Ca dao - Cổ tích
Phân định giữa truyện truyền kì với truyện cổ tích thế tục
09:27 | 30/08/2016

TRIỀU NGUYÊN

1. Khái quát
Phân định giữa P và Q, được hiểu là xem xét phạm vi, lĩnh vực biểu hiện của mỗi bên, và quan hệ giữa chúng. Như hai thực thể này bao hàm hay tách biệt nhau. Nếu tách biệt, thì tại sao lại có sự lẫn lộn.

Phân định giữa truyện truyền kì với truyện cổ tích thế tục
Ảnh: internet

Truyện truyền kì là một loại hình tự sự bằng văn xuôi, thuộc văn học viết. Theo Thi pháp văn học trung đại Việt Nam (Trần Đình Sử, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 293), thì truyện truyền kì Trung Quốc thường có bố cục gồm ba phần: a) Mở đầu: giới thiệu nhân vật (tên họ, quê quán, tính tình phẩm hạnh); b) Kể chuyện: kể các chuyện kì ngộ, lạ lùng; c) Kết thúc: nêu lí do kể chuyện. Các tác giả Việt Nam theo truyền thống truyền kì Trung Quốc, nhưng lại có một quá trình hình thành và phát triển gắn liền với nền văn hóa và văn học dân tộc, đặc biệt là với văn học dân gian và văn xuôi lịch sử.

Về một số đặc điểm khác của truyện truyền kì, tài liệu vừa nêu (tr. 295- 296), viết (lược ghi):

- Truyện có cốt truyện hoàn chỉnh như những tác phẩm nghệ thuật, có thắt nút, phát triển và mở nút.

- Truyện có thể kết thúc có hậu hay không.

- Truyện chú trọng vào việc hơn là chú trọng vào người, lấy việc mà biểu hiện người, răn người.

- Truyện thường có lời bình (hay lời bàn) để bình luận về mặt đạo đức, nghệ thuật.

Truyện cổ tích thế tục(1) là một trong ba tiểu thể loại của truyện cổ tích (truyện cổ tích thần kì, truyện cổ tích thế tục, và truyện cổ tích loài vật). Truyện cổ tích thế tục được phân biệt với hai tiểu loại kia:

- So với tiểu loại truyện cổ tích thần kì, truyện cổ tích thế tục không có yếu tố thần kì(2), truyện phát triển chủ yếu theo logic thực tại, gồm hoàn cảnh, tính cách của nhân vật.

- So với tiểu loại truyện cổ tích loài vật, truyện cổ tích thế tục không có nhân vật chính là các con vật nhằm phản ánh sinh hoạt, đặc điểm của chúng, cả việc giải thích nguồn gốc các hình dạng bề ngoài mà chúng hiện có.

2. Phân định giữa truyện truyền kì với truyện cổ tích thế tục

2.
1. Xét 262 mẩu truyện truyền kì được chọn vào Truyện truyền kì Việt Nam (Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2009, 3 quyển - viết tắt: [TTK])(3), có thể thấy khái niệm “truyện truyền kì” không chỉ giới hạn vào thời trung đại, mà còn mở rộng đến các tác giả thời hiện đại: Nhất Linh, Thế Lữ, Tchya, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển,... Điều đặt ra ở đây, là có khá nhiều mẩu truyện được chép ở tài liệu này, đồng thời, cũng được nhiều bộ sưu tập truyện cổ tích ghi nhận, một số chúng là truyện cổ tích thần kì, số khác là truyện cổ tích thế tục.

Dưới đây, thử ghi lại bốn mẩu được [TTK/II] tuyển chọn, đồng thời, cũng được chép ở một/một vài bộ sưu tập truyện cổ tích (hay truyện cổ dân gian):
 

TT

Tên truyện

Tài liệu gốc
của [TTK/II]

Số thứ
tự và số
trang ở
[TTK/II]

Tài liệu sưu tập truyện cổ
tích (hay truyện cổ dân
gian) có chép truyện này

1

“Ác báo”;
“Tiếc gà
chôn mẹ”;
“Sự tích
thằng trời
trồng”

Công dư
tiệp kí (Vũ
Phương Đề)

57/
tr. 46-47

a) Kho tàng truyện cổ tích
Việt Nam (Nguyễn Đổng
Chi, Nxb. Giáo dục, Hà Nội,
2000, tr. 398-399); b) Nghìn
năm bia miệng, tập I (Huỳnh
Ngọc Trảng, Trương Ngọc
Tường, Nxb. Thành phố Hồ
Chí Minh, 1992, tr. 65-67)

2

“Sống
lại”; “Anh
chàng họ
Đào”

Lan Trì kiến
văn lục
(Vũ
Trinh)

81/
tr. 108-
109

Kho tàng truyện cổ tích Việt
Nam
(sđd., tr. 1336-1339)

3

“Chứa ác
tự hại”;
“Bò béo,
bò gầy”;
“Làng
cướp”

Sơn cư
tạp thuật

(Khuyết
danh)

115/
tr. 182-
183

a) Kho tàng truyện cổ tích
Việt Nam
(sđd., tr. 302-
305); b) Truyện cổ Hoa Lư
(Phạm Vĩnh, Nxb. Văn học,
Hà Nội, 1993, tr. 63-70).

4

“Tiết phụ
hai chồng”

Vân nang
tiểu sử

(Phạm Đình
Dục)

158/
tr. 495-
497

Kho tàng truyện cổ tích Việt
Nam
(sđd., tr. 424-426)


2.2. Vấn đề đặt ra là giữa truyện truyền kì và truyện cổ tích nói chung, cổ tích thế tục nói riêng, có quan hệ ra sao, mà lại có nhiều truyện nằm ở phần giao(4) của hai loại như thế? Câu trả lời, là do có khá nhiều truyện truyền kì xuất phát từ truyện kể dân gian, trước khi được các nhà văn nâng lên thành văn chương bác học, và sự thiếu nhất quán về khái niệm “truyện truyền kì” ở các bộ sách được cho là có tập hợp loại truyện này, của người đời sau.

2.2.1. Với ý thứ nhất, giả sử có một truyện A lưu truyền trong dân gian, thì các sự việc, tình tiết của nó thường phiếm chỉ. Tức tên tuổi, quê quán của nhân vật, nếu có, hay bị lược đi. Bởi có thế thì nó mới dễ dàng được kể một cách rộng khắp ở nhiều giới, nhiều hạng người, và các địa bàn khác nhau. Trong lúc, một nhà văn muốn sử dụng A để chế tác thành truyện truyền kì, thì lại theo hướng ngược lại: nhà văn này sẽ cá thể hóa, cụ thể hóa các nhân vật, sự việc. Bấy giờ, họ tên, xã huyện, thời đại xuất hiện. Điều này thường được giải thích do phong cách của mỗi bên.

Có thể thấy rõ điều vừa nêu qua việc cùng kể lại truyện “Tiết phụ hai chồng” (mẩu truyện số 4), qua một công trình sưu tập truyện cổ tích và một công trình về truyện truyền kì, dưới đây:
 

(1) TIẾT PHỤ HAI CHỒNG qua một công trình sưu tập truyện cổ tích.

Ngày xưa, nhà nọ có người con gái xinh xắn, nết na. Lúc nàng lớn lên, một người học trò nghèo họ Đỗ đưa trầu cau đến hỏi làm vợ. Chàng là một tay văn hay chữ tốt, tính nết rất hiền lành. Thấy thế, người cha cô gái vui lòng hứa hôn, cô gái sung sướng được người chồng tử tế. Lễ cưới vừa xong thì cha nàng nhuốm bệnh qua đời.

Cô gái về nhà chồng một niềm trinh thuận. Chồng cô là người mồ côi cha mẹ. Gia tài chỉ có một đám vườn nhỏ với mấy quyển sách, nhưng họ sống trong bầu không khí hòa nhã, yêu thương. Chồng đọc sách, vợ quay tơ, thú gia đình tưởng không ai hơn được.

Ít lâu sau, đột nhiên người chồng mắc bệnh hủi. Người vợ lo lắng tìm thầy chạy thuốc. Phải bán luôn nữ trang của mình, bán cả đám vườn đang ở để dùng vào việc chữa chạy cho chồng. Nhưng bệnh mỗi ngày một nặng, cho đến lúc hết phương điều trị. Duy chỉ có người vợ ngày ngày hầu hạ chu tất không chút quản ngại. Thấy thế, anh chàng thương vợ quá. Chàng cho phép vợ li dị để mặc mình với số phận. Nhưng người vợ nhất định không nghe, nàng nói:

- Vợ chồng là nghĩa lâu dài, còn bệnh tật của chàng chẳng qua là sự không may. Thiếp xin cùng chung số phận với chàng, không đi đâu cả.

Nhưng bệnh của người chồng ngày một đáng sợ hơn. Anh chồng luôn cố khuyên vợ trở về với mẹ đẻ, để khỏi vì mình mà khổ thân, tuy vậy vợ vẫn kiên quyết ở lại. Một hôm, để cho vợ khỏi chịu thiệt thòi, chồng cất bước lẻn đi, để lại cho vợ một phong thư, nói rằng mình sẽ không bao giờ trở về nhà nữa, và cho phép vợ tự do đi lấy chồng khác.

Sau khi chồng đi biệt, người vợ chảy không biết bao nhiêu là nước mắt. Mẹ đẻ của nàng khuyên con đi lấy chồng khác, nhưng nàng không chịu. Ba năm trôi qua, tin tức chồng vắng bặt. Nhiều người đoán rằng chàng đã quyên sinh cho khỏi đau khổ. Rồi người vợ trả nhà cửa cho họ hàng nhà chồng, trở về với mẹ đẻ, lập bàn thờ, coi như chồng đã chết. Người mẹ nàng luôn luôn bảo rằng:

- Con thủ tiết với chồng như thế là trọn đạo. Không nên bỏ phí xuân xanh một đời.

Thấy nàng xinh đẹp lại có đức hạnh, nhiều người muốn hỏi làm vợ, trong đó có người học trò họ Nguyễn. Tin qua mối lại xôn xao làm cho nàng không tự chủ được. Cuối cùng, nàng đành nhận lời đi bước nữa cùng với anh chàng họ Nguyễn. Về với chồng mới được ba năm, nàng sinh được hai người con trai. Hai vợ chồng rất tương đắc. Người học trò họ Nguyễn sau đó thi đậu tiến sĩ và được bổ làm án sát Sơn Tây.

Năm nọ ở Sơn Tây và các trấn lân cận mất mùa to, giá thóc gạo cao lên vùn vụt. Khắp mọi nơi đều có người chết. Đường sá, chợ búa đầy những đoàn người đói khổ đi kiếm miếng ăn. Quan án được lệnh đi phát gạo cho người đói.

Lại nói, chuyện anh chàng họ Đỗ từ khi trốn vợ ra đi, nhất quyết không trở về quê nữa. Chàng không muốn vì mình mà khổ đời một người đàn bà. Chàng cứ đi lang thang nay đây mai đó, sống bằng nghề bị gậy. Cứ như thế sau năm năm, bệnh của chàng vẫn như cũ, và chàng vẫn sống một cuộc đời đơn độc và đau khổ. Hôm ấy, nghe tin có cuộc phát chẩn, chàng lần mò tìm tới, nhập vào đội quân lĩnh chẩn.

Đến phiên được lĩnh, chàng kêu lên: “Tôi là học trò yếu đuối, tàn tật, không rá không mủng, không nồi không niêu, nên không muốn xin gạo, chỉ muốn xin ít tiền cho tiện...”. Nghe thế, quan án cho gọi chàng tới, hỏi mấy câu về văn chương, quả nhiên, anh chàng bề ngoài tuy rách rưới, tiều tụy, nhưng đối đáp rất trôi chảy, thơ phú, điển tích cũng phong phú. Sẵn có lòng yêu người tài giỏi, ông bèn đặc biệt lấy tiền ra cho, lại có phần hậu hơn những kẻ khác.

Khi về dinh, quan án thuật lại chuyện vừa rồi cho vợ nghe. Thấy tả hình dáng, người đàn bà ngờ rằng đó là người chồng cũ. Nàng ra chợ tìm cách đứng nấp để xem mặt, thì đúng là người chồng ngày xưa. Tự nhiên lòng thương chồng cũ nay lại bừng bừng bốc lên. Nàng phải nuốt thầm những giọt nước mắt, vì mình đang ở vào một tình thế khó xử. Suy đi nghĩ lại mãi, cuối cùng nàng dùng lời nói khéo cố khuyên người chồng mới đưa “người học trò khó mà có tài” đó về dinh, cho ở một gian lều sau trại. Như thế vừa làm được một việc nghĩa, vừa có người làm bạn văn chương. Được người chồng mới ưng thuận, nàng sung sướng vô hạn. Từ đó, ngầm sai người hầu chu cấp, chăm nom tử tế. Có điều, nàng không bao giờ để lộ một hành động gì cho chồng biết, và cũng không bao giờ cho người chồng cũ thấy mặt.

Người chồng cũ, hôm nọ đau bụng đi tả, vào giữa đêm khuya bị khát quá, bèn lần ra một cái chum gần trại múc nước uống. Hôm sau, chàng mới biết là mình uống nhầm phải một thứ nước trong đó có một con rắn trắng chết. Nhưng thật không ngờ, một thời gian sau những mụn hủi lở chốc bay hết, và dần dần bệnh tự nhiên lành hẳn; da thịt của chàng trở lại trắng trẻo như xưa. Rồi chàng ôn luyện kinh sử. Và nhờ sự giúp đỡ tận tình của quan án, chàng lại quẩy lều chõng đi thi.

Tất cả những việc đó xảy ra làm cho người đàn bà vừa vui mừng vừa đau khổ. Nàng thấy mình không thể chịu đựng âm thầm mãi như vậy được. Khi nghe tin người chồng cũ đậu tiến sĩ, sắp sửa vinh quy, nàng viết một bức thư rất dài kể hết nỗi lòng của mình cho người chồng mới biết. Nàng xin chồng tha lỗi về sự giấu giếm của mình từ bấy lâu nay. Có hai đứa con trai, nàng xin một đứa cho làm con nuôi ông nghè mới. Đoạn nàng trốn chồng con, bỏ đi biệt.

(Nguồn: Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, sđd., tr. 424-426)

(2) TIẾT PHỤ HAI CHỒNG qua một công trình về truyện truyền kì.

Đời nhà Lí, ở xã nọ thuộc huyện Nam Chân, có một nhà sinh được người con gái, từ lúc tóc còn tết bím đã thông minh không mấy người đọ nổi, lại biết chữ nghĩa và không hay buông thả nói cười. Cha nàng lấy làm lạ, lúc sắp mất dặn lại vợ rằng:

- Con gái ta lớn lên, thế nào cũng phải gả về anh nho sinh Mỗ làng nọ.

Rồi ông quay sang nói với con:

- Con hãy nhớ lấy lời cha, đừng gá nghĩa với ai khác.

Nói xong, ông tắt nghỉ.

Về sau, chàng nho sinh Mỗ nghe tin, bèn đến xin hỏi cô gái làm vợ. Vợ chồng rất tương đắc. Nhưng chỉ được ít lâu, chàng bỗng mắc bệnh hủi, không ai dám tới gần, mọi việc đều cậy nhờ vào vợ. Vợ một niềm kính yêu săn sóc, không chút nề hà. Đám trai trẻ tinh quái trong làng gặp nàng giữa đường, thường nhại bài thơ của Bạch Cư Dị để giễu:

Lưu Cương dữ phụ cộng thăng tiên
Lộng Ngọc tùy phu diệc thướng thiên
Hà tự nhi gia phu phụ hảo
Hà cô Lí lão hợp sàng miên.


(Lưu Cương cùng vợ lên tiên
Theo chồng, Lộng Ngọc cũng lên cõi trời
Ai như nhà chị tốt đôi
Cô Hà lão Lí cùng ngơi một giường)(5)

Người chồng biết chuyện, thẹn mình mắc chứng bệnh lạ lùng làm lụy đến vợ, bèn cho phép vợ cải giá. Nàng khóc lóc mà nói:

- Còn lời cha trăng trối đấy thì sao? Chẳng lẽ khi lành lặn thì ở với nhau, gặp lúc ốm đau lại chia lìa, thần nào chứng cho!

Rồi nàng nhất quyết không nghe. Chồng bèn thừa cơ trốn đi. Cả nhà tìm khắp, nhưng biệt tăm chẳng còn tung tích. Dẫu thế, nàng vẫn thề không đổi tiết. Mẹ đẻ nàng rất bực, nói dỗi:

- Chồng mày bị tàn tật, mà nay cũng còn đâu nữa. Mày định làm bà vãi ư? Thì tao biết nương tựa vai ai bây giờ?

Vừa lúc ấy, có anh học trò cũng người trong quận đến xin hỏi, bà mẹ bắt ép nàng phải nhận lời. Được vài năm, nàng sinh hai con trai, rồi người chồng lại thi đỗ, trải thăng đến chức đề hình tỉnh Sơn Tây.

Gặp năm đói kém, quan đề hình phụng mệnh vua đi phát chẩn cho dân. Bấy giờ, người ăn xin tụ tập đông như quạ, cả người học trò bị bệnh hủi kia cũng có mặt ở đấy. Khi phát gạo cho anh, anh không nhận, nói:

- Tôi ốm yếu đã lâu, không nấu nướng được, và cũng không có nồi, lấy gạo làm gì?

Đề hình nghe, lấy làm lạ, gọi anh đến hỏi:

- Anh là học trò ư? Là học trò hẳn cũng biết, người xưa những ai từng phải đi ăn xin chứ?

Chàng hủi lần lượt kể tên các ông Ngũ Viên, Đào Tiềm, Vương Bá(6),..., để đáp lại, lời lẽ rất trôi chảy. Quan lại càng lấy làm lạ, cấp cho một ít tiền, và sau khi về dinh rồi, vẫn còn than thở mãi. Thấy thế, phu nhân gạn hỏi lí do, ông nói:

- Vừa rồi, tôi đi phát chẩn, có người ăn xin là học trò, lại bị bệnh hủi, tôi đặt mấy câu hỏi khó, anh ta đều ứng đối được cả. Tội nghiệp con người như thế mà sao lại mắc bệnh hiểm nghèo thế chẳng biết!

Nàng nghe, ngờ là chồng cũ của mình, bèn lựa lời bảo chồng:

- Chí thành là đức của người danh sĩ. Ông tiếc gì một chút công khó, nỡ để cho người có học phải lụy với kiếp trong trần ư?

Quan thấy thế, liền cho gọi anh học trò hủi đến. Nàng dòm trộm thì quả là chồng cũ của mình, bèn khuyên ông cho anh ở nhờ trong nhà, và chu cấp rất hậu. Từ đó, bao giờ nàng cũng bận quần lót, thắt dây lưng thật chặt, và không chịu chung chăn gối với chồng nữa, chẳng ai hiểu là vì duyên cớ gì.

Một đêm kia, chàng hủi bỗng mắc bệnh đau bụng tháo dạ, mình nóng miệng khát, phải lần mò ra sân vục xuống uống nước trong một cái ang. Thế rồi, sáng hôm sau, bệnh hủi bỗng biến đâu mất. Xem lại, thì ra trong ang có con rắn trắng chết nằm trong ấy. Quan đề hình biết lấy làm mừng lắm, khuyên anh dự kì thi hương. Khoa ấy, anh đỗ hiếu liêm(7), rồi mùa xuân năm sau, lại đỗ luôn tiến sĩ.

Tin mừng về đến dinh, phu nhân bỗng ăn mặc chỉnh tề, bước ra nhà ngoài, lạy chồng mà nói:

- Thiếp là người không giữ tiết, chẳng đáng sống nữa làm gì; may được hầu khăn lược, đã có hai con trai, nay con lớn để lại thờ chàng, xin để đứa con thứ hai cho quan nghè mới, được thế, thiếp không còn ân hận gì nữa.

Dứt lời, nàng nuốt liều thuốc độc chết ngay. Chồng rất đỗi kinh ngạc. Đến khi vị tân khoa tiến sĩ vinh quy về tới nhà, nói chuyện với nhau, mới rõ nguồn cơn, bèn đem việc ấy tâu lên triều đình. Vua bèn ban cờ biển đề mấy chữ Lưỡng phu trinh tiết, nghĩa là tiết phụ hai chồng.

Vân Sử thị bàn rằng: Đã lấy hai chồng sao lại được gọi là trinh tiết? Vì có lấy hai chồng mới rõ tiết tháo của nàng. Nếu lấy anh chồng hủi mà trọn đời hài hòa cầm sắt thì cũng chỉ là cặp vợ chồng tốt mà thôi, chứ sao rõ ra được là người trinh tiết? Ta thấy người đời được lụa quên sồi, có mới nới cũ, có người lại còn ôm tả ấp hữu, ngủ đông ăn tây, đĩ già hoàn lương mà chồng còn cho là trinh. Đời mạt, ít có người hoàn toàn, thì gọi là “tiết phụ hai chồng” cũng được.

(Nguồn: Phạm Đình Dục, Vân nang tiểu sử, Nguyễn Đức Vân dịch - dẫn lại, theo: [TTK/II, 495-497])

So sánh hai văn bản vừa dẫn, ngoài những sự khác biệt như đã nêu, còn nhận ra:

- Nếu truyện cổ tích nhằm hướng tới những người bình thường (ngày trước, đa số là không biết chữ), thì truyện truyền kì nhằm vào lớp người có học và giới quan lại. Có thể thấy điều này, khi ở truyện truyền kì, tên các học vị, chức vụ chuẩn xác, câu hỏi của quan đề hình và lời đáp của anh học trò bị hủi khá bài bản, đặc biệt là bài thơ giễu đầy ắp các nhân vật trong sách vở Trung Hoa xưa, là những điều khó gặp ở truyện cổ tích - chưa nói đến chất giọng, quan niệm của người kể chuyện, một mực hướng về, hay bảo vệ tầng lớp nho sĩ.

- Truyện truyền kì có thể có lời bàn hay lời bình, đặt ở cuối truyện (có ý kiến cho rằng, đây là sự phê bình chưa tách ra khỏi sáng tác của người xưa), còn truyện cổ tích thì không. Lời bàn này thường súc tích, có nhiều hàm ý, điển cố, và sự nhìn nhận liên quan đến thời cuộc của giới nhà nho.

2.2.2. Với ý thứ hai, ngoài vài tác phẩm có tên gọi “truyền kì”, như Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ), Truyền kì tân phả (Đoàn Thị Điểm), phần lớn tác phẩm được [TTK] dùng để tuyển truyện, là các ghi chép dạng tổng hợp. Chẳng hạn, sách Sơn cư tạp thuật (Khuyết danh) gồm 148 đề mục. “Cách ghi chép cũng gần giống với Vũ trung tùy bút hoặc Tang thương ngẫu lục. Nội dung không tuân theo một thứ tự nhất định nào: khi nói về phong tục tập quán, khi lại bình luận về văn chương, đạo đức, khoa cử, thể chế, và đậm nét hơn cả là những truyện truyền thuyết, dã sử,... tuy vậy tính chất khảo cứu vẫn nặng hơn hẳn cảm hứng sáng tạo. Chúng tôi chọn 11 truyện [...]” [TTK/II, 175]. Sách Công dư tiệp kí (Vũ Phương Đề): “Là tập truyện có tính chất dã sử pha màu thần kì, ghi chép các mẩu chuyện, truyền thuyết về các sự kiện và nhân vật chủ yếu trong khoảng từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII. Phần “Tiền biên” được sắp xếp theo 12 mục lớn, dưới các tiêu đề: thế gia, danh nhân, danh nho, tiết nghĩa, chí khí, ác báo, tiết phụ, ca nữ, thần quái, danh phần dương trạch, danh thắng, thú loại; phần “Tục biên” gồm 9 mục: danh nho, danh thần (có những truyện đã có ở “Tiền biên” nhưng viết lược lại và có bổ sung về chi tiết), dâm từ, mộng mị, tạp kí, tài tử, tiên Phật, thần từ, sơn xuyên” [TTK/II, 9]. Có 22 truyện từ Công dư tiệp kí được chọn vào [TTK/II], như “Thủ khoa mặt đẹp”, “Thượng thư Lương Hữu Khánh”, “Tiến sĩ ăn khỏe”, “Thám hoa được giáng xuống Phù Khê”,...

Ở bài “Thể loại giai thoại” (in trong: Văn học dân gian người Việt - Góc nhìn thể loại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, tr. 423), Kiều Thu Hoạch viết: “Riêng trong các sách Hán Nôm, thì những mẩu chuyện mang nội dung giai thoại được ghi chép khá phong phú, rải rác từ thời Lê đến thời Nguyễn. Trong đó, sách Công dư tiệp kí chẳng hạn, ghi chép khá nhiều giai thoại xung quanh các nho sĩ”.

Điều này cho thấy, đã có sự thiếu nhất quán về quan niệm truyện truyền kì chẳng những ở các bộ sách được cho là có tập hợp loại truyện này, mà còn ở sự nhìn nhận về nó của các nhà nghiên cứu hiện nay. Sự thiếu nhất quán này đã khiến một số truyện được [TTK] chọn tuyển, là truyện cổ tích (như đã dẫn), giai thoại (như “Giữa đồng ép cuộc mây mưa” [TTK/II, 524-526](8)),...

3. Kết luận

Trên đây, là hai lí do nhằm giải thích sự gần gũi và khác biệt giữa truyện truyền kì với truyện cổ tích nói chung, truyện cổ tích thế tục nói riêng. Việc giải thích ấy cũng để phân định giữa chúng. Thật ra, chúng thuộc vào hai bình diện khác nhau, một bên thuộc văn học viết, một đằng thuộc văn học dân gian. Mà mỗi khi đã xác định như vậy, thì điều cần chú ý trước tiên, sở dĩ giữa chúng có những điểm gần gũi là do một số tác phẩm của chúng có cùng một đối tượng (một cốt truyện lưu truyền trong dân gian) để thể hiện. Bấy giờ, có thể dựa vào các đặc điểm và phong cách của mỗi bên về sự thể hiện ấy, để phân định.

Điều quan trọng là tránh đồng nhất hay coi giữa chúng có “đường biên”, bởi với hai thực thể riêng biệt thuộc hai lĩnh vực khác loại, đó là điều không thể. Nói cách khác, cái gọi là phần giao đã nói chỉ là một sự tương ứng về sự việc được đề cập hay phản ánh (chứ không phải cùng đường biên mà có).

T.N  
(TCSH330/08-2016)

--------------------
1. Khái niệm “Truyện cổ tích thế tục” ở đây, tương ứng với “truyện cổ tích sinh hoạt”, “truyện cổ tích  sinh hoạt xã hội”, “truyện cổ tích thế sự”,... Đồng thời, nó là một dạng viết tắt của “Truyện cổ tích  thế tục Việt Nam”, bao gồm truyện cổ tích thế tục của người Kinh, và truyện cổ tích thế tục của  người thiểu số.

2. Yếu tố thần kì gồm ba dạng cơ bản và một dạng kết hợp, như sau:

- Dạng 1:Các đối tượng siêu nhiên và chỗ trú ngụ của họ: Bụt, thần tiên, ma quỷ,...; thiên đình,  thủy cung, địa phủ,...
- Dạng 2:Các con vật, cây cối có tài phép: trăn tinh; đại bàng; con vật biết nói năng, hành động  như người; cây chặt không đứt;...  
- Dạng 3:Các đồ vật có phép lạ: cây đàn thần; búa thần; gậy thần;...
- Dạng 4:Sự kết hợp: a) Kết hợp giữa ba dạng 1, 2 và 3 với nhau: thần tiên biến thành con vật,  cây cối và ngược lại; đồ vật biến thành con vật, cây cối và ngược lại;... b) Kết hợp giữa con người  với ba dạng 1, 2 và 3: người được sinh đẻ và trưởng thành bất thường; người có tài phép như thần  tiên, ma quỷ; người lấy thần tiên, ma quỷ; người mang lốt con vật, cây quả; người hóa thành con  vật, cây cối, đồ vật;...  
Đã là truyện cổ tích thần kì thì phải có yếu tố thần kì, còn truyện cổ tích thế tục thì không có yếu  tố ấy.

3. Tài liệu này chọn truyện từ 21 tập truyện chữ Hán (như: Công dư tiếp kí - Vũ Phương Đề; Lan Trì  kiến văn lục - Vũ Trinh; Vân nang tiểu sử -Phạm Đình Dục;...); 11 tập truyện quốc ngữ (như: Trại  Bồ Tùng Linh -Thế Lữ; Báo oán - Nguyễn Tuân; Nằm vạ - Bùi Hiển;...).  

4. Giao là một khái niệm được dùng khi tìm hiểu về tập hợp (giao của A và B là một tập hợp, gồm  những phần tử thuộc cả A và B); ở đây, được mượn dùng.

5. Theo nguyên chú, bài thơ của Bạch Cư Dị (772-846) chỉ khác hai câu sau: “Hà dĩ Sa Kha lĩnh Thôi  tẩu/ Bích du chàng dẫn hướng Tần Xuyên” (Sao lại như Sa Kha đưa chị họ Thôi đi/ Cờ biếc dẫn  tới đất Tần Xuyên). Các tên Lưu Cương, Lộng Ngọc, Hà cô, Lí lão trong bài thơ phóng tác, đều là  nhân vật thần tiên.  

6. Ngũ Viên (?-484 tr. CN), người đời Xuân Thu; Đào Tiềm (khoảng 365-427), người đời Tấn; Vương  Bá, người đời Đường. Cả ba đều là người hiền tài gặp vận đen, phải tạm ăn nhờ người khác.  

7. Hiếu liêm: chỉ học vị cử nhân (đời Minh và đời Thanh, Trung Quốc, gọi người đỗ cử nhân là  hiếu liêm).

8. Kể việc Nguyễn Công Trứ thuở chưa gặp thời, rất thích một nàng ca kĩ. Ông quảy gánh đi theo  phục vụ việc ca hát của nàng ấy ở khắp nơi. Một hôm, khi nàng ca kĩ cùng ông và một chú bé mang  đàn theo hầu đi ngang qua một cách đồng vắng vẻ, ông vờ bảo quên mang theo dây đàn, khiến chú  bé phải chạy về lấy. Bấy giờ, ông ép nàng vào cuộc mây mưa. Nàng không chống cự nổi đành phải  để mặc ông làm gì thì làm. Lúc ông hành sự, nàng có rên mấy tiếng “ứ hự”, vẻ nửa miễn cưỡng,  nửa bằng lòng. Sau đó, ông tìm đường lỉnh đi. Về sau, Nguyễn Công Trứ đỗ đạt, ra làm quan. Một  lần, nhân ngày sinh nhật của mình, ông triệu các con hát nổi tiếng ở nhiều nơi đến giúp vui. Nàng  ca kĩ ngày xưa cũng đến dự. Nàng nhận ra ông quan chính là anh đầy tớ ngày nào, bèn hát rằng:  
“Giang sơn một gánh giữa đồng/ Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ không?”. Nghe nhắc lại chuyện  xưa, ông nhớ ra, bèn bỏ ra nghìn vàng, cưới nàng làm vợ lẽ. Truyện này được chép ở nhiều tài liệu sưu tập giai thoại, như: a) Trương Chính, Thơ văn Nguyễn Công  Trứ, Nxb. Văn học, 1983, tr. 163 (mục giai thoại); b) Hoàng Ngọc Phách, Kiều Thu Hoạch, Giai thoại  văn học Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr. 190-192; c) Ninh Viết Giao, Văn hóa dân gian xứ  Nghệ - Tập 3: Truyện cười và giai thoại, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012, tr. 537-538;...
  





 

Các bài mới
Các bài đã đăng