Lễ hội
Vài nét về ngày Tết ở Huế xưa
08:30 | 27/09/2010
NGUYỄN ĐẮC XUÂNNgày xưa ở Huế, việc chuẩn bị Tết có từ nhiều tháng trước. Thậm chí có những món bánh, mứt làm từ mùa hè (mứt thơm) rồi đậy kín dán giấy bảo quản cho đến tết. Ngày 1 tháng chạp là ngày chính thức được bắt đầu chuẩn bị cho năm mới. Ngày này, Khâm Thiên giám làm và ấn loát xong lịch, ban phát cho dân. Lễ phát hành lịch này gọi là lễ Ban sóc.
Vài nét về ngày Tết ở Huế xưa
Sau lễ Ban sóc, đến lễ phất thức, tức là lễ lau chùi các ấn ngọc, ấn vàng, kim sách, ngân sách. Các bảo vật này được rửa bằng nước hoa thơm rồi dùng khăn đỏ để lau. Lau chùi xong bỏ vào hòm khóa kín lại, từ đó tất cả các cơ quan nhà nước được nghỉ việc để lo tết. Nhân đây cũng cần nói rõ thêm vài chi tiết của các bảo vật này. Mỗi vị vua, mỗi bà hoàng hậu đều có một cuốn kim sách. Mỗi kim sách có 10 tờ giấy đôi bằng vàng mỏng như bìa vở, khổ giấy mỗi trang 0,15m x 0,22m, ngoài có hai tấm bìa cũng bằng vàng dày như tấm các-tông, sách dành cho đàn ông thì chạm rồng, đàn bà thì chạm phụng. Trong kim sách ghi tiểu sử của đương sự. sách được cất giữ trong một cái tráp bằng bạc. Tráp lại còn đặt vào một cái hòm bằng gỗ chạm cẩn, lề khóa đều bằng vàng. Nguyên tắc làm cái khóa này hoàn toàn của Việt Nam. Tất cả vàng dùng cho một kim sách khoảng 80 lượng. Số vàng ấy tuy lớn nhưng so với các ấn của vua thì vẫn còn nhỏ hơn nhiều. Các ấn của vua thường trên 200 lượng như các loại Hoàng đế chi bửu, Đại nam Hiệp kỷ lịch chi bửu, Hoàng đế Tôn thân chi bửu… Bửu to nhất nặng 395 lượng gọi là Sắc Mạng Chi Bửu. Nhờ sự gìn giữ như vậy mà các con dấu nầy từ khi “lập quốc” của triều Nguyễn đến năm 1945 không bao giờ được nhuộm lại mà sắc vàng vẫn còn mới nguyên.

Đến ngày 30 tết, kinh thành đốt pháo lên nêu. Tiếp đó súng thần công nổ một loạt, đồng bào Huế nghe lịnh thi nhau dựng nêu. Những nhà thiếu nợ chưa trả được dựng nêu trước nhất. Dựng nêu lên coi như tết đã đến, chủ nợ có thuê bọn “đòi nợ thuê” đến cửa cũng phải lui về. Trên cây nêu có treo một cái giỏ bện bằng bẹ chuối gọi là “tứ tung ngũ hành”, dưới cái giỏ có móc thêm một cơi cau trầu.

Trước giờ lên nêu, dù giàu hay nghèo ở trên đất hay sống lênh đênh trên mặt nước sông Hương, gia đình nào cũng có chuẩn bị vật chất để “ăn tết”. Quanh năm lam lũ làm ăn, chỉ có ngày tết đến mới có dịp chăm sóc ngôi nhà đang ở, bếp núc, bàn thờ ông bà. Bàn thờ được quét dọn sạch sẽ, những nhà có tam sự, ngũ sự đem ra dùng khế chua và tro bếp đánh bóng, đến độ có thể soi mặt được. Phường đúc ở Huế sản xuất nhiều loại lư, nhưng chỉ có hai loại được quần chúng ưa thích nhất là loại trên đỉnh có đặt một con lân giởn trái châu đứng nhe răng cười cầu phúc, loại thứ hai là loại lư “mắt tre”, lư trúc hóa lân. Nhiều gia đình còn rắc vôi từ ngoài ngõ vào nhà để “khử trùng”, có nhà còn mê tín treo cả lá đùng đình để trừ tà ma.

Hình ảnh Tết xưa - Ảnh: forum.festivalhue.com


Nói đến tết Nguyên Đán, nếu không nói đến câu đối tết thì thật là thiếu sót. Những nhà nho hay chữ, tết là một dịp để cho họ khoe chữ, khoe tài và nói đến chí khí của mình. Những nhà nghèo một chữ bẻ đôi không biết cũng muốn có một đôi câu đối treo ba ngày tết để cầu phúc cầu may, nếu chẳng phúc chẳng may thì nó cũng che bớt được mấy cái cột nhà mối mọt, hay mấy miếng vách đất hoen ố khói đen. Vì thế sau ngày 25 tết, các ông đồ già bày giấy bút dọc đường Pôn-be (Trần Hưng Đạo ngày nay). Viết câu đối cho khách. Câu đối được nhiều người ưa thích là câu:

Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ,

Đức mãn càn khôn, phước mãn môn”


Những người hay chữ thì tự mình sáng tác hoặc được bạn bè tặng rồi viết treo lên vách trong ba ngày tết. Hồi đầu thế kỷ XX, chữ Pháp đã bắt đầu xâm nhập đời sống văn hoá ở Huế, có một anh trí thức nửa ta nửa tây, đã treo một câu đối trước nhà mình rằng:

“Phú quý năm nay viên tút-xuýt (1)

Bần cùng năm ngoái phút-lăng-căng”(2)


Tác giả câu đối ấy đã bị người xem chê trách là “rởm”, xúc phạm đến tập quán văn minh của dân tộc. Các cụ già đến nay vẫn còn nhắc lại với một giọng gay gắt.

Bên cạnh câu đối tết là tranh tết. Ở Huế cũng như ở miền Bắc, ngày tết trong nhà không thể thiếu một vài bức tranh tết. Tranh tết có nhiều loại: tranh chúc tụng cầu ước, tranh lịch sử, tranh điển tích tôn giáo, tranh kể chuyện, tranh giáo dục luân lý, tranh tố nữ, giai cảnh, tranh châm biếm… nhưng phổ biến nhất là tranh thờ.

Tranh tết ở Huế sản xuất ở làng Sình. In tranh, người ta dùng hai loại mộc bản: bản in nét và bản in màu (phần nhiều dùng gỗ thị vừa chắc lại vừa dẻo dùng lâu năm không bị mối mọt, không hư). Màu sắc tranh tết tươi thắm và dịu nét. Người thợ in tranh dân gian thường sử dụng các màu: mào gà, diều cánh quế, cánh sen, hoa đào, vàng nghệ, hoàng yến, nguyệt bạch, xanh lá cây, chàm, hoa hiên… Chất liệu lấy ở vỏ sò vỏ hến tán nhỏ (thuốc điệp), xà cừ, mực tàu, kim nhũ, ngân nhũ…

Ngày tết cũng là một dịp để cho các bà nội trợ trổ tài nấu ăn. Đặc biệt ở những nơi quan quyền vua chúa thì không thể nào kể cho hết. Trong cung cấm, lăng miếu, chùa chiền, am, miếu nơi nào cũng có cúng bái. Mỗi nơi nấu nướng mỗi khác, tùy theo khả năng mua sắm và tài nấu của nơi ấy. Những nơi quan trọng ở kinh đô mỗi lần cúng gồm có 32 cỗ (mỗi cỗ là một món ăn riêng biệt). Người nghèo quanh năm cơm rau, đến tết cũng phải cố gắng nấu một mâm để cúng ông bà, mâm cỗ ấy ít nhất cũng phải có trên mười món.

Món ăn tết như các loại bánh chưng, bánh tét, các loại mứt gừng, dừa, khoai me, bí đao, hạt sen, mứt me có lẽ nơi nào cũng có. Tôi đã được ăn tết trong Nam, ngoài Bắc nhưng tôi không thấy nơi nào có nhiều loại bánh tết có màu sắc dân tộc như ở Huế: mè xửng, bánh bài, bánh tế-điều, bánh su-sê (phu thê), bánh vả, bánh phục linh… Bánh phục linh có hình dáng giống như cái gối ngày xưa. Bánh làm bằng bột bình tinh trước khi đóng thành bánh, bột được phơi sương. Lúc ăn, cắn cái bánh bột tan ra trong miệng mát rượi. Các loại bánh tết màu sắc tươi vui được xếp thành một cái tháp, cái bánh trên đỉnh tháp có hình màu hồng, màu đỏ để cầu may. Bên cạnh các loại bánh là các loại trái. Chuối, cam quít là loại thường. Những nhà giàu, thường có hường khô, táo, năng, lật. Ngày tết trên bàn thờ ông bà có chuối, bánh trái, hương trầm trông rất vui mắt, ấm cúng. Từ ngày “văn minh Mỹ” xâm nhập miền Nam, nhiều cửa hàng đã bắt đầu quảng cáo hoa trái bằng chất dềo, trông nó lòe loẹt, thô kệch làm sao! May mà kiểu bánh trái lừa phỉnh ông bà đó không chinh phục được người Huế và đã chấm dứt ngay sau ngày giải phóng thành phố (1975).

Ngày xưa, pháo là những cái ống tre lồ-ô nhồi đầy thuốc súng nối nhau bằng một cái tim dài. Tiếng nổ nghe dòn và ấm, không tức tưởi. Sau này người Tàu nhập cảng các loại pháo Tàu vào, thuốc súng được quấn trong những cuộn giấy. Tiếng nổ chát chúa, gắt tai. Nhưng pháo làm theo kiểu Tàu tiện lợi, rẻ tiền và tạo được tiếng nổ liên thanh. Đốt pháo là một “nghi lễ” vui, cuộc sống cần có những tiếng nổ ấy. Tuy thế, cái trò vui nầy cũng đã bị lợi dụng. Ba anh Tàu sản xuất pháo muốn hốt bạc đã bày ra những trò đốt tiền vô ích. Lúc giao thừa các nhà giàu dọc đường Pôn-be thi nhau đốt pháo. Nhà nào đốt dứt tiếng nổ trước coi như thua. Loại pháo dành cho loại giàu có đó gọi là pháo “Mãn địa hường” (đầy đất đỏ). Đốt xong, xác pháo đỏ phả cả mặt đất. Người ta tin màu đỏ ấy báo hiệu điềm lành, may mắn. Người ta muốn giữ sự may mắn đó mãi trong nhà, nên ba ngày tết cấm không được quét nhà, quét sân. Cảnh sát trọng phong tục ấy cũng không phạt!

Ngày tết trong Nội có nhiều lễ lượt: các quan vào mừng vua. Vua cử hành lễ Tịch điền, chính tay ông cày mấy đường cày để khuyến khích nông nghiệp. Sau lễ Tịch điền, từ triều Đồng Khánh cho đến Bảo Đại có thêm lễ Du xuân, vua đi chơi ra khỏi cung cấm để cho thần dân thấy mặt. Sáng mồng một tết, các nhà thơ, văn nghệ sĩ làm thơ khai bút. Những nghệ nhân ca nhạc Huế sáng tác lời mới cho vài điệu ca Huế để hát về tâm sự của mình trong năm mới. Những nghệ nhân này sẽ họp mặt đầu năm trong nhà của một tri âm nào đó để chúc rượu nhau và “khai giọng” bằng những bài ca hay nhất và mới nhất.

Ngày tết có ý nghĩa với tất cả mọi người, riêng với trẻ con thì có một giá trị đặc biệt. Chợ tết bán nhiều hàng phục vụ thiếu nhi. Góc chợ nào cũng vang lên tiếng lùng-tung, gà đất te-te. Ba ngày tết các chợ đều không đông, tuy thế người ta vẫn dựng ven đường những cái sạp bán đồ chơi cho trẻ con. Ngày xưa ở Huế, chỉ ngày tết trẻ con mới có tiền và được quyền sử dụng tiền đó để mua đồ chơi theo sở thích của mình. Tiền này do người lớn “lì xì” cho chúng.

Phong tục lì-xì cho trẻ con trong ba ngày tết không rõ xuất phát từ hồi nào, riêng chữ “lì xì” thì nhập cảng của tiếng Quảng Đông. Người Quảng Đông đọc “lì xì”, Hán Việt đọc “Lợi thị”. Lợi thị có nghĩa là “mua may bán đắt”. Các ông bà già ở Huế xưa rất đông con, nhiều cháu. Muốn có đủ tiền để cho trong ba ngày tết khi các cháu đến chúc tết, các ông bà ấy phải chọn những đồng mới nhất dành dụm suốt năm. Các cụ không khi nào cầm tiền đưa cho các cháu mà tiền đó được bỏ trong một cái bì đỏ lịch sự. Đây cũng là một dịp tập cho các cháu biết cám ơn và nhớ ông bà.

Mỗi địa phương nông thôn quanh Huế đều có những trò vui riêng. Ở làng Sình có hội vật, các làng Vân Thê, Dương Nổ, Dạ Lê có đua ghe, đua trãi. Đặc biệt ở chợ Gia Lạc trên đường Huế - Thuận An, thuộc hai làng Nam Phổ - Lại Thế có nhiều trò vui tiêu biểu cho vùng nông thôn ngoại thành Huế. Ba ngày tết các chợ ở Huế không đông, riêng chợ Gia Lạc thì vẫn họp. Chợ đông cốt để phục vụ cho trẻ em và bà con vùng Phú Vang, Hương Thủy xưa lên tham dự các cuộc vui như hò vè, hò bài chòi, hò giã gạo…

Đến ngày 7 tháng Giêng hạ nêu, mọi sinh hoạt bình thường của xã hội tiếp tục trở lại.

N.Đ.X
(5/2-84)



----------------
(1). Vient tout de suite: đến ngay.
(2). Foutre le camp: cút đi khỏi.



Các bài mới
Các bài đã đăng
Tục ném còn (12/03/2010)
Lan man Tết Huế (20/01/2009)