khai nghiệp, tất cả các hoạt động lễ nghi, hội hè, hầu như nhường chỗ cho những động thái tín mộ, liên quan đến đối tượng có công lao đầu trong việc khai canh khai khẩn. Đó là chân dung của người hay nhóm người tiên phong và không loại trừ những nông dân bình dị, thực sự có tên họ, công lao, ngày sinh, ngày mất được truyền tụng và ghi chép trong tộc phả, hương phả.

Mọi người không chú trọng vào danh vị, gia thế, trình độ, nguồn gốc của những vị khai canh, khai khẩn, mà thường hướng sự ngưỡng vọng của mình vào những lao tâm khổ tứ, khó khăn thách thức mà các đối tượng ấy đã phải vượt qua trong quá trình khai phá đất đai ruộng đồng, dạy cho dân những nghề nghiệp thủ công hỗ trợ cuộc sống..., để đám hậu duệ có nơi cư trú và sinh sống an cư lạc nghiệp như hôm nay.

Hoạt động hướng về những chiếc long vị và bài vị với tên gọi cụ thể, rõ ràng trên hương án như đã nêu, hiện hữu một cách sống động trong hương dân miền Trung. Phương danh của các vị khai canh khai khẩn, đã vượt qua ranh giới tộc họ, của gia đình huyết hệ, để trở thành người, hay thần của làng, của cộng đồng. Chính vì vậy, tế làng là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến ở làng xã nông nghiệp Việt Nam nói chung, nhưng, điểm nhấn trong lễ hội này ở miền Trung so với đất Bắc, lại xoay quanh những điều rất cụ thể, những con người rất thật. Trong trường hợp này, lịch sử làm chức năng thay thế hoặc lấn át giai thoại và truyền thuyết. Họ bày tỏ lòng thành và sự tri ân trong động thái lễ nghi nặng tính hiếu đạo và đó cũng là trục chính của loại hoạt động văn hóa này.

Trong quá trình giao lưu với cư dân tiền trú, việc tiếp nhận một số hình tượng các vị thần theo dạng huyền tích thường lan tỏa trong phạm vi khu vực, vùng miền, phần lớn vượt khỏi ranh giới làng xã. Chính vì vậy, những dạng lễ hội liên quan đến các vị nữ thần, hay những hình tượng phi Hoa, phi Ấn, phi Việt, vốn có ở miền Trung Việt Nam, cũng là một hiện tượng không phải hiếm.

Sát nách với triều đình Nguyễn, trung tâm của hình mẫu ảnh hưởng sâu đậm Nho giáo, thế nên, đời sống văn hóa làng xã ở miền Trung cũng không thoát khỏi những ảnh hưởng đáng kể. Các dạng hoạt động lễ hội mang tính khai phóng và hồn nhiên nặng chất phồn thực của những người làm nông nghiệp, thường bị các Nho sĩ từ khước, vì quan niệm chúng nặng chất bản năng, hủ bại. Từ đó, tính biểu trưng của những dấu vết tối cổ, phản ánh ước vọng trong hoạt động trồng trọt, cũng đã phai nhạt chất biểu hiện ở phần lễ lẫn phần hội, cho dù, tất cả đều diễn ra trong không gian văn hóa của một ngôi làng nông nghiệp lúa nước.


II. Lễ hội cộng đồng ở miền Trung vì những lý do trên, đã tạo dựng cho mình cách biểu đạt, thể hiện riêng. Tuy nhiên, xét cho cùng chúng vẫn tồn tại trên một hằng số văn hóa của cư dân lấy cây lúa làm nguồn sống chính cho mình.

Lễ trong lễ hội cộng đồng ở đây là toàn bộ biểu thị của con người dưới nhiều hình thức, trong không gian tâm linh, nhằm thể hiện lòng hiếu kính, tạo nên phương tiện nối kết con người với thế lực siêu nhiên, tiền nhân, và những vong linh khuất mày khuất mặt. Là nơi bày tỏ đạo lý làm người và ước vọng vượt khỏi cái khung nhỏ hẹp của cái “tôi” riêng lẻ, để hướng tới sức sống cộng đồng, với mong ước được “quốc thái dân an” “phong điều vũ thuận” “thiên hạ thái bình”.

Trong lúc đó, hội là môi trường để thắt chặt tình cảm cộng đồng, là dịp để chùng lại những lo toan; xóa đi ranh giới của những ngăn cách bằng sự hòa nhập cá nhân vào vòng tay cộng đồng, qua những hình thức giải trí, đua tranh, và các hoạt động có khả năng mang lại sự hưng phấn, cởi mở trong các mối tương quan. Ở đó, bằng cách này hay cách khác, mọi người đều muốn thể hiện ước vọng một tương lai tươi sáng cho cộng đồng, hay bằng phương thức nhắc nhở nhau rèn luyện tinh thần lẫn thể chất, hun đúc sức mạnh để sinh tồn và phát triển.

Ở một cách hiểu nào đó, hội còn là liệu pháp tâm lý để tạo nên sự thăng bằng trở lại cho người nông dân qua một năm lóng ngóng với tâm trạng “Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”.

Do vừa gánh trên vai những yếu tố truyền thống để khỏi đánh mất cội nguồn, lại vừa giao lưu - tiếp biến với những gì đang diễn ra trên vùng đất mới, vì thế, những sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người nông dân miền Trung đã bồi đắp nhiều yếu tố thích ứng đáng kể.

Các hoạt động này gắn chặt hơn với rừng và biển, chú trọng hơn đến mối quan hệ giữa người tiền trú và những phong tục đã từng được duy trì ở vùng đất mới. Ngoài những lễ hội liên quan đến đời sống tâm linh ảnh hưởng từ tam giáo đã được dân gian hóa, hay những phong tục truyền thống của dân tộc như tết Nguyên đán, Thượng nguyên, Đoan ngọ, Trung thu hay Vu lan, Phật Đản..., cộng đồng làng xã miền Trung còn chú trọng đến hoạt động liên quan đến sơn lâm như lễ mở cửa rừng; đến sông nước như tục thờ Mẫu Thoãi, Hà Bá; đến biển cả đại dương như tục thờ cá ông, lễ cầu ngư; đến đất như lễ cúng đất, tá thổ; liên quan đến sự tiếp biến văn hóa với cộng đồng tiền trú như tục thờ Mẫu/Mẹ Thiên Y A Na, Bà Dàng với những hóa thân phong phú: Bà Dương, Thai Dương Phu nhân ở Thừa Thiên Huế hay Bà Thu Bồn ở phường Rạnh (Quế Sơn), bà Thu Bồn ở làng Thu Bồn (Duy Xuyên), Bà Phiếm Ái ở Đại Lộc, Bà Chiêm Sơn, Bô Bô đại vương ở Cù Lao Chàm, bà Diêm Phó ở Tam Kỳ, Bà Chúa Ngọc ở làng Phong Thử ; hoặc liên quan đến chủ ý của tầng lớp lãnh đạo phong kiến Việt xứ Đàng Trong để thu phục dân tình: Qua Qua phu nhân, Bà Trời Áo Đỏ (Thiên Mụ)...

Tất cả những đặc trưng vừa nêu sẽ tạo nên bên cạnh phần lễ những dạng hội hè tương ứng, thể hiện ước vọng, phản ánh niềm tin, qua các hình thức giải trí, đua tranh, biểu diễn nghệ thuật…; kể cả phục trang, ẩm thực, ngôn ngữ... đều mang ý nghĩa góp phần làm trọn vẹn một không gian văn hóa vốn đã được đúc kết qua nhiều thế hệ.

III. Huế - cố đô Việt Nam trong suốt thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, cũng đã có những dạng lễ hội mang tầm quốc gia. Chúng tôi muốn phát biểu một vài cảm nhận về lễ Tế Giao ở Huế, như một dẫn liệu, làm rõ hơn chủ đề trình bày của mình.

Toàn cảnh đám rước trong Lễ tế đàn Nam Giao 1935 ở Huế - Ảnh: Internet


- Mục đích tối thượng của việc phục dựng lễ Tế Giao, trước nhất theo chúng tôi không nên tái sinh nó nhằm mục đích phục vụ và làm phong phú thêm cho chương trình Festival định kỳ của Tỉnh Thừa Thiên Huế. Bởi, một kịch bản lễ hội trình diễn nhằm phục vụ du lịch, khó lòng thể hiện được tinh thần vốn có của một lễ hội nặng chất tâm linh.

- Thuộc tính của lễ hội tâm linh bao giờ cũng xuất phát từ nhu cầu có thực của đời sống tâm linh thuộc về một đối tượng nào đó. Đức tin và ước vọng xuất phát từ đức tin của chủ thể lễ hội là những người tham gia trực tiếp, sẽ tạo nên không khí thật, và là linh hồn - sức sống của lễ hội. Hiệu ứng của nó dù không có chủ ý, vẫn cứ tạo nên những tác động tốt cho du khách và hoạt động du lịch một cách tự nhiên và tất nhiên.

- Lễ Tế Giao trước nhất phải khởi động và lan tỏa niềm tin về một năng lực có tính chuyển hóa ước vọng phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, phong đăng hòa cốc, thiên hạ thái bình, của cộng đồng trở thành hiện thực. Người lãnh đạo tin vào điều ấy, ban tổ chức tin vào điều ấy, người tham gia lễ hội tin vào điều ấy, cộng đồng dân cư và từng cá nhân tin vào điều ấy. Tất cả sẽ hội nhập vào không khí lễ hội bằng một lòng tín mộ đặc biệt, thông qua những phương tiện thông tin, những giai thoại lịch sử, những ký ức người đương thời…, để mọi người thấy rằng: đây là một phần cần có trong nhu cầu tinh thần, thể hiện ước vọng nhân sinh, một liệu pháp nhân văn, đem lại sự an tâm để đối diện với những ngày tháng trước mắt đầy lo toan của cuộc sống.

- Khi đã có niềm tin, hoặc đã dần dần tái dựng được niềm tin, thì người tham gia lễ Tế Giao sẽ thấy đây là một phần cần có của cuộc sống tinh thần; một buổi lễ cầu an cho chính mình, cộng đồng, người thân, gia tộc và quốc gia của mình, chứ không phải là những “diễn viên” nhận thù lao để thể hiện một kịch bản du lịch.

Từ đấy tất cả những gì mang tính phản cảm trên từng khuôn mặt, trên đội hình, trên từng cử chỉ, động tác, nói năng, đi đứng… sẽ không còn nữa. (Cứ nhìn vào đoàn rước trong lễ Phật Đản ở Huế nhân dịp Đại hội Phật Giáo thế giới [VESAK]; cuộc hành hương về “Thánh địa” La Vang của người Ky Tô; xuân thu nhị kỳ với lễ rước Mẫu ở đây chúng ta sẽ biết được lễ Tế Giao trong các kỳ festival đã đạt được điều gì so với yêu cầu).

- Do tính chất là lễ hội của cung đình, nên dù muốn hay không, tính điển chế phải rất cao. Những quy định trong tổng thể lẫn chi tiết phải được tuân thủ như một mệnh lệnh. Bất cứ người tổ chức hay một cá nhân nào tham gia thể hiện không đúng những quy định, đều được xem như đối tượng đã làm tổn hại đến những niềm tin thiêng liêng có liên quan đến hạnh phúc và cuộc sống an lành của cộng đồng. Theo chúng tôi: mỗi cá nhân có niềm tin sẽ chấp hành những quy định một cách nghiêm túc, nhiều cá nhân có cùng niềm tin sẽ tạo nên một đoàn ngự đạo đúng điển chế; một đoàn ngự đạo đúng điển chế sẽ tạo nên một lễ Tế Giao có linh hồn.

- Lễ tế giao ở Huế là một sản phẩm của phong kiến Nguyễn, và tất nhiên, theo tôi, đây là một sản phẩm đáng được bảo tồn và phát triển dưới góc độ không nhất thiết phải phục nguyên. Hãy mạnh dạn mở rộng ý nghĩa khu trú trong cung đình, để trở thành một lễ cầu quốc thái dân an. Chúng ta tiếp nối mỹ tục ấy theo những nghi lễ người xưa đã làm là điều tốt, và không có gì phải câu nệ ở đây cả.

Trong trường hợp này, lễ phục, nghi cụ, nghi thức, đội hình không có cản trở gì nếu trung thành với chủ trương phục nguyên. Nhưng, bây giờ hết vua, thì không nhất thiết phải cần đến một anh nghệ sĩ nào đó đóng vai vua (Điều này trở thành sự đùa bỡn với một dạng hoạt động lễ nghi mang ý nghĩa rất thiêng liêng).

Nếu ngày xưa vua đứng chủ lễ, thì ngày nay vị lãnh đạo cao nhất của Huế thay vào vị trí ấy, với một niềm tin tốt đẹp về hình ảnh và ước vọng quốc thái dân an, phong điều vũ thuận. Nếu các vị trưởng đầu ngành của địa phương có mặt trong đoàn lễ tế, thì đâu có gì trái với quan điểm hay ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị của họ; khi tất cả đang hướng đến một mục tiêu tốt đẹp, đầy chất nhân văn, đó là sự cộng hưởng niềm tin về một tương lai tươi sáng cho mọi người.

- Lễ Tế Giao phải có một đội ngũ nhân sự cơ hữu mới có thể dựng được một trục rước hoàn chỉnh. Khó có thể hình dung một tập hợp thành viên tình cờ và ngẫu nhiên, lại có thể làm nên một không khí nghiêm trang và lễ nghi đúng mực. Bởi, đây không hề là một cuộc diễu hành đường phố để tạo không khí lễ hội, mà là một hoạt động tâm linh với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của nó.

 Mang theo đức tin trên từng bước chân, thể hiện niềm thành kính trên từng gương mặt, mỗi cử chỉ đều tuân theo những quy định của điển chế, thì lễ Tế Giao tự nó đã tạo nên một hoạt động văn hóa tâm linh đầy ấn tượng. Những phụ kiện nặng phần trình diễn khác là điều cần thiết để tôn tạo tính lễ nghi truyền thống, chứ không phải là điều quyết định.

- Muốn có một lễ Tế Giao như mong ước, tất yếu phải tin vào ý nghĩa tác dụng về mặt tâm linh đối với mọi người. Đã đến lúc chúng ta đừng quá lo lắng về sự lệch lạc quan điểm chính trị mà né tránh việc thiêng hóa hoạt động này. Nếu không làm được điều ấy, tôi tin rằng chẳng bao giờ chúng ta thực hiện thành công mà chỉ mãi mãi tồn tại cái gọi là phục dựng một sắc thái văn hóa cung đình khiên cưỡng, phản cảm và vô vị.

IV. Trong thời gian qua, khi những lo toan căng thẳng về mặt cơm áo, đói no, ấm lạnh, không còn là mối đe dọa thường trực đối với người nông dân; khi sự mở lối của của chính sách xây dựng nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc được khuyến khích; khi sự hội nhập, giao lưu đã tạo nên những tiền đề cho việc phát triển du lịch văn hóa; khi hiện tượng hội nhập, toàn cầu hóa, đe dọa đến sự sống còn của văn hóa truyền thống...; tất cả những nhân tố ấy, ít nhiều góp phần hâm nóng lễ hội nhanh chóng hồi sinh và phát triển. Trong bối cảnh này, hàng năm mọi người trong cộng đồng của mình lại được dịp tiếp tục nô nức với hội vật, đua ghe, cầu ngư, rước Mẫu, nghinh thần..., trong những dịp tế làng hoặc lễ hội phong tục của từng địa phương.

Điều đáng quan tâm ở đây là sức sống của lễ hội phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi cộng đồng. Có được như thế, lễ hội sẽ là lễ hội đúng nghĩa, đúng điều cần làm khi nhu cầu ấy vẫn đang tồn tại. Đó là sự kết hợp không chỉ vấn đề tâm linh, mà còn là đạo lý, là sức mạnh của sự nối kết, là phương thuốc hóa giải những ức chế, là sự nhắc nhở nhau, tha thứ và cảm thông những vướng mắc trong cuộc sống đời thường, là sự giáo dục nếp phong hóa hương thôn đối với thế hệ trẻ.

Cho nên, việc phục dựng hay phát triển quy mô, tính chất của lễ hội tuyệt nhiên không phải là cơ hội để phô trương thanh thế hay “đóng tuồng” thêm thắt những điều vốn không có, hay không hợp lý nhằm cuốn hút du lịch, tạo được tiếng vang. Và tất nhiên, cũng chẳng phải là dịp để khẳng định thành tích phong trào hay giải trí thuần túy.

Chính vì vậy, lễ hội không thể được xem là phương thức có được bằng mọi giá để chứng minh rằng: mình cũng ý thức được những gì cần làm, trong việc tham gia vào phong trào xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, để rồi, mạnh dạn dựng nên những điều vốn không có, hay trở thành phiên bản đánh cắp từ một cộng đồng khác.

Tất nhiên, mô hình lễ hội trong hoạt động văn hóa làng xã hay khu vực không phải là những gì hóa thạch hay điển chế đến mức khó di dời, nhưng, có những yếu tố then chốt nhằm trả lời câu hỏi tại sao tôi làm, nó có ý nghĩa thế nào với quê hương tôi, xóm làng cộng đồng của tôi, thì điều ấy phải có thực trong lòng thành viên cộng đồng.

Bảo tồn hay gìn giữ bất cứ một sản phẩm văn hóa sống nào cũng phải tôn trọng ý nghĩa, không gian và và điều kiện tồn tại của nó. Nếu bất chấp, chỉ dựng cái xác thật đẹp mà không có linh hồn, thì chẳng bao giờ thuyết phục được ai, thậm chí xúc phạm đến những giá trị văn hóa tốt đẹp vốn có.

Khi những điều thiêng liêng, những cảm nhận về vấn đề đạo lý và những quy định của lễ nghi chỉ còn là hình thức làm nền cho chuyện hội hè, giải trí hay dịch vụ du lịch, thì đó là dấu chấm hết cho một dạng hoạt động văn hóa truyền thống làng xã.

N.H.T

(256/6-10)




Các bài mới
Các bài đã đăng
Tục ném còn (12/03/2010)
Lan man Tết Huế (20/01/2009)