Ca dao - Cổ tích
Con dê trong thơ ca
16:34 | 06/05/2009
VIỆT CHUNGTrong 12 con giáp, con dê (Mùi còn gọi là Vị) là con vật đứng vào hàng thứ 8, trước khỉ và sau ngựa. Dê tên chữ là Dương.Dê vốn là con vật miền núi, được thuần hoá nên có thể nuôi trong nhà. Hình ảnh con dê gây được những ấn tượng với người đời một cách khó quên. Đặc biệt của loài dê là dê đực hoặc dê cái đều có râu và có sừng, bản chất hiền lành và tràn đầy sinh lực.
Con dê trong thơ ca

Ai sinh vào năm dê đều mang tuổi Mùi. Đây là hình ảnh một cụ dê:
                        Tuổi Mùi là con dê chà
                        Có sừng, có gạc, râu ra um sùm.
                                                           
(Vè 12 con giáp)
Tuổi Mùi là tuổi tốt, dù mang tiếng là dê, nhưng dê dựng vợ, gả chồng theo các ông thầy lý số. Do đó, tuổi Mùi ai cũng thích, nhưng tánh dê thì không ưa:
                        Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
                        Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân.
                                                           
(Ca dao)

Người ta ăn thịt dê quanh năm, nhưng tết đến xuân về, món dê cũng được chọn là một thực đơn quí. Thịt dê làm được nhiều món ngon và bổ không thua gì thịt bò, thịt heo.
Tuy đứng sau con ngựa, nhưng con dê cũng biểu tượng sự sung túc, mang nhiều sức sống sung mãn, đem lại cho người đời sự ấm no, hạnh phúc:
                        Năm Ngọ, mã đáo thành công
                        Năm Mùi, dê béo, rượu nồng phủ phê
                                                           
(Vè miền quê)

Dê béo là dê thịt ngon nhất, một món ăn khá hấp dẫn được kể một trong ba cái thú vị mà con người ca ngợi, không ai là không thèm khi nói đến. Tuy nó thiên về vật chất quá, nhưng cũng là người trần mắt thịt, chớ có ai là Tiên, là Phật đâu:
                        Thế gian, ba sự khôn chừa
                        Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ.
                                                           
(Ca dao)
Người ta cũng thường liên hệ giữa con dê và người có máu dê. Bà con thường chỉ trích và cảnh cáo những kẻ già đa tình hay sàm sỡ một cách bừa bãi, có ngày gặp tai nạn:
                        Dê sồm ăn lá khổ qua
                        Ăn nhiều sâu rọm, chết cha dê xồm.
                                                           
(Vè)
Thói dê của bọn tình ái lung tung hoang tàng bị người đời nguyền rủa khá nặng nề.
                        Phụng hoàng đậu nhánh sa kê
                        Ông thần không vật mấy thằng dê cho rồi.
                                                           
(Ca dao)
Dê nuôi để ăn thịt và lấy sữa. Ngoài ra, người ta còn dùng dê để kéo xe thay cho ngựa và trâu bò. Dê kéo xe, thì những ai đọc tập thơ "Cung oán ngâm khúc" của Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều, đều nhớ đến những câu:
                        Phải duyên hương lửa cùng nhau
                        Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào...
                                                           
(Cung oán ngâm khúc)

Do điển tích vua Tấn Võ đế (Trung Quốc) thường dùng xe dê kéo đi mỗi đêm trong cung cấm, hễ dê dừng ở cửa phòng cung phi nào tức đêm ấy nhà vua sẽ ngủ với cung phi đó. Nên hàng trăm cung phi mỗi đêm tìm lá dâu non (loại dê háu ăn) đặt trước cửa phòng để xe dê dừng lại. Nhưng không được vua đến tìm thú vui, thì người cung nữ cảm thấy cô đơn lạnh lẽo:
                        Thâm khuê vắng ngắt như tờ
                        Cửa châu gió lọt rèm ngà sương gieo.
                        Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ
                        Dấu dương xa (xe dê) đám cỏ quanh co.
                                                           
(Cung oán ngâm khúc)

Trong thơ "Lục Vân Tiên", cụ Nguyễn Đình Chiểu có tả lúc nàng Kiều Nguyệt Nga trên đường quanh co, khúc khuỷu đến phủ đường của Kiều công:
                        Trải qua dấu thỏ đường dê
                        Chim kêu, vượn hú bốn bề núi cao.
                                                           
(Lục Vân Tiên)
Đoạn quan trạng Lục Vân Tiên "vinh qui bái tổ" gặp lại Nguyệt Nga, giữa lúc mọi người tổ chức vui mừng hạnh phúc của đôi trai tài gái sắc, thì lúc đó bộ mặt của Bùi Kiệm đã từng "dê" Nguyệt Nga, trở thành trơ trẽn:
                        Còn người Bùi Kiệm máu dê
                        Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu.
                                                           
(Lục Vân Tiên)

Trong dân gian, từ dê đã biến dạng thành de. Chữ de gốc từ dê mà thôi. Nó làm cho ngôn ngữ thêm vô cùng phong phú, trữ tình:
                        Bắp non mà nướng lửa lò
                        Đố ai de được con đò Thủ Thiêm.
                                                           
(Ca dao)
De tức là gần gũi o bế, tạo hiểu biết kích thích cho nhau. Dê là thuộc tính của đàn ông, trái lại đàn bà cũng biết dê đấy chứ, nhưng không bạo dạn như đàn ông.Chữ de vào ca dao, nó khá hay vừa tượng hình, vừa tượng thanh, đầy sức quyến rũ:
                        Cam sành lột vỏ còn the
                        Thấy em còn nhỏ anh de để dành.
                                                           
(Ca dao)

Bản chất của cam sành là ngon ngọt, là bổ dưỡng, chất quí trên đời. Còn chữ "de để dành" có duyên không chê vào đâu được!
Dê con trông rất dễ thương, thường chạy giỡn hồn nhiên, nhưng nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã một lần chê lũ dê này:
                        Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
                        Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.

Trong nghề điêu khắc, ca dao thợ mộc cũng có chỗ đứng của con dê, vì con dê là một trong ba con vật "tam sinh" (bò, heo, dê) trong các lễ hội được dùng để tế thần:
                        Bốn cửa anh chạm bốn dê
                        Bốn con dê đực chầu về tổ tông.
                                                           
(Ca dao)
Trong các trò chơi dân gian dịp tết, có trò chơi "bịt mắt bắt dê" hào hứng, sôi nổi. Đối với trẻ con, trò chơi này là thú vui hồn nhiên, nhưng đối với các cô cậu thanh niên, thiếu nữ là một dịp để tiếp cận đụng chạm vui đùa với nhau.
                        Giả vờ bịt mắt bắt dê
                        Để cho cô cậu dễ bề... với nhau
                                                           
(Vè)

Con dê suốt đời mang tiếng xấu một cách oan uổng, khi mọi cái xấu xa của người đời đổ trút lên đầu dê. Trong đó, có sự đồng hoá con dê với bọn thực dân cướp nước:
                        Này anh chị em lao khổ
                        Nông nỗi này ai tỏ chăng ai
                        Đã non tám chục năm rồi
                        Làm thân trâu ngựa cho loài chó dê.
                                                           
(Bài ca cách mạng)

Khi Nam Kỳ mất vào tay giặc, cũng có tác giả làm bài thơ "Con dê" nhằm chỉ trích bọn tiểu nhân làm tay sai cho giặc. Bởi nặng đầu óc nô lệ, nên chúng cam lòng cúi đầu để mặc tình giặc thao túng:
                        Giống nai sao lại tiếng bê hê
                        Đứng lại mà coi vốn thiệt dê
                        Đực cái cũng râu không hổ thẹn
                        Vợ chồng một mặt hết khen chê
                        Sớm phơi bốn móng sân Tô Vũ
                        Chiều gác đôi sừng cửa Lý Hề
                        Bởi nó sợ trâu kia dớn dác
                        Cam lòng chịu buộc lịnh vua Tề

Trong lúc đó, hầu hết sĩ phu đều giữ vững lòng thuỷ chung đối với quê hương Tổ quốc. Có người đã làm bài thơ "Tô Vũ" để gởi gắm tâm sự trung thành của mình:
                        Ngàn dặm Trường An mặt luống băng
                        Đoạn sầu căn dặn nỗi tằn mằn
                        Khôn đem tóc bạc thay đầu ác (1)
                        Dễ khiến lòng son đổi miệng lằn
                        Đêm lạnh ngù cờ sương lợt đợt
                        Ngày chiều dải mão (2) gió xung xăng
                        Muôn dê bao sá loài Hồ lỗ (3)
                        Một tưởng hàng vương, một nghiến răng

Tô Vũ là tôi trung của nhà Hán (Trung Quốc) đi sứ mang đất Hung Nô, bị chúa Hung Nô là Thuyền Vu giữ không cho về, dụ dỗ Tô Vũ đầu hàng nhưng không được. Thuyền Vu nổi giận đem Tô Vũ bỏ vào hang núi cho chết đói, nhờ uống sương đọng trên ngù cờ mà vẫn sống. Cuối cùng đẩy Tô Vũ đi Bắc Hải chăn dê, hẹn rằng khi nào dê đực đẻ thì mới tha về nước. Sau, nhà Hán đánh bại Hung Nô, Tô Vũ mới được tha về.

Còn Bá Lý Hề là tướng nước Ngu (Trung Quốc). Nước Ngu bị Tấn cướp, Bá Lý Hề lưu lạc sang nước Sở làm kẻ chăn dê. Vua nước Tần là Mục Công biết Bá Lý Hề là người tài giỏi, sai người mang 5 bộ da dê chuộc về làm tướng quốc. Sau, Bá lý Hề giúp Mục Công dựng nghiệp lớn.

Khi Bá Lý Hề lên đường lập công danh, người vợ nghèo đưa tiễn, đến lúc làm tướng quốc mải say mê công danh quên người vợ nghèo. Nàng lên đường đi tìm chồng. Nhân Bá Lý Hề bày tiệc có ca nữ múa hầu, nàng liền cải trang làm một ca nữ vào trước tiệc ôm đàn hát một khúc:
                        Bá Lý Hề năm bộ da dê
                        Nhớ ngày chàng ra đi, giết con gà mái ấp, thổi nồi cơm gạo vàng.
                        Chừ nay được giàu sang, quên ta sao?

Bá Lý Hề nghe câu hát ngạc nhiên nhìn kỹ thì nhận ra là người vợ thuở hàn vi, hai vợ chồng lại đoàn tụ.
"Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo kể tội bọn sứ giả nhà Nguyên (Trung Quốc) sang nước ta hống hách, có đoạn:
                        Cú diều uốn lưỡi thấp cao
                        Bẻ bai triều bệ xiết bao nhục nhằn
                        Tuồng dê chó tưởng rằng đắc thế
                        Chốn triều đình ngạo nghễ vương công
                                                                       
(Hịch tướng sĩ)

Con dê trong thơ ca mang nhiều tiếng xấu do người đời gán cho một cách vô tội vạ, vì con vật và con người khác nhau. Con vật vô tri sống theo dục tính, còn con người có lý trí sống theo đạo đức. Lấy hình tượng con vật mà nói về con người hoặc ngược lại, chỉ là một lối ẩn dụ.
Con dê vốn ngoan ngoãn, hiền lành, có sức sống mãnh liệt sung mãn. Thịt ngon, sữa tốt. Thật ra, con dê dễ thương hơn là đáng ghét như con người đã có thành kiến từ lâu trong dân gian.

Năm Dê (Mùi) mà lại dê đáng quý (Quý Mùi) tượng trưng cho sự sung sức, nhất định sẽ là năm sung túc, dân giàu nước mạnh, Tổ quốc quang vinh.
Vĩnh Long, Xuân Quý Mùi 2003

V.C
(168/02-03)

--------------
(1) Đầu con quạ. Ý nói không thể lấy tóc bạc mà đổi đầu óc đen tối như con quạ được.
(2) Tô vũ đội mũ mặc áo theo y phục nhà Hán, không chịu dùng y phục của Hung Nô.
(3) Hồ Lỗ: giặc rợ Hồ. Hung Nô tức Hồ Lỗ.

Các bài mới
Các bài đã đăng